Đọc truyện Bao Công xử án – Chương 15
Lữ Tấn Hiền vốn là người làm ăn lương thiện, một bữa đi chơi thăm bạn lúc trở về gặp trận mưa rào, sẵn có cây dù mang theo liền gương lên mà che.
Phố phủ Khai Phong vắng tanh, mọi người đều chạy vô nhà đụt mưa, chỉ còn một mình Hiền cắm cúi rảo bước về nhà.
Khi Hiền đi ngang qua một ngôi chùa xảy có tên du côn Kỳ Nhứt Sở đang đụt mưa ở cổng tam quan chạy ra níu lại năn nỉ:
– Anh làm phước cho tôi đi nhờ với.
Hiền đáp:
– Không được đâu. Cây dù này nhỏ hai người đi chung thét rồi đều ướt cả. Dù của anh đâu sao không lấy mà xài?
Sở lại van nài:
– Tôi lỡ cho người bạn mượn, nay họ chưa trả. Thôi anh làm phước cho tôi đi nhờ, nhà có việc gấp quá.
Hiền nghe sở nói năng lễ phép,bùi tai cho đi chung dù về. Được vài bước Sở bảo Hiền:
– Anh để tôi cầm dù cho.
– Thôi để mặc tôi.
– Aáy chết, anh đã cho đi nhờ, anh cho phép tôi cầm đỡ choanh mới phải phép chớ.
Nói đoạn. Sở giằng lấy cán dù cầm chặt lấy. Hiền nghĩ cũng chẳng mất mát gì vả lại đi tay không càng dễ chịu nên để mặc Sở che dù cho cả hai.
Hai người lặng lẽ đi bên nhau một thôi đường dài. Đến ngã ba, Tấn Hiền bảo Kỳ Nhứt Sở:
– Bây giờ tôi quẹo tay trái đây, còn anh.
– Tôi đi thẳng.
– Vậy anh trả cây dù cho tôi vè. Trời đã ngớt mưa anh chịu khó ẩn vào mái hiên bên hè phố lát nữa thì đi được.
Sở nhe răng cười và giở giọng côn đồ:
– Thôi cho tớ mượn mai trả nhé.
Hiền rụng rời:
– Ơ hay, tôi biết anh đâu mà đòi, anh biết ở đâu mà trả. Thôi đừng giỡn nữa, mau trả dù cho tôi về kẻo muộn.
Sở không thèm đáp, cầm dù đi thẳng. Tấn Hiền chạy theo đòi, Sở la lớn:
– Dù tao, mầy định giật sao?
Tấn Hiền ngạc nhiên nói:
– Ăn nói chi kỳ cục vậy? Tôi cho anh đi chung dù của tôi nay anh muốn nói ngược sao?
Nói rồi Hiền xông lên giật lấy chiếc dù. Sở nắm dù tay mặt tiện tay trái đấm luôn vào ngực Tấn Hiền nghe “bịch” một cái. Tấn Hiền nổi giận cũng thoi lại Sở một thụi. Tên du côn liền gập dù lại kẹp vào nách rồi quay lại đánh Tấn Hiền, Hiền vội vàng nghênh chiến.
Hai bên quần thảo với nhau một hồi bất phân thắng bại. Sở thấy đã cướp được cây dù nên cũng không ham đấu nên vừa trả đòn Tấn Hiền lại vừa bước tới.
Ai trông thấy cũng phải tức cười cái cảnh hai người giằng co nhau, kẻ cứ xăm xăm bước đi, người cứ toan kéo lại chán rồi lại đâu mặt choảng nhau dữ dội đến xổ cả khăn, rách cả áo, ướt như chuột lột cả hai.
Tự xét mình khó thắng Kỳ Nhứt Sở, Tấn Hiền ngó thấy phủ Bao Công gần đó liền ôm cứng lấy tên lưu manh xô nó đi về phía đó, miệng la bai bải:
– Vô quan, vô quan xem mày cướp giật được không.
Sở vung tay thoát được rồi hai người đập nhau một trận tơi bời, đấm nhau bình bịch, đá nhau bôm bốp ngay trước cửa phủ Bao Công làm văng cả bùn vào mũi chú lính gác.
Lính trong phủ hô nhau đổ ra lượm cả hai dẫn vào trình Bao Công.
Bao Công cả giận võ án la:
– Bộ các người hết chỗ làm võ đài sao mà dám đem nhau đến trước cửa phủ ta mà loạn đả như vậy?
Tấn thưa:
– Dạ tôi đâu dám, ngặt vì tên này (trỏ Kỳ Nhứt Sở) đoạt cây dù của tôi, tôi phải đánh lại. Tôi muốn lôi hắn đến cửa quan, hắn chẳng chịu. Xin quan minh xét cho.
Ký Nhứt Sở cũng gãi đầu bẩm:
– Thưa Thượng quan, cây dù này của tôi, tôi thấy trời mưa thương hại tên này (trỏ Tấn Hiền) cho đi nhờ, chẳng ngở hắn dụng tâm muốn cướp dù của tôi. Hắn chẳng chịu vào quan, giằng co với tôi nên mới sanh chuyện. Xin đèn trời xoi xét cho.
Bao Công nói:
– Thế các người giành cây dù lại đây ta coi.
Một người lính đến bên tên Sở lấy cây dù đem trình Bao Công. Ông chăm chú nhìn cán dù để ông xét trong ngoài. Lát sau ông hỏi Tấn Hiền:
– Dù của ngươi có dấu tích chi?
– Dạ thưa vật mọn nên tôi không có ghi dấu.
Bao Công hỏi Kỳ Nhứt Sở:
– Thế còn nhà ngươi? Dù có dấu vết chi?
– Dạ dạ… cũng không làm dấu.
Bao Công hỏi cả hai:
– Chớ các ngươi có nại được ai làm chứng là dù này của mình không?
Hiền trỏ Sở và đáp:
– Nó ở chùa chạy ra năn nỉ tôi cho đi nhờ. Lúc đó mưa lớn, không ai trông thấy.
Sở cãi liền:
– Chính nó đi nhờ dù của tôi. Có hai người trông thấy nhưng tôi không biết tên họ.
Bao Công nhìn hai người rồi lại nhìn cây dù đoạn ông nẩy ra một kế liền gọi lính hầu đến bên khẽ bảo ra dặn thám tử cứ làm như thế… như thế.
Lính lui ra rồi. Bao Công mới hỏi Hiền Sở:
– Cây dù này đáng giá bao nhiêu?
Tấn Hiền mau miệng đáp:
– Tôi mua năm phân bạc.
Bao Công nổi giận quát:
– Việc nhỏ mọn sao dám đem nhau đến gấu ó trước Nha môn? Các ngươi phải biết rằng Triều đình đặt ra quan chức đâu có phải để xử việc nhỏ nhxu73chu1t đỉnh như vầy.
Nói đoạn Bao Công truyền lính bẻ cây dù làm hai, chia cho mỗi người một khúc rồi sai lính đuổi cả ra.
Hiền đi trước mặt hầm hầm tức giận, tên côn đồ đi sau miệng toét ra cười. Họ vừa ra khỏi cổng Nha, một thám tử của Bao Công giả dạng làm thường dân vừa đi tới và theo bén gót hai người.
Hiền và Sở vô tình không để ý đến.
Quá khỏi Nha lối trăm bước, Tấn Hiền liếc thấy Sở đi kế bên bèn múa nửa khúc dù ra chiều khoái trá lắm. Tấn Hiền lên ruột cả chùm, buột miệng nói đổng rằng:
– Quan gì bá láp, xử không công bình!
Sở thấy Hiền nổi xung, cười ha hả giơ cao nửa cây dù bô bô nói:
– Dù của nó mình giựt ngang qan xử ta cũng được nửa khúc chơi. Vui quá xá.
Thám tử nghe vậy liền về cấp báo với Bao Công. Bao Công cả cười nói: “Trúng kế ta rồi” và ông lập tức sai lính phóng ngựa đuổi theo bắt cả hai trở lại.
Lính dẫn Hiền và Sở vô công đường. Bao Công cho gọi thám tử vừa rồi vào và hỏi:
– Trong hai người này, thằng nào mắng lén ta?
Thám tử tỏ Tấn Hiền. Bao Công điểm mặt Hiền quát lớn:
– Sao ngươi dám sỉ nhục ta. Lính đâu vật nó ra đánh mấy hèo về tội nhục mạ quan trên.
Tấn Hiền bị đòn lakhóc thưa rằng:
– Tôi đâu dám mắng nhiếc quan, chỉ trách quan xử không công bình.
Tên côn đồ họ Kỳ tưởng hở tìm cách châm thêm dầu vào lửa:
– Thưa Thượng quan, tôi có nghe nói quan là đồ bá láp bây giờ lại chối biến y như nó đã giật dù của tôi lại còn cãi …
Tên Sở chưa dứt lời, Bao Công đã vỗ án chỉ mặt hắn mà hét rằng:
– Chính mi mới là kẻ đoạt dù, tại ta xét xử không minh để oan cho Tấn Hiền nên nó ức lòng mới dám nói lén ta.
Sở vẫn cố cãi:
– Lòng nó tham quá độ, thấy quan xử chia hai cây dù, nó muốn lấy cả nên mới oán trách.
Bao Công giận tím cả mặt:
– Hay cho tên này đã gian giảo lại còn muốn vu tội cho người ngay. Nếu takhông lập kế bẻ đôi dù rồi cho người theo dõi thì làm sao biết rõ oan ưng?
Nói rồi ông bảo thám tử nhắc lại lời nói của tên du côn lúc trước. Kỳ Nhứt Sở cứng họng hết đường chối cãi.
Bao Công sai lính vật cổ Sở ra đánh đủ 40 côn thiệt đau rồi đuổi về.
Còn Tấn Hiền được Bao Công cấp cho một chỉ bạc gọi là để bồi thường thiệt hại về cây dù bị bẻ đôi.