Anh sẽ lại cưa em nhé

Chương 21


Đọc truyện Anh sẽ lại cưa em nhé – Chương 21

Nguyên Lê
Phía cuối con đường có ai đó đợi em
Đau khổ nhất là khi người ta có thể nhìn thấy nhau, biết mình cần nhau, mà phải lẳng lặng chôn vùi yêu thương vì những duyên cớ số phận sắp đặt an bài.
*
*      *
Người ta bảo “Chờ đợi là niềm hạnh phúc tuyệt vọng nhất khi yêu.” Đợi để gìn giữ, sẻ chia và để biết rằng, trong cuộc đời này, luôn có một người dõi về phía một người, luôn có một người đi tìm kiếm một người…
Năm năm rồi Du không thay số điện thoại. Chỗ ở cũng thế, vẫn căn phòng nhỏ bé nằm trong một con phố ngợp bóng những hàng xà cừ xanh mướt lá. Du mòn mỏi chờ một người trở lại. Mòn mỏi cá cược với trái tim về một người đàn ông ngay từ đầu đã không thuộc về mình.
Du không bao giờ nghĩ sẽ gặp anh nhanh đến như thế. Đó là một ngày bắt đầu mùa mưa; ẩm ướt và se lạnh, một người bạn hẹn Du:
– Tối nay em rảnh không, đi uống nước cùng chị.
Du băn khoăn cũng nhận lời. Giới thiệu, làm quen hững hờ, thế mà “phải lòng” nhau. Sau này anh thường cười trêu, tại Du theo anh nên anh mới bị “sa bẫy”. Nhưng Du không bực mình, cũng chẳng thấy anh đáng ghét, vì anh đã ở trong vòng tay Du, vòng tay anh bảo:
– Anh không chạy đâu, sẽ đứng im mãi đấy.
Du cười, hiền lành và ngoan ngoãn, rúc vào anh như một con mèo. Khi ấy Du vừa tròn 21 tuổi. Và anh – một người đàn ông thành đạt 33 tuổi, đã có gia đình.
Du cũng không bao giờ nghĩ là mình sẽ thuộc về anh nhanh đến như thế. Vẫn một đêm ẩm ướt mùa mưa, trong căn phòng nhỏ bé nhức nhối mùi vôi vữa và hơi mốc của đồ đạc, Du run rẩy đón nhận anh. Du nghe thấy trong mình dòng yêu thương đang vỡ oà tràn vào ngóc ngách của mọi giác quan. Trong cơn say mê mải, anh khẽ cắn vào tai Du thì thầm.

– Em đàn bà lắm em à, vẻ ngây thơ, trong trắng nơi ánh mắt em khiến cho bất cứ người đàn ông nào cũng muốn giữ gìn như sợ đánh vỡ mất đi.
Đàn bà khi vui thường hân hoan, niềm hạnh phúc long lanh trên ánh mắt bờ môi không có tấm màn nào che giấu được. Du không như nhữngcon gái khác, cho đi rồi hối hận hay trách cứ, Du mãn nguyện vì có anh và được là của anh. Sau cùng của những yêu thương, anh lặng lẽ rời xa, Du không giữ anh ở lại, vì Du biết anh không thuộc về mình. Cuộc sống của anh ở nơi có vợ và cô con gái ba tuổi. Tấm ảnh của Du bao giờ anh cũng cất sâu trong ví, phía sau hình của mái ấm nhỏ bé đó.
Dự án của anh kết thúc cách đây bốn năm. Du tiễn anh vào một ngày mùa đông giáp Tết, miền Bắc lạnh tê người. Đêm trước khi chia tay, anh gục trên bờ vai Du, nước mắt họ mặn chát lẫn trong môi hôn khắc khoải, day dứt.
– Anh đi rồi, em nhớ chăm sóc cho mình nhé! Em có trách anh tệ quá vì không dám sống hết mình với tình yêu của chúng ta không?
Du lặng lẽ lắc đầu. Du biết mình yêu con người có trách nhiệm với gia đình trong anh, yêu cả tình thương vô bờ anh dành cho con gái, những thấu hiểu về nỗi vất vả, thuỷ chung khi anh kể chuyện về vợ của mình. Du yêu cách anh chăm sóc vợ con, cách anh gọi điện về nhà với đầy lo toan, trằn trọc. Yêu và tủi hờn đồng hành vì biết đắng cay và đau khổ sẽ đến, Du không thể rời xa anh. Du dụi đầu vào má anh, nói như thì thầm với chính mình:
– Em phải trả anh về cho chị ấy, gia đình nào cũng cần có bờ vai rộng của một người đàn ông. Người ta không thể tham lòng mà bấu víu lấy những thứ mãi mãi không phải của mình.
Anh hôn từ từ lên mắt, lên môi, lên cổ, lên tóc, lên từng tế bào nhạy cảm trên cơ thể Du. Đó là lần cuối cùng, Du cong mình đón nhận tình yêu của một người đàn ông với cả hai thứ cảm xúc đối lập hạnh phúc và buồn tủi. Sân bay nhốn nháo cảnh chia tay ngày đó, anh ôm nghẹt lấy Du. Đau khổ nhất là khi người ta có thể nhìn thấy nhau, biết mình cần nhau, mà phải lẳng lặng chôn vùi yêu thương vì những duyên cớ số phận sắp đặt an bài. Hơi ấm thân thương len lỏi vào lồng ngực nấc lên từng hồi, phút giây đó Du thấy mình khánh kiệt. Để rồi kể từ sau ngày ấy, chưa một lần họ gặp lại nhau. Kể từ ngày anh đi, Du chưa từng yêu một người đàn ông khác. Du vẫn là một người đàn bà trong trắng, yêu và chỉ thuộc về một người đàn ông.
Cho đến sáng hôm nay, tại góc của quán cafe này, quán café sáu năm về trước họ chạm mặt và chấp nhận khánh kiệt để thuộc về nhau trong một tình yêu biết trước chỉ toàn khổ đau và dằn vặt. Anh ngồi đó, khuôn mặt xạm đen vì sương gió, rắn rỏi và gân guốc; thoáng một chút mệt mỏi. Đôi mắt đen thăm thẳm khuất dưới hàng lông mày đậm nét nhìn Du long lanh. Mùa đông này lạnh hệt như ngày họ xa nhau. Du vừa nhận được điện thoại của anh cách đây 30 phút. Cuộc điện thoại khiến Du nghẹn ngào không nói được lời nào, cố lắm cô mới hỏi nh được đúng một câu:
– Bây giờ anh đang ở đâu?
Du cuống cuồng bỏ mặc cơ quan mà chạy đến, chết trân nhìn cái dáng ngồi hiền lành của anh, nước mắt chảy tràn trên hai khoé mi suốt dọc đường để lại những vệt dài loang bờ má. Du vừa ngồi xuống, tay anh đặt lên tay Du, nóng bỏng và cồn cào. Bao nhiêu năm, Du thèm khát được đụng chạm vào người đàn ông này, thèm khát hoang dại cho những bến bờ tận cùng với anh; bao nhiêu năm Du giữ mình cẩn thận để xuất hiện trong cuộc gặp gỡ cô phải đợi chờ quá lâu này. Bây giờ không phải chờ đợi nữa, không phải đấu tranh và dằn vặt lòng nữa; anh mạnh bạo kéo tay Du chạy như bay về căn phòng nhỏ của họ. Ở đó, họ lại mê mải hoà lẫn vào nhau. Sau cuối của đam mê, sau cuối của những nhịp yêu thươg gấp gáp và thoả mãn; Du khóc nức nở như đứa con gái lần đầu tiên trao đi cái quý giá nhất của cuộc đời. Anh hôn nhẹ lên má Du:
– Bao năm rồi, em vẫn quyến rũ như thế. Anh không thể quên ánh mắt em, không thể chịu nổi khi không nhìn thấy mình trong đó. Em hãy nói là em yêu anh, nói đi em.
Gối đầu trên vai anh, bất giác Du giật mình:

– Bao giờ anh sẽ đi?
Anh lặng yên không nói. Im lặng có nghĩa là kết cục ấy lại xảy ra. Du nghĩ đến những năm tháng tiếp theo của cuộc đời mình, và thấy cổ họng nghẹn đắng. Sống tiếp, sẽ đợi chờ một người, sẽ tiếp tục mòn mỏi, hi vọng nghĩ đến tương lai? Nhưng bản thân mình Du sẽ sống thế nào? Cần phải làm gì để vượt lên những ám ảnh đeo đẳng đó? Du theo đuổi bóng dáng của một người, liệu còn có ai đó đợi chờ cô phía cuối con đường kia không?
Ba tháng sau cuộc gặp gỡ bất ngờ và ngắn ngủi của Du và anh, một buổi sáng, Du nhận được điện thoại của một người phụ nữ. Người đàn bà có chất dọng nhẹ nhàng, cất những lời mỏng manh khó nhọc nhưng khiến Du khuỵu ngã:
– Du phải không? Chị là vợ của anh Nam. Anh Nam… mất rồi em à.
Du không hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa; chỉ thấy tiếng gió, tiếng cười khàn đục của anh lào xào đập vào bờ thành lồng ngực mình.
– Anh Nam phát hiện ra mình bị ung thư gan từ 6 tháng nay, nhưng không cho ai biết. Lần anh ấy lặng lẽ ra Hà nội gặp em trở về, bệnh trở nặng nên không giấu được. Những ngày cuối, anh ấy kể cho chị về em.
Du nghe thấy tiếng người khóc nức lên ở đầu dây bên kia, tiếng vỡ tan của những tế bào tan ra trong dòng xoáy mãnh liệt rút kiệt sinh lực của cô. Du không cảm nhận được nước mắt mình có chảy hay không, chỉ có những dòng thác của sợ hãi, đau đớn đổ ập lên bờ vai khiến Du ôm ngực khuỵu xuống.
– Không! Anh? Anh à! Làm sao như thế được!
Bây giờ Du mới hiểu, tại sao bao nhiêu năm nay Du có đủ can đảm, nghị lực đợi chờ. Còn đợi chờ là còn hi vọng, còn tin tưởng. Du chợt nhớ những lời nói nghẹn lại của anh:
– Cuộc đời anh có lỗi với cả hai người đàn bà thương yêu anh nhất. Anh xin lỗi em. Xin lỗi vì để em mòn mỏi quá lâu thế này. Đến một lúc nào đó, em à, em hãy tin tưởng nhé! Ở nơi nào rất xa, anh sẽ chờ em, để trả lại tuổi trẻ, tình yêu và niềm tin trong trái tim em. Anh hứa với em. Nhưng từ giờ đến khi gặp lại, hứa với anh là em phải mở lòng để yêu thương, để sống hạnh phúc. Em hứa chứ?
Du khẽ gật đầu, mắt rưng rưng nước.Bờ môi mềm của anh như còn đang phủ cả cơ thể của Du mà sao khóe miệng Du đắng ngắt.
Cuối cùng chúng ta cũng mất anh ấy rồi…

Tròn một tuần anh mất, Du mới có mặt trước mộ anh, những thảm cỏ xanh thẫm để lại trong mắt Du một vạt buồn hoang lạnh, cô độc. Yêu thương giờ nằm xa tầm với của con người, anh im lặng nằm đó, Du đứng đây mà không có nổi một mối liên hệ mong manh nào. Người phụ nữ nhỏ bé đứng bên Du, khuôn mặt u sầu, mệt mỏi nhìn vào khoảng mênh mông không có vẻ trách cứ, oán thán. “Cuối cùng chúng ta cũng mất anh ấy rồi. Người không ở lại thì mọi điều chẳng có nghĩa lý gì.”
Du châm lửa, những trang nhật ký bén thứ ánh sáng vàng vọt, nhợt nhạt chuyển sang màu tàn tro bay trong gió. Kỉ niệm không đốt được, thiêu cháy tâm hồn Du. Người đàn bà góa bụa ở tuổi 35 lặng lẽ rời đi. Chỉ lúc bấy giờ Du mới đổ khuỵu xuống mộ anh và nức nở khóc.
Du bỏ lại chiều Sài gòn và nắng hoang hoả ngược tàu trở ra Hà Nội, về căn nhà nhỏ bé dưới gốc cây xà cừ rợp lá. Một tuần, sống trong những kỉ niệm khôn cùng, Du thu xđồ đạc, chuẩn bị cho hành trình dài của cuộc sống mới. Từ Hà Nội, Du ngược mãi lên Cao Bằng, ở đó có một cơ quan thường trú của tờ báo Du đang làm, chưa ai nhận đảm đương vị trí quản lý. Lần đầu tiên, sau gần 5 năm yêu một người, Du nghĩ về sự thay đổi. Trong cuộc đời một con người, thay đổi cũng là để đợi chờ. Nhưng là đợi chờ để đi đến gần nhau hơn. Mỗi ngày tới, mỗi giờ tới, Du biết là mình sẽ gần anh hơn nữa.
Du đi về phía anh, phía ánh sáng của một tình yêu không bao giờ tắt.
Blog Mdleechen
Khi tình yêu chạm tới linh hồn
Hạnh phúc là sự bình yên trong tâm hồn
*
*      *
Em yêu dấu!
Tối hôm qua, ngồi ăn cơm với hai con, anh cố tình không nhắc hôm nay là ngày giỗ của em, để xem chúng nó có nhớ đến mẹ của nó hay không?
Đọc báo bây giờ, thấy bọn trẻ được bố mẹ cưng chiều, và chúng nó dần dần hư hỏng, ăn chơi đua đòi, anh cảm thấy càng phải lo cho hai đứa con của mình hơn em ạ, nhất là em đã vĩnh viễn bỏ bố con anh ra đi chín năm trước đây sau tai nạn nghiệt ngã khi em tan sở về nhà để chuẩn bị bữa cơm chiều cho ba bố con anh như thường lệ.
Anh đã ngã gục tại phòng xác khi nhìn thấy hình hài của em tan nát hết vì những chiếc bánh xe tải container phóng nhanh vượt ẩu… Bé Na lúc đó 9 tuổi, còn cu Bin của chúng mình chỉ chưa đầy 3 tuổi, đang ngọng nghịu tập nói.
Em bỏ bố con anh ra đi trong lúc gia đình mình đang trên tột đỉnh của sự hạnh phúc và bình yên, mặc dù hai vợ chồng mình vẫn phải chắt chiu từng đồng để dinh dưỡng tốt cho hai con. Miếng thịt, miếng cá ngày đó quá đắt đỏ so với thu nhập của hai đứa mình, nhớ không em? Nhường cho con rồi, em lần nào cũng nhường tiếp cho anh: “Ông xã ăn nhiều vào để mà có sức yêu thương và lo cho vợ con…”. Nghĩ mà thương em quá mình ơi!

Bé Na tuyệt vời và là một đứa con gái yêu của chúng mình em à. Đám tang em xong, bà nội thương hai cháu côi cút nên đành lòng bán đứt mảnh đất của ông bà để lên Sài Gòn sống với bố con anh. Những ngày tháng mất em, anh không thể nào tin đó là sự thật, và anh đã rất hư hỏng, có lỗi với mẹ và hai con. Anh uống rượu suốt ngày, mất cả lý trí, và rồi cũng mất luôn việc làm… Anh đúng là một thằng đàn ông yếu đuối trong những ngày tháng đau thương này, nhưng biết làm sao khác hơn được hở em?
Một đêm, anh về nhà thật say, và la hét như một thằng khùng. Mẹ cũng chẳng thể cản anh lại được. Anh lúc đó u tối, chẳng có gì để mất cả… Rồi em biết sao không? Bé Na run sợ, ôm chặt và quỳ dưới chân anh trong nước mắt: “Bố ơi, bố không thương hai chị em con sao? Bố không thương bà nội sao? Bố ơi…”
Một thằng say, và một thằng khùng trong anh lúc đó, đã chợt tỉnh, tỉnh hẳn em ạ – như một phép mầu! Anh quỳ xuống ôm con thật chặt, hai bố con khóc thật nhiều. Lúc đó anh mới nghĩ được điều quý nhất mà anh đang còn có được là hai đứa con ngoan của anh và em…
Bây giờ, em có biết anh sợ nhất điều gì không? Anh sợ nhìn thấy con khóc lắm em à. Anh đã đối diện với Na, và anh không muốn chứng kiến con mình sẽ phải khóc nữa. Một lần nó khóc tức tưởi vì mất mẹ sau khi anh và em vừa làm sinh nhật tròn 9 tuổi cho con trước đó một tuần. Lần thứ hai, và cũng là lần cuối cùng anh hứa với em sẽ không để con chúng ta khóc nữa đâu. Lần đó, nó khóc vì van xin anh lúc anh điên điên khùng khùng vì mất em…
Rồi anh cũng đã tỉnh, và xin được việc làm. Anh bỏ nhậu luôn, tan sở làm là anh nhanh chóng về nhà với các con. Anh đi học thêm buổi tối, rồi công việc cũng được thăng tiến. Dành dụm và cuối cùng anh cũng mua được một căn nhà nhỏ, thoát khỏi cái cảnh ở nhà thuê. Mẹ và các con mừng lắm. Hôm dọn qua nhà mới, lòng anh xốn xang vì nghĩ đến em thật nhiều. Anh cố nén cảm xúc của mình, nhưng rồi cả ba bố con đều vỡ oà, trào nước mắt, và ôm chầm lấy nhau khi bé Na nói với anh: “Nhà mình đẹp quá, ước gì có mẹ bây giờ hở Bố…”
Đêm hôm đó, anh trằn trọc mãi không ngủ được… Giá mà có em với ba bố con anh trong căn nhà mới này, chắc chắn đêm hôm đó sẽ là một đêm tuyệt vời nhất cho hai vợ chồng mình, phải không em? Anh đau đớn quá, tại sao em không được hưởng những điều hạnh phúc mà em rất xứng đáng được hưởng trên cõi đời này? Em đã đi cùng anh từ trong tận cùng của cái khổ sở nhất. Em đã hy sinh cho anh và các con rất nhiều. Lúc thằng đàn ông của anh may mắn, có thể xây nhà đẹp cho vợ cho con, thì anh mãi mãi không còn có em bằng xương bằng thịt nữa
Anh vẫn tin rằng có một cõi thiên đường, và em đang sống ở nơi đó, hàng ngày em vẫn thấy bố con anh đang rất hạnh phúc. Hai đứa con mình rất ngoan và học giỏi em à. Lúc dọn nhà, bé Na “tranh cãi” với anh về vị trí trang trọng nhất để đặt những tấm hình của em. Giải pháp cuối cùng là: phòng Na cũng có, phòng Bin cũng có. Còn anh, anh đặt em trên bàn làm việc của anh. Chiếc xe đạp chín năm về trước của vợ tan nát, anh vẫn giữ nguyên, và đặt nó ở một góc phòng khách để hình bóng của em mãi luôn hiện diện trong ngôi nhà này…
Sáng nay là ngày giỗ em, anh không nhắc hai con như đã nói. Anh cố tình thức dậy thật trể để xem mọi việc như thế nào. Em biết không, 9 giờ anh thức dậy, bàn thờ của em đã ngập tràn hoa quả rồi. Anh xuống bếp, thì thấy cu Bin đang phụ chị Na nấu nướng. Anh giả vờ không biết chuyện gì, hỏi hôm nay sao các con làm gì mà trịnh trọng dữ vậy? Em biết tụi nó nói với anh gì không: “Bố có plan của bố, tụi con cũng có plan của tụi con cho ngày giỗ mẹ chứ!”.
Anh vui và hạnh phúc lắm khi nghe các con nói. Plan của anh thì mấy năm trước em cũng biết rồi, cùng các con ra thăm mộ, rồi trồng thêm một số hoa mà em thích lúc còn sống…
Vợ yêu ơi!
Có một niềm vui lớn mà anh muốn nói với em, nhưng anh cũng rất buồn: vài hôm nữa bé Na con mình đi du học rồi em à. Con mình xin được học bổng bán phần sau khi thi tuyển. Anh biết em vui lắm khi nhận tin này, nhưng em biết không, nhà có ba bố con mà thôi, mẹ cũng đã bệnh nặng rồi ra đi hai năm sau ngày em mất. Na đi học xa rồi, chỉ còn anh và cu Bin, anh không biết mình sẽ như thế nào nữa khi trong lòng anh sẽ phải chất chồng thêm một nỗi nhớ…
Nhìn con gái càng lớn càng giống mẹ, từ dáng vóc cho đến những cư xử chững chạc trước tuổi của Na, anh thương con quá, khi nó đã thay anh, thay em và thay bà nội để chăm sóc cho cu Bin từ lúc nội qua đời. Anh càng thăng tiến trong công việc thì lại phải liên tục mang nặng lịch công tác xa nhà. Mỗi lần đi xa, anh lo lắng lắm, gọi điện cho hai con suốt. Nhưng rồi lần nào về đến nhà, cũng có hai đứa con ngoan ôm chầm lấy bố, bao nhiêu mệt nhọc của anh đều tan biến. Bin khoe những điểm 10 với bố tíu tít, còn bé Na thì giục anh đi tắm để ăn cơm. Đối với anh, những bữa cơm mà Na nấu rồi ba bố con cùng ăn tuyệt lắm em à. Anh ăn mà cảm nhận giống như em vẫn đã và đang nấu cho anh ăn vậy… Na thật sự là bản sao của mẹ nó ngày nào, anh hạnh phúc lắm khi có được điều an ủi này, em có biết không?
Cu Bin của mình cũng ngoan lắm em yêu. Thấm thoát vậy mà thằng nhóc của mình cũng đã lên lớp 6 rồi. Anh cho Bin sinh hoạt ở nhà văn hoá thiếu nhi gần nhà từ lúc nó sáu tuổi, sau một lần dẫn Na và Bin đến chơi, Bin mê lắm. Tháng trước, phòng tranh thiếu nhi của chúng nó có tổ chức bán tranh gây quỹ từ thiện. Bin nhà mình bán được ba bức trong số mười bức tranh tham dự. Em có biết không, đó là ba bức tranh mà anh quý nhất, nhưng khi con hỏi ý kiến anh để tham gia chương trình này, anh đồng ý, và cũng không ngờ người mua đã đồng cảm với Bin: một tấm vẽ về ba bố con, một tấm con họa lại chân dung của em, và một tấm Bin vẽ chị Na đang làm bếp. Tuy ba bức tranh đó đã không còn là vật sở hữu ở nhà mình nữa, nhưng anh rất vui vì con mình biết sống có ích, và có một trái tim nhân hậu biết chia sẻ với những người khốn khó xung quanh. Anh tin rằng Na và Bin sẽ còn tiếp tục vẽ được những điều tốt đẹp và tuyệt vời hơn nữa trong cuộc đời của hai con, phải không em?
Cuộc sống của bố con anh hiện rất ổn định và an bình, nhưng nhiều đêm, anh thao thức mãi bởi nỗi nhớ em vẫn da diết và không thể nào nguôi ngoai được… Cái cảm giác đau nhói trong lồng ngực vẫn như ngày tang tóc đó khi anh vuốt mắt em lần cuối biệt ly vĩnh viễn vợ chồng…


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.