Yêu Thầm Chị Họ

Chương 63


Bạn đang đọc Yêu Thầm Chị Họ – Chương 63

Chap 62
Warning: Chap có hơi hướm kinh dị. Người yếu tim, trẻ em và phụ nữ cho con bú không nên xem.
Sự tò mò thôi thúc trong đầu khiến mình thấy khó chịu kinh khủng, y chang cảm giác ngứa mà không được gãi, càng ráng chịu đựng lại càng ngứa ngáy.
Cuối cùng, sau một lúc gãi đầu gãi tai, không kìm nén được nữa, mình lết sát lại gần chị đang kho thịt.
– Chị.. – Mình gọi.
– Gì nè? – Chị vẫn chăm chú nêm nếm gia vị.
– Kể em nghe đi! – Mình cười nịnh nọt.
– Nữa, T nhiều chuyện quá à! Chị đã nói lát nữa ăn cơm xong chị kể mà! – Chị lườm sắc như dao.
– Trước sau gì cũng kể, giờ nói luôn đi cho nóng, để nguội mất hứng thú! – Mình lý sự.
– T nói đúng đó, kể nghe đi chị! – Em Uyên chọt miệng vô, coi bộ tò mò không thua gì mình.
– Bé Uyên cũng muốn nghe nữa hả? Không sợ à? – Chị ngạc nhiên.
– Sợ! Nhưng vẫn thích nghe he he.. – Em Uyên cười duyên.
Ông bà nói không sai mà. Người nào càng sợ ma bao nhiêu thì lại càng thích xem, nghe chuyện ma bấy nhiêu. Nghe để rồi sợ thêm, sợ rồi càng muốn nghe thêm, cứ thế cho đến khi thành con thỏ đế.
– Thôi, dọn cơm ăn đi, xong hết rồi nè! Ăn xong chị kể. – Chị nói.
– Ok ok, dọn lẹ!
Mình và em Uyên hăng hái gom chén đũa, nồi cơm, thức ăn lên trước. Sau đó cấp tốc chiến đấu như sợ ai tranh mất phần.
Bữa cơm trôi qua lặng lẽ và cực kỳ nhanh chóng. Phần vì ăn cơm ở quê luôn lạ miệng rất ngon, phần cũng vì bọn mình muốn sớm nghe chị kể sự tích ngôi nhà hoang sau vườn. Mình ăn 6 chén cơm, chỉ mất chừng 15 phút.
– No quá! – Mình tựa lưng vào vách ngồi bật gân thoải mái,tay vỗ vỗ vào bụng no căng.
– Em cũng ăn xong rồi. – Em Uyên buông đũa.
– Bé Uyên ăn ít vậy? Mới có một chén mà, ăn thêm đi!
– Nghe chị kể chuyện no rồi. – Em Uyên cười hì hì, mặt háo hức cứ như trẻ con lần đầu đến trường.
– Hai người thật là… làm gì thấy ớn không biết. – Chị lắc đầu ngán ngẩm.
Thấy mình và em Uyên không ăn nữa, chị cũng thôi. Ba người dọn dẹp, rửa chén lau nhà xong xuôi, mình cấp tốc lôi chị lên nhà trên.
– Chị ngồi đây nè! Kể đi! – Ấn chị lên phản, mình hí hửng kéo ghế ngồi đối diện. Nghe kể chuyện phải nhìn cử chỉ, nét mặt của người kể mới thú vị.
Em Uyên nằm võng gần đó, đưa tòng teng, cái mặt hóng chuyện không thua gì mình.
– Chị không muốn nhắc tới chuyện này chút nào! Người đã khuất không nên đem ra bàn tán đâu. – Chị đưa mắt nhìn quanh, bộ dạng lấm lét sợ sệt.
– Lúc này chị còn nói vậy chi nữa, kể đi mà! – Mình gần như đứng ngồi không yên. Chị mà không kể, chắc mình ấm ức mất ngủ luôn quá.
Em Uyên không nói gì, cặp mắt chăm chú thôi miên chị.
Có lẽ thấy tình hình này mà không kể sẽ không xong với bọn mình, chị nhỏ giọng:
– Ừ, để chị kể. Nói trước là ghê lắm đó nghen!
– Không sao. Càng ghê em càng mê! – Mình ngứa ngáy lắm rồi, gật lia lịa.
Chị lại nhìn quanh một lần nữa. Sau khi chắc chắn không có ai, cũng chẳng có chuyện gì bất thường, chị hạ giọng nhỏ như muỗi kêu, đều đều kể… Chuyện rằng cách đây độ khoảng hơn 8 năm, có đôi vợ chồng không biết là dân ở đâu, lên đây lập nghiệp. Họ mua miếng đất sau nhà chị, xây ngôi nhà tường bề thế. So với bây giờ còn thấy to, huống chi thời ấy ở quê còn rất nghèo, có thể nói ngôi nhà của họ lớn nhất nhì trong vùng.
Đôi vợ chồng còn trẻ, đều khoảng 40 tuổi. Người vợ rất đẹp,đoan trang hiền thục. Ông chồng cũng khá phong độ, lịch thiệp cởi mở với hàng xóm láng giềng nên rất được mọi người yêu mến. Duy có một điều, họ làm nghề gì để sinh sống thì không ai rõ, có hỏi cả hai cũng chỉ đáp qua loa, bảo rằng buôn bán này nọ. Chỉ thấy vợ chồng nhà ấy rất giàu, chi tiêu thoải mái, còn thường xuyên biếu hàng xóm không ít thứ đắt tiền.
Hai vợ chồng suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà, thỉnh thoảng cả tháng trời mới ra ngoài một lần. Mỗi lần đi như thế thường mất cả tuần mới về. Có ai hỏi, họ cũng chỉ trả lời đi buôn bán làm ăn. Lâu dần, chẳng ai trong xóm quan tâm đến vấn đề đó nữa.
Bẵng đi một thời gian, sau chuyến đi xa trở về, vợ chồng ấy dẫn theo một cô bé khá xinh, trạc 15 – 16 tuổi. Họ giới thiệu với mọi người, cô bé tên Hương, con của người anh ruột đã mất. Do gia cảnh khó khăn, mẹ cô bé lại vừa bỏ đi, hai người thương cháu nên mang về nuôi.
Từ ngày có thêm cô bé tên Hương về ở, căn nhà hoa lệ của đôi vợ chồng suốt ngày đóng cửa im ỉm, ít trò chuyện qua lại với mọi người như trước.Trong nhà thỉnh thoảng lại vọng ra tiếng thét điếc tai rất ghê rợn quái đản. Lúc đầu không ai chú ý, chỉ nghĩ cô bé đến tuổi dậy thì đâm ra bướng bỉnh. Nhưng về sau, khi mà tần suất những tiếng hét vang lên ngày càng nhiều, bất kể đêm ngày. Không chịu được bị làm phiền, một số người tụ tập đến nhà đôi vợ chồng hỏi cho ra lẽ.
Kết quả, hóa ra cô bé bị tâm thần nhẹ, theo vợ chồng đó nói là hội chứng rối loạn đa nhân cách, thường lên cơn lảm nhảm một mình, la hét, đập phá đồ đạc. Lúc tỉnh táo cô bé cũng rất ít khi nói chuyện, chỉ ngồi vẽ nguệch ngoạc lên giấy. Dân làng ai nghe cũng tiếc thương cho cô bé còn nhỏ, xinh xắn nhưng bạc phận. Cuối cùng đành ai về nhà nấy, thông cảm cho đôi vợ chồng tốt bụng thương cháu, cố chịu đựng.
Thế nhưng, sức người có hạn. Căn bệnh của cô bé Hương có vẻ ngày càng nặng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nhà xung quanh, nhất là nhà nào có trẻ nhỏ đều không ngủ được, phải khóc ré lên sợ hãi khi nghe những âm thanh kinh khủng thường xuyên phát ra từ ngôi nhà của đôi vợ chồng.
Sự việc đến tai chính quyền địa phương. Buổi chiều hôm ấy trời đổ mưa lất phất, rất đông người dân đi theo lãnh đạo phường xã đến làm việc với vợ chồng nhà đó. Còn chưa kịp nói gì, đã thấy vợ chồng họ hớt hãi từ trong nhà chạy ra, hỏi han có ai thấy cô bé đâu không. Lúc này mới vỡ lẽ, cô bé không biết bằng cách nào lẻn ra được khỏi nhà, chẳng những vậy còn lấy xe máy chạy đi.Càng khó tin là cô bé không hề biết đi xe máy, ngay cả xe đạp còn không biết chạy, vậy mà…
Lúc này trời cũng đã nhập nhoạng tối. Trong khi tất cả đang xôn xao bàn tán, định chia nhau ra tìm, chợt mọi người im lặng. Từ xa, bé Hương lết thết đi bộ về. Trên người là chiếc quần jean cùng cái áo thun trắng nhuộm đỏ máu trước ngực bởi một bên mặt sứt sẹo thịt, bùn đất bê bết.
Kì lạ là vẻ mặt bé Hương hoàn toàn bình thản, không chút đau đớn, cứ như mất đi cảm xúc. Cô bé đi đến đâu, mọi người tản ra đến đó, không khí sặc mùi quái dị không thể tả bằng lời. Người vợ thấy cảnh tượng đó chợt ngã ra ngất xỉu. Ông chồng một tay đỡ vợ, chân run rẩy chạy lại gần cô bé, vẻ mặt lo lắng không thể cất lên lời.
Cô bé lững thững bước đến trước mặt người chồng, đôi mắt vô thần ngước lên, buông một câu bằng chất giọng khàn khàn kỳ lạ như từ xa xôi vọng về:
– Ra ngã tư lấy xác con về..
Không gian tĩnh lặng bao trùm từ lúc cô bé xuất hiện phút chốc vỡ tan. Mọi người như chim vỡ tổ bỏ chạy tán loạn. Sự hốt hoảng càng dâng lên cao khi cô bé chợt biến mất như chưa từng ở đó. Chỉ trong vài giây ngắn ngủi, trước ngôi nhà sang trọng chỉ còn lại người chồng ngơ ngẩn ôm cô vợ trong tay. Sau đám tang cô bé độ một tháng, cũng vào một đêm mưa to, đôi vợ chồng nhà ấy biến mất, bỏ lại cơ ngơi đồ sộ. Tuy vậy, trong xóm không ai dám bén mảng đến ngôi nhà đó, chứ đừng nói là dọn vào ở. Thời gian có thể xóa nhòa mọi thứ, nhưng bộ dáng và câu nói ghê rợn của cô bé tên Hương vẫn ăn sâu trong đầu mọi người như một nỗi ám ảnh khó phai nhạt.
Thế nhưng có nhiều đứa trẻ không hiểu chuyện chẳng biết sợ là gì, bạo gan leo vào ngôi nhà bỏ hoang hái trộm trái cây hoặc chơi đùa. Tất cả đều chịu chung một kết quả, tối về đau đến quằn quại, đi bệnh viện bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân, chẳng tài nào chữa khỏi. Cuối cùng, gia đình phải đem đồ đến cúng trước cổng nhà hoang, khấn vái van xin đủ điều mới khỏi.
Từ đó không còn ai dám đến gần ngôi nhà hoang nữa. Thỉnh thoảng, vào những khi trời đổ mưa, có vài người trong xóm sợ hãi bảo vừa gặp bé Hương đi lững thững trên đường. Chẳng rõ sự thật phải như thế không, nhưng ai nghe qua cũng tin. Vì họ, đa số dân làng đã từng chứng kiến bé Hương trở về ngày ấy, trong đó có chị..
Chị kể xong rồi, không gian chìm vào tĩnh lặng. Bọn mình ngồi im thin thít theo đuổi những suy nghĩ riêng.
Ngay từ khi chị bắt đầu câu chuyện, mình đã lờ mờ đoán ra bé Hương chính là cô gái mình gặp trên đường lúc sáng. Trong lòng dâng lên cảm xúc là lạ, đó không phải sự sợ hãi, mà là cảm thấy hưng phấn. Cảm giác của một thằng xưa nay không tin vào ma quỷ, đột nhiên gặp một hồn ma chính cống khiến mình rạo rực, chỉ ước thời gian quay lại, mình sẽ trò chuyện với cô gái ấy.
Nói ra thì có vẻ mình hơi biến thái, nhưng mình tin bé Hương không phải ngẫu nhiên lại hiện ra trước mặt mình. Và mình càng không nghĩ cô bé sẽ làm điều gì đó hại mình, đâu có lí do gì. Có khi cô bé buồn quá, muốn tâm sự với mình giải tỏa stress cũng nên . Tóm lại, mình không sợ!
Mình thực sự tò mò muốn biết chuyện gì đã xảy ra trong ngôi nhà hoang. Hai vợ chồng đó làm nghề gì? Bé Hương chết như thế nào? Tại sao lại chết? Có sắp đặt hay chỉ là sự tình cờ? Bé Hương có thật bị tâm thần như nhà đó nói hay không?
Hàng lô hàng lốc những câu hỏi nảy ra trong đầu mình. Con quỷ tò mò cứ thôi thúc làm mình thấy khó chịu kinh khủng, đứng ngồi không yên. Cũng có khi tại trước giờ mình đọc nhiều truyện trinh thám quá, thành ra bị nhiễm nặng rồi.
Tiếng hô hấp nặng nề có phần dồn dập vang bên tai lôi mình về thực tại. Nhìn sang bên trái thấy em Uyên không biết tự khi nào đã ngồi sát mình, mặt ẻm tái mét vì sợ.

– Ma kìa…!!! – Len lén nháy mắt ra hiệu với chị, mình rống lớn.
– Á… Ma, ma đâu…!!!
Em Uyên la bài hãi, cắm đầu chạy ra ngoài sân, tay run run lượm cục đá tổ chảng lấm lét nhìn vô nhà, điệu bộ sẵn sàng phang bể đầu con ma nếu dám kiếm chuyện với ẻm. Mặt em Uyên xanh lè xanh lét, cắt không ra giọt máu.
– Khặc khặc.. lượm đá hù ma nữa, dữ ta!! – Mình cười sặc sụa, chảy cả nước mắt.
– T này, giỡn kì quá!! Rủi bé Uyên yếu tim xỉu thì sao? Hix… hí.. hí… – Chị nghiêm mặt nhìn mình, sau đó ráng nín mà không được, cười hinh hích.
– Giỏi lắm! Vậy cũng giỡn được.. – Em Uyên tức tối không nói nên lời.
– Ê, nãy Uyên hù T trước nhen! Nhớ lại đi! – Cười hoài mệt quá, vừa ráng nín, ẻm lại khiến mình phì cười.
– Nãy khác, giờ khác..
– Khác gì?
– Giờ đang kể chuyện ma, biết người ta sợ không, hù vậy coi được hả? – Ẻm giơ cục đá giá mình.
– Biết sợ mới hù chứ, không sợ hù chi? – Mình nhướng mắt. Không hiểu sao mỗi khi em Uyên giận dữ, mình lại thấy thích thú.
Trừng mắt nhìn mình một lúc, em Uyên vứt cục đá, đi vòng ra phía sau nhà.
– Ê, đi đâu đó? – Mình hỏi.
– Hỏi làm gì?
– Lo cho Uyên thôi, ngôi nhà hoang ở phía đó đó.
– …
Em Uyên khựng người, chần chừ rồi quay lại nói:
– Uyên định đi tắm, bụi đường dơ quá!
– Ờ, tắm đi.
– Mà… thấy hơi sợ… – Ẻm ngập ngừng.
– Rồi sao? – Mình lờ mờ đoán được ý ẻm.
– T ra giữ ma giùm Uyên đi! – Mặt em Uyên đỏ lên. – Ax… kêu chị Diễm nè cho tiện. – Mình xua tay.
– Không sao, chị cũng định ra sàn nước giặt đồ. Tụi mình ra đó luôn đi! – Chị nói.
Trời vẫn âm u, hiếm hoi lắm mới có vài tia nắng lọt xuống, sau đó tiếp tục bị mây mù che khuất.
Chị ngồi ở sàn nước giặt đồ cho dì dượng, mình ngồi kế bên. Cách đó vài mét là buồng tắm không có nóc, em Uyên tắm trong đó. Vách xây không cao cho lắm, ở ngoài nhìn vào có thể thấy được nửa cái đầu ẻm.
Ngồi buồn chán, chẳng biết làm gì, mình bày trò trêu ẻm.
– Leo cây hái ổi ăn thôi. – Mình nói lớn cho em Uyên nghe.
– Ê, cấm nhen! – Ẻm giật mình.
– Mắc gì cấm? Lãng nhách!
– Giả bộ hái ổi để nhìn lén hả? Dê xồm!
– Nói mới để ý, cũng có lý đó! Vừa hái ổi vừa nhìn luôn, một công đôi việc. – Mình vờ vỗ trán, đứng dậy dợm bước tới.
– Không giỡn à! Tin Uyên đánh T không hả? – Em Uyên la lớn, múc ca nước tạt mình.
– Xì, cho cũng không thèm nhìn! Đừng có ham! – Mình trề môi, lết lại gần chị ngồi phịch xuống.
– Sao T cứ chọc bé Uyên hoài vậy? Tội nghiệp ta! – Chị cười.
– Ngồi không chán quá, chọc cho vui! Chị hết giận em chưa? – Nhân cơ hội chị đang vui, mình hỏi dò.
– Chị có giận T hồi nào đâu mà hết!
– Hôm qua đòi bỏ đi mà nói không giận, xạo quá!
– Chị nghĩ làm vậy tốt cho cả ba người, đâu phải vì giận T..
– Không giận càng tốt! Ý em là… chị còn ý định dọn đi nữa không? – Mình hồi hộp liếm môi.
– Chưa biết nữa. Tùy theo tình hình.. – Chị hơi ngập ngừng.
– Tình hình gì nữa?
– Nhiều thứ lắm! Chị cần phải suy nghĩ rồi mới quyết định. T đừng hỏi nữa, có biết cũng không giải quyết được gì đâu! – Chị mỉm cười, lặng lẽ giặt đồ.
– Ừm. Những gì cần nói, hôm trước em đã nói hết rồi. Em mong chị nghĩ đến thời gian mình vui vẻ bên nhau. Chị chỉ cần biết em yêu chị nhiều và luôn muốn lấy chị làm vợ, đem lại hạnh phúc cho chị là được rồi! Những vấn đề khác cứ để em lo, đừng nghĩ đến! – Mình thò tay vào thau đồ, nắm nhẹ tay chị.
Chị hơi dừng lại, cúi đầu nhìn những bong bóng xà phòng nổi lên, trầm tư đắn đo khá lâu.
– T không cần phải nói gì hết. Chị hiểu mà! – Nhẹ nhàng rút tay khỏi tay mình, chị nói.
Mình không biết nói gì thêm, chị bảo vậy rồi. Lúc này em Uyên tắm xong, vừa đi ra vừa lau tóc.
– Làm gì mặt bí xị vậy? – Ẻm đá vào chân mình.
– Không được hái ổi ăn, buồn! – Mình nhát gừng.
– Giờ hái đi!
– Uyên ra rồi, hết hứng leo cây!
– Khó ưa!

Ẻm phán một câu, sau đó ngồi xuống phụ chị giặt đồ. Mình cũng thò tay vô vọc nước, vốc lên một bụm xà bông kê vào miệng thổi ra mớ bong bóng nhỏ xíu đủ màu sắc thật đẹp. Gió thổi bong bóng bay tán loạn, va vào mặt chị và em Uyên vỡ ra thành bọt nước li ti mát lạnh.
Ba người trò chuyện khá rôm rả, tiếng cười nói í ới vang vọng xung quanh. Nhưng mình biết đây chỉ là ngoài mặt thôi, trong lòng mỗi người đều có tâm sự, dự tính riêng. Thật khó để vô tư như trước kia.
Thỉnh thoảng, mình liếc sang ngôi nhà hoang phía sau vườn. Trong mắt mình, nó thật bí ẩn, tràn đầy kích thích. Trưa nay có trò chơi rồi.
Giặt đồ xong, chị và em Uyên vào phòng ngủ trưa, mình nằm trên phản chờ đợi. Được khoảng nửa tiếng, áng chừng hai người đã ngủ say, mình lồm cồm ngồi dậy, đi nhè nhẹ ra sau bếp. Với tay lấy cây đèn pin treo trên vách, lận thêm con dao thái lan vào lưng quần, mình chạy nhanh ra sau vườn, không quên cầm theo chén muối ớt đỏ au em Uyên làm lúc sáng.
Thoáng chốc, ngôi nhà hoang đã hiện ra trước mắt mình. Vẻ ngoài rêu phong đổ nát của nó đủ để dọa bất kỳ ai yếu bóng vía. Với mình thì không, càng huyền bí mình lại càng muốn khám phá.
Vạch nhẹ hàng rào kẽm gai rỉ sét chui qua, mình tót ngay lại cây xoài tứ quý, miệng nuốt nước bọt ừng ực. Gì cũng vậy, tươi mới ngon. Hoa quả cũng không ngoại lệ, trái cây vừa hái ăn phê phải biết.
Nhón chân hái một trái thật to, mình ngồi bệt luôn xuống đất, lấy dao gọt ra. Ăn đã rồi tính sau, ngôi nhà vẫn còn đó, đi đâu mà vội. Vừa nhét được miếng xoài vào miệng, chợt nghe tiếng chân đạp lên lá khô xào xạc, mình vội quay lại. Tưởng ai, em Uyên rón rén chạy ra, đứng bên hàng rào ngoắc mình.
– Làm gì bên đó vậy? – Ẻm hỏi nhỏ.
– Ăn xoài. Sao không ngủ đi, chạy ra đây làm gì?
– Dậy uống nước, thấy T mất tiêu, biết thế nào cũng ra đây mà!
– Ờ, biết rồi đó. Vô ngủ tiếp đi! – Mình phẩy tay.
– Cho Uyên ăn với!
– Qua đây.
– Thôi, sợ ma lắm!
– Vậy thôi.
Mình cắt thêm miếng xoài vàng tươi, chấm muối nhai rau ráu, miệng hít hà không thôi trước ánh mắt đau khổ của em Uyên.
– Sao qua được vậy? – Sự tham ăn đã chiến thắng. Sau khi láo liên ngó qua lại, em Uyên hỏi.
– Thấy cái lỗ không? Chui qua. – Mình đáp gọn lỏn.
– kẽm gai không à, T kéo ra giùm Uyên đi!
– Tính qua thiệt hả? Không sợ sao? – Định chọc thôi, ai dè ẻm qua thiệt. Mình hơi ngạc nhiên.
– Có T chắc không sao! Lẹ coi! – Ẻm hối.
Mình bước tới kéo mạnh hàng rào ra cho em Uyên hì hụi chui qua. Nhìn tư thế bò chồm hổm của ẻm mắc cười, nào giờ chắc chưa đi ăn trộm kiểu vầy.
– Xoài ngon quá!! – Giật trái xoài từ tay mình, em Uyên gọt ăn lia lịa, miệng khen không ngớt.
– Không sợ đau bụng hả?
– Bụng uyên tốt lắm, không sao!
– Không phải chuyện đó. Nhớ hồi nãy chị Diễm kể không? Ai qua đây quậy phá, hái trái cây tối về sẽ bị đau bụng quằn quại! – Mình làm bộ dạng sợ hãi nói.
– Đừng nhắc chuyện đó mà! Đang ăn ngon. – Em Uyên véo mình, ánh mắt thấp thỏm ngó ngôi nhà như sợ con ma bất ngờ chui ra.
Thấy cũng tội, mình cười:
– Nói vậy chứ không có gì đâu. Ăn tiếp đi!
– T hái thêm đi! – Mới đó đã chiến đấu xong trái xoài, em Uyên xúi.
– Ờ. Nhiều lắm, thoải mái!
Mình hái thêm ba bốn trái xuống. Hai đứa vừa ăn vừa hít hà vì cay, càng cay lại càng muốn ăn. Cái vị chua chua, ngọt ngọt, cay cay sao mà kích thích vị giác quá thể, ăn hoài không muốn thôi. Tới lúc mặt mình và ẻm đỏ gay lên vì quá cay mới chịu dừng lại.
– Về chưa? Uống nước, cay quá rồi! – Em Uyên thè lưỡi, tay quạt lia lịa.
– Uyên về trước đi.
– T ở đây làm gì?
– T tính vô nhà coi chút.
– Gì? Khùng hả? Vô đó chi, ghê lắm! – Em Uyên nhảy nhổm.
– Có gì mà ghê! Uyên sợ thì về trước đi, ai kêu vô đâu! – Mình nhún vai.
– Tính vô đó thiệt hả? – Sau khi nhìn ngôi nhà bằng ánh mắt tò mò lẫn sợ sệt, em Uyên lại hỏi.
– Ừ. Uyên về đi!
– Ừ, về trước nhen!!
Em Uyên rón rén chạy lại hàng rào. Mình cũng đứng lên, tay cầm đèn pin đi tới gần ngôi nhà. Đang lọ mọ tìm lối vào, chợt ai đó kéo mạnh tay mình.
– Uyên đi với.. – Em Uyên mặt tái nhợt, rù rì nói.
– Sao nói về mà? – Nói thật, ẻm cũng làm mình hết hồn suýt nữa la lên.
– Uyên thấy hơi tò mò..
– Nhát mà bày đặt nhiều chuyện! Mệt thiệt! – Mình chép miệng.
Nói thì nói vậy, tay trái mình vẫn nắm chặt tay ẻm dắt đi. Dù sao hai người vẫn có khí thế hơn.
Tiết trời lúc này vẫn rất âm u và lạnh lẽo. Mưa bắt đầu rơi nhẹ, những cơn gió như từng lưỡi dao nhỏ ùa đến cắt vào da thịt nghe tê tái. Ngôi nhà lớn và dài. Mình với em Uyên lại đi chậm, mất một lúc mới vòng ra đến trước cửa. Bốn cánh cửa xập xệ mở toang, rất nhiều mảnh kiếng màu xám tro vỡ vụn rơi vãi khắp nơi. Bức màn cửa màu xanh lam bên trong cũng rách tả tơi, có lẽ thủ phạm gây nên là mưa gió. Những cơn gió giật đủ để xé toang mọi thứ, chút đổ nát này vẫn chưa là gì.

Mình chú ý một điều, trên màn cửa có không ít dấu tay màu nâu lấm lem. Dấu tay nhỏ nhắn, mình đoán là của bé Hương in lên. Còn thứ màu nâu này, có thể là vết máu khô lâu ngày hoặc màu nước cũng nên. Tuy vậy, mình không nói với em Uyên, mất công ẻm sợ.
Mình dợm chân định đi vô trong, em Uyên đã níu tay mình thật mạnh:
– Về T ơi… ghê quá!!
– Tới đây rồi, về gì nữa.
– Tối thui thấy ớn quá! Về đi, đừng vô! – Giọng ẻm run rẩy.
– Chài! Hồi nãy kêu về không chịu, tò mò đi theo chi giờ than? – Mình làu bàu.
– Giờ hết tò mò rồi. Ai nghĩ nó ghê vầy đâu hix…
– Không sao đâu! Có T mà, đừng lo! – Đưa ẻm về làm biếng quá, mình trấn an.
Mưa ngày một to. Mây đen vần vũ khắp trời, vạn vật tối đen. Mình căng mắt ra chỉ nhìn thấy mờ mờ, trong lòng có chút hồi hộp nhưng vẫn không thể lấn át được tâm trạng kích thích kỳ lạ.
Gió to kéo theo nước mưa tạt vào làm ướt lưng. Mình khoác tay trái lên vai ẻm giữ chặt như để truyền sang chút can đảm.
– Vô nhà đi, mưa to quá! Hết mưa T đưa về.
– Ừm..
Em Uyên chậm chạp lê từng bước nặng nề vào nhà. Dìu ẻm đi, tay mình cảm nhận được từng cơn run lẩy bẩy trên người ẻm. Thấy mà thương, tò mò hại cái thân thế đấy.
Vừa bước vào trong, mùi ẩm mốc khó ngửi xộc thẳng vào mũi khiến mình thấy khó chịu. Đèn pin trên tay bật sáng, quét khắp xung quanh.
Phòng khách rộng rãi và có khá nhiều đồ vật. Ngoài tủ để tivi đầu đĩa ra, đáng kể nhất là bộ salon bằng gỗ đen mun, giá trị chắc không hề rẻ. Tiếc là lâu năm không người giữ gìn đã bị mối mọt tàn phá, mục ruỗng hư hỏng cả rồi. Có một điểm đáng lưu ý, các vật dụng bằng gỗ đều rất nặng, theo lẽ thường gió không thể xô lệch được. Chẳng hiểu sao tất cả đều xiêu vẹo nằm lung tung, không theo lề lối sắp xếp nào cả.
Mình tự hỏi rồi tự trả lời luôn. Có lẽ người dân trong xóm này hám của nên lấy về, sau đó vì sợ mới đem trả lại, đặt bừa vào đây. Ngoài cách giải thích này ra, mình không nghĩ được lí do nào hợp lí hơn.
Ánh sáng yếu ớt từ đèn pin soi lên hai khung cửa sổ. Kiếng cửa cũng bể nát như cửa cái, chỉ còn trơ lại khung sắt hoen rỉ. Vách tường loang lỗ do bị nước mưa tạt vào lâu ngày, rêu cùng dây leo mọc chen lên khắp nơi dọc theo những kẻ tường nứt nẻ.
Cũng như trên màn cửa, khắp bốn bức vách đều in khá nhiều dấu tay nhỏ nhắn màu nâu, không hiểu điều này có ý nghĩa gì. Dấu tay cao nhất chỉ ngang đầu mình, đối chiếu với chiều cao của bé Hương từng gặp trên đường, mình càng thêm tin đây là kiệt tác của cô bé.
Màu sắc của những dấu tay không đều nhau, có đậm có lợt, chắc do thời gian bị mưa gió làm phai đi ít nhiều. Đặc biệt có một số dấu tay còn khá mới, mình khẳng định điều này vì nó có màu đỏ tươi và nhìn không hề cũ kỹ như những cái khác. Phát hiện khiến mình hơi lạnh gáy, điều này đồng nghĩa với việc ngôi nhà không hẳn bỏ hoang, ngược lại còn thường xuyên có người đi về và… in dấu tay như một trò chơi trẻ con hay thông điệp gì đó, mình không thể hiểu.
Mưa rất to. Mái nhà thủng lỗ chỗ làm nước mưa rơi xuống đầu mình và em Uyên. Bọn mình phải lui sát vách tường, tìm chỗ mái nhà còn lành lặn để trú mưa.
– Á..!!!
Đột nhiên em Uyên la to, nhảy chồm tới ôm chầm lấy mình cứng ngắc, người run lên bần bật.
– Gì vậy? – Mình vỗ lưng ẻm trấn an.
– Có… có ai đó mới khều Uyên.. – Ẻm run rẩy nói.
– Làm gì có ai? Khều ở đâu? Mình cầm đèn pin rọi quanh, chẳng một bóng người. Ở đây hiện giờ chỉ có ẻm và mình thôi, đó là tính người còn sống, còn về… người chết thì thú thật mình cũng chả biết.
– Khều… ngay lưng.. chỗ cửa sổ.. – Em Uyên sợ hãi nhìn về phía cửa sổ.
– Để T coi.
Mình lia đèn pin lên cửa sổ, sau đó bật cười.
– Đừng làm Uyên sợ mà!! – Thấy mình tự dưng cười ha hả, em Uyên buông tay ra, lấm lét nhìn mình.
– Biết cái gì khều Uyên rồi. – Mình nói.
– Phải… ma không?
– Ma cỏ gì. Thấy cái cây ngay cửa sổ không? Gió thổi nó đung đưa quẹt trúng Uyên thôi, chỉ giỏi tưởng tượng!
Thấy ẻm vẫn chưa tin, mình kéo tay:
– Xích lại đây. Sao? Phải cảm giác giống lúc nãy không? -Mình cầm nhánh cây quẹt lên lưng ẻm.
– Không biết. Có lớp áo mà, sao phân biệt được. – Em Uyên ngẫm nghĩ một tí rồi lắc đầu.
– Nó đó. Không phải ma gì đâu, đừng lo! – Chẳng cần biết đúng hay sai, mình khẳng định cho ẻm an lòng.
– Ừm. Đứng ra đây đi, ngay cửa sổ ghê quá! – Em Uyên nhích ra gần giữa nhà, không quên kéo mình theo.
Gió ào ào lùa vào thật lạnh lẽo, căn nhà lại trống huơ trống hoác, cửa mở tứ bề, mái nhà thủng tùm lum. Khó khăn lắm bọn mình mới tránh được mưa, tuy nhiên người cũng bị ướt đôi chỗ.
Phòng khách không còn gì để khám phá, mình soi đèn pin ra phía sau. Dãy hành lang rộng khoảng 2m, sâu hun hút. Phải công nhận ngôi nhà rộng và dài thật, đủ để cả chục con người sinh sống. Chỉ có đôi vợ chồng và một cháu gái, xây căn nhà to thế này, hơi khó hiểu.
– Á.. T ơi…!!!
Đang nhìn nhìn ngó ngó, một lần nữa em Uyên lại la hoảng, siết chặt cổ mình muốn nín thở.
– Gì nữa vậy? – Nhẹ gỡ tay ẻm ra, mình hỏi.
– Chân ai đó… lạnh lắm.. mới đạp lên chân Uyên.. – Ẻm vẫn chưa hoàn hồn, cứ siết chặt lấy mình không buông.
– Bình tĩnh đi! Thả tay ra rồi nói.
– Uyên sợ quá!! Về T ơi.. thà ướt còn hơn.. hix.. – Vòng tay em Uyên hơi lỏng ra, nhưng vẫn ôm cổ mình.
– Chuột thôi. Chắc là chuột bò trúng chân Uyên đó mà! – Mình ôn tồn nói.
– Đùng.. đoàng..!!!
Ánh chớp nháng lên, sau đó âm thanh điếc tai rền rĩ gầm vang làm ẻm giật thót, lại ghì cứng lấy mình. Khổ thật! Nhát hích mà cứ đòi đi theo chi không biết.
Trong tích tắc cả căn nhà sáng lên, mình kịp nhìn thấy một bóng đen chạy thật nhanh nơi góc tường. Mình nhanh không kém, lia đèn pin theo.
Một con chuột cống thật to, to hơn bắp chuối của mình, lông xám rụng nham nhở. Nó bò đến sát chiếc tủ để tivi mục ruỗng, nằm đó hai mắt như hạt đậu đen láo liên nhìn mình, cứ như muốn hỏi bọn mình là ai, sao xâm phạm lãnh địa của nó?
– Chuột kìa! Hồi nãy nó bò qua chân Uyên đó. – Mình gỡ tay em Uyên, chỉ cho ẻm thấy.
– Con chuột khốn kiếp! – Ngơ ngẩn một lát, em Uyên hằn học kêu lên.
– Rầm!!
Kèm theo tiếng kêu, chiếc guốc từ tay ẻm bay vèo về phía con chuột xấu số. Tiếc là không trúng nó, mà va thẳng vào tủ làm một miếng ván bung ra, bụi bặm tung bay.
Mình lặng người chứng kiến cơn tam bành của ẻm, không biết nói gì. Thầm mừng cho con chuột, trúng phát đó nó không chết cũng phải lết cả tháng may ra mới lành.
– T.. – Em Uyên chợt gọi.
– Hả?
– Lượm guốc giùm Uyên đi! – Ẻm lí nhí.
– Có gan chọi thì phải có gan lượm!

– Uyên sợ! Vậy T đi với Uyên..
Dứt lời, không chờ mình đồng ý hay thế nào, em Uyên lôi đi cho bằng được.
Chờ ẻm mang guốc xong, mình rọi đèn đi xuống sau, lại gần dãy hành lang tối hun hút.
– Về đi T! Hoặc ở đây được rồi, chờ hết mưa mình về, đừng ra sau!! – Em Uyên líu ríu đi sát mình, miệng nỉ non.
– Nãy giờ có thấy gì đâu. Hết cây tới chuột, Uyên toàn thần hồn nát thần tính! – Mình chép miệng, chân vẫn đều đều đi tới.
Đuối lý, với lại cũng biết không nói được mình, em Uyên lặng lẽ theo sau.
– Cộp.. cộp… Ẻm đi chậm rãi nhưng âm thanh từ đôi guốc gõ lên nền gạch thật không nhỏ. Ngoài tiếng mưa, chỉ còn nghe tiếng guốc và hơi thở nặng nhọc dồn dập của em Uyên vang bên tai mình.
Tổng cộng có ba gian phòng nằm liền kề. Mình dừng chân ở phòng đầu tiên, hít một hơi thật sâu, xoay nhẹ tay nắm cửa.
– Kétt…!!
Bên trong tối om, mình cầm đèn pin bước vào.
Căn phòng khá rộng, bài trí đơn giản nhưng nói lên phần nào chủ nhân cũng có mắt mỹ thuật. Ngoại trừ chiếc giường to đủ cho ba bốn người nằm, drap trắng đã chuyển sang màu cháo lòng, chỉ còn lại một tủ đựng quần áo. Trên tường treo vài bức tranh phong cảnh đã ố vàng rách nát, đèn ngủ cũng bể tan tành tự khi nào.
Mình đoán đây là phòng của vợ chồng đó.
Tất cả mọi thứ nằm bên ngoài đều bị thời gian và mưa gió tàn phá, nhưng nếu được cất trong tủ thì lại khác. Mình tò mò mở cửa tủ ra.
Trống trơn. Trừ một đống móc quần áo, ngoài ra chẳng còn thứ gì. À, quên nói đến vài con chuột trong tủ đâm đầu chạy ra làm em Uyên sợ hãi la oai oái.
Mình đóng cửa tủ lại như cũ, đi ra ngoài.
– T tìm gì vậy? Được chưa?
– Coi có gì hay ho không, chứ đâu biết tìm gì. – Mình nhún vai.
– Rảnh quá! Về chưa?
– Chưa tạnh mưa mà!
– Chưa tạnh cũng về, ở đây có gì đó ghê ghê, Uyên sợ.. – Ẻm chợt hạ giọng thì thào.
– Gì đó là cái gì mới được? – Mình hỏi lại.
– Không biết. Cảm giác giống như có người nào đó đang nhìn Uyên.. hix.. nổi hết gai ốc lên nãy giờ rồi nè..
Em Uyên nắm tay mình sờ lên tay ẻm. Đúng là nổi gai ốc thật, chạm vào nghe sần tay luôn. Mình vừa thương vừa buồn cười.
– Chờ T vô hai phòng còn lại coi cái rồi về! – Mình nói.
– Nhanh nhen!!
– Ừ, đi liền nè!
Không chờ ẻm hối thúc thêm, mình mở cửa phòng thứ hai. Bên trong cũng chẳng có gì, giường cũng không nốt. Căn phòng này chắc để dành khi nhà có khách ngủ lại, lúc thường không dùng tới.
– Không có gì hết. Đi ra! Qua phòng kia lẹ rồi về! – Em Uyên tò tò đi theo kêu.
– Ờ.
Đứng trước căn phòng cuối cùng, mình tần ngần khá lâu. Chẳng biết sao mình cứ có linh cảm, trong phòng này sẽ có thứ gì đó. Bất giác tim đập nhanh hơn, môi khô khốc.
– Nhanh đi! – Em Uyên giục.
– Từ từ. Nếu không nhầm thì phòng này của bé Hương. – Mình nói nhỏ.
– T nói chi vậy? Về, không vô nữa! – Em Uyên bước lui lại, rùng mình mấy lượt.
– Nói cho Uyên chuẩn bị tinh thần để chạy he he.. – Mình pha trò cho không khí bớt căng thẳng.
Tự dưng thần kinh mình căng như dây đàn, khó hiểu thật.
– Két..!!!
Chậm rãi hé cửa ra, ánh sáng mờ ảo từ đèn pin trên tay mình soi quanh phòng. Không như tưởng tượng của mình, căn phòng này cũng bình thường như hai phòng trước. Chỉ khác là có thêm một tủ nhỏ nhiều ngăn kéo.
– Đi vô! – Mình nói.
– T vô đi! Uyên đứng đây được rồi. – Em Uyên đứng ngay ngạch cửa, lắc đầu quầy quậy.
– Vậy chờ T chút!
Mình nhanh chóng đi vào. Chỉ ngó sơ đã thu hết mọi thứ vào tầm mắt, nếu có gì đó cần phải xem xét thì chỉ có cái tủ nhỏ thôi.
Tủ gồm bốn ngăn, cũng khá mục nát rồi, mặt trên phủ một lớp bụi dày cộm.
Mình nhanh tay kéo mấy ngăn tủ ra, đèn pin ngậm trong miệng soi, hai tay lục lạo.
Thần xui quỷ khiến thế nào, ngay lúc này cây đèn chợt hết pin. Từ lúc vào đến giờ, ánh đèn yếu đi hẳn nhưng mình tính toán cũng còn xài được, dè đâu..
Ánh đèn phụt tắt, chung quanh bỗng chốc tối đen như mực. Bình thường mình còn thấy mờ mờ, nãy giờ quen với ánh đèn rồi, nên nhất thời mắt chưa điều tiết kịp.
– Gì vậy T? – Em Uyên hốt hoảng hỏi.
– Hết pin. – Mình đáp, tay không ngừng sục sạo ngăn tủ cuối cùng.
– Lẹ đi! Uyên sợ quá!! – Em Uyên kêu lớn.
– Ra liền!! Mình gấp rút mò mẫm lung tung, tay bỗng chạm được vào thứ gì đó. Hình như là hai cuốn sổ bìa cứng chồng.
– Đùng… đoàng..!!!
Tiếng sét thật lớn vang lên làm rung chuyển không gian. Dưới ánh chớp, mình nhìn ra vật đang cầm trong tay là một cuốn sổ bìa đen khá dày. Bên dưới nó là khung ảnh lộng hình một ông lão đầu tóc bạc trắng, hàm răng đen thui cười nhe ra, cặp mắt trợn lên trắng dã nhìn mình trừng trừng.
Dưới ánh sáng nhập nhoạng, khung ảnh thật kinh dị, khiến mình giật thót suýt buông tay đánh rơi.
– Á… Ma… ma T ơi…!!!
Bất thần em Uyên gào to đầy kinh hãi. Sau đó tiếng guốc lộc cộc vang lên dồn dập rồi xa dần..
Dưới ánh chớp lập lòe, mình nhìn ra ngạch cửa nơi khi nãy ẻm đứng.
Không còn ai.
Cầm chặt quyển sổ và khung ảnh, mình phóng nhanh ra ngoài, mò mẫm trong bóng tối dày đặc, kêu thật to:
– Uyên! Uyên đâu rồi? Lên tiếng đi!!!
END CHAP 62


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.