Chiến Tranh Và Hòa Bình

Chương 65Quyển 3 -


Đọc truyện Chiến Tranh Và Hòa Bình – Chương 65: Quyển 3 –

Trên cao nguyên Pratxen, ngay ở chỗ chàng ngã xuống, tay cầm chiếc cán cờ, công tước Andrey nằm yên, máu cứ chảy ra từ từ.

Chàng rên lên khe khẽ, một tiếng rên ai oán nghe như tiếng rên của trẻ con.

Đến chiều, chàng thôi rên và lặng hẳn đi. Chàng không biết mình lịm đi như thế bao lâu. Bỗng chàng lại cảm thấy mình còn sống và thấy trên đau nhói như có cái gì đau xé xương xé thịt ra.

“Bầu trời cao vòi vọi mà trước kia ta chưa từng biết và đến hôm nay mới trông thấy, bầu trời ấy bây giờ ở đâu? – Đó là ý nghĩ đầu tiên của chàng. – Cả cái cảm giác đau đớn này nữa trước kia ta cũng không biết. Phải rồi, từ trước đến nay ta không biết gì cả, không biết chút gì. Nhưng đây là ở đâu?”

Chàng bắt đầu lắng tai nghe ngóng. Có tiếng ngựa đang đi lại gần và tiếng cười nói bằng tiếng Pháp. Chàng mở mắt ra. Ở trên đầu, chàng thấy lại bầu trời cao, vẫn bầu trời ấy và những đám mây lơ lửng còn cao hơn sáng nay. Qua mấy đám mây ấy có thể thấy khoảng không vô tận màu xanh biếc. Chàng không quay đầu lại và không trông thấy người nhưng cứ nghe tiếng vó ngựa và tiếng nói có thể đoán biết là đang đi về phía chàng.

Những người ngựa ấy là Napoléon và hai sĩ quan phụ tá đi theo ông. Buônapáctê bấy giờ đang đi quanh chiến trường để tìm ra những mệnh lệnh cuối cùng, tăng cường các pháo đội bắn vào con đê Aoghext và xem xét những người tử trận hoặc bị thương còn sót lại trên chiến trường.

– Lính của họ khoẻ đẹp đấy – Napoléon nói trong khi ngắm nhìn một người pháo thủ Nga tử trận nằm sấp, mặt úp xuống đất, gáy đen sạm lại, một cánh tay đã cứng đang rộng một bên.

Vừa lúc ấy có một viên sĩ quan phụ tá từ các pháo đội đang bắn vào Aoghext cưỡi ngựa đến báo:

– Tâu hoàng thượng, đạn của các khẩu pháo của trận địa đã hết.

– Cho mang số đạn của đội dự bị lên.


Napoléon nói, rồi cho ngựa đi mấy bước nữa, đứng lại sát chỗ công tước Andrey đang nằm ngửa mặt lên, chiếc cán cờ vứt lên cạnh (lá cờ đã bị quân Pháp tháo cất làm chiến lợi phẩm). Napoléon nhìn Bolkonxki nói:

– Một cái chết rất đẹp.

Công tước Andrey hiểu rằng những lời này nói về chàng và người nói chính là Napoléon. Chàng đã nghe họ gọi người nói câu vừa rồi là Hoàng thượng. Nhưng chàng nghe những lời đó dường như chỉ là tiếng vo ve của một con ruồi. Chàng không những không lưu tâm đến câu nói đó, mà thậm chí cũng không buồn để ý tới nữa, và nghe xong là đã quên ngay. Đầu chàng nhói buốt; chàng cảm thấy máu mình đang chảy cạn dần và không thấy bầu trời ở phía trên, xa xăm, cao lồng lộng và vĩnh viễn vô tận.

Chàng biết rằng đây chính là Napoléon – Vị anh hùng của chàng – Nhưng vào giờ phút này chàng thấy Napoléon sao mà nhỏ bé, vô nghĩa quá chừng so với cái gì lúc bấy giờ đang diễn ra giữa linh hồn chàng với bầu trời cao vô tận với những đám mây bay lờ lững.

Trong phút ấy, ai đứng bên chàng, nói gì về chàng, đối với chàng nào còn ý nghĩa gì; chàng chỉ mừng thầm rằng đã có người dừng lại ở bên chàng, và chỉ mong sao những người ấy giúp chàng trở lại cuộc sống, cuộc sống mà chàng thấy là vô cùng tươi đẹp, vì bây giờ chàng đã hiểu nó một cách khác. Chàng thu hết tàn lực để động dậy một chút và kêu lên một tiếng. Chàng khẽ nhích chân lên và rên lên một tiếng yếu ớt, đau đớn làm cho bản thân chàng cũng thấy thương hại.

– À anh ta còn sống, – Napoléon nói. – Đỡ anh bạn trẻ này dậy và đem về trạm cứu thương!

Nói đoạn, Napoléon thúc ngựa đi về phía nguyên soái Lan bấy giờ đang tiến lại gần ông, cất mũ, mỉm cười ngỏ lời mừng Napoléon về trận đại thắng vừa rồi.

Công tước Andrey không nhớ gì thêm nữa: chàng đau quá ngất đi mấy lần khi họ vực chàng lên cáng, khi họ đưa chàng đi và khi họ xem xét các vết thương của chàng ở trạm cứu thương. Mãi đến hết ngày ấy, khi họ mang chàng vào y xá cùng với các sĩ quan Nga khác cũng bị thương và bị bắt làm tù binh, chàng mới tỉnh dậy. Lần đi chuyền này chàng cảm thấy khoẻ hơn một chút, chàng đã có thể quay đầu hai bên, và còn có sức nói được nữa là khác.

Câu nói đầu tiên mà chàng nghe được khi tỉnh dậy là lời viên sĩ quan Pháp áp giải tù binh nói hấp tấp:

– Phải dừng lại đây với được: hoàng đế sắp đi qua đây, nếu để Người trông thấy các sĩ quan tù binh này, chắc Người sẽ vui lòng lắm.


– Bây giờ tù binh nhiều quá, gần hết cả đội Nga rồi còn gì, thành thử chắc hoàng thượng cũng đến phát chán, – một sĩ quan khác nói.

– Ô! Nhưng mà… nghe nói, vị này là tư lệnh của toàn thể quân cận vệ của hoàng đế Alekxandr đấy – người thứ nhất nói tay chỉ vào một sĩ quan Nga bị thương mặc quân phục kỵ binh cận vệ màu trắng.

Bolkonxki nhận ra công tước Repnin mà chàng đã từng gặp trong những buổi tiếp tân ở Petersburg. Bên cạnh Repnin có một người thiếu niên mười chín tuổi, cũng là vĩ quan kỵ binh cận vệ.

Buônapáctê phi ngựa đến, dừng lại. Trông thấy toán tù binh, ông nói:

– Ai là người cao chức nhất?

Họ đáp là đại tá công tước Repnin.

– Ông là vị chỉ huy quân đoàn kỵ binh cận vệ của hoàng đế Alekxandr phải không? – Napoléon hỏi.

– Tôi chỉ huy một tiểu đoàn kỵ binh – Repnin đáp.

– Trung đoàn của ông đã làm tròn bổn phận một cách quang vinh – Napoléon nói.


– Lời khen ngợi của một danh tướng là phần thưởng đẹp đẽ nhất đối với một quân nhân, – Repnin nói.

– Ta rất vui lòng ban cho ông lời khen đó, – Napoléon nói. – Người trẻ tuổi nằm cạnh ông là ai?

Công tước Repnin đáp là trung uý Xukhtelen.

Napoléon nhìn người thiếu niên, mỉm cười nói:

– Còn trẻ thế mà đã đến đọ sức với chúng ta.

– Tuổi trẻ không hề làm người ta thiếu lòng dũng cảm, – Xukhteten đáp, giọng đứt quãng.

– Một câu trả lời hay. – Napoléon nói. – Anh bạn trẻ ạ, anh còn tiến xa đấy!

Công tước Andrey, bấy giờ cũng đã được đặt nằm ở phía trước ngay dưới hoàng đế để cho bộ chiến lợi phẩm tù binh được trọn vẹn, không thể không làm cho hoàng đế chú ý. Napoléon hình như nhớ ra rằng đã trông thấy chàng trên chiến trường, liền quay lại nói với chàng, dùng mấy chữ anh bạn trẻ – (jeune homme), là danh hiệu mà ông đã tặng chàng lần gặp gỡ đầu tiên và nay hãy còn nhớ lại.

Napoléon bảo công tước Andrey:

– Còn anh thì thế nào, anh bạn trẻ. Anh thấy trong người thế nào rồi, anh bạn dũng cảm)

Tuy trước đây năm phút, công tước Andrey có thể nói mấy câu với những người lính cáng chàng đi, nhưng bây giờ chàng chỉ đưa mắt nhìn thẳng vào Napoléon và lặng thinh… Giờ phút này chàng thấy tất cả những điều Napoléon quan tâm đều vô nghĩa quá, ngay bản thân con người mà chàng sùng bái trong khi huênh hoang mừng rỡ về trận thắng, cũng nhỏ bé quá so với bầu trời cao cả, công minh và hiền hậu mà chàng đã trông thấy và đã hiểu, đến nỗi chàng không thể trả lời Napoléon được.


Vả lại tất cả đều có vẻ vô ích và nhỏ nhặt so với những tư tưởng trang nghiêm và hùng vĩ trong khi chàng kiệt sức dần vì mất máu, trong khi chàng đau đớn chờ đợi cái chết đang đến gần. Nhìn thẳng vào mặt Napoléon, công tước Andrey nghĩ đến cái hư vô của danh vọng, cái hư vô của cuộc sống, mà chẳng có ai hiểu được ý nghĩa, cái hư vô càng lớn lao hơn nữa của cái chết, mà không có người sống nào hiểu và giải thích được.

Hoàng đế đợi mãi không thấy chàng trả lời, liền quay đi và dặn một viên sĩ quan chỉ huy:

– Phải săn sóc chu đáo những người này và đưa họ về doanh trại của ta; bác sĩ Laley ngự y của ta sẽ xem xét vết thương cho họ. Thôi xin chào công tước Repnin.

Nói đoạn Napoléon giật cương ngựa phóng nước đại. Gương mặt của ông ta tươi rói lên vì tự mãn và vui sướng.

Những người lính khiêng công tước Andrey trước đây đã cởi lấy chiếc tượng thánh bằng vàng do công tước tiểu thư Maria đeo lên cổ chàng, nay thấy hoàng đế nói năng ôn tồn với tù binh liền vội vã trả lại chiếc tượng cho chàng.

Công tước Andrey không trông thấy người nào đã đeo lại bức tượng và đeo vào lúc nào, chỉ thấy bỗng dưng trên ngực mình choàng ra ngoài áo quân phục có chiếc tượng nhỏ treo trên sợi dây chuyền vàng mỏng manh. Công tước Andrey ngắm bức tượng mà em gái chàng đã thiết tha và cung kính đeo vào cho chàng, lòng thầm nghĩ: “Giá mọi việc đều đơn giản và rõ ràng như công tước tiểu thư Maria nghĩ thì sẽ hay biết mấy. Giá có thể biết được trên đời này nên tìm sự cứu giúp ở đâu và biết được là sau cùng cuộc sống sẽ có cái gì khi mình đã xuống mộ thì hay quá! Giá bây giờ ta có thể nói: lạy Chúa, xin Người xót thương con, thì ta sẽ sung sướng và thanh thản bịết bao… Nhưng ta biết nói với ai như vậy bây giờ? Phải chăng cái sức mạnh huyền bí mơ hô, mà ta không thể nào cầu xin được đã đành, nhưng thậm chí cũng không thể nào biểu hiện ra rằng lời nói được chính là cái mênh mông bao gồm tất cả hay là cái hư vô. Phải chăng đó là cái đấng Thượng đế mà công tước tiểu thư Maria cất giấu trong lá bùa này? Không, không có gì thật cả ngoài sự hư vô của tất cả những gì mà ta hiểu được, và sự lớn lao của một cái gì không thể hiểu nổi, nhưng lại vô cùng quan trọng!”.

Họ lại khiêng cáng đi. Cứ mỗi cái lắc chàng lại thấy đau không sao chịu nổi; trạng thái sốt tăng lên, và chàng bắt đầu mê sảng.

Hình ảnh của cha, vợ, em gái và đứa con sắp ra đời của chàng, cùng cái cảm giác trìu mến và chàng đã sống qua trong đêm trước khi ra trận, bóng dáng của Napoléon nhỏ bé vô nghĩa, và bao trùm lên tất cả những thứ đó, là một bầu trời cao xanh – Đó là những điều chàng mơ thấy nhiều nhất trong cơn sốt mê man.

Chàng mơ thấy cuộc sống hình lặng và cái không khí hạnh phúc gia đình êm thấm ở Lưxye Gorư. Chàng đã bắt đầu được hưởng thụ cái hạnh phúc này thì bỗng cái lão Napoléon nhỏ bé kia hiện ra với cái nhìn dửng dưng, thiển cận và thoả mãn trước những nỗi bất hạnh của người khác, rồi những hoài nghi, những đau khổ bắt đâu kéo đến, và chỉ có bầu trời kia là hứa hẹn sẽ cho chàng yên tĩnh. Đến sáng, tất cả những hình ảnh chập chờn trong giấc mơ pha trộn với nhau, hoà thành một khối hỗn mang mịt mùng, chàng mê man không còn biết gì nữa, và theo ý kiến của chính Larey ngự y của Napoléon, thì cứ tình trạng này bệnh nhân rốt cục sẽ chết chứ khó lòng mà qua khỏi được.

– Đây là một tạng người yếu thần kinh và sung mật; anh ta không qua khỏi được đâu – Larey nói.

Công tước Andrey, cùng với mấy người bị thương cũng không có hy vọng gì sống sót như chàng, được giao phó lại cho dân sở tại trông nom.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.