Bạn đang đọc Đi Hết Một Đời Anh Vẫn Là Của Em – Miên Man Nỗi Nhớ – Chương 4: 4. Bữa Nào Dẫn Về Ra Mắt Cái Coi!
– Nó không cần nhưng anh cần Miên ạ. Miên luộc trứng cho anh ăn cả đời nha Miên.
Anh Than tỉ tê, anh Mùi cũng hí hửng xin xỏ, Miên ngây thơ gật đầu đồng ý. Ba đứa chạy vào nhà uống tạm cốc nước cho đỡ khát rồi lại bận rộn chạy đi kiếm Dương Tất Niệm, để lại Thông Văn Cống đứng trơ trọi một chỗ, buồn thối ruột thối gan. Em Chi thấy vậy liền vào trong bếp lấy ra hẳn một xâu bánh tẻ trong chiếc rổ tre đem ra hối lộ.
– Chi cho anh Cống nè. Chi cũng biết chỗ hái măng đấy.
Thông Văn Cống mắt sáng long lanh, chỉ trong thoáng chốc đã chén sạch cả xâu năm chiếc bánh tẻ Chi vừa đưa, no nê rồi cậu bé hí hửng cầm bao tải và con dao nhỏ theo em lên rừng hái măng. Mỗi khi thu hoạch được một đọt măng non Cống lại quay sang nhìn Chi cười khoái trá. Chi thì càng ngày càng hâm mộ anh quá trời quá đất.
– Nhất định sau này Chi sẽ trở thành cô gái kim cương trong phường hái rau để được xí anh Cống. Em cũng sẽ học cách luộc trứng ngon gấp vạn vạn tỷ tỷ lần Miên.
Chi thỏ thẻ. Miên thì vẫn đang mướt mải mồ hôi để tìm anh Niệm. Ba đứa nhỏ đã tìm hết các cống rãnh có thể, thậm chí còn mò lên lò than cách nhà nửa cây số nhưng vẫn chả thấy bóng dáng nào mập mạp đúng như miêu tả của hai chị dẫn chương trình cả. Lúc tụi nó nhọc quá rẽ về nhà uống nước đợt hai, chị Mơ vừa sửa xong mái bếp đi xuống dưới bắt gặp ba đứa con đứa nào đứa nấy mặt đen nhẻm, lè lưỡi thở hồng hộc như chó cảnh thì ngạc nhiên hỏi:
– Tụi con vừa chui ở cái xó nào ra đấy?
Nghe chúng nó thi nhau kể lể chị cười ngất.
– Tụi con ngốc ạ, thằng nhỏ đó nhà nó trên thành phố cơ mà, nếu có đi lạc thì cũng ở khu vực quanh đấy thôi chứ mò về cái xó này làm gì?
Ừ nhỉ? Mùi, Than ngớ người. Miên tự nhủ mấy hôm nữa về thành phố sẽ tìm anh Niệm hộ cô Hoài sau, còn bây giờ rảnh em sẽ dắt anh Cống đi hái măng vậy.
– Anh Cống ơi anh Cống ra đây Miên bảo nè!
– Anh ý lên rừng với cái Chi rồi.
Nhi lên tiếng, đoạn nó tiếp tục cúi xuống chăm chỉ giã những cánh hoa đào mà bà Mận đã phơi khô để làm phấn đánh má hồng. Sau đó nó dùng mỡ lợn tỉ mẩn bôi vào đôi môi nhỏ xinh cho bóng lộn lên rồi xuống bếp thó cục than đã nguội, hì hụi quết qua hàng lông mày và lông mi mỏng tang. Xong xuôi, con nhỏ gài đoá hoa râm bụt lên mái tóc tơ, hớn hở chạy ra ngoài cổng, e thẹn đứng đợi anh Cống. Miên cũng ra đây từ lúc nào, có điều, so với sắc đẹp kinh hoàng của nó, gương mặt mộc của Miên bị lu mờ ghê quá. Chẳng biết có phải vì thế mà khi vừa mới thấy anh Cống cõng Chi về, Miên đã biết thân biết phận lủi vào trong nhà hay không?
– Khiếp Chi ơi, Chi béo múp ra chứ có phải gầy gầy xương xương như em Miên đâu mà điệu đà bắt nạt anh Cống. Tội nghiệp anh, vừa cõng Chi vừa phải kéo tải măng to bự về nhà. Nhi thương anh quá đi á.
Chi bị Nhi chỉ trích chạnh lòng trèo xuống khỏi lưng Cống, Nhi thì vừa nhìn anh vừa chớp chớp mắt làm duyên. Ngặt nỗi, Cống chả buồn để ý, thứ cậu bé quan tâm nhất hiện tại là đem măng vào bếp đưa cho mẹ Mơ. Ngoài món măng nướng ra mẹ Mơ còn làm thêm đĩa măng xào tóp mỡ, thịt bò gác bếp xé sợi nộm đu đủ và một nồi canh sấu thịt băm. Bà Mận giúp con gái làm chẩm chéo, Cống nhìn chằm chằm bà Mận không rời, ánh mắt bé con hau háu, khuôn miệng chúm chím thòm thèm. Ngồi hóng mỏi mòn mới tới giờ ăn cơm, Cống như tên lửa phi vào mâm, ra sức gắp lấy gắp để. Thì ra chẩm chéo là một thứ nước chấm của núi rừng, thơm ngào ngạt, măng nướng chấm cái thứ đó nhai trong miệng sướng tê người. Chi ngồi bên cạnh huých tay Cống làm nũng:
– Lúc nãy Chi vào rừng xong bị kiến đốt chân đau ơi là đau á, xong giờ cái đau nó lan lên tay mất tiêu rồi.
Cống thở dài ngó sang, khổ thân Chi đưa Cống đi hái măng mà giờ bao nhiêu thức ăn ngon không được thưởng thức. Thấy tội nghiệp cô bé nên từ đó Cống gắp món gì cũng gắp hai gắp, một gắp cho Cống, một gắp cho Chi. Chi sướng rơn, Nhi ngấm ngầm lườm nguýt. Miên không lườm nhưng bị tủi thân vô hạn, cô bé giận dỗi bảo:
– Em ứ bao giờ thèm luộc trứng cho anh Cống nữa.
– Anh Cống cũng đâu cần em luộc trứng đâu? Ban nãy anh ý bảo chả cần rồi còn gì? Nhỉ anh nhỉ?
Chi hỏi, Cống đang mải ăn nên gật đầu đại. Mặt em Miên lúc bấy giờ còn đen hơn cả mặt anh Cống ban nãy, em xị mặt làm mình làm mẩy:
– Em… em… em cắt xoẹt anh á!
Phần vì Miên nói hơi nhỏ, phần vì Cống đang mải cảm nhận vị béo ngầy ngậy, ngon ngất ngây của tóp mỡ nên cậu bé chẳng để ý em Miên hờn mình. Buổi chiều mẹ Mơ đưa tụi nhóc về thành phố, Cống mải ngủ trên xe nên cũng không nhận ra em bị ấm ức. Tối hôm đó Cống vẫn tiếp tục ăn no ngủ kỹ, phải đến sáng hôm sau đi bán hàng, thấy Miên cười hơi nhiều với Than Cống mới giật nảy mình.
– Miên! Quay lại đây với anh! – Cống gọi.
– Hem quay!
Miên đanh đá đáp trả rồi rủ Than đi tìm Niệm. Than quay lại nhìn Cống, cười cợt trả đũa. Chỉ là, đó không phải là một nụ cười tủm đỡ tốn cơm, đó là một tràng cười to, vang dội, giòn giã và đầy đắc thắng.
– A HA HA HA… A HÊ HÊ HÊ… A HI HI HI…
Miên rất mong anh Cống chạy theo dỗ dành mình, tiếc rằng anh lại lười biếng ngồi dưới gốc cây hóng mát. Miên giận dữ bỏ đi luôn, Chi xông tới chỗ Cống bắt chuyện:
– Anh Cống ơi em vừa nhặt được tờ giấy vẽ anh Niệm này. Nom anh Niệm giống anh dã man luôn ý.
Thông Văn Cống liếc qua tờ rơi tìm trẻ lạc. Công nhận thằng nhỏ này mập y hệt cậu luôn. Tất nhiên Cống không biết đó chính là hình mẹ vẽ mình, nhóc con đọc dòng nhắn gửi bên dưới, đại loại là nếu ai biết Dương Tất Niệm ở đâu thì làm ơn liên lạc với ba Dương Nhất Niệm và mẹ Phạm Thu Hoài của bé. Dương Nhất Niệm? Phạm Thu Hoài? Hai cái tên này từng xuất hiện trên đài rồi, nhưng lúc đó Cống còn đang thèm ăn nên chẳng để ý, giờ rảnh rỗi có thời gian để suy tư mới thấy quen quen! Hai anh chị này ly hôn chưa nhỉ? Ơ? Mà sao cậu biết họ ly hôn?
– Anh không nhớ anh là con nhà ai à? Còn em thì vẫn nhớ ba mẹ em đấy. Ba em chơi bạc thua, nợ nần chồng chất nên trốn đi rồi, mẹ em cũng trốn đi theo chú khác luôn. Trước khi đi mẹ đưa em ra chợ, kêu đứng đó đợi dì Hằng tới đón, mà em đợi hoài, đợi mãi chả thấy dì đâu. Thế xong em gặp được mẹ Mơ, em theo mẹ về nhà.
Chi tâm sự, Cống vẫn đăm chiêu với những băn khoăn trong đầu mình cho tới khi Chi reo lên:
– Ơ… ơ kìa… cái xe dài dài nom thích chửa? Hồi xưa dì Hằng khoe với em dì trông thấy con xe dài như cái chuồng lợn mà em không tin, tưởng dì xạo.
Thông Văn Cống giật mình nhìn theo hướng chỉ của Chi, sao trông chiếc xe quen thế? Hình như cậu được ngồi trên chiếc xe đó rồi thì phải? Những thắc mắc không lời giải đáp khiến Cống rất khó chịu. Cậu bé dặn Chi trông hàng rồi tò mò đuổi theo chiếc xe. Vì đường đang tắc nên xe di chuyển khá chậm, rất nhanh sau đó nó dừng lại ở một quán ăn sang trọng. Hình như Cống từng vào ăn ở quán này rồi? Người đàn ông vừa bước xuống khỏi xe… hình như người đó từng ngồi ăn cùng Cống… người đó còn nắm tay dạy Cống viết chữ… cõng Cống trên lưng…
Hàng loạt những ký ức dồn dập đổ về, Cống bị ngẩn người một lúc. Rồi sau đó, cậu bé chạy vọt vào trong quán theo người đàn ông kia, mừng rỡ gọi ầm ĩ:
– Ông nội! Ông nội ơi! Niệm con nè ông nội! Ông nội mau gọi đồ ăn ngon cho Niệm đánh chén với!
Dương Ngọc Nhất sững người, lúc ông quay lại Dương Tất Niệm còn cười tủm một cái lấy lòng ông nội hại ông chảy cả nước mắt. Thằng khỉ ho cò gáy này nữa! Ông sắp phát điên vì nó rồi mà nó còn cười được à? Ông vội nhắn tin thông báo cho Niệm ba. Đề phòng Niệm con lại bị mất tích thêm lần nữa, ông ngay lập tức lấy điện thoại ra chụp liên hồi. Thằng quỷ con! Cả nhà khô héo gầy rộc vì nó mà hình như nó chẳng mất lạng mỡ nào thì phải?
– Người ta ứ thích chụp ảnh.
Niệm con khó chịu cằn nhằn, ông nội nịnh nọt:
– Ui trụi ui, ông thương, ông xin. Ông muốn gửi ảnh của Niệm tham dự cuộc thi “Bé Khoẻ Bé Đẹp” thôi mà.
– Ứ thi.
– Nhưng mà ai được giải Nhất sẽ được tặng một nồi lẩu hải sản siêu cay khổng lồ, không thi thì phí à?
Công nhận, phí quá đi ấy chứ! Một nồi lẩu khổng lồ thì ăn bao giờ cho hết? Chắc phải rất lâu đó! Niệm đăm chiêu suy nghĩ rồi nghiêm túc dùng hai ngón tay bụ bẫm chỉ vào hai bên má phúng phính, chau mày hỏi han:
– Ông nội đã “zoom” vào hai chiếc má bầu bĩnh siêu cư te phô mai que nè chưa?
– Ông nội “zoom” rồi ạ. – Ông Nhất đáp.
– Thế còn đôi mắt híp duyên dáng nè, liệu có bị lãng quên không vậy? Cả nụ cười tủm đầy sang chảnh nữa?
– Dạ, không đâu ạ.
Vậy thì tốt! Giải Nhất chắc luôn! Ăn nồi lẩu khổng lồ là chuyện sớm muộn thôi. Dương Tất Niệm phấn khởi ghê lắm, nhưng cậu bé vẫn mặc cả:
– Thi xong ông nội phải xoá ảnh của Niệm đi cơ.
Ông nội gật đầu, tuy nhiên đó là cái gật đầu giả dối. Tự dưng ông thấy mình hèn chẳng kém gì Niệm ba và Hoài. Mà đấy, vừa nhắc tới tụi nó thì tụi nó lao liền vào quán, sống mũi Niệm ba hơi đỏ nhưng thằng bé vẫn kiểm soát được cảm xúc, chỉ khẽ đưa tay xoa đầu Niệm con. Hoài thì kiểu như bị bùng nổ, vừa ôm con vừa gào khóc:
– Niệm ơi những ngày qua con đi đâu vậy con? Con có biết mẹ lo cho con thế nào không? Con mà làm sao thì mẹ sống sao nổi hả con? Sao con ác với mẹ thế hả? Con muốn doạ mẹ chết khiếp con mới vừa lòng à?
Nửa mừng nửa giận, chị Hoài đưa tay vỗ mông con đen đét. Niệm chả thèm khóc, ngược lại còn tò mò hỏi:
– Ơ ba Nhất Niệm và mẹ Thu Hoài đi cùng nhau ạ? Hai người không thèm ly hôn nữa à?
– Không, ba mẹ không ly hôn nữa.
Chị Hoài tức tưởi trả lời, Niệm lại hỏi:
– Thế là lại thương nhau rồi à?
– Ừ, thương nhau rồi.
– Thương thật không? Thơm nhau cái coi!
Niệm giở giọng ông cụ non yêu cầu, chị Hoài bực mình bẹo má thằng nhỏ mắng mỏ:
– Thơm thơm cái con khỉ! Rốt cuộc những ngày qua con ở đâu? Có ăn no ngủ kỹ không? Con nói mẹ nghe!
Ơ mẹ Hoài không đọc mẩu giấy Niệm con để lại à? Thắc mắc nhiều mệt ghê! Cơ mà vì hạnh phúc gia đình, Niệm con bất đắc dĩ phải bịa chuyện:
– Niệm con bị bắt cóc mẹ Hoài ạ. Kẻ xấu bịt một chiếc mặt nạ màu đen, nó vác Niệm chui ra khỏi bờ rào. Niệm gặp rất nhiều nguy hiểm chết người. Rất may mắn là Niệm vẫn chưa chết và trốn về được, nhưng nếu lần sau ba mẹ còn tính chuyện ly hôn thì Niệm sẽ không về nữa đâu.
– Là ai? Ai dám bắt cóc Niệm con của mẹ? Lũ mất nết! Không lo làm ăn lại đi gây chuyện thất đức. Mẹ mà bắt được mẹ băm vằm hết lũ chúng nó.
Niệm ba bật cười, bà xã gặp con xúc động quá thành ra nó nói láo cũng chẳng phân biệt được. Vác được thằng nhỏ này chui qua bờ rào cũng vã mồ hôi hột chứ đùa à? Chưa kể thằng bé có biệt tài vừa gặm sườn nướng vừa nhả xương nựng chó. Chó thấy cậu chủ bị công đi không sủa inh ỏi lên mới lạ. Không khéo Niệm con tự bắt cóc chính mình cũng nên. Khả năng cao là thời gian vừa qua ông tướng này mải quấn quít bên em gái nào có đồ ăn ngon, ăn chực nhà người ta giờ mới thèm mò về nhà. Tuy nhiên ba tha không phạt bé, ba chỉ thơm nhẹ lên trán mẹ rồi nghiêm mặt dặn dò:
– Thưa anh là tụi tôi thương nhau lại rồi, đề nghị anh lần sau không bất cẩn để bị bắt cóc nữa, hiểu chưa?
Niệm con sợ sệt vâng dạ, còn một câu nữa Niệm ba chỉ nói thầm với riêng Niệm con:
– Còn một lần nữa thì bầm mông.
Niệm con theo phản xạ hoảng hốt đưa tay xuống bảo vệ đôi mông béo mầm, ra sức gật đầu. Ba thấy bộ dạng cuống quít của Niệm thì cưng hết sức, ba vòng tay qua ôm Niệm cùng mẹ, bâng quơ hỏi han:
– Em ấy xinh không?
– Em nào cơ? – Niệm ngơ ngác hỏi.
– Cái em mà Niệm con ăn chực ở nhà người ta ý!
Ba thản nhiên đáp, Niệm con giật thót mình.
– Uầy! Sao ba biết?
– Vì ba là Niệm ba. Thế nào? Vừa xinh lại vừa biết nhường đồ ăn ngon cho Niệm chứ gì?
Niệm xấu hổ gật gật, ba vẫn không tha:
– Tên gì?
– Nắm Cơm Ngon… à không… đó là tên Niệm đặt. Tên thật của em là Mưa Thị Miên. Em là em bé Mưa Thị Miên dễ thương xinh đẹp tốt bụng ba ạ.
– Tên hay vậy cơ à?
– Dạ.
– Dạ dẫm gì? Bữa nào dẫn về ra mắt cái coi!
Niệm ba chọc ghẹo, Niệm con không biết Niệm ba trêu, cậu bé tưởng “dẫn về ra mắt” chỉ đơn giản là dẫn em Miên về nhà cho ba coi tận mắt xem em ý xinh thế nào nên ngả đầu vào vai ba, xị mặt làm nũng:
– Không có sức mà dẫn ý.
– Ghê! Thế như nào mới có sức?
Niệm ba chau mày thắc mắc, Niệm con thở dài bảo:
– Phải được ăn no cái đã.
Chị Hoài nãy giờ hóng hớt ba con nhà nó thì thọt cũng hiểu được phần nào vụ việc Niệm con bị mất tích. Cái gì mà kẻ xấu bịt một chiếc mặt nạ màu đen? Cái gì mà nguy hiểm chết người? Thằng mất nết! Chạy theo gái ăn chực hại con mẹ này lo sốt vó lên mà lúc trở về vẫn mặt dày chém gió được!
– Con giỏi lắm Niệm ạ. Lát về nhà tha hồ ăn lươn.
– Thật á? Chả lươn nướng hả mẹ Hoài?
Niệm mừng rỡ hỏi lại, thái độ nhởn nhơ của bé hại mẹ Hoài tức nghẹn. Ông Nhất tủm tỉm vẫy Niệm sà vào lòng ông ngồi để cùng nhau gọi món. Vợ ông điều hành quán ăn này khá tốt, nãy giờ khách đông quá trời, nhân viên chạy tới chạy lui toát mồ hôi hột nhưng bọn nhỏ vẫn tươi cười vui vẻ. Chị Hoài đang bực nhưng nom Niệm con vô tư đánh bay cả mẹt xôi gà ánh mắt chị dần trở nên ấm áp. Lâu lắm rồi mới được ngắm cái miệng chúm chím xinh xinh kia, lòng chị vui vẻ lạ thường. Buổi tối đợi bé ngủ chị lén lút nằm xuống cạnh nó, chu môi hôn con rồi chụp thật nhiều hình tự sướng cùng thằng nhỏ. Lần này kể cả ba Nhất có chửi chị cũng sẽ kiên quyết giữ hình để phòng trường hợp bất trắc. Sáng hôm sau lựa lúc Niệm kêu đói chị nhẹ nhàng khuyên nhủ:
– Mẹ làm cơm nắm ngon cho Niệm con rồi đấy, lát ăn xong mẹ chở Niệm đi mẫu giáo nha. Niệm không được trốn học nữa đâu, trốn học nhiều cô giáo phàn nàn hại mẹ Hoài muối hết cả mặt ý.
Muối hết cả mặt thì mặn chết à? Mặn vậy Niệm ba thơm sao nổi? Rồi nhỡ Niệm ba đi thơm cô khác thì sao? Thì Niệm ba và mẹ Hoài lại đòi ly hôn cho coi! Đến lúc đó kiểu gì hạnh phúc gia đình chả trên bờ vực tan vỡ. Những đứa trẻ sống trong một gia đình đổ nát thì sẽ không bao giờ có cơm ngon để ăn đâu, Niệm ba từng bảo Niệm con vậy đó, thế cho nên Niệm con luôn nỗ lực hết sức để gìn giữ mái ấm này. Cậu bé ngoan ngoãn gật đầu đồng ý với mẹ rồi bốc cơm nắm ngon đưa lên miệng nhai chóp chép. Ăn gần hết nắm cơm thứ năm Niệm mới chợt nhớ tới Nắm Cơm Ngon của mình. Chả biết em đã tìm được thằng Niệm để mà dành cả cuộc đời luộc trứng cho nó chưa nữa? Ơ? Niệm chính là thằng Niệm mà? Ơ? Hay nhỉ? Niệm đây mà! Niệm con mẹ Hoài đang ở nhà đây rồi mà! Ôi! Tội nghiệp em Miên cứ đi tìm Niệm hoài. Đáng nhẽ Niệm phải nhớ ra chuyện này sớm hơn mới phải. Niệm lắc đầu thở dài, có trách thì trách mẹt xôi gà ông Nhất gọi ra ngon quá ý, hại Niệm ăn xong đầu óc mông lung mụ mị hết cả. Niệm áy náy thủ thỉ với những nắm cơm nhỏ xinh đang đặt trong chiếc bát gỗ:
– Đợi chiều anh đi học về anh sẽ tìm Nắm Cơm Ngon, thông báo cho em biết anh là anh Niệm nha! Xong chắc là anh sẽ dẫn em về nhà ra mắt ba anh đấy, có vẻ như ba rất muốn chiêm ngưỡng dung nhan xinh đẹp của em.
Hiếm khi thấy thằng lười nói như Niệm con ngồi luyên thuyên một mình thành ra mẹ Hoài hơi choáng. Hồi trước khi cậu Bách về nước chị từng chăm Bông thay cô Bích nên mê bé gái lắm. Sau khi bé Quang ra đời bác sĩ khuyên chị không nên đẻ tiếp nữa, chồng chị lo cho sức khoẻ của vợ nên cũng không tán thành chuyện chị mang bầu lần ba, thế nên chị đã nung nấu ý định nhận nuôi thêm một bé gái nữa từ lâu rồi. Chỉ là, chị vẫn chưa có duyên gặp được bé gái nào có khả năng cậy được miệng Niệm con. Đó cũng là lý do chị rất tò mò về Nắm Cơm Ngon của Niệm, chị tò mò cả về gia đình cô bé nữa, chẳng biết ba mẹ nào mà đẻ con khéo thế không biết? Thú thực chị cũng háo hức mong mau tới chiều để Niệm dẫn em về nhà xem mặt mũi con bé ra sao.
Mọi chuyện sẽ diễn ra rất suôn sẻ nếu như buổi chiều ông Nhất không tới đón Niệm và báo rằng Niệm đã đạt giải Nhất cuộc thi “Bé Khoẻ Bé Đẹp”, chuẩn bị được đi ăn lẩu hải sản siêu cay khổng lồ. Chỉ vì muốn Niệm con vui vẻ cho ông chụp hình, ông đã tự bịa ra cuộc thi đó, bản thân ông là người tài trợ và thí sinh chỉ có duy nhất một mình cháu trai ông. Niệm phấn khích phát rồ, ngay lập tức leo tót lên xe ông tới quán nhận giải. Nồi lẩu to chà bá khiến Niệm sướng tê người, Niệm nhảy vọt lên bàn, thích thú dùng chiếc thìa khổng lồ múc một ít nước dùng đưa lên miệng thổi thổi nếm nếm. Ôi chao! Cay! Cơ mà cay mới đã! Ông nội giúp Niệm gắp con cua hoàng đế cỡ bự ra đĩa, cưng chiều bóc cua cho cháu trai.
– Em và ông dùng đồ chấm gì ạ?
Chị phục vụ bàn ân cần hỏi han, Niệm vui vẻ đáp:
– Chị pha cho ông em muối chanh dầm ớt, còn em cái gì em cũng chấm được.
– Vậy chị pha cho em muối chanh dầm ớt giống ông nhé!
– Sao lại mỗi muối chanh dầm ớt ạ?
Niệm hoảng hốt thắc mắc, chị ngây người hỏi:
– Ơ… thì em vừa bảo cái gì em cũng chấm được mà?
– Vâng! Cái gì em cũng chấm được thì chị phải mang tất cả các cái có thể chấm ra cho em chứ!
Niệm con hồn nhiên đáp trả, ông nội cười tủm bảo nhân viên làm theo ý cháu trai. Thằng quỷ, hễ dính tới lợi ích ăn uống là nó sôi nổi hẳn lên. Cơ mà nhìn nó ăn quên trời, quên đất, quên luôn cả sự đời dễ cưng gì đâu. Mỗi lần ăn no là y như rằng Niệm con lại díp cả mắt, lại lười biếng mặc kệ ông nội vác mình ra xe, xe về tới cổng liền ngả rạp cả người lên lưng ông, nhõng nhẹo đòi cõng.
– Cho ông xin một lý do để cõng Niệm con đi!
Ông Nhất trêu chọc, Niệm con chiều lòng ông:
– Thì đằng nào ông nội chả vào nhà, tiện đường thì cho Niệm con đi nhờ một xíu.
Ông cười khà khà, Niệm thấy ông bị dụ cũng cười tủm, tiếc rằng sự sung sướng đó chưa kéo dài được bao lâu thì Niệm ba đã quát lớn:
– Không tiện tiếc gì hết, xuống mau!
Niệm con sợ muốn rớt tim, đang buồn ngủ tự dưng tỉnh táo hẳn lên, bất đắc dĩ phải nhoài xuống. Chị Hoài nhìn điệu bộ khổ sở của con trai tự dưng thấy buồn cười. Cái thằng này mẹ hay ai khác cầm vọt đánh vun vút nó cũng lì lợm không chịu xin xỏ đâu, chỉ ba mới trị được nó thôi. Chị búng trán thằng nhỏ một cái rồi chau mày chất vấn:
– Nắm Cơm Ngon đâu? Đừng có bảo với mẹ con lại ăn ưỡn bụng ra rồi quên béng mất nhé!
Lúc bấy giờ Niệm con mới sực nhớ ra chuyện quan trọng, cậu bé bị đứng hình mất mấy giây. Niệm ba nhắc nhở:
– Mẹ Hoài hỏi con đó! Mồm con để làm cảnh hả?
Ba còn lừ mắt hại Niệm con hơi run, cu cậu thành thật khoanh tay thừa nhận:
– Dạ thưa mẹ Hoài, mẹ nói chuẩn không cần chỉnh ạ. Đúng là con đã ăn ưỡn bụng ra và quên mất tiêu luôn rồi.