Bạn đang đọc Đàn cổ cầm khỏa thân – Chương 19 – Phần 01
Sáu
Năm 581, nhà Trần
Một con gà gáy đinh tai. Chuỗi tiếng gáy hoan hỉ của nó lôi Thẩm Phong ra khỏi giấc ngủ. Chàng quay lại lắng tai nghe. Căn nhà im lìm. Chàng không còn nghe tiếng ngáy của người thợ đàn già. Lúc đó chàng nhớ ra sư phụ đã bỏ đi. Thẩm Phong thở dài rồi thức dậy. Để tiết kiệm nến, chàng đã quen mò mẫm trong bóng tối. Đôi tay chàng tìm chiếc áo đã mặc đêm qua. Dù chàng đã giặt dưới sông, nó vẫn còn mùi ngôi mộ: một mùi hương ngọt và nồng hòa vào bụi không mùi vị. Xỏ tay áo vào, chàng nắm lấy sợi dây mảnh bên trong thắt lại. Chàng với tay lấy dợi dây lưng bị ném dưới đất rồi siết lại cho chặt. Chàng rút cái lược gỗ dưới gối ra. Tóc chàng phủ lên vai thô ráp như những cọng cỏ khô cùng vô số nút thắt làm cho cây lược bị vướng lại. Cuối cùng, chàng dùng những ngón tay vuốt chúng ra phía sau đầu, thắt thành búi, rồi lấy một que gỗ xỏ qua giữ lại. Ngón chân chàng mò mẫm chạm vào đôi ủng rồi xỏ vào. Trong bếp, lửa đã tắt nhưng than vẫn ưng ửng hồng. Chàng tìm được cái lọ kế bên rồi lấy một muôi nước. Chàng uống một ngụm. Đó là bữa sáng của chàng.
Chàng ra khỏi nhà. Các vì sao khảm trên nền trời xanh tối đang nhấp nháy, sao Bắc Đẩu cho biết trời sắp sáng. Chàng khép cửa lại. Sư phụ và chàng không bao giờ khóa cửa. Thường thường, họ thấy những con vật lang thang vào lục lọi trong nhà. Họ chưa từng thấy trộm. Những người hàng xóm luôn giúp đỡ họ và canh chừng đồ đạc cho nhau. Nhưng ngôi làng nghèo đến mức những tên trộm cũng né tránh vì sợ cái nghèo sẽ bám vào chúng. Thẩm Phong chớm đi ra vườn rồi bỗng ngập ngừng. Chàng quay trở vào nhà. Tay chàng sờ vào tấm gỗ nắp quan tài mà chàng đã đặt dưới giường để làm nó sống lại. Chàng đẩy nó chạm vào tường rồi phủ rơm lên nó. An tâm rồi chàng lại đi ra, đi vài bước, ngừng lại, rồi lại đi vào. Chàng ném những đống cỏ khô vào bếp rồi thổi than hồng. Những tia lửa dợm cháy lên. Chàng lôi tấm gỗ ra rồi vuốt ve bằng đầu ngón tay. Sợ nó bị chuột gặm khi chàng đi vắng, chàng mang nó vào góc. Chàng leo lên cối xay, kéo nó qua xà rồi giấu nó trong đống lá tre làm mái nhà.
Bên ngoài, trời đã sáng báo hiệu một ngày đầy nắng. Thẩm Phong chạy men theo sườn núi xuống làng. Mặt trời chói lòa che cả đường chân trời, quét qua những cánh đồng và cây cối, bắt được chàng giữa con đường mòn và chìa tay ra với chàng. Những tia sáng ấm áp của nó đè lên vai người thợ đàn làm chàng bất động. Thẩm Phong ngẩng mặt, hít một hơi thật sâu bầu không khí buổi sớm. Mặt trời chui vào hốc mũi chàng rồi nhấn chìm tim phổi chàng. Đến khi ánh sáng tràn ngập khắp tay chân, chàng lại đi tiếp.
Khi vào sâu trong rừng, con đường mòn tẽ ra thành nhiều nhánh rồi biến mất. Một vài con đường không dẫn đến đâu cả, một số khác chạy về phía hồ, một số khác quanh co lên núi và số khác nữa khúc khuỷu chạy vòng vòng trong cánh rừng đến vô tận. Chỉ một nhánh duy nhất đến được sông Dương Tử và thành Kinh Châu.
Từ khi nào người ta đã vẽ nên cái mê cung khổng lồ bằng đôi chân trần của họ? Cánh rừng, với những thảm cỏ rậm rạp và những cây cối um tùm làm nên một tường thành bảo vệ những ngôi làng rải rác trong núi Bắc. Vì đường sá quanh co ngăn trở và sợ bị lạc đường nên các quan lại thu thuế không dám vào. Tuy nhiên, dọc theo bờ sông, chúng là nỗi ám ảnh của các ngôi làng và không tha cho các nông dân. Dẫn theo binh lính, chúng đột nhập vào những xóm thôn nhỏ nhất rồi cướp lấy ngũ cốc và những cuộn vải dệt theo đúng chất lượng mà luật lệ quy định. Tàn nhẫn và hung tợn, chúng cướp đi nhiều hơn những gì chúng phải lấy, vì tất cả các cấp bậc triều đình đều phải giữ lại chút gì đó làm của riêng. Những năm được mùa bội thu thì chúng để lại cho nông dân vừa đủ ăn thôi. Còn những năm mất mùa, ngoài việc trả sưu thuế, họ còn bị bắt và biến thành nô lệ cho những xưởng trong cung. Trong số họ, vài người trốn thoát và từ đó sống trên những mỏm núi cao chót vót, không ai tới được.
Thẩm Phong nhớ đường đi nhờ vài cây cối mà chàng biết đến từng thay đổi nhỏ. Chàng gắn ỗi cây một nốt nhạc và nhớ con đường dẫn về kinh thành như thể nó là một khúc nhạc cổ cầm dài. Chàng chia cây cối thành nhóm rồi chơi các hợp âm tùy hứng. Chàng thay đổi bản nhạc của mình bằng cách đi đường vòng. Hài lòng khi thấy chàng đến chào mình, cây cối rung rung lá.
Đây đó những dấu chân hươu nai và chim trĩ bỗng nổi bật giữa những lớp rêu và hoa cỏ mùa xuân. Mặt trời đi theo sau Thẩm Phong vào sâu trong rừng. Mặt trời nhìn chàng qua kẽ lá và chuyển từ cành này sang cành khác để chạy trước hay theo sau chàng. Khi Thẩm Phong ngừng lại rồi ngước mắt nhìn, mặt trời ân cần đổ xuống chàng những mảnh vàng. Qua đôi mí mắt nheo lại, Thẩm Phong thấy hàng nghìn chấm đen bập bùng và xoay tít trong sương mờ đỏ chót. Khi thì chúng giống như những đồng tiền đồng hứa hẹn giàu sang và hạnh phúc, khi thì chúng tản ra rơi lả tả như những đồng tiền tang ma bằng giấy mà người sống đốt dâng lên người chết.
Hàng nghìn mảnh vàng! Ai đã tạo ra những đồng tiền có lỗ vuông ở giữa để xâu chỉ qua? Những người giàu xâu chúng vào sợi dây da và đặt trên bàn tính của những thương nhân làm chúng kêu lách cách. Còn người nghèo tích góp chúng trong một cái túi dài và phẳng, chỉ lấy từng xu ra sau khi đã đếm kĩ lưỡng và vuốt ve chúng. Trước khi trả, họ đếm lại một lần nữa như thể khi bị vùi trong túi, chúng có thể sinh ra con đàn cháu đống.
Khi sư phụ có tiền, ông gói chúng lại trong chiếc khăn mà ông vụng về thắt bốn góc lại. Ông đến gần Thẩm Phong, khuôn mặt rạng ngời, đôi mắt lấp lánh vui như trẻ con. Ông tháo nút ra làm những đồng tiền rơi xuống.
– Cầm lấy! – Ông nói với Thẩm Phong. – Chúng ta sẽ trả một bữa ăn thật ngon!
Một bữa ăn thật ngon! Với Thẩm Phong, vốn quen rỗng ruột, điều đó có nghĩa là một cái đĩa đang bốc khói đầy thịt, cơm trắng ăn tùy thích và rượu chảy dọc theo cuống họng làm đầu óc quay cuồng. Bạc có mùi của những món đầy gia vị, cái nóng của canh đang sôi, vị bánh mì nhân thịt, bánh bao chiên trong dầu và trên hết là miệng ngoạm vào đùi cừu, sườn heo làm quên đi tất cả những buồn bực trong quá khứ và những nỗi lo toan cho ngày mai đến gần.
Với tấm gỗ nắp quan tài, chàng sẽ làm giả một cây đàn cổ cầm của nàng Sái Văn Cơ. Cùng với nó, tiền sẽ từ trên trời rớt xuống như mưa mặt trời hoặc một thác tiền tang ma. Tay che đầu, Thẩm Phong nhảy múa. Quanh chàng, những cây trẩu, cây đồng, cây tần bì, cây dẻ, cây thích, cây keo ngắm nhìn. Khu rừng giống như một cuộc hội họp của những con người không biết tên tuổi, không biết số phận ra sao. Tựa như những bóng tối và những chiếc lá đan xen, hạnh phúc và buồn khổ, giàu sang, phú quý và cùng cực, khốn đốn chỉ là một giấc mơ trôi.
– Quyết định rồi hả? – Lưu Bé Bự giả vờ ngạc nhiên hỏi. – Khi nào thì cậu mang đến cho ta?
Thẩm Phong nhấp miếng trà. Chàng muốn đòi thêm tiền nhưng không biết phải nói thế nào. Chàng tiếc đã đến tiệm của tay buồn đồ cổ mà không báo cho Chu Bảo. Chu Bảo mà những người buôn bán bên đường ai cũng e ngại có thể biết cách moi thêm ở Lưu Bé Bự khoản tiền mà nó cần. Thẩm Phong húng hắng ho rồi ấp úng một chuyện bịa đặt:
– Để làm đàn cổ cầm của nàng Sái Văn Cơ, tôi cần mua những vật liệu tốt nhất. Chẳng hạn như một thân gỗ nghìn tuổi để làm hộp hòa âm… Thật là… khó tìm và… rất đắt… Tôi phải tìm ở chợ đen những xà nhà của các cung điện hoàng triều thời Tống và thời Tấn…
Lưu Bé Bự ngước mắt nhìn chàng. Tim Thẩm Phong đập liên hồi. Chàng có cảm giác tay buôn đồ cổ chuyên bán đồ giả với giá thật cao có thể đọc được trong mắt chàng điều dối trá và sự thật. Y khom lưng rồi hạ cằm xuống.
– Cậu muốn bao nhiêu?
Chàng đỏ mặt.
– Tôi không biết. Ông nghĩ xem bao nhiêu… Ba nghìn đồng?
Môi Lưu Bé Bự kéo ra, vểnh lên để lộ hàm răng bằng vàng. Y cười phá lên.
– Ta có ý hay hơn!
Y vỗ vai Thẩm Phong, cặp cằm chẻ đung đưa.
– Hai cây đàn! Ta muốn hai cây đàn của nàng Sái Văn Cơ!
Thẩm Phong bối rối không biết phải cười hay cúi lạy.
Lưu Bé Bự đứng lên rồi biến mất sau bức rèm gió làm những chiếc vòng ngọc thạch móc trên thắt lưng kêu leng keng. Y trở lại rồi ném vào tay Thẩm Phong một túi nhỏ nhưng nặng trịch.
– Mở ra, mở ra! – Y thúc giục.
Những tia lửa tối tăm cháy lên trong mắt y.
Thẩm Phong kéo sợi dây thắt rồi đổ ra lòng bàn tay: tám mẩu vàng. Lưu Bé Bự hét lên:
– Thù lao đó, Thẩm Phong! Hãy đi mua một thân cây to rồi chẻ làm đôi. Ta muốn hai cây đàn giống hệt nhau, cậu nghe không? Hai cây đàn của nàng Sái Văn Cơ!
Thẩm Phong đưa những mẩu kim loại lên nhìn, không tin vào mắt mình nữa. Đó là vàng hả? Cổ chàng nghẹn lại. Tai chàng lùng bùng. Cả đời chàng chưa bao giờ đụng vào vàng. Chàng chưa bao giờ dám tưởng tượng mình có thể cầm chúng trong tay. Một cảm giác khoan khoái lẫn sợ hãi bắt lấy chàng. Những ý nghĩ, giống như một tổ chim bị kinh hãi, lướt qua đầu óc chàng. Nắp quan tài đủ để làm một cây đàn, nhưng để làm hai cây phải quay trở lại hầm mộ và dỡ cỗ quan tài ra. Dù nghĩa địa là nơi vắng vẻ nhất trong chùa nhưng nó luôn luôn là nơi nguy hiểm… Ngược lại, với vàng của Lưu Bé Bự, chàng có thể tìm được một tấm gỗ đủ tuổi ở chợ… Nhưng Chu Bảo cần tiền để thoát khỏi vương quốc cùng với người nữ tu càng nhanh càng tốt. Nếu chàng đưa cho nó những đồng vàng, chàng sẽ không còn đủ để mua chỗ gỗ cần thiết… Mà nếu không có gỗ thì không thể làm hai cây đàn cổ cầm mà Lưu Bé Bự đòi… Vậy là chàng phải quay lại nghĩa địa, với nguy cơ bị bắt… Hoặc trả lại Lưu Bé Bự một nửa tiền thù lao, tức là bốn đồng vàng, rồi nói thật với y là chàng chỉ có thể làm được một cây…
Thẩm Phong khựng người. Tại sao phải trả những đồng vàng này? Với số vàng này, sư phụ chàng có thể có một ngôi nhà, những bữa ăn ngon, một người vợ, hoặc có thể hai…
– Không có gì hết! – Giọng sấm rền của Lưu Bé Bự chen ngang những suy tính của Thẩm Phong. – Chúng ta sẽ cùng nhau làm nên gia tài!
Lưu Bé Bự hớn hở như đứa trẻ. Y đưa bàn tay trái mũm mĩm lên rồi huơ huơ trước mặt Thẩm Phong, nhấc bàn tay phải lên, úp lên lật xuống.
– Nhìn này, đây là hai bàn tay ta, chúng gần như giống nhau, có phải không?
Thẩm Phong nhíu mày, chẳng hiểu trò này của y là muốn nói gì. Lưu Bé Bự nắm hai tay lại, vỗ bộp bộp.
– Thấy không! – Y vừa nói vừa cười hô hố. – Ta là thương nhân tốt bụng nhất mọi thời đại!…
Nụ cười của gã buôn đồ cổ làm Thẩm Phong nổi da gà, nắm chặt những đồng vàng trong tay. Chúng không phát sáng như lời đồn đại. Thẩm Phong không biết nên bỏ chúng vào túi hay cứ cầm nguyên chúng đó, trong lòng bàn tay. Chàng không biết chúng có thật sự thuộc về chàng không. Có thể chàng đã hiểu lầm và Lưu Bé Bự sẽ lấy lại vàng? Rồi một nỗi lo vụt lóe lên trong đầu chàng làm chàng rùng mình: nếu vàng của Lưu Bé Bự là đồ giả thì sao?
Giọng của tay buôn đồ cổ vang lên:
– Đừng có làm mặt đó, Thẩm Phong! Ta giải thích cho cậu nghe!
Lưu Bé Bự hạ giọng.
– Nhìn đây, tay trái này, đây là bờ Bắc. Ở phương Bắc, tướng quân Dương Kiên đã soán ngôi, tiêu diệt các hoàng tử, lật đổ nhà Chu, lập nhà Tùy. Hắn ta tham vọng chiếm phương Nam. Nhưng vị Thiên tử vốn là chiến binh hung tợn nắm giữ triều chính bằng bàn tay giết chóc này lại sợ một người…
Lưu Bé Bự đằng hắng ho rồi cười. Y nói tiếp:
– Vợ hắn! Bà Hoàng hậu sinh ra ở tộc Độc Cô. Cha bà, có lẽ cậu đã từng nghe tới, là Độc Cô Tín lừng danh, vị tướng tài ba có khuôn mặt thanh tú nổi bật từ xa trên chiến trường với bộ áo giáp sáng bóng. Hai trăm năm chiến tranh Nam Bắc đã sinh ra hằng hà sa số anh hùng và Độc Cô Tín là một trong số đó. Tộc Độc Cô gốc người Hung Nô, nhưng con cháu lại sống cùng với những người Tiên Ti. Nhờ tính gan dạ nổi tiếng của mình, họ liên hết với tộc Thác Bạt, tộc người đã lập nên nhà Ngụy. Những người phụ nữ Độc Cô đã sinh ra nhiều hoàng đế. Không có người Độc Cô giúp sức, Dương Kiên, một người Hán, chắc không thể phế truất nhà Chu của người Tiên Ti để lập ra nhà Tùy. Làm vợ của Dương Kiên từ năm mười bốn tuổi, bà Hoàng hậu Độc Cô là người có ăn học và tận tụy. Một người phụ nữ, khi nàng ta xem tham vọng của chồng mình là một nghĩa vụ hôn nhân thì sẽ cần mẫn và dứt khoát hơn cả chồng! Ngày nào, lúc sáng sớm Hoàng hậu cũng đi theo chồng tới tận cửa chầu triều đình. Nàng chờ lão ấy trong xe và chỉ đi với lão ấy về khi nàng cho là chồng đã xong việc… Ha ha…
Lưu Bé Bự cười. Gò má của y rung rung và mắt trở thành hai cái khe ti hí.
– Nếu ta mà có vợ như vậy, chắc ta đã chùn chân mỏi gối từ lâu! Nhưng Dương Kiên, Hoàng đế của triều đình độc ác nhà Tùy, sợ bà ta. Hắn ta đã thề không bia giờ có con với một người phụ nữ khác. Tự phụ và ghen tuông, Độc Cô Hoàng hậu ra lệnh trong nội cung cấm tất cả những con hầu trang điểm và mặc váy màu. Đứa nào tìm cách được Hoàng đế sủng ái sẽ bị xử tội chết. Và Hoàng đế bạo ngược đã chấp thuận sự bạo ngược của bà hoàng!…
Lưu Bé Bự hạ bàn tay trái xuống rồi nhấc tay phải lên. Những đường chỉ nhỏ chạy dọc trong lòng bàn tay rồi biến mất trong những kẽ nứt ở đầu ngón tay của y. Chúng giống như vô số con đường được thêu bởi những cánh đồng lúa.
– Còn đây, bây giờ là Nam triều chúng ta, vương quốc xanh rờn của những linh hồn bị đày ải… Khi Hoàng đế nhà Trần của chúng ta băng hà, đứa con cả trong số bốn mươi hai hoàng tử trở thành hoàng đế. Trong lễ tang, một trong số bốn mươi mốt người anh em đã nhảy bổ vào Hoàng đế mới rồi cắt cổ hắn bằng một lưỡi dao giấu trong tay áo. May mắn thay là hắn sống sót. Nhưng, nhưng…
Tay buôn đồ cổ lắc đầu.
– Ở phương Bắc, có Hoàng hậu hỗ trợ, Dương Kiên khuyến nông, cách tân quân đội, tập hợp người giỏi chuẩn bị gây chiến với phần còn lại của thế gian. Ở miền Nam, Hoàng đế của chúng ta, từ ngày bình phục thoát khỏi cuộc huynh đệ tương tàn, đã bỏ bê cả việc triều chính. Ở phương Bắc ra lệnh sống thanh đạm và tiết kiệm. Ở phương Nam, triều đình chi tiêu không nháy mắt. Ba ngọn tháp bằng gỗ hương cao chót vót đã được dựng lên cho ba nàng thiếp yêu và được nối với nhau bằng những cây cầu trên trời. Ở Kiến Khang, khi trời đẹp ta có thể thấy chúng trong mây. Phủ đầy đồ trang sức và mặc váy lụa đuôi dài, ba nàng thiếp yêu có cuộc sống vô tư lự như những người bất tử. Người được sủng ái nhất trong số đó là Trương Lệ Hoa mới có mười sáu tuổi, còn hai người kia lớn tuổi gấp đôi nàng. Nhưng tóc nàng đã dài đến mức nó vẫn còn nguyên trên giường khi nàng đã ra khỏi phòng. Hoàng đế chỉ tin cẩn cô gái này, kẻ từng làm hầu gái trước khi được tôn lên thành thiếp trong hoàng cung. Khi hắn tiếp các quan bộ lại, hắn ôm nàng ta trên đùi và cũng chính nàng là người đọc các giấy tờ, chính nàng đối thoại với các quan lại và lũng đoạn triều chính! Ở miền Nam cũng như miền Bắc, phụ nữ đang nắm quyền!
Lưu Bé Bự khoa tay chán nản.
– Cậu và ta, chúng ta là hạng thường dân, những hạt sỏi bên đường, cỏ dại trên đồng mà thôi! Chúng ta chẳng biết gì là hoan lạc cả! Nhắm mắt lại và hãy tưởng tượng một khoảnh khắc trong đời các ông hoàng đi. Ngay khi chúng thức dậy, những nàng hầu trẻ đẹp đã mang đến cho chúng những chiếc áo may từ lụa mịn màng và những chiếc áo thêu. Trên bàn của chúng, những món ăn lũ lượt kéo ra và chúng thậm chí chỉ nếm một nửa trong số đó. Mùa hè, những quan thái giám phe phẩy quạt lông công; mùa đông, những lò than trong cung đốt cháy những bó trầm hương. Đàn bà lớn bé, mập ốm, da trắng, da thẫm, lưng ong, thơm tho, ánh mắt trìu mến, môi ngọt mọng, vô số những bàn tay trắng trẻo và nhẹ nhàng biết vuốt ve chiều chuộng. Nếu ta bán hai cây đàn cổ cầm này, ta sẽ có ba nàng thiếp nữa. Tốt hơn là mấy tay quản gia của ta nên tiết kiệm thời gian và la đuổi những vị khách ít tiền đi chỗ khác. Tỳ thiếp sẽ ở trong những căn phòng. Chúng ta sẽ chơi đùa với chúng nếu chúng ta muốn… Thẩm Phong à, đừng có đỏ mặt!
Lưu Bé Bự dừng lại, uống cạn tách trà rồi cười khẩy:
– Hai cây đàn quý cho hai bà chủ của thiên hạ! Nếu cây này là giả thì cây kia đích thị là thật! Người mua được cây thật sẽ tin chắc người kia mua phải cây giả. Nếu không có cây giả thì người ta đã không bán cây thật! Đi đi, Thẩm Phong, đi tìm thân gỗ của cậu đi. Chúng ta sẽ trở nên giàu có, rất giàu có…
Con đường mở ra, uốn cong đến tận mặt trời. Con đường là một dòng sông đầy những tia nắng, nơi những thương nhân lươn lẹo đang tìm bắt con mồi. Giữa trưa trời không có mây. Tiếng xì xào của đám đông tạo thành một thứ âm nhạc hỗn độn hòa lẫn cả nỗi lo âu, ham muốn, vội vã, ân sủng và thất vọng. Thẩm Phong đi giữa đường, siết chặt những đồng vàng trong áo. Bị ép vào lồng ngực, chúng nhảy múa theo từng nhịp thở, nhắc nhở chàng chúng đang tồn tại trong từng bước chân. Quanh chàng, mọi người đang bàn tán, cãi cọ rồi giải hòa, ham muốn tột cùng mình được giàu lên. Nếu họ biết Thẩm Phong mang theo vàng trong người, chắc họ sẽ bóp cổ chàng để lấy túi vàng mất.
Chàng chán nản nghĩ tới tất cả những thứ chàng có thể tự thưởng ình ngay lập tức. Những bộ quần áo mới? Quần áo của chàng đã rất thoải mái và dễ mặc. Một bữa ngon? Lạ thay, cơ thể chàng chẳng phản ứng với thứ hấp dẫn này. Cổ họng chàng thắt lại, chàng không đói. Nếu người thợ đàn già đang đi với chàng, chắc họ sẽ ăn mừng và uống đến tận khi trời sáng. Thẩm Phong thở dài rồi vội vã bước đi. Chàng lao nhanh đến quán Vượng Phong sang trọng, chắc Chu Bảo đang ăn trưa với băng đảng ở đó.
Từ xa, tiếng cồng đánh tiếng dài và chậm báo hiệu kẻ tử tù đang bị giễu qua phố. Ở Kinh Châu, hành hình là một màn thu hút cả kinh thành. Những cánh cửa sổ mở ra, lũ trẻ con chạy theo, đám đông bu lại bên đường chờ đợi đoàn người. Thẩm Phong luồn vào trong mái che của một cửa tiệm. Kế bên chàng, một người bẫy chim đã bỏ hết lồng chim xuống đất. Lũ chim đập cánh hốt hoảng. Thẩm Phong ngồi xổm, vừa chọc phá chúng vừa huýt sáo. Bất thình lình, chàng nghe tiếng một đứa trẻ la lên: “Nữ tu! Nhìn nữ tu kìa!” Tiếng la của nó dẫn theo một đợt sóng tiếng xì xào: “Một nữ tu phạm tội, thật là nhục nhã!…” Thẩm Phong đứng phắt dậy, đi một mạch xuyên qua đám đông. Ở giữa đường, một toán lính mặc đồ màu sặc sỡ, biểu tượng của lính bộ hình, diễu qua phố trong tiếng binh khí chạm vào nhau. Họ dắt theo một người đàn ông và một người đàn bà lưng dựa vào nhau. Cả hai bị nhét giẻ vào miệng và mang trên đầu tấm biển ghi chữ “tử tù”. Thẩm Phong nhận ra Chu Bảo và vị nữ tu trẻ tuổi. Quần áo của họ bê bết máu, bùn đất và khuôn mặt họ lem luốc, bụi bặm. Chuyện gì đã xảy ra chứ? Họ đã quay lại ngôi mộ hòng tìm thấy châu báu bị giấu ở đâu đó hay sao? Làm sao người ta bắt được họ? Người ta đã hỏi cung, tra tấn họ hay sao?
Bụng nhộn nhạo, Thẩm Phong vội lấy tay bịt miệng. Chàng muốn theo đám đông nhưng cơ bắp co rút và dạ dày xoắn lại. Không xa đó, một người đàn ông trạc sáu mươi nói lớn:
– … Tổng đốc muốn nêu gương. Ông ta đã lệnh xử chém chúng ngay lập tức!
Rồi những kẻ hiếu kỳ liền vây lấy ông hỏi dồn.
– Chúng đã bị bắt hôm qua trong hầm mộ! – Một người có vẻ biết tất cả nói xen vào.
– Nhìn con mụ kia, nó có đôi mắt cáo, – một người hiếu kỳ khác xen vào. – Ê, người đẹp, ta ở đây kia mà!
– Có vẻ các nữ tu chỉ nghĩ tới chuyện đó thôi! – Một người khác cười. – Nghe đồn các nữ tu làm chuyện đó giỏi nhất đó.
– Đồ ngu. Để làm tình thì nấp trong mộ làm quái gì, – người lên tiếng đầu tiên lại xen vào. – Chúng đã tính cướp mộ một hoàng hậu nhà Tống.
– Ở đâu?
Một người mới đến tham gia vào cuộc tranh luận:
– Chắc không? Hoàng hậu nào chứ?
– Phu nhân Hoàng đế họ Lưu, người chinh phạt các vương triều phương Bắc, tổng đốc thành Kinh Châu. Người ta đoán bà chết sau khi con trai là Nghĩa Phù bị mất ngôi báu. Thật sự thì bà đã xuất gia thành nữ tu trên chùa Đại Bi trong núi Bắc đó.
– Ê, mày nghe tin đó ở đâu?
– Anh họ tao là lính gác cổng cho dinh thự của tổng đốc. Tối qua ông ta đang đứng canh thì các nữ tu nổi giận đập cửa ầm ầm đòi tiếp kiến ngay lập tức. Hắn tên là Chu Bảo. Còn cô ả, ả là nữ tu ở chùa Đại Bi đó.
– Á à, kho báu à? Bao nhiêu đồng tiền vàng?
– Hiện tại thì không gì hết! – Người đàn ông hạ giọng. – Tổng đốc đã ra lệnh đóng cửa chùa và cách ly toàn bộ khu vực. Ông ta sẽ phái một toán quân đến đào?
– Quân?
– Thời này ai mà chẳng hám tiền. Tổng đốc là số một… Thằng có tiền có thể mua thêm lính và ngựa để binh hùng tướng mạnh. Có vẻ như vẫn còn một tên đồng bọn nữa… Người ta đang tìm hắn…
Thẩm Phong lùi lại rồi lẩn vào đám đông. Chàng đi chậm lại và cố tỏ vẻ mặt bình thường. Đám đông đi xuống phố, mọi người giẫm đạp lên nhau đi theo. Nhịp chậm rãi và từng cú rời rạc của những chiếc cồng làm máu đập trong tai chàng. Thẩm Phong định chạy ngược lại. Nhưng đàn ông và đàn bà đứng chặn cả bốn góc thành để xem hành hình. Như một làn sóng dâng lên, đám đông khép chặt lại trước mặt Thẩm Phong, ép chàng vào giữa rồi cuốn chàng đi theo.
Giàn hành hình đã dựng lên giữa chợ. Dù ở trong khu đông đúc nhất của đô thành nhưng nơi hành hình vẫn không một bóng người và đầy tang tóc, chỉ có chó và mèo hoang qua lại. Thậm chí, vào những đêm trăng tròn, không ai dám đi qua đó, sợ rằng những hồn ma sẽ xuất hiện sau những lan can nhuốm đầy máu và những mẩu sọ người. Binh lính xua đuổi lũ chó mèo đang phơi nắng. Lúc súc vật gầm gừ rồi đi ra xa nằm. Bị kéo về phía trước, cặp trai gái khập khiễng đi tới giàn hành hình. Bất ngờ, Chu Bảo ngã khuỵu xuống, làm người nữ tu cũng bị lăn ra đất la lên dù miệng đang bị nhét giẻ. Binh lính lấy giáo đâm họ. Họ co rút người lại. Chân họ giãy đành đạch. Mặt họ đầy nước mắt và mồ hôi rực sáng lên như hai tấm gương. Vừa gượng đứng lên họ đã khuỵu xuống lần nữa. Binh lính nắm sợi dây siết cổ lôi họ đi về phía giàn hành hình. Họ để lại sau lưng một vệt dài màu đổ thẫm.
Những tiếng cười cất lên.
– Lũ nhát gan… chúng tè ra quần rồi…
Một giọng như sấm át hết tiếng xì xầm:
– Tránh ra! Đao phủ tới!
Thẩm Phong quay lại. Hai người đàn ông, cha và con, mặc đồ đen, tay áo dài, đang chen qua bức tường chật cứng người hiếu kỳ.
– Cho qua! Cho qua! – Người già hơn vừa la vừa đẩy đám đông trước mặt.