Chiến Tranh Và Hòa Bình

Chương 66Quyển 4 -


Đọc truyện Chiến Tranh Và Hòa Bình – Chương 66: Quyển 4 –

Đầu năm 1806, Nikolai Roxtov về nhà nghỉ phép. Denixov cũng được phép về nhà ở Voronez cho nên Roxtov cố nài anh ta cùng đi với chàng đến Moskva và ghé lại nhà mình. Đến trạm nghỉ trước trạm cuối cùng, Denixov gặp một bạn đồng ngũ và đã cùng người ấy nốc cạn ba chai rượu nho, cho nên tuy trên đường nhan nhản những ổ gà, khi xe đã gần về đến Moskva anh ta cũng vẫn nằm ngủ li bì trong cỗ xe trượt tuyết bưu trạm.

Ngồi bên cạnh bạn, Roxtov nóng lòng chỉ mong sao chóng về đến nhà, và xe càng về gần nhà bao nhiêu thì chàng lại càng sốt ruột bấy nhiêu.

“Còn bao lâu nữa? Còn bao lâu nữa? Ồ, những phố xá, những cửa hàng, những chiếc biển treo trên các hiệu bánh mì, những cột đèn, những chiếc xe ngựa kia sao mà khó chịu quá!” – Roxtov nghĩ bụng, sau khi các hành khách đã dăng ký giấy phép ở trạm kiểm soát và xe đã tiến vào Moskva.

– Denixov ơi, đến nơi rồi! Cậu ấy vẫn ngủ! – chàng nói, cả người chồm ra phía trước, tưởng chừng làm như vậy có thể tăng thêm tốc độ cho cỗ xe trượt tuyết, Denixov không đáp.

– Kìa cái ngã tư, nơi bác xà ích Zakhar thường đỗ xe, mà chính Zakhar kia kìa! Mà cũng vẫn con ngựa ấy! Và kia, cả cái hiệu tạp hoá mà bọn mình thường mua bánh kẹp. Còn bao lâu nữa không biết? Chà!

– Đến nhà nào đây? – Người đánh xe hỏi.

– Ở đằng cuối, cái nhà lớn ấy. Thế mà không thấy à! Đấy là nhà ta – Roxtov nói – Nhà ta đấy.

– Denixov ơi! Denixov ơi! Đến nơi rồi.

Denixov ngẩng đầu lên, ho húng hắng và không đáp.

– Dmitri. – Roxtov nói với người đầy tớ ngồi cạnh người đánh xe – Đèn nhà ta đấy phải không?

– Vâng ạ, chỗ đèn sáng là phòng giấy của cụ nhà đấy.

– Trong nhà chưa đi ngủ hả? Mày bảo sao? Coi chừng, đừng quên giở cái áo đôn-man mới của ta ra đấy – Roxtov nói thêm, tay mân mê bộ ria mới nuôi được ít lâu nay.

– Nhanh nữa lên nào! – Chàng bảo người đánh xe. – Thôi tỉnh dậy thôi! – Chàng nói với Denixov bấy giờ đã lại gục đầu xuống ngực.

– Nào, mau lên nào! Ta cho ba rúp tiền uống rượu, mau lên nào! –

Roxtov quát to, mặc dầu chỉ còn cách ba nhà nữa là đến. Chàng có cảm giác là ngựa chẳng tiến lên được mấy tí. Nhưng rồi cỗ xe trượt tuyết cũng rẽ về bên phải, tiến vào cổng trước của toà nhà; trên đầu, Roxtov nhìn thấy cái mái hiên quen thuộc đã tróc vôi, chàng nhận ra bậc thềm, cái cột trụ trên vỉa hè. Xe chưa đỗ chàng đã nhảy xuống và chạy vào phòng ngoài. Ngôi nhà vẫn im lìm: chẳng có vẻ gì niềm nở, hình như chẳng đếm xỉa đến người mới về.

Không có ai trong phòng ngoài cả.

“Trời ơi, không biết có được bình an vô sự cả không?” – Roxtov nghĩ bụng và dừng lại một lát, tim như ngừng đập, rồi lao mình qua phòng ngoài chạỵ thẳng lại cái cầu thang với những bậc gỗ oằn oèo đã quá quen thuộc đối với chàng. Cái quả nắm xưa vẫn làm cho bá tước phu nhân bực mình vì thường cáu bẩn, nay vẫn xoay một cách dễ dàng. Một ngọn nến vẫn thắp sáng trong phòng đợi.

Lão Mikhailo đang ngủ trên chiếc rương. Prokofi, người hành bộc khoẻ đến mức có thể nắm phía sau một chiếc xe mà nhấc bổng lên đang ngồi tết những chiếc giày bằng vải vụn. Nghe cửa mở, anh ta ngước mắt lên nhìn, và sắc mặt đang thản nhiên, ngái ngủ bỗng chuyển hẳn thành phấn khởi và kinh ngạc.

– Trời ơi, cha mẹ ơi! Tiểu bá tước kìa! – Anh ta kêu lên khi nhận ra cậu cả. – Thật đấy à! Cậu ơi!

Rồi Prokofi run rẩy vì cảm động, đâm nhào về phía cánh cửa dẫn khách vào, chắc là để báo tin, nhưng nghĩ thế nào lại quay gót trở lại và chạy đến hôn vai ông chủ trẻ.

– Cả nhà văn bình an đấy chứ? – Roxtov hỏi vừa rút cánh tay ra.

– Nhờ ơn Chúa! Bình an cả! Vừa dùng bữa tối xong! Bẩm cậu. Cậu cho con nhìn cậu một tí!


– Thật bình an cả chứ!

– Đội ơn Chúa! Đội ơn Chúa!

Roxtov lúc ấy đã quên hẳn Denixov và không muốn để cho ai đi trước mình, chàng trút bỏ áo lông rồi nhón chân chạy vào gian phòng lớn tối om. Mọi vật đều y nguyên như cũ, cũng văn những chiếc bàn đánh bài ấy, cũng vẫn cái chùm chân nến thuỷ tinh phủ trong tấm vải bọc như ngày trước, nhưng có người đã thấy bóng vị chủ nhân trẻ tuổi, và chàng đi chưa đến phòng khách thì từ một khung cửa nách đã có một cái gì phụt ra như một trận cuồng phong. nhảy lên cổ chàng và hôn chàng túi bụi. Một người nữa, lại một người thứ ba nữa, từ những khung cửa khác ùa ra; lại ôm, lại hôn, lại những tiếng reo, lại những giọt nước mắt vui mừng. Chàng không còn có thể phân biệt ai là cha, ai là Natasa, ai là Petya nữa.

Mọi người đều reo, đều nói, đều hôn chàng cùng một lúc. Nhưng chàng biết là trong đám người ấy không có mẹ chàng.

– Ai ngờ… Nikoluska, con ơi!

– Đã về đây rồi… anh Kolya của chúng em… Nom lạ hẳn đi!

– Nào, đem nến lại đây! Dọn trà lên đây!

– Hôn tôi với nào!

– Anh yêu quý ơi, cả em nữa nào!

Sonya, Natasa, Petya, bà Anna Mikhailovna, Vera, lão bá tước, ai nấy đều ôm chặt lấy chàng, cả các nam nữ gia nhân ai cũng đứng chật cả gian phòng, xuýt xoa trầm trồ nháo cả lên.

Petya thì ôm lấy chân chàng.

– Còn em nữa, – Cậu bé réo lên.

Natasa vít đầu chàng xuống và hôn lên khắp mặt chàng đoạn nhảy lùi ra rồi níu lấy tà áo đôn-man của chàng mà nhảy nhót tung tăng như một con dê non, miệng ta hét inh ỏi.

Bốn phía chỉ thấy những cặp mắt đầy tình thương yêu và long lanh như những giọt nước mắt vui mừng; bốn phía chỉ thấy những cặp môi đang mong mỏng một chiếc hôn lên chàng.

Sonya mặt đỏ như hoa vông, cũng níu lấy cánh tay chàng. Cả người nàng như rạng rỡ lên trong một cái hình hoa lạc hướng thẳng vào mặt chàng và đợi chàng nhìn lại. Sonya bây giờ đã mười sáu tuổi; nàng đẹp lắm, nhất là trong giây phút vui sướng, phấn khởi và say sưa này. Nàng nhìn chàng không chớp mắt, mỉm cười và nín thở. Chàng đưa mắt nhìn nàng tỏ vẻ cảm ơn; nhưng chàng vẫn chờ đợi tìm kiếm một người nào. Bá tước phu nhân vẫn chưa thấy ra.

Tiếng bước mau quá, e không phải tiếng bước của mẹ chàng.

Nhưng đó lại chính là bà cụ, mặc một chiếc áo dài mà chàng chưa hề thấy bao giờ vì mới may trong khi chàng đi vắng. Mọi người đều giãn ra, và chàng chạy đến với bà cụ. Bá tước phu nhân gục đầu xuống ngực chàng khóc nức nở. Bà cụ không ngẩng đầu lên được, chỉ áp má vào những dải nẹp ngang lạnh lẽo trên áo đôn-man của chàng. Denixov, vào đây lúc nào không ai biết, đang đứng một bên và dụi mắt nhìn mọi người.

– Tôi là Vaxili Denixov bạn thân của cậu nhà, – chàng tự giới thiệu với bá tước lúc ấy đang ngỡ ngàng nhìn chàng.

– Rất sung sướng được tiếp anh. Tôi có biết anh, tôi có được biết anh. – Bá tước ôm hôn Denixov – Nikolai viết thư về nhắc đến anh luôn… Natasa! Vera! Đây này, anh Denixov đây này!

Cũng những gương mặt sung sướng và hồ hởi ấy lại ngoảnh về phía cái bóng dáng xù xì của Denixov, và mọi người đều xúm xít vây quanh chàng.

– Anh Denixov thân yêu! – Natasa hét lên, mừng rỡ cuống quýt không còn biết gì nữa, nhảy xồ đến ôm chầm lấy chàng mà hôn.

Mọi người đều lấy làm ngượng vì cử chỉ của Natasa. Denixov cũng đỏ mặt, nhưng rồi chàng lại mỉm cười và cầm lấy tay nàng mà hôn.


Người nhà dẫn Denixov vào căn buồng đã dọn sẵn cho chàng, rồi cả nhà Roxtov tụ họp trong gian phòng khách nhỏ, chung quanh Nikolai.

Lão bá tước phu nhân ngồi sát cạnh chàng, cứ nắm lấy bàn tay chàng mà hôn hít mãi; những người khác thì xúm xít quanh chàng, rình từng cử chỉ, từng lời nói, từng khoé mắt của chàng, và chăm chăm nhìn chàng với cặp mắt mến yêu và sùng bái. Cậu em trai và hai cô em gái thì chen nhau giành cái chỗ gần chàng nhất và tranh phần rót nước, đưa khăn tay, đưa tẩu thuốc cho chàng.

Roxtov rất sung sướng được mọi người yêu quý chiều chuộng, nhưng phút sum họp đầu tiên đã đưa lại một mềm hoan lạc tuyệt vời đến nỗi chàng có cảm giác là cái hạnh phúc hiện thời vẫn còn chưa đủ và chàng còn chờ đợi nhiều phút hoan lạc nữa, sẽ kế tiếp nhau đến với chàng không bao giờ cạn.

Sáng hôm sau, hai người ngủ mãi đến mười giờ, cho bõ cuộc hành trình mệt nhọc.

Trong gian phòng kề sát buồng ngủ của họ vứt bừa bãi nào gươm, nào đẫy vải, nào túi da, nào va li mở nắp, nào ủng lấm bùn.

Hai đôi ủng có cựa, mới đánh xi xong, vừa được đem vào dựng bên tường. Mấy người đày tớ bưng chậu thau, nước nóng để cạo râu và mấy bộ quần áo đã chải. Trong phòng phảng phất mùi thuốc lá và mùi đàn ông.

– Ê, Griska, tẩu thuốc đâu? – Vaxka Denixov gọi với cái giọng khàn khàn của chàng. – Roxtov dậy đi thôi!

Roxtov dụi đôi mắt đang ríu lại, và ngẩng cái đầu bờm xờm lên khỏi chiếc gối lông êm ấm.

– Sao, trưa lắm rồi à?

– Phải, sắp mười giờ rồi đấy – tiếng Natasa đáp, và từ phòng bên vẳng sang tiếng sột soạt của những chiếc áo dài mới hồ, những tiếng nói thì thầm, tiếng cười khúc khích của mấy cô thiếu nữ, rồi một cái gì xanh xanh, loáng thoáng những dải lụa, những mái tóc đen và những bộ mặt vui vẻ hiện ra trong cánh cửa hé mở. Đó là Natasa và Petya đến xem chàng đã dậy chưa.

– Anh Nikolai, dậy đi thôi! – Lại nghe tiếng Natasa nói sau cánh cửa.

– Dậy ngay đây!

Trong lúc ấy Petya đã trông thấy hai thanh gươm và cầm lên xem, lòng chan chứa niềm hâm mộ mà các cậu bé thường cảm thấy khi đứng trước một người anh đi đánh giặc, và quên hẳn rằng các chị mà trông thấy những người đàn ông chưa mặc áo là một điều mất lịch sự, cậu mở tung cửa ra.

– Gươm của anh đấy phải không? – Petya hỏi to.

Hai thiếu nữ vội chạy lùi lại. Denixov hoảng hốt giấu hai cổ chân lông lá vào trong chăn và đưa mắt nhìn bạn để cầu cứu.

Cánh cửa hé mở để Petya lọt vào, rồi đóng ngay lại. Phía sau cánh cửa có tiếng cười rúc rích.

– Anh Nikolai, anh cứ mặc áo ngủ mà ra cũng được.

– Gươm của anh đấy à? – Petya lại hỏi – Hay là của anh? – với một vẻ kính cẩn đến mức khúm núm, cậu bé quay lại hỏi chàng Denixov đen đủi và rậm râu.

Roxtov vội vàng đi ngay, mặc áo ngủ và đi sang phòng bên.

Natasa đã kịp xỏ một chiếc ủng có cựa, và đang xỏ chân vào chiếc kia. Sonya đang xoay người như chong chóng cho áo xoà ra và đang sắp ngồi xuống thì vừa đúng lúc chàng bước vào. Hai cô đều mặc áo dài thanh thiên, mới tinh và rất giống nhau – Cả hai đều tươi tắn, hồng hào, vui vẻ, Sonya bỏ chạy, còn Natasa thì nắm lấy cánh tay anh dắt vào phòng đi-văng, và hai người bắt đầu nói chuyện.


Hai anh em không sao có đủ thì giờ hỏi và trả lời cho hết những câu hỏi về hàng ngàn chuyện vụn vặt mà chỉ có hai người mới thấy thích thú. Bất cứ một câu nào Nikolai nói ra hay chính nàng nói ra Natasa cũng cười, nhưng vì nàng vui quá và không sao nén nổi niềm vui chí chực bật ra thành tiếng cười. Nàng cứ luôn mồm nói:

– Ồ thích quá, tuyệt quá!

Dưới những tia ấm áp của tình thương yêu, lần đầu tiên từ một năm rưỡi nay, Roxtov cảm thấy trong tâm hồn và trên gương mặt chàng nở ra một nụ cười con trẻ mà chàng chưu hề có được một lần nào kể từ khi lìa nhà ra đi.

– Anh Nikolai này, – Natasa nói – Bây giờ anh là người lớn thực sự rồi đấy nhỉ. Có được một ông anh như anh, em thích quá đi mất.

Nàng đưa tay sờ lên bộ ria mép của Nikolai.

– Em cứ muốn biết làm người lớn như các anh thì nó như thế nào? Cũng giống như chúng em à? Hay là không phải?

– Tại sao Sonya lại chạy trốn thế? – Roxtov hỏi.

– À. Đó là cả một câu chuyện. Anh sẽ xưng hô với Sonya như thế nào? Anh sẽ gọi Sonya là cô hay là em?

– Cũng tuỳ đấy – Roxtov nói.

– Gọi là cô, anh nhé, sau này em sẽ nói cho anh biết tại sao.

– Nhưng sao lại phải thế?

– Đã thế thì em nói cho anh biết ngay. Anh phải biết, Sonya là bạn chí thân của em đấy nhé, thân đến nỗi em có thể đốt cháy cánh tay em vì chị ấy. Này anh xem. – Nàng xắn ống tay áo soa lên và cho chàng xem một cái vệt đỏ gần vai, cách khuỷu tay khá xa (một chỗ mà áo khiêu vũ cũng che kín), trên cánh tay mảnh khảnh và mềm mại của nàng.

– Em tự đốt cháy để tỏ cho Sonya biết em yêu chị ấy đến nhường nào. Em nung một cái thước sắt cho đỏ lên rồi đặt vào chỗ ấy đấy.

Ngồi trong gian phòng học cũ của mình, trên chiếc ghế đi-văng với những chỗ dựa có đặt mấy chiếc gối nhỏ, nhìn sâu vào đôi mắt linh hoạt và liều lĩnh của Natasa, Roxtov lại thâm nhập vào thế giới gia đình mà chàng đã sống suốt thời thơ ấu, một thế giới không có nghĩa lí gì với một người khác nhưng đem lại cho chàng một trong những niềm vui. Lòng tốt đẹp nhất trên đời và cái việc lấy thước nung đốt cánh tay mình dé tỏ rõ tình yêu, chàng thấy không phải là một việc gì vô ích: chàng hiểu ý nghĩ của nó và không lấy làm lạ.

– Thế còn gì nữa? Chỉ có thế thôi à? – chàng hỏi.

– Ồ, hai chúng em yêu nhau, yêu nhau ghê lắm cơ… Chuyện cái thước chỉ là một trò dại dột; nhưng chúng em yêu nhau ngàn đời. Sonya mà đã yêu ai, là yêu trọn đời; em thì em không hiểu cái đó em sẽ quên ngay.

– Thế rồi sao nữa?

– Thế là Sonya yêu cả anh và em đấy – Natasa bỗng đỏ mặt – Anh còn nhớ, trước khi anh ra đi… Chị ấy bảo rằng anh cần phải quên hết… Chị ấy bảo: mình sẽ yêu anh ấy mãi mãi, nhưng anh ấy thì để cho anh ấy tự do. Thế có tuyệt không? Cao thượng quá nhỉ? Phải không nào? Có phải là cao thượng không nào? Cao thượng quá đi chứ! Nhỉ!

Natasa hỏi dồn, giọng nghiêm trang và cảm động, và nghe giọng nàng, có thể thấy rõ rằng điều này nàng đã từng nói nhiều lần, ứa nước mắt ra mà nói. Roxtov ngẫm nghĩ một lát.

Lời tỏ bày trước kia của anh, anh không hề thay đồi chút gì. Vả lại Sonya đáng yêu như vậy, anh dại gì lại từ bỏ hạnh phúc của mình?

– Không, không – Natasa kêu lên – hai đứa chúng em đã nói chuyện với nhau rồi. Chúng em cũng đã biết anh cũng nói như thế. Nhưng không nên thế, vì anh cũng biết đấy, nếu anh nói thế, nếu anh tự xem là bị lời hứa ràng buộc, thì sẽ hoá ra là chị ấy đã cố ý nói như vậy. Mà đã thế thì anh có lấy chị ấy cũng chỉ là miễn cưỡng, và thế là không tốt.

Roxtov thấy rõ rằng hai người đã bàn kỹ chuyện này với nhau. Hôm qua chàng cũng đã ngây ngất trước sắc đẹp của Sonya. Hôm nay, chàng chỉ mới thoáng thấy nàng, nhưng nàng lại còn có chiều đẹp hơn nữa. Cô thiếu nữ yêu kiều mới mười sáu tuổi ấy rõ ràng là đang yêu chàng đắm đuối (chàng không phút nào hồ nghi về điều này). Thế làm sao chàng lại có thể không yêu lại cô ta và không lấy cô ta làm vợ? – Roxtov nghĩ – Nhưng, bây giờ còn có bao nhiêu niềm vui khác, bao nhiêu công việc khác đang chờ đợi chàng. Phải, hai cô ấy nghĩ rất hay – chàng tự nhủ – “mình phải giữ tự do”.

– Thôi thế cũng rất tốt – chàng nói – rồi chúng ta sẽ nói lại chuyện này. Ô, được gặp lại em, anh mừng quá – chàng nói thêm. – Xem nào, còn em thì thế nào, em không thay lòng đổi dạ đối với Boris đấy chứ?

– Chỉ vớ vẩn! – Natasa nói to, rồi cất tiếng cười khanh khách.

– Em chả nghĩ đến anh ấy mà cũng chả nghĩ đến ai, em không muốn nghĩ đến chuyện đó.


– Thế cơ đấy! Thế em muốn gì nào?

– Em ấy à? – Natasa hỏi, và một nụ cười sung sướng toả sáng trên mặt nàng. Anh đã thấy Duport chưa?

– Chưa.

– Anh chưa thấy Duport, nhà vũ đạo trứ danh ấy à? Thế thì anh không hiểu được đâu. Đây này, thế này này…

Nàng uốn cong hai cánh tay lại như hiểu các vũ nữ và nắm lấy cái xiêm chạy xa ra mấy bước rồì quay lại chớm phác một bước Entrachat, chân này đập đập vào chân kia, rồi nhón chân lên, đi mấy bước bằng đầu ngón chân.

– Em đi nhón được đấy chứ? Anh thấy chưa? – Nàng nói, nhưng nàng không nhón được lâu. – Đấy, em muốn làm thế đấy. Em không muốn làm vợ ai cả, em sẽ làm vũ nữ nhưng anh đừng nói với ai đấy nhé.

Roxtov cười phá lên, tiếng cưới ầm ỹ và vui vẻ đến nỗi Denixov ở trong phòng cũng phải thấy thèm thuồng, và Natasa không nhịn được cũng cười theo.

– Như thế được chứ? – Nàng hỏi lại lần nữa.

– Được! Thế em không muốn lấy Boris nữa à?

Natasa đỏ mặt:

– Em chả muốn lấy ai cả. Khi nào gặp anh ấy, em cũng sẽ nói thế.

– Thế kia đấy! – Roxtov nói.

– Thật đấy, toàn chuyện nhám nhí tất! – Natasa vẫn nói huyên thuyên.

– À này, anh Denixov ấy mà, anh ấy có tốt không? – Nàng hỏi.

– Tốt lắm.

– Thôi anh vào mặc áo đi. Anh ấy dữ làm, phải không, anh Denixov ấy mà?

– Sao lại dữ? – Nikolai hỏi. – Không, Vaxka dễ chịu lắm.

– Anh gọi là Vaxka à? Buồn cười nhỉ. Thế anh ấy tốt lắm à?

– Rất tốt.

– Thôi, nhanh nhanh đi. Còn vào uống trà chứ. Cùng uống cả.

Và Natasa nhón chân đi theo kiểu vũ nữ, nhưng với một nụ cười mà chỉ những thiếu nữ vui sướng trạc tuổi mười lăm mới có thể có được.

Đứng trước mặt Sonya trong phòng bà, Roxtov đỏ mặt. Chàng không biết nên đối xử với nàng như thế nào. Hôm qua, hai người đã ôm hôn nhau trong phút đầu sum họp, nhưng hôm nay thì hai người cùng biết rằng không thể làm như vậy được nữa; Chàng cảm thấy mọi người, từ mẹ chàng đến các em đều nhìn chàng như muốn hỏi điều gì và mọi người đều chờ xem chàng đối xử với nàng ra sao. Chàng hôn tay nàng và gọi nàng là “cô”, là “Sonya”. Nhưng mắt hai người mỗi lần gặp nhau lại gọi nhau là “anh”, là “em”, và gửi cho nhau những chiếc hôn nồng thắm. Nàng đưa mắt nhìn Roxtov để xin lỗi chàng vì đã dám qua môi giới của Natasa nhắc lại lời hứa của chàng, và để cảm tạ tình yêu của chàng. Chàng cũng lấy mắt để cảm tạ nàng đã có lòng muốn trả lại tự do cho chàng và để nói rằng dù có thế nào đi nữa thì tình yêu của chàng đối với nàng vẫn không thay đổi, vì không thể nào không yêu nàng được.

– Kể cũng lạ – Vera nói, nhân một lúc mọi người đều im lặng – làm sao Sonya và Nikolai lại gọi nhau là “cô”, là “cậu”, như người dưng nước lã thế nhỉ?

Lời nhận xét của Vera vẫn đúng, cũng như lời nhận xét của nàng; nhưng cũng như khi nàng nói ra những ý kiến khác, ai nấy đều thấy ngượng ngùng và không những Sonya, Nikolai và Natasa đỏ mặt, mà cả đến lão bá tước phu nhân là người đang rất lo về mối tinh của Nikolai đối với Sonya: một tình yêu có thể làm cho chàng không kiếm được một đám cao sang, cũng phải đỏ mặt như một cô con gái.

Vừa lúc ấy Denixov bước vào phòng trà, và Roxtov kinh ngạc khi thấu chàng mặc một bộ quân phục mới tinh, tóc chải sáp thơm, xức nước hoa, bảnh bao như khi ra trận, và tỏ ra lịch thiệp, nhã nhặn đối với mọi người trong nhà, nữ giới cũng như nam giới, một điều mà Roxtov chưa bao giờ chờ đợi thấy ở bạn.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.