Bạn đang đọc Vùng Đất Vô Hình: Chương 24: Lễ Vu Lan
Sau khi về đến nhà trọ, Minh Dũng và Minh Khánh bàn nhau chuẩn bị cho ngày rằm tháng bảy. Rằm tháng bảy hàng năm là ngày xá tội vong nhân, dân gian gọi một cách nôm na là ngày cúng cô hồn. Đây cũng còn là ngày báo hiếu mà người trong Phật môn gọi là ngày lễ Vu Lan.
Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt Phật nhìn khắp trời đất để tìm. Ông phát hiện mẹ vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở. Thế là ông đã xuống tận cõi quỷ dâng cơm mời mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.
Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: “Dù ông thần thông mạnh đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”.
Cuối cùng mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Ngày lễ Vu Lan ra đời từ đó.
Đối với thầy trừ tà, ngày rằm tháng bảy bao giờ cũng là ngày bận rộn và nguy hiểm nhất trong năm. Đó là ngày mà các loại quỷ đến gần với người bình thường nhất. Những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng bái thường đi khắp nơi để tìm kiếm thức ăn. Đó là những ngày mà loài Ngạ quỷ hay Ma đói thường từ âm ty quay về trần thế.
Những kẻ thường tiếp xúc với cõi âm như thầy trừ tà sẽ là mục tiêu đầu tiên của chúng. Nếu như không đủ thức ăn, có thể chúng sẽ mời bạn làm người đồng hành. Nghĩa là bạn sẽ chết và cũng hóa thành Ngạ quỷ. Bù lại, đây là những ngày mà thầy trừ tà có thể kiếm được số công đức gấp mười gấp trăm những ngày khác trong năm.
Minh Long cũng đã quay về. Ba anh em bắt đầu chia nhau đi mua và sắm sửa đồ cúng. Gạo, muối, tiền vàng, ngô khoai, bỏng gạo, kẹo đường chất đầy trong phòng. Nhưng mới đến ngày mười ba thì ba người đã phải họp nhau lại để đối phó với con ma đói ở nhà.
Chuyện là hôm nay Minh Dũng đi gặp ông chủ nhà trọ mới biết mấy ngày gần đây tiền ăn ở của ba anh em tăng chóng mặt. Ông chủ nói dạo này trong có người gọi rất nhiều thịt cá ăn bữa phụ. Minh Dũng kinh ngạc lắm. Gần đây ba anh em chạy cuống chạy quít mua đồ cúng, các tài liệu làm bùa chú mệt gần chết, làm gì có ai thừa thời gian gọi đồ ăn bữa phụ.
Chủ quán cho Minh Dũng xem danh sách: “Cá nướng, thịt rán, cá kho, thịt bò xào” toàn là món ngon, hơn nữa vào những thời gian cả ba anh em đi vắng. Không lẽ nhà có trộm?
Chợt Minh Dũng nhớ ra một chuyện. Đó là bữa cơm cách đây ba hôm lúc Minh Long chưa trở về. Bữa cơm tối cũng không phải quá đạm bạc có rau có thịt. Một bát canh bí nấu thịt, một đĩa rau muống xào tỏi, một đĩa cà pháo, một đĩa đậu phụ luộc, một rổ rau sống và một bát mắm tép. Với nhiều gia đình nông dân, đây là cả một bữa tiệc.
Minh Dũng và Minh Khánh ăn rất ngon. Nhưng có kẻ mất hứng, đó là Mun. Nó không ăn cơm mà chỉ nói một câu : “Tưởng chỉ có bò mới là loài ăn cỏ.” Rồi nhảy khỏi ghế, leo lên ổ đi ngủ. Minh Khánh sửng sốt vì không hiểu chuyện gì xảy ra. Còn Minh Dũng, lúc này gã giận đến tím mặt. Nghĩ tới đây Minh Dũng biết kẻ trộm trong nhà là ai rồi. Thế là buổi tối Minh Dũng quyết định họp.
Tối hôm đó, ba người vây quanh lấy Mun luận tội. Minh Dũng nói: “Tham ô công quỹ để thỏa mãn dục vọng bản thân, phạt tù mười năm.”
Minh Long nói: “Lừa trên gạt dưới, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, phạt tù tám năm.”
Minh Khánh thấy mặt Mun dài ra, thương quá nói: “Nếu bị cáo thành khẩn nhận tội thì cho hưởng án treo.”
Cuối cùng mọi người quyết định cho Mun lao động công ích để trừ nợ dần. Nhưng cho Mun làm cái gì bây giờ? Ba người suy nghĩ mãi mà chẳng ra. Thế là Minh Long hỏi Mun biết làm những gì. Không cần suy nghĩ Mun nói ngay: “Anh có bảy mươi hai phép thần thông biến hóa.”
Minh Long kinh ngạc lắm, nói: “Thế biểu diễn đi.”
Mun vểnh râu hô lên: “Khắc bé.” Thế là Mun bé lại một nửa. Lại hô: “Khắc to, khắc to” Thế là là trở lại bình thường, rồi tiếp tục to lên gấp đôi, bằng con chó ngao mà nhà giàu hay nuôi trông nhà.
“Có thế thôi à?” Minh Long hỏi.
Mun khinh thường gã lắm, không thèm trả lời, dùng hai cái móng vuốt, kẹp lấy một sợi lông trên người, nhổ mạnh. Mun đau quá ‘méo’ một tiếng, nước mắt dàn dụa. Sau đó Mun cầm sợi lông trên chân trước, đọc thần chú: “Khắc to, khắc to…” cho đến khi sợi lông to bằng cái đũa. Rồi Mun ngắt đôi sợi lông ra. Ba người đang tò mò Mun dùng nửa sợi lông làm gì thì thấy Mun đọc thần chú: “Khắc nhập.” Thế là sợi lông trở lại nguyên như ban đầu. Mun đắc ý nhìn ba người, lại đọc: “Khắc xuất.” Sợi lông lại rời thành hai nửa.
Diễn xong, Mun hỏi khán giả: “Thần kỳ không?”
Minh Dũng không trả lời Mun mà quay sang hỏi Minh Long: “Hay cho nó đi diễn xiếc kiếm tiền?”
Minh Long nói: “Ai sẽ trông? Sư huynh không sợ nó chạy mất? Tốt nhất là riềng sả.”
Minh Dũng giãy nảy lên: “Chỉ có chó mới riềng sả. Mèo thì phải rau má với quả sung.”
Mun nghe thế rùng mình vội kêu: “Mun có thể nhìn thấy ma quỷ. Mun sẽ giúp mọi người tìm.” Minh Long gạt đi: “Ba người chúng ta ai chả thấy ma quỷ.”Mun bí quá hô: “Mun có thể bắt chuột.” Minh Dũng cũng gạt đi: “Ông chủ nhà trọ nuôi sáu con mèo. Từ ngày đến đây một con chuột cũng chả thấy.” Cuối cùng Mun đành nhận việc dẫn đường cho Minh Khánh trong thời gian hắn ứng kiếp, tuy nhiên tiền công của Mun bị cắt xén thành nửa con cá trắm cỏ mỗi ngày.
Giải quyết xong chuyện ăn vụng của Mun, ba huynh đệ chuyển sang bàn về lễ cúng cô hồn, phân công người nào vẽ bùa, người nào làm cơm cúng.