Bạn đang đọc Đàn cổ cầm khỏa thân – Chương 17 – Phần 03
Vài ngày sau, Nghĩa Chân, con trai thứ hai của chồng nàng, sinh sau Nghĩa Phù một tháng, vượt qua dòng Dương Tể để vào thành Trường An. Giống như Nghĩa Phù, nó mới mười một tuổi.
Thông qua những thái giám thân tín, Bà Mẹ Trẻ biết rằng trong nội cung ở Tử Cấm Thành, Hoàng đế cảm thấy bị đe dọa vì danh tiếng của thống soái nên đã từ chối vinh danh con gái nàng là Huệ Viên, còn hoàng hậu thì sỉ nhục nó công khai. Những bức thư của Huệ Viên rất hiếm hoi. Chúng được viết theo những công thức khách sáo, lễ nghĩa. Bà Mẹ Trẻ đọc những con chữ lạnh lẽo và lịch sự này với nỗi lòng tê tái của một người mẹ không bảo vệ được con mình. Nàng thức giấc giữa đêm, nghĩ rằng đã nghe tiếng Huệ Viên, chỉ để biết rằng nàng đã mất đứa con gái vĩnh viễn.
Năm 418
Mùa xuân lạnh lẽo đã đến. Qua tấm mành xe ngựa kéo, Bà Mẹ Trẻ chỉ thấy người già và phụ nữ trong sương mù. Những người đàn ông hiếm hoi mang áo và mũ giáp, bao tên và lưỡi kiếm. Ở bến thuyền, thuyền bè cập bờ để rồi lại lên đường, đưa người bị thương xuống rồi lại mang lính viện binh lên. Trước cái nồi lớn mà Bà Mẹ Trẻ cho đem đến, những người lính cụt tay cụt chân, mù lòa, rách rưới và rên xiết đứng xếp hàng để nhận từng chén canh nóng. Họ sẽ được phân tán vào những doanh trại để được chữa trị rồi lại gửi lên phương Bắc chiến đấu tiếp.
Chồng nàng giờ ở đâu? Bà Mẹ Trẻ không cần biết nữa. Nàng ngắm dòng Dương Tử và chỉ thấy một màn nâu của sương mờ và hơi nước nối liền trời và đất. Sáu tháng trước, chồng nàng bất ngờ trở về Kinh Châu. Vừa về đến, chàng đã gặp các tổng quân, những quan lại phòng quân, những chiến binh đánh thuê. Giọng họ lúc thì đều đều, lúc thì bị kích động vượt ra khỏi những cánh cửa màn kéo. Bà Mẹ Trẻ chờ đợi chàng vô vọng trong phòng. Lúc đêm thâu, khi nàng đến tìm chàng, tất cả nến đều đang cháy và nàng thấy chàng đang ngủ giữa phòng tiếp khách, áo giáp còn chưa cởi. Chàng đang ngồi trên ghế, để một tay lên bụng, chàng ngả đầu trên tay kia đang đặt trên chiếc ghế thấp kế bên mũ giáp. Trong ánh sáng của nến, nàng phát hiện ra tóc chàng đã bạc. Nàng lui ra mà không đánh thức chàng. Ngày hôm sau, khi nàng đến, mọi người nói chàng đã lên đường.
Nhiều đêm liền, lính tráng qua lại làm nàng lo ngại. Trong mơ, thân thể họ héo hon, những vết thương hằn sâu, còn phụ nữ và con trẻ mà họ bỏ lại thì đang khóc than. Bà Mẹ Trẻ ra lệnh cho nhà bếp lớn, nơi những đầu bếp tay chân lông lá có thể chặt cả một con heo bằng rìu, từ nay phải chuẩn bị các bữa ăn cho lính bị thương. Nàng cho đặt một nhà bếp nhỏ gần tòa nhà của mình và ra lệnh nấu theo những thực đơn đặc biệt cho Nghĩa Phù, để phát triển thể chất mà nàng cho là dễ bị tổn thương ở tuổi đang lớn. Những cô gái trẻ tay trắng nõn, móng tay gọn gàng nhào bột, làm bánh và viên thịt, nấu những chén xúp đựng trong bụng trái cà tím, trái mướp, trái bí. Họ trộn lá trà với gừng, trộn rễ tre với các phụ gia mua ở vùng phía tây, ướp cá trước khi bọc bằng lá chuối rồi hấp lên. Họ đặt những mẩu sừng hươu trong một cái tô chôn xuống đất trước khi lấy lên nấu. Ngồi gần Nghĩa Phù khi nó ăn, Bà Mẹ Trẻ nhìn theo từng cử động của cánh tay và răng hàm nó.
Được tôn làm tổng đốc của thành Trường An, Nghĩa Chân, con thứ hai của chồng nàng không biết trị vì. Quanh vị thủ lĩnh mới mười hai tuổi, các quan lại mưu hại lẫn nhau để cai trị thay nó. Sự tranh giành của họ cuối cùng không thoát khỏi tay những người láng giềng. Nước Hạ dấy quân man di chiếm Trường An. Hoảng sợ, Nghĩa Chân bỏ kinh thành chạy về phương Nam. Trên đường về, nó không biết cấm quân sĩ cướp bóc và bắt bớ phụ nữ. Chậm chạp vì túi nặng chiến lợi phẩm, quân đội của nó bị lính nước Hạ bắt giữ.
Nếu Nghĩa Chân chết ở phương Bắc, Bà Mẹ Trẻ nghĩ, thì con trai nàng là Nghĩa Phù sẽ củng cố sự thừa kế hợp pháp và không còn kẻ nào ngăn nó lên kế vị. Kinh hãi vì mình dám nghĩ tới điều thất đức, nàng quỳ sụp dưới chân Phật và cầu nguyện cho Nghĩa Chân. Vài ngày sau, nàng được tin trong số một trăm nghìn lính, chỉ huy Nghĩa Chân và vài trăm lính thân cận thoát được cuộc thảm sát của quân Hạ để trở về phương Nam.
Mất thành Trường An và sự trở về của Nghĩa Chân từ phương Bắc đã thúc đẩy nhiều sự việc trong triều. Rồi thình lình Bà Mẹ Trẻ được tin về cái chết đột ngột của Hoàng đế do chứng bệnh đường ruột. Trước đám đông thái giám, nàng giữ khuôn mặt thản nhiên và làm ra vẻ không biết họ đang nghĩ gì. Ai có thể không nghi ngờ chính chồng nàng đã hạ độc Hoàng đế? Một hoàng đế mới sẽ lên ngôi, Bà Mẹ Trẻ biết rằng hoàng đế đó đã được chọn vì là kẻ nhu nhược nhất trong các hoàng tử. Ở tuổi mười tám, Huệ Viên không bao giờ biết được niềm hạnh phúc của phụ nữ mà đã phải trở thành góa phụ trong triều. Nó sẽ phải làm góa phụ đến tận cuối đời và phải lựa chọn trở thành một nữ tu trong chùa hoặc ở lại trong cấm cung để chịu tang. Bà Mẹ Trẻ gấp rút viết thư cho chồng để xin chàng cứu con bé ra khỏi ngục tù. Nàng không nhận được câu trả lời.
Một đêm, nàng thức giấc vì có tiếng động trước phòng. Những chiếc lồng đèn lướt qua lướt lại dọc những bức rèm tranh và rọi sáng dáng người một viên quan mặc giáp quỳ lạy trước mặt nàng.
– Phu nhân, đại quan thống soái đã lệnh cho thần gấp rút đến Kinh Châu. Thần phải bí mật hộ tống quý tử về kinh đô Kiến Khang. Phu nhân, xin thức giấc và chuẩn bị. Chúng ta sẽ lên đường ngay lập tức.
Nàng thay đồ rồi leo lên xe ngựa phủ trướng xanh thêu những nhánh hải quỳ tía, trang hoàng những lá vàng và cắm cờ đỏ trắng của chồng nàng. Ngày mới vẫn chưa đến, nàng nghe tiếng vó ngựa băng qua đường phố trong thành. Giọng nói trầm trầm của con người, tiếng lao xao của binh khí, tiếng ngựa hí vang lên. Nàng nhận ra rằng cả một hệ thống bắt đầu vận hành để hộ tống nàng về kinh đô, nàng với tìm tay đứa con trai trong bóng tối. Thích được mẹ nắm tay, thằng bé ngả qua người nàng rồi gối đầu lên chân nàng.
– Ngủ đi con, – nàng vừa nói vừa vuốt mái tóc nó. – Đường còn xa lắm.
Mười tám năm trước, trong một chiếc xe la kéo, nàng ôm siết bụng bầu và chạy trong bóng tối, không biết người ta sẽ chở nàng đi đâu, không biết liệu khi kết thúc chuyến đi sẽ là cái chết hay sự sống. Ai đang chờ họ ở kinh đô? Lệnh về Kiến Khang có phải từ chính thống soái không? Hay chính những kẻ âm mưu đã đầu độc chồng nàng rồi giăng bẫy Nghĩa Phù, người kế vị? Số phận đang mang điều gì đến với họ? Ôm đầu thằng bé trong tay, nàng bắt đầu hát một khúc ca của Mẹ Lưu.
Hai ngày sau, nàng vào dinh thự thống soái bằng cổng chính. Tất cả các quan lại, tướng lĩnh, hầu cận, thư lại đứng dọc hai bên lối đi chính đều lạy chào nàng. Nàng lo lắng khi biết chàng đang chờ nàng trong nội cung. Băng qua bức tường cao ngăn cách thế giới đàn ông và thế giới đàn bà, nàng ngạc nhiên vì sự chào đón mà chàng đã chuẩn bị cho nàng. Các tỳ thiếp, phu nhân tổng đốc và nàng hầu xếp thành hai hàng, họ cũng cung kính chào khi nàng đi qua.
Chồng nàng đứng trên thềm nhà. Nàng lên bậc thang. Sau lưng nàng, Nghĩa Phù ngoan ngoãn theo sát gót. Đại quan thống soái không chờ được Bà Mẹ Trẻ và đứa con trai cúi chào, chàng nói ngay:
– Hoàng đế nhà Tấn đã quyết định nhường ngôi báu lại cho ta. Di chúc sẽ được tuyên bố ngày mai. Ta đã xem chiêm tinh. Triều đại mới mà ta lập ra là nhà Tống. Suốt những năm chiến tranh nàng đã theo ta và âm thầm ủng hộ ta. Nàng đã cho ta một người kế vị và nàng đã chấp nhận xa ta khi ta cần nàng canh giữ thành Kinh Châu. Tất cả những đau khổ mà nàng đã phải trải qua bây giờ sẽ được bù đắp. Nàng phải biết ơn những điều đó. Nàng sẽ là hoàng hậu của ta.
Nàng lùi lại một bước rồi nhìn quanh mình. Tất cả phụ nữ đã quỳ xuống, chỉ còn một mình nàng đứng. Từ hai mươi năm nay, thế gian đồn đại về tham vọng mà chồng nàng giấu kín trong khi nàng không hề tin vào những điều vu khống đó. Hôm nay, quyết định phá bỏ luật lệ, chàng đã buộc nàng phải phạm tội và gắn nàng với những thủ đoạn của mình.
Nàng xấu hổ và sợ hãi. Nàng khom lưng, liếc mắt nhìn Nghĩa Phù để lấy chút sức mạnh từ đó rồi đứng thẳng lại. Một giọng nói, như tiếng rít, thoát ra khỏi cổ họng nàng:
– Không, thưa quan lớn. Thần từ chối!
– Cái gì?
Giọng nổi giận của chồng nàng làm nàng run rẩy. Nàng cảm thấy một bóng tối dữ tợn đang trườn trên người mình. Nàng bất chợt nhận ra mình vừa kết tội chồng thừa kế bất hợp pháp và coi chồng là kẻ soán ngôi.
Nàng ngước lên, ánh mắt nàng dè dặt nhìn hết thảy đám đông.
– Nàng Tăng, dù đã qua đời, là người phụ nữ duy nhất xứng đáng được nhận tước hiệu cao quý tột cùng này. Vì chính nàng đã chia sẻ sự cùng quẫn và những nỗi khổ nhục thời trai trẻ của chàng mà không dám than một lời. Sớm bị gọi về nơi đất Phật thanh cao, nàng đã không thể cùng hưởng sự giàu sang quý hiển của chàng. Nhưng linh hồn nàng vẫn tiếp tục dõi theo chúng ta, tiếp tục cầu nguyện cho chàng. Thiếp không có quyền được hưởng đặc ân, xin chàng hãy vinh danh nàng Tăng quá cố là hoàng hậu.
Năm 420, triều Tống
Đi sau Hoàng đế, Bà Mẹ Trẻ mặc bộ đồ chín lớp vải thêu chín biểu tượng hoàng triều và vấn tóc búi cao cắm đầy đá quý. Từ trên cao bên cửa Ánh Sáng màu tím tía, nàng ngắm Tử Cấm Thành từ nay sẽ là nhà của mình. Mười nghìn nhạc sĩ cung đình ngồi bên hiên những cung điện gõ chuông đại và chơi những khúc nhạc lễ nghênh tiếp trong cung.
Hàng trăm đôi chân đứng thấp hơn, trước cổng Ánh Sáng, gồm các hoàng tử, công hầu, nhà ngoại giao, quan lại triều đình, tướng lĩnh mặc những bộ đồ màu sắc khác nhau, tùy theo chức vị, trật tự lớp lang mà lần lượt cúi lạy.
Tiếng leng keng trang trọng của chuông đồng lại vang lên.
– Hoàng đế vạn tuế… Hoàng đế vạn tuế…
Tiếng chúc tụng vang lên rồi dịu xuống.
Mặt đất rung động, bầu trời nghiêng ngả, mây như những bầu vú căng phồng hơi mưa liếm qua những mái bằng vàng của các cung điện. Bà Mẹ Trẻ ba mươi sáu tuổi. Trải qua nhiều năm trời trong bóng tối của dinh thự Kinh Châu nên da nàng vẫn trắng trẻo không tì vết. Nàng dùng làn da trắng trẻo này như một chiếc mặt nạ che giấu nỗi lòng mình. Được hứa gả cho con trai nhà họ Vương, bị tướng Lưu bắt đi, nàng đã chấp nhận làm thiếp, xem mình như vợ một nông dân trở thành nhà binh, rồi bây giờ nàng là phu nhân của một kẻ soán ngôi.
Cách đó vài bước chân, Thiên tử mới với khuôn mặt rám nắng đầy nếp nhăn, mái tóc bạc trắng giấu sau một chiếc mũ làm từ những sợi chỉ vàng, mang trên mình chiếc áo hoàng bào thêu nhiều tầng nhiều lớp. Dù sang trọng trong bộ áo hoàng triều, chàng vẫn có vẻ đã yếu đi và mệt mỏi. Bà Mẹ Trẻ biết chồng mình vốn quen với vó ngựa chiến chinh, với áo giáp và lời nói thô lỗ của binh lính, chắc chắn cảm thấy khó chịu với những luật lệ chán chường của chiếc vương miện và rất bực mình vì phải mặc những bộ đồ quá cầu kỳ. Nhưng vì chính chàng đã điều chỉnh đường đi của các vì sao để được hưởng ân sủng của trời cao, chàng phải kiên nhẫn chấp nhận tất cả những ràng buộc này. Cặp lông mày hơi cau lại, nhoẻn miệng cười, chàng cho thấy một vẻ mơ màng, một niềm vui đang cố kìm giữ.
Bên cạnh Bà Mẹ Trẻ là hoàng tử nối ngôi. Mười bốn tuổi, Nghĩa Phù lớn nhanh như thổi, mặc chiếc áo người kế vị một cách chỉnh tề cùng với chiếc mũ bằng bông nhuộm đen cắm một nhành ngọc thạch trắng dài. Bà Mẹ Trẻ chợt thấy nó nháy nháy mắt và nhoẻn miệng. Nó nhăn mặt để thư giãn khuôn mặt co rúm lại vì không khí trang nghiêm mà nó phải ra vẻ phù hợp. Nàng biết nó cảm thấy nặng nề vì những tiếng xưng tụng, hốt hoảng vì những lễ nghi hiếu thảo đang chờ nó. Một cảm giác hối tiếc bao trùm lấy nàng. Nghĩa Phù đã được nàng nuôi lớn. Những năm qua, nàng đã giữ nó trong những hành lang ở Kinh Châu, tránh xa những âm mưu quyền lực và sự tàn bạo của chiến tranh. Nó chỉ là con ngỗng con hiền hòa của giới thượng lưu. Nàng đã dạy nó theo truyền thống của cổ nhân Trung Hoa, để nó trở thành một trượng phu thông kim cổ hiền hòa và sở thích tao nhã. Không bao giờ nàng nghĩ tới việc biến nó thành một hoàng tử nối ngôi, một hoàng đế.
Chồng nàng quay lại phía nàng. Gia đình hoàng đế mới phải đến dự lễ, nơi năm nghìn bộ đồ ăn đã bày sẵn. Khi đi ngang qua Nghĩa Phù, chàng dừng lại rồi thì thầm vào tai nó. Nghĩa Phù nhẹ bước lùi lại.
Dù không mang vương miện hoàng hậu, Bà Mẹ Trẻ vẫn được ngồi ở phòng tiệc như là hoàng hậu. Ngồi giữa chồng và con, nàng lại nhận được sự cúi chào tôn kính của những thượng quan trong triều. Một hàng người kéo dài đến tận những tòa nhà bên ngoài. Người đầu tiên tiến lên, quỳ gối, chúc chồng nàng vạn tuế là hoàng đế trước đây của nhà Tấn, bị giáng làm thường dân. Rồi ông ta nhẹ nhàng lui gót về chỗ, tay để dọc theo người.
Hoàng tử, những người thừa kế, các quan cai quản các bộ, tướng lĩnh, quan lại nối đuôi nhau, lần lượt quỳ gối, cúi lạy. Họ mất hết gương mặt và cơ thể để trở thành những cái bóng di động trên chân của mình. Dưới bục, trong bóng tối, một biển đồ cống nạp chảy dồn vào. Nàng quay sang Nghĩa Phù đang nhắm mắt. Nàng mỉm cười, thầm đưa tay nhéo vào đùi nó. Nó giật mình. Không nhúc nhích đầu, nàng hỏi nó:
– Lúc nãy cha con nói gì vậy?
Nó rên rỉ:
– Người ta sẽ dạy con việc triều chính…
Nàng quay sang nhìn chồng mình. Mặt chàng tách ra khỏi những mái xà thếp vàng, những chai lọ và đèn nến khổng lồ. Khi bất động, chàng trông giống như một phiến đá đơn độc giữa những cơn sóng hung dữ của dòng Dương Tử.
Những cánh cửa hoàng cung được bọc đồng cao đến chóng mặt, lần lượt mở ra trước mặt nàng. Một lối đi lát đá khoáng vật, trang hoàng bằng rồng và phượng chạm khắc, hiện ra, dẫn nàng đến những hậu cung, nơi người phàm cấm được vào. Những bức tường tím tía không còn là vách ngăn; nàng lệnh nhấc then cửa, rút thanh cài. Khi nàng đi sâu vào cấm cung, những bầy phụ nữ nhỏ nhắn, trắng trẻo, thon thả trang điểm phấn son để chào Hoàng hậu mới và chúc nàng vạn tuế. Nàng thật đau xót biết mấy khi gặp Huệ Viên trong khu những góa phụ. Nếu những hoạn quan không dẫn nó đến, chắc nàng không thể nhận ra. Chỉ vài năm, con bé đã không còn hai má đầy đặn và bờ môi tươi trẻ thời con gái. Trong bóng tối của các cung điện hoàng triều, nó đã trở thành một phụ nữ gầy trơ với khuôn mặt hốc hác, tích góp trong cơ thể mảnh khảnh một sức mạnh nam tính lạ kỳ. Trước mặt người mẹ đang tìm cách thể hiện niềm vui và sự âu yếm, nó vẫn im lìm và lạnh lùng. Sau những chào hỏi lễ nghĩa, nó xin phép được lui. Bà Mẹ Trẻ biết được rằng từ lâu con gái nàng chỉ ăn chay và theo giới luật của những người theo Phật. Nó không còn dự những bữa tiệc trong cung điện và sống trong sự im lặng của tòa nhà đã trở thành đền thờ.
Bà Mẹ Trẻ quỳ sụp xuống chân Hoàng đế rồi khóc lóc thảm thiết. Một tháng sau, sau nhiều buổi chầu ở chánh điện với các quan đại thần, Hoàng thượng đã ra chiếu chỉ cho thư lại hoàng triều soạn: Huệ Viên, thiếp của triều trước đây, sẽ thay đổi chức vị và trở thành công chúa trong hoàng tộc. Vì Bà Mẹ Trẻ vẫn tiếp tục lui tới cung điện của chồng than vãn và khóc lóc, Hoàng đế đã thông qua sắc lệnh thứ hai, cho phá bỏ luật góa phụ và cho phép các tỳ thiếp được tái hôn.
Nhưng tin tức đến quá chậm trong một thế giới đã bị vỡ tan. Huệ Viên đón nhận sự tự do trong vô cảm. Ngay khi được rời khỏi Tử Cấm Thành, nó cũng rời xa cha mẹ, vào ở trong điện của mình. Bà Mẹ Trẻ thúc giục nó tìm một tấm chồng. Nàng gặp những người mai mối do các triều thần gửi đến và hỏi thăm họ hàng của những người cầu hôn. Nàng bám lấy Hoàng đế để chàng không dùng Huệ Viên tạo một mối quan hệ đồng minh chính trị. Khi nàng biết chàng đã tổ chức những cuộc đàm phán với một vị vua man di phương Bắc, đẩy hoàng tử nối ngôi Nghĩa Phù lên chiến tuyến, nàng đã quấn lấy chân chồng và đe dọa tự sát nếu Huệ Viên phải vượt qua dòng Dương Tử sống trong cung của người Tiên Ti hay người Hung Nô.
Bà Mẹ Trẻ đập bàn mạnh đến mức Huệ Viên ở cuối cung điện còn nghe được. Sau đó, nó đã gửi một bức thư dài đến cho cha, trình bày ý muốn trở thành nữ tu. Bị Hoàng đế gọi vào để chuyển cho đọc bức thư, Bà Mẹ Trẻ rụng rời vì những gì mình đọc được. Như một người đắm thuyền tìm một khúc gỗ trong vô vọng, nàng rơm rớm nước mắt quay sang nhìn người chồng đang nổi giận. Trong khoảnh khắc, nàng hiểu rằng chàng, vốn là kẻ chiến thắng quân man di phương Bắc và những tổng đốc phương Nam, không còn động lòng với cảm xúc nữa.
– Khóc lóc vô ích. Ta đã quyết rồi. Ta cần Huệ Viên để thực hiện việc thống nhất Nam – Bắc. Số phận mà ta định cho dân tộc Trung Hoa quan trọng hơn thân phận một công chúa. Nàng hãy đến nói nó thay đổi ý định đi.
Giữa người man di hay đền thờ cho đứa con gái thì Bà Mẹ Trẻ thích lựa chọn đầu tiên hơn. Để thuyết phục Huệ Viên, đứa bé cứng đầu như cha nó, nàng quyết định viện đến bài học hiếu thảo mà Đức Khổng Tử dạy trong Kinh thư. Nàng muốn kể cho nó nghe niềm vui của Bà Mẹ Trẻ, người đã mang thai và cho nó ra đời. Nếu trong trường hợp tất cả lời lẽ của nàng thất bại, nàng sẽ quyết đem nó về lại Tử Cấm Thành rồi sống với nó một thời gian.
Bà Mẹ Trẻ cho chuẩn bị xe rước rồi đi tới điện của công chúa. Nàng đi băng qua sân, những hành lang, những khu vườn và những tòa nhà. Căn phòng của Huệ Viên đã đóng cửa. Nàng gọi nó liên tục, nó vẫn không trả lời. Nàng cho thái giám lấy rìu phá cửa. Khi vào được bên trong, nàng uất ức tới mức chẳng còn chút máu trong người. Hàng trăm ngọn đèn dầu nhảy nhót trong bóng tối. Một bức tượng Phật dựng ở giữa căn phòng. Dưới chân Phật, Huệ Viên cắt đi mái tóc dài rồi trải ra quanh nó. Khi thấy mẹ tới gần, nó đưa mũi kéo xuống cổ họng. Hai mắt lấp lánh ném ra cái nhìn giận dữ.
– Phật đã phù hộ cho con rồi! – Huệ Viên hét lên, giọng đã khàn. – Nếu cha mẹ không đồng ý để con xuất gia, con sẽ chết ngay tức khắc!
Con đường lầy lội đất nhão nhoẹt vì bánh xe và vó ngựa mở ra dọc theo sông Dương Tử. Một chiếc xe lừa kéo rời xa trong sương mù của buổi chiều tàn. Nó chở Huệ Viên về Kinh Châu để đến với sư Phát Quang trên chùa Đại Bi trong núi Bắc.
Hôm trước đó trời đã mưa. Những chiếc lá thu chao lượn rồi trôi trên mặt nước tối tăm. Ngồi giữa chòi nhạc, nơi nàng soạn cho con gái bữa ăn gia đình cuối cùng, Bà Mẹ Trẻ cảm thấy mình bắt đầu già đi. Cái thở dài của chồng nàng kéo nàng ra khỏi sự đờ đẫn:
– Ta đã mang theo mình cây đàn cổ cầm của nàng. Nàng có muốn chơi cho ta nghe một khúc không? Đã nhiều năm cả nhà chúng ta không ăn tối cùng nhau. Ta nhớ mấy khúc nhạc của nàng quá.
Đàn cổ cầm? Bà Mẹ Trẻ giật mình. Đã lâu nàng không chơi đàn và Huệ Viên là thứ âm nhạc vừa mới tắt.
Theo cái phất tay của Hoàng đế, lũ thái giám mang đến một bàn thấp, đặt lên một cây đàn cổ cầm rồi lui gót ra ngoài. Cái nhìn của Bà Mẹ Trẻ lướt chầm chậm qua khoảng không gian quanh mình. Trong phòng, chỉ còn chồng nàng và con nàng là Nghĩa Phù, cả hai đều đội nón văn nhân bằng vải đen và mặc bộ áo lụa giản dị, không có trang trí gì đặc biệt. Được cả một vương quốc tôn phong và sùng bái, tối hôm đó, họ chỉ là một người cha hòa đồng và một đứa con trai sướt mướt trong một gia đình bình thường. Lần theo trí nhớ của mình, nàng nhận ra nàng chưa bao giờ chơi đàn cổ cầm cho cả cha, con trai và con gái nghe cùng lúc như thế này. Luôn luôn vắng mặt một người nào đó.
Những tiếng động vẳng lên từ bờ sông, một bầy ngỗng trời bay qua ánh mặt trời chiều rồi đậu xuống bến thuyền.
– Ta muốn chơi khúc Ngỗng trời trên bến thuyền quạnh hiu, – nàng nói. – Ta đã rất muốn dạy khúc nhạc này cho Huệ Viên khi con lớn lên…
Tiếng vỗ cánh lướt ra khỏi những ngón tay của nàng. Khi đoạn nhạc đầu vang lên, nàng quên cả vị đắng của rượu mà nàng mới uống say. Đoạn hai và ba dựng lại dinh thự gia đình thời thơ ấu cả nàng, bao quanh là cánh đồng và vườn tược. Đoạn bốn mô tả những xoáy bóng tối và những ánh sáng phản chiếu nhảy múa trên sông. Đoạn năm và sáu ca ngợi vẻ đẹp của những con ngỗng trời đầu xanh cánh hồng lốm đốm. Là những khách lữ hành không mệt mỏi và những kẻ di cư đơn độc, chúng bay trên mảnh đất Trung Hoa từ Nam chí Bắc, theo dấu mặt trời. Đoạn bảy, một âm thanh thánh thót phát ra sau một tràng nốt nhạc gãy gọn. Đó là dòng Dương Tử đang chảy về đông ra biền lớn, mang theo trong lòng những niềm hối tiếc và cơn đau buồn.