Amrita

2


Bạn đang đọc Amrita: 2

– Dù sao vẫn phải công nhận hai chị em cô hay nhắc đền từ đó hơn người khác. 
Ryuichiro nói. 
– Lần nào cô đến chơi, hai chị em cô cũng xoắn lấy nhau rồi toàn nói những chuyện về hạnh phúc, líu lo cả buổi như mấy con chim non đấy thôi. 
– Đúng là ngôn từ của nhà văn. 
Tôi cười. 
– Này nhé, mô hình gia đình cô giờ khác gì trong phim Mỹ đâu nào? Một bà mẹ còn trẻ, một cậu em trai nhỏ, cô em họ, và…?! 
– Bạn mẹ tôi. 

– Thấy chưa? Cô có nhiều dịp để nghĩ về hạnh phúc hơn mọi người đấy chứ. Tuổi cô mà còn có em đang đi mẫu giáo, hỏi có mấy người?! 
– Nhưng quả thực, trong nhà có một đứa trẻ con như thế vui lắm, mọi người như trẻ lại, tuy đôi lúc cũng thấy hơi ồn ào. Ngoài ra, nhìn nó lớn lên từng ngày ngay trước mắt mình cũng thú vị lắm đó. 
– Nhưng sống trong một nhà toàn các bà như thế, không biết nó sẽ thành một anh chàng như thế nào nhỉ? 
– Chắc sẽ thành một chàng trai rất dễ thương. Lúc nó học cấp ba, xem nào… khi đó mình sẽ hơn ba mươi cơ à? Khiếp quá! Nhưng không sao! Mình sẽ diện giày cao gót, đeo kính mát và hò hẹn với anh chàng nào đó. Thế là khối em tuổi “teen” sẽ ghen lồng lên. 
– Chuyện đâu có dễ thế. Đấy! Sống với toàn những người suy nghĩ như vậy, thằng bé sẽ thành một anh chàng bám gấu váy mẹ mất thôi! 
– Cậu muốn nói sao thì nói, nhưng có nó vui lắm đấy. Trẻ con đúng là đáng yêu thật! Tương lai phơi phới… 
– Ừ… Đúng là với chúng, tất cả còn đang ở phía trước. Nào lễ khai giảng, nào mối tình đầu, nào tuổi dậy thì, nào tham quan dã ngoại… 
– Sao lại là tham quan dã ngoại? 
– Thấy lạ hả? Hồi còn học cấp ba, có lần tôi lên cơn sốt đúng trước ngày cả lớp đi tham quan dã ngoại nên vẫn còn tiếc đến tận bây giờ. 
– Thế… giờ sao cậu không đi dã ngoại? 
Tôi hỏi. Chả hiểu sao tôi lại buột miệng hỏi một câu như thế. Đúng hơn là tôi chỉ nói ra miệng ý nghĩ đầu tiên đột nhiên đến trong đầu. 
– Dã ngoại hả…? Cũng hay đấy nhỉ! Tôi có thể đi được đấy… bất kỳ lúc nào. 
Ryuichiro nói, vẻ khoái trá như thể lần đầu tiên học được một từ mới thú vị. 

– Vả lại, giờ không còn phải chắt bóp như trước nữa. 
– Cái kiểu vừa đi chơi lại vừa phải chắt bóp, chỉ mấy bữa là mệt hết hơi. 
Tôi miễn cưỡng phụ họa. Ryuichiro phấn khích như vừa mới nhớ ra chuyện gì đó, giọng hồ hởi nói tiếp: 
– Cô biết đấy, việc của tôi cũng hay phải đi Kyushu, Kansai hoặc chỗ này chỗ kia… Làm thêm cho chương trình truyền hìnhDu hành ký nên hay phải đi theo mấy tay biên tập chương trình hoặc quay phim. Toàn những việc nhàng nhàng, do người quen giới thiệu ấy mà. Ấy thế nhưng cũng khác hẳn với những lần lang thang vô định một mình, vì không chỉ đi không mà còn phải thu thập các tin tức liên quan, rồi thì ghi ghi chép chép. Cứ thế độ hai, ba ngày, vừa tập trung vào công việc, vừa đi như thế, tự nhiên thấy đầu óc tỉnh táo, hoạt bát hẳn ra và không muốn quay về nữa. Thậm chí, tôi còn cảm thấy lẽ ra cứ đi mãi thế này mới phải. Ở nhà cũng chẳng phải lo cho ai, tiền thuê nhà thì đến đâu cũng chuyển khoản được, hộ chiếu thì lúc nào cũng mang theo người làm giấy tùy thân nên nếu thích cũng có thể ra nước ngoài. Trong tài khoản cũng tiết kiệm được một món kha khá. Cứ thế này mà đi, đến bến cuối lại mua vé đi tiếp, và cứ đi mãi như thế… Trên đường về nhà, ngồi trong máy bay hay trên tầu Shinkasen, lần nào tôi cũng thấy thích thú với ý nghĩ ấy. Những lúc đó, tôi thực sự cảm thấy mình sẽ bắt đầu một cuộc đời mới, chính từ đây, từ giây phút này. Chỉ cần mua mấy thứ thiết yếu, quần áo thì tự giặt trong bồn tắm khách sạn, bản thảo thì gửi qua fax. Thế là đủ. À, nói vậy mới nhớ ra, không biết tôi đã từng nghe ai đó nói “Không gì bằng lang thang” nhỉ? Cứ thế, các hình ảnh tưởng tượng ngày càng chi tiết dần, từ lễ hội vùng này lại đến hội chợ vùng khác… Nghĩ đến đó, tôi lại tự trách mình, thú vị là thế sao mình không tự đi nhỉ? Chưa dứt khỏi tâm trạng đó thì đã đứng trước cửa nhà. Lại tự hỏi, liệu mình có thực sự muốn về chốn này không? 
– Có lẽ vì có Mayu? 
– Giờ đâu còn nữa. 
– Ừ nhỉ! 
Tự nhiên, đúng lúc đó, tôi có cảm giác mình đang trôi về một nơi rất xa, dự tiệc chia tay một người sẽ không bao giờ trở lại, một cảm giác rất nặng nề. Vẫn là quán bar tôi đến làm mọi ngày, nhưng một bóng tối bất an như đang lan dần ra khắp phòng, tôi cảm thấy sợ cái tâm trạng lúc xót xa, lúc sầu thảm xâm chiếm tôi khi ấy. Tôi đưa mắt nhìn về phía quầy bar để tìm một sợ giúp đỡ nào đó nhưng chủ quán và cô bạn cùng làm đang say sưa trò chuyện gì đó. Trông họ chẳng có vẻ gì muốn tham gia vào câu chuyện giữa hai chúng tôi cả. 

– Mayu đúng là kiểu người rất dã ngoại. 
Ryuichiro vẫn tiếp tục, một cách vô tư. Lần đầu tiên trong buổi tối đó, cậu ta chủ động nhắc đến Mayu. 
– “Rất dã ngoại” nghĩa là sao? Có phải đó là tính từ mà chỉ cánh nhà văn các cậu mới dùng? 
Tôi phì cười. 
– Nói ra biết là cô sẽ hỏi lại mà. Để tôi kể cô nghe. 
Ryuichiro cũng cười đáp lại. 
– Cô ấy khá lạnh với mọi thứ diễn ra xung quanh, song có điều lạ mà không ai có thể ngờ, đó chính là sự ngây thơ hồn nhiên trong con người cô ấy. Và cô ấy cuốn hút cũng chính vì điều đó… Mỗi chuyến đi quả là một điều kỳ lạ. Nói thế không có nghĩa là tôi thích thú gì với những khẩu hiệu kiểu như “Đời người là một chuyến đi”, hay “Còn sống là còn đi, còn đi là còn sống” nhưng cứ thử nghĩ mà xem, đi du lịch đâu đó cùng với ai hai, ba ngày liền, người ta tự nhiên trở nên thân thiết với nhau một cách khó lý giải, không kể gái trai. Trên chuyến xe trở về, không ai muốn chia tay, tự nhiên vui vẻ một cách bất thường, nói chuyện gì cũng thấy thú vị, hào hứng đến mức ngộ nhận, đó mới là cuộc sống đích thực. Kể cả khi đã về đến nhà rồi, đâu đó vẫn còn đọng lại cảm nhận về sự tồn tại của bạn đồng hành, đến nỗi sáng hôm sau, tỉnh dậy như trong cơn mộng du, tự hỏi “Ơ, sao lại thế này? Mấy người kia đâu nhỉ?” Rồi lại tự cảm thấy luyến tiếc, xót xa, đơn độc trong ánh bình minh. Nhưng, biết làm sao? Với người lớn chúng ta thì cái đó rồi cũng qua, những kỷ niệm đẹp đến mấy thì cũng chỉ biết cất sâu trong lòng mà sống tiếp. Phải vậy không nào? Mayu thì không thế. Một khi đã có tâm trạng ấy thì cô ấy cứ thế sống với nó, với tất cả trách nhiệm của mình, lóng ngóng không biết làm cách nào để thoát ra. Không những thế, cô ấy còn cho rằng trong tất cả những tình cảm tốt đẹp, cái cảm giác trách nhiệm đó chính là tình yêu. Tôi có cảm giác cô ấy ngộ nhận chuyện tôi không làm cố định ở đâu và tình cảm dành cho cô ấy chiếm hầu hết mối quan tâm của tôi đối với thế giới bên ngoài chính là tình yêu dành cho cô ấy. Chưa bao giờ cô ấy nói với tôi về tương lai, như chuyện kết hôn hay muốn cùng tôi thực hiện một kế hoạch nào đó. Chính điều đó làm tôi thấy sợ. Vì cảm thấy như chính mình cũng dần bị cuốn vào cái nhân sinh quan “Bất lão, bất tử” của cô ấy. 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.