Bạn đang đọc Amrita: 3
– Vì dù sao nó cũng từng là diễn viên mà. – Tôi nói. – Chính tôi cũng đã nghĩ khá nhiều về điều này, sau khi Mayu chết. Nào đạo diễn, nào trợ lý, nào bạn diễn… Cái êkíp đó lúc nào sẽ ở bên nhau trong một khoảng thời gian nhất định, tập trung vào một công việc chung nhất định bất kể sớm tối, tới mức mệt bở ra, gần gũi với nhau còn hơn cả với gia đình hay người yêu, cả về khoảng cách vật lý lẫn tình cảm trong lòng. Nhưng đó chỉ là tập hợp của một nhóm người để thực hiện một kịch bản nào đó. Nó sẽ tự giải tán ngay sau khi xong cảnh quay cuối cùng, để rồi ai nấy lại trở về với cuộc sống thường nhật. Cái duy nhất còn lại chỉ là những thước phim, lưu giữ những ngày tháng đó. Lúc duyệt phim, mỗi cảnh quay sẽ làm sống lại một ký ức sống động, nhưng không bao giờ trở lại. Chuyện đó có lẽ cũng giống như kịch bản rút gọn của cuộc đời. Những ai sống bình thường sẽ không phải trải nghiệm tất cả những cái đó. Với Mayu, có lẽ không phải nó bị nghiện rượu hay thuốc kích thích mà là nghiện cái cảm giác mãnh liệt mỗi khi hội ngộ rồi chia ly ấy.
– Vậy sao? Thế thì chị em cô đúng là dân nghiện rồi.
– Tôi thì khác chứ. – Ngạc nhiên, tôi đáp lại. – Chí ít thì tôi cũng không tin vào chuyện đó đến nỗi vứt bỏ cả cuộc sống.
– Phải rồi, phải rồi! Hai chị em cô thuộc hai típ khá khác nhau.
Ryuichiro thỏa hiệp. Nhưng tôi lại bắt đầu suy nghĩ. Liệu có đúng như thế không nhỉ? Có đúng tôi hoàn toàn không phải loại người đôi khi cũng trầm tư chấm miếng bánh quy vào chén trà nóng, vừa nhấm nháp vừa hồi tưởng lại những ngày tháng hạnh phúc đã qua. Có thực tôi không hề coi cuộc sống hiện giờ của tôi chỉ như một chuyến du lịch, với những người sống chung chỉ như những bạn đồng hành? Chính tôi cũng không biết nữa. Thậm chí tôi có cảm giác rằng nếu cố để hiểu điều này sẽ rất nguy hiểm. Tôi sợ. Sợ nếu chuyện gì cũng cố tìm hiểu đến ngọn đến ngành, tôi, cũng như bất kỳ ai khác, đều có thể sẽ lại giống như Mayu.
Hai giờ sáng, quán đóng cửa. Tôi dọn dẹp rồi rời quán. Mưa đã tạnh hẳn, trời đầy sao. Đêm se lạnh, không gian phảng phất hương xuân. Làn gió đêm mát lịm thấm qua lớp áo khoác mỏng, ôm trọn lấy tôi.
– Tớ về nhé.
Tôi chào mấy người làm cùng. Vậy là chỉ còn lại tôi với Ryuichiro. Tôi lên tiếng trước:
– Cậu về bằng taxi chứ?
– Còn cách nào khác nữa đâu!
– Vậy thì cho tôi đi cùng đến giữa đường nhé?
– Được thôi! Đằng nào cũng trên đường tôi về… Nhưng khoan đã! Có thấy cuốn sách của tôi bên đó không?
– Sao?
– Tôi tìm suốt cả ngày hôm qua nhưng không thấy. Tự dưng thấy muốn đọc cuốn đó nên hôm qua đã sang hiệu sách cạnh nhà tìm mua nhưng cũng không còn. Chắc lẫn trong đống sách của Mayu được chuyển về bên đó thôi. Gã cớm khóc, truyện của Philip K. Dick. Thực ra, không tìm thấy cũng chẳng sao. Sách bỏ túi ấy mà. Nhưng nếu có bên đó, tiện đường tôi sẽ ghé qua lấy.
– Cậu còn nhớ cốt truyện thế nào không?
Tôi ngạc nhiên hỏi lại.
Con phố đêm chỉ còn hiện lên như một vệt kẻ mờ, những chiếc taxi rẽ ra từ một khúc quanh, nối đuôi nhau chạy về phía chúng tôi như một dòng sông sao. Bóng đêm chứa đầy hơi thở phút giao mùa. Một làn hương, dịu nhẹ như một giấc mơ, lan tỏa trong không gian, tràn đầy lồng ngực sau mỗi nhịp thở.
Câu trả lời của cậu ta khác hẳn với dự đoán của tôi:
– Không! Đọc lâu quá rồi nên nó lẫn lộn với các chuyện khác của ông ấy, tôi chẳng còn nhớ tí gì nữa. Cô nhớ chứ?
– Ừm…
Tôi trả lời. Cậu ta đã kịp vẫy một chiếc taxi.
Trong nhà tối mịt nên tôi phải dắt Ryuichiro rón rén đi từng bước, leo lên cầu thang đi về phòng tôi. Tất cả sách của Mayu tôi đều đang giữ nhưng chưa có lúc nào để sắp xếp lại cả. Tất cả sách bỏ túi, tôi để ở góc đầu giường, thành bốn chồng lớn, hầu hết đều còn nguyên bìa giấy.
– Cậu đợi chút nhé. Tôi sẽ tìm thật kỹ trong đống này.
– Để tôi giúp!
– Không cần đâu. Cứ ngồi đó đi.
Tôi nói, mặt vẫn hướng về phía đống sach, lưng xoay về phía Ryuichiro.
– Bật nhạc gì đó nhé?
– Cứ tự nhiên. Đằng đó có cả đĩa lẫn băng đấy. Cậu cứ nghe gì tùy thích.
Cậu ta bắt đầu bới tìm trong đống băng đĩa, lạch xạch sau lưng tôi. Tôi bắt đầu lần giở từng cuốn một. Thực ra, tôi cũng đã đọc cuốn đó rồi nên nhớ rất rõ cốt truyện. Thú thực, nó không để lại ấn tượng gì lắm. Đại loại là cô em gái xinh đẹp của một viên cảnh sát nọ nghiện ma túy, uống phải một loại thuốc gì đó rồi gây án, và cuối cùng, chết một cách thảm thương. Giống hệt như Mayu.
Nếu không phải kìm nén (mà tôi biết không phải vậy), chắc chắn cậu ta đang rất muốn khóc. Tôi nghĩ vậy. Muốn khóc nhưng không khóc được, cậu ta đành mượn cớ tìm kiếm một cái gì đó, một cách vô thức.
Thật xót xa.
Tôi phân vân, với một cuốn sách nội dung như vâyh, hay là vờ không tìm thấy có lẽ sẽ tốt cho cậu ấy hơn chăng. Bỗng từ phía sau phát ra tiếng lạo xạo, tiếng đàn so dây, tiếng người nói, tiếng nhạc nền, tiếng chạm cốc…
– Gì thế này?
Tôi hỏi to, tay vẫn không ngừng tìm sách. Cậu ta đọc thành tiếng những dòng chữ viết trên vỏ:
– Xem nào… chỉ thấy ghi “Những nhạc khúc tuyển chọn, tháng Tư năm 88”. Chắc là thu trực tiếp đây. Tôi thích chương trình này lắm mà không đi xem được. Thích nhất là ban XXX mà chưa kịp đi xem thì họ đã giải tán mất.
Cậu ta còn nói gì đó nữa, nhưng lúc đó, tội bị cuốn đi trong một cảm xúc kỳ lạ dâng trào và không còn nghe thấy gì cả…
“Sự đồng điệu. Cũng có thể là dự cảm.”
Giữa lúc đó đoạn băng vẫn tiếp tục chạy. Và trong tôi, một câu hỏi không thành lời cứ lớn dần lên. Tại sao? Sao cậu ấy lại tìm thấy nó, trong khi đến chính tôi còn không nhớ đến sự tồn tại của nó nữa? Tôi cũng không biết liệu mình có thể diễn tả đầy đủ những lớp cảm xúc đã dẫn tôi đến quyết định cuối cùng giữa bao do dự và hàng mớ suy nghĩ ngổn ngang trong tôi hay không.
“Không được! Phải tắt ngay lúc này, trước khi quá muộn”.
“Cuốn sách đó… Lại còn cả cuộn băng duy nhất mà không hiểu sao cậu ấy lại tìm được giữa cả đống băng đó… Nếu nỗi đau lắng sâu tận đáy lòng cậu ấy vẫn còn gào thét đến vậy, có lẽ cứ để cậu ấy nghe nốt sẽ tốt hơn chăng…”
Hai ý nghĩ đó cứ đan vào nhau, khiến đầu tôi rối tung lên. Cảm giác thân thiết pha lẫn khó chịu, thậm chí là rất thân thiết và rất khó chịu, một cuốn phim tình cảm lâm ly và không hư cấu… tất cả đan xen vào nhau đến mức dồn đọng lại. Và trong cả mớ bòng bong đó, cuối cùng tôi nghiêng về phía quyết định để cậu ấy nghe – một quyết định có phần hơi lãng mạn – như một sự cương quyết pha lẫn đau xót của Đức Mẹ Maria đang dõi theo và chở che cho đoạn kết của một mối tình.
Băng chạy được một lúc, bỗng giữa những tiếng lạo xạo vang lên một giọng nói quen thuộc.
– Chị ơi, cái này bấm vào đâu để ghi âm? Thế này được chưa?
Đó chính là Mayu.
Hôm đó, tự nhiên Mayu gọi cho tôi, hỏi mượn máy ghi âm vì Ryuichiro hứa đến nhưng lại không đến được. Tôi đành phải mang đến phòng thu cho nó. Hai năm trước, Mayu vẫn còn khỏe. Chí ít thì nó vẫn còn muốn ghi âm lại những bài hát ưa thích. Và đó cũng là cuộn băng duy nhất ghi lại một đoạn ngắn giọng nói của nó. Lúc đó là ngay trước giờ diễn, Mayu đã quay sang hỏi tôi như vậy. Trong khán phòng, đèn đã tắt, ánh sáng chỉ còn tập trung lên sân khấu và mọi người đang thì thào đợi buổi biểu diễn bắt đầu.
Rồi đến tiếng của tôi.
– Được rồi! Thế được rồi! Đèn đỏ sáng rồi đúng không? Chõ có chữ REC ấy! Cứ để yên thế là được.
– Vâng, sáng rồi. Cám ơn chị!
Mayu đáp. Giọng nói thân thuộc, trong trẻo và rất dễ nghe, đọng lại chút dư âm như những gì cao sang vẫn thế.
– Nhưng chắc là băng đã quay chưa đấy chị?
– Yên tâm đi! Tốt nhất em đừng có động vào nữa.
– Chị cả lo gớm nhỉ!
Mayu vừa nhìn cuộn băng, vừa khẽ nghiêng đầu cười. Phòng tối nên khuôn mặt nó chỉ còn hiện lên là một bóng đen nhưng đó là một nụ cười tuyệt diệu nhất, được tạo ra chỉ để làm một nụ cười.
– Cái kiểu cả lo ấy là của mẹ đấy!
Tôi nói. Mayu hỏi, mắt vẫn nhìn xuống dưới:
– Gần đây… mẹ có khỏe không?
Tiếng vỗ tay nổi lên, cùng với tiếng reo hò.
– A, bắt đầu, bắt đầu rồi!
Lúc ấy, Mayu ngước nhìn lên sân khấu, nhẹ nhàng như trong một giấc mơ, với một góc nghiêng tuyệt vời hơn bất kỳ một bộ phim nào nó từng đóng. Khuôn mặt nhìn nghiêng sáng xanh lên, như vầng trăng vừa nhô ra từ trong bóng tối, tắm mình trong ánh mặt trời. Mắt nó mở to như đang dõi theo một giấc mơ, làn tóc mai nhẹ rung trong vầng sáng bạc, và chiếc tai nhỏ cong lên duyên dáng như muốn nuốt trọn từng âm thanh.
Đúng lúc đó, nhạc nổi lên. Tôi sực tỉnh và quay về với thực tại. Ryuichiro khẽ nói:
– Vẫn để tôi nghe cơ đấy!
Cậu ấy không khóc khi tôi ngoái lại nhìn. Chỉ khẽ nheo mắt và gượng cười.
– Tôi có nhớ đâu!
Lần thứ hai tôi nói dối trong buổi tối hôm đó. Rồi cảm giác căng thẳng cũng qua, thời gian lại trở về với nhịp điệu của nó. Tôi lại quay đi, tiếp tục tìm sách.
Không biết tối đó, khi chỉ còn một mình, cậu ấy có khóc được không…
Cuối cùng tôi cũng tìm được cuốn sách và rủ Ryuichiro uống trà và cả hai lặng lẽ xuống cầu thang. Nhưng vừa rón rén mở cửa bếp ra thì mẹ tôi và cô Junko đã ngồi đó và đang uống bia dưới ánh đèn bàn. Thoảng giật mình, tôi hỏi:
– Sao thế? Hai người dậy từ nãy rồi à?
– Bọn cô ngồi nói đủ thứ chuyện ở đây từ lâu rồi!
Cô Junko vừa nói vừa cười.
Cô Junko là bạn cũ của mẹ tôi, một người rất dịu dàng, nữ tính và điềm đạm, khác hẳn với mẹ tôi. Và khuôn mặt cô, sáng lên dưới ánh đèn bếp giữa đêm hôm ấy, luôn gợi cho tôi một không gian của những câu chuyện cổ tích vẫn được nghe hồi bé.
– Mẹ nghe thấy từ lúc hai đứa rón rén vào nhà cơ. Thấy đôi giày con trai, mẹ bảo cô Junko nếu hai tiếng nữa không thấy chúng nó xuống là sẽ có chuyện vui đây. Thế mà chỉ mười lăm phút đã xuống rồi. Đã vậy, tưởng ai hóa ra cậu chàng này. Rõ chán chuyện!
Mẹ tôi vừa cười vừa nói, đúng cái kiểu mọi khi của mẹ.
– Hai đứa ngồi xuống đây nào. Uống tý bia nhé.
Bốn chúng tôi ngồi quây quanh bàn và bắt đầu uống bia. Một cảm giác thật kỳ lạ. Ryuichiro nói:
– Cháu đến lấy cuốn sách ượn bữa trước. Cháu sắp đi xa mà!
– Đi xa?
Mẹ tôi hỏi. Bà biết rõ Ryuichiro cảm thấy thiếu vắng Mayu như thế nào.
– Vâng! Đi đâu cũng được, cháu chỉ muốn đi đâu đó một thời gian.
Ryuichiro (cố làm ra giọng) vui vẻ đáp lời.
– Dân viết văn có khác, cứ phải lang thang đâu đó một mình như thế mới có cảm hứng đúng không?
Cô Junko tiếp lời với một vẻ thán phục.
– Có lẽ đúng vậy.
Ryuichiro đáp.
Tôi vội cắt ngang hòng đánh lạc hướng không chỉ một chuyện.
– Thôi nào! Con thích nghe xem hai bà già bàn chuyện gì giữa đêm hôm khuya khoắt thế này hơn cơ. Sao? Có gì thế ạ?
– Đừng có chọc nữa đi cô nàng. Chúng tôi bàn toàn chuyện nghiêm túc cả đấy. Chẳng hạn như rồi đây sẽ ra sao này…
Cô Junko vừa khẽ cười vừa nói.
Cô Junko khi đó vẫn chưa giải quyết xong các thủ tục pháp lý của vụ ly hôn. Cô có một con gái còn nhỏ nhưng cô bé lại phải sống cùng chồng cô và bạn gái của ông ta. Tất nhiên là cô Junko rất muốn sống cùng con gái mình và chính vì thế mà chuyện kiện tụng vẫn chưa kết thúc. Bản thân chồng cô thì không muốn rời cô con gái, còn cô Junko thì không đủ ổn định về tài chính nên chuyện ai giành quyền nuôi cô bé vẫn lằng nhằng mãi chưa dứt. Sợ cô bị trầm cảm nếu cứ tiếp tục sống một mình trong tình cảnh như thế nên mẹ tôi đã rủ bạn tới sống cùng và đó là lý do tại sao cô Junko xuất hiện trong nhà tôi. Tất nhiên là Ryuichiro biết tất cả những chuyện đó.
– Phải rồi. Hết chuyện đó lại sang chuyện yêu đương lúc nào không hay, tỷ như giá mà kiếm được anh chàng như thế như thế… Quanh đi quẩn lại vẫn là muốn cưới được một chàng tử tế… Đúng là tầm phào! Đến tuổi này rồi mà vẫn chẳng khác hồi còn học trung học tí nào cả. Đó! Toàn những chuyện kiểu như vậy thôi!
Mẹ tôi vừa nói vừa khúc khích cười.
– Chứ còn gì nữa. Cứ tối đến mà ở với nhau là y như rằng nói chuyện đến sáng. Giờ vẫn vậy! Lại còn kháo nhau là toàn mang chuyện cũ ra nói nữa chứ.
Cô Junko nói tiếp với vẻ rất hài hước.
– À! Thế nên cả hai cô mới trẻ lâu đến vậy!
Ryuichiro nói rất chân thành, nhưng cả hai lại bảo cậu khéo nịnh và cùng cười khinh khích. Riêng tôi lại nghĩ thầm “đó mới chính là cảm nhận của một nhà văn” và thầm cảm phục Ryuichiro, trong khi mắt vẫn lặng ngắm khuôn mặt nhìn nghiêng của cậu ấy và hai người phụ nữ trung niên đang hồn nhiên cười. Hai khuôn mặt giờ được ánh đèn rọi sáng mịn màng, trông trẻ trung khắc hẳn với ngày thường và ngập tràn màu hy vọng, cứ như thể họ đã vượt thời gian bằng một cách nào đó để có mặt ở đây.
Hai người đàn bà… Căn bếp lúc nửa đêm… Những tâm sự sâu kín… Những lời thì thào… Những tiếng cười rộn rã… Phút hồi xuân với những ước mơ xa…
“Trong cái thực tại này, ta ở đâu giữa những con người này?” Tôi thầm nghĩ, “Đây là đâu nhỉ? Một câu chuyện cổ tích tuyệt vời, hay một cơn ác mộng…?”
– Cháu về ạ!
Ryuichiro nói khi ra đến cổng. Cả ba chúng tôi đều ra tiễn.
– Đi cẩn thận nhé!
– Đợi cậu đến nữa đấy!
– Giữ sức khỏe nhé!
Chúng tôi thi nhau chào, thi nhau vẫy tay. Trong đêm khuya, chiếc găng tay màu xanh của Ryuichiro giơ lên khi vẫy chào lại chúng tôi bắt sáng ánh lên như một con đom đóm. Không biết nhìn từ phía cậu ấy, chúng tôi trông có giống ba bông hoa đang lay động hay không…
Ryuichiro lên đường, sau đó một thời gian. Gọi điện chỉ thấy lời nhắn tự động từ hòm thư thoại “Tôi đang đi du lịch. Xin hãy để lại tin nhắn”. Vẫn là số điện thoại trước đây mỗi lần gọi là Mayu nhấc máy nói với nụ cười rạng ngời và giọng nói trong trẻo “A, chị Saku!”.
Bệnh viện. Thuốc. Loại có bán ngoài hiệu, loại không. Rượu. Tất cả các loại rượu của tất cả các nước mà cửa hàng nào cũng bán. Chẳng biết tự khi nào, tất cả đều chấp nhận những cái đó của Mayu, cõ lẽ vì thấy nó uống ngon lành quá. Vì thấy nó luôn uống một cách rất khéo léo và đáng yêu, bằng cái cổ mảnh dẻ và khuôn mặt khả ái, như thể đang diễn cảnh ai đó nạp năng lượng và điều đó còn hơn một lẽ thường.
Ba ngày trước, táo lại được gửi đến. Chuyến chuyển phát nhanh thứ hai. Về đến nhà, vừa mở cửa ra, tôi thấy ngay thằng em đang gặm táo. Còn bên cạnh nó là một thùng các-tông màu xanh lá cây to đùng, bên trong đầy chặt những trái táo đỏ rực nằm giữa đám bã chè khô. Không gian dìu dịu một mùi hương ngọt mát.
– Gì thế này?
Tôi hỏi.
– Gửi từ Tohoku đến đó chị.
Thằng bé đáp.
Từ tầng hai, mẹ tôi cùng cô Junko tất tả bước xuống. Cô Junko tay cầm một chiếc giỏ to, vừa cười vừa nói:
– Tìm mãi mới thấy cái giỏ này đấy. Đang định bỏ một ít vào đây rồi để trong phòng khách. Gớm, gửi gì mà lắm thế!
Mẹ tôi nói:
– Vậy là nó đến Aomori rồi đấy nhỉ!
– Aomori cơ à…
Tôi lẩm nhẩm.
Giờ này, mang theo cuốn sách buồn thảm đó, không biết Ryuichiro đang ở phương nào. Cùng với tiếng gió ngàn và làn hương biển cả, không biết rồi đây cậu ấy sẽ đến đâu và gửi gì nữa. Và lúc này, tôi có một dự cảm, rằng cứ đi mãi thế, sẽ đến một lúc nào đó cậu ấy phải viết thư, bởi ngoài ra không một thứ gì khác có thể nói hết lời. Cũng bởi cậu ấy là một nhà văn nữa. Và đối với cậu ấy lúc này, nhất là từ sau cái đêm hôm ấy, chỉ còn một địa chỉ duy nhất là tôi. Đúng, tôi cảm thấy như vậy. Tôi đang đợi tác phẩm đó.
Chuyện này giống hệt như một buổi sáng ngày Giáng sinh khi ta còn bé. Một cảm giác mong chờ trong trẻo và tươi mới vào giây phút vừa tỉnh giấc. Và tiếp đó là giây phút ta tìm thấy món quà của bố mẹ, đính những giải ruy-băng nhiều mầu sắc nơi đầu giường. Căn phòng ấm áp… Và kỳ nghỉ đông bắt đầu…
Cũng chẳng phải là chuyện gì lãng mạn. Chỉ là một sợ giải thoát. Đó sẽ là những lời vừa đủ để lấp đầy nỗi đau mất Mayu, như một lời đáp. Có lẽ những lời đó sẽ nói lên một điều gì đó, giống như con chó Victor và những quả táo trong hộp muốn nói. Chỉ duy nhất cậu ấy mới có thể diễn tả được những lời đó. Và đọc nó, tôi tin mình cũng sẽ được giải thoát. Tôi đau đáu đợi.