Amrita

1


Bạn đang đọc Amrita: 1

Amrita I Bệnh trầm uất
Tôi thuộc loại thức đêm nên thường chỉ đi ngủ vào lúc tảng sáng và nhất là không bao giờ dậy trước buổi trưa cả. Vậy nên, hôm đó có thể coi là đặc biệt ngoại lệ. Đó là ngày tôi nhận được bưu phẩm đầu tiên của Ryuichiro. 
Sáng ấy, thằng em tôi chạy huỳnh huỵch từ đâu đến, bất thình lình mở tung cửa, xộc thẳng vào phòng lay tôi dậy: 
– Chị Saku! Dậy! Có bưu phẩm đó! 
Tôi uể oải ngồi dậy hỏi: 
– Gì thế? 
– Có một thùng gửi cho chị. To đùng! 
Trông thằng bé hết sức phấn khích, như thể nếu tôi định lờ đi và ngủ tiếp thì nhất định nó sẽ leo ngay lên giường rồi nhảy tưng tưng cho kỳ đến lúc tôi phải dậy mới thôi. Biết không còn cách nào khác, tôi đành ra khỏi giường và xuống tầng dưới. Thằng bé cũng bám theo, như hình với bóng. 
Trong bếp mẹ tôi đang ngồi ăn bánh mì. Mùi cà phê thơm lựng. 
– Mẹ dậy rồi à? 
Tôi hỏi. 
– Ừ. Con sao vậy? Dậy sớm thế?! 
Mẹ tôi ngạc nhiên. 
– Cái thằng quỷ này gọi con dậy đấy chứ! Mào sao hôm nay nó không đi lớp nhỉ? 
– Em bị sốt! 
Thằng bé ngồi phịch xuống ghế, với tay lấy bánh mì, miệng lầu bầu. 
– Thảo nào, cứ rối rít cả lên. 
– Con hồi bé cũng thế đấy. Hễ thấy chộn rộn hơn thường ngày, kiểm tra là y như rằng bị sốt. 
Mẹ tôi nói. 
– Mọi người đâu cả rồi mẹ? 
– Vẫn đang ngủ mà. 
– Ồ, mới có chín rưỡi nhỉ! 

Tôi vừa nói vừa thở dài. Mãi năm giờ sáng mới đi ngủ, giờ bị đánh thức giữa chừng, đầu óc tôi vẫn còn váng vất. 
– Con uống cà phê nhé? 
– Vâng. 
Tôi ngồi xuống ghế. Ánh mặt trời rọi thẳng vào mặt qua khung cửa sổ. Từng tia nắng sớm mà lâu lắm tôi mới thấy, rọi như thấm vào người. Và cái dáng mẹ tôi từ phía sau, trong căn bếp buổi sáng sớm hôm ấy, như thu nhỏ lại, trông như một cô bé cấp ba đang giả chơi trò vợ chồng. 
Kể ra, mẹ cũng trẻ thật, mới mười chín đã sinh tôi, tức là bằng tuổi tôi bây giờ đã có hai con. Nghe mà sợ. 
– Cà phê này con! Ăn chút bánh mì nhé? 
Bàn tay cầm cốc đưa cho tôi cũng rất đẹp. Không thể tin rằng đó là bàn tay đã hai mươi mấy năm nội trợ. Tôi yêu mẹ, nhưng luôn cảm thấy có gì đó khó chịu, cảm giác như thể bà đã giấu mọi người tiểu xảo nào đó để một mình trẻ lâu đến vậy. Hồi đi học, trong lớp bao giờ cũng có một cô nàng tuy không xinh nhưng rất có duyên, khiến bọn con trai lớp trên đứng ngồi không yên. Mẹ là một trong số đó. Lấy mẹ lúc mới mười chín, bố tôi khi đó đã bốn mươi. Sau khi sinh tôi và Mayu – em gái tôi, bố tôi đột quỵ sau một cơn tai biến mạch máu não và qua đời. Sáu năm trước, mẹ tái giá rồi sinh thêm thằng em tôi nhưng cách đây một năm, mẹ lại ly hôn. Không còn giữ kết cấu chồng – vợ – con truyền thống, nhà tôi trở thành một ngôi nhà trọ. Hiện giờ trong nhà có năm người. Ngoài mẹ tôi, tôi, em trai tôi, còn có cô em họ Mikiko đang ở nhờ và cô Junko – bạn thiếu thời của mẹ tôi, chuyển đến ở cùng sau một chuyện riêng tư. 
Rõ là một nhà chẳng giống ai nhưng chúng tôi sống khá hòa thuận, và không hiểu sao tôi lại đâm ra thích cái mô hình này. Em tôi như một con chó nhỏ. Có nó, mọi người dịu dàng và thân thiện với nhau hơn. 
Rồi mẹ tôi cũng có bạn trai mới và đáng ngạc nhiên là lần này, ông ấy lại là người ít tuổi hơn, song hình như cả hai không có ý định làm đám cưới, phần vì em tôi còn nhỏ quá, phần thì có lẽ do mẹ tôi không muốn thất bại thêm lần nữa. Ông ấy vẫn thường đến chơi và có vẻ khá hợp với thằng em tôi nên chắc nay mai cũng sẽ chuyển đến sống cùng. Ít nhất là cho đến ngày hôm đó, tôi vẫn nghĩ cái mô hình gia đình kỳ lạ này sẽ tiếp tục được duy trì. 
Hình như để con người ta sống được với nhau, chuyện huyết thống xem ra cũng chẳng mấy quan trọng. Hồi bố dượng tôi còn sống cùng, tôi cũng đã nghĩ như vậy. Đó là một người tốt, hiền lành và có phần nhút nhát nên sau khi ông đi, tôi cũng hơi buồn một chút. Khi một thành viên sống cùng mái nhà bỗng nhiên ra đi vì lý do nào đó, người ta khó tránh khỏi tâm trạng nặng nề rất khó diễn tả bằng lời. Có lẽ cái được gọi là gia đình sẽ hình thành từ một nhóm người nào đó, trong đó nhân vật trung tâm có khả năng duy trì một trật tự nhất định giữa các thành viên (trong nhà tôi, người đó chính là mẹ). Tôi bắt đầu nghĩ về gia đình như thế. 
Và còn điều này nữa. 
Nếu quá lâu không sống cùng một nhà thì dù có là ruột thịt đi chăng nữa, người ta cũng sẽ chỉ còn lại ký ức về nhau, xa xăm như thể một cảnh giới nào đó trong hoài niệm… 
Như với em gái tôi, Mayu… 
Tôi cứ nghĩ lan man như thế trong lúc nhâm nhi ly cà phê với mẩu bánh mì lẫn hạt hạnh nhân. Có lẽ không gian với chiếc bàn ăn cùng ánh nắng sớm đã khiến tôi có những ý nghĩ lộn xộn đó. 
– Thôi nào! Đi nghỉ đi, không khéo lại ốm nặng hơn đấy! 
Mẹ tôi vừa nói vừa đẩy thằng em tôi vào phòng. 
– Đợi đã! Thế bưu phẩm đâu hả mẹ? 
Tôi hỏi. 
– Cạnh cửa đó. 
Mẹ tôi ngoái lại nói, trong lúc với tay đóng cửa. Tôi đứng dậy bước về phía cửa. 
Trên nền nhà bằng gỗ mộc, một chiếc thùng các-tông lớn nằm chễm chệ như một khối đá tạc. Lúc đầu tôi tưởng là hoa nhưng nhấc thử thấy nặng trịch. Trên thùng có ghi tên người gửi là Yamazaki Ryuichiro, với địa chỉ người gửi là một nhà trọ tỉnh Chiba. Vậy là cậu ấy đang đi du lịch. 

Quá tò mò xem bên trong có gì, tôi xé toạc vỏ hộp. Chẳng thấy thư từ hay giấy nhắm gì cả. Bên trong chỉ có mỗi con chó Victor (logo của hãng điện tử Victor – ND), được bọc ni-lông rất cẩn thận. Qua lớp ni-lông, trông nó vẫn thật dễ thương. Tôi bóc lớp ni-lông ra, nó hiện ra trước mắt, sinh động như một chú hải cẩu vừa từ dưới biển ngoi lên. Cái đầu nó nghếch sang một bên, tha thiết, gợi một vẻ thân thuộc đến nao lòng. 
– Trời… Dễ thương quá…! 
Tôi thốt lên rồi cứ thế đứng co ro trong bộ dạng ngái ngủ, lặng ngắm nó giữa đống bìa các-tông và ni-lông bừa bộn xung quanh. Giữa đám bụi hồng cuộn bay trong từng tia nắng sớm, nó toát lên một vẻ trong trẻo lạ lùng. 
Tôi không hiểu tại sao lại là con chó Victor, nhưng tôi cảm thấy cái rung động từ con người Ryuichiro ở nơi cậu ấy đang có mặt truyền đến. Chẳng hạn, đó là mối xúc cảm vào khoảnh khắc cậu ấy bắt gặp con chó trong một tiệm đồ cũ và chẳng thể nào rời mắt đi đâu. Rõ ràng nó đang nhắn nhủ một điều gì đó. Một điều tôi khát khao được nghe. 
Tôi nghiêm trang nhìn thẳng, đầu nghiêng về một bên theo nó, lắng tai và nheo mắt như muốn gạn hỏi một điều gì, nhưng vô ích. 
Ryuichiro là người yêu của Mayu, em gái tôi. 
Mayu đã chết. 
Nửa năm trước, chiếc xe nó lái tông thẳng vào một cột điện. Lúc ấy nó đang say rượu, lại còn uống cả vốc thuốc an thần nữa. 
Không biết thế nào mà từ khi mới chào đời, khuôn mặt của Mayu đã rất cân đối, chẳng giống bố, mẹ hay chị gái tẹo nào. Nói thế không có nghĩa là mặt mũi những người còn lại trong nhà chúng tôi trông xấu xí đến độ khó coi nhưng quả thực, Mayu chẳng có chút điểm chung nào của cả nhà mà người tử tế thì gọi là lạnh lùng còn kẻ độc mồm thì gọi là khinh khỉnh. Từ nhỏ, trông nó cứ như một thiên thần. Dung mạo ấy đã không cho nó sống một cuộc đời bình thường. Chưa hết tuổi trẻ con nó đã được phát hiện và lăng-xê thành người mẫu thiếu niên, trong sự ngỡ ngàng của mọi người xung quanh, rồi tiếp đó đóng vai phụ trong các phim truyền hình, và trở thành nữ diễn viên. Cứ thế, từ nhỏ, nó đã không sống trong nhà mà lớn lên trong gia đình riêng của nó là giới nghệ sĩ. Vì thế mà tất cả đã rất ngạc nhiên khi đang từ một người bận rộn đến mức hầu như không thể gặp được, nó bỗng mắc chứng rối loạn thần kinh rồi đột ngột bỏ nghề. Mà ngạc nhiên cũng phải, vì mãi đến lúc đó, chưa ai thấy nó gặp khó khăn trong công việc bao giờ và lúc nào nhìn nó cũng đầy sức sống. 
Những ảnh hưởng của giới nghệ sĩ đối với một thiếu nữ tuổi dậy thì thật khủng khiếp. Lúc bỏ nghề, từ đầu tóc, dáng dấp, cách trang điểm cho đến quần áo của nó trông hệt như một cô gái mắc bệnh hoang tưởng đang đóng giả một anh chàng độc thân. Tôi thì vẫn luôn nghĩ rằng em gái mình không hợp chút nào với nghề ấy. Trong giới diễn viên, nhiều người còn nghệ sĩ hơn nó mà đâu có thay đổi đến vậy. Có lẽ cái tôi trong nó đã không thể phát triển một cách tự nhiên khi nó vụng về xoay xở để chắp vá các khiếm khuyết của mình bằng những mảnh ghép sao chép theo những khuôn mẫu của kẻ khác. Và thực ra, chứng rối loạn thần kinh chính là lời cảnh báo, sự phản kháng nguyên thủy xuất phát từ bản năng của nó. Khi thấy Mayu quyết định sống với Ryuichiro sau khi đã cắt đứt hầu hết mọi mối quan hện với đám bạn trai kể từ khi thôi việc, tôi đã nghĩ là nó quyết chí làm lại mọi thứ từ đầu… 
Ryuichiro là một nhà văn, nghe nói quen biết Mayu từ hồi còn chuyên viết kịch bản thuê. Mayu rất thích những kịch bản do Ryuichiro viết, thích đến mức dù cậu ta viết thuê dưới tên ai đi nữa, nó vẫn nhận ra. Và thế là họ đã thân nhau. Tuy gọi là nhà văn nhưng cậu ta chỉ có một cuốn tiểu thuyết dài, viết cách đây ba năm, rồi sau đó chẳng thấy viết cuốn nào nữa. Song, lạ là cuốn tiểu thuyết đó lại đặc biệt hợp gu một số người và được coi là có giá trị như những cuốn tiểu thuyết kinh điển nổi tiếng, nên đến giờ vẫn được tìm mua đều đặn. Đó là một cuốn tiểu thuyết rất trừu tượng, miêu tả một thế hệ thanh niên đang tự đánh mất tâm hồn, nội dung rất nặng nề, đến nỗi sau khi Mayu đưa cho tôi đọc, tôi sợ đến mức không muốn gặp người đã viết ra nó. Thậm chí tôi còn cho rằng hắn chắc phải là một thằng điên hay đại loại thế. Nhưng đến khi gặp thì lại thấy đó là một chàng trai hết sức bình thường. Và tôi quay sang nghĩ, để viết nên những dòng như thế, chắc chắn trong con người này phải có một vốn sống vô tận, cô đọng và ngưng kết bên trong. 
Cậu ta là một dạng tài năng như vậy. 
Sau khi bỏ nghề, Mayu không làm chính ở một nơi nào mà chỉ làm bán thời gian và sống chung với Ryuichiro. Cả hai sống với nhau như thế khá lâu, đến mức cả tôi lẫn mẹ tôi đều quên mất là hai người chưa cưới hỏi gì cả. Tôi rất hay đến chơi căn hộ của Mayu và cả hai cũng hay về thăm nhà. Chẳng những thế, cả hai lúc nào cũng vui vẻ nên thú thật, tôi không thể nào hiểu nổi nó phải viện đến rượu và thuốc an thần làm gì đến nông nỗi ấy. Nếu chỉ là rượu và thuốc an thần người ta vẫn thường tìm đến khi mất ngủ, hay vài chai bia lôi từ tủ lạnh ra trong một chiều nắng đẹp thì lại đi một nhẽ. Đằng này, nghĩ lại mới thấy lúc nào con bé cũng phải dựa vào một chất kích thích nào đó. Và nó dùng mấy thứ đó quá tự nhiên, đến nỗi không ai để ý đến. 
Thực ra, đến giờ, hồi tưởng lại từng nét của nó hồi bé, từ khuôn mặt như thiên thần, hàng mi cong dài khép lại khi say ngủ, đến làn da trắng mỏng manh như có thể bị tổn thương vì bất cứ thứ gì, tôi chợt nhận ra rằng, với nó, có lẽ mọi chuyện đã bắt đầu từ rất lâu rồi, trước cả khi nó bước chân vào giới nghệ sĩ, trước cả khi nó gặp Ryuichiro. Có điều chắc chắn không ai biết được tất cả những chuyện đó đã bắt đầu từ đâu, vào lúc bào và sẽ đi về đâu. Đằng sau khuôn mặt lúc nào cũng tươi cười đó là một tâm hồn đang dần khô héo. Và mục ruỗng dần… 
– Liệu có thể do uống nhầm thuốc không?! 
Ở hành lang bệnh viện, Ryuichiro nói sau khi Mayu được chuyển đi. Lúc đó hầu như đã không còn hy vọng. 
– Ừ… Cũng có thể… 
Tôi đáp. Nhưng quả thực, cả tôi, cả Ryuichiro, cả mẹ tôi lúc đó đang ở ngay bên cạnh, không một ai nghĩ như vậy. Ai cũng rõ mọi chuyện như lòng bàn tay, chỉ không ai muốn trả lời mà thôi. 
Nó mà thế ư? Cẩn thận đến mức đi đâu cũng mang đủ loại thuốc, chia ra từng phần cho từng ngày như nó? Dù sao thì cũng phải thừa nhận những ngày đó, trông nó già sọm hẳn đi, như đốm lửa tàn đang cháy nốt trước khi tắt hẳn, tuyệt nhiên không có vẻ gì còn ham sống hay háo hức chờ đợi những ngày sắp đến. “Nó không sống nữa. Bản thân nó cũng đâu có muốn sống nữa.” 
Dù tất cả chúng tôi đều là ruột thịt, đều yêu thương nó đi chăng nữa, ý nghĩ đáng sợ đó vẫn lởn vởn quanh chiếc ghế so-pha bọc ni-lông lạnh lẽo chúng tôi đang ngồi, len lỏi vào trong mỗi người và mỗi lúc mỗi lớn dần lên, như vọng ra từ bức tường bệnh viện trắng đục, trống rỗng. 

Mãi những ngày sau đó, mắt mẹ tôi lúc nào cũng đỏ mọng. Riêng tôi không thể nào khóc được. Chỉ một lần duy nhất trong đời, tôi đã khóc vì nó. Đó là một buổi tối, hai, ba ngày sau khi tôi nhận được con chó Victor. Em trai tôi cùng cô em họ Mikiko ra hàng băng đĩa mượn về bộ phim Totoro nhà hàng xóm (một nhân vật hoạt hình yêu thích ở Nhật, kiểu như Pokemon – ND) rủ tôi xem cùng. Tất nhiên là cả hai đứa chẳng hề có ý đồ gì. Chính tôi cũng không biết phim đó như thế nào nên vui vẻ ngồi vào chiếc bàn nhỏ, bày ra nào bích-quy, nào trà, và bắt đầu xem cùng hai đứa. Mới được năm phút, tôi đã nghĩ thầm “Ôi… không…” Phim nói về hai chị em gái, và tất cả những cảnh quay trong đó đều mang tính hình tượng chung chung khiến người ta cảm thấy như chính mình đã gặp ở đâu đó rồi. Cảnh trong phim tái hiện tất cả những ký ức ấu thơ của hai chị em, với khung cảnh thiên nhiên nắng, gió chan hòa. Mặc dù lúc ấy, tôi hoàn toàn không nghĩ gì tới Mayu, không lần giở một trang nào trong những ký ức hồi nhỏ, như có lần ba mẹ con cùng đến một vùng cao nguyên, rồi hai chị em nằm trong màn, kể chuyện ma cho nhau nghe đến nỗi sợ quá mà ôm nhau ngủ thiếp, mái tóc mỏng, hoe vàng, mùi da thịt lúc nào cũng như một đứa trẻ của Mayu… nhưng bao trùm lên tôi lúc đó là một nỗi sầu nhớ xót xa, mãnh liệt như một cú đấm, giáng thẳng vào mặt tôi. Mắt mũi tôi như tối sầm lại… 
Tất nhiên, chỉ mình tôi cảm thấy thế. Em trai tôi vẫn há hốc miệng, say sưa nhìn lên màn hình. Mikiko thì hình như đang viết báo cáo gì đó, chốc chốc lại liếc sang, chêm vào một vài câu. 
– Chị Saku này! Ông Itoi Shigesato này lồng tiếng dở tệ nhỉ! 
– Ừ, nhưng có khi như thế lại hay ấy chứ! 
– Đúng vậy. Người ta gọi là hợp chất giọng đấy! 
Em tôi phụ họa theo. 
Giây phút ấy, tuy tôi cũng ở đó, cùng xem một bộ phim, cùng nói một câu chuyện, nhưng tôi có một cảm giác rất kỳ lạ, như đang dần trôi về một cõi xa xăm nào đó. Có điều, cái cảm giác đó mang một mầu sắc tươi sáng chứ không u ám, có lẽ do tôi không ở đó một mình mà đang xem phim cùng với những người thân xung quanh. Hết phim, tôi ra khỏi pḥng đi toa-lét. Cơn choáng váng lúc nãy đã hoàn toàn biến mất. Như chưa từng có gì xảy ra, tôi mở cửa toa-lét, nghĩ thầm “một bộ phim hay đấy chứ!”. Trong toa-lét khi ấy, cũng phải nói thêm, có con chó Victor. Mấy hôm trước, tôi đã quyết định để nó trong đó vì phòng tôi không còn chỗ nào dành cho nó nữa. Vừa ngồi xuống, nhìn cái đầu nghiêng nghiêng tha thiết của nó, đột nhiên, tôi lại muốn khóc. Định thần lại thì nước mắt đã trào ra tự lúc nào. Tất cả mọi chuyện sau đó chỉ diễn ra trong vòng năm phút, nhưng trong năm phút đó, tôi đã khóc đến nỗi quên hết mọi thứ xung quanh, như thể cả thế gian này đều tan thành nước mắt. Cái cảm giác hệt như khi người ta nôn thốc ra. Tôi vừa nén từng cơn nức nở, vừa khóc, không phải cho Mayu – đứa em gái những ngày cuối đời lúc nào cũng say ngất ngư, chẳng còn biết đến hỉ-nộ-ai-lạc, mặt mũi lúc nào cũng bự son phấn, mà khóc cho những ngày tháng ấu thơ dịu ngọt mà bao cặp chị em trên cõi đời này đã đánh mất. 
Thấy tôi ra khỏi toa-lét, quay lại bàn, thằng em tôi liền nói: 
– Eo ôi, lâu khiếp! 
– Thì sao?! Chết ai nào?! 
Nghe tôi trả lời, Mikiko phá lên cười. 
Vậy là cuối cùng, tôi cũng đã khóc được. Đó là lần cuối cùng tôi khóc. Phải chăng đó chính là điều mà món quà của Ryuichiro muốn nói với tôi? 
Tôi chỉ gặp Ryuichiro đúng một lần trước khi cậu ta bắt đầu những chuyến đi, vào một đêm cuối đông. Trước đó, tôi làm công việc văn phòng ột công ty, nhưng đã mất việc sau một lần cãi nhau với sếp. Sau đó tôi xin được một việc bán thời gian, năm ngày một tuần ở một quán bar mà trước đây tôi là khách ruột. Đó là một đêm dài kỳ lạ, đầy ấn tượng, như một bộ phim với nhiều trường đoạn khác nhau những vẫn cùng một cốt truyện. Lúc đó, tôi sắp muộn giờ làm nên đang cố sải bước trên con phố nhá nhem, chẳng để ý gì xung quanh. Sau cơn mưa, khu phố trước cửa ga vẫn còn loang loáng nước, ánh đèn từ những cửa hiệu xung quanh phản chiếu lung linh trên lòng đường, hắt thẳng vào mắt, đôi lúc khiến tôi loạng choạng. ở một góc phố, có mấy người luôn miệng hỏi với theo khách qua đường: 
– Hạnh phúc, theo bạn, nghĩa là gì? 
Tôi cũng bị chặn hỏi mấy lần nhưng nghe tôi buông thõng “Không biết!” Họ liền lảng ra nơi khác. Nhưng chính vì thế mà mặc dù đang rất vội, ý nghĩ về hạnh phúc cũng thoáng lướt qua đầu tôi, để lại chút dư vị của nó. Rồi giai điệu những bài hát về hạnh phúc nối tiếp nhau ngân nga trong lòng tôi. “Dù sao…” tôi nghĩ thầm, “… trong ảo vọng của mỗi người, ở một nơi nào đó không thể với tới, có một hình dung lung linh mà ai cũng thực sự thèm muốn, lớn hơn cả niềm hy vọng, mạnh hơn cả ánh sáng, có tên là Hạnh Phúc”. Trước sân ga, bất ngờ bị hỏi về hạnh phúc thì ai cũng lảng tránh, nhưng khi uống hơi say, hình dung về nó bỗng trở nên gần hơn, khiến người ta cảm thấy chỉ cần với tay ra là lấy được. “Có lẽ chính bởi thế chăng?!” Tôi nhủ thầm, lại nghĩ về Mayu. Chính nó cũng không thỏa mãn với hạnh phúc có được, sống vô vị, luôn ở hai thái cực đối lập nhau, mất hết nhuệ khí và lười nhác trước cuộc sống. ở nó chỉ còn duy nhất một thứ, một tài năng mà người ta phải tôn sùng đến mức sẵn sàng quên hết mọi lỗi lầm. 
Đó là nụ cười của nó. 
Nó có đến cả trăm kiểu cười xã giao nhưng vào một thời khắc nào đó, khi nó bất chợt nở một nụ cười hồn nhiên không ý đồ, không vụ lợi thì nụ cười đó đủ sức xóa sạch mọi khiếm khuyết của nó, lay động đến tâm can người khác. Khóe môi đó bất chợt nhếch lên, và dường như cùng lúc, đuôi mắt nó chếch xuống một cách dịu hiền, ta thấy một nụ cười dịu dàng, như trời xanh và nắng ấm chan hòa chợt hiện ra sau đám mây mù. Một nụ cười trong ngần, chói rạng, tự nhiên và mạnh mẽ, chân thành và tha thiết đến mức khiến người ta muốn khóc. Cả đến khi đã bị viêm gan nặng, sắc mặt xanh xao, da dẻ bợt bạt, cái mãnh lực trong nụ cười ấy vẫn không hề thay đổi. 
Nó đã đi, mang theo cả nụ cười ấy. Giá mà tôi nói được với nó điều đó. Thật nhiều, thật nhiều lần. Giá mà tôi không dấu kín trong lòng tất cả những cảm xúc này mà nói ra được thành lời với nó. 
Tôi đã cố đến cho kịp giờ làm, nhưng trong quán không hề có khách. Phía trong quầy, ông chủ quán cùng một cô gái cũng làm thêm ở đó đang hờ hững lần giở mấy hộp băng nhạc. Tôi luôn có cảm giác nếu không bật nhạc, cái quán này sẽ chìm vào tĩnh lặng, như một vùng đáy biển tăm tối, và bất kỳ ai lên tiếng cũng sẽ phá vỡ cái không gian trầm mặc của nó. 
– Sao lại thế này? Tối thứ sáu kia mà? 
Tôi hỏi. 
– Lúc nãy mưa mà! 
Chủ quán thủng thẳng đáp. 
Tôi cũng đeo tạp dề rồi nhập bọn với cái hội vô vị ấy. 
Hồi chưa đến làm ở đây, tôi cũng hay ghé quán này. Cái quán này, đầu tiên phải kể đến là bên trong khá tối, tạo một không gian tĩnh lặng, tối đến mức không nhìn rõ cả lòng bàn tay của chính mình. Bước vào trong lúc nào cũng có cảm giác như trời đã tối nhưng chủ quán ngoan cố không chịu bật đèn. Một cái hay nữa là quán lúc nào cũng vắng. Bàn ghế thì đủ loại, không cái nào giống cái nào và cái nào cũng cũ kỹ, tạo nên một phong cách rất riêng. Sàn gỗ hăng mùi véc-ni như lớp học của tôi hồi cấp hai, nội thất mầu nâu sẫm cũ kỹ, quầy pha rượu thì ọp à ọp ẹp, tựa nhẹ vào là kêu ken két. Tôi vừa ngồi vừa lan man so sánh về sự khác nhau đến kỳ lạ giữa những lúc quán đông khách và những lúc yên tĩnh như lúc này. 

Đúng lúc đó, cửa quán bỗng mở tung. 
– Úi chà! 
Ryuichiro nói và bước nhanh vào quán. Tất cả mọi người trong quán đều giật mình. 
– Chào quý khách! 
Qua cơn ngạc nhiên, cuối cùng tôi cũng lên tiếng. 
– Quán này sao vậy? Khách vào lại giật nảy lên thế? 
Vừa nói, Ryuichiro vừa ngồi xuống trước quầy bar. 
– Vì ai cũng nghĩ chắc tối nay không có khách nữa đấy! 
Tôi đáp. 
– Phí nhỉ! Quán rộng thế này kia mà! 
Cậu ta nói, sau khi nhìn quanh một vòng. 
– Thi thoảng cũng đông ra trò đấy. Nhưng quán này mà đông thì dở lắm. 
Tôi cười đáp. 
– Cô cứ ra ngoài bàn ngồi cũng được. Có khách đến hẵng hay. 
Chủ quán nói. Ông ta là một người khá thú vị, khoảng gần bốn mươi tuổi, luôn tỏ ra thích thú khi quán không có khách vì được nghe nhạc theo ý mình. 
Tôi bước ra khỏi quầy, tháo tạp dề để sang một bên và trở thành khách hàng bất đắc dĩ, luôn trong tư thế sẵn sàng quay lại làm nhân viên phục vụ (dù cuối cùng, đêm đó cũng chẳng có khách nào nữa). Vậy là tối hôm đó, chúng tôi bắt đầu uống với nhau như thế, vừa uống vừa nghe đi nghe lại một băng nhạc Jazz liên khúc. 
Đang tán chuyện, bỗng Ryuichiro hỏi: 
– Mà hạnh phúc là gì nhỉ?! 
Biết chỉ là một câu hỏi tình cờ giữa lúc chuyện gẫu nhưng tôi vẫn hơi giật mình. 
– Vậy ra, lúc nãy cậu cũng bị phỏng vấn ở trước cửa ga à? 
– Sao? Thế nghĩa là gì? 
– “Hạnh phúc”, có mấy khi người ta nhắc đến nó đâu. 
Tôi nói, không rời mắt khỏi cốc trà mầu nhạt dần theo mấy viên đá đang tan chảy. Thi thoảng, có những buổi tối mà tâm hồn ta trở nên dễ đồng điệu đến mức kỳ lạ với mọi thứ xung quanh. Tối hôm đó là một buổi tối như thế. Tuy đã cảm thấy hơi say một chút nhưng tôi không hề muốn thoát ra khỏi trạng thái đó. Không gian mờ tối trong quán cùng với tiếng piano rất đều nhịp, như tiếng nhịp chân từ xa vẳng lại như càng thêm thôi thúc. 
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.