Đàn cổ cầm khỏa thân

Chương 18 - Phần 04


Bạn đang đọc Đàn cổ cầm khỏa thân – Chương 18 – Phần 04

 
Năm 422
Không mang danh hiệu nhưng nàng vẫn được tôn kính như hoàng hậu. Khi nàng thức dậy, một toán hầu nữ quỳ bệt dưới sàn để thể hiện sự tôn kính. Cứ mỗi lời nàng ra lệnh là có một tràng tiếng nói đồng thanh trả lời. Vô số các lễ nghi, yến tiệc cần nàng có mặt, nàng không thể đi lại mà không có một đoàn người đi trước và một đoàn người đi sau. Bà Mẹ Trẻ chấp nhận những bổn phận triều chính mà không hề than thở. Đêm trở thành nơi cư ngụ của nàng và lớp chăn lạnh là người bạn duy nhất đáng tin mà nàng có. Ngả đầu lên chiếc gối ngọc thạch, nàng duỗi thẳng chân, dãn xương cốt đã mệt mỏi vì phải bận những lớp áo cứng nhắc và những đồ trang sức bằng vàng, nàng đặt tay lên ngực rồi thở dài mỏi mệt. Nàng gắng tìm một tiếng tre rì rào hay tiếng côn trùng quấn quýt nhưng vô vọng. Chỉ có sự im lặng chết chóc lảng vảng trong cung điện có cửa sổ và cửa chính bọc đồng. Nàng đọc thầm kinh sách đến khi ngủ.
Chồng nàng và nàng lần đầu tiên sống trong cùng một kinh thành, cùng chung một mái nhà. Nhưng nàng cảm thấy vẫn còn rất xa với chồng. Từ ngày Huệ Viên đi, tất cả các cách đến gần Hoàng đế đều bị canh giữ; để được gặp chàng, nàng phải cầu viện tổng quản thái giám. Dính vào việc triều chính điều khiển cả một đế chế như một con bò bị mắc vào cối đá, chồng nàng không có thời gian đến thăm nàng. Hai lần mỗi ngày, các quan lại thái giám chậm rãi xuất hiện bên cửa thềm. Buổi sáng họ hô lên: “Hoàng đế hỏi phu nhân có được yên giấc không?”; buổi tối, chúng rít lên: “Hoàng đế hỏi phu nhân ngày hôm nay có vui không?”
Vợ và chồng gặp nhau ở những bữa tiệc công, mỗi người đi từ một cánh gà trong nội cung đến, vây quanh là các thái giám, quan lại, quản giám và quân hầu. Cả hai đoàn người gặp nhau để cùng bước song song. Hoàng đế lưng đã còng và có vẻ bận rộn. Bà Mẹ Trẻ thì có vẻ yên bình và mang nụ cười an nhiên, tự tại. Nàng thì thầm với chồng: “Hoàng đế phải làm việc ít đi và chăm sóc cho long thể…” Hoàng đế trả lời: “Triều đại của chúng ta vẫn còn chưa vững chắc. Ta muốn để lại cho Nghĩa Phù một đế chế hùng mạnh…” Nàng nghe rõ trong giọng chàng sự mệt mỏi. Những nếp nhăn của chàng ngày xưa linh hoạt và dữ tợn, nay đã dãn ra và co rúm lại trên trán, còn quanh mắt chàng là một tấm màn đầy những lo toan rối rắm.
Những ngọn đuốc thắp vòng quanh hồ hoàng cung. Bà Mẹ Trẻ chơi đàn cổ cầm những đêm mất ngủ. Trở thành nữ tu, Huệ Viên không còn là con gái nàng nữa. Được tôn làm hoàng tử nối ngôi, Nghĩa Phù đã rời nàng để vào sống trong Tử Cấm Thành với những lính canh, thầy dạy chữ và các quan nịnh thần. Bà Mẹ Trẻ ở trong cung điện đẹp nhất, có khu vườn lớn nhất, nàng có thể ban phát sự sống và cái chết, nhưng cây đàn cổ cầm kể nỗi lòng cay đắng của một người phụ nữ bị bỏ rơi.
Chồng nàng đã ngã bệnh. Phải rời xa những cuộc diễu binh và chiến tranh, chàng bị đánh gục bởi một điệu nhạc chầm chậm, một khúc nhạc tẩm hương, lụa là gấm vóc mát mẻ và những lễ hội. Tiện nghi và nhịp sống chầm chậm đã làm mềm cơ thể chàng vốn hay phải bị đói và căng thẳng. Chỉ không lâu, Tử Cấm Thành đã làm suy yếu kẻ chinh phạt. Hai năm sau khi soán ngôi, chàng từ giã cõi đời và lên gặp các tổ tiên trên trời.
Bà Mẹ Trẻ không có thời gian để dự tang lễ. Ở tuổi mười bảy, con trai nàng là Nghĩa Phù nối ngôi trở thành Hoàng đế thứ hai của triều Tống. Triều đình tuyên bố một chức vị chính thức cho thân mẫu của Thiên tử mới. Nàng buộc phải chấp thuận tuân theo sắc lệnh và chức vị cao sang là hoàng thái hậu. Những âm mưu vây quanh nàng. Ngai vàng, bị chồng nàng lật đổ rồi chiếm đoạt, bây giờ lại là miếng mồi ngon cho những kẻ soán ngôi khác. Các quan cai quản các bộ liên minh với các tổng quân và tranh nhau quyền lực nhiếp chính. Chúng dựa vào hai tỳ thiếp của Hoàng đế, mẹ của hai hoàng tử út từ lâu không chấp nhận quyền kế vị của Nghĩa Phù. Bà Mẹ Trẻ tìm một tướng lĩnh trong triều để bảo vệ quyền lợi cho đứa con trai trong vô vọng. Chúng lợi dụng sự tin cẩn của nàng và chỉ cố trực lợi dụng xây tầm ảnh hưởng của mình.
Nghĩa Phù trốn tránh những phiền hà thường nhật để ẩn nấp trong lạc thú tầm thường. Nó rút ngắn thời gian chầu triều để nhanh chóng quay về nội cung, nơi những nàng họa sĩ trẻ, những nhạc công và các nàng thơ mơn trớn và mua vui cho nó. Mực màu chạy trên giấy dó, những âm thanh như pha lê thoát ra từ các nhạc cụ làm nó quên những giấy tờ đè nặng trên bàn làm việc. Lo sợ và lúng túng, Bà Mẹ Trẻ lo toan hòa giải các xung đột và phá hủy các âm mưu. Sống xa chồng nên nàng chưa bao giờ học được từ chàng những chiến lược trong triều chính và mưu mẹo quyền lực. Nàng buộc phải dùng những hoạn quan mưu mô và những nàng hầu độc ác làm quân sư.
Nhà Ngụy tấn công phương Nam. Bà Mẹ Trẻ tin rằng vua Tiên Ti đã liên kết với những kẻ nội gián nên bí mật thương lượng hòa bình, dâng đất đai và các kinh thành. Bị nhốt trong Tử Cấm Thành, nàng chỉ gặp những tướng lĩnh vào dịp yến tiệc long trọng. Mối liên lạc của nàng với thế giới đàn ông phải tuân theo luật lệ. Những tin tức của nàng được các thái giám mà nàng không tin cẩn nổi mang đi. Dù đã cố gắng, nàng cảm thấy quyền lực đang trượt khỏi tay mình, còn nàng càng lúc càng bị cô lập.
Nghĩa Phù hồn nhiên giễu cợt những lo toan của nàng. Nó ngáp ngủ khi nàng gọi nó lo việc trong triều. Nó cũng càng lúc càng không thể tiếp cận. Để gặp được nó, nàng phải xin xỏ sự cho phép của tổng quản thái giám.
Gió nổi lên thổi tiếng nhạc đồng ca và tiếng cười của những cô gái trẻ đi khắp Tử Cấm Thành.

Năm 423
Nàng đã mơ thấy một tai họa đến từ trời cao như những đám mây đen chứa đầy nguy kịch. Một cái lạnh thấu xương chiếm lấy nàng và đóng đinh nàng xuống giường. Những cánh cửa rèm bị giật mạnh. Những bóng người to lớn bước vào mà không báo trước rồi quỳ gối và đập vào áo giáp. Nàng nhéo vào đùi mình thật mạnh. Không phải là cơn ác mộng nữa.
Một bóng đen lên tiếng:
– Bẩm Hoàng Thái hậu, xin người thức giấc! Con trai người là Nghĩa Phù đã không hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng. Nghĩa Phù phải nhường ngôi cho em út của mình. Chúng thần đã tịch thu con dấu hoàng tộc và mang đến đây.
Ai đang nói đó? Bà Mẹ Trẻ nhận ra giọng người quen. Đó chắc chắn là một quan bộ mà nàng đã gặp.
Một thái giám mang nến đến để chiếu sáng hàng người đang quỳ gối trước nàng. Những lông vũ trang hoàng mũ giáp của họ đung đưa. Một mùi da thuộc nặng nề và máu chảy trên vũ khí của họ. Họ đặt con dấu hoàng tộc chạm rồng trên mặt cái khay.
Một vụ soán ngôi! Một cơn đau đập vào đầu nàng rồi nện vào bụng nàng. Chúng đã dẫn quân vào Tử Cấm Thành? Lính gác triều đình đâu? Làm sao chúng lấy được con dấu cất giữ trong phòng mật của Hoàng đế? Nghĩa Phù đâu? Chúng đã làm nó bị thương, đánh đập nó hay đã ám sát nó? Nàng muốn hỏi nhưng lưỡi nàng nhúm nhó và cổ họng nàng khô đi.
Một trong số những kể âm mưu giấu mặt nói:
– Phu nhân, hãy thay trang phục. Người là Hoàng Thái hậu, Người đã nhận từ tay Thái Thượng Hoàng toàn bộ quyền nhiếp chính. Người có quyền chỉ định một hoàng đế và người kế vị. Chúng thần đã chuẩn bị chiếu chỉ tuyên bố sự lựa chọn này. Người chỉ còn ký và đóng dấu nữa thôi.
– Ta phải gặp con trai ta, – cuối cùng nàng cũng nói được.
– Phu nhân, Hoàng đế đang ở trong tay chúng thần. Nếu không ký sắc lệnh, người sẽ chết và ngai vàng sẽ chuyển sang cho em trai người, – một kẻ khác thúc giục.
– Phu quân ta đã cho các người vinh quang và của cải. Chỉ một năm sau khi ông ấy băng hà, các người dám phản bội quả phụ và đứa con trai mồ côi sao?

– Phu nhân, đừng tốn thời gian nữa, – một giọng nói nóng nảy vang lên. – Hãy đứng dậy. Chúng thần chờ người ngoài cửa.
Những kẻ âm mưu lui ra và đám hầu lao xuống đất nức nở. Trước gương, Bà Mẹ Trẻ nhìn lại mình. Chiếc gương đồng tròn phản chiếu khuôn mặt xanh xao và đôi mắt đen. Làm sao khuôn mặt này có thể sống qua bấy nhiêu dông bão? Làm sao nàng tiếp tục hít thở nữa, làm sao sống tiếp? Có phải vận mệnh của các thần linh đã chọn cho nàng là phải ở giữa bấy nhiêu nỗi đau trần thế như vậy chăng? Tại sao những người đàn ông bắt nàng để nàng phải là nhân chứng và đồng lõa của chiến tranh, của những âm mưu của họ? Người làm tóc vừa khóc vừa quấn từng búi tóc dài lên đỉnh đầu nàng. Dần dần, một lọn tóc hình hoa mẫu đơn thành hình.
Tiếng ồn ào xâm chiếm lấy cung điện của nàng. Binh lính lao đến lục lọi mọi hòm rương. Những kẻ âm mưu thúc giục nàng. Chúng cho nàng biết Nghĩa Phù đã bị nhốt trong nhà, nhưng sau khi ký sắc lệnh phế truất, nàng có thể cùng nó rời Tử Cấm Thành. Chúng đe dọa, nếu nàng từ chối, chúng sẽ xử chém cả hai ngay lập tức. Đoán được chúng muốn tuyên bố “phế truất” ngay buổi chầu ngày mai, nàng cố kéo dài sự chờ đợi của chúng với cớ rằng để ký sắc lệnh hoàng tộc, nàng phải ăn mặc chỉnh trang và phải mang những trang sức của Hoàng Thái hậu. Khi nàng sửa soạn xong thì mặt trời đã lên đến đỉnh. Mặc cho binh lính nhiều lần đe dọa, nàng trải bức sắc lệnh mà chúng đã mang đến cho nàng ra. Những từ ngữ, hết sức nghiêm trang, mở ra một chuỗi dài kết tội trong danh nghĩa của nàng:
“Bất hạnh cho hoàng tộc, tai họa từ trời cao đã giáng xuống thế gian. Hoàng đế băng hà bỏ mặc những điều phù phiếm của trần thế, để lại đại nghiệp chưa thành, Nghĩa Phù, con trai người, phải kéo dài vinh quang của người. Nhưng số phận buộc ta phải nhận sự khốn khổ và không thể dạy dỗ con trai mình. Suốt tang lễ kéo dài, nỗi buồn bao trùm thế gian, chỉ có con trai người cười vui và đưa ra nhiều lời xấc xược. Nghĩa Phù lệnh cho nhiều nhạc công, những ca sĩ bị hoạn và những vũ công kỳ tài đến điện, quên cả việc quốc gia đại sự. Thay vì kiêng kỵ, Nghĩa Phù còn bày nhiều đồ ăn gấp đôi và ưa thích con hầu hơn là tỳ thiếp. Thay vì tránh xa dòng máu không trong sạch của phụ nữ thì lại vui chơi đóng vai bà đỡ đẻ… Sự tra tấn trở thành trò chơi ưa thích của Nghĩa Phù. Nghĩa Phù chính tay đánh đập những người vô tội để làm trò cười cho đám đàn bà. Cung điện mùa đông và mùa hạ được xây lên đã làm kiệt quệ ngân khố hoàng triều, nông dân phải bỏ cả đất đai, nô bộc chết vì phải gánh vác quá nhiều công việc nặng nề. Tiếng khóc của các tỳ thiếp đã làm các thần linh nổi giận… Cùng với y, hoàng tộc đã phải chịu nhiều nỗi ô nhục. Làm sao còn có thể theo đuổi nghiệp lớn của người hôn phu quá cố của ta chinh phạt mười nghìn kinh thành phương Bắc? Hôm nay, ta quyết định phế truất y và đưa người em út của y lên ngai vàng…”
Bực mình với sự chậm rãi của nàng, những kẻ âm mưu đã vào phòng chờ đợi, gươm lăm lăm trên gối. Bà Mẹ Trẻ ngước mắt nhìn hết thảy đám người. Trong vườn, những con chim ríu rít và cây cối đã trổ màu xanh. Lại một màu xuân nữa! Ánh mắt nàng trở lại nhìn những kẻ mưu phản và quét qua khuôn mặt chúng. Chúng lộ rõ vẻ mệt nhọc, mặt cúi gằm. Trong số chúng, ai là kẻ tham vọng nhất? Ai sẽ đánh bại tất cả những kẻ khác để trở thành bá chủ thiên hạ? Tất cả đều không quan trọng với Bà Mẹ Trẻ.
Chọn gì đây? Cứu con trai bằng cách làm nó mất danh dự? Hay giữ danh dự cho con trai bằng cách để nó chết? Nếu nàng không chấp thuận cái sắc lệnh bôi nhọ tên của Nghĩa Phù vĩnh viễn về sau, những kẻ mưu phản sẽ giết nàng cũng như con nàng, và đó sẽ là khởi đầu cuộc nội chiến giữa những người trung thành và những kẻ mưu phản. Nếu nàng ký vào sắc lệnh này, nàng sẽ để con mình đi vào lịch sử của các triều đại như một người thừa kế ô nhục của cha nó, như kẻ yếu đuối nhất và đáng khinh nhất trong số các Thiên tử.
Các thần linh đã đưa vào tay nàng một lựa chọn mà không để cho nàng được chọn.
Nàng lấy hết sức mạnh rồi bình tĩnh lại.
– Các đại nhân đã phản bội lại di chúc của Hoàng đế, người cho các người được lên chức sắc, công hầu. Các ngươi đã xúc phạm danh dự một người góa phụ và ra sức bôi nhọ quyền kế vị của một đứa con mồ côi đã tin tưởng vào các ngươi. Con đường mà các ngươi đi theo không phải là con đường của ta.
Nàng xé bức sắc lệnh.
– Ta để cho các ngươi lựa chọn kết cục.
Năm 424

Thương nhân dỡ những tấm bảng gỗ khỏi cửa sổ. Những người bán hàng rong bày hàng bán ở góc đường. Những vó ngựa đang phi nước kiệu gõ xuống con đường lát đá tảng. Ngồi trong chiếc xe ngựa kéo phủ trướng nâu, nàng quan sát kinh thành đang thức giấc. Kiến Khang, kinh đô của các triều phương Nam, đã cho chồng nàng sự nghiệp và đẩy con nàng xuống vực thẳm. Nàng sẽ rời xa kinh thành này mãi mãi! Nàng sẽ không bao giờ quan tâm đến những kiểu cách áo quần, ẩm thực hay nhà cửa của nó nữa. Nàng sẽ không bao giờ đi dạo trong thôn quê của nó, không bao giờ thăm thú những ngọn núi người ta trồng rừng, không bao giờ ngắm dòng Dương Tử từ những mái chùa nổi tiếng. Nàng không bao giờ đón tiếp các thi nhân, họa sĩ, nhạc công nữa. Nàng đã đi vào Tử Cấm Thành như một con vẹt ấp trứng và đấu tranh. Nàng rời khỏi nó, ốm yếu và cô độc. Trái với ý muốn của nàng, Kiến Khang đã cho nàng vinh quang của mọi vinh quang; cũng tái với ý nàng, Kiến Khang đã biến nàng thành Bà Mẹ Trẻ đau khổ nhất thế gian.
– Dừng lại! – Nàng hét lên.
Chiếc xe đứng sựng lại. Binh lính ăn mặc như thương nhân đi lại phía nàng. Bằng giọng mạnh mẽ, nàng nói nàng khát nước và muốn uống chút trà. Sau khi đã bàn thảo với nhau, binh lính mở cửa. Một trong số chúng quỳ xuống đất để làm bậc lên xuống.
Nàng rùng mình khi chạm đất. Nàng không đi bộ dưới phố thị từ hai mươi năm nay! Mặt trời lướt qua những mái nhà. Mọi người ngoái lại nhìn, ngạc nhiên thấy trong đám dân chúng một người phụ nữ che mạng và mặc áo gấm. Nàng ngồi trong quán trà. Một người bồi trẻ chạy đến bên hỏi nàng muốn dùng gì. Nàng đỏ mặt.
– Hãy mang đến tất cả những gì mà ngươi có, – cuối cùng nàng trả lời.
Quán trà mở ra bốn hướng. Người qua đường đi dưới lan can. Đàn ông và đàn bà tầng lớp thấp kém mặc đồ vải hay áo bông không màu sắc nói chuyện với nhau, dòm ngó những mặt hàng bày trên xe bán, không hề để ý tới nàng. Dân chúng chưa bao giờ biết mặt Hoàng Thái hậu.
Tiếng họ bàn tán lọt vào tai nàng. Qua tấm mạng bằng vải mịn, đôi mắt nàng dừng lại ở một cặp vợ chồng trẻ. Cô vợ khoảng hai mươi tuổi dựa vào chồng, đưa tay chỉ những tấm vải trong tiệm đang bay trong gió và thì thầm vào tai chàng trai. Người đàn ông lục trong túi, có vẻ hơi buồn rồi lộn túi ra.
– Này!
Nàng muốn gọi họ lại để cho họ những tấm vải. Nhưng họ biến mất trong đám đông. Một nỗi đau lạ lùng trong tim, nàng quay về phía người bồi trẻ đã bày ra bàn mọi món ngon nhất: bánh lựu, bánh trứng cút đậu đỏ, bánh giòn cam nướng với mứt đào, xôi mận mè đen. Những món ăn nhỏ nhanh chóng để lên đầy bàn. Nàng chỉ nhâm nhi mỗi món nửa muỗng.
Binh lính ra hiệu cho nàng đã tới lúc phải đi. Nàng đứng dậy rồi đi về phía chiếc xe trong khi người bồi bàn vừa chạy theo sau vừa la:
– Bà quên chưa trả tiền!
– Trả tiền?!
Sững sờ, nàng nhìn xung quanh. Sự phẫn nộ của người bồi bàn làm một đám người tò mò vây lại.
– “Trả tiền” nghĩa là sao? – Nàng hỏi.

– Bạc! Bà không mang theo bạc sao?
Người bồi bàn bực mình.
“Bạc”, nàng không bao giờ cầm bạc trong tay. Binh lính vây quanh người bồi bàn, túm lấy cổ hắn rồi mang hắn đi mất. Nàng leo lên xe, tim đập thình thịch.
Cánh cửa đóng lại. Sự thịnh vượng và suy thoái của những người đàn ông không thể chạm đến nàng được nữa.
Ngựa phi dọc theo dòng sông về hướng thành Kinh Châu, dọc theo bóng xanh lục của những bờ đá. Ngọn núi là một cuốn sách mở ra. Nhưng không ai có thể giải mã những từ ngữ hay hiểu được ý nghĩa của nó.
Bà Mẹ Trẻ đi ngang qua dinh thự cũ nhưng không dừng lại. Nàng xuống xe ở chân núi Bắc rồi lên kiệu do bốn lính khiêng. Họ leo lên cầu thang ba nghìn bậc rồi đến cổng chùa Đại Bi, quỳ lạy rồi lui đi.
Sư Phát Quang đi đầu đoàn nữ tu đón Bà Mẹ Trẻ. Tay chắp lạy, họ chào nàng. Đôi mắt Bà Mẹ Trẻ tìm trong đám đông. Hiểu được sự vồn vã của bà, các nữ tu đứng ra hai bên để một người duy nhất đứng bất động. Bà Mẹ Trẻ bước tới rồi nắm lấy tay người đó. Sự tôn kính của người đó là một lời từ chối. Cố không khóc, Bà Mẹ Trẻ cúi người rồi chào lại. Lần này, Huệ Viên không thể bỏ trốn khỏi nàng được nữa, vì Bà Mẹ Trẻ cũng đã quyết định xuống tóc trở thành nữ tu.
Không một lời chào mừng, không một chút thể hiện niềm vui, không hỏi lời nào về hai năm xa cách, Huệ Viên lui vào trong phòng tu của mình. Bà Mẹ Trẻ nán lại một lát trước cửa rồi đi.
Nàng vào trong phòng mà các nữ tu đã dành ình rồi quỳ xuống một chiếc chiếu hẹp. Lưng nàng dựa vào một tấm gỗ thay vì ngả ra trên một tấm nệm lụa lót bông. Nàng run bần bật rồi nằm sấp, lấy tay che mặt. Từ nay, nàng phải giữ trong lồng ngực mình sức nặng của bi kịch gia đình mà nàng đã muốn kể với Huệ Viên.
Những kẻ mưu phản đã tha cho nàng và con trai được sống vì chúng đã bắt chước được chữ viết của nàng. Chúng đã phát tán sắc lệnh rồi ép Nghĩa Phù thoái vị. Chúng đem lên ngai vàng đứa em là Nghĩa Chân mà không biết rằng sáu tháng sau đó, thân tộc của hoàng tử thứ ba là Nghĩa Long, con của một tỳ thiếp khác, đã gây ra vụ soán ngôi thứ hai. Những kẻ mưu phản mới đã giết chết những kẻ mưu phản cũ và tước ngôi của Nghĩa Chân. Cả hai anh em, Nghĩa Phù và Nghĩa Chân, sinh ở Kinh Châu và Trường An cách nhau một tháng, đã bị ám sát cách nhau vài ngày. Chúng chỉ vừa mười tám tuổi. Khi sống, theo hai phe phái thù địch nhau, chúng khinh bỉ thù hằn nhau và nói chuyện với nhau nặng lời. Khi chết, chúng được chôn gần phần mộ của cha, như hai cánh tay cùng một thân thể. Trên phiến bia mộ, những con chim gù ngày đêm như thể cuối cùng chúng cũng đã được tha tội và giờ đã cùng nhau hát ca. Nghĩa Long, người em út trong số ba anh em, đã trở thành hoàng đế thứ tư của nhà Tống…
Tóc nàng, đen như lông quạ, rơi xuống, được cắp lên rồi thổi bay đi trong gió. Đầu đã sạch tóc, Bà Mẹ Trẻ nhận tên hiệu Trinh Không và một chiếc áo nâu. Những ảo tưởng vỡ tan như những chiếc lá khô, sư Phát Quang nói để kết thúc nghi lễ.
Năm đó, lần đầu tiên, Trinh Không không mừng sinh nhật. Nàng quỳ dưới chân Phật để cầu nguyện. Mùa xuân tìm nàng trong cả hai kinh thành rồi cuối cùng tìm thấy nàng trong núi Bắc. Nàng không còn nghĩ đến nó nữa khi thình lình những cây táo ngả sang hồng và những cây lê ngả màu trăng trắng. Những nữ tu đã mở tổ ong và những con ong bay theo bầy bướm bay dập dờn vô tư. Trong các tán cây, chúng tìm thức ăn, liếm mật, kêu vo ve và xì xào. Nàng nhìn chúng, miệng mở to. Nàng vẫn còn phải chịu đựng nỗi lòng đau đớn trong lồng ngực.
Nàng bốn mươi tuổi và đã có ba cuộc đời ở sau lưng.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.