Đọc truyện Anh sẽ lại cưa em nhé – Chương 22
Phần 5: Cầu hôn lần nữa
Blogger SaKuRa
Cầu hôn lần nữa
Dù có đi cả cuộc đời trên cát bụi, cũng hãy tin hạnh phúc ở cuối con đường.
*
* *
Tôi gặp người con trai đó vào một ngày nắng mới trên vùng đất cao nguyên lộng gió. Thị trấn nhỏ bé của tôi không nhiều người lắm, chủ yếu là người khắp nơi đến nhưng hầu hết thì tôi không xa lạ một ai, anh ta xuất hiện với vai trò người chủ mới của mảnh đất café kế bên mảnh đất của tôi khiến tôi đặt biệt chú ý. Hôm ấy là ngày tôi lên thăm rẫy của mình sau một tuần mưa dài tầm tã, tôi nhìn một người mới lạ lẫm, một chàng trai trẻ, và anh ta đang lúi cúi quan sát vùng café bên cạnh, tôi hỏi người coi rẫy của tôi:
– Anh ta là ai thế?
– Người chủ mới đó anh, anh ta trông coi mảnh đất đó, trông anh ta không giống một người làm vườn cho lắm, nhưng cái cách anh ta chăm sóc café chứng tỏ anh ta cũng có kiến thức, và hình như anh ta đang muốn làm thay đổi mảnh đất đó của mình.
Quả là một người đáng để làm quen, và cả ngày hôm ấy tôi ở lại rẫy nói chuyện với anh ta, cậu con trai có dáng ngừời khá cao, gương mặt hơi khắc khổ, tuy không mập mạp cho lắm nhưng nhìn có phong cách, anh ta không phải là ông chủ, chỉ là lên đây chăm sóc café giúp cho ông chú của mình, ông chú đi nước ngoài và giao cho anh ta một năm, tôi hơi ngạc nhiên:
– Anh bảo anh chưa từng trồng café, vậy sao chú anh có thể tin tưởng giao cho anh chừng này hecta? Cậu con trai mỉm cười.
– Nhưng tôi biết cách làm vườn đấy, chưa chắc là thua anh đâu, hơn nữa tôi tốt nghiệp đại học nông lâm mà, mà chú tôi cũng giàu có lắm, nếu vụ này thua lỗ thì cũng không sao cả.
– Sao anh không ở thành phố tìm một công việc hay hơn, lên vùng đất nắng gió này làm gì, nơi đây không thích hợp cho một cậu công tử như anh.
– Anh bảo tôi công tử à, nhìn tôi đây này, tôi chẳng giống ai cả, trông tôi tàn tạ thế này đây, gầy xác xơ, với lại việc gì cũng có lí do của nó anh ạ!
– Ừ nhỉ, tôi quên mất, thế anh lên đây vì cái gì nào, mộng làm giàu à, tỉ phú café à. Tôi vừa nói vừa cười ranh mãnh
– Không, vì một người con gái, và vì tôi yêu cô ấy.
Và đây là câu chuyện mà anh con trai kể cho tôi nghe:
“Đó là một người con gái đẹp, cô ấy đẹp lắm, lại hiền hậu nữa. Nhưng cô ấy đã có chồng, hai người yêu nhau từ thời sinh viên, trong mắt mọi người đó là một cặp hoàn hảo. Khi ra trường, cô gái đi dạy, anh kia về làm cho công ty một người quen, giao dịch mua bán café ở thành phố, chả liên quan đến những ganh ta đã học nhưng hái được khá nhiều tiền và họ cưới nhau. Thời gian đầu là khoảng thời gian hạnh phúc của cả hai. Nhưng cái nghề giao dịch mà, nó sinh ra biết bao nhiêu thứ khác, nhậu nhẹt, tiệc tùng rồi rỗi hơi ăn chơi, trai gái, rồi cá độ. Tiền làm anh ta thay đổi con người nhanh như chớp, khi có bất kì cuộc vui nào, nhất là đá bóng, sẵn tiền là anh ta lại lao vào như thiêu như đốt, thắng thì đem tiền tung hô, thua thì anh ta chả giống ai cả, điên rồ, hằn học, suốt ngày gầm gừ, anh ta chẳng còn thiết tha gì với cô vợ của mình.Và cuộc sống của hai người bắt đầu lâm vào bế tắc, bao nhiều lần cô ấy khóc lóc, van xin, bao nhiều lần hứa hẹn, chuộc lỗi nhưng rồi anh ta vẫn thế, đam mê nghiệp ngập một cách mê muội, tình yêu của cô không thể lay chuyển được anh, cuộc sống trở nên khủng hoảng, cô gái gầy sọp đi, rồi cho đến một ngày, cô viết giấy ly hôn…”
– Khoan đã, thế còn anh, anh có liên quan gì đến họ nào. Tôi ngắt lời anh ta giữa chừng.
– Tôi ư, tôi không có mặt trong câu chuyện đó, nhưng tôi yêu cô ấy, yêu rất nhiều, và khi cô ấy quyết định ly hôn, cũng là lúc tôi muốn cầu hôn cô ấy. Cô ấy bảo tôi, cho cô ấy thời gian chia tay người chồng nghiện ngập đó, cô ấy sẽ đồng ý lấy tôi.
– Chà cũng khó hiểu đấy, sao anh lại yêu cô ta chứ? Cô ta cũng thế, sao lại nhận lời cầu hôn của anh nhanh chóng như thế nhỉ? Nhưng rồi sao nữa, sao anh không về cầu hôn cô ta đi, sao lại lên đây, trốn chạy à, hối hận rồi à?
– Không, nhưng anh nhìn tôi đây, tôi chẳng có gì cả, tôi tay trắng, làm sao tôi có thể mang hạnh phúc cho cô ấy, bù đắp cho cô ấy những ngày đau khổ đã qua. Cũng may ông chú của tôi phải đi nước ngoài một năm, giao cho tôi mảnh đất café này, coi như cho tôi những gì tôi kiếm được, một năm sau tôi sẽ về lại thành phố và mong rằng cô ấy sẽ nhận lời cầu hôn của tôi.
Quả thật nghĩ đi nghĩ lại tôi cũng chả hiểu ra cái gì cả. Nhưng rồi câu chuyện của anh ta cũng dừng lại ở đó, anh ta không nói gì thêm, mà thật ra cũng chẳng còn gì để nói, tôi cũng im lặng, nhìn vào mắt anh ta, ở đó có cái gì đó trắc trở, nuối tiếc nhưng cũng đầy hi vọng, tôi thầm nghĩ chàng trai này cũng là một kẻ mê muội không kém.
Những ngày sau đó chúng tôi nói chuyện về rẫy, về café, về mùa thu hoạch, về giá cả thị trường… rồi câu chuyện tình của anh cũng đi dần vào lãng quên, nhưng cũng có lúc tôi nhìn thấy anh cầm những lá thư mà anh bảo là của cô gái ấy gửi lên, anh đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, nhưng tôi thì không quan tâm đến việc đó lắm, tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện
Cái nắng cái gió cao nguyên đã làm con người anh ta thay đổi nhiều so với hồi mới đến. Anh trở nên vạm vỡ và rắn chắc hơn, bản lĩnh hơn, nhưng cũng trầm ngâm hơn và tôi cũng không biết trong tim anh còn người phụ nữ kia không, chỉ thấy anh hay ngồi một mình và đốt cả bao thuốc lá…
Anh ta ở đấy cũng đúng một năm, sau hai mùa thu hoạch café, rồi anh ta đến gặp tôi từ biệt về thành phố, biết trước nhưng tôi cũng ngỡ ngàng, tôi tiếc cái gì đó ở anh, có lẽ là mất đi một người bạn làm vườn hay ho, hay là tôi vẫn chưa được rõ đoạn kết câu chuyện tình của anh mà anh đã đi mất. Anh ta đến nhà tôi vào một buổi chiều muộn, lần này tôi thấy khuôn mặt anh sáng rỡ, có lẽ được về nhà hay sao mà anh phấn khích thế, tôi gửi cho anh một ít quà nhưng anh không nhận, bởi anh ta đến là để rủ tôi về nhà anh chơi. Chỉ cần một giây suy nghĩ tôi nhận lời ngay, bởi lâu nay tôi chưa có cơ hội xuống thành phố và đặt biệt là cái sự tò mò trong tôi muốn nhìn mặt cô bồ của anh ta.
Chuyến xe khách dừng lại ở bến lúc 5h chiều, sau một chuyến đi dài mệt mỏi tôi bước xuống xe mà người còn lơ lửng, anh gọi taxi và nói một địa chỉ nào đó. Ngồi yên vị trên xe, tôi hỏi anh:
– Anh bạn, chúng ta đang đi đâu đây, nhà anh à?
– Không, nhà cô ấy, tôi muốn gặp cô ấy ngay bây giờ, và tôi chắc anh cũng thế.
Tôi giật mình:
– Này này, anh liều nhỉ, lỡ cô ấy không có ở nhà, lỡ anh chồng cô ta đang đứng khoanh tay trước cửa thì sao… Anh đừng có đùa nhé, tôi không đỡ giúp anh được đâu, về nhà anh trước đi, rồi tính sau anh bạn ạ.
Anh ta cười hóm hỉnh, nháy mắt:
– Không sao đâu, chúng ta cứ đến đó, tôi sẽ bảo đảm cho anh.
Quả thật tôi thấy trong người hơi lo, có gì hay ho khi đi gặp một người phụ nữ như thế nhỉ, nhất là ở nhà vợ chồng cô ta, một anh chồng nghiện ngập, hung hăng, mình lại là một người đi theo nữa chứ. Đang nghĩ miên man vài tình huống vớ vẩn, chiếc taixi phanh lại, anh ta bước xuống trước. Dù muốn dù không thì tôi cũng phải bước xuống, chứ không lẽ ngồi lì trên xe, chui khỏi xe cũng là lúc tôi nhìn thấy người phụ nữ ấy từ trong nhà bước ra, tôi cũng ngỡ ngàng, ờ thì cũng xinh, cũng hiền, nhưng có phải là tuyệt sắc giai nhân gì đâu, có gì đâu mà anh bạn này phải chết mê chết ệt. Mắt tôi vẫn không rời cô nàng, chầm chậm từ trong nhà bước ra, khoé mắt cô bắt đầu hoe hoe, dừng lại trước anh bạn tôi cũng là lúc nước mắt cô trào ra, ôm chầm lấy anh, cô ghì chặt và khóc tức tưởi.
Tôi đứng yên một chỗ, mắt tôi lúc này không nhìn cô ta nữa mà bắt đầu nhìn xung quanh, xem còn có ai nhìn thấy cảnh này nữa không biết. Cô gái buông chàng trai ra, mỉm cười vội vã nhưng hạnh phúc, quệt nước mắt, cuối đầu chào tôi và xách vali của anh ta vào nhà.
Lúc này hình như anh ta mới nhớ ra là tôi đang ở bên cạnh thì phải:
– Vào nhà đi anh
– Này, có sao không, thế tên chồng nghiện ngập của cô ta đâu rồi, có ở nhà không đấy
– Chồng cô ấy ư? a ha là tôi đây này.
– Anh có điên không, hai người chưa kết hôn mà, mà chắc chi…
– Không, tôi là chồng cô ấy đây, là người chồng nghiện ngập cách đây một năm, và rồi cái ngày mà cô ấy quyết định li hôn, cầm tờ giấy trên tay và nhìn vào khuôn mặt đau đớn của người tôi từng yêu thương, ấp ủ suốt quãng đời sinh viên, tôi biết mình sắp mất đi thứ quý giá nhất trong cuộc đời, tôi đã gục đổ ngay dưới chân cô ấy. Tôi quyết định từ bỏ tất cả, chỉ mong giữ lại thứ cuối cùng, tôi lên cao nguyên làm vườn là để tránh xa mọi thứ, để tìm lại chính mình, tôi muốn bắt đầu lại từ đầu và bây giờ tôi về đây để CẦU HÔN cô ấy một lần nữa…
Anh sẽ lại cưa em nhé!
Đủ đầy và ngọt lành cho hôm nay,
Tự dưng lần sờ đến cái file cũ rinh rích…
Ngày nhiều nắng của lâu lâu, ngày nhiều gió của xa xa; bàng bạc…
Một lúc em ngẩn ngơ, một lát em vẩn vơ..
Chờ y
*
* *
1. Lý trí của anh bảo phải yêu em…
Nam Khánh ôm Thục Vy thật chặt trong cái gió hun hút của đợt gió mùa bổ sung, lạnh quay quắt… 5 phút, 10 phút… có lẽ là chưa đủ cho cả thời gian xa cách như thế. Với những người đang yêu, một ngày có lẽ là quá dài…Nhưng Thục Vy và Nam Khánh lại chẳng như thế, cũng có thể cái “quả bụp bụp” kia quên không đập thổn thức nhịp nhàng để gọi điện, sms, chat chit hay email 20/24. Họ có thể không biết gì về những chuỗi ngày của nhau, “nhưng vẫn” và “rồi lại” trở về ấm áp bên nhau trong những ngày gió như thế này.
Nam Khánh đang theo những dự án kiến trúc của anh, khu resort miền Trung đang thi công với biết bao bộn bề và mọi thứ mới chỉ bắt đầu với chàng kiến trúc sư trẻ. Bản thiết kế, vật liệu, tính toán cho cả list vấn đề nảy sinh… Anh gầy đi, mệt mỏi và cố nguỵ trang bằng một gương mặt khá nhất có thể, nhưng mùi nước hoa bạc hà vẫn thật quyến rũ…
Hai người hiểu nhau chưa nhiều, có chăng là qua những bản profile tự thảo đổi chéo, cả hai đều chân thật và thẳng thắn. Anh trẻ, tháo vát và năng động, biết nhìn xa và bản lĩnh… Anh đã qua thời “thanh niên sôi nổi” với những cô nàng áo váy lụa là, mắt ướt nhũng nhẽo, và cũng không tích vào ô “hàng nội” như nội tướng, nội trợ để tìm một nửa cho tương lai “ngôi nhà và những đứa trẻ”… anh cần hơn thế. Nam Khánh hài lòng với sự năng động, nhiều “ngoại” của Thục Vy: cô hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, nhân viên Pr mũi nhọn của một công ty khá lớn, ngoại ngữ vài ba thứ tiếng, “ngoại giao” rộng và tốt, “ngoại cảm” cũng không tệ… Lý trí mà nói, tất cả những điều ấy sẽ cần cho anh, khi anh sắp là một doanh nhân, đầy tiềm năng… “Bên nhau chúng mình sẽ làm được thật nhiều” là câu anh hay nói với Thục Vy, tương lai một doanh nhân trẻ với một cô nàng của – công – chúng, với anh là sự ghép đôi đầy… lý trí thay vì cảm hứng. Anh lý trí rất tốt, anh cũng đã chuẩn bị cho mình những phẩm chất, cần – phải – có của một doanh nhân trên thương trường… là phải, là phải…
Lý trí mà nói, bên nhau Nam Khánh và Thục Vy sẽ làm được rất nhiều…
2. Yêu em vì đó chính là em
Thục Vy lướt đôi bàn tay trắng nhỏ, miệt mài trên phím piano ở Little Osis. Một cốc nâu nóng gần cửa sổ có giàn tigôn hồng ấm áp leo kín, Thục Vy hít hà hương café, cho hơi nóng xông đầy lên mái tóc và gương mặt vừa đi ngoài gió về. Hơi ấm chưa đủ, đôi bàn tay cô vẫn tê tái vì cái lạnh gió mùa này, cô tìm phím dương cầm để sưởi ấm thêm… một cách dịu dàng. Hôm nay cô vẫn chơi Canon in D major. Hôm nay là một ngày gió, Thục Vy cần ấm áp, cần café một mình và cũng cần được thả hồn sau những chiến dịch Pr mệt nhoài vắt kiệt…Thục Vy sống nghệ sĩ, cô đam mê và say sưa với nghệ thuật, từ âm nhạc, hội hoạ, đến điện ảnh…Thoắt cái cô ở viện bảo tàng lúi cúi với bút giấy ghi chép, thoắt cái lại ở một show ca nhạc nào đó, lỉnh kỉnh với máy ảnh và ghi âm… Đam mê, nhiệt tình là những điều đã “nuôi” một sinh viên báo chí thành một Thục Vy như hôm nay…
– Anh thấy bản piano vừa rồi thế nào?”
– Em chơi piano trông sang lắm, em ngồi cạnh đàn màu nâu gụ sẽ tuyệt hơn đấy!”.
Thất vọng, là điều cô thường nhận được khi nói chuyện với Nam Khánh về nghệ thuật. Anh coi nghệ thuật là cái mua vui, thưởng thức trong khi Thục Vy đâu có cần một tâm hồn tinh tế cảm thụ, cô cần vài nhận xét vô tư của một kẻ ngoại đạo, để thấy cái ngô ngố đáng yêu hay thậm chí: “anh thấy hay dù chẳng hiểu gì cả…” cũng được. Mắt anh đã từng “tròn dẹt” khi thấy cô nàng của mình đung đưa, rung lắc theo những điệu latin ở bar hôm nọ, mắt nhắm nghiền, tay đánh nhịp, mái đầu mới nhuộm ánh cam với những lọn tóc chỉa đưa theo nhịp. Cô đang ở một thế giới khác. Thục Vy thuộc tuýp người “vài phút huy hoàng rồi chợt tắt…” với mối tình nghệ sĩ đắm đuối và thánh thiện, họ say nhau qua những bức ảnh, những bản nhạc hút hồn hay chỉ vì điệu bộ là lạ, cử chỉ ấn tượng.
Dắt tay dứt khoát lôi Thục Vy ra khỏi một khối không gian bùng nhùng khói thuốc, cả thuốc lá cả thuốc lào của trà đá vỉa hè gần nhà thờ lớn, lần đó anh đã phát cáu. Anh không thích cô nàng của mình ra đó con cà con kê với mấy tay nhiếp ảnh, nói lăng nhăng về vài cái triển lãm và cuộc thi ảnh…
– Chỗ của em không phải ở đó em à! Những tay đàn ông râu tóc lỉa chỉa, sặc khói thuốc, sống phớt đời… thật không ổn chút nào!
Em thích mặc đồ bụi bặm vì em thấy thoải mái! Em thích đung đưa cùng những điệu latin! Em thích tự dưng mò dậy đi chợ hoa từ lúc 3 giờ! Em thích ngồi vỉa hè buôn chuyện! Em thích ngồi cà kê chân gà nướng lòng đường với các chiến hữu…Em thích, em muốn… Thục Vy nhiều lúc đã muốn hét lên những làn điệu bất tận đó… Và để chờ một điều gì đó tựa như: “Anh yêu em vì em là chính
Những hình ảnh và những điều “em thích, em muốn” đó… trôi ào ạt qua giai điệu của bản Canon, trong sáng, thánh thiện nhưng đượm buồn. Thục Vy kết thúc với những nốt cao ngất, gần cuối dãy phím đàn…ngón tay trắng nhỏ vướng phải một mẩu giấy be bé:
– Em hãy chơi bản Serenade được không?
Thục Vy ngập ngừng, nhìn quanh, vị khách nào đang muốn nghe bài này nhỉ? Mùa đông hai năm trước, Thục Vy chơi bản này cho một người rất yêu nó. Cô chơi miên man rồi bị ngắt quãng bởi anh bồi bàn
– Xin lỗi, có người muốn gặp chị ở bàn số 27!
Thục Vy do dự, nhưng rồi cũng sửa lại sống áo măng tô dài màu vàng nâu, vuốt lại những lọn tóc vẫn bối rối vì gió, cô tiến ra bàn số 27.
3. Và rồi ta hứa sẽ quay trở lại…
– Cám ơn em đã chơi bản Serenade!
Lê Anh khác nhiều với anh năm ngoái, hai năm cao học ở Ireland làm anh chín chắn và phong trần hơn. Mái tóc vẫn vậy, “chỉn chu trong sự lộn xộn”, vẫn đôi mắt nâu dịu dàng, phong cách không thể nhầm với ai. Anh ngồi bên cốc Cappuccino như ngày xưa, vẫn máy ảnh, lens để sắp xếp cho vài phóng sự ảnh.
– Anh về lâu chưa?
Thục Vy nói hồn nhiên như chính cô vẫn vậy, đủ “xã giao” để che giấu cái rùng mình, đầu óc như chạy một slide ảnh về “ngày này năm xưa…” Cô đã thật hạnh phúc trong thế giới nghệ sĩ với anh, phiêu du và ấm nóng…
“Và ta đâu biết, tháng ngày đã trôi ta về đôi nơi, em giờ lớn hơn lúc còn đôi mươi, anh thời đã xa những ngày rong chơi…”. Chất giọng khàn của Hồ Ngọc Hà và giọng dịu nhẹ của Quang Dũng trong bài “Ngày tháng còn đó”… đã làm thật tốt chức năng là phá đi cái im lặng, bần thần, run run của cuộc gặp gỡ mùa đông…
– Đợt này anh có về công ty làm luôn không? Hay định xả hơi một chút? Mà site sắp có triển lãm Moving đó, anh biết chưa? Đợt anh lên báo mà không khoe cho anh em biết nhá, khao đi! Chị Hạnh Liên vẫn vẽ tranh đều chứ anh
Thục Vy tấn công anh bằng hàng loạt câu hỏi để lấp liếm đi trái tim đang nóng dần lên khi nhớ về anh. Cô đã lưu lại thật nhiều khoảnh khắc về anh, lúc nào cũng đẹp, cũng lãng tử và thật cuốn hút…Anh nói chuyện anh với Hạnh Liên đã hết, vì “không hợp nhau”- lí do muôn thưở cho tuyệt đại đa số. Ngày anh đi xa, Thục Vy đã khóc rất nhiều, hiểu lầm, khoảng cách, cả sự tự ái trẻ con khiến cô và Lê Anh dùng dằng trước cả búi tơ vò. Cô tự ái vì khi ấy, cách cảm nhau của hai người chỉ là: “nếu anh cưa em thì em tính sao?” và “nếu em rảnh, chúng ta là một đôi nhé!”
Nghĩ lại mà Thục Vy định cười phá lên, cho bõ những ngày ngây thơ, bập bẽ đánh vần hai chữ tình yêu, tất nhiên có bao giờ cô coi đó là một lời tỏ tình? Nhưng con tim vẫn có cái lí lẽ của nó để rung lên nhè nhẹ mỗi khi gặp anh, xem những bức ảnh anh chụp hay đọc vài bài báo của anh, dù cô vẫn tự dặn mình: “anh ở một thế giới phù hoa khác”… Những nhớ nhung, cồn cào và những giọt nước mắt cứ đến… nhẹ nhàng như cách một trái tim 20 non trẻ lần đầu biết yêu…
Cuộc nói chuyện tình cờ vui vẻ, như những người thân ở xa lâu ngày không gặp, rất đồng nghiệp và bằng hữu. Một anh chín chắn và đàn ông hơn, một cô vẫn ấm áp và tươi trẻ…Với Lê Anh, cô được là một Thục Vy một nghệ sĩ phiêu du, phóng khoáng. Được nói chuyện nghề nghiệp, chuyện đời với anh thật sự làm cô lớn hơn nhiều, anh như cây Bao Báp cổ thụ, che nắng cho bóng một cô bé ôm quyển sách dưới tán cây…
Nhưng anh có biết trái tim 20 cần gì không nhỉ? Kem? Kẹo bông? Xem phim? Hay shopping? Thích, yêu và chinh phục, bông đùa, bán dưa bở và… lãng quên… có thể đó là những điều anh đã từng và đã làm nhiều. Nhưng với Thục Vy, cái cảm giác bay bổng, thăng hoa với anh như xoá nhoà tất cả… Cách nhìn đời “chua chát” của anh, những mối tình chớp nhoáng, một cuộc sống không ràng buộc nhiều, tự do về thời gian và không gian…
Anh cười dịu dàng và đàn ông hơn ngày xưa, giọng nói cũng ấm áp và “đáng tin” hơn…
– Vy à, em rảnh không? Anh sẽ lại cưa em nhé!
– Em đã có một người…
– Vậy khi nào em không còn ai, và em muốn tìm một bờ vai, anh sẽ đến và nghe bản Serenade!
Ba tuần nay, Nam Khánh và Thục Vy giận nhau, lại những vần điệu cũ kiểu “em phải, em cần, em hãy” và “anh chỉ muốn”. Nam Khánh muốn cô luôn xinh tươi, điệu đàng, chsiêu thị với anh và ít bù khú bạn bè, ít làm liveshow karaoke “lưu diễn” khắp Hà Thành… Muốn cô từ bỏ cái ước mơ học electronic guitar hoặc bộ gõ để chuyên tâm vào cái nhạc cụ sang trọng – piano, muốn cô cất xuống đáy tủ những chiếc áo kí giả màu xanh rêu bụi bặm, balo và mũ lưỡi trai. Muốn cô ở bên anh mỗi khi anh cần, nói “nhớ anh, mong anh và yêu anh nhiều rất là nhiều” như cách các em gái vẫn hayment trên blog của người yêu…
Lê Anh đang tíu tít với triển lãm và những bộ ảnh thời sự đẹp long lanh, và chắc không quên cái hẹn với Thục Vy theo ngữ điệu “khi nào em rảnh”… Thục Vy thấy trước anh, mình ổn, trái tim mình ổn, khoẻ mạnh và đập nhịp nhàng chứ không còn lên xuống thất thường, nhiều đoạn Dj như ngày xưa nữa… Cô đã trưởng thành, tỉnh táo hơn, hay lạnh lùng hơn? Hay ít ra là không muốn bị thất vọng nhiều hơn.
Nam Khánh yêu cô vì lý trí của anh bảo thế, còn Lê Anh hứa sẽ cưa cô theo cách anh vẫn hay chia động từ ở thì tương lai. Là Nam Khánh, anh sẽ hỏi cô thật nhiều với những câu hỏi “truy bức” rằng “em có nhớ? có yêu? có buồn? vì thiếu anh không?” Mà chẳng biết chiều nay cô đã trúng cơn mưa to, tối nay rất muốn trà đá vỉa hè với một người thì người đó lại chẳng thể là anh vì “đó không phải là chỗ của em”.
Lê Anh yêu cô bằng con mắt nghệ sĩ, còn sau làn khói phiêu lãng đó, anh sẽ yêu cô bằng gì đây? Nếu không là nghệ sĩ nữa, anh có yêu cô như cách của một người anh trai nhắc nhở, chăm chút cô từng tí một, như cách của một người bạn sẻ chia, kể cả cái cảm xúc rung rinh đầu đời ngày xưa không? Như cả cách một ông bố, bảo vệ cô luôn luôn, và hơn hết là làm một người yêu như cách… tất cả những điều trên cộng lại?
Một chút ấn tượng về sự trong sáng, tươi trẻ, một chút tình nghệ sĩ có đủ cho anh yêu cô – như cách cô muốn?
4. Nếu thuộc về nhau em sẽ trở lại…
Thục Vy đăng kí theo học một khoá về nhiếp ảnh, kĩ thuật cao hơn, những dự án tình nguyện đã lên trang và thực hiện, cô hẹn hò bạn bè sau những vụ thoái thác dài kì: “mình kẹt quá”. Trở lại với những thói quen đáng yêu đi chợ hoa sớm, về cắm tỉ mỉ ở phòng khách và phòng bếp cho mẹ, dạy tiếng anh cho con bé em, tít mít cuối tuần với chiến hữu ở những liveshow và chân gà nướng, Thục Vy thấy “bình yên không ngờ”.
Một mình và sống cho riêng mình. Nếu điền từ “ích kỉ” vào những ngày tháng này để thấy thanh thản, để yêu chính mình và từng cảm xúc của mình thì cũng thật hạnh phúc.
Hai tháng nay, Thục Vy bình yên với những cảm xúc ngủ yên ngoan ngoãn và những ngày tháng sống thực sự cho cô, cho những đam mê và yêu thương.
Và nếu thuộc về nhau, Thục Vy – Nam Khánh, hay Lê Anh, cô cũng trở lại, một Thục Vy như cô muốn. Có lẽ với tình yêu không cần cái lý trí để bên nhau, cũng không vì cần một bờ vai để bên nhau…Thục Vy đã biết cách để “tim mềm” – đó là bình yên và chờ đợi… “bình yên một thoáng cho tim mềm… bình yên ta chờ nghe”…