Bạn đang đọc Chuyện xứ Lang Biang (Tập 1: Pho tượng của Baltalon): Chương 14
Chương 14: Chiến binh giữ đền
Đôi mắt long lanh của Suku phát ra những tia sáng ngạc nhiên khi nghe tin K’Brăk và K’Brêt được đặc cách vào thẳng lớp Cao cấp 2:
– Thiệt là tuyệt cú mèo! Chương trình của lớp Cao cấp 2 gồm toàn những môn hấp dẫn. Độn thổ nè, Tự biến hình nè, Nghệ thuật nguyền rủa nè…
Kăply thở dài cắt ngang lời thằng nhóc:
– Tụi anh có được học mấy thứ đó đâu, Suku. Thầy hiệu trưởng bắt tụi anh học mỗi môn Thần chú chiến đấu thôi.
– Anh nói gì! – Suku lộ vẻ sửng sốt. – Chỉ học mỗi môn Thần chú chiến đấu thôi ư?
– Ừ.
Suku lẩm bẩm, vẻ mặt càng lúc càng kỳ dị:
– Như vậy là thầy N’Trang Long đã chọn anh và anh K’Brăk làm chiến binh giữ đền rồi.
Cái từ chiến binh giữ đền lạ tai đến mức ngay cả thằng K’Tub cũng giương mắt ếch:
– Chiến binh giữ đền là cái quái gì vậy mày?
Êmê cũng ngơ ngác:
– Ờ, chị cũng chưa bao giờ nghe tới từ này.
– Từ này đương nhiên là chị và K’Tub chưa nghe nói tới… – Suku thoắt trầm ngâm. – Tại vì đã lâu lắm rồi, khoảng hơn ba trăm năm nay, xứ mình không có chiến binh giữ đền. Trong lịch sử Lang Biang, từ xưa đến nay chiến binh giữ đền chỉ xuất hiện có hai lần. Một lần vào năm 1308, một lần vào năm 1692. Đó là hai thời điểm phe Hắc Ám đột ngột trở nên hùng mạnh và đe dọa sự tồn tại của xứ Lang Biang…
– Xạo đi mày! – K’Tub cười khẩy. – Môn lịch sử Lang Biang nằm trong chương trình lớp Sơ cấp 1, tao và chị Êmê học qua rồi mà có thấy nhắc gì đến chuyện này đâu.
Suku thản nhiên:
– Cuốn Lịch sử Lang Biang đang dùng trong nhà trường là sách giáo khoa chính thức, nhiều sự kiện xét ra không có lợi đã bị Bộ giáo dục Lang Biang lược bỏ đi rồi. Những điều tao biết về chiến binh giữ đền được ghi chép trong cuốn Lịch sử Lang Biang. – những trang trắng do sử gia Ama Pô, một pháp sư nổi tiếng của lâu đài Sêrôpôk biên soạn. Đây là tài liệu lưu hành nội bộ của giáo phái Madagui.
Những tiết lộ của Suku khiến K’Tub tròn xoe mắt, mặt bất giác nghệt ra. Trông cái cách nó nhìn Suku lúc này Kăply đoán rằng nó đang nghĩ Suku là một nhà bác học vĩ đại nào đó. Những đứa khác cũng nín thở chờ Suku nói tiếp:
– Thủ lĩnh phe Hắc Ám năm 1308 là Bajaraka Đầu Bự, một siêu phù thủy, tài năng thuộc loại bậc nhất trong lịch sử Lang Biang. Bajaraka Đầu Bự đã thống trị xứ Lang Biang suốt một thời gian dài. Về sau hắn bị chủ nhân núi Lưng Chừng đánh bại.
Núi Lưng Chừng có lẽ là cái tên huyền bí số một đối với mọi cư dân Lang Biang. Suku vừa nhắc đến cái tên đó, Êmê, Păng Ting và K’Tub bật kêu hoảng:
– Chủ nhân núi Lưng Chừng ư?
– Đúng vậy… – Suku gật đầu. – Chủ nhân núi Lưng Chừng là chiến binh giữ đền lúc đó.
– Chủ nhân núi Lưng Chừng tên là gì! – K’Tub chồm hẳn người tới trước, mũi nó cơ hồ quẹt vào mặt Suku. – Đàn ông hay đàn bà?
Suku vuốt mái tóc xanh rêu lòa xòa trước trán, tặc tặc lưỡi:
– Điều đó thì không thấy Ama Pô nói tới.
K’Tub dài môi ra, giọng thất vọng:
– Thế mà cũng gọi là sử gia. Tao nghi ông Ama Pô này chắc cũng hổng biết gì nhiều về chủ nhân núi Lưng Chừng quá hà.
Păng Ting thắc mắc:
– Nếu Bajaraka Đầu Bự bại dưới tay chủ nhân núi Lưng Chừng thì sao gọi là tài năng bậc nhất trong lịch sử Lang Biang được?
Suku chậm rãi giải thích:
– Trình độ pháp thuật của chủ nhân núi Lưng Chừng rất cao, có thể kể là cao nhất thời đó, nhưng có lẽ cũng khó thắng nổi Bajaraka Đầu Bự. Tài năng hai bên chắc là ngang nhau, vì theo Ama Pô cuộc quyết đấu giữa chủ nhân núi Lưng Chừng và Bajaraka Đầu Bự diễn ra gay go, dai dẳng và bất phân thắng bại trong suốt mười năm trời…
Kăply ngứa miệng:
– Tới năm thứ mười một, chủ nhân núi Lưng Chừng đã luyện được một loại thần chú chiến đấu mới?
Nguyên quay sang Kăply tính nạt bạn một câu, không ngờ Suku toét miệng cười:
– Đúng rồi, anh K’Brêt. Chủ nhân núi Lưng Chừng là một đại phù thủy cực kỳ thông minh và uyên bác. Vừa đánh nhau vừa nghiền ngẫm, tới năm thứ mười một, ngài đã luyện thành Thần chú kim cương, một loại thần chú tối cao trong chiến đấu.
Kăply toét miệng cười theo:
– Và cái đầu bự của trùm Bajaraka đã bị đánh móp xọp một cách dễ dàng?
Suku hấp háy mắt:
– Chỗ này thì anh đoán sai rồi. Bajaraka Đầu Bự dĩ nhiên là khó chống nổi Thần chú kim cương, nhưng chủ nhân núi Lưng Chừng muốn đánh bại hắn cũng còn rất vất vả, mặc dù uy lực của Thần chú kim cương phải nói là vô cùng khủng khiếp.
– Em nói vòng vo quá, Suku! – Êmê sốt ruột lên tiếng. – Thế rốt cuộc tại sao Bajaraka lại bị đánh bại?
– Tại chính hắn… – Suku vuốt tóc theo thói quen. – Tại chính cái thói màu mè, ưa chơi nổi của hắn. Nếu vẫn kiêng dè đối thủ như trước đây thì có lẽ Bajaraka chưa bị thua ngay. Đằng này, thấy chủ nhân núi Lưng Chừng không làm gì được mình, hắn lại vừa luyện được vài bùa phép linh tinh gì đó, bèn nảy ý định phô trương thanh thế nhằm chuẩn bị cho bước đường chinh phục các thế giới khác. Hắn sai thuộc hạ dùng quả cầu polygo truyền hình ảnh cuộc chiến đấu của hắn đi khắp nơi nhằm gây tiếng vang.
– Chị vẫn chưa hiểu gì cả! – Êmê nhún vai. – Chuyện đó thì có liên quan gì đến kết quả cuộc chiến?
– Có chứ, chị Êmê… – Suku chớp đôi mắt sáng. – Muốn truyền hình ảnh qua quả cầu polygo, Bajaraka buộc phải thay đổi thói quen chiến đấu của mình. Thứ nhất, hắn phải chấp nhận đụng độ với chủ nhân núi Lưng Chừng vào ban ngày. Vì nếu đánh nhau vào ban đêm, hình ảnh sẽ không đủ sáng để truyền đi. Thứ hai, hắn không thể sử dụng năng lực tàng hình.
– Năng lực tàng hình! – K’Tub quay nhìn Păng Ting, chun mũi trêu. – Ối, như vậy Nữ phù thủy thượng đẳng Păng Sur có dây mơ rễ má với Bajaraka Đầu Bự rồi.
– Đừng nói bá láp, K’Tub! – Êmê lừ mắt nhìn K’Tub. – Làm sao một nhân vật trong Tam tiên lại dính líu đến phe Hắc Ám được.
Kăply giơ bộ mặt ngu ngu:
– Tại sao Bajaraka không thể tàng hình hở Suku?
– Hỏi thế mà cũng hỏi! – Suku chưa kịp đáp, Nguyên đã hừ giọng. – Nếu Bajaraka tàng hình thì làm sao truyền hình ảnh của hắn đi được!
Mặc kệ tụi bạn nói năng nhí nhố, Păng Ting làm như điếc đặc, đưa tay khều Suku:
– Thế rồi sao nữa hả nhóc?
– Thì Bajaraka tiêu tùng chứ sao… – Suku cười khẩy. – Đối phó với Thần chú kim cương giữa ban ngày ban mặt, lại không thèm chơi trò tàng hình, Bajaraka Đầu Bự làm sao chịu nổi. Trước đây chính nhờ khả năng tàng hình siêu hạng, lại khôn ngoan đối đầu với chủ nhân núi Lưng Chừng vào ban đêm để lợi dụng sự che chở của bóng tối, Bajaraka mới cầm cự ngang ngửa được. Còn lần này, Bajaraka chỉ chịu đựng được năm câu thần chú kim cương đầu tiên, đến câu thứ sáu, hắn đi mò giun luôn.
Kăply cụng đầu vào tai Nguyên, nói nhỏ:
– Cái món quả cầu polygo này giống như trực tiếp truyền hình ở xứ mình, mày ạ.
Nguyên nhếch mép:
– Thiệt tao chưa thấy ai ngu như tên Bajaraka Đầu Bự này. Đánh nhau thì lo tập trung đánh nhau đi cho rồi, còn bày đặt vừa đánh vừa đóng phim. Ham hố kiểu đó, banh ta lông là phải!
Cái chết của Bajaraka Đầu Bự không rõ là bi kịch hay hài kịch, có lẽ điều đó khiến bọn trẻ loay hoay nghĩ ngợi nên sau khi bật ra tiếng cười, cả bọn im lặng đi mất một lúc.
– Chủ nhân núi Lưng Chừng hổng biết có dễ tính không há! – K’Tub lẩm bẩm, lo lắng nghĩ đến những quả táo vàng mà nó đã hứa kiếm cho Nguyên và Kăply.
– Yên tâm đi, K’Tub! – Như đọc được tâm sự của K’Tub, Suku đặt tay lên vai bạn, khẽ giọng trấn an. – Chủ nhân núi Lưng Chừng là chiến binh giữ đền đời thứ nhất, anh K’Brăk và anh K’Brêt là chiến binh giữ đền đời thứ ba, thế nào cũng được ngài chiếu cố mà.
– Thế còn chiến binh giữ đền đời thứ hai là ai hở nhóc! – Câu nói của Suku làm Păng Ting sực nhớ ra. – Chuyện gì xảy ra vào cái năm 1692 xa lắc đó?
– Ờ, sau khi Bajaraka Đầu Bự bị tiêu diệt, phe Hắc Ám xuống dốc thê thảm, xứ Lang Biang bình yên được một thời gian dài… – Suku nhíu mày cố nhớ lại những gì Ama Pô ghi chép. – Nhưng gần bốn trăm năm sau, phe Hắc Ám lại trỗi dậy với trùm Pô Palay Tàn Phế.
Biệt danh của trùm Hắc Ám khiến bọn trẻ ngẩn tò te. K’Tub chưng hửng:
– Thiệt không đó mày? Tàn phế thì làm được cái cóc gì mà cũng trở thành trùm?
Suku mỉm cười:
– Pô Palay nguyên là kẻ lành lặn, nhưng hắn tự đánh gãy đôi chân để luyện tà thuật.
Êmê ôm mặt:
– Ối trời! Có chuyện đó thật sao, Suku?
Suku trả lời Êmê bằng cách kể tiếp:
– Sau khi đôi chân bị hủy, sức mạnh của Pô Palay dồn hết lên hai tay. Hắn thường cỡi một con rồng đen chột mắt vung tay giáng sấm sét xuống bất cứ ai không tuân lời hắn. Điều đáng sợ là Thần chú sấm sét bao giờ cũng hủy diệt tanh bành cả một thôn làng hay một khu phố dù mục đích của Pô Palay đôi khi chỉ nhằm sát hại một người…
– Trời đất! – Kăply kêu lên. – Có thiệt là có loại thần chú dã man như vậy không đó?
– Sao lại không, anh K’Brêt! – Suku nhún vai. – Lời nguyền Tan xác của Buriăk cũng từa tựa như vậy, cũng có tầm sát thương trong phạm vi rộng, tất nhiên ở quy mô nhỏ hơn. Nói chung, các phù thủy hắc ám rất khoái luyện ba thứ thần chú man rợ này, mặc dù Hiệp ước Krông Pach đã cấm tu luyện và sử dụng các loại thần chú giết người hàng loạt.
– Hiệp ước Krông Pach á! – Kăply há hốc miệng. – Là cái gì vậy?
Suku hắng giọng, và căn cứ theo cái cách nó đong đưa đôi mắt sáng nhìn hết đứa này đến đứa khác có thể tin là nó không chỉ trả lời riêng thằng Kăply:
– Đó là hiệp ước được ký kết giữa phe Hắc Ám và phe Ánh Sáng hồi tám trăm năm trước. Nếu như tuân thủ theo tất cả những điều khoản được quy định trong bản hiệp ước này thì còn lâu các loại thần chú như Sấm sét hay Tan xác mới được lưu hành. Nhưng dĩ nhiên là phe Hắc Ám coi bản hiệp ước này như một thứ giẻ rách.
Suku khẽ lắc đầu:
– Pô Palay là trùm Hắc Ám, lại càng không coi Hiệp ước Krông Pach là cái đinh gì. Suốt một thời gian dài, hắn đánh giết lung tung, không ai kháng cự nổi. Cả xứ Lang Biang có nguy cơ bị xóa sổ. Rốt cuộc Đại phù thủy Mackeno phải ra tay. Ngài chính là chiến binh giữ đền lần đó.
– Thế ai thắng ai thua! – K’Tub nhấp nhổm hỏi.
– Còn hỏi nữa! – Suku lườm K’Tub qua khóe mắt. – Trên đời này không ai có thể sánh nổi Đại tiên ông Mackeno, một pháp sư thiên tài và là phù thủy kiệt xuất nhất từ xưa tới nay. Ngay lần chạm trán đầu tiên, ngài đã bắt được Pô Palay Tàn Phế. Sau khi tận tình khuyên nhủ, ngài thả hắn ra. Nhưng Pô Palay là kẻ tâm địa độc ác, lại nhiều tham vọng. Vừa được phóng thích, hắn vẫn chứng nào tật nấy, tiếp tục gây họa khắp nơi. Mackeno lại bắt hắn lần thứ hai, lại kiên trì thuyết phục rồi lại thả ra. Cho rằng Mackeno không dám giết mình, Pô Palay càng thêm phóng túng, mặc tình làm mưa làm gió. Lần này thì Mackeno không tha hắn nữa. Ngài đã đốt Pô Palay Tàn Phế ra tro ngay vào lúc hắn định hủy diệt lâu đài Sêrôpôk.
– Một nhân vật tài ba như Mackeno mà bây giờ không lý gì tới chuyện đời, thiệt là phí của! – Kăply không ngăn được cảm khái, quên bẵng cũng tại cái tật ăn nói lung tung mà cái miệng nó bị Đại tiên ông Mackeno làm éo xẹo hôm trước.
Êmê quay sang Kăply:
– Anh kêu ngài là ông cậu đó, anh K’Brêt.
– Ông cậu với chả ông kiếc! – K’Tub hừ mũi. – Ba trăm năm trước hổng biết ổng oai phong như thế nào chứ bây giờ thấy ổng giống con rùa rụt cổ quá hà.
Êmê trừng mắt:
– Em nói năng lung tung gì thế, K’Tub!
Suku chợt buông một tiếng thở dài:
– Thực ra Đại tiên ông Mackeno có nỗi khổ tâm riêng của mình. Có một chi tiết mà ngay cả Ama Pô cũng không biết. Theo cuốn Tự điển bách khoa về danh nhân của Dong Kay thì Đại tiên ông Mackeno có một người em trai tên là Macketa, tài năng không kém gì ông anh. Macketa rất sáng dạ, hai mươi tuổi đã viết cuốn Mười bảy cách hiểu sai về phép luyện bùa phê phán các phù thủy đàn anh, hai mươi lăm tuổi xuất bản các tác phẩm Nghệ thuật của bóng tối và Thế giới thuộc về một người, lý luận rất sắc sảo nhưng đã bắt đầu bộc lộ khuynh hướng hắc ám. Không hiểu sao đến năm hai mươi bảy tuổi, Macketa đột nhiên bị mất tích, từ đó không nghe ai nhắc tới nữa.
– Chị hiểu rồi, Suku… – Êmê thình lình reo lên. – Macketa chính là Pô Palay Tàn Phế.
Phát hiện của Êmê khiến Nguyên, Kăply, Păng Ting và K’Tub giật nảy người, bụng đứa nào đứa nấy tự nhiên thắt lại. Không đứa nào nghĩ cái biến cố năm 1692 lại xảy ra theo chiều hướng bi thảm như vậy. Mặc dù không có chút thiện cảm nào với Đại tiên ông Mackeno, K’Tub vẫn nhìn trân trân vào mặt Suku, chờ một cái lắc đầu để nó có thể nhẹ nhõm thở ra.
Nhưng gương mặt Suku lúc này như đang khuất dưới một chiếc mặt nạ xám xịt và từ đằng sau chiếc mặt nạ ngó thiểu não hết biết đó, một giọng rầu rầu cất lên:
– Chị đoán đúng rồi đó, chị Êmê. Pô Palay chính là hóa thân của Macketa.
Một bầu không khí khắc khoải chạy quanh bọn trẻ sau tiết lộ của Suku, và như đôi khi vẫn xảy ra, thời gian bỗng nhiên như trôi chậm lại và đứa nào cũng cảm thấy một điều gì đó như nỗi xót xa đang nảy mầm trong lòng mình. Mãi một lúc, K’Tub mới chép miệng buông một câu cảm thán:
– Éo le thiệt. Hèn gì Đại tiên ông Mackeno đã mấy lần buông tha Pô Palay.
Êmê nhíu mày:
– Điều này có ghi chép trong cuốn Từ điển bách khoa về danh nhân sao?
– Không… – Suku lắc đầu. – Dong Kay chỉ bảo Mackeno có một người em trai tên là Macketa bị mất tích thôi. Còn Macketa về sau trở thành Pô Palay Tàn Phế là em tình cờ nghe được trong cuộc trò chuyện giữa ông em và Đại phù thủy Păng Sur… – Giọng nó chuyển sang bùi ngùi. – Sau khi tự tay giết chết người em trai, Đại tiên ông Mackeno lòng đau như cắt, thề không bao giờ hạ sát thủ với bất cứ một ai nữa, thậm chí không can thiệp đến mọi tranh chấp thị phi. Cảnh ngộ của Mackeno khiến hai vị khác trong Tam tiên là Pi Năng Súp và Păng Sur nguội lạnh theo, họ cùng quyết định rút lui, kéo nhau về trú ẩn ở khu vực quanh tòa lâu đài K’Rahlan cho đến tận bây giờ.
– Thì ra là vậy… – K’Tub mơ màng lẩm bẩm. – Trước nay mình đã trách oan Đại tiên ông Mackeno rồi.
– Như vậy chuyện này ngoài Tam tiên ra, chắc không một ai biết hở Suku! – Êmê hỏi.
– Không ai biết. Cả Ama Pô lẫn Dong Kay. Ngay cả vợ chồng pháp sư K’Rahlan. – Ka Ming lúc còn sống có lẽ cũng không biết.
Nguyên chợt hít mạnh một hơi:
– Nhưng dù sao đó cũng là những chuyện xa xưa. Và thiệt tình anh thấy chuyện đó đâu có liên quan gì đến anh và K’Brêt. Em căn cứ vào đâu để cho rằng bọn anh được chọn làm chiến binh giữ đền hở Suku?
– Ờ… – Kăply láu táu hùa theo. – Tài năng cỡ chủ nhân núi Lưng Chừng hay Đại tiên ông Mackeno làm chiến binh giữ đền còn có lý, chứ trình độ lôm côm cỡ tụi anh giữ mạng mình còn chưa xong mà làm chiến binh giữ đền cái quái gì. Mắt thầy N’Trang Long đâu có lẽ dữ vậy.
Dường như Êmê, Păng Ting và K’Tub cũng thắc mắc giống y chang Nguyên và Kăply. Tụi nó tuy không nói gì nhưng sáu con mắt nhìn chòng chọc vào Suku, rõ ràng là đang sốt ruột chờ xem thằng nhóc đáp làm sao.
– Có hai dấu hiệu đáng tin cậy cho thấy một phù thủy sắp trở thành chiến binh giữ đền… – Suku điềm tĩnh giải thích. – Một là người đó chỉ chuyên tâm luyện môn Thần chú chiến đấu. Hai là người đó đã ăn được một quả táo vàng ở núi Lưng Chừng.
Suku quay qua Nguyên và Kăply, nheo nheo mắt:
– Sắp tới hai anh có sẽ hái được những quả táo ở núi Lưng Chừng hay không thì em không biết, nhưng việc thầy hiệu trưởng trường Đămri đặc cách cho hai anh vào lớp Cao cấp 2 chỉ để học mỗi môn Thần chú chiến đấu đã hé ra ý định đó rồi. Hơn nữa, hiện nay phe Hắc Ám của Bastu đang hồi cực thịnh, nguy cơ đó rõ ràng đã báo hiệu sự tái xuất hiện của chiến binh giữ đền.
– Không phải đâu, Suku à… – Nguyên kêu lên. – Có lẽ thầy N’Trang Long biết hiện nay các sứ giả của Bastu đang rình rập tìm cách hãm hại bọn anh nên thầy muốn anh và K’Brêt học Thần chú chiến đấu để phòng thân đó thôi.
– Ờ, nói như anh K’Brăk còn nghe được… – K’Tub nhanh nhảu đồng tình. – Còn thằng Suku nói sao giống chuyện hoang đường quá hà. Mày về coi lại cái đầu của mày đi, Suku!
Mặc dù xưa nay luôn yêu quý và ngưỡng mộ K’Brăk và K’Brêt, K’Tub cũng không thể tin được hai ông anh đang lú lẫn và năng lực pháp thuật vừa bị Buriăk làm cho tanh bành kia có thể đóng vai trò của chủ nhân núi Lưng Chừng và Đại tiên ông Mackeno trước đây để hiên ngang đương đầu với trùm Bastu hùng mạnh.
– Những gì nãy giờ tao nói chỉ là suy đoán của tao thôi, K’Tub… – Suku vừa đáp vừa thong thả đứng lên. – Còn sự thật như thế nào thì tụi mình cứ chờ một thời gian sẽ rõ.
– Chờ cái con khỉ! – K’Tub “xì” một tiếng như thể nó vừa phun một hạt táo to đùng. – Hôm nay chỉ còn đúng tám ngày nữa là đến kỳ hẹn của Baltalon rồi. Trước khi trở thành chiến binh giữ đền, anh K’Brăk tao chắc đã trở thành bộ xương khô quá hà.
– Yên tâm đi, K’Tub… – Păng Ting dịu dàng nói, nó cũng đứng lên theo Suku. – Tam phù thủy Bạch kỳ lân đã nhận lời bảo vệ anh K’Brăk rồi mà. Chị nghĩ Baltalon không thể nào vượt qua nổi Masari, Karăm và Pila đâu.
Trái với nỗi lo lắng đang đè nặng lên bọn trẻ lâu đài K’Rahlan, nói xong Suku và Păng Ting bỏ đi với những bước chân ngó thiệt là ung dung, thanh thản. Cứ như thể Păng Ting cho rằng ngay cả trùm Bastu cũng không phải là đối thủ các chàng trai đẹp mã Bạch kỳ lân, còn Suku thì chắc là đang đinh ninh một khi K’Brăk và K’Brêt đã được thầy N’Trang Long chọn làm chiến binh giữ đền thì đến mười tên Baltalon cũng chẳng làm cái cóc khô gì được.
Bữa ăn tối đó ở lâu đài K’Rahlan, có vẻ như những bộ mặt ngồi quanh chiếc bàn dài đã đổi chỗ cho nhau. Sau một thời gian phập phồng chờ đợi, không thấy Hắc tinh tinh và Bạch kỳ lân có động tĩnh, đoán mình không phải là mục tiêu của họ, bộ mặt của pháp sư K’Tul và bà Êmô đã dần dần lấy lại thần sắc và ngay lúc này bọn trẻ có thể thấy rõ vầng trán của hai người dãn ra như vừa tắm dưới mưa.
Hoàn toàn ngược lại vẻ tươi tỉnh đang thèm muốn đó là bộ mặt chầm dầm của bọn trẻ. Kể từ lúc K’Tub mở miệng nhắc đến kỳ hạn tám ngày, điều mà trước đây đứa nào cũng cố ý lờ đi, cả bọn bất giác cảm thấy ngực nặng như đeo đá.
Cái cảm giác về một tai họa đang đến gần khiến Êmê tự dưng không thở nổi. Người ran ran như đổ bệnh, nó uể oải buông chiếc thìa trên tay xuống và nhìn Nguyên bằng ánh mắt rầu rĩ hết biết:
– Anh K’Brăk!
– Ăn đi, Êmê… – Cuộn mình trong chiếc áo khoác màu trứng sáo với những tua viền điệu đàng, bà Êmô nhìn con gái từ đầu bàn bên kia. – Con làm gì mà trông có vẻ mệt mỏi thế?
– Mẹ ơi… – Êmê kêu lên, nó không nói được hết câu nhưng nghe đã rất thảm thiết.
– Chỉ còn tám ngày nữa thôi, dì ạ… – K’Tub đỡ lời Êmê, cố tỏ ra bình tĩnh.
– Tám ngày! – Bà Êmô ngơ ngác. – Tám ngày gì thế hở K’Tub?
– Đó là kỳ hạn báo tử của Baltalon.
Pháp sư K’Tul lên tiếng đáp thay bọn trẻ, rồi quay sang Êmê, ông cất cao giọng, bộ ria con kiến rung rung đầy quyết tâm:
– Ta đã sẵn sàng tất cả rồi, các con à. Tám ngày thì tám ngày, nếu tan xác thì ta sẽ là người tan xác trước. Điều quan trọng là tụi con không được sợ chết.
– Tụi con có sợ gì đâu, ba… – K’Tub ré lên, bộ tịch nó đã bắt đầu khùng khùng. – Tụi con chỉ lo cho anh K’Brăk thôi. Sứ giả thứ ba của trùm Bastu chỉ nhắm đến ảnh thôi mà.
– Thì ta nói chung chung vậy thôi… – Pháp sư K’Tul tặc lưỡi, giọng ông đột ngột nhuốm vẻ triết lý. – Một khi tai họa tìm đến thì khó mà tránh được. Chúng ta chỉ còn cách cố hết sức mình thôi.
Bà Êmô quay bộ mặt lo âu sang phía ông K’Tul, rụt rè đề nghị:
– Hay là ta báo cho giáo chủ Ama Êban…
– Không nên, dì à… – Ông K’Tul kéo một góc chiếc khăn rằn trên cổ để chùi mồ hôi trán và khẽ lắc đầu. – Đây là chuyện riêng giữa phe Hắc Ám và lâu đài K’Rahlan. Trùm Bastu gần đây không đụng chạm gì đến giáo phái Madagui, không nên tạo cớ cho hắn san bằng lâu đài Sêrôpôk.
Bà Êmô lại hỏi bằng cái giọng loãng thếch và yếu ớt của một người vừa rơi xuống nước:
– Thế anh đã nghĩ ra biện pháp nào…
Đang nói, bà Êmô bỗng bỏ lửng. Vì ngay trong lúc ấy, cái cách mà ông K’Tul nhìn bà làm cho bà hiểu ngay là ông chẳng có biện pháp nào hữu hiệu để đối phó với Baltalon và bà đọc thấy một cách sinh động trong mắt ông nỗi tuyệt vọng to lớn không kém gì nỗi tuyệt vọng đang tràn ngập trong lòng bà.
Bọn trẻ dường như cũng nhận ra ngay điều đó. Căn cứ vào cái kiểu đang nói bỗng ngưng bặt của bà Êmô, nhất là cái lối bà và ông K’Tul nhìn chằm chằm vào mắt nhau như thể sắp sửa cùng òa khóc tới nơi, Kăply biết tỏng là đừng nên mong gì vào khả năng bảo vệ của hai người này.
– Bố K’Tul đừng lo… – Kăply tự dưng buột miệng. – Tụi con chưa chắc đã chết dưới tay Baltalon đâu.
– Ờ, đúng đó, anh K’Brêt… – K’Tub thình lình reo lên. – Nếu thực sự được chọn làm chiến binh giữ đền, hai anh vẫn còn hy vọng mà.
– Con vừa nói gì thế, K’Tub! – Pháp sư K’Tul dán mắt vào mặt thằng con, giọng sửng sốt. – Chiến binh giữ đền à? Làm sao mà con biết được về chiến binh giữ đền kia chứ?
– Ủa, ba cũng biết chiến binh giữ đền hả ba! – Tới phiên K’Tub trố mắt dòm ba nó, ngạc nhiên một cách khoái chí, hoàn toàn không biết ba nó là người của giáo chủ Ama Êban. – Ờ, đúng rồi, chắc là ba nghe dì Êmô nói. Cuốn Lịch sử Lang Biang – những trang trắng là tài liệu của lâu đài Sêrôpôk mà.
Chắc chắn không có thứ gì trên đời làm bà Êmô kinh ngạc hơn là những gì thằng K’Tub vừa nói.
– Ôi, K’Tub! – Bà kêu lên giận dữ, tay túm chặt vạt áo choàng để khỏi run lên. – Con đã đọc cuốn sách của Ama Pô rồi à? Con đã lấy trộm của dì phải không?
– Đâu có, dì… – K’Tub toét miệng cười hì hì. – Vụ này là tụi con nghe thằng Suku kể mà.
– Suku á! – Bà Êmô nhíu mày lẩm bẩm. – Dì nhớ rồi, nó là thằng nhóc nhà Pi Năng Súp. Ờ, nghe nói ông nó có một thư viện khổng lồ…
K’Tub tranh thủ cơ hội quảng cáo cho bạn:
– Mặc dù chưa được đi học ngày nào, Suku đáng được coi là nhà thông thái bậc nhất của xứ Lang Biang đó dì.
Pháp sư K’Tul nheo mắt vẻ ngờ vực:
– Nhưng căn cứ vào đâu mà Suku cho rằng K’Brăk và K’Brêt được chọn làm chiến binh giữ đền?
Như thể một quả bong bóng bị gai đâm, thằng K’Tub lập tức “xì” ra ào ào những gì Suku vừa nhồi nhét vô đầu nó, với giọng điệu phải nói là hể hả hết chỗ nói.
– Nhảm nhí… – Chờ thằng con nói xong, pháp sư K’Tul nhún vai phán một câu gọn lỏn.
Dì Êmô buông tay khỏi vạt áo, khẽ lúc lắc đầu:
– Không có chuyện đó đâu, các con. Ta không nghĩ ngài N’Trang Long lại hồ đồ đến mức đó. Nếu xứ Lang Biang cần tới chiến binh giữ đền, ta nghĩ cũng chưa đến lượt K’Brăk và K’Brêt được chọn, ngay cả trong trường hợp K’Brăk và K’Brêt chưa bị mất trí nhớ và vẫn còn nguyên vẹn năng lượng pháp thuật.
Nhìn bộ mặt chảy dài của K’Tub, Kăply không thể không lên tiếng an ủi:
– Bố K’Tul và dì Êmô nói vậy là đúng chóc rồi, K’Tub à. Làm sao mà anh với anh K’Brăk có thể làm được những gì chủ nhân núi Lưng Chừng và Đại tiên ông Mackeno đã làm. Chính em cũng nghĩ Suku nói chuyện hoang đường kia mà.
Vẻ phấn khởi của K’Tub nhanh chóng xẹp lép như bị ếm bùa Chán nản. Mọi người đều xụi lơ không có lý do gì nó không xụi lơ theo:
– Ờ há. Chắc đến lượt em phải coi lại cái đầu của mình quá, anh K’Brêt.
Thằng Đam Pao và con Chơleng xưa nay vẫn lặng lẽ chí thú với công việc bưng dọn thức ăn, chân cẳng lăng xăng chạy qua chạy lại giữa chiếc bàn dài và nhà bếp như hai chiếc bóng câm nín, tóm lại tụi nó chẳng bao giờ mở miệng khi không có ai đó hỏi tới.
Bữa nay nghe K’Tub than vãn, lúc bưng đĩa thịt khoanh sinh vật nguyên thủy đi ngang sau lưng, thằng Đam Pao tự nhiên nổi hứng “xì” một câu vào tai K’Tub làm thằng này sửng sốt đến mức suýt chút nữa ngã lăn ra khỏi ghế:
– Em thấy cái đầu anh còn tốt lắm đó, anh K’Tub.
– Mày lảm nhảm gì thế Đam Pao?
Sau thoáng bất ngờ, K’Tub quay đầu ra sau, ngoác miệng hét ầm nhưng thằng Đam Pao tinh quái đã chui tuốt vô trong bếp tự đời tám hoánh nào rồi.