Bạn đang đọc Có Phải Là Anh: Chương 11 : Nín đi
“Nín đi..”
– Anh đang tự thú đấy à?
Nguyên im lặng, tiếp tục với mớ tài liệu của mình, để câu hỏi của tôi rơi vào quên lãng.
Tôi thật muốn hỏi anh ta nhiều chuyện, rất nhiều, nhưng lại không dám hỏi. Sao anh ta lại làm cái vẻ tổn thương nghiêm trọng thế kia trong khi tôi mới là kẻ đau lòng nghiêm trọng? Nguyên tưởng tôi vô tư đến mức không thèm quan tâm những hành động khó hiểu mà anh ta dành cho tôi, tưởng tôi không dằn vặt trong lòng trước những cảm xúc nóng lạnh bất thường? Dù tôi có bất cần cuộc sống này thật, nhưng tôi cũng là một con bé 17 tuổi. Dù chẳng còn sống bao lâu nữa, một phần nào đó trong tôi – dù đã cố che giấu – vẫn khao khát được sống một cuộc sống bình thường.
Thế mà anh ta nhẫn tâm xáo trộn cuộc sống của tôi.
Tôi quay đi để giấu những giọt nước mắt đang chảy dài. Chỉ một khắc, tôi cũng không muốn Nguyên bắt gặp hình ảnh mình yếu đuối.
Tôi trở về ghế, lấy đại ra một cuốn bất kì từ trên giá sách, không có ý định xem mà chỉ làm màu để che giấu việc mình vừa khóc. Thật không ngờ, thứ mà tôi vừa lôi xuống lại là cuốn sổ tay bằng da đẹp đẽ, kín đặc những chữ.
Nếu có thể đọc được những chữ trong đây, tôi có thể kết luận nó có phải là nhật kí hay không rồi. Nét chữ nghiêng nghiêng mực xanh – có lẽ là của Nguyên – bằng thứ tiếng (quoái quỷ là không phải tiếng Việt) mà tôi phải căng mắt mới nhìn rõ từng chữ một. Không lấy làm hứng thú – vì chẳng hề thu thập được thông tin gì – tôi lật nhanh qua các trang. Tình cờ, bức ảnh hiện ra gần cuối sổ khiến tôi phải chú ý. Đó là bức ảnh cũ kĩ kích cỡ kiểu xưa mà bây giờ người ta không còn dùng nữa với màu sắc cho thấy rõ sự phai mờ theo năm tháng. Trong ảnh, ba đứa trẻ nít tuổi không cách xa nhau lắm đang chen chúc nhau ngồi trên một chiếc xích đu, miệng cười ngoác đầy hồn nhiên.
Tôi cảm thấy có gì thân thuộc lắm. Có lẽ tuổi thơ của tôi cũng đẹp như thế này. Đứa trẻ lớn nhất ngồi ngoài cùng có lẽ là Nguyên, còn cô bé ngồi giữa và cậu bé còn lại thì…
Chưa kịp đưa ra nhận xét, tiếng báo thức phát ra từ cái đồng hồ trên bàn của báo hiệu đã 3h. Tôi giật mình giấu cuốn sổ da về chỗ cũ.
– Chúng ta đi thôi – Nguyên cầm chìa khoá và áo. Tôi thở ra nhẹ nhõm khi biết lần này anh ta sẽ đưa mình về. Thật sự thì tôi đã chán cái cảnh mặt đối mặt trong bốn bức tường này lắm rồi.
Lúc đi ngang qua bàn, cô thư kí mỉm cười với hai đứa tôi rồi vội vàng nhấc điện thoại lên, vẻ bận rộn.
Đúng lúc tôi định hỏi Nguyên rằng anh ta làm chức vụ gì mà lại có thứ kí riêng thì điện thoại lại reo. Tôi nuốt luôn câu hỏi của mình.
– Dạ, ba.
Ái chà, tôi còn tưởng kẻ sống vô tổ chức như anh thuộc loại “không gia đình” chứ.
– Dạ, con vừa mới xong việc.
Chẳng hiểu bên kia nói gì mà Nguyên khẽ đưa mắt qua tôi, rồi trả lời một chữ “Không” ngắn gọn. Và rồi cúp máy.
Tôi tưởng chỉ mình mới có kiểu nói chuyện ngắn gọn như thế.
– Gần đây em có cú điện thoại nào từ người lạ không?
Tôi lắc đầu.
– Sao anh lại hỏi vậy?
– Chỉ để phòng. Nếu có, cũng đừng nghe, đặc biệt là người lớn tuổi.
A ha! Giờ thì quản lí cả điện thoại của tôi nữa. Thật là độc tài quá đáng!
Ngồi trên xe được khá lâu, tôi mới nhận ra Nguyên không chở tôi về nhà, thậm chí còn bỏ qua khúc rẽ về phía nhà tôi một quãng khá xa. Cũng can tội tôi mải chơi game trên điện thoại mà không chú ý xung quanh. Nhìn trước ngó sau để chắc mình không lầm, lại nhìn một lần nữa để chắc chắn bây giờ không phải giờ ăn, tôi mới hỏi anh ta.
– Chúng ta đi đâu đây?
– Đến bệnh viện?
– Anh nói gì? – tôi lừ giọng, gườm gườm.
– Chẳng phải hôm nay đến lịch em kiểm tra tổng quát sao? Đã lui lại lần thứ 3 rồi đấy.
Tôi muốn cười, muốn khóc mà không ra tiếng.
– Anh đến bệnh viện điều tra tôi đấy à?
– Đừng nói là điều tra, hồ sơ bệnh án bản cũng nằm trong tay tôi rồi.
Lần này thì tôi thực sự sợ. Không lẽ nào Nguyên uy hiếp tôi, quan tâm tôi đến thế chỉ vì xem tôi là bệnh nhân? Ý tôi là bệnh nhân đặc biệt để anh ta có thể vận dụng những kiến thức y học của mình. Như thế không phải là phạm pháp sao?
Nghĩ mới thấy, tôi không nghe lời khuyên của ông chú Việt Huy thiệt là một sai lầm lớn. Chắp hai tay, tôi nói với giọng thành khẩn:
– Xin anh đấy, dù có muốn hàng nghề bác sĩ cũng đừng đem tôi ra làm vật thí nghiệm như thế chứ…
Khoé miệng Nguyên nhếch lên vẻ giễu cợt làm tôi nghĩ mình chưa “nêm đủ mắm muối”, thế là giọng lại thêm phần tha thiết, nịnh bợ.
– Anh ngồi trong văn phòng, xem sổ sách, kí tá trông rất chuyên nghiệp. Tôi khuyên anh đừng bỏ nghề này mà làm bác sĩ.
– Hừ, tôi làm gì mà chả giỏi.
Nguyên nói rồi vòng xe rẽ vào bệnh viện. Tôi bị dây an toàn kéo lại ngồi ngay ngắn trên ghế, khỏi phải chắp lạy gì nữa.
Thực ra, tôi không sợ làm kiểm tra tổng quát – chưa bao giờ. Những lần hoãn trước là do tôi không muốn quan tâm đến bệnh tình mình phát triển ra sao, vì tôi không có ý định chữa bệnh. Còn bây giờ, vào bệnh viện, lại đến khoa thần kinh thì trước sau gì tôi cũng bị bác sĩ Vĩnh bắt gặp đang đi cùng với Nguyên. Thật không có gì tệ bằng.
– Mặt em trông tệ như đưa đám vậy.
– Còn chẳng bằng – tôi đáp lại cộc lốc trong sự giận dữ khi Nguyên cứ kéo tôi đi phăng phăng qua hàng lang bệnh viện dài hun hút. Anh ta thu hút sự ánh mắt của những người đi ngược chiều đã đành, cái miệng không ngừng la ó của tôi còn thu hút sự chú ý nhiều hơn nữa. Chẳng mấy chốc mà nơi đây chẳng còn là nơi yên tĩnh như đáng lẽ nó phải thế.
Nguyên dắt tôi vào phòng chủ nhiệm khoa. Tôi tạm thời nhẹ nhõm, vì nãy giờ chưa thấy Thế Vĩnh đâu cả.
– Chào bác. Cháu đến như đã hẹn trước trong điện thoại.
Tiếp chúng tôi là vị bác sĩ già có cái nhìn nghiêm khắc và vẻ mặt trầm tĩnh. Ấy thế mà đôi mắt kia bỗng trở nên hiền hoà khi nhận ra Nguyên. Hai người bắt tay nhau thân tình.
– Cháu đến đúng giờ nhỉ.
Cái tên ba chữ “Hồ Mạnh Tâm” – bác sĩ chủ nhiệm khoa – nằm “oai phong lẫm liệt” trên bàn.
Vị bác sĩ đứng dậy, bước khỏi bàn làm việc. Tiến về phía tôi, ông hơi cúi người xuống, nhướn mắt lên trên đôi kính lão để nhìn tôi trong cự li gần. Cái nhìn lom lom có phần soi mói của ông khiến tôi thấy hơi sợ.
– Đây là con nhóc bướng bỉnh không chịu đi khám bệnh mà cháu nói sao? – ông ấy bắt đầu xoa đầu tôi như một đứa con nít – phải khám thì mới khỏi bệnh chứ. Bệnh tim không đùa được đâu. Cháu chỉ có một quả, mà nếu có bị hỏng, cũng chẳng ai đủ tốt để cho cháu một quả khác để thay thế.
Nguyên khẽ siết chặt tay tôi dù chẳng nói lời nào.
Tôi không phải không nhận ra sự xúc động ghê gớm trong cái nắm tay ấy. Chỉ là, tôi cũng ngạc nhiên vì sự dao động không kém trong lòng mình. Tôi lén nhìn anh. Cái sống mũi nghiêng nghiêng cao ngạo, đôi mắt nâu nhìn thẳng kiên định. Tôi tưởng anh là người có tâm hồn như sắt đá, ai ngờ…
Bỗng nhiên tôi “muốn” được khám bệnh, chỉ để làm vừa lòng anh. Tôi cũng không hiểu những cảm giác của mình lúc này, nhưng tôi muốn nó quá nhanh. Vì nếu cứ kéo dài, chắc chắn tấm bình phong mỏng manh như thuỷ tinh mà tôi tạo dựng sẽ vỡ tan.
Bác sĩ chậm rãi ngồi xuống ghế salon, châm một điếu Fantasia. Vậy mà tôi còn trong bệnh viện cấm khói thuốc.
– Ta đã nghiên cứu bệnh án của cháu rất kĩ. Với tình hình này, nếu không có sự kiêng cữ nghiêm ngặt và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, chẳng bao lâu nữa cháu sẽ phải chuyển vào điều trị trong bệnh viện.
Tôi bất giác lùi lại, cảm giác tê tê ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Tôi không thể nằm viện mà gia đình không biết. Như thế những nỗ lực trước giờ sẽ hoàn toàn đổ bể.
– Cháu sẽ không nhập viện – tôi cố gắng trả lời quả quyết, nhưng giọng vẫn hơi run.
– Tất nhiên cuộc sống là của cháu, phung phí thế nào cũng tuỳ cháu – hai chữ “phung phí” được ông cố tình nói nhấn hơn bình thường – nhưng nếu muốn che giấu được, tốt nhất cháu nên để ta theo dõi sức khoẻ trước đã.
Nói rồi ông đứng dậy, khoác áo blouse trắng vào.
– Đi theo ta nào.
Chỉ chờ có thế, Nguyên lại lôi tôi đi. Tôi ngoan ngoãn theo anh, cứ lầm lũi đi mà không dám nhìn thẳng.
– Chúng ta sẽ làm điện tâm đồ trước.
Vị bác sĩ già nói như thể tôi còn sự lựa chọn nào khác. Ông dừng lại ở phòng bệnh đầu tiên khoa tim mạch. Không phải không dám làm, nhưng tôi rất ghét đeo ba cái thứ dây nhợ lằng nhằng, thế nên cứ đứng nấn ná ở cửa, nhìn đôi giày màu rêu của mình rất chi là chăm chú, tưởng chừng trên đời không còn gì đẹp hơn nó. Đúng lúc ấy thì một bóng áo blouse khác lướt qua. Ngay lập tức, bác sĩ Tâm nắm tay người ấy lại.
– Đúng rồi, tiện có con ở đây, con làm điện tâm đồ cho cô bé này giúp ba nhé Vĩnh.
Chữ “Vĩnh” vừa lọt vào tai, tôi ngẩng phắt lên, nhìn chằm chằm bác sĩ Vĩnh với đôi mắt đầy sửng sốt. Anh nhận ra rôi, cũng chỉ hơi ngạc nhiên.
– Cuối cùng em cũng chịu đi khám rồi à? – anh cười rất tươi, định giơ tay xoa đầu tôi nhưng Nguyên đã nhanh hơn, bắt tay anh với thái độ nghiêm nghị.
– Phiền bác sĩ rồi.
– Đâu có gì. Anh là…?
Không để Nguyên tiếp tục tự biên tự diễn màn giới thiệu, tôi vội vàng nhảy ra chắn giữa hai người, đồng thời gạt tay Nguyên xuống.
– Ha ha, đây là anh trai em, chưa có dịp giới thiệu với bác sĩ.
– Anh trai?
Câu này được cả Nguyên và Vĩnh nói ra cùng lúc khiến tôi bối rối không tả xiết. Bác sĩ Tâm cười nhẹ đầy ngụ ý rồi gật gù bỏ đi trong khi mặt tôi đỏ bừng. Tôi quay lại, vừa cười vừa đá nhẹ chân Nguyên, ý muốn anh ta phối hợp ăn ý.
– Anh hai!
Đúng như tôi mong muốn, nụ cười giả tạo xuất hiện trên mặt Nguyên ngay lập tức. Anh ta vội vàng kéo tôi lại, tai trái vòng qua cổ rất chi thân mật.
– Đúng rồi, tôi là anh trai cô bé.
Tôi chỉ muốn gỡ tay Nguyên ra, nói rằng anh ta làm hơi lố nhưng không thể vì Thế Vĩnh đang nhìn hai đứa chằm chằm.
– Vậy à, sao anh tưởng em không cho người nhà biết bệnh tình của mình.
– Anh ấy không phải anh ruột.
– Đúng rồi, không phải anh ruột – Nguyên phục hoạ theo, giọng có phần cay cú – nhưng là anh rất thân.
Bác sĩ Vĩnh nhìn chúng tôi, muốn thắc mắc thêm nhưng không tiện. Anh khẽ gật rồi ra hiệu tôi vào khám. Chỉ chờ anh vừa qua khỏi cửa, tôi thụi ngay cho Nguyên một cùi chỏ.
– Ai da, em dám…
– Chờ đấy tôi sẽ xử cái tội cà chớn của anh sau.
Nguyên đứng dựa vào tường, mắt dõi xa xăm vào khoảng vô định.
Con gái mới lớn gặp bác sĩ mà lại lúng túng? Đây là lòng kính trọng thông thường hay là tình cảm riêng?
Vậy mà trước giờ anh cứ tưởng tình cảm trong Nhiên đã đóng băng một phần, khiến cô lúc nào cũng khó chịu, bất mãn, gắt gỏng với anh. Cô càng bướng bỉnh bao nhiêu, anh càng độc đoán bấy nhiêu. Vậy mà khi thấy thái độ của Nhiên dành cho Thế Vĩnh, sắt đá trong lòng anh lại trở nên mềm nhũn.
Lòng cô chưa hề có khoảng trống, hay khoảng trống ấy đã được lấp đầy từ khi anh ra đi?
Là Nhiên thực sự không nhớ nổi, hay vì cô không muốn nhớ?
Cái thúc bên sườn của cô nhẹ hều mà lại khiến anh nói đau một bên sườn.
*** *****
– Nguyên này – bác sĩ Tâm đi qua, thấy Nguyên đang đứng chờ thì lên tiếng – cháu vào phòng bác mà chờ, tiện thể bàn lại một chút về việc ghép tim.
Anh bỏ ngay bộ mặt u ám để mỉm cười khách sáo rồi đi theo vị bác sĩ già. Lần này vào phòng, Nguyên không ngồi xuống ghế ngay mà than thẩn xem xét xung quanh phòng. Đặc biệt với thói quen đọc nhiều, đích nhắm đầu tiên của anh lúc nào cũng là tủ sách. Hầu hết là sách y học dầy cộp. Có nhiều cuốn anh đã xem qua nhưng phần lớn là tựa sách lạ. Nguyên đặc biệt thích thú với những cuốn mà anh tìm kiếm trong thư viện, đặt mua trên mạng nhưng không thấy.
– Bữa nào cho cháu mượn vài cuốn được không ạ?
– Niềm vui mới à? – vị bác sĩ cười, tay rót chén trà – sao má cháu bảo ngày xưa bà năn nỉ cháu theo nghề y mà không chịu?
– Ngày xưa cháu chưa thích cứu người. Nhưng hại người xong rồi, cháu mới thấy hối hận.
– Cái thằng này, nói như thật.
Nguyên lướt mắt lần nữa trên giá sách, bỗng anh dừng lại trước tấm ảnh còn mới chụp bốn người, vợ chồng bác sĩ Tâm cùng con gái và Thế Vĩnh.
– Anh chàng Vĩnh này thân thiết với gia đình bác lắm à?
– Có gì đâu – ông già nhấp ngụm trà – sắp thành người một nhà cả ấy mà.
** **** ***** ***
– Ừm, xong rồi. Anh sẽ tổng hợp lại rồi báo cho em sau – Thế Vĩnh nói khí lưu file kết quả của tôi vào máy tính. Không biết để anh đo cho thế này, nhịp tim của tôi có sai lệch đi nhiều không nhỉ. Mà cho dù nó có là 100nhịp/ph đi chăng nữa, chắc cũng chỉ có mình tôi biết lí do vì sao. Tôi vớ áo khoác, chuẩn bị ra ngoài. Nhưng rồi lại nấn ná ngồi lại, cốt để nói chuyện với anh thêm chút nữa.
– À, anh là con trai của bác sĩ Tâm à?
– Không, sao em lại hỏi thế?
Vĩnh nhìn tôi với vẻ “cô bé lại nhầm lẫn gì đây?” khiến tôi trở nên lúng túng.
– Thì chẳng phải lúc nãy ông ấy xưng ba con với anh sao?
Lập tức anh khẽ cười, xoa đầu tôi. Bộ tôi giống con nít nhiều chuyện lắm hay sao mà hết người này đến người kia thích xoa đầu??
– Không phải, nhưng cũng sắp rồi. Ông ấy sắp thành ba vợ anh.
Thế Vĩnh cười, trông anh có vẻ hạnh phúc.
– Ah, ba vợ… – tôi nghe mà cảm giác tim mình vỡ vụn thành từng mảnh, phải cố gắng lắm mới giữ được giọng nói bình thường – em tưởng anh chỉ mới đi xem mắt?
Câu hỏi hoàn toàn không cần thiết nữa nhưng tôi vẫn hỏi, như nỗ lực níu kéo thứ chưa bao giờ là của mình lần cuối.
– Chỉ là tin đồn thôi. Anh quen cô ấy lâu rồi. Cô ấy mới về nước không lâu, mọi người lại tưởng anh mới quen.
– Ah, vậy hoá ra anh giấu giỏi thật – tôi nói với giọng cay đắng, mắt lại chăm chú nhìn tôi giày rêu của mình.
– Bệnh viện nhiều lời ra tiếng vào lắm.
Anh có ý đồng tình, đâu ngờ câu nói ấy như lưỡi dao sắc nhọn cứa vào tim tôi. Tôi khẽ gật đầu chào anh rồi chạy biến ra cửa, thậm chí không thể thốt ra nổi hai chữ “Em về” cho lịch sự, bởi lẽ nếu tôi mà mở lời, nước mắt cũng theo đó mà trào ra, nức nở.
Tôi chẳng biết mình đang chạy đi đâu, đã qua bao nhiêu dãy phòng. Chỉ cần còn sức, còn đường phía trước, tôi cứ cắm đầu cắm cổ chạy như một kẻ đang cố gắng trốn chạy thực tại phũ phàng. Nước mắt rơi không kịp chạm đất mà tạt ngược về sau. Tôi cảm thấy cổ mình ướt lạnh, nhưng họng bỏng rát, lồng ngực đau nhói.
Nỗ lực yếu ớt ngăn nước mắt nhưng không thành, thế là tôi lại khóc to hơn. Bổ nhào xuống ghế đá ngoài khuôn viên, chưa kịp thở dốc, tôi đã kéo mũ trùm đầu che gần hết khuôn mặt của mình rồi ngồi co ro. Nơi đây vốn vắng vẻ, vậy mà chẳng mấy chốc lại có tiếng bước chân người. Tôi hít một hơi rồi lại chạy đi tìm góc khuất khác trong bộ dạng trùm kín mặtt. Thế nên chẳng mấy chốc đã va phải người.
– Xin lỗi – tôi mím môi để không bật khóc, đoạn lảng sang bên để nhường đường. Nhưng người đứng trước mắt đã giữ chặt tôi lại. Nhờ chiếc áo sơ mi trắng kẻ sọc ánh kim, tôi mới biết đó là Nguyên. Muốn giằng tay mình khỏi tay anh ta, nhưng tôi lại thấy mệt mỏi đến bủn rủn người. Anh không nói gì, chỉ khẽ ôm tôi vào lòng.
“Nín đi nhóc…”
Chiều đang dần buông. Mặt trời đỏ đến nao lòng.
…..
Kỉ niệm đẹp không thể có lại lần nữa. Nhưng dù cho ta đã cố quên, nó vẫn cứa vào ta lòng những hối tiếc, đau thương.
– Anh sắp đi sao? Anh không thích chơi với em nữa?
– Không phải…
– Anh nói dối.
Cô bé tóc rối đẩy cậu bé trước mặt ra xa, khuôn mặt giận dỗi. Cô chưa biết đau lòng của sự chia li là gì, nhưng cô biết cảm giác cô đơn nhớ một ai đó. Thật khó chấp nhận khi điều đó sắp xảy ra với cô.
– Anh thực lòng không muốn, nhưng phải đi. Dù không ở bên, anh sẽ luôn nhớ về em, sẽ quay về tìm em.
– Nếu anh đi rồi, em sẽ quên anh luôn.
Những giọt nước mắt chảy dài trên má cô bé khiến cậu bé không kìm được, ôm cô vào lòng an ủi.
– Em nhớ anh lắm, ngay cả khi anh chưa đi.
– Anh sẽ về tìm em, em nhất định phải nhớ.
Cậu bé siết chặt vòng tay, tự nói với lòng mình.
“Nín đi nhóc… em mà khóc thì lòng anh cũng đau”
Trên đồi trống, gió vờn quanh những ngọn cỏ lau, thổi lung mái tóc dài đen nhánh. Chiều đang dần buông, mặt trời đỏ đến nao lòng.