Bạn đang đọc Có Phải Là Anh: Chương 12 : Nhớ…
Chỉ một giây sau khi ôm trọn đôi vai gầy của em vào lòng, cảm xúc trong tôi đã đánh bật lí trí cứng nhắc. Tôi giữ chặt em trong vòng tay mình, hít một hơi sâu hương thơm dịu nhẹ toả ra từ tóc em. Nước mắt em vẫn chảy thấm áo tôi, hơi nóng đọng lại nơi lồng ngực bỏng rát
– Để tôi yên…
Em thổn thức – rất khẽ. Và tôi lờ đi như không nghe thấy, cứ giữ chặt em bằng cái cớ của kẻ an ủi. Đúng, tại sao lại không? Em đã làm tôi xao động. Lỗi là ở em.
Nhiên nắm chặt hai vạt áo trước của tôi. Em đang cố gắng đẩy tôi ra – bằng sức lực yếu ớt của kẻ bị tổn thương.
– Thế Vĩnh…
Lòng tôi đau nhói khi em gọi tên cậu ta. Cánh tay tôi dần buông lơi.
** **** ***
Vì sao Nguyên lại ôm tôi?
Con gái khi khóc trở nên mỏng manh đến thế sao? Đến nỗi kẻ ghét tôi như Nguyên cũng trỗi dậy bản tính thích chở che của bọn con trai ưa làm phách? Tôi không cần anh ta thương hại, càng không cần anh ta ượn một vòng tay để khỏi cảm thấy cô đơn. Tôi đau đớn như thế là quá đủ rồi. Chút xao động này chỉ càng khiến tôi muốn khóc.
Tôi muốn giải thích với Nguyên rằng mình không phải là đứa yếu đuối đến nỗi phải khóc vu vơ. Tôi bị thất tình. Nếu anh ta đã từng trải qua, chắc chắn sẽ hiểu. Còn nếu không… tôi cũng chẳng thèm quan tâm. Tôi chỉ muốn nói, để lòng mình nhẹ bớt.
– Thế Vĩnh…
Tôi nấc lên khi gọi tên anh. Muốn giải thích với Nguyên rằng bác sĩ Vĩnh đã có vợ sắp cưới, rằng điều đó làm lòng tôi tan nát, rằng anh ấy là mối tình đầu đau khổ của tôi.
– …anh có hiểu được không?
Rất nhiều điều muốn nói, vậy mà tôi lại thổn thức mãi không thôi. Cuối cùng chỉ đưa ra một câu hỏi không đầu không cuối. Thế mà Nguyên lại gật đầu, ôm tôi vào lòng lần nữa.
– Hiểu! – anh nói, giọng trầm tĩnh đến ghê người.
Không biết do câu nói của anh, hay vì cái ôm bất chợt lần nữa mà tôi thấy choáng váng. Những hình ảnh mơ hồ khẽ lướt qua tâm trí. Tiềm thức mách bảo tôi rằng “không thể như thế được”. Tôi đẩy Nguyên ra, nhìn anh trừng trừng – không hẳn là tức giận – rồi bỏ chạy.
*** **** ****
Xe bus không đông. Tôi ngồi ngay hàng cuối, nước mắt đắng nghét nơi cổ họng.
Về đến nhà, cổ họng tôi khản đặc. Tôi vào bếp, lấy chai nước trong tủ lạnh, uống đầy một hơi.
– Em đi đâu về? – Quân đứng ở lưng chừng cầu thang, ngó xuống. Tôi vội vàng quay lưng đi để anh không nhìn thấy đôi mắt sưng húp của mình.
– Từ trường về. Hôm nay lớp em có tiết ngoại khoá nên phải ở lại trường.
Nói rồi tôi ôm chai nước, chạy lướt qua Quân bằng tốc độ nhanh nhất có thể rồi đóng sập cửa phòng.
*** ***
Nhà hàng Pháp tầng 7.
– Cô ấy thất tình – vì kẻ khác không phải là em.
Ngọc Khánh khẽ mỉm cười, nhấp một ngụm vang trắng rồi điềm tĩnh ngắm nhìn Nguyên đang “đầu bù tóc rối” trước mặt mình.
– Em đang suy nghĩ gì? Chỉ tiếc không cột chân cô bé lại khi còn có thể? Đừng quên em mới là kẻ bạc tình bỏ đi trước.
– Em không bạc tình – Nguyên cao giọng phản đối – tuy rằng em là người bỏ đi, nhưng đó là tình thế bắt buộc.
– Thì chuyện ngày hôm nay cũng là tình thế bắt buộc.
– Chị đang an ủi, hay đâm cho em thêm mấy nhát dao nữa vậy?
Uống một hết một hơi, Nguyên hậm hực như muốn nuốt luôn cái ly. Anh đặt ly xuống mặt kính một cách thô bạo nhưng không hề có ý định rót thêm rồi tu ừng ực như những kẻ thất tình thường làm. Đơn giản vì anh nghĩ mình đau và tức đến nỗi không thể cầm vững được thứ gì trong tay.
Ngọc Khánh nắm lấy hai bàn tay mà anh đang nhìn trừng trừng, cố truyền chút cảm thông.
– Ngày xưa bị người ta đá, chị cũng buồn như muốn nhảy xuống đất từ đây. Em không phải bị đá, cũng không phải thất tình, chỉ là chưa nắm được tình yêu của mình thôi. Cớ sao mà phải buồn, thật chẳng đáng mặt con trai.
– Trong mắt cô ấy em chỉ là kẻ lừa đảo – giọng Nguyên bất mãn. Anh rút tay về, vò mái tóc của mình.
– Không phải như thế sao? – Khánh thản thiên, đoạn gọi phục vụ rót thêm rượu – em cứ úp úp mở mở, người ta nghĩ là kẻ khó hiểu. Còn cái sự quan tâm độc đoán ấy, chỉ khiến cô bé nghĩ em đang hành hạ người ta mà thôi.
– Vậy mà em cứ tưởng đang hành hạ chính mình thì có.
– Em khờ quá…
Nguyên đứng dậy, vác áo trên vai rồi bỏ đi. Cái dáng cao ngạo cô đơn khuất dần trong ánh đèn mờ.
*****
Tôi tỉnh dậy, cảm thấy ngày hôm qua như đã xa vời hàng thế kỉ.
Hộ Mít đón tôi ở cổng trường, trông có vẻ lo lắng. Nó hỏi thăm đủ điều về tcái sức khoẻ không-thể-nào-tệ-hơn của tôi và chỉ chịu ngậm miệng khi tôi quăng ra mấy câu trấn an vô thưởng vô phạt.
Thực ra tôi cũng chẳng chú ý rằng Hột Mít đã hỏi mình những gì vì còn mải dõi theo những bóng cao cao đeo ba lô trắng trước mặt.
Hôm nay Nguyên không đi học. Tôi rút ra điều này khi đã nhìn muốn lòi mắt toàn bộ sân trường giờ ra chơi. Một phần trong lòng tôi thấy nhẹ nhõm, phần kia lại nặng nề như đá đè lên ngực. Dù sao, không gặp anh ta mấy ngày này cũng tốt hơn.
Thấy Quân, Hột Mít vẫy lia lịa thông báo với anh ở đây vẫn còn chỗ trống. Anh rẽ đám đông đang tranh giành đồ ăn như chết đói tiến lại phía chúng tôi, mắt không ngừng quan sát xung quanh.
– Anh tìm ai vậy?
– Không. Chứ còn em?
– Em á? Làm gì có.
Tôi bối rối chớp mắt lia lịa – tật xấu mỗi khi nói dối.
– Từ nãy giờ em đã ngó dáo dáo, nhưng không phải là tìm ông anh này.
– Có à? – tôi hút sột soạt li chanh dây, cố tình đánh trống lảng. Quân ngóc tôi trong giây lát rồi quyết định không hỏi nữa.
Không chỉ có ngày hôm nay, mà mấy ngày sau đó Quân đều nhìn tôi với ánh mắt như vậy, tại cái bàn này. Cả hai chúng tôi đều tìm kiếm một ai đó, nhưng lại cố che giấu vụng về.
Nguyên không đi học. Cảm giác chờ đợi anh ta của tôi không những không giảm, thậm chí còn ăn sâu hơn ngày hôm trước. Đến ngày thứ ba, tôi quyết định lên thư viện vào tiết tự học, cố đọc một cuốn gì đó không chủ đích với hy vọng mình sẽ tình cờ bắt gặp điều gì đó.
Nhưng dù tôi có chờ đợi trong mệt mỏi, điều gì đó vẫn không xuất hiện.
– Nguyên này – Ngọc Khánh tiến thẳng vào phòng làm việc của Nguyên, mặc cho Nhã Lan đang đuổi theo phía sau. Chị nhất quyết không chịu đi cho đến khi gặp tận mặt Nguyên.
– Để chúng tôi nói chuyện với nhau. Chị cứ lo việc của mình đi – Nguyên lên tiếng, ra hiệu cho thư kí đóng cửa lại.
Anh uể oải đứng dậy, uể oải ngồi xuống salon đối diện với Khánh. Chị đang xếp những hộp cơm đầy màu sắc bày lên bàn.
– “Cậu” mấy ngày không ăn uống rồi hả? Nhìn sắp giống xác khô biết đi rồi đấy.
– Đâu đến nỗi thế… Em vẫn ăn đầy đủ, chỉ là không được ngủ đủ thôi.
– Đủ bữa nhưng không đủ chất chứ gì? Tôi còn lạ gì cái kiểu nốc cà phê trừ cơm của cậu?
Nguyên dựa hẳn vào ghế, thở ra mệt nhọc. Anh đón li nước từ tay cô chủ nhà hàng tốt bụng.
– Có ai muốn đâu, tại những hồ sơ này phải giải quyết gấp.
Khánh nhướn mày ngạc nhiên.
– Ba cậu không thương con à? Ông ấy đâu phải là kẻ bóc lột nhân viên dã man như vậy.
– Không phải ba em, là hồ sơ từ viện kiểm soát chuyển sang. Em đang bị bên đó “dí”, nếu không giải quyết sớm chắc chắn sẽ bị “dìm”.
Ngọc Khánh ngó lên bàn làm việc của Nguyên, nhìn thấy một lô ly cà phê xếp chồng chéo lên nhau, đặt tách biệt với mớ sổ sách tài liệu thì chỉ còn biết thở dài. Lại còn cả cái chăn mỏng nửa trên ghế dài nửa dưới đất kia, đủ biết anh chàng bê bối đến mức nào.
Nguyên vừa ăn, vừa nhìn Khánh đi qua đi lại dọn mớ “chiến lợi phẩm” mấy ngày nay của mình, không những không cảm ơn còn tỏ ý chân chọc:
– Chị sắp thành bảo mẫu của em được rồi. Má em ở nhà sẽ cảm ơn dữ lắm.
– Cậu làm ơn ăn ở cho đàng hoàng một chút, kẻo mất hình tượng.
– Chị biết em quá rõ rồi, còn bày đặt hình tượng chi nữa?
– Không phải tôi. Cho những ai chưa biết cậu, hoặc đã biết nhưng đã quên kia kìa.
Nghe đến đây, Nguyên cảm thấy miếng cơm nghẹn lại nơi cổ họng, ra cũng không được, mà nuốt thì không trôi. Anh nhấp vội ngụm trà thảo mộc nửa đắng nửa ngọt, suýt nữa thì sặc.
– Cái thứ khỉ gì thế này???
– Àh, thức uống gia truyền nhà tôi, đảm bảo khoẻ mạnh trai tráng.
Ngọc Khánh cười toe khi giới thiệu, mặc dù lần đầu thử thứ thức uống này, cô cũng suýt nôn. Lúc đầu trong mớ thức ăn bồi bổ không hề có thứ này, nhưng khi nghe Khánh nhắc đến việc làm đồ ăn cho “cậu trai kiệt sức”, bà lão cứ bắt cô phải mang đi cho bằng được, “bằng không thì đừng về gặp bà”. Khổ thân, có lẽ bà lão tưởng cô chuẩn bị đồ ăn cho người yêu.
– Ai cần mấy thứ này – Nguyên phun phì phì vào chậu trắc bách diệp, nhăn nhó không thể tả. Dạ dày anh vốn kén chọn, nhất là mấy ngày ăn uống không ra sao này, nó làm việc càng tệ – em không ăn nổi nữa đâu.
Khánh đưa cho Nguyên khăn ướt rồi xếp mấy hộp cơm lại.
– Chẳng bõ công tôi chuẩn bị.
– Không cần chị tốt bụng đến thế đâu.
– Cậu vẫn còn giận tôi chuyện hôm trước à? Con trai gì mà nhỏ nhen.
– Không phải, chuyện đó em vốn không để tâm.
– Thế từ hôm đấy đã gặp lại cô bé chưa? – giọng Khánh đắc thắng kiểu “tôi nắm thóp cậu rồi nhá”
Nguyên im lặng một chút, cuối cùng thở dài.
– Em bận quá.
Câu nói dối muôn thưở áp dụng với mọi người, trừ Khánh. Cô bĩu môi, liếc xéo anh.
Trong thâm tâm mình, Nguyên cũng chẳng biết vì sao mình cứ chần chừ mãi không đến trường. Không phải mớ giấy tờ kia mà anh phải làm việc đến mất ăn mất ngủ – nếu muốn, Nguyên vẫn có thể dành chút thời gian gặp Nhiên. Nhưng mỗi lần nghĩ đến chuyện ấy, rồi lại nhớ đến cái ôm tuột mất khỏi tay, anh lại lao đầu vào đống giấy tờ chi chít chữ kia để khỏi phải nghĩ đến.
– Cậu “sợ” gặp cô bé à?
– Có thể cũng nên.
– Có lớn mà chẳng có khôn.
Khánh vô tư buông cho anh một câu mắng trước khi ra về.
– Giáo viên dạy sử bị ốmmmm! Hôm nay chúng ta có tiết tự học.
Chỉ chờ nhỏ lớp trưởng thông báo đến thế, thằng nhóc canh cửa lẹ làng kéo chốt cửa lớn, cửa nhỏ, rồi cả đám nhốn nháo như cái chợ vỡ – đúng kiểu tự học.
Tiếng la hét chói tai của con nhỏ Hột Mít khi thắng ván caro làm tôi tỉnh giấc. Tôi vùng đứng dậy, đập bàn trong trại thái mắt nhắm mắt mở, đầu tóc bù xù.
Cả đám 32 đứa ngừng lại, nhìn tôi trăng trối kiểu “mày chán sống rồi à?”. Không cần một câu hỏi cụ thể, nó tự trả lời hùng hồn:
– Tao chán sống rồi.
– Ơ hay, cái con nhỏ này. Tưởng chuyện gì.
Vài đứa la ó vì bị tôi làm cho giật mình rồi ai lại về việc nấy, chỉ có nhỏ Hột Mít thông cảm, vuốt tóc thẳng thớm cho tôi.
– Tội nghiệp, thôi mày tìm chỗ khác mà ngủ.
Cũng không cần nó phải khuyên, tôi cũng đang định xuống dưới thư viện.
Lục lọi một hồi mới tìm được cuốn truyện đọc dở… cả tuần nay, tôi ngồi phịch xuống hành lang ngay phía dưới cửa sổ, tựa lưng vào kệ sách. Chỉ mới được dăm chữ nửa câu, cơn buồn ngủ đã kéo đến.
Chập chờn trong cơn mê, tôi mơ đủ thứ, nhưng chẳng có giấc mơ nào được đóng vai chính. Lúc nào cũng là ngọn đồi vắng toàn lau xám trông ảm đạm. Ba đứa trẻ hai trai một gái cùng nhau chơi đùa. Tôi chẳng quen đứa nào cả, nhưng tụi nó cứ nhìn tôi như hờn trách. Đứa trẻ lớn nhất nắm tay tôi, rồi kéo tôi chạy băng băng qua cánh đồng. Cảnh vật hoang vu làm tôi hoảng. Nó cứ trấn an “đừng sợ”, nhưng tôi càng la hét. Cuối cùng thì vấp ngã. Tôi chới với cố níu tay thẳng bé…
Tôi mở choàng mắt, thấy mình đang hươ tay trong không khí, chỉ một chút nữa thôi là chạm vào đôi mắt Nguyên đang mở to nhìn mình.
– Ah…! – Tôi giật mình, nhưng ngạc nhiên nhiều hơn cả.
Nguyên đứng đấy nhìn tôi. Cái bóng cao ngạo của anh che hết ánh nắng hắt ra từ khung cửa sổ, tạo thành một vầng toả sáng quanh người. Đôi mắt nâu sẫm kia dường như lại sâu hơn. Tôi nhắm tịt mắt lại, sợ nhìn bị hút vào trong ánh nhìn ấy.
– Vẫn còn buồn ngủ sao? – Nguyên ngồi xuống, mặt đối mặt với tôi. Tôi hé mắt nhìn, rồi lại ngạc nhiên đến nỗi mở to cả hai mắt. Một thời gian không gặp mà anh trông tiều tuỵ hẳn. Hai thầm quâng mắt lộ rõ, duy chỉ có ánh mắt vẫn sáng ngời. Nhìn anh ta cứ như trải qua một trận đại hồng thuỷ, lênh đênh không ăn không uống trên biển suốt mấy ngày trời.
– Em lại suy nghĩ linh tinh gì thế hả? – Nguyên nhíu mày thắc mắc.
– À, tôi đang tự hỏi ai hành hạ anh đến nông nỗi này.
Vừa nói xong, tức thì anh lừ mắt, miệng lẩm bẩm “Lại còn không biết à?” cứ như tôi là tội đồ đày đoạ anh ta khổ sai đến mức này.
– Em trông có vẻ khoẻ mạnh thoải mái quá nhỉ. Nơi yên tĩnh tôn nghiêm như thư viện mà cũng lấy làm chỗ ngủ được.
– Thì chính vì nó yên tĩnh mà – tôi trả lời không ngần ngại.
Nguyên nhìn tôi trong giây lát, vẻ “bó phép” rồi xoay người bỏ đi. Tôi chớp mắt lia lịa, vội gấp cuốn sách để ngay ngắn trên nền, rồi lại chần chừ không biết có nên đuổi theo anh ta hay không.
– Anh định về à?
Chỉ có những bước sải dài.
– Nhưng tôi chờ anh mấy ngày nay rồi.
Bước chân cao ngạo ngập ngừng rồi ngừng hẳn. Tôi cứ tưởng anh ta sẽ quay lại, nói câu gì đó nghe cho ra hồn. Ai ngờ sau vài phút dừng lại cho tôi ngắm lưng, anh ta lại thản nhiên bước tiếp.
An Nhiên không thể nào biết được, trên khuôn mặt phờ phạc không ngủ được vì suy nghĩ vu vơ kia, nụ cười đắc thắng hiếm hoi lại xuất hiện.
– Chị đã xem phim The Vow – yêu lại từ đầu chưa?
– Tôi không thèm nói chuyện với dở hơi nhà cậu – Ngọc Khánh liếc nhìn đồng hồ, trong đầu bắt đầu than vắn thở dài.
– Em cảm thấy tình cảnh của mình cũng từa tựa như thế.
– Khùng như cái thùng.
Khánh cắn cảu rồi dập máy, mặc cho đầu dây bên kia, Nguyên đang cười thoải mái.
*****
Gặp mặt chóng vánh rồi lại lặn một hơi, chẳng bù cho trước đây, ngày nào tôi cũng phải gặp Nguyên, rồi chịu hành hạ. Thế nhưng không gặp anh ta một thời gian, tôi lại còn cảm thấy mình bị hành hạ hơn bình thường. Cái kiểu muốn thì gặp, không thích thì thôi một cách độc đoán này đúng là lần đầu tiên tôi phải chịu đựng.
– Anh ta xem thường tao đến thế là cùng.
Tôi đá thùng rác hùng hồn đến nỗi Hột Mít cũng phải tròn mắt né ra xa. Cũng phải thôi, tôi nghĩ mình có thể phát hoả ngay lúc này cũng nên.
– Tự dưng tao rất muốn mua một cái kéo.
– Để… để làm gì…?
Hột Mít hoảng hồn, lại né ra xa hơn nữa. Tôi nhìn cái mặt lo lắng của nó mà không hiểu lời lẽ của mình có tác dụng gì mạnh dữ. Kiểu này, con nhỏ lại suy nghĩ gì bậy bạ rồi.
– Chẳng phải mày nói tao với mày sắp thi cắm hoa rồi sao. Không có kéo thì làm ăn thế nào được?
– À, ra thế. Tao tưởng mày tức quá làm liều.
– Liều kiểu gì?
– Thôi, không nói nữa.
Con nhỏ đánh trống lảng mà mặt đỏ bừng. =)))
Tôi và Hột Mít đi lòng vòng mấy shop cuối cùng cũng mua được dụng cụ cần thiết và mấy loại hoa ưng ý. Chị bán hàng hứa sẽ chọn sẵn hoa vào sớm chủ nhật, chúng tôi chỉ việc ghé qua lấy và thanh toán nên mọi việc trở nên đơn giản rất nhiều.
– Bây giờ đi đâu? – tôi hỏi bâng quơ thăm dò ý nhỏ bạn, thay vì độc đoán “Bây giờ đi ăn yaourt” như mọi khi.
– Tuỳ mày thôi – Hột Mít đáp thờ ơ không kém, nhưng tôi chưa kịp vui để quán yaourt thẳng tiến thì nó đã gửi xong cái tin nhắn, miệng tủm tỉm trông gian không chịu nổi – tao có hẹn rồi – kèm theo đó là tràng cười thoả mãn.
– Hứ – tôi vươn tay giằng lấy điện thoại của nó nhưng không được – thằng nào??? Có thằng nào để ý đến mày hơn tao nữa hả?
Bị chạm tự ái, nụ cười của Hột Mít tắt ngấm. Nó dồn hết đống của nả mới mua được trên tay cho tôi rồi hậm hực tìm chỗ bắt xe bus gần nhất mà không thèm chào một tiếng. Tôi chỉ thở dài cho con nhỏ chết vì trai, đoạn lại lầm bầm như ba mỗi khi nhắc đến chuyện bạn trai bạn gái của con cái.
Nhắc mới nhớ, sắp tới sinh nhật của ba rồi, mà Quân và tôi chưa có kế hoạch cụ thể. Mọi năm ba má con sẽ tổ chức sinh nhật cho ba, nhưng năm nay mãi vẫn chưa thấy má nói gì, không khéo má cũng quên luôn.
Tôi gửi một lúc hai cái tin nhắn nhắc nhở á và Quân rồi tiện đường ghé vào tiệm bán đồ công sở trên đường về, định bụng tìm cho ba một cái carvat. Theo như tôi nghiệm ra, thì thứ cần thiết, và cũng là nhiều nhất ba phải có trước khi đi làm chính là carvat. Nhưng nói trắng ra, thì cũng chỉ là thói quen tặng quà cố hữu của tôi thôi, vì trước giờ giới hạn quà tặng của tôi chưa bao giờ thoát khỏi cái carvat cả.
Cửa hàng nhìn từ ngoài đã toát lên vẻ trang nhã và không quá sang trọng đập vào mắt tôi đầu tiên. Đẩy cửa bước vào, điều đầu tiên tôi cảm nhận được là hương lavender thoang thoảng – không phải kiểu của loại nước xịt phòng thông thường. Tôi dõi mắt khắp các kệ hàng, vừa hít hà hương lavender một cách triệt đểm, đến nỗi đụng phải người bên cạnh mà không biết.
– Xin lỗi – tôi lí nhí, chân vội vàng dịch ra xa như phải lửa khi nhận ra mình mới dẵm chân một quý ông chính hiệu. Nhìn đôi giày bóng loáng bị bụi bẩn đế giày bata của tôi làm cho “lu mờ”, đến tôi cũng thấy xót xa nữa huống hồ chính chủ. Bụng bảo dạ, tôi lầm lũi lảng đi vì sợ người ta hạnh hoẹ, ai ngờ chủ nhân đôi giày lại cất giọng ngạc nhiên.
– Họ An tên Nhiên?
– Hử?
Ai mà lại biết tên tôi, lại còn nói với cái vẻ “bất mãn rành rành” thế kia? Tôi cần trọng ngẩng lên, suýt nữa thì ngã ngửa.
– Ông chú… – ba chữ “viện kiểm soát” bị tôi nuốt gọn. Đối phương chờ đợi tôi nói hết câu mới hàng lông mày nhíu lại gần như đường thẳng, rồi cũng chẳng chờ tôi nói hết, ông chú này đã giễu.
– Trông anh già thế sao? Nhìn em như sắp sửa hết hơi đến nơi rồi kìa.
Ừm, thì không già. Nhưng trước giờ tôi luôn liệt những người đã di làm vào danh sách “đồng nghiệp của bố”. Tất nhiên là trừ Nguyên ra – vì anh ta không đáng để tôi tôn trọng đến mức vậy.
– Tôi hơi ngạc nhiên, vì không ngờ lại gặp chú … à.. gặp anh ở đây. Chú cũng mua quà sinh nhật cho bố à?
Nói xong tôi mới thấy cách xưng hô của mình thật là lộn xộn. Anh hay chú thì chọn đại cho rồi.
Chẳng hiểu Việt Huy có khó chịu không, chỉ thấy anh ta bật cười.
– Anh không có thói quen tặng quà sinh nhật cho bố, chỉ một câu chúc mừng cũng là nỗ lực lớn rồi.
– Vậy anh đi mua đồ ình sao? – tôi nói và nhìn Huy khắp một lượt, thầm đánh giá gu ăn mặc của anh ta, rồi lại thất vọng quay đi vì thấy chẳng có gì để chế giễu.
– Không, anh không mua đồ ở đây.
Tôi nhướn mắt nhìn anh ta rồi chớp lia lịa, cố để không phát ra câu: Thế anh ở đây mua quà cho bạn trai à?
– Thực ra anh mua quà cho bạn gái.
– Àh, ra thế. Bạn gái anh thích đồ công sở.
Câu nói đầy chế giễu của tôi rõ ràng khiến Huy lúng túng. Dù có vô tâm đến mấy cũng chẳng có thằng con trai nào tặng áo vest quần tây cho bạn gái cả, mà thái độ của Việt Huy đã tố cáo anh ta nói dối. Nhưng tôi cũng chẳng có lí do gì quan tâm hay chỉ trích đời tư của anh ta cả, xét cho cùng thấy mình cũng hơi quá, tôi lại “vừa đấm vừa xoa”
– Nhân tiện gặp nhau, tôi muốn cảm ơn anh vì chuyện lần trước.
– Àh, anh cũng không có ý định đến công ty Nguyên kêu gào như thế.
– Không phải – lần này đến lượt tôi nhíu mày – chuyện trước nữa cơ.
– Cái lần em uống say lăn lóc lóc ấy hả?
Huy “xuất thần” nói hơi to làm cô nàng thu ngân ngước nhìn với vẻ quoái lạ, còn tôi thì ngượng chín mặt. Anh ta không nhớ thật, hay cố tình làm tôi bẽ mặt? Nếu là vế sau, tôi thề sẽ trả lại anh ta một vố thích đáng.
– Xin lỗi – Việt Huy vừa nói vừa cười làm tôi thấy lời xin lỗi chẳng có chút thành tâm nào hết – tại anh nghĩ em sẽ không bao giờ muốn nhắc lại nên đã quên rồi. Mà cũng chẳng có gì cần phải cảm ơn cả.
Anh ta nói như thể đầu óc là cỗ máy dễ điều khiển, có thể nhớ – quên tuỳ theo ý muốn.
– Vậy sao anh lại nghĩ tôi sẽ cảm ơn chuyện anh “kêu gào” hôm bữa.
– Vì anh nghĩ mình đã làm một việc tốt.
Bỗng chốc trong đầu tôi nảy ra bao nhiêu câu hỏi. Rốt cục tại sao anh ta lại chắc chắn rằng Nguyên đang lợi dụng tôi? Rằng anh ta là kẻ xấu? Nhưng rồi nghĩ lại chuyện Nguyên có là người thế nào, có lợi dụng tôi hay không thì tôi cũng chẳng làm gì được nên lại thôi. Từ khi bị anh ta nắm bí mật, tôi chỉ có một khả năng duy nhất là phục tùng những trò quoái đản của anh ta thôi.
– Em đang nghĩ xem anh có nói dối không à? – Huy nhìn tôi với vẻ thăm dò, đoạn chọn một cái nơ gắn kèm với áo sơ mi nữ.
– Tất nhiên là không, vì tôi tin những gì anh nói là thật?
– Tin? Vậy mà em vẫn nhắm mắt cho qua à?
– Biết sao được. Ai bảo Nguyên vừa xuất hiện thì đời tôi đã đen tối rồi.
Nói xong câu này, tôi lảng sang kệ bên cạnh, cố căng mắt tìm đại một cái carvat trong khi đầu óc rối bời. Đến khi quay người định bỏ sang cửa hàng khác tôi mới nhận ra “ông chú” Việt Huy đã đi từ lúc nào.
Tôi vừa dợm bước hướng về phía cửa thì cô gái ở quầy thu ngân đã gọi lại, kèm theo nụ cười nhã nhặn.
– Có mẫu mới về, chị nghĩ hợp với mọi ông bố, em xem thử đi.
Tôi nhìn vào chiếc carvat kẻ sọc coban sang trọng đặt trong hộp giấy, khẽ thán phục “hàng cao cấp”. Sờ thử vào lớp lụa bóng mượt, tôi mỉm cười với quyết định “chỉ xem cho có”.
– Em không mua nổi hàng đắt tiền thế này đâu, dù rất thích. Cảm ơn vì đã giới thiệu.
tôi đẩy chiếc hộp về phía trong, nhưng cô gái không cất đi mà lại cho luôn vào túi giấy.
– Em thích là được rồi. Anh trai em đã trả tiền, nói là quà dành cho em.
– Anh trai? – tôi ngạc nhiên hỏi lại.
– Người lúc nãy đứng cạnh em đấy.
– Àh – tôi gật gù như đúng rồi – họ hàng nhà em đông quá nên đôi khi cũng chẳng nhớ mình có bao nhiêu ông anh nữa.
Tôi mỉm cười, nghiến răng nhận túi đồ, trong đầu lại tính toán không biết sẽ trả lại cho “ông chú viện kiểm soát” bằng cách nào.
Buổi tối, khi đã trùm chăn đi ngủ, tôi ngẫm nghĩ mới thấy ngoài cái khả năng phục tùng Nguyên ra, còn có khả năng thứ hai là bị anh ta xem thường. Vừa mới mạnh miệng chửi rủa Nguyên hồi chiều, tối đến lại phải nghĩ cách gặp mặt anh ta để hỏi thăm địa chỉ của ông chú viện kiểm soát.
Nghĩ đến đây, tôi lại liếc mắt nhìn hộp quà trên bàn, không nén nổi ý định viết hai chữ “Việt Huy” dán lên tường rồi đóng đinh ghim lên. Trên đời này ai chẳng thích đồ không mất tiền, nhưng là cái kiểu ban ơn thế này, cảm giác luôn bị xem là đáng thương khiến tôi chỉ muốn đau tim.