Chiến Tranh Và Hòa Bình

Chương 64Quyển 3 -


Đọc truyện Chiến Tranh Và Hòa Bình – Chương 64: Quyển 3 –

Roxtov đã được lệnh tìm Kutuzov và hoàng thượng ở quanh làng Pratxen. Nhưng ở đây không những không thấy hai người đâu, mà cũng chẳng thấy một cấp chỉ huy nào, chỉ có những đám quân lính hỗn loạn thuộc đù các binh chủng. Chàng thúc con ngựa bấy giờ đã mỏi mệt để chóng vượt qua những dám người này, nhưng chàng càng đi thì lại càng gặp những đám người hỗn loạn hơn. Trên con đường cái lớn mà chàng đi theo, chen chúc những cỗ xe ngựa đủ các loại xe song mã, xe tải những tốp lính Nga và lính Áo đủ các binh chủng: bị thương cũng có, lành lặn cũng có. Tất cả xô nhau chuyển đi ầm ầm trong tiếng rú rùng rợn của đạn đại bác từ những pháo đội Pháp đặt trên các ngọn đồi Pratxen bắn xuống.

Hễ chặn được ai Roxtov cũng hỏi: “Hoàng thượng đâu? Ông Kutuzov đâu?”. Nhưng không ai trả lời chàng cả. Cuối cùng chàng túm lấy cổ áo một người lính và bắt hắn ta phải trả lời bằng được.

– Ô! Anh bạn ạ, họ ở đây từ đời nào kia, còn bây giờ thì chuồn mất rồi! – Người lính nhăn nhó tìm cách thoát khỏi tay Roxtov.

Thấy hắn ta say rượu, Roxtov buông hắn ra và ra chặn một nhân vật quan trọng nào đấy. Viên sĩ quan bảo Roxtov là cách đây một giờ họ đã chở nhà vua trên xe ngựa phóng hết tốc lực trên chính con đường này, và nhà vua bị thương rất nặng.

– Không có lẽ! Roxtov nói, – Chắc là một người nào khác đấy.

Viên sĩ quan tuỳ tùng cười nhạt, vẻ rất tự tin, và đáp:

– Chính mắt tôi trông thấy. Tôi còn lạ gì hoàng thượng nữa, ở Petersburg tôi đã gặp nhiều lần rồi. Ngài ngồi trong xe, mặt tái xanh tái nhợt ra. Bốn con ngựa ô cứ phóng bạt mạng, lao ầm ầm sát qua chỗ chúng tôi: tôi còn lạ gì ngựa của hoàng thượng với ông xà ích Ilya Ivanyts nữa! Phải biết là ông Ilya không bao giờ đánh ngựa cho ai ngoài hoàng thượng cả.

Roxtov buông ngựa viên sĩ quan ra và toan bỏ đi. Một sĩ quan bị thương đi ngang nói với chàng:

– Ông cần gặp ai thế? Quan tổng tư lệnh à? Bị trúng đạn chết rồi trúng vào giữa ngực, ngay ở trung đoàn chúng tôi đấy.

– Không phải chết, bị thương thôi, – Một viên sĩ quan khác chữa.

– Nhưng ai mới được chứ? Ông Kutuzov à? – Roxtov hỏi.


– Không phải là ông Kutuzov mà là cái ông gì ấy, mình quên tên rồi, nhưng cũng thế thôi, chẳng mấy ai sống sót. Ông đi lại đằng kia kìa, đằng cái làng ấy, các cấp chỉ huy đều tụ họp ở đấy cả. – Viên sĩ quan chỉ tay về phía làng Gôxtyeradêk rồi bỏ đi.

Roxtov cho ngựa đi bước một, không biết bây giờ mình đi tìm ai và để làm gì nữa. Hoàng thượng bị thương, quân đã bại trận. Bây giờ không thể nào không tin điều đó được, Roxtov cưỡi ngựa đi về phía người sĩ quan chỉ lúc nãy, nơi chàng thấy thấp thoáng ở xa xa ngọn tháp và một toà nhà thờ. Bây giờ thì đi đâu mà phải vội? Bây giờ thì còn gặp hoàng thượng hay Kutuzov để nói cái gì nữa. dù cứ cho là họ còn sống và không bị thương?

Một người lính cất tiếng gọi chàng:

– Thưa đại nhân, xin ngài đi theo đường kia, chứ đi lối này thì sẽ trúng đạn chết ngay.

– Ồ! Anh nói gì thế! – Một người khác nói.

– Anh bảo ông ấy đi đâu? Lối này gần hơn chứ.

Roxtov ngẫm nghĩ một lát và cho ngưạ đi thẳng vào con đường mà người lính vừa bảo là chàng sẽ bị trúng đạn chết ngay.

“Bây giờ thì chẳng cần gì nữa! Hoàng thượng đã bị thương, thì mình còn giữ thân làm gì nữa” – chàng tự nhủ.

Roxtov đi thẳng vào khoảng đất mà những toán quân từ Pratxen chạy về đã bị thương vong nhiều nhất. Quân Pháp chưa tiến vào nơi này, còn quân Nga – những người hãy còn sống sót hoặc bị thương đã rút khỏi từ lâu. Trên cánh đồng, cứ mỗi mẩu đất lại có chừng mười lăm người tử trận hay bị trọng thương nằm ngổn ngang, trông như những bó rạ trên một cánh đồng cày ải. Những người bị thương bò lê trên mặt đất thành từng tốp hai ba người, và Roxtov có thể nghe thấy tiếng kêu rên khó chịu của họ, đôi khi nghe như giả vờ. Roxtov cho ngựa phóng nước kiệu để khỏi phải trông thấy những con người đau đớn này, và bỗng thấy sợ. Không phải chàng sợ cho tính mệnh mà là sợ cho lòng can đảm. Bấy giờ rất cần cho chàng vì chàng biết rằng nó không thể chịu nổi cảnh tượng thương tâm ấy.

Quân Pháp bấy giờ không bắn vào khoảng đồng ngổn ngang những quân sĩ bị thương vong này nữa, vì ở đấy chẳng còn ai mà bắn; nhưng khi thấy viên thiếu uý, cưỡi ngựa qua, họ chĩa súng về phía chàng và bắn mấy phát đạn trái pháo. Những tiếng rít kinh khủng của đạn đại bác và cảnh những xác chết chung quanh hoà làm một trong tâm hồn Roxtov khiến chàng thấy sợ hãi và thương hại cho mình. Chàng nhớ lại bức thư sau cùng của mẹ chàng “Không biết mẹ sẽ nghĩ thế nào nếu thấy mình đang đi trên cánh đồng này, lại thêm những khẩu pháo chĩa nòng về phía mình?” – Roxtov nghĩ.


Trong làng Goxtyeradek có những quân Nga từ chiến trường rút về tuy lộn xộn nhưng đã có trật tự hơn. Đạn đại bác của Pháp không bắn được đến đây, và tiếng súng nổ nghe cũng khá xa. Ở đây mọi người đã được thấy rõ và đều nói rằng quân ta đã bại trận.

Trong số những người Roxtov hỏi không có ai biết hoàng thượng hay Kutuzov hiện nay ở đâu cả. Người thì bảo tin đồn hoàng thượng bị thương là đúng, người lại bảo không phải, và cho rằng sở dĩ có tin đồn như vậy là vì quả thật xe tứ mã của nhà vua có chở một vị đại thần của triều đình là bá tước Tolstoy, bấy giờ mặt mày tái xanh đi vì hoảng sợ. Bá tước là một người trong đám tuỳ tùng của hoàng thượng đã cùng người ra chiến trường. Một vĩ quan nói với Roxtov là ở phía sau lưng làng, về bên trái, ông ta có gặp một người trong số các vị chỉ huy cao cấp. Roxtov liền cho ngựa đi về phía ấy, bấy giờ không phải vì còn hi vọng gặp ai mà chỉ muốn cho lương tâm khỏi áy náy. Đi được ba dặm và vượt qua những đội quân Nga cuối cùng, Roxtov trông thấy bên cạnh một vườn rau có hào bao bọc, có hai người cưỡi ngựa đứng trước cái hào: một trong hai người đội chiếc mũ có ngù lông trắng, Roxtov trông quen quen; người kia là một người lạ mặt cưỡi một con ngựa hồng rất đẹp (Roxtov có cảm giác đã gặp con ngựa này ở đâu rồi), cho ngựa lại gần hào, dùng cựa giày thúc ngựa rồi buông lỏng cương cho ngựa nhảy một cách nhẹ nhàng qua cái hào của khu vườn rau. Hai chân sau của con ngựa chỉ làm rơi một ít đất xuống hào, người đó quay hẳn ngựa lại, cho ngựa nhảy qua hào trở lại chỗ cũ rồi kính cẩn nói câu gì với người đội mũ có ngù trắng, có lẽ là mời người đó làm theo mình như vừa rồi.

Người cưỡi ngựa mà Roxtov trông quen quen và bất giác chú ý nhìn, lắc đầu và khoát tay tỏ ý từ chối, và trông thấy cử chỉ đó Roxtov nhận ngay ra vị hoàng đế mà chàng vẫn tôn sùng và đã từng thương xót.

“Nhưng chả nhẽ ngài lại đi một mình ở giữa cánh đồng hoang vắng này” – Roxtov nghĩ. Vừa lúc ấy Alekxandr quay đầu lại, và Roxtov trông thấy những đường nét yêu mến đã khắc sâu vào ký ức chàng. Sắc mặt nhà vua xanh xao, hai má người hóp lại và mắt người sâu hoắm; nhưng những nét mặt của Người lại càng thêm dịu dàng dễ yêu. Roxtov rất vui sướng khi đã yên trí rằng tin đồn hoàng thượng bị thương là không đúng. Được trông thấy ngài, chàng sung sướng quá. Chàng biết rằng lúc này mình có thể, và hơn nữa, cần phải đến gặp hoàng thượng và tâu lên ngài những điều mà Dolgorukov đã sai chàng chuyển lại.

Có những chàng trai mới biết yêu đã bao đêm trường mơ ước được gặp người yêu để thổ lộ những tình cảm mình hằng ấp ủ nhưng đến khi giây phút bấy lâu mong đợi đã đến, đến khi đứng trước mặt nàng thì lại run rẩy, xúc động bối rối không sao có đủ can đảm thổ lộ tâm tình, chỉ thỉnh thoảng đưa mắt nhìn quanh, tìm một sự giúp dỡ nào, hoặc tìm cách trì hoãn hay chạy trốn, Roxtov bấy giờ cũng vậy; khi đã đạt được điều mà mình mong ước tha thiết nhất trên đời, chàng không biết mình nên đến yết kiến hoàng thượng như thế nào, và hàng nghìn lý do khác nhau dồn dập thoáng qua trí tưởng tượng của chàng, cho chàng thấy rằng làm như vậy thật không tiện, không nên và không thể được nữa là khác.

“Thế nào! Hình như ta lại mừng rỡ vì có dịp lợi dụng lúc người đang cô đơn, phiền muộn như thế này ư? Người có thể thấy khó chịu và buồn bực khi gặp một ngườ lạ mặt trong giờ phút thế này không; vả lại bây giờ ta có thể nói gì với Người được một khi chỉ nhìn Người thôi cũng đã thấy tim ngừng đập và miệng khô lại?”

Trước đây chàng đã tưởng tượng ra bao nhiêu câu để nói với hoàng thượng, thế mà bây giờ chàng không nhớ ra lấy một câu nào cả.

Những lời nói kia phần lớn đều dành cho những trưòng hợp khác hẳn, phần lớn là để nói ra trong những giờ phút chiến thắng huy hoàng và chù yếu là khi đang hấp hối vì phải chịu những vết thương trên bãi chiến trường: khi hoàng thượng cảm tạ những hành động anh dũng của chàng, còn chàng thì trước khi tắt thở nói cho nhà vua biết lòng trung thành được xác minh bằng hành động.

Vả chăng, chả nhẽ ta lại hỏi hoàng thượng xem Người ra lệnh cho cánh hữu quân làm gì, một khi bây giờ đã hơn ba giờ chiều và quân ta đã bại trận? Không, ta quyết không được lại gần Người, ta không được quấy rầy hoàng thượng khi Người đang trầm tư mặc tưởng. Thà chết một nghìn lần, còn hơn để Người nhìn ta một cách ác cảm, để Người có một ý nghĩ không tốt về ta – Roxtov kết luận. Lòng buồn rầu và tuyệt vọng, chàng thúc ngựa đi, chốc chốc lại ngoái nhìn nhà vua bấy giờ cũng đang đứng yên với dáng điệu lưỡng lự.


Trong khi Roxtov suy nghĩ đi nghĩ lại như vậy và buồn rầu thúc ngựa bỏ đi, đại uý Fon Tol tình cờ cưỡi ngựa đi qua chỗ ấy, và trông thấy nhà vua liền đi thẳng tới tình nguyện giúp Người đi bộ qua hào. Nhà vua muốn nghỉ vì thấy trong mình khó ở, liền ngồi xuống bên gốc một cây táo, và Tol dừng lại bên cạnh Người. Từ xa Roxtov cảm thấy ghen tị và hối hận khi thấy Fon Tol nói với nhà vua hồi lâu, dáng rất nhiệt thành, và hình như nhà vua khóc, vì thấy Người đưa một bàn tay lên bưng mặt và tay kia xiết chặt tay Fon Tol.

“Thế mà lẽ ra chính ta có thể được ở địa vị hắn” – Roxtov nghĩ thầm. Và cố kìm những giọt nước mắt xót thương cho số phận của nhà vua, chàng hoàn toàn tuyệt vọng, cho ngựa đi, không biết bây giờ mình sẽ đi đâu, và để làm gì. Chàng càng tuyệt vọng hơn nữa khi nghĩ rằng chính sự yếu đuối của bản thân là nguyên nhân gây nên nỗi buồn bực. Lẽ ra chàng có thể… Không những có thế mà còn có bổn phận đến gặp hoàng thượng. Và đây là cơ hội duy nhất để chứng tỏ cho ngài thấy rõ lòng trung thành tận tuỵ của mình. Thế mà chàng lại khóng biết thừa dịp…” Mình đã làm gì thế này?” chàng nghĩ.

Roxtov quay ngựa phi trở lại chỗ chàng tìm thấy hoàng thượng lúc nãy; nhưng bên kia hào không còn ai cả. Chỉ có những chiếc xe tải và xe ngựa trẩy qua. Một người đánh xe báo cho Roxtov biết rằng các xe tải lương đã đến một làng gần đấy và bộ tham mưu của Kutuzov cũng cách đấy không xa, Roxtov lên ngựa theo họ.

Đi trước chàng là viên sĩ quan giám mã của Kutuzov, đang dắt mấy con ngựa có phủ chăn. Sau lưng viên giám mã là một chiếc xe tải và sau chiếc xe tải có một ông già khoẻ mạnh, đội mũ lưỡi trai, mặc áo khoác ngắn và đi chân vòng kiềng.

– Ông Tit, ông Tit ơi! – viên sĩ quan giám mã nói.

– Cái gì thế? – Ông già lơ đãng đáp.

– Ông Tit! Mắt ông nhắm tít!

– Đồ ngu, im đi! – Ông già giận dữ nhổ một bãi nước bọt nói. Họ đi một lát im lặng, rồi trò đùa ấy lại được diễn lại y như thế.

Đến bốn giờ chiều trên khắp các trận tuyến quân ta đều hoàn toàn bại trận. Đã có hơn một trăm khẩu pháo lọt vào tay quân Pháp.

Prjebysevxki và quân đoàn của ông hạ súng đầu hàng. Các quân đoàn khác thương vong mất gần một nửa dân số, đều rút lui thành những đám người lộn xộn và hỗn tạp.

Tàn quân của Langeron và Dolgorukov trộn lẫn với nhau chen chúc ở các con đê và các bờ hồ cạnh làng Aoghext.

Khoảng năm giờ chiều chỉ ở phía đê Aoghext là còn nghe tiếng đại bác nổ dồn dập, toàn là tiếng súng của quân Pháp, bấy giờ đã bố trí rất nhiều pháo đội trên các sườn núi Moravi, bắn vào các đoàn quân của ta đang rút lui.


Trong đạo hậu quân, Dolgorukov và mấy tướng sĩ khác tập hợp được mấy tiểu đoàn, nổ súng kháng cự lại kỵ binh Pháp đang truy kích quân ta. Trời bắt đầu sẩm tối. Trên con đê hẹp ở Aoghext, nơi đã bao nhiêu năm nay cụ già giữ cối xay bột đội mũ chụp vẫn yên tĩnh ngồi câu cá trong khi thằng cháu nội xắn tay áo thò tay vào chiếc bình tưới trêu mấy con cá long lanh như bạc đang nhẩy tanh tách, trên con đê đã bao nãm nay những người Moravi hiền lành đội mũ lông xù và mặc áo xanh ngồi trên những chiếc xe tải hai ngựa chở thóc đến xay rồi lại trở về cũng trên con đê này, mình mẩy và xe cộ phủ bột trắng xoá, – chính trên con đê ấy, giờ đây, chen chúc nhau nhưng chiếc xe lương và những khẩu đại bác, xô đẩy nhau dưới mình ngựa và giữa các bánh xe, có những con người mặt biến dạng đi vì sợ chết, giẫm đạp lên nhau, hấp hối, bước qua những người hấp hối, giết lẫn nhau chỉ để rồi sau mấy bước cũng lại bị giết y như thế.

Cứ mười giây lại có một quả đại bác xé không khí rơi xuống hay một quả tạc đạn nổ tung giữa đám người dày đặc này, làm cho mấy người ngã xuống, máu bắn tung toé lên những người đứng gần.

Dolokhov, bị thương ở tay, đi bộ với người lính trong đại đội chàng (bấy giờ chàng đã được phục chức sĩ quan) còn viên trung đoàn trưởng của chàng thì cưỡi ngựa: cả trung đoàn nay chỉ còn có thế.

Bị cuốn theo đám đông, họ chen chúc ở đầu đê, và bị xô đẩy từ bốn phía, họ phải dừng lại vì ở phía trước có một con ngựa bị ngã xuống dưới một khẩu đại bác, và đám đông đang cố lôi nó ra. Một quả đạn đại bác rơi trúng mấy người ở phía sau lưng, một quả rơi trước mặt làm máu toé lên người Dolokhov. Đám đông hoảng hốt ùa về phía trước, xô vào nhau, đi mấy bước rồi lại dừng.

“Qua được trăm bước này thì chắc thoát; đứng đây hai phút nữa thì thế nào cũng chết” – mỗi người đều nghĩ như vậy.

Dolokhov đứng ở giữa đám đông cố len tới bờ đê, xô ngã hai người lính và chạy xuống mặt hồ đóng băng trơn bóng. Chàng nhảy nhảy trên băng khiến lớp băng kêu răng rắc, trỏ khẩu đại bác quát:

– Rẽ xuống! Rẽ xuống đây, băng chắc đấy!

Băng không sụt dưới sức nặng của Dolokhov nhưng trĩu xuống và nứt rạn ra. Có thể thấy rằng chẳng cần phải có một khẩu đại bác hay cả đám đông đi trên nó mới sụt, mà ngay chỉ Dolokhov thôi nó cũng sắp sụt ngay bây giờ. Đám quân lính nhìn Dolokhov và lấn về phía mép bờ, nhưng vẫn chưa dám bước xuống băng. Viên trung đoàn trưởng cưỡi ngựa ở đầu đê giơ tay lên và há miệng toan nói gì với Dolokhov. Bỗng một quả đạn đại bác bay vèo vèo trên đám đông, thấp đến nỗi ai nấy đều khom người xuống. Có tiếng đánh phịch một cái như vật gì rơi vào một chỗ ướt, và viên tướng ngã cả người lẫn ngựa trong một vũng máu. Không đi nhìn đến viên tướng: không ai nghĩ đến việc đỡ ông ta dậy.

– Xuống đi! Xuống băng đi! Xuống! Xuống đi! Mày điếc hẳn! Xuống!

Sau khi quả đại bác rơi trúng viên tướng, chợt nghe vô số người kêu lên như vậy. Hẳn người này cũng không biết mình nói gì và kêu lên như vậy để làm gì.

Một trong những khẩu đại bác đi sau đã lăn lên đê, bấy giờ được quay lại và đẩy xuống băng. Từ trên mặt đê, từng đám quân lính bắt đầu chạy xuống mặt hồ đông cứng. Mặt băng nứt vỡ dưới chân một người lính chạy trước, và người lính bị tụt chân xuống nước. Hắn muốn kéo chân lên nhưng lại tụt sâu xuống đến thắt lưng. Những người lính đứng gần nhất lưỡng lự, người đánh ngựa kéo sáng kìm ngựa lại nhưng ở phía sau lưng vẫn có tiếng quát tháo: “Đi xuống băng đi, sao lại đứng đực ra thế? Đi đi! Đi đi!” Và những tiếng thét kinh hãi nổi lên trong đám đông. Nhũng người lính đứng quanh khẩu đại bác giơ tay doạ ngựa và đánh vào ngựa để cho nó quay lại và bước đi. Mấy con ngựa bước xuống băng. Tảng băng, trên đang có dám bộ binh, sụt một máng lớn, và chừng bốn mươi người đang đứng trên băng, người thì lao về phía trước, người thì chồm ra phía sau, xô nhau xuống nước.

Những quả tạc đạn vẫn cứ đều đều rú lên và rơi xuốn mặt băng, xuống nước và nhiều hơn cả là rơi vào đám đông đang chen chúc trên mặt đê, trên mặt hồ và trên mép hồ.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.