Bạn đang đọc Chân Long Kiếm – Chương 17: Lê Lợi
Vừa nghe ba chữ Phùng Sĩ Chu, mọi người nhà Lê Gia đều “a” lên kinh ngạc. Danh tiếng hai sư huynh đệ Phùng Sĩ Chu đã nổi khắp nơi như những vị tướng khác cùng thời. Bằng những lời tiên đoán và khả năng lợi hại phi thường của mình, hai người đã góp công kể từ sau khi giúp vua Trần hai lần chiến thắng.
Cha Lê Khoáng phản ứng nhanh hơn, ông vội nói:
– Thì ra là bác Phùng, trước kia cháu từng nghe tiên phụ nói là người đã từng có may mắn được gặp một vị cao nhân tên Phùng Sĩ Chu, lúc sinh thời trong lòng người chỉ mong ngày gặp lại để hàn huyên tâm sự.
Đến lượt Phùng lão ngạc nhiên, quả thật ông lần đầu biết Lê gia, lấy làm kỳ lạ, bèn hỏi
– Ủa, đây là lần đầu lão đến Lê gia các vị, tại sao ông lại nói lão quen biết với tiên phụ của ông chứ? Huống gì là…
Ông Lê Đinh tiếp lời:
– Tiên phụ của cháu là Lê Hối, người từng kể lại rằng từng cùng bàn luận về rất nhiều điều hay với bác, đến lúc người ra đi, trong lòng vẫn còn tiếc nuối vì không được gặp lại bác một lần nữa.
– Lê Hối ư?
Phùng lão suy nghĩ hồi lâu, sau đó à một tiếng gật đầu:
– Lão nhớ rồi, đúng là mấy mươi năm trước, khi lão vừa rời sư môn phục vụ cho triều đình, lão có gặp một người tên Lê Hối. Kiến thức của ông ấy rất uyên thâm, nói chuyện rất hợp lão. Ông ấy cũng từng đề cập đến việc dời nhà về phương nam phát triển, lão thấy ý này rất hay nên tán thành, không ngờ nó đã thành cơ nghiệp to lớn nhường này đây.
– Bác quá khen rồi ạ!
“Thật không ngờ sau mấy chục năm lại được thấy hậu duệ của cố nhân.” Tâm trạng của Phùng lão buồn vui lẫn lộn. Tuy ông vui mừng vì nghe tin cố nhân song cũng không khỏi cảm thấy cô đơn, trống trải, những người thân thích, bạn bè thậm chí kẻ thù cùng thời với ông đều lần lượt ra đi, chỉ còn mỗi mình lão già là ông ở lại, lòng cảm khái khôn nguôi.
Thế rồi ông sực nhớ tới Lê Lợi, quay sang nhìn thằng bé đang ngồi trong lòng Lê thị, bất giác cảm thán trong lòng: “mấy chục năm trước cùng ông ấy bàn tính chuyện chuyển về nam, đến bây giờ chính nơi đây sinh ra một “kim long”, ha ha ha, đúng là số trời mà.”
Phùng lão chìm đắm trong hồi tưởng.. Bất chợt tiếng nói non nớt của Lê Lợi vang lên, kéo ông ra khỏi dòng suy tư:
– Mẹ, con thấy đầu hơi đau.
Lê phu nhân xoa đầu con nhẹ nhàng bảo:
– Không sao đâu con, chừng vài ngày nữa nó sẽ hết đau thôi.
– Mấy ngày nay mẹ cũng nói như thế nhưng nó có hết đâu.
Phùng lão vốn rất quan tâm tới Lê Lợi nên khi thấy thằng bé có biểu hiện khác thường, ông hỏi ngay:
– Thằng bé nó bị bệnh gì mà đau đầu vậy?
– Cháu không dám giấu ông…
Lê Khoáng đã đổi lại cách xưng hô, xét về tuổi tác thì chàng gọi Phùng lão là ông cũng chưa hợp lý cho lắm:
– Cách đây chừng hơn ba tháng, đột nhiên tằng bé bị một chứng bệnh quái lạ. Gia đình cháu nhanh chóng gọi thầy thuốc giỏi nhưng ông ta lắc đầu nói không chữa được. À, chính là ngày bầu trời biến đổi không ngừng, mây đen vần vũ rồi lại tản đi, giống như có ai đó đang cố điều khiển cả thiên địa vậy!
Tim Phùng lão nảy lên mấy lần, Lê Lợi đau trúng ngày sư đệ ông làm phép đối với long khí. Vì thế mà Quý Ly và Lê Lợi bị ảnh hưởng. Có điều Kim Long vừa mới thành hình, nên bị nặng nhất, Quý Ly nhẹ hơn. Do vậy y mới đủ khả năng đến nơi sư đệ ông đang làm phép để ngăn cản.
Phùng lão hỏi tiếp:
– Vậy sau đó thế nào?
Lê Khoáng đáp:
– Sau đó thấy không có cách nào, cha cháu và cháu thay phiên nhau đặt tay lên người thằng bé truyền công lực sang, tạm thời bảo hộ tâm mạch cho nó. Lúc đó da nó trở nên tím tái, nhất là phần mặt, ai nhìn cũng sợ, may sao nó lại hết run rẩy và không còn đau đớn như trước. Sau đó khoảng hai canh giờ thì nó đột ngột hết đau, không cần truyền công nữa.
– Ra là thế.
“Sư đệ hao tổn nhiều công lực mà hiệu quả lại chẳng bao nhiêu, khiến cho lão hồ ly kia có cơ hội đến tập kích!” Đến giờ Phùng lão đã hiểu tại sao Trần lão thần công cái thế mà chịu bại vong, nghĩ lại trong lòng không khỏi cảm khái.
Phùng lão không nỡ để cho đứa trẻ ngây thơ, đáng yêu trước mặt mình phải chịu đau đớn. Ông bèn chìa tay ra nói với Lê phu nhân:
– Lão muốn mượn thằng bé một chút, chẳng hay ý phu nhân thế nào?
– Được ông giúp là may mấn của nó, cháu đâu mong gì hơn nữa.
Lê phu nhân chuyền tay đưa Lê Lợi cho Phùng lão. Cậu bé đang đau đầu nên ngoan ngoãn ngồi yên trên tay ông. Ông quan sát cậu bé, chợt phát hiện trên vai trái cậu bé có bảy nốt ruồi son, tức thì ông hiểu đây là điềm lạ, thể hiện cậu bé là một bậc quý nhân. Tương lai về sau của cậu bé thế nào khó mà định lượng được.
Phùng lão truyền chân khí sang để thăm dò thì phát hiện trong thân thể Lê Lợi có chứa một lượng nhỏ âm khí, thường xuyên xung đột với long khí, chả trách nó lại bị đau đầu.
Lê phu nhân thấy ông nhíu mày nhăn trán, nên lo lắng hỏi:
– Thưa ông, thằng bé bị bệnh gì vậy ạ?
Phùng lão trả lời:
– Trong người thằng bé có luồng âm khí, chính nó là thủ phạm đã gây đau đớn. Lúc trước các vị truyền công hộ tâm cho nó thì hết đau là bởi âm khí bị ép ra ngoài. Nhưng đáng tiếc sau khi thằng bé hết đau, các vị lại ngừng nên âm khí chưa tiêu trừ hết mà vẫn còn tồn tại một ít trong người nó khiến cho thằng bé đau đầu.
Lê phu nhân ngắt lời ông:
– Cháu xin ông hãy chữa cho thằng bé, nó còn quá nhỏ, không đáng bị như thế
Lòng mẹ thương con nên nàng ta hơi thất lễ. Phùng lão cũng là bậc cha mẹ nên rất thông cảm. Ông chỉ cười và trấn an nàng ta:
– Phu nhân yên tâm, dù phu nhân không nói lão đây cũng sẽ làm.
Ông bèn vận công, tăng cường chân khí. Sắc mắt Lê Lợi bỗng hơi tím tái, rồi mờ dần và mất hẳn. Ông mỉm cười trả thằng bé về ẹ nó.
– Đây, lão đã đẩy hết âm khí rồi, lão trả thằng bé lại cho phu nhân.
– Cám ơn ông [bác], đại ân đại đức của ông [bác], gia đình cháu sẽ không bao giờ quên.
Phùng lão cười khà khà nói:
– Ơn nghĩa gì, chỉ là nhấc tay nhấc chân mà thôi, không đáng kể.
Đau đầu đã được chữa hết, Lê Lợi đã vui trở lại, miệng cười toe toét, chơi đùa chạy nhảy khắp phòng, mang lại tiếng cười cho tất cả mọi người xung quanh. Nhìn gương mặt trẻ thơ vô tư lự của Lê Lợi, Phùng lão cảm thấy có chút áy náy thay cho sư đệ, một đứa bé dễ thương như thế mà phải chịu đau đớn do phép nghịch chuyển của sư đệ ông.
“Ôi, có lẽ ta gặp được thằng bé cũng là ý trời, là trời muốn ta giúp sư đệ chuộc lại một phần nào đó lỗi lầm chăng? Đúng rồi, thằng bé này là con nhà võ, chi bằng để nó kế thừa bộ kiếm pháp đấy.” Nghĩ vậy, ông bèn thò tay vào trong áo lấy ra một quyển sách, đưa cho Lê Khoáng và bảo:
– À, lão có một bộ kiếm pháp này muốn tặng cho thằng bé, xem như là quà gặp mặt.
Ông lão Lê Đinh vội đưa tay ra ngăn lại, ông nói:
– Ấy, bác chữa khỏi bệnh cho Lê Lợi đã có ơn rất lớn với gia đình cháu, món quà này chúng cháu thật không dám nhận đâu ạ.
Phùng lão cười cười, tiếp tục đưa tới:
– Không sao đâu, vừa rồi lão chữa cho thằng bé, phát hiện ra nó là nhân tài luyện võ trăm người có một, tuyệt đối không thể để uổng phí một nhân tài như vật được.
Ông lão Lê Đinh vẫn không chịu nhận món quà, vợ chồng Lê Khoáng cũng liên tục từ chối, cuối cùng Phùng lão thở dài nói:
– Nếu các vị đã kiên quyết không muốn nhận thì lão đành phải nói thật vậy. Tuy rằng Lê Lợi đã được chữa khỏi nhưng nguy cơ tái bệnh vẫn còn. Thân thể thằng bé từ khi trúng phải âm khí, đã trở nên dễ dàng hấp thu chúng trong không gian, vì thế sẽ có lúc nó đau đầu trở lại.
Gia đình ông lão Lê Đinh a lên một tiếng kinh ngạc, chuyện này nằm ngoài tưởng tượng của họ, lại có cả chuyện như vậy nữa sao? Vợ chồng Lê Khoáng ban đầu tưởng rằng con mình đã khỏi bệnh thì tốt quá rồi, ngờ đâu khi nghe ông nói thế, lòng càng thêm lo sợ, hai người vội vàng nói:
– Thằng bé còn quá nhỏ, nay mắc phải chứng bệnh kì quái như vậy, chúng cháu thực sự không biết làm thế nào mới phải, bác đã am hiểu đến vậy, nhất định sẽ có cách, xin bác giúp cho thằng bé ạ.
Thấy cặp vợ chồng trẻ bị mắc lừa mưu của mình, ông lão cười thầm trong bụng, bên ngoài lại tỏ vẻ bình thản, ông trấn an họ:
– Hai người đừng quá lo, như lão phu đã nói đấy, chỉ cần thằng bé tập luyện bộ kiếm pháp này, thằng bé sẽ không sao cả. Kiếm pháp của lão theo lối dương cương, không những giữ an toàn cho nó mà thậm chí còn giúp nó khoẻ mạnh hơn nhiều.
– Cái này…
Hai vợ chồng nhìn nhau, họ có cảm giác như đang bị Phùng lão cho vào tròng. Lòng giúp đỡ của Phùng lão quá nhiệt tình khiến người ta nảy sinh nghi ngờ bên trong có uẩn khúc nào đấy nên nhất thời họ chưa biết xử lý thế nào. Thực ra họ đâu biết Phùng lão có nỗi khổ tâm, muốn sửa lỗi thay sư đệ mà cố công dàn dựng lên cái nguyên nhân đấy để cho Lê Lợi có thể học được bộ tuyệt học kiếm pháp kia.
Phùng lão đẩy quyển sách tới trước mặt ba người, cười nói:
– Xin các vị nhận nó cho lão vui lòng.
– Nếu bác đã có lòng thì cháu từ chối thêm nữa sẽ là thất lễ.
Lê Khoáng dù nửa tin nửa ngờ nhưng vì lòng thương con, muốn con khỏi bệnh, thà tin đó là sự thật còn hơn. Chàng đồng ý bèn cầm lấy nó lên, vừa đọc những chữ ngoài bìa sách, nhất thời há hốc miệng, kinh hô:
– Là Tru Hồn Kiếm!
Hai người kia giật nảy mình sửng sốt, đồng thời nhìn vào quyển sách. Ba chữ Tru Hồn Kiếm viết rất rõ ràng. Ông lão Lê Đinh nói:
– Là nó thật sao! Chẳng phải là nó đã thất truyền hơn trăm năm trước rồi sao?
Phùng lão gật đầu:
– Là nó đấy, nó không hề bị thất truyền như lời đồn đâu, mà nó chỉ được truyền thụ một cách âm thầm qua các đời, đến đời lão là đời thứ sáu rồi.
Lê Đinh tiếp lời:
– Bác Phùng à, bác tặng món quà lớn quá, chúng cháu thật không biết lấy gì đền đáp.
Phùng lão cười ha hả:
– Không cần phải thế, dẫu sao thì lão cũng có ý riêng mà. Lão tặng nó với mong muốn sau này thằng bé sẽ làm nên nghiệp lên, giúp nước giúp đời, đó có thể xem như đã đền đáp lão rồi.
Sau một hồi khách khí, Phùng lão một mực muốn tặng cuốn kiếm pháp, cuối cùng thì vợ chồng Lê Khoáng đành cúi đầu cảm ơn và nhận lấy bộ kiếm pháp. Hai bên trò chuyện thêm hồi lâu nữa thì Phùng lão nói lời từ biệt:
– Thôi, quá khuya rồi, lão xin phép các vị rời đi.
Hiếm khi có dịp được gặp một bậc cao nhân như ông ấy nên gia đình Lê Đinh khẩn khoản mời ở lại:
– Ấy, còn sớm mà bác, bác ở chơi thêm chút nữa đã, hay là thế này, bác ở lại nhà cháu đêm nay, mai hẵng lên đường.
Mục đích của bản thân đã đạt được rồi, Phùng lão thấy không còn gì để ở đây nữa, nên nhất quyết từ chối:
– Ồ không, lão đã làm phiền gia đình các vị quá lâu, không tiện làm phiền mọi người thêm nữa, mà hơn nữa, tính lão vốn tự do, không thích gò bó nên mong các vị thông cảm, lão cáo từ thôi.
Gia đình Lê Đinh thấy ông một mực muốn rời đi nên họ cũng không tiện giữ lại. Lê Đinh nói:
– Thế bác hãy để chúng cháu tiễn bác một đoạn.