Chiến Tranh Và Hòa Bình

Chương 67Quyển 4 -


Đọc truyện Chiến Tranh Và Hòa Bình – Chương 67: Quyển 4 –

Từ khi tạm rời quân đội trở về Moskva, Nikolai Roxtov được cả nhà coi là một người con chí hiếu, một vị anh hùng, là “Nikolai yêu quý”; được thân thích họ hàng tiếp đãi như một người thanh niên đáng yêu, phong nhã và lễ độ; được những người quen biết coi là một viên trung uý phiêu kỵ đẹp trai, một người khiêu vũ giỏi và một trong những “đám” tốt nhất ở Moskva.

Gia đình Roxtov quen biết cả thành phố Moskva, năm ấy lão bá tước cũng khá sẵn tiền vì mới cầm cố lại được các điền trang, nhờ đó Nikolai nghiễm nhiên làm chủ một con ngựa tế, một chiếc quần cưỡi ngựa đặc biệt, kiểu mới nhất, mũi nhọn hoắt, đính cựa bằng bạc, tha hồ sống vui thú. Trở về nhà, chàng cảm thấy dễ chịu sau một thời gian thích nghi lại với những hoàn cảnh sinh hoạt cũ.

Chàng cảm thấy minh đã chín chắn và trưởng thành lên nhiều lắm.

Nỗi thất vọng sau khi thi giáo lý không đỗ, cái cảnh nhiều lần vay tiền Gavrilo để thuê xe ngựa, những chiếc hôn vụng trộm với Sonya, chàng nhớ lại những việc ấy như những trò trẻ con mà bây giờ chàng xa cách nó vô cùng. Bây giờ thì chàng là một trung uý phiêu kỵ mặc chiếc áo da viền bạc và đeo chiếc huân chương Thánh George của quân đội, tập dượt một con ngựa tế để ra trường đua, cùng với những tay thiện kỵ có tiếng đứng tuổi và đáng kính.

Chàng lại làm quen với một thiếu phụ ở ngoài phố, và cứ tối tối lại đến thăm cô nàng. Chàng điều khiển diệu nhảy Mazurka(1) trong buổi dạ hội khiêu vũ ở gia đình Arkharov. Chàng nói chuyện chiến tranh với nguyên soái Kamenxki, chàng lui tới câu lạc bộ Anh(2) và xưng hô cậu, tớ với viên đại tá tứ tuần mà Denixov đã giới thiệu với chàng.

Nhiệt tình của chàng đối với hoàng đế cũng phai nhạt đi ít nhiều trong khi chàng ở Moskva vì chàng không được thấy ngài nữa. Tuy vậy, chàng cũng hay nói đến Hoàng thượng, nói đến lòng trung quân của mình, nhưng một cách có ý tứ, ra vẻ mình không bộc lộ hết tình cảm vì trong đó có nhiều điều mà không phải ai ai cũng hiểu được; chàng toàn tâm chia sẻ lòng ái mộ của toàn thể Moskva đối với hoàng đế Alekxandr Pavlovich hồi ấy đang được gọi là “thiên thần sống”.

Trong thời gian ngắn ngủi ở lại Moskva trước khi trở về quân đội, Roxtov không gần gũi Sonya thêm, mà lại có phần xa nàng hơn trước. Nàng thì rất xinh, rất ngoan và chắc chắn là yêu chàng say đắm; nhưng chàng đang ở vào cái tuổi mà người ta có cảm giác là cần phải hoạt động nhiều đến nỗi không có thì giờ đề tâm đến chuyện ấy; vả chăng chàng thanh niên ấy lại rất sợ bị ràng buộc, rất quý cuộc sống tự do của mình vì thấy cần dành nó cho nhiều việc khác. Lần này về Moskva, mỗi khi nghĩ đến Sonya chàng lại tự nhủ: “Chặc! Sau này còn có nhiều, nhiều người khác như nàng, và giờ đây cũng có những người ở đâu đâu mà mình chưa biết. Khi nào mình muốn, mình sẽ còn có chán thì giờ để lo đến tình yêu, nhưng giờ đây thì chẳng có thì giờ. Ngoài ra, chàng lại thấy mường tượng rằng luẩn quẩn với nữ giới là tổn thương đến tư cách trượng phu của mình.

Chàng cũng đi dự những dạ hội khiêu vũ, cũng giao thiệp với phụ nữ, nhưng chàng giả cách làm ra vẻ miễn cưỡng. Trường đua ngựa, câu lạc bộ Anh, những bữa chè chén với Denixov, những chuyện đến thăm “đằng ấy”, thì lại là một chuyện khác: những việc đó hoàn toàn thích hợp với một quân nhân phiêu kỵ ngang tàng.

Vào khoảng đầu tháng ba, lão bá tước Ilya Andrevich Roxtov, rất bận rộn về việc tổ chức một bữa tiệc ở câu lạc bộ Anh để đón tiếp công tước Bagration.


Bá tước, mình khoác áo ngủ, đang đi đi lại lại trong gian phòng khiêu vũ để dặn dò người quản lý câu lạc bộ và Feoktixt, người đầu bếp nổi tiếng về các món măng tây, đưa chuột tươi, quả dâu, thịt bê, cá để chuẩn bị thết tiệc công tước Bagration. Bá tước là hội viên câu lạc bộ Anh, lại ở trong ban trị sự của câu lạc bộ từ khi nó mới thành lập. Sở dĩ bá tước được giao phó việc chuẩn bị bữa tiệc mời Bagration là vì rất ít người có thể dọn tiệc hào phóng và hiếu khách như ông, mà lại càng rất ít người có thể bỏ tiền túi mình ra khi cần thiết. Người đầu bếp và người quản lý khoái trá lắng nghe những chỉ thị của bá tước vì họ biết rằng với bá tước, hơn là với ai hết, họ có thể thu được một món tiền lãi đáng kể trong bữa tiệc trị giá mấy ngàn rúp này.

– Ấy cẩn thận nhé, phải có mào gà, phải nhớ cho nhiều mào gà vào món mai rùa, nghe chưa!

– Thế là phải có ba món khai vị nguội, có phải không ạ – người đầu bếp hỏi.

Bá tước ngẫm nghĩ một lát.

– Cũng không thể ít hơn được, phải đấy, ba món xốt Mayonez là một này – Ông cụ vừa nói vừa đếm đốt ngón tay.

– Thế còn cá chiên thì cứ mua đằng to chứ ạ? – người quản lý hỏi.

– Biết làm thế nào bây giờ; họ đã không chịu bán rẻ hơn, thì đành cứ thế mua thôi. Mà này, anh bạn, tôi suýt quên mất. Còn phải một món ăn cầu kỳ dọn trên một cái mai rùa hay một cái đĩa hình dáng như cái mai rùa thêm một món khai vị ntĩa. Ôi, ông bà ông vải ơi! – Bá tước giơ hai tay lên ôm đầu – Lại còn hoa nữa, ai sẽ đem hoa lại cho tôi. Mityenka? E, Mityenka, anh hãy chạy bay ra trại ngoại thành nhà tôi nhé, – Ông cụ nói với người quản gia, bấy giờ vừa nghe tiếng gọi chạy vào – hãy chạy bay đến đấy nói với bác làm vườn Macximka phải lập tức bắt phu để làm việc. Nhớ bảo là trong các lồng kính có bao nhiêu hoa thì phải lấy nỉ bọc cả lại, rồi đem đến đây tất. Đến thứ sáu phải có cho tôi hai trăm chậu hoa ở đây.

Sau khi ra nhiều chỉ thị khác, ông cụ đã muốn về phòng bá tước phu nhân nghỉ ngơi một lát thì lại sực nhớ đến một chi tiết mới, bèn quay lại gọi giật người đầu bếp và người quản lý, và ra thêm nhiều chỉ thị mới nữa. Ngoài cửa nghe có tiếng giày đàn ông bước nhẹ nhàng, tiếng cựa giày kêu lanh canh, và tiểu bá tước Nikolai bước vào hồng hào, tuấn tú với bộ ria đen tỉa rất nhỏ, rõ ràng là một con người đã được nghỉ ngơi khoẻ khoắn và đã được nâng niu chiều chuộng trong cuộc sống êm đềm ở Moskva.

– À anh bạn! Tôi đang cuống cà kê lên đây này! – Ông cụ vừa nói vừa mỉm cười với con như có ý ngượng. – Được anh giúp một tay thì hay quá! Bởi vì ta còn phải có phường hát nữa. Tôi đã có giàn nhạc rồi, nhưng có lẽ cũng phải gọi cái đám Di-gan đến nữa chứ? Bọn quân nhân các anh thích cái món ấy lắm đấy.


– Cha ạ, quả thật khi công tước Bagration chuẩn bị trận Songraben chắc ngài cũng không đến nỗi vất vả như cha bây giờ, – cậu con trai nói.

Lão bá tước làm ra vẻ phật ý:

– Phải, nói như anh thì dễ lắm, nhưng anh cứ thử làm một tí mà xem.

Và ông cụ ngoảnh lại phía người đâu bếp vẻ mặt thông minh đang quan sát hai cha con một cách trìu mến và kính cẩn.

– Hừ, cái bọn thanh niên này! Feoktixt ạ – Ông cụ nói – Họ giễu cánh già chúng mình.

– Chính thế, bẩm cụ lớn; miễn các cậu ăn cho ngon là được, còn làm thế nào kiếm thức ăn và xào nấu cho ngon thì các cậu có biết đến đâu!

– Đúng đấy đúng đấy! – bá tước reo lên và vui vẻ nắm lấy hai tay cậu con trai. – Thế là tóm được anh rồi nhé. Anh lấy cái xe trượt tuỵết hai ngựa đến nhà Bezukhov, anh nói với cậu ấy là bá tước Ilya Andreyevich cho anh đến xin cậu ấy một ít quả dâu và mấy quả dứa thật tươi. Không còn biết kiếm ở nhà ai nữa: Nếu cậu ấy không có nhà, thì nói với ba công tước tiểu thư, xong rồi thì, xem nào, anh sẽ đi Razgulai – thằng đánh xe Ipatka nó biết chỗ đấy – tìm thằng Di-gan Ilyuska cái thằng hôm nọ mặc áo kazakin trắng khiêu vũ ở nhà bá tước Orlov ấy mà, rồi anh dẫn hắn lại đây.

Có cần đem cả cô Di-gan theo hắn nữa không ạ? – Roxtov vừa cười vừa hỏi.


– Ơ kìa!… Ơ kìa!

Vừa lúc đó, bà Anna Mikhailovna, vẻ mặt bận rộn lo lắng và đồng thời đượm cái nét từ bi Cơ đốc mà bà ta không bao giờ quên khoác lên dung mạo, lặng lẽ bước vào phòng. Tuy không ngày nào bà ta không gặp bá tước trong khi ông ta mặc áo ngủ, nhưng mỗi lần như thế bá tước vẫn ngượng nghịu và vẫn xin lỗi bà.

– Không hề gì bá tước ạ, ông bạn ạ – Bà ta nói, đôi mắt từ từ nhắm lại dịu dàng. – Còn như Bezukhov, thì để tôi đi cho. Cậu Bezukhov vừa mới về, bá tước ạ, bây giờ chúng ta cần đến cái gì trong nhà kính ủ cây của cậu ta cũng có cả. Vả lại tôi cũng đang cần gặp cậu ấy. Cậu ấy có chuyển cho tôi một bức thư của Boris. Đội ơn Chúa, Boris bây giờ đã được chuyền sang bộ tham mưu.

Bá tước lấy làm sung sướng được bà Mikhailovna nhận cho một phần sai phái, và truyền người nhà thắng cỗ xe nhỏ cho bà ta đi.

Phu nhân bảo cậu Bezukhov đến dự nhé. Tôi sẽ bảo ghi tên.

– Cô vợ có cùng về với cậu ấy không? – Ông cụ hỏi.

Bà Anna Mikhailovna ngước mắt lên trời và một nỗi âu sầu thấm thía hiện lên trên gương mặt.

– Ồ, ông ơi, anh ta thật đến khổ, – Bà nói. – Nếu quả đúng như lời người ta đồn: thì thật là kinh khúng quá. Xưa kia nào có ai ngờ chúng ta cứ mừng cho hạnh phúc của cậu ấy. Một tâm hồn thực cao quý! Thật là một tâm hồn thượng giới, cái cậu Bezukhov ấy. Phải, tôi thấy xót thương cho cậu ấy đến tận đáy lòng và tôi sẽ cố gắng hết sức để an ủi cậu.

– Nhưng có việc gì thế? – Cả hai cha con Roxtov cùng hỏi.

Bà Anna Mikhailovna thở dài não ruột, rồi nói thì thầm có vẻ bí mật.


– Nghe đâu Dolokhov, con trai bà Maria Ivanovna ấy mà, đã làm cô ta mang tiếng. Piotr giúp nó khỏi cảnh túng thiếu đã mời nó về Petersburg ở trong nhà mình, thế mà nó giả ơn như vậy đấy… Cô ta vừa về đây là gã cuồng đãng kia về theo ngay – bà Anna Mikhailovna muốn tỏ ra mình thương hại Piotr không biết chừng nào mà kể, nhưng trong giọng nói vô tình, trong nụ cười nửa miệng của bà văn biểu lộ mối thiện cảm đối với “gã cuồng đãng” như bà ta gọi Dolokhov – Nghe đâu cậu Piotr buồn khổ tưởng chết đi được.

– Thôi dù sao phu nhân cũng cứ bảo anh ấy đến dự tiệc ở câu lạc bộ, cho nó khuây khoả. Bữa tiệc này linh đình lắm đấy.

Ngày hôm sau, mồng ba tháng ba, vào khoảng hơn một giờ trưa, hai trăm năm mươi hội viên của Câu lạc bộ Anh và năm mươi người được mời, đều tụ tập trong phòng tiệc chờ đợi vị thượng khách, vị anh hùng của chiến dịch nước Áo: công tước Bagration. Trước kia tin bại trận ở Austerlix thoạt tiên làm cho Moskva hết sức kinh hoàng. Vì người Nga hồi ấy đã quá quen với những trận thắng, cho nên khi nghe tin bại trận, có nhiều người nhất định không chịu tin, lại có nhiều người tìm những lý do kỳ quặc để giải thích cái biến cố lạ lùng ấy. Ở Câu lạc bộ Anh là nói hội họp của những nhân vật trọng yếu và am hiểu thời sự nhất, hồi tháng chạp khi tin bại trận mới đưa về, dường như ai nấy đều đã ngầm ước với nhau là không nói gì đến chiến tranh và trận đánh vừa rồi Những người vẫn thường cầm trịch cho các cuộc đàm thoại, như bá tước Raxtopsin, công tước Yuri Vladimirovich Dolgorukov, Valuyev, bá tước Markov, công tước Vyazemxki thì không ra mặt ở Câu lạc bộ nữa mà chỉ hội họp với nhau ở nhà riêng: giữa đám bạn thân. Do đó những người Moskva nào chỉ biết lặp lại lời nói của kẻ khác (như ông Ilya Andreyevich Roxtov chẳng hạn) thì trong một thời gian ngắn bị thiếu mất người hướng dẫn và cũng không có chủ kiến gì rõ ràng về tình hình quân sự. Họ cảm thấy có một cái gì không ổn, mà bàn bạc về những tin chẳng lành ấy thì thật là khó khăn, cho nên cứ im lặng là hơn. Nhưng sau đó ít lâu, giống như những viên hội thẩm từ phòng nghị sự bước ra, những người tai to mặt lớn lãnh dạo dư luận ở Câu lạc bộ lại xuất hiện, mà mọi người lại trở lại ăn nói một cách rành mạch và phân minh. Người ta đã tìm ra những nguyên nhân của cái biến cố xưa nay chưa từng thấy, không thể tin được, không thể có được, là sự bại trận của nước Nga, và từ đó mọi việc đều trở thành minh bạch, và trong khắp các xó ngõ của Moskva, mọi người đều nói ý như nhau. Những nguyên nhân ấy là sự phản bội của người Áo, sự tiếp tế thiếu thốn cho quân đội, sự phản bội của một người Ba Lan tên là Psebysevxki, của một người Pháp tên là Langeron, sự bất lực của Kutuzov và (điều này người ta nói thêm rất khẽ) tình trạng tuổi trẻ, ít lịch duyệt của Hoàng đế đã khiến ngài tín nhiệm những con người tồi tàn và bất tài. Nhưng bản thân quân đội Nga thì mọi người đều nói là anh dũng phi thường và đã thực hiện những kỳ công về lòng dũng cảm. Binh sĩ, sĩ quan, tướng soái đều là những anh hùng. Nhưng người anh hùng bậc nhất trong những người anh hùng ấy là công tước Bagration, đã lừng danh trong trận Songraben và cuộc thoái quân ở Austerlix trong đó chỉ có một mình công tước là đã được đưa đạo quân của mình rút lui hàng ngũ chỉnh tề và suốt một ngày cầm cự với một kẻ địch quân số gấp đôi. Ngoài ra Moskva còn đề cao Bagration là anh hùng vì ông ta không có thần thế gì ở đó, ông ta là người lạ. Họ ngưỡng mộ ông tức là ngưỡng mộ một quân nhân Nga giản dị, không thần thế đứng ngoài những mánh khoé bon chen, mà lại gắn liền với tên tuổi của Xuvorov do những kỷ niệm về Chiến dịch ở nước Ý. Ngoài ra, đề cao phẩm giá của ông ta lên như vậy là cách tốt nhất để bày tỏ ác cảm và chê trách Kutuzov.

Giá sử không có Bagration thì cũng phái bịa ra ông ta – Sinsin, con người hay khôi hài, phỏng theo câu cách ngôn của Volter mà nói như vậy.

Còn Kutuzov thì không ai nói đến, chỉ có những người thì thầm chê bai ông ta, bảo ông ta là cái chong chóng của cung đình, là một con nhân dương(3) già.

Khắp Moskva chỗ nào người ta cũng truyền tụng câu nói của công tước Dolgorukov “Thắng mãi rồi thì cũng phải có khi bại”, mong an ủi cuộc bại trận của chúng ta bằng những kỷ niệm thắng lợi xưa kia, và người ta lặp đi lặp lại lời nói của Raxtopsin bảo rằng muốn thúc người Pháp ra trận thì phải nói những lời trịnh trọng huênh hoang; với người Đức thì phải dùng những phép suy luận lô-gích để chứng minh rằng bỏ chạy nguy hiểm hơn là tiến lên; Nhưng với người Nga thì chỉ cần ghìm họ lại và khuyên họ: Từ từ chứ! Khắp nơi, người ta nghe kể lại hết dẫn chứng này đến dẫn chứng khác về lòng dũng cảm của binh lính và sĩ quan ta ở Austerlix. Người này đã cứu được một lá cờ, người kia đã giết được năm tên lính Pháp, một người thứ ba một mình nạp đạn cho năm khẩu đại bác. Những người không quen Berg cũng nói lại rằng khi bị thương ở tay phải: chàng ta đã cầm gươm bằng tay trái xông lên. Còn về Bolkonxki thì người ta không nói gì, chỉ có những người bạn thân thương tiếc chàng chết quá sớm, để lại một người vợ đang bụng mang dạ chửa và một người cha gàn dở.

Chú thích:

(1) Dân vũ Ba-ta động tác rất nhẹ nhàng

(2) Tên một câu lạc bộ lớn của giới quý tộc giàu có ở Moskva.

(3) Trong thần thoại Hy lạp, nhân dương là một á thần thuộc hạ của Baccus, mình người chân dê, có sừng dê, chỉ biết rượu chè dâm đãng.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.