Đọc truyện Bao Công xử án – Chương 16
Quỳnh Hương con gái điền chủ họ Trần là người nết na, thuần hậu, lại thiệt thà như đếm.
Làng Bửu Thạnh có phú ông họ Quỳnh, chẳng biết tên chi, thiên hạ thường kêu là Huỳnh Trưởng Gia.
Huỳnh ông nhà giàu lắm, ruộng thẳng cánh cò bay, trâu cày hàng trăm cặp, thóc lúa chất đầy ắp mấy chục vựa, gia nhân, người làm cùng tá điền dễ thường dư một đại đội.
Vợ chồng Huỳnh ông năm ny hơn 50 tuổi và chỉ có một con trai độc nhứt là Huỳnh Thiện, cũng đã tới tuổi trưởng thành. Tuy nhà giàu nhưng Huỳnh Thiện không tính chuyện ăn chơi rông dài, trái lại chàng ra sức làm việc. Sáng nào cũng vậy, mùa đông cũng như mùa hè, hễ gà vừa gáy sáng lần đầu là anh ta đã vùng dậy đánh thức mẹ cha rồi cả ba đốc thúc người nhà ra đồng làm việc.Trời tờ mờ sáng cha con đã ra ruộng trông coi việc cày cấy, gặt hái, còn Huỳnh bà ở lại lo việc trong nhà.
Một bữa Huỳnh ông bảo con:
– Ta và mẹ con ngày càng trọng tuổi, sức khoẻ ngày một hao mòn. Con cũng nên nghĩ đến việc lấy vợ lo nối dõi tông đường và gìn giữ sản nghiệp. Ta xem trong vùng chỉ có con gái điền chủ họ Trần tên là Quỳnh Nương, đông anh em, đã thiệt thà, nết na, thuần hậu lại biết chịu kho làm ăn. Nay con lấy nó chắc được lắm à.
Huỳnh Thiện ưng thuận. Thế là đam cưới Huỳnh Thiện lấy Trần Quỳnh Nương được cử hành ngay năm ấy.
Quả đúng như Huỳnh ông nói, Quỳnh Nương về nhà chồng hết lòng bồi đắp giang sang nhà chồng ngày thêm bề thế.
Mặt trời chưa mọc, nàng đã dậy cùng chồng lo toan mọi việc. Tối lại, mọi người đi ngủ đã lâu, nàng còn thức kiểm điểm tiền bạc sổ sách với cha con họ Huỳnh. Huỳnh ông đắc ý lắm thường bảo vợ: Nhờ ông bà run rủi và mình cũng có mắt tinh đời mới kén chọn được đứa dâu có tài quán xuyến như vậy.
Trái với các bà mẹ chồng khác, Huỳnh bà cũng quý mến Quỳnh Nương rất mực vì từ ngày thêm nàng, bà được rảnh rang, có thút thì giờ đi trẩy hội đền nọ chùa kia cùng với họ hàng, bè bạn.
Từ ngày con về nhà chồng, họ Trần cũng có ghé qua thăm đôi lần chi đó, chẳng phải vì ông không thương con, mà là sức khoẻ ông có phần hơi kém. Thấy sui gia khen ngợi và quý mến Quỳnh Nương, ông rất đẹp lòng.
Quỳnh Nương về làm dâu họ Huỳnh thấm thoát đã gần một năm, tính đến vụ mùa năm tháng 8 năm ấy.
Lúa bắt đầu chín đỏ ối cả đồng. Quỳnh Nương lại càng bận việc hơn lúc nào hết.
Một sáng nàng đang mải trông đám thợ gặt bỗng giật mình thấy một thanh niên cắm cổ chạy miết về phía nàng.
Đấy là Trần Tấn An cháu họ của Quỳnh Nương nhưng nhà nghèo nên phải đi làm mướn cho cha nàng.
Tấn An vừa thở vừa nói với Quỳnh Nương:
– Ông đau nặng, biểu cháu qua mời cô về gấp.
Quỳnh Nương lật đật đi kiếm chồng ở đám ruộng dưới. Lúc nàng tới, Huỳnh Thiện đang đếm lúa để lên xe đem về. Quỳnh Nương nói với chồng:
Bên nhà vừa cho Tấn An qua kêu thiếp, cha đau nặng,chàng cho thiếp đi coi sao, chừng vài bữa lại về.
Huỳnh Thiện không muốn cho vợ đi nên tìm cớ thoái thác:
– Nay đang mùa lúa chín, công việc gặt hái đang bộn bề, nếu nàng về ngay bên ngoại thì lấy ai trông nom thợ gặt. Thôi nàng nán chờ ít bữa xong việc hãy đi.
Quỳnh Nương đứng lặng người, nước mắt chảy quanh, nghẹn nghào chẳng biết nói sao. Thiệt nàng không nàng không ngờ chồng lại nhẫn tâm như thế. Phải chi nàng về nhà chồng đã lâu năm thì còn có thể lo ngại công việc đình trệ hay sơ sót vì không người thay thế. Nhưng nàng mới lấy chồng chưa được một năm, nay có về thăm cha thì bố mẹ chồng ráng vất vả đôi ba bữa như năm rồi đã sao?
Về phần Tấn An, anh này nghe Huỳnh Thiện nói vậy cũng ngạc nhiên vô cùng. Y lẩm bẩm:
– Rể đâu có rể lạ đời. Nghe bố vợ đau nặng đã chẳng được một lời thăm hỏi, lại nhẫn tâm giữ vợ lại. Ừ cho hắn bận công việc không về được cũng phải để vợ về gấp mới là kẻ biết ăn ở phải đạo làm người. Cho hay đời có người trọng nghĩa khinh tài mà coi rẻ điều nhân nghĩa.
Nghĩ vậy anh ta cũng buồn rầu đi theo Quỳnh Nương về nhà họ Huỳnh.
Quỳnh Nương biểu Tấn An xuống nhà dưới nghỉ chờ nàng tính lại xem sao rồi mai hãy trở về. Dặn rồi nàng đi kiếm mẹ chồng bày tỏ nỗi lòng và xin về gặp mặt cha.
Huỳnh bà sốt sắng hỏi han về bệnh trạng của sui gia rồi bà thở dài nói:
– Tội nghiệp cho ông bên nhà quá há, cứ nay đau mai yếu hoài. Lẽ ra mẹ phải đi với con cùng về thăm ổng, song con cũng biết là nhà ta đang bận vụ mùa. Con hiểu cho mẹ. Thôi để mẹ ráng nói với cha con nhà Thiện cho con về ngay nghe. Con cũng đừng buồn phiền chi về thằng Thiện nhé. Mẹ biết nó muốn giữ con lại để gặt hái xong thì nó cùng về thăm ổng bên nhà.
Quỳnh Nương cảm động sụt sùi khóc mà rằng:
– Thưa má, con đâu dám oán hờng chồng con. Con chỉ xin ba má và ảnh cho con về đặng gặp mặt cha con sớm ngày nào hay ngày ấy kẻo lỡ về muộn con làm sao gặp mặt lại được cha con một khi âm dương cách biệt.
Huỳnh bà trạnh lòng cũng sa giọt lệ. Bà hồi tưởng lại suốt một đời làm vợ, bà cũng đã một lần lâm vào cảnh ngộ tương tự như dâu bà ngày nay. Lần đó mẹ bà đau nặng cho người qua kêu, Huỳnh ông cũng chần chừ để bà về chậm mất ba ngày. Khi bà vừa vào đến cổng thì anh bà đã từ trong nhà đi ra ngậm ngùi bảo:
– Cô đã về đấy à. Mẹ mới đi lúc sớm hôm nay. Mẹ có ý chờ cô. Cả nhà cũng mong cô đỏ cả mắt…
Nghĩ đến đây Huỳnh bà thở dài, gượng cười bảo con dâu:
– Thôi con khá an tâm, để mẹ ráng giúp cho.
Đến xế chiều, Huỳnh bà kiếm Quỳnh Nương và cho nàng hay lời xin của nàng không được chấp thuận mặc dầu Huỳnh ba hết sức cầu xin .
Quỳnh Nương buồn rầu vô hạn, đứng ngồi chẳng yên.
Nhìn qua cửa sổ, thấy nắng chiều thoi thóp trên ngọn tre xanh, nàng bất giác thở dài, ứa lệ nghĩ đến cha già, yếu đuối có lẽ giờ này đang hấp hối trên giường bịnh.
Nàng nhất quyết sớm mai trốn chồng về thăm cha. Rồi nàng đứng dậy âm thầm sửa soạn quần áo và tư trang.
Sáng hôm sau, mới cuối canh tư (khoảng bốn giờ sáng) Quỳnh Nương đã trở dậy, Huỳnh Thiện chồng nàng ngỡ rằng vợ dậy lo việc đồng áng nên chẳng hỏi han chi cả.
Qua canh năm Huỳnh Thiện dẫn gia nhân ra đồng trông thợ gặt nốt lúc. Một lát sau. Quỳnh Nương cũng thay xong quần áo đẹp, lại đeo bông, tay mang xuyến, cổ quấn mấy lần chuỗi hạt. Đồ nữ trang của nàng thuần là vàng y đỏ ối. Có lẽ trong lúc này đầu óc nàng chỉ nghĩ đến người cha yêu dấu nên nàng quên hẳn lời dặn của người xưa phải thận trọng chớ phô bày sự giàu sang khi phải rong ruổi trên đường trường.
Sửa soạn xong xuôi Quỳnh Nương xuống nhà dưới kêu Trần Tấn An. Người cháu họ choàng dậy sửa soạn quần áo rồi cả hai lén mở cửa sau ra khỏi trang trại họ Huỳnh để về quê cũ.
Đi được một thôi đường, Tấn An hốt hoảng bảo Quỳnh Nương:
– Cô ơi, cháu để quên cái áo lót trong có tiền ở đằng nhà. Làm sao bây giờ cô?
Quỳnh Nương đứng sững lại cau mày nói:
– Mầy lơ đãng đến thế thì thôi. Tiền nhiều không? Thôi bỏ đi cho được việc đã.
Tấn An năn nỉ:
– Oái cô ơi, không được đâu, mất hết vốn liếng của cháu còn chi. Hay cháu bàn với cô thế này nhé. Nay trời cũng gần sáng rồi, cô cứ đi thủng thẳng một mình, cháu chạy lộn lại lấy tiền và áo xong, cháu lại chạy gấp bắt kịp cô. Từ đây về nhà Huỳnh ông cũng không bao xa. Cũng tại cô hô cháu đi gấp, cháu còn ngái ngủ nên lật đật mới sanh ra cớ sự này. Thôi cô ừ đi.
Quỳnh Nương nóng lòng về thăm cha, nên đáp:
– Ừ, thôi mầy ráng chạy cho lẹ nghe, tao đi chầm chậm chờ mầy đó.
Không đợi Quỳnh Nương dứt lời, Tấn An đã phóng chân chạy trở lại miệng la lớn “Cô cứ yên trí, cháu quay lại ngay” .
Quỳnh Nương một mình cắm cúi đi trên đường về quê cha. Lúc trời mờ mờ sáng thì nàng tới bìa một cánh rừng, quãng đường nơi đây thiệt là âm u, lạnh lẽo.
Quỳnh Nương vẫn xăm xăm bước tới. Lòng thương cha làm nàng quên hết mọi nguy hiểm của cảnh thân gái dặm trường.
Nàng băng qua rừng được non trăm bước bỗng nghe có tiếng đôi ba người đàn ông từ phía sau vọng lên.
Quỳnh Nương ngoái cổ lại nhìn. Từ cửa rừng lờ mờ sáng nàng thấy ba bóng đàn ông cao lớn đang tiến lên phía nàng. Quỳnh Nương nửa mừng nửa lo. Mừng vì có thể xin họ cho đi cùng thì khỏi còn lo sợ chi nữa. Lo vì không biết bụng dạ bọn người đi tới ra sao. Được người đứng đắn thì đỡ lo, lỡ gặp bọn lưu manh thì khốn. Nên đánh tiếng nhờ họ giúp hay trốn vào gốc cây bên lộ chờ họ đi qua?
Nàng phân vân chưa biết tính sao thì ba gã đàn ông đã đi gần tới. Bỗng một tên cất tiếng la:
– Châm đuốc mau anh em, đàng trước như thấp thoáng bóng có bóng người.
Phút sau, đuốc cháy sáng bừng một góc rừng. Cả ba trố mắt nhìn Quỳnh Nương đang bước thấp bước cao đi trên đường đất.
Tên cầm đuốc đi giữa bảo nhỏ tên đi bên mặt:
– Trông kìa bác trương, đờn bà ăn vận sang trọng thế kia lại dám một mình đi trong bóng đêm. Người hay ma đó bác?
Tên đi bên mặt gật đầu đáp:
– Ừ, lớn gan thiệt. Hay là hồ ly tinh hiện lên rỡn anh em mình như trong chuyện Liêu Trai đó? Ta nên rảo bước bắt kịp nó coi mặt mũi ra sao.
Tên đi bên trái phụ hoạ:
– Phải đấy.
Thế là cả ba đứa huỳnh huỵch chạy lên.
Quỳnh Nương dòm lại thấy ba đứa mặt mũi hung tợn vai vác đòn cân, tay khoác từng cuộn dây thừng, hông giắt dao to bản mũi nhọn, thứ dao đặc biệt của bọn cạo heo thuê, nàng thất kinh toan tháo bông tai, xuyến vàng cùng chuỗi hột giấu đi thời ba gã đàn ông đã đến bao quanh nàng.
Sáu con mắt dữ tợn nhìn chằm chằm Quỳnh Nương từ đầu đến chân.
Gã đàn ông được tên cầm đuốc kêu là “bác Trương” lúc này, bỗng ra hiệu cho hai tên kia vượt qua Quỳnh Nương rồi gã rảo bước lên theo.
Quỳnh Nương sợ quá tay chân cứng đờ, đứng ngây như tượng đá giữa đường, mắt nhìn chằm chằm ba đứa đang đứng thì thào bàn tán, cách nàng lối dăm sáu bước.
Tên Trương kẽ bảo hai tên kia:
– Ba anh em ta đi cạo heo vất vả mà chẳng được bao nhiêu. Nay cứ mượn đỡ số vàng nó đeo trên người cũng đủ tiêu xài một thời gian. Hai chú có đồng ý không?
Hai tên kia gật đầu tán thành. Tên Trương liền phân công ngay:
– Bây giờ đã sắp sáng tỏ mặt người rồi, ta phải hành động mau lẹ vả lại cứ cái kiểu nó dòm lui về phía sau hoài chắc nó có người nhà theo sau sắp tới cũng nên. Vậy một chú giơ đuốc soi cho Trương mỗ này giựt đồ còn một chú cầm đỡ đòn càn và dây thừng này cho ta. Nào xáp vô đi các bồ.
Thế là ba tên cạo heo quay lại bao vây Quỳnh Nương. Tên cạo heo họ Trương chẳng nói chẳng rằng giơ bàn tay hộ pháp giựt đôi bông tai và chuỗi hạt vàng của Quỳnh Nương. Quỳnh Nương chống cự mãnh liệt, tay đấm chân đạp tên bất lương, miệng nàng la inh ỏi.
Hai tên kia vội dập tắt đuốc, vứt cả đồ nghề xông vào bịt miệng Quỳnh Nương và đè nàng ra đất mà lột hết tư trang.
Tới đôi xuyến vàng, tên Trương mới giật được chiếc bên mặt còn chiếc bên trái nó loay hoay mãi chẳng lấy xong, phần vì trời còn tối nó không nhìn ra chỗ tháo phần vì Quỳnh Nương vẫn vùng vẫy, kháng cự kịch liệt. Chừng sợ e kéo dài có người đi tới, tên Trương mới rút dao cạo heo chém nhát tay trái nạn nhân.
Quỳnh Nương thét lên một tiếng rồi bất tỉnh. Tên Trương tháo được nốt chiếc vòng nơi tay trái bèn hô hai tên kia lượm đò nghề rồi chuồn êm.
Lát sau trời sáng tỏ thì cháu họ của Quỳnh Nương là Tấn An cũng vừa đi tới.Thấy cô nằm sóng soài dưới đất máu me đầy người Tấn An chạy về cấp báo cho nhà chồng Quỳnh Nương.
Huỳnh Thiện vội hô gia nhân mang võng đi khiêng vợ về chạy chữa thuốc men.
Nhờ sẵn có lương y và có lẽ nàng cũng chưa đến ngày tận số, nên sau khi được chở về nhà một lát. Quỳnh Nương dần dần hồi tỉnh.
Huỳnh Thiện liền viết đơn đệ lên Bao Công xin tra xét.
Bao Công đọc xong đơn của Huỳnh Thiện, liền truyền lính kêu Tấn An tới để ông xét hỏi.
Bao Công hỏi Tấn An:
– Ngươi là cháu nạn nhân phải không?
– Dạ phải.
– Biết ba người lạ mặt đó không?
– Dạ không biết song lúc tôi chạy trở về nhà Huỳnh ông có thấy ba người đàn ông đi từ đường nhỏ lên lộ. Lúc trời còn tối trông không rõ mặt, xem hình dạng giống như người lái heo.
Bao Công suy nghĩ một lát rồi hỏi tiếp:
– Quỳnh Nương đã tỉnh chưa?
– Dạ mới tỉnh.
– Có nói gì không?
– Cô tôi còn mệt, chắc chưa nói chuyện được. Vả lại cô tôi vừa hồi tỉnh thì Thượng quan cho đòi lên hầu nên tôi không được rõ.
Bao Công gật đầu nói:
– Thôi được, ngươi hãy ra ngoài chờ lệnh ta.
Tấn An ra khỏi, Bao Công kêu mọt thám tử vô và dặn rằng:
– Ngươi hãy dẫn Tấn An đi theo biểu y chỉ rõ nơi y đã gặp ba tên lái heo. Sau đó ngươi đi theo Tấn An về nhà họ Huỳnh vô gặp Quỳnh Nương lấy lời khai của nạn nhân, nhớ phải hỏi cho rõ về hình dạng bọn cướp. Không cần đưa Tấn An trở lại Nha nữa. Xong việc, ngươi phải dò la coi thử làng Bưu Thạnh có ai làm nghề cạo heo, láo heo không.
Việc thứ ba : trên đường về, ngươi hãy lần theo đường ruộng mà Tấn An gặp ba gã đàn ông để coi thử xem đường ấy đưa tới xóm làng nào, rồi về trình gấp.
Thám tử vâng lệnh cùng Tấn An lên đường ngay tức thì.
Bao Công cho chồng Quỳnh Nương là Huỳnh Thiện lúc này còn chờ ở ngoài vô và dạy rằng:
– Ngươi hãy về nhà lén lấy một cái áo ngắn đàn ông rồi chấm máu trước ngực và gói kín lại, mang ngay lên cho ta.
Lát sau Huỳnh Thiện trở lại đem trình Bao Công chiếc áo ngắn vấy máu.
Bao Công cất kín một nơi rồi cho Huỳnh Thiện về nhà.
Gần trưa, viên thám tử trở về Nha phúc trình kết quả cuộc điều tra. Anh ta nói:
– Tôi đến nhà họ Huỳnh có gặp Quỳnh Nương. Nạn nhân đã hồi tỉnh, nhưng còn mệt lắm. Nàng có cho biết bị ba tên cạo heo chẹn đường lột sạch nữ trang.
Bao Công ngắt lời thám tử:
– Liệu nạn nhân có nhận diện được bọn nó không?
Dạ tôi có hỏi thì được biết nạn nhân có nom rõ mặt ba tên vì chúng đốt đuốc. Một tên cao lớn có râu, mắt xếch, tên thứ hai gầy ốm, tên thứ ba mập lùn.
– Xóm của họ Huỳnh có ai làm nghề đó không?
– Xóm họ Huỳnh là xóm Đông không có ai làm nghề lái heo cả.
– Nhà ngươi có tìm ra xóm làng ở gần chỗ Tấn An gặp bọn họ không?
– Dạ thưa có. Từ chỗ lộ đi qua đường ruộng lối hai dặm đường có một làng kêu là xóm Đoài dân cư đông đúc.
Bao Công gật gù đáp:
– Ta chắc bọn cướp ở đó mà ra chớ không phải đâu xa. Thôi được, cho ngươi lui ra.
Thám tử quay gót sắp đi ra thì Bao Công đã gọi giật lại:
– Aáy khoan, chút xíu ta quên mất. Ngươi đi kiếm một người phu mạnh khẻo dẫn về đây. Cứ nói là ta thuê công một buổi, còn việc làm sẽ cho biết sau. Thôi đi cho lẹ lên nhưng nhớ phải làm cho kín đáo đó nghe.
Thơ lại và lính hầu đều thì thầm bàn tán với nhau không hiểu Bao Công lập mẹo gì để tra ra thủ phạm.
Một thơ lại hỏi viên cai lệ già:
– Bác theo hầu quan đã lâu có thấy vụ nào tương tự như vụ Quỳnh Nương không? Chớ theo tôi vụ án này khó lắm. Không biết quan làm thế nào để tìm ra thủ phạm.
– Kể ra các vụ cướp của chém người cũng chẳng hiếm gì nhưng tình tiết mỗi vụ khác nhau. Làm sao mà biết quan sẽ dùng cách nào. À thám tử đã trở về kia. Thôi tụi mình ráng chờ chút coi.
Thám tử để dân phu đứng ngoài rồi vô trình Bao Công. Bao Công vẫy thám tử lại gần trao gói áo vấy máu mà chồng Quỳnh Nương vừa nạp và dặn nhỏ thám tử hồi lâu. Xong xuôi Bao Công hỏi:
– Ngươi đã hiểu rõ chưa?
– Dạ hiểu rõ.
– Vậy thì tốt lắm. Cứ y kế mà thi hành. Thôi ngươi đi gấp kẻo chậm rồi.
Thám tử lui ra lấy một người lính tên là Huỳnh Thắng đi cùng và ngoắc người dân phu đi theo.
Tới chỗ vắng, thám tử biểu hai người đến ngồi bên gốc cây và nói:
– Sớm mai này dâu họ Huỳnh là Quỳnh Nương bị ba tên cướp đoạt nữ trang và chém gần lìa tay trái ở rừng Chi Lâm. Theo lời khai của nạn nhân và cháu là Tấn An thì đó là ba tên cạo heo. Bao đại nhơn cho rằng thủ phạm ở trong bọn cạo heo ở xóm Đoài, bởi vậy, ngài mới biểu mướn anh này (trỏ dân phu) đóng vai người cạo heo để tra ra trước giờ Ngo nhữn tay cạo heo nào ỡ xóm Đoài đã ra đi sớm nay. Hai anh đã hiểu sơ qua mẹo của quan rồi chứ?
Bác dân phu khoát tay nói:
– Thôi để bác kiếm người khác. Công việc khó khăn lắm tôi không kham nổi đâu.
Thám tử đáp:
– Có gì mà không kham nổi. Anh cứ làm đúng như lời tôi dặn đây này. Anh lính Huỳnh Thắng đây sẽ dắt anh đến xóm Đoài và rao rằng; “Hồi sáng nay, người lái heo này đi qua rừng Chi Lâm trông thấy ba người lái heo bị một bọn cướp đón đường đánh: một bị chết còn hai lanh chân chạy thoát được. Quan truyền ai có thân nhân đi sáng nay thì lên Nha mà nhận diện đặng đem về chô cất” .
Theo quan dự đoán thế nào cũng có người ra nhận.Anh thấy chưa, có chi khó?
Bác dân phu chưa hết thắc mắc:
– Làm sao họ tin tôi là lái heo được và khi họ hỏi hình dáng người chết, tôi biết trả lời sao đây?
Thám tử đưa gói áo ra và cười hề hề đáp:
– Điều đó bác khỏi lo. Đây nè trong gói này có cái áo ngắn vấy máu, anh mặc vô tất họ hết nghi ngờ. Còn về hình dáng người chết cũng chẳng khó gì.
Để trả lời của hỏi của họ, hai anh chỉ cần nhớ kỹ hình dáng 3 tên cạo heo đã cướp Quỳnh Nương. Tên thứ nhất cao lớn, mũi to, còn tên thứ ba gầy ốm cao như sếu vườn. Hai anh đừng để cho người ta kịp biểu mình tả hình dáng người chết, trái lại phải gợi để cho người ta hỏi rồi chụp lấy cơ hội nói thêm ra thì phải trúng ngay một trong ba tên đó. Muốn vậy hai anh lắng tai nghe cho kỹ lời quan dặn đây.
Đoạn thám tử hạ giọng dặn hai người các câu hỏi và trả lời rồi bắt cả hai lặp đi lặp lại cho đến thuộc lòng mới thôi.
Ngưng một lát, thám tử nói tiếp:
– Thôi tốt lắm rồi. Bây giờ anh này (trỏ dân phu) hãy mặc áo này vô để ta lên đường cho kịp.
Lính Huỳnh Thắng hỏi thám tử:
– Sau khi có người hỏi rồi tụi tôi làm chi nữa bác?
– Anh hỏi thân nhân ấy tên họ chi rồi làm bộ giục anh dân phu này theo anh về trình quan. Đoạn hai anh đi trở ra đến quán nước đầu làng ghé vô giải lao. Hễ thấy đứa nào gánh heo về thì anh cứ xô ra mà bắt, tôi sẽ phụ cho. À hai anh phải làm như không quen biết gì tôi cả nghe, thôi ta đi thì vừa.
Ba người đứng dậy đi ngược lại đoạn đường Quỳnh Nương đã qua hồi sớm nay. Tới chỗ Tấn An đã chỉ, ba người rẽ xuống đường ruộng để tới xóm Đoài.
Thám tử nói:
– Để tôi đi trước, hai anh sau. Nhớ làm như không quen biết tôi. Trong trường hợp không có ai ra nhận thì cứ theo tôi qua xóm khác. Nào lẹ lên sắp tới giờ ngọ rồi còn chi.
Nói rồi thám tử xăm xăm bước tới.
Lính Huỳnh Thắng hỏi với:
– Nè bác, sao quan lại biểu phải làm xong trước giờ ngọ?
Thám tử đáp vọng lại:
– Cái đó ngoài quan ra hoạ may chỉ có… thiên lôi biết. Thôi anh đừng bép xép nữa, sắp tới nơi rồi đó.
Tới xóm Đoài, thám tử vô quán đầu làng kêu nước uống, để không ai chú ý đến.
Lát sau lính Huỳnh Thắng dẫn anh cạo heo giả hiệu đi ngang qua quán nước, miệng rao lớn như lời thám tử đã dặn.
Mọi người đổ xô ra nghe, rồi đám người hiếu kỳ kéo nhau đi theo thì thào bàn tán nhưng chưa thấy ai hỏi han chi cả. Hai người tiếp tục đi.
Thám tử vội trả tiền nước rồi nhập ngay vào đám đông.
Khi lính Huỳnh Thắng và người dân phu đi rao tới giữa làng xẩy có một người đàn bà hớt hải chạy từ trong nhà ra đón đường mà hỏi:
– Chồng tôi sớm mai này có đi mua heo. Hay là chồng tôi bị nạn?
Nói đoạn bà ta rưng rưng nước mắt. Một thiếu phụ chừng là người giáp vách vội nắm tay bà ta mà nói:
– Ô hay, bác trương sao bác lại nói thế cho nó vận vào người.
Người được gọi là bác Trương đáp:
– Tôi sốt ruột quá bác à. Mọi lần vào giờ này thì chồng tôi về nhà rồi sao lần này chưa thấy về.
Người đàn bà kia lại nói:
– Thì để hỏi người ta xem hình dạng kẻ bị nạn ra sao đã. Chắc không phải là bác giai nhà ta đâu.
Lính Huỳnh Thắng toan giở câu mẹo ra hỏi, theo đúng chiến thuật phản công trước để khỏi dồn vào ngõ bí. Nhưng người đàn bà kia đã mau miệng hỏi trước:
– Bác Lệ ơi, bác trương giai to lớn, lực lưỡng còn người bị cướp hình dáng thế nào?
Lính Huỳnh Thắng mừng rỡ đáp:
– Người bị giết gầy ốm và cao còn hai người chạy thoát thì một người to lớn lực lưỡng, một người mập lùn.
Rồi anh ta day qua bác dân phu hất hàm làm bộ hỏi:
– Phải không anh này?
Bác dân phu gật đầu đáp:
– Dạ phải, người lực lưỡng, mắt xếch,có râu chạy thoát cùng với người mập lùn. Vì họ chạy về phía tôi nên tôi nhìn rõ.
Thiếu phụ reo lên:
Bác Trương gái đã nghe rõ chưa. Tôi đoán không sai mà.
Trương thị vẫn chưa hết thắc mắc:
– Thế sao giờ này chồng tôi chưa về?
Một cụ già đứng gần đó chậm rãi lên tiếng:
– Thì cứ biết nó thoát nạn là được rồi. Nó thất đởm chạy có cờ, chắc cũng sắp về tới chứ gì.
Lính Huỳnh Thắng hỏi vợ họ Trương:
– Vợ chồng mụ tên chi?
– Chồng tôi là Trương mỗ, tôi là A Chân.
Lính Huỳnh Thắng quay lại biểu bác dân phu:
– Thôi ta đi về trình quan.
Nói rồi hai người đi ngược trở lại và làm bộ ghé vô quán nghỉ giải lao. Thám tử cũng đã vô ngồi chờ từ trước rồi.
Đến trưa, một gã to lớn, mặt mày hớn hở, mắt xếch, cằm để râu, lon ton gánh heo tiến vô làng. Đúng là Trương Mỗ rồi.
Lính Huỳnh Thắng liền nhảy ra thộp cổ y về quan.
Vừa thấy mặt Trương Mỗ, Bao Công đã quát mắng:
– Phải mi sớm nay hiệp cùng hai tên nữa lột nữ trang của dân họ Huỳnh rồi lại chém người ta gần lìa tay trái, phải không?
Trương Mỗ chối dài:
– Thưa Thượng quan, tôi là người làm ăn lương thiện, xin quan minh xét.
Bao Công không đáp chỉ hất hàm bảo lính hầu:
– Bay đâu, hãy khám tên này cho ta.
Lính dạ ran xúm lại xét người Trương Mỗ thì lòi ra đôi vòng vàng và bông tai.
Trương Mỗ hết dg chối cãi phải thú nhận hết tội lỗi.
Bao Công hỏi:
– Còn hai tên nữa là ai? Ơû đâu? Mau khai cho thiệt.
Trương Mỗ đành khai hai tòng phạm ở làng bên ra. Bao Công liền sai lính hỏa bài tức tốc đến bắt cả đôi. Xét trong người ch1người thấy có một phần nữ trang của dâu họ Huỳnh. Hai đứa nhận tội.
Huỳnh Thiện – chồng Quỳnh Nương – được gọi đến, nhìn nhận đúng là nữ trang của vợ mình nên được lãnh đem về.
Bao Công lên án tử hình cả ba tên lái heo.
Sách có chép rằng Trần Quỳnh Nương nhờ được lương y hết lòng chạy chữa nên qua tháng sau vết thương đã lành, tay trái chỉ hơi bị tật. Thiệt là có phước lắm vậy.