Bạn đang đọc Chân Long Kiếm – Chương 16: Gia đình nhà họ Lê
Thiếu phụ vẫn giữ chặt cậu bé con, liếc mắt nhìn người đàn ông kia:
– Chàng cứ như thế sẽ làm hư con đấy!
– Ha ha ha! Nàng xem.. Ai nói phụ nữ thường dung túng con cái khiến chúng sinh hư chứ? Ta thấy nàng còn nghiêm khắc hơn ta bao nhiêu. Xem ra Lợi của chúng ta muốn hư hỏng cũng không được rồi!
Thì ra đây là một cặp vợ chồng, nam mặt to mày rậm, trên dưới ba mươi tuổi, khi cười cũng lộ ra vẻ uy nghi, nữ chừng hai sáu hai bảy tuổi, diện mạo tú lệ, đôi mắt linh động.
Ngô Kinh thấy cặp vợ chồng nọ, vội vàng cúi đầu cung kính:
– Cậu chủ, mợ chủ.
Người chồng thấy y thì ngạc nhiên hỏi:
– Ngô Kinh, ta bảo cậu đi mua đồ, sao còn chưa đi mà đứng đây làm gì thế?
– Dạ thưa tôi đã đi mua rồi đây ạ, nhưng khi quay về thì thấy bác này đứng ngoài đường nhìn mãi vào nhà nên hỏi bác ấy ạ.
– Ồ! Thật vậy sao?
Người chồng ngờ vực, quay sang nói với Phùng lão:
– Cháu chào bác. Chẳng hay bác có chuyện gì muốn gặp gia đình cháu ạ?
Phùng lão cũng trả lời giống như khi đối đáp với Ngô Kinh. Người chồng thu lại vẻ nghi ngờ, mỉm cười nói:
– Cám ơn lời khen tặng của bác. Chưa tự giới thiệu đã hỏi bác như vậy thực thất lễ, cháu tên là Lê Khoáng, còn đây là vợ của cháu.
Người vợ đang nựng con, nghe chồng mình nói vậy thì quay sang chào Phùng lão.
Phùng lão mỉm cười chào hỏi lại, cũng quan sát kĩ hơn mấy người Lê gia.
Ban đầu, Phùng lão thấy quần áo trên người Ngô Kinh, nhận ra đây không phải là người làm bình thường, lại thấy cánh tay y rắn chắc, cơ gân nổi cuồn cuộn, là dấu hiệu của người luyện võ thì biết Lê gia không giống những gia đình phú ông bình thường khác.
Hơn nữa, từ nãy giờ ông vẫn luôn quan sát đứa trẻ hiếu động nọ, trên người nó tỏa ra long khí nồng đậm khiến ông nhớ lại thiên tượng khi ở trên đỉnh núi Yên, lại thấy cậu bé này thần sắc tinh anh kỳ vĩ, mắt sáng miệng rộng, mũi cao, ông đã suy đoán cậu bé là con rồng vàng trên bầu trời phương nam đó. Đến khi ông bắt gặp người chồng có phong phạm của cao thủ võ học, mà những bước đi của người vợ rõ ràng là khinh công thượng thừa thì càng khẳng định chắc chắn mình không hề nhận nhầm người.
Lê thị nhìn Phùng lão tuổi đã cao, một thân quần áo đầy bụi đường, đoán chắc ông từ nơi xa đến, suy nghĩ một chút, nàng nhẹ giọng nói:
– Bác đi một đoạn đường xa chắc hẳn đã mệt rồi, nếu bác không chê thì xin mời vào nhà chúng cháu uống chén trà rồi hẵng đi tiếp.
Phùng lão còn có dự tính khác trong lòng nên lắc đầu từ chối:
– Ồ không, cám ơn lòng hiếu khách của các cháu, lão không thể làm phiền các cháu như vậy được, lão chỉ là người qua đường thôi, nay lão đã ngắm đủ rồi nên xin phép cáo từ, chào tạm biệt, hẹn gặp lại các cháu.
Ông nói xong thì bỏ đi. Lê Khoáng gọi với theo:
– Ơ kìa bác, bác ở lại chút đã.
– Không cần đâu, lão có việc xin mạn phép đi trước, cáo từ.
Lê Khoáng nhìn theo bóng Phùng lão nhanh chóng biến mất ở cuối đường, quay lại nói:
– Ông lão này thật lạ kỳ, mà đi cũng nhanh thật đấy. Chúng ta đi vào nhà thôi, Ngô Kinh, cậu đưa tôi cái túi đây.
Lê thị đợi cho Ngô Kinh đi khỏi rồi mới nói nhỏ với chàng:
– Chàng phải cẩn thận, em thấy ông lão đó có gì đó bất bình thường, đáng nghi lắm.
Lê Khoáng nghi hoặc hỏi lại:
– Sao nàng lại nói vậy, ta thấy ông lão cũng giống như những người khác thôi mà. Ta thấy ông ấy cũng không hề có vẻ gì ác ý. Thậm chí chúng ta mời vào nhà ông ấy còn từ chối.
Lê thị lắc đầu đáp:
– Tại chàng không chú ý đấy thôi. Em quan sát kỹ, ông lão cứ nhìn thằng bé Lợi suốt. Ánh mắt ông ấy giống như… giống như… em không biết tả sao cho đúng, nhưng rõ ràng là ông ấy rất quan tâm đến nó, còn chưa biết là tốt hay là xấu.
Lê Khoáng trầm ngâm hồi lâu rồi trả lời:
– Vậy sao, xem ra ta sơ ý quá, nếu quả thật nàng nói đúng thì để ta cho người tìm hiểu ông lão đó xem thế nào.
Giữa lúc hai vợ chồng đang bàn chuyện to nhỏ với nháu, bỗng nhiên một lão nhân thần khí sảng lảng đi tới trước mặt hai người, cười ha hả nói:
– Hai đứa vừa đi đâu về vậy? Sao lại ôm thằng cháu của cha đi theo thế?
Ông ấy là cha của Lê Khoáng, tên là Lê Đinh. Lê Khoáng hiện tại chưa muốn cho cha hay điều này nên tìm cớ nói tránh:
– Dạ chúng con chỉ làm mấy thứ lặt vặt thôi cha. Lợi nó đùa nghịch, vợ con đuổi theo bắt thắng bé.
Ông bế cậu bé từ tay Lê thị, nhéo má cậu rồi cười to:
– Ha ha, thằng quỷ này đúng là nghịch lắm, lần nào cha bế nó cũng đều bị bứt râu. A lúc nãy cha nghe được hai đứa nói sẽ cho người đi tìm hiểu cái gì đó cơ mà.
“Không thể để cho cha biết được chuyện ông lão kia, đợi khi nào xong việc đã.” Lê Khoáng bèn lảng đi:
– Dạ vâng, vợ con khi đi chợ nghe mấy người nói con hổ xám đó đã quay lại nên con muốn tìm hiểu thực hư ra sao.
– A, vậy con làm nhanh nhé, nhất định không thể để con hổ làm hại dân lành.
– Vâng ạ.
Truyền thuyết về con hổ xám hai ba làng xung quanh đây ai cũng đều biết. Cách đây ba năm, vợ Lê Khoáng đang mang thai đứa thứ ba, bỗng một con hùm xám không biết từ đâu xuất hiện và thường nằm dưới gốc cây quế. Có điều khác lạ là nó rất hiền lành, vẫn thường thân cận với con người, người dân đi chợ về thì nó chỉ ngoảnh đầu nhìn theo chứ không bao giờ làm hại ai. Nhưng tâm lý sợ hãi ông ba mươi đã ăn sâu vào tâm lý
mọi người nên cứ đến tối là tất cả đều đóng kín hết tất cả các cửa nẻo, không dám ra ngoài. Hai cha con Lê Đinh muốn tìm hiểu sự thật nên nai nịt gọn gàng chuẩn bị lên đường. Nhưng rồi, hôm đó vợ Lê Khoáng trở dạ rồi sinh hạ con trai, đặt tên là Lê Lợi.
Nếu chuyện chỉ đến đây thì chẳng có gì đáng nói. Điều kỳ quái là từ sau hôm đó, con hổ xám tự nhiên biến mất, giống như khi nó xuất hiện đột ngột vậy, chẳng ai thấy nó nữa, tiều phu đốn củi trong rừng về cũng kể là nó đã mất tăm tích. Nay Lê Đinh nghe con nói nó xuất hiện trở lại nên dặn dò cẩn thận.
Lê Khoáng nói với cha:
– Cha, con đi luyện công đây ạ.
– Ừ, con đi đi.
Lê Khoáng không đi luyện công mà đi đến thư phòng, sau đó chàng gọi Ngô Kinh vào và bảo:
– Ngô Kinh, trong nhà chúng ta, thân thủ của cậu thuộc hàng khá, cậu hãy đi tìm hiểu ông lão ban nãy là ai.
– Vâng ạ!
Ngô Kinh nhận lệnh rồi đi ngay.
– Chàng sai Ngô Kinh đi không sợ bị ông ta phát hiện ư?
Lê thị đứng bên cạnh chàng hỏi. Chàng cười đáp:
– Tất nhiên là không, nếu ta đoán không lầm thì ông lão mong chúng ta làm điều đó lắm đấy.
– Ý của chàng là…
Lê thị vốn thông minh, nhanh chóng hiểu ý chồng. Chàng gật đầu:
– Ừ, ta nghĩ ông ta đang chờ đợi ta mời ông ta đến nhà.
– Em cũng suy nghĩ giống chàng, nhưng em sợ… ông ta sẽ gây bất lợi cho gia đình mình.
Lê Khoáng vỗ vỗ bàn tay nàng trấn an:
– Nàng cần gì phải sợ. Nàng quên mười năm trước, vợ chồng mình đã đánh bại một đại cao thủ là Quỷ Ảnh rồi à. Bao năm nay hai ta khổ luyện, ta tin rằng chỉ mình ta cũng có thể đánh thắng được y.
Chàng nói bằng giọng rất tự tin, hai mắt lấp lánh thần quang, thể hiện phong thái của một người có thể nắm chắc hết mọi việc trong tay.
Phùng lão tất nhiên biết Lê gia cho người theo dõi mình. Ông cười thầm trong bụng, nghĩ vị Lê phu nhân đó quả thật tinh mắt và rất thông minh, chỉ liếc sơ qua một lần đã biết mình là người phương xa đến. Ông giả bộ không hay biết gì cả, cũng có ý muốn chờ xem phản ứng của họ.
Buổi sáng hôm sau, ông đang ăn cơm thì có một người vẻ mặt hoảng hốt, từ đâu chạy đến bàn ăn của hai người khác, ghé miệng vào gần, thì thầm:
– Này, hai người về phủ mau, cậu ba mắc bệnh gì lạ lắm, cứ co giật liên tục.
Hai người nọ cả kinh hỏi lại:
– Mày nói thật không đấy? Cậu ba chiều nay vẫn còn chạy nhảy vui vẻ lắm cơ mà, sao giờ đổ bệnh đột ngột thế được.
– Thật, chính ông chủ bảo tôi đến đây mấy người về mà.
– Được được, chúng tôi về ngay.
– Ừ, các người cứ về trước, tôi đi kiếm thầy thuốc sẽ về sau.
– Nhớ về nhanh đấy.
Hai người vội vàng trả tiền, đứng dậy chạy đi, bỏ dở luôn việc theo dõi Phùng lão.
Phùng lão thấy thần sắc tên người ở kia chẳng phải giả bộ, ông nửa tin nửa ngờ. Rồi ông thấy y kéo theo thầy thuốc chạy như bị ma đuổi. “Lẽ nào thằng bé bị ốm thật, có thể sư đệ làm phép gây ảnh hưởng tới nó.” Ông đã tin bảy tám phần. Ông bèn thi triển khinh công bám theo tên đó vào trong nhà Lê gia. Thầy thuốc được y dẫn tới một gian phòng, bên trong thấp thoáng bóng dáng của ba bốn người, có cả một phụ nữ.
Phùng lão phi thân đứng trên một cành của cây to được trồng trong nhà, cành cây không hề bị gãy mà chỉ oằn cong xuống. Ông đứng yên lặng quan sát và chờ đợi kết quả.
Đã trôi qua gần nửa thời gian cháy một nén hương mà không thấy thầy thuốc ra ngoài, thi thoảng có tiếng phụ nữ thút thít, tiếng con nít kêu la phát ra, ông bắt đầu lo lắng; đợi thêm một lúc nữa, vẫn chưa thấy gì khác, ông sốt ruột, hạ xuống và tiến sát lại gần cửa nghe ngóng. Bất chợt một giọng nói êm ái, trong trẻo vang lên sau lưng ông:
– Quả nhiên là bác đã tới.
Phùng lão giật mình quay đầu lại thì thấy một phụ nữ bồng một đứa bé trên tay, chính là thiếu phụ ông gặp chiều nay, Lê Khoáng cũng ở bên nàng ta. Còn đứa bé nào có ốm như tên gia nhân đã tả đâu cơ chứ, nó vẫn rất khỏe mạnh, tay cầm đồ chơi vẻ thích thú. Phùng lão vừa nhìn thì hiểu ngay mọi chuyện, hoàn toàn là diệu kế của vị Lê phu nhân này, “đã biết nàng ta thông minh, không ngờ vẫn trúng kế.” Ông lắc đầu cười khổ:
– Phu thê hai vị nếu muốn lão đến nhà thì cứ cử người đến mời lão là được, đâu cần phải nhọc công nghĩ cách như thế này làm gì.
Lê phu nhân mỉm cười đáp:
– Cháu chỉ e rằng đến lúc đó bác lại từ chối không đi mà thôi.
Phùng lão thoáng ngẩn người rồi gật đầu khen phải.
Lê Khoáng tiếp lời vợ:
– Vợ chồng cháu đã làm bác phiền lòng, chúng cháu xin lỗi bác.
Nói xong chàng cúi đầu xin lỗi. Phùng lão khoát tay:
– Không sao, không sao, dù gì thì lão cũng là người có lỗi trước, hành động chiều qua của lão chắc đã làm ảnh hưởng cuộc sống của các vị, thật xin lỗi.
Cha của Lê Khoáng nghe được có tiếng đối thoại ở sau nhà nên đi tới hỏi:
– Nhà mình có khách hả con?
Ông ấy thường xuyên tu tập võ công nên vốn rất khỏe mạnh, giọng nói sang sảng, tràn đầy trung khí. Lê Khoáng cung kính trả lời:
– Dạ vâng, tối nay gia đình chúng được ta được một bậc cao nhân ghé thăm ạ.
Cha Lê Khoáng nghe vậy trợn mắt mắng:
– Đã biết thế rồi mà con còn không mời bác ấy ra nhà trước tiếp mà lại đứng đây nói hả? Con không thấy thất lễ với khách à?
Lê Khoáng nghe cha mắng thì lúng túng, vội vàng quay sang Phùng lão:
– A, cháu xin lỗi bác, cháu vô ý quá. Mời bác lên nhà trước ạ.
Phùng lão tính tình phóng khoáng hào sảng, nào có để trong lòng, chỉ vuốt râu cười khà khà, xua tay nói:
– Không sao! Không sao!
Lê Khoáng nói:
– Chiều nay cháu đã trò chuyện cùng bác ngoài cửa hồi lâu nhưng chưa kịp hỏi danh tính, tối lại được gặp bác, quả là có duyên.
Phùng lão đáp:
– Lão tên là Phùng Sĩ Chu.