Bạn đang đọc Chân Long Kiếm – Chương 18: Mười hai năm sau
Gia đình họ Lê tiễn Phùng lão ra tới tận cổng, Phùng lão xoay người lại nói với gia đình Lê Đinh:
– Các vị dừng ở đây được rồi, không cần tiễn lão xa đến vậy đâu. Lão đi đây, tạm biệt các vị.
– Vâng, tạm biệt bác ạ.
Nhìn theo bóng lưng của Phùng lão khuất dần trong màn đêm, Ngọc Thương nói với Lê Khoáng:
– Ông ấy tốt bụng quá chàng nhỉ?
Chàng gật đầu đáp:
– Ừ, cũng may nhờ có ông ấy mà thằng bé mới hết bệnh, chỉ tiếc tính tình ông ấy hơi khác người một chút, thật không biết có cách gì để báo ơn ông ấy đây?
Ông lão Lê Đinh cười cười:
– Cuộc đời là những chuyến đi. Có duyên ắt sẽ có ngày gặp lại.
Lê Khoáng nói với ông:
– Đúng vậy, thưa cha! Chúng ta vào nhà thôi cha, trời bắt đầu trở lạnh rồi.
– Ừ!
…
Phùng lão trở về quán trọ, trong lòng nửa buồn nửa vui. Ông vui vì Tru Hồn Kiếm đã có được người kế thừa và ông buồn vì Tam Giáo Tiên Thiên Tâm Kinh vẫn chưa tìm ra người xứng đáng, phải nói là đã có người xứng đáng nhưng không có duyên để nhận nó.
Theo ông đánh giá, Lê Lợi là người có đủ phẩm chất để nhận được nó, chỉ tiếc võ công Lê gia cũng đủ để cho cậu bé tu luyện trở thành một đại cao thủ, đủ khả năng giúp cậu bé làm nên nghiệp lớn sau này. Tru Hồn Kiếm ông phải dùng đến cớ chữa bệnh cho Lê Lợi họ mới chịu nhận, nếu ông tặng thêm cuốn Tiên Thiên Tâm Kinh thì có khác gì bảo võ công Lê gia không tốt bằng, vậy thì thật là không phải phép rồi. Hoàn cảnh lúc ấy khác với khi ông ở nhà Đặng Tất, ông làm theo di nguyện của sư đệ nên gia đình Đặng Tất khó mà từ chối được. Chẳng qua dẫu trong lòng buồn nhưng ông vẫn hi vọng có ngày tìm được đệ tử vừa ý. Hai ngày sau, Phùng lão quay trở về kinh thành.
Bây giờ thế cục trong triều đã ngã ngũ, lợi thế đang nghiêng về Lê Quý Ly. Sau khi Quý Ly diệt xong chướng ngại vật lớn nhất của mình là Trần Thì Kiến, ông ta quay sang đối phó với vua Phế Đế. Ông ta vào tâu với thượng hoàng Nghệ Tông về chuyện của vua, tất nhiên, không có gì tốt. Ông ta đề nghị thượng hoàng phế truất ngôi vị của Phế Đế. Nghệ Tông vốn rất tin dùng Quý Ly nên làm theo. Cuối năm Mậu Thìn, Phế Đế bị vua truất ngôi và bị giam lỏng tại chùa Tư Phúc. sau đó đưa Chiêu Định Vương lên thay. Cuộc nói chuyện giữa Lê Quý Ly và Thượng Hoàng tuy rất kín đáo nhưng Phế Đế bị truất, ai cũng đoán ra được người đứng phía sau là ai.
Sau sự việc xảy ra với vua Trần bị Thượng Hoàng phế truất thì tinh thần đấu tranh của phe trung thần với nhà Trần suy giảm mạnh, phe Lê Quy Ly lại được nước lấn tới, thế lực ngày càng mạnh hơn. Phế Đế suy sụp tinh thần, đến khi biết một số tướng lĩnh định đưa quân vào điện cứu thì ông viết hai chữ giải giáp có ý buông xuôi, rồi bảo với họ:
– Không đựợc trái ý Thái Thượng hoàng.
Phế Đế đã nói vậy thì các tướng lĩnh dưới trướng của ông cũng không dám trái lời, buông vũ khí, bỏ đi ý định ban đầu. Nhưng sự việc vẫn chưa dừng lại, sau đó không bao lâu, Phế Đế lúc này là Linh Đức Đại Vương bị thượng hoàng ép buộc treo cổ tự vẫn. Toàn bộ tướng tâm phúc đều bị giết. Tình hình triều chính đã tới mức không thể hỗn loạn hơn được nữa. Phùng lão bấy giờ đã ở bản môn, nghe được tin này thì biết can qua đã bắt đầu, dù muốn thay đổi thời cuộc nhưng lực bất tòng tâm, ông chỉ mong tìm được cách nào đấy để giảm bớt đau thương.
Tình hình triều chính vốn hỗn loạn lại thêm điên đảo, các đời vua sau bất lực hơn đời vua trước, không còn ai có thể ngăn cản được Quý Ly nữa, và chuyện gì đến sẽ phải đến, mười hai năm sau, tức đến năm Canh Thìn, Quý Ly lật đổ đế vị cháu ngoại là Trần Thiếu Đế, kết thúc triều đại nhà Trần kéo dài hơn hai trăm năm. Quý Ly không từ bỏ được mộng làm vua, ông ta đã quên mất lời khuyên của Trần Thì Kiến, trực tiếp lên ngôi làm Hoàng Đế, đổi họ Lê thành họ Hồ và đổi tên nước từ Đại Việt sang Đại Ngu. Một năm sau, ông truyền ngôi cho con thứ, lên làm Thượng Hoàng, nắm quyền quyết định mọi việc.
Lúc bấy giờ lòng dân vẫn còn hướng đến “tiền triều” nên mặc dù ông ta đã đưa ra nhiều chính sách cải cách khá tốt nhưng nhân dân vẫn oán giận nhà Hồ. Ngoài ra, phương Bắc chưa lần nào thôi mộng bành trướng về Nam của mình, chỉ đợi thời cơ là mang quân xâm chiếm.
Cha con Hồ Quý hiểu rõ điều này nên trước nạn xâm lăng của nhà Minh, họ tích cực củng cố quân sự. Một mặt nhà Hồ liên tục mở rộng mặt trận phía Nam, đem quân xâm lấn Chiêm Thành, chiếm được Chiêm Động và Cổ Luỹ, lập ra 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, mặt khác tăng cường phòng thủ để chuẩn bị đối phó quân Minh.
Sự chuẩn bị này diễn ra trên khắp cả nước, vùng núi Lam cũng không thoát khỏi. Lê Khoáng là hào trưởng, không khỏi cảm thấy lo âu. Việc chuẩn bị cho chiến sự, ông đương nhiên có thể nhận ra rất dễ dàng. Hằng ngày ông đều đi khắp nơi trong vùng để theo dõi tình hình, nhìn thấy cảnh vật xơ xác hoang tàn, trong lòng cảm thấy đau xót khôn nguôi, thầm nghĩ không biết đến bao giờ thiên hạ mới được hưởng thái bình.
Ông hồi tưởng lại cảnh tiền triều hưng thịnh, lòng ngổn ngang trăm mối…
Quả thực nếu cứ tiếp tục như vậy cũng không có lối thoát. Nhưng dân chúng Đại Việt vốn đã quen với truyền thống tận trung với vua, cách nghĩ này đã ăn sâu vào tiềm thức bao đời, nay muốn họ cứ vậy chấp nhận thuận theo thiên tử mới thì chẳng khác nào bảo họ đi ngược lại di huấn tổ tiên. Lê Khoáng cứ đứng ngẩn ngơ suy nghĩ không hề hay biết Mặt Trời đã ở trên đỉnh đầu tự lúc nào. Ông quay trở về nhà. Ông cầm lấy ấm rót một cốc trà. Miệng thì uống trà nhưng trong đầu thì lại không ngừng nghĩ cách làm sao để chấm dứt nạn can qua này. Bỗng nhiên vợ ông đi lại gần, bà nói dịu dàng:
– Khoáng, chàng đã về rồi.
Ông sực tỉnh, ngẩng đầu lên đáp:
– Là nàng đấy à? Ừ, ta vừa mới về xong.
Lê thị bước ra sau lưng ông, dùng tay nhẹ nhàng bóp vai cho ông. Bà hỏi:
– Chàng đi đâu mà trong có vẻ mỏi mệt vậy?
Ông ngả người ra sao, dựa lưng vào người bà, thở dài một hơi rồi nói:
– Ta vừa đi xem xét một vòng quanh đây, thấy cảnh vật tiêu điều, lòng ta cứ không yên.
Bà đưa tay xoa xoa hai thái dương cho chồng. Bà nhẹ nhàng nói:
– Em hiểu tâm trạng của chàng, thời loạn lạc, lòng dân bất an, chàng được mọi người tôn làm hào trưởng sao có thể kê cao gối ngủ yên được.
Hai vợ chồng đắm chìm trong trong suy tư, nhỏ tiếng tâm sự với nhau những điều trăn trở trong lòng. Bất chợt một cô gái nhỏ tuổi từ ngoài cửa tiến vào, cúi đầu nói:
– Dạ thưa lão gia, phu nhân, nhà chúng ta sắp hết muối rồi ạ.
Lê thị hỏi nàng ta:
– Vậy sao? Nhà còn bao nhiêu muối?
Cô gái trả lời nhỏ nhẹ:
– Dạ thưa, muối chỉ còn đủ cho hai ngày nữa thôi ạ.
– Ít vậy à, con cầm số tiền này bảo Ngô Từ đi mua nhé.
– Dạ thưa, số tiền phu nhân đưa hôm qua vẫn còn nên phu nhân không cần đưa thêm nữa ạ. Con đã đi mua nhưng các cửa hàng quanh đây cũng không còn bao nhiêu để bán nữa. Họ bảo muối đã hết rồi ạ.
– Ồ thế à? Được rồi, số tiền thừa kia con cứ cầm lo việc khác, còn muối thì ta và lão gia sẽ tìm cách.
– Vâng ạ.
Sau khi cho cô hầu gái ra ngoài, bà quay sang nói với chồng:
– Thật không ngờ ngay cả cửa hàng cũng đã hết muối, không biết các nhà khác như thế nào.
Lê Khoáng trầm ngâm suy nghĩ một chốc rồi đáp:
– Vậy chúng ta sẽ đi xa mua muối số lượng lớn, sau đó chuyển cho các cửa hàng, có lẽ cả làng đang thiếu muối.
– Em cũng nghĩ ý này rất hay.
– Thế để ta bảo Ngô Kinh đi sang bên ông Hội mua muối. Muối của ông ấy rất tốt, mà không sợ thiếu.
Bà đáp nói:
– Tiếc quá, Ngô Kinh bị em sai đi việc rồi, chàng bảo người khác đi, mà mau lên nhé.
– Ừ, thế thì bảo Ngô Từ đi vậy.
Lúc này ông bỗng nhìn thấy một chàng trai vừa đi ngang qua sân thì gọi lại:
– Trừ, lại đây cha bảo chút chuyện.
Lê Trừ là con trai cả của ông, năm nay hai mươi bốn hai mươi lăm tuổi, dáng người cao to, thân hình vạm vỡ, có dáng dấp một chàng trai con nhà võ. Chàng ta đi tới, cúi đầu một cái rồi đáp:
– Dạ thưa cha, cha gọi gì con ạ?
– Nhà chúng ta chỉ còn ít muối, con chạy sang cửa hàng chú Hội mua về nhé.
– Dạ mua bao nhiêu cha!
– Cũng khá nhiều đấy, con gọi thêm Ngô Từ đi cùng, một mình con mang không nổi đâu.
– Vâng ạ.
Lê Khoáng nói với vợ:
– Ngọc Thương, nàng liệu xem chúng ta mua bao nhiêu để đưa tiền cho con nhé.
– Vâng!
Khi hai mẹ con sắp ra khỏi cửa thì ông sực nhớ điều gì, bèn bảo con trai:
– À quên, con ra ngoài gọi em về cho cha luôn, lát nữa cha sẽ đưa em về bên ngoại có chút việc.
– Dạ vâng ạ.
Trừ theo lời cha ra ngoài tìm em. Chàng chạy tới một bãi đất trống rất lớn của làng, ở đấy đang có một đám trẻ tụ tập thành một nhóm chơi đùa. Nổi bật trong nhóm đó là hai cậu bé trạc tuổi nhau, mặt mũi đỏ bừng, gồng sức đánh vật với nhau. Cậu bé này bị vật xuống thì cậu ta lại lập tức chồm dậy xông tới, vật ngã lại đối phương, mặc kệ trên người đã lấm lem bùn đất.
Hai cậu bé có vẻ ngang tài ngang sức. Những đứa trẻ đứng xung quanh reo hò cổ vũ ầm ĩ cả một góc làng. Lê Trừ dễ dàng nhận ra em mình là một trong hai cậu bé, bèn cất tiếng gọi:
– Lợi ơi, lại đây anh bảo!
Lê Lợi nghe có người gọi thì quay đầu lại nhìn, nhất thời phân tâm để cậu nhóc kia vật ngã rầm xuống nền đất. Cậu nhóc kia cười nói:
– Ha ha ha, thua rồi nhé.
Đây là bạn từ thuở nhỏ của Lê Lợi, tên là Nguyễn Thận, cũng là một cậu nhóc nổi tiếng khoẻ mạnh bên làng Mục Sơn. Hai làng rất gần nhau, Nguyễn Thận nghe tiếng Lê Lợi bên này bèn sang thách đấu. Hai cậu nhóc đấu nhiều hiệp bất phân thắng bại, trong lòng sinh ra quý mến lẫn nhau, từ đó thành bạn chí thân. Trận đấu vật này bị xét thua, Lê Lợi không phục cãi lại:
– Đấy là do anh tao gọi nên tao mới thua, chúng ta đấu lại hiệp nữa.
Thận từ chối:
– Thôi, anh mày gọi rồi, bữa sau chúng ta vật tiếp.
Lợi do dự giây lát rồi gật đầu:
– Thôi được, hôm nay tao phải về, để sang bữa sau.
Lê Lợi vỗ bùn đất bám trên người rồi chạy tới chỗ anh mình, cậu hỏi:
– Anh cả, anh gọi em có việc gì không?
Lê Lợi giờ đã là một thiếu niên mười lăm, mười sáu tuổi, thân thể rắn chắc, khỏe mạnh, đám trẻ trong làng không ai là đối thủ của cậu về môn vật, tất cả bọn trẻ đều tôn cậu lên làm anh cả. Khuôn mặt cậu ta dính đầy vết bùn đất, nhưng không dấu được vẻ anh tuấn và mắt thì sáng rực, tinh anh, hiện rõ nét thông minh lanh lợi.