Bạn đang đọc Đi Hết Một Đời Anh Vẫn Là Của Em – Miên Man Nỗi Nhớ – Chương 2: 2. Xoài Siêu Văn Ngon Cống Béo
– Em chả thèm.
Miên kiêu căng bĩu môi. Anh Mùi nghe thấy tủi thân khôn xiết. Thực ra tên thật của Mùi là Cao Văn Mùi, nhưng bọn nhóc thích đọc lái đi để trêu ghẹo. Khác với anh, thằng Than không nhớ được họ của mình, nó chỉ biết nó tên Quân, và nó hài lòng với cái tên Lò Văn Than mà em Miên đặt cho nó. Nó giống Mùi, đều thích em Miên nhất nhà. Miên được phong là em út vì em lười ăn, người bé loắt cha loắt choắt như con cá mắm. Sở thích của em là tha lôi đồ người ta bỏ đi đem về nhà chơi, khi thì chú gấu bông nhem nhuốc, khi thì em búp bê tả tơi, có lúc hứng lên em còn lượm cả các anh, ví dụ như anh Than và anh Cống. Em Miên luôn rất có trách nhiệm với những thứ mình nhặt về. Khi chiếc xe ba gác của mẹ Mơ dừng lại ở khu nhà cấp bốn tiều tàn giữa cánh đồng hoang, Miên hối hả chạy vào nhà mượn áo quần của anh Mùi cho anh Cống mặc tạm. Ăn tối xong Miên cho anh Cống mượn bàn chải đánh răng của em. Vì mẹ Mơ chưa mua được gối mới nên em cũng nhường luôn gối của mình cho anh Cống. Cống vô tư nhận lấy rồi đặt lưng xuống chiếc chiếu rách ngủ khì khì hại Than tức xì khói. Than ca thán:
– Nó còn chẳng thèm cảm ơn em kìa, đồ xấu tính.
– Tại anh Cống mệt đó thôi.
– Miên lấy gối của anh mà ngủ này.
Anh Mùi đề nghị, Miên vui vẻ từ chối:
– Không cần, em nằm chung với các chị cũng được.
Dứt lời, Miên nhoẻn miệng cười rúc vào chỗ các chị kể lể chuyện bán hàng. Ngày hôm sau Cống cũng bắt đầu phải đi bán bánh giò, vì là buổi bán đầu tiên nên chị Mơ chỉ giao cho nó nhiệm vụ phải bán hết mười chiếc. Ai ngờ thằng nhỏ ngủ gà ngủ gật cả sáng, trưa dậy chén năm chiếc rồi lại lăn ra ngủ tiếp, ngủ tới ba giờ chiều thấy đói bụng liền chén nốt năm chiếc còn lại. Chị Mơ không thấy nó đem đồng nào về giận tím mày tím mặt, cha bố cái thằng hư hỗn, dùng roi mây quất vun vút mà nó vẫn cứ lì lợm không chịu mở lời xin xỏ. Chị tức mình bắt nó đứng ngoài cổng úp mặt vào tường không cho ăn tối. Đối với Dương Tất Niệm việc đó chẳng khác nào cực hình, bởi vậy nên lúc trông thấy bé Miên lén mẹ đem cơm nắm muối vừng ra dúi vào tay mình ánh mắt cậu bé bất chợt loé sáng. Cũng từ khoảnh khắc đó, Niệm đã ngầm coi bé Miên chính là Nắm Cơm Ngon của đời mình. Ở đâu có Miên, ở đó có đồ ăn. Ở đâu có Miên, ở đó Niệm không bị đói. Niệm vui vẻ nhai ngấu nhai nghiến, Miên dí ngón tay nhỏ xíu của mình vào vết roi quất sưng đỏ trên chân anh, chu môi hỏi:
– Đau hem ạ?
Niệm lắc đầu, Miên tò mò thắc mắc:
– Sao hem đau ạ?
– Hem biết.
Niệm đáp ngắn gọn rồi liếm nốt mấy hạt cơm thừa trên tay, đoạn chum chum hai lòng bàn tay đưa ra trước mặt Miên tỏ ý xin xỏ, ánh mắt rơm rớm hết sức đáng thương. Miên chạy vù vào bếp bốc thêm một nắm cơm nữa, khi trở ra cô bé còn đem theo một xấp tiền đủ loại mệnh giá.
– Mẹ Mơ bảo từ mai anh sẽ đi bán xoài dầm với em. Mẹ bảo anh ăn khoẻ nên phải bán được hai trăm ngàn mới được ăn tối. Anh có biết hai trăm ngàn là như nào không? Là tờ này này… hoặc là hai tờ màu xanh như thế này…
Không những dạy anh Cống cách phân biệt các tờ tiền, Miên còn nhiệt tình chỉ anh cách chào hàng. Tiếc rằng sáng hôm sau anh vẫn chẳng hé răng được chữ nào. Niệm con ngồi lì dưới gốc cây đánh một giấc tít mít, tới giữa trưa ngủ đã mắt rồi mới thèm dậy, lại trúng luôn cái lúc bé Miên mệt quá ngủ thiêm thiếp mất rồi nên thi thoảng khách ghé qua cứ hỏi xoài bán thế nào mới mệt mỏi chứ! Vì cảm thấy nói đi nói lại rất mất sức nên Niệm đã nhanh trí chạy ra sọt rác kiếm tờ bìa cát tông, sau đó mượn bút của bà Lan bán nước vối ở gần đó ghi nhanh giá cả. Miên dặn bán ba ngàn một túi nhưng Niệm không thích thế, Niệm viết:
“XOÀI SIÊU VĂN NGON CỐNG BÉO.
5k/1 túi. Mua 5 túi giá 20k.
Mua 10 túi siêu giảm giá chỉ còn 30k.”
Niệm còn tô hoa lá cành cho tờ bìa thiệt sinh động. Lúc Niệm trả bút bà Lan hỏi ai dạy con viết chữ? Cơ mà Niệm không biết. Niệm cũng không hiểu vì sao mình lại biết viết nữa. Niệm chỉ biết từ đó cứ mỗi lần có khách hỏi giá Niệm có thể lười biếng chỉ vào bảng. Khách hàng người tưởng thằng bé khản tiếng, người lại nghĩ chắc câm bẩm sinh, nhưng tựu chung thấy đứa nhỏ mũi mĩm dễ thương cứ ngồi ăn xoài thun thút cũng thèm theo nên sà vào mua. Vì mua nhiều siêu giảm giá nên ai cũng lấy cỡ chục túi, có chị khách sộp quất cả ba chục túi rồi nhân cơ hội trêu ghẹo:
– Mua ba chục túi có được bẹo má “ông chủ” không?
Niệm con lắc đầu, một tay xoè một tay nắm đặt cạnh nhau tạo thành số năm mươi, chị cười ngất, mua thêm hai chục túi nữa rồi xông tới bấu má Niệm. Cứ như thế đến lúc Miên thức giấc thì Niệm đã bán hết sạch sành sanh rồi. Vì chưa thấy buồn ngủ nên Niệm định kéo Miên vào công viên chơi cầu trượt, cơ mà chưa kịp rủ thì Than đã xông tới ba hoa:
– Ơ Miên bán hàng xong rồi à? Anh cũng vậy, cũng hết trơn luôn rồi. Hai đứa mình đi chơi xích đu đi!
Miên nghe thấy “xích đu” mắt sáng long lanh, phấn khởi gật đầu đồng ý. Sắp sửa bị người ta cướp mất Nắm Cơm Ngon, Niệm con không được vui cho lắm. Niệm níu ống tay áo Miên, bất đắc dĩ phải lên tiếng:
– Miên đi chơi cầu trượt với anh.
Than thấy Cống tranh Miên thì khó chịu kéo Miên ra một chỗ, lén lút nói xấu đối thủ:
– Đừng đi chơi với thằng Cống. Nó béo ú, xấu hoắc à. Đi với nó mất mặt lắm. Đi với người đẹp trai lồng lộn như anh cho mát mặt Miên ạ.
Miên nghe xong liền chạy về chỗ anh Cống, bé phải kiễng chân lên để có thể ghé tai anh mách lẻo:
– Anh Cống ơi anh Than bảo em đừng đi với anh, tại vì anh không đẹp trai ý.
Anh Cống nghe xong không có vẻ gì là tức giận cả, anh cũng chẳng phản đối. Anh chỉ lôi từ trong túi ra một nắm tiền, đoạn cúi xuống ghé tai cô bé, trịnh trọng thầm thì như thể việc gì đại sự lắm.
– Anh không đẹp trai nhưng anh có tiền.
Miên nghe xong lại chạy ra chỗ anh Than hớt lẻo:
– Anh Than ơi anh Cống bảo anh ý không đẹp trai nhưng anh ý có tiền anh ạ.
– Điêu! Nó lấy đâu ra tiền? Đó là tiền hàng phải nộp cho mẹ Mơ mà. Nó mà tiêu về mẹ tẩn chết.
Than cáu ầm, Miên hối hả chạy về bên anh Cống thỏ thẻ:
– Anh Cống ơi tiền bán xoài phải nộp cho mẹ Mơ mà.
– Vẫn còn thừa.
Anh Cống lên tiếng, Miên bẽn lẽn hỏi:
– Nhiều không?
– Nhiều.
– Đủ mua buộc tóc mới cho em không?
– Đủ.
Miên nghe Cống khẳng định thích chí bám theo anh, mặc kệ Than đứng một chỗ buồn thỉu buồn thiu. Giành được Nắm Cơm Ngon khiến cho Thông Văn Cống vô cùng phấn khích, nhưng cậu cũng không hề huênh hoang, chỉ đơn giản quay lại liếc Than rồi cười tủm một cái, một nụ cười sang chảnh vừa nhẹ nhàng duyên dáng vừa đỡ mỏi cơ hàm, mang đậm phong cách Dương Tất Niệm.
– Anh Cống ơi em thích chiếc buộc tóc này.
Nắm Cơm phấn khởi chỉ trỏ, Cống hiền hiền trả tiền mua hẳn một túi buộc tóc nhiều màu cho em. Cậu giúp Nắm Cơm tháo chiếc buộc tóc cũ, thực ra nó chỉ là một chiếc dây chun sờn màu đã dão đến mức sắp đứt luôn rồi. Nắm Cơm hì hụi chia tóc làm hai, thắt bím đuôi sam rồi hí hửng cùng anh Thông Cống đi chơi cầu trượt.
– Anh trượt đi, em xem anh trượt thôi. Em không trượt đâu. Em sợ bị ngã lắm, ngã xong u đầu xấu gái á.
Mọi khi đi chơi với các anh chị Miên ngồi một chỗ xem cũng vui mà, nhưng đi với anh Cống thì khác, anh cứ một mực lôi Miên lên trên cao. Miên sợ chết khiếp, nhưng may mà anh không để Miên trượt một mình. Anh cho Miên ngồi lên đùi anh, tay anh vòng qua ôm bụng giữ cho Miên khỏi hoảng xong rồi anh trượt cùng Miên luôn. Lần đầu tiên Miên còn hơi run run nhưng những lần sau quen rồi bé thích mê, hò reo điên đảo:
– Oa oa oa… thích quá à… gió mát ghê á!
– Em mà biết chơi cầu trượt với anh vui thế này thì em đã đánh rơi tiền xuống cống xong nhặt anh về từ lâu rồi.
Anh Cống cười tủm. Anh Cống rất hay cười tủm nha, nom duyên dáng gì đâu.
– Anh Cống ơi sao anh không bao giờ cười to như anh Than với anh Mùi ạ?
– Cười to mỏi cơ hàm, tốn cơm.
– Vậy à? Vậy thì từ giờ em cũng chẳng thèm cười to nữa. Đỡ mỏi cơ hàm, đỡ tốn cơm, nhỉ anh nhỉ?
Anh Cống tủm tỉm gật đầu, Miên cũng tủm tỉm nhìn anh Cống, ở phía ngoài công viên mẹ Mơ lớn tiếng gọi:
– Miên ơi! Cống ơi! Về thôi tụi con! Sắp mưa rồi!
Dù tiếc hùi hụi nhưng hai đứa vẫn phải xách dép chạy lên xe ba gác cùng các anh chị. Khi những giọt mưa tí tách rơi xuống, Miên ngước đôi mắt trong veo lên nhìn bầu trời tối sầm, cô bé khẽ huých tay Cống, nhí nhảnh hỏi:
– Anh Cống biết em họ gì không? Em họ Mưa đấy! Tên em là Mưa Thị Miên.
– Ơ sao hôm nọ em bảo em tên là Cá Thị Mắm Miên cơ mà? Sao hôm nay lại đổi thành Mưa Thị Miên rồi?
Chị Nhi thắc mắc, bé Miên tỉnh queo đáp:
– Vì em thích thế á.
– Không phải em thích là được. Mỗi người chỉ có một tên thôi. – Chị Chi nhắc nhở.
– Kệ em, em cứ thích đấy. Anh Cống thấy hay không? Anh Cống phải nhớ tên em nhé! Em là em bé Mưa Thị Miên dễ thương xinh đẹp tốt bụng.
Cống gật đầu, tuy Cống thích gọi Miên là Nắm Cơm Ngon hơn nhưng mà thôi, Miên thích như nào cũng được, Cống đang đói nên chẳng buồn tranh luận. Bữa nay Cống nộp đủ tiền nên được mẹ Mơ cho ăn tối. Vừa mới ngồi vào mâm cậu bé đã bốc luôn con cá rô phi rán to bự vào bát mình, cắm đầu cắm cổ ăn liền tù tì. Lúc Cống ngẩng mặt lên cũng chính là lúc cậu bé đối diện với cơn mưa nước mắt.
– Nhi ứ chịu đâu, ứ chịu. Thằng Cống ăn hết cá của Nhi rồi. Nhi bắt đền.
– Chi cũng ứ chịu, Chi thích ăn cơm với cá cơ.
– Cả nhà có mỗi một con cá mà thằng Cống ăn bằng sạch luôn à. Nó tham quá trời. Than ghét nó!
Tụi nhỏ làm ầm lên khiến chị Mơ nhức hết cả đầu, đành phải xuống bếp rán thêm con nữa. Để phòng cái thói chộp đồ ăn nhanh như chảo chớp của thằng Cống, chị đành phải gỡ cá chia đều vào mỗi bát. Riêng thằng Cống đã chén cả con cá to rồi nên nó tất nhiên phải ăn cơm với rau luộc chấm nước mắm. Nom ánh mắt nó buồn thiu con Miên lại ngu dại gắp ít cá của mình chuyển sang. Chị Mơ cằn nhằn:
– Miên gầy trơ xương à, con lo ăn phần của con đi, mặc xác thằng lợn béo, nó không ăn không chết được đâu.
– Ơ anh có tên họ đàng hoàng mà sao mẹ lại gọi anh là thằng lợn béo thế ạ? Anh là anh Thông Văn Cống á!
Miên gân cổ lý sự, chị Mơ nén cười thoả hiệp:
– Được rồi, Thông Văn Cống thì Thông Văn Cống. Con Cá Thị Mắm Miên này nữa, lắm sẹo, mau ăn đi.
– Em Miên đã không còn là Cá Thị Mắm Miên của ngày hôm qua rồi mẹ ạ, em ấy bây giờ là em bé Mưa Thị Miên dễ thương xinh đẹp tốt bụng, phu nhân tương lai của Chủ tịch Lò Văn Than phong độ ngút ngàn đó mẹ.
Thằng Than ba hoa, chị Mơ mệt mỏi kết luận:
– Rồi, tôi biết rồi, Chủ tịch Lò Văn Than và phu nhân Mưa Thị Miên mau ăn cơm đi cho tôi nhờ.
Khổ, có mỗi thìa cơm mà chúng nó ngậm mãi mới xong, chẳng bù cho thằng Cống tác phong nhanh nhẹn dứt điểm ba bát trong tích tắc, chị mà không lườm khéo nó lén xúc thêm bát thứ tư ấy chứ. Bé Cống ăn no ngủ kỹ thành ra lúc nào hai má cũng phúng pha phúng phính dễ ghét vô cùng. Bởi vậy nên những ngày sau đó tuy cùng đi bán xoài dầm nhưng Miên phải lang thang nơi này nơi nọ mời mọc mỏi miệng, còn Cống chỉ ngồi một góc vỉa hè thu tiền.
– Nghe đồn mua nhiều là được bẹo má hả ông chủ?
Bẹo má có gì vui mà người ta hỏi hoài vậy nhỉ? Cảm thấy mệt mỏi hết sức, Cống lười biếng ghi lên tấm bìa:
“20k/1 lần bẹo má.”
Làm giá cao như thế rồi mà đôi gò má đáng thương của Cống béo vẫn bị giày xéo đến đỏ rực. Thậm chí có những lúc cậu bé đang ngủ khì khì cạnh mẹt xoài mà khách vẫn cố ý bỏ lại hai mươi ngàn rồi bẹo má nó một cái mới chịu đi. Cống béo giật mình tỉnh giấc, rồi lại phớt đời ngủ tiếp. Ngủ chán thì dậy vơ tiền khách để lại trong mẹt bỏ vào túi quần, cuộc đời bán xoài dầm của nó âu cũng hết sức nhàn nhã. Chị Mơ đứng từ xa nom thằng nhỏ ngáp ngắn ngáp dài thì tủm tỉm cười thầm, bé Miên thấy mẹ lăng xăng chạy ra nộp tiền. Chị đưa lại năm chục ngàn cho con bé, dặn dò:
– Giờ mẹ lên phố trên đón anh Mùi, chị Chi và chị Nhi. Miên cầm tiền chạy ra hàng tạp hoá bày ở vỉa hè đằng kia mua gối và bàn chải đánh răng mới nhé, lát mẹ quay lại đón ba đứa tụi con!
– Dạ… anh Cống ơi đi mua đồ với em…
Miên gào rõ to, anh Than còn gào to hơn:
– Đừng! Đừng đi với nó! Đi với anh Than đẹp trai nè! Bữa nay anh Than vừa đẹp trai vừa có tiền.
Than hí hửng hươ hươ tờ hai mươi ngàn còn dư sau khi đã nộp đủ tiền bán hàng cho mẹ Mơ. Miên khó xử liếc anh Cống. Cống ưu tư nhìn Than rồi lại nhìn tờ hai mươi ngàn mới cứng của Than, thật thà đồng tình:
– Công nhận, nó vừa đẹp trai vừa có tiền… còn anh…
Hai tay Cống xỏ vào hai túi quần, lôi ra hai xấp tiền lẻ dày cộp, thở dài thườn thượt ca thán:
– Anh xin lỗi… anh chẳng có gì ngoài rất nhiều tiền.
Miên thấy anh Cống ưu tư thì vội vã xua tay bảo:
– Anh không cần phải xin lỗi Miên đâu ạ. Có rất nhiều tiền đâu phải lỗi của anh đâu.
– Ừ nhỉ? Giàu đâu phải cái tội đâu nhỉ?
Niệm con trầm tư hỏi, Nắm Cơm của cậu bé gật gù:
– Đúng rồi anh ạ. Mình đi thôi anh, em cũng chẳng cần gì ngoài rất nhiều tiền cả.
Có rất nhiều tiền thật tốt, Miên mua được một đống đồ hay ho. Sau bữa tối Miên lôi truyện tranh ra phát cho anh Mùi, anh Than, lôi vòng tay xinh ra phát cho chị Chi, chị Nhi rồi đưa gối và bàn chải đánh răng mới cho anh Cống. Mẹ Mơ thấy Miên tồ quá liền lắc đầu cười khổ. Cái con ngốc này nữa, nó cứ xài đồ mới rồi để thằng Cống dùng gối và bàn chải đánh răng cũ của nó cũng có sao đâu mà. Mẹ thở dài hỏi:
– Miên lấy đâu ra lắm tiền mua đồ thế?
– Là tiền bán hàng dư của thằng Cống đó mẹ. Nó dám giấu không đưa hết tiền cho mẹ đấy, nó hư quá mẹ nhỉ? Mẹ đuổi nó đi luôn đi mẹ!
Than mách lẻo, thực ra mẹ Mơ biết thi thoảng các con có tiền dư, nhưng nghĩ bụng mình cũng thu kha khá tiền của tụi nó rồi nên thôi chỗ đó mẹ không quản. Mẹ trêu Than:
– Bữa nay dư hai mươi ngàn con cũng đâu có đưa cho mẹ đâu, mẹ đuổi luôn cả con được không?
– Cũng được, vậy Lò Văn Than con đây và phu nhân Mưa Thị Miên xin phép cáo từ mẹ Mơ.
Dứt lời, Than kéo tay em Miên lôi đi. Mấy bữa nay Miên cứ tíu tít bên thằng Cống hại Than cáu quá trời.
– Anh sẽ đưa Miên cao chạy xa bay đến nơi chân trời mới, một chốn bồng lai tiên cảnh chỉ có riêng hai đứa mình.
Ở một nơi mà thằng Cống không bao giờ có thể tìm thấy tụi nó được. Than đang chìm đắm trong sự sung sướng thì chị Chi bĩu môi dè bỉu:
– Xạo. Chẳng có nơi nào như thế cả.
– Sao lại không có? Ở trên mây đó! Em sẽ đưa Miên lên trên đấy, ngày ngày tụi em sẽ cùng nhau cưỡi mây thưởng đào, chị mà không tin đến lúc đó tụi em nhả hạt trúng trán chị sưng vù, xong chị bị xấu gái á.
Chị Chi nghe tới từ “xấu gái” thì rơm rớm nước mắt, rối rít van xin bé Than tha cho mình. Em Miên sợ độ cao nên chẳng ham cưỡi mây thưởng đào, em sợ đến lúc sểnh chân em bị rơi tõm xuống dưới trần gian anh Than gầy gò không đỡ được em lại ngã sưng mõm xong bị xấu gái thì chớt. Em rối rít từ chối rồi chạy vào trong nhà nịnh anh Mùi đọc truyện tranh cho em nghe. Anh Than đành phải gác lại kế hoạch du ngoạn bốn phương để bám theo Miên. Tiếc rằng, anh Mùi không biết đọc. Cả năm đứa trẻ mới được dạy nhận mặt tiền, đếm tiền và cách thối tiền thừa cho khách thôi chứ chưa đứa nào được dạy đọc chữ.
– Bảo thằng Cống đọc cho, nó viết được cái bìa giá xoài chắc nó cũng biết đọc rồi đấy.
Mẹ Mơ lên tiếng, Miên hí hửng năn nỉ anh Cống. Cống lười biếng lắc đầu, đọc quyển truyện dài như thế thì mỏi hết cả mồm mất à? Nằm vắt chân chữ ngũ trên giường tóp tép vài củ lạc rang có phải sướng đời hơn không? Miên tiu nghỉu, Than giật quyển truyện trên tay Miên, nhiệt tình bảo:
– Thôi để anh đọc cho.
– Ơ sao tự dưng em lại biết đọc hay vậy?
Nhi thắc mắc, Than bao biện:
– Thì em vừa thi triển phép thuật hấp thụ năng lực của đất trời chứ sao? Có thế mà chị cũng phải hỏi.
– Ừ. Vậy đọc đi.
– Đây… đọc đây… tranh này vẽ Mi Mi Công chúa, còn đây là Tha Tha Hoàng tử đang chiến đấu với quái vật Cô Cô để giải cứu Công chúa. Đây là một con quái vật khổng lồ vô cùng gian ác với hai ngàn năm linh lực!
– Eo ui sợ thế!
Miên khẽ run lên rồi nép vào người Than, hình ảnh đó vô tình đập vào mắt Cống, khiến cho Cống ngay lập tức phải bật dậy như lò xo. Ơ hay! Nắm Cơm Ngon của Cống sao có thể e ấp bên người khác? Ơ buồn cười nhỉ? Ơ như thế là không được! Không thể được! Cống vội vàng vét những viên lạc còn sót trong chiếc đĩa bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến rồi nhảy xuống dưới giật lấy quyển truyện Than đang cầm đọc to, rõ ràng, rành mạch. Truyện thật hiển nhiên hay hơn truyện bịa, cả lũ nghe như nuốt từng chữ một, ngay cả bé Than cũng quên khuấy luôn việc bị chị Nhi dè bỉu không biết đọc mà còn tinh tướng. Chẳng biết từ lúc nào mấy đứa chúng nó đã sấn lấy Cống, say sưa chìm đắm trong thế giới cổ tích hoàn mỹ. Cống đọc hay đến nỗi Nhi hùng hổ tuyên bố:
– Miên ơi chị cho em anh Có Văn Mùi đấy, từ giờ chị xí anh Thông Văn Cống.
Miên bĩu môi, bữa trước chị còn gọi anh Cống là thằng mặt lợn, bữa nay đã đổi cách xưng hô ngọt xớt. Ghét! Đợi tới lúc các anh chị ngủ thiu thiu rồi Miên mới bò tới bẹo má đánh thức anh Cống, ghé tai anh thầm thì:
– Anh Cống ơi Miên cũng muốn xí anh ý.
Anh Cống mền mệt hé mắt rồi chau mày đăm chiêu, Miên thêm nếm:
– Anh đừng dại mà cho chị Nhi xí anh. Tính chị ý thất thường lắm, mỗi lúc lại thích một kiểu. Còn Miên thì khác á, Miên đã xí cái gì thì sẽ xí mãi mãi luôn.
– Thật à? Vậy anh có được xí Miên không?
Anh Cống hỏi, Miên gật đầu, bé bảo:
– Vậy mình ngoắc tay đi. Em và anh xí nhau, sau này có truyện hay anh Cống phải đọc cho em nghe nhé!
– Được, ngoắc tay. Sau này có đồ ngon Miên cũng phải mang cho anh ăn đấy!
– Nhất trí! – Nhất trí!
Hai đứa đồng thanh rồi ngoắc tay rõ chặt, và bọn nó đã xí nhau như thế đấy! Ríu rít đêm khuya để rồi sáng hôm sau đứa con trai vừa được mẹ Mơ thả xuống khỏi xe ba gác đã tìm gốc cây râm mát đánh một giấc khò khò, đứa con gái thì không ham ngủ như thế, nó để mẹt xoài dầm lên chiếc xe kéo nhỏ xinh bằng gỗ rồi tung tăng đi khắp các ngõ ngách bán hàng. Miên thích vào những con phố có những ngôi nhà bự thiệt bự, có những chiếc xe đẹp thiệt đẹp, nó thường đứng ngoài cổng, ngẩn ngơ ngắm nghía mãi mà không biết chán.
– Con tìm ai à?
Chị Hoài thấy đứa con gái nhỏ xíu cứ ngó ngó nghiêng nghiêng nhòm vào vườn hoa nhà mình thì chạy ra hỏi han. Con bé chu miệng đáp:
– Con đâu có tìm ai đâu cô, thấy nhà cô đẹp nên con ngắm xíu thui. Con bán xoài dầm. Cô ăn hem? Có mỗi ba ngàn một túi thôi cô ạ, ăn vào ngon hết cả miệng ý.
Tuy nhà có cây xoài sai trĩu quả nhưng thấy bé mồm miệng xoen xoét dễ ghét quá nên chị vẫn mua chục túi, chị rút ra tờ năm trăm ngàn đưa cho cô nhóc.
– Nè… cô Hoài cho… khỏi thối lại.
– Dạ, con cảm ơn cô Hoài ạ.
Nhìn con nhóc nhoẻn miệng cười quay đi chị Hoài lại nhớ Niệm con khủng khiếp. Thằng mất nết, lần nào theo ông nội đi chơi tít mù tắp cũng quên béng luôn con mẹ này. Cả ba chồng chị cũng thế, thi thoảng lén đưa thằng bé ra nước ngoài rồi gọi điện về làm bộ làm tịch hỏi chị nó đâu rồi chứ? Có lần chị ngu bị mắc lừa, tưởng con bị kẻ xấu bắt cóc xong sợ tím tái mặt mày. Bây giờ thì chị quen rồi, lúc ông nội gọi về đòi gặp Niệm chị chỉ thản nhiên bảo:
– Lần sau ba đưa Niệm con đi chơi thì ba phải gọi điện xin phép cô giáo nhé. Cứ để cô gọi đến nhà hỏi sao Niệm con hay nghỉ học thế làm con xấu hổ hết cả người.
Ở đầu dây bên kia ông Nhất tức lộn tiết, chắc Hoài ghi hận mấy lần trước ông trêu nó nên lần này mặc ông giải thích rát cổ bỏng họng rằng Niệm con không theo ông ra nước ngoài Hoài vẫn cứ nhơn nhơn giả ngu không cho ông gặp thằng bé. Nhớ cháu trai cồn cào ruột gan, ông cố thu xếp công việc để về nước sớm nhất có thể. Việc đầu tiên của ông khi vừa về đến nhà là hớt hải gọi Niệm con. Chị Hoài ngồi vắt vẻo trên chiếc võng mắc ngoài vườn, chị đưa tay nhờ chồng sơn móng hộ rồi chẹp miệng nhận xét:
– Gớm ba dân kinh doanh mà diễn kịch y như thật. Giả bộ cuống quít gọi Niệm con để doạ tụi mình đây mà.
Chồng chị ngước lên nhìn ba, gật gù đồng tình:
– Công nhận, nom ba hốt hoảng kìa, làm như thằng bé bị mất tích mấy ngày rồi không bằng.