Bạn đang đọc Võ Lâm Phong Thần Bảng – Chương 30: Đường Gươm Vô Địch
Quan Sơn Nguyệt đã sai lầm trong một dự tính mà thành ra phải lâm vào cảnh chí nguy.
Chàng định vận dụng toàn lực bình sanh vung chiếc kim thân độc cước đánh bay ngọn trường mâu của Kỳ Hạo. Thân vóc của chàng cường tráng, giả dĩ công lực hùng hậu so với Kỳ Hạo, chàng thấy mình phải có khí lực hơn nhiều. Ngờ đâu Kỳ Hạo tuy nhỏ vóc hơn song công lực của hắn vẫn hùng hậu chẳng kém. Tuy chàng đánh gãy ngọn trường mâu, ngược lại chiếc kim thân cũng phải vuột tay bay đi.
Để bây giờ Kỳ Hạo dùng hai đoạn mâu đó, một đâm một đập, cả hai đoạn cùng vút đi, đương nhiên phải nhanh. Chàng làm sao trước thế công của địch?
Trong khi tay chàng chẳng có tấc sắc nào?
Những người đặt kỳ vọng nơi chàng dù còn tin tưởng nơi chàng cũng phải rợn mình.
Đành rằng hai đoạn mâu đó của Kỳ Hạo không thể làm cho Quan Sơn Nguyệt phải chết, nhưng sự tình nào phải chỉ dừng lại ở một Kỳ Hạo mà thôi? Kỳ Hạo bất quá là một tên tướng xung trận lót đường do vị chủ soái phát xuất để đo lường công lực địch, để làm giảm bớt công lực địch, khởi đầu cho một cuộc chiến xa luân.
Thế mà chàng không thắng được thì còn mong gì giao thủ với vị chủ soái của cánh đối lập? Nhất là lúc đó thì chàng kiệt quệ lắm rồi qua cuộc chiến xa luân.
Nếu chàng không thắng nổi Kỳ Hạo, và thắng nhanh chóng thì cục diện hôm nay sẽ kết thúc với cái thảm bại của bọn Lý Trại Hồng, và cái thảm bại đó sẽ tạo thành sự diệt vong của toàn thể đồng đạo.
Bên ngoài, phe của chàng lo ngại như thế.
Bên trong cuộc chiến, chàng cũng lo ngại như thế. Chàng tự hỏi làm cách nào dùng tay không đối phó với Kỳ Hạo! Chẳng lẽ chàng rút thanh kiếm bên mình ra?
Thanh kiếm đó chỉ dành để đối phó duy nhất với một Tạ Linh Vận thôi.
Kiếm pháp Đại La chỉ có bảy chiêu, nếu mang ra dùng một chiêu, hạ được Kỳ Hạo rồi thì chỉ còn lại sáu chiêu, như vậy vô hình trung Tạ Linh Vận có lợi, chàng tạo cái lợi đó cho Tạ Linh Vận. Bởi y đã thấy kiếm rồi thì chàng còn đánh bất ngờ làm sao được nữa? Tạ Linh Vận sẽ nghĩ ra phương pháp hóa giải chiêu kiếm. Còn sáu chiêu sao bằng còn đủ cả bảy chiêu?
Trong khi chàng đắn đo thì Kỳ Hạo không để mất một phút giây nào. Hắn vung tay, đoạn mâu nhọn đâm, đoạn mâu tà đầu một đâm ngang một từ trên đập xuống, cả hai đoạn mâu chỉ còn cách Quan Sơn Nguyệt độ tấc.
Cho đến bây giờ, Quan Sơn Nguyệt mới nghĩ ra cách hóa giải thế công của địch mà chẳng cần dùng đến thanh kiếm Bạch Hồng.
Ép hai gối vào hông lạc đà, kẻ nhún mình, chàng lấy đà vọt thẳng lên cao đồng thời dựng đứng một bàn chân dùng mũi giày đá vào đầu đoạn mâu dưới.
Đoạn mâu đó bị hất mạnh lên, trong khi đoạn mâu đập mạnh xuống. Hai đoạn chạm vào nhau, một tiếng «bốp» vang lên, lửa bắn tung tóe.
Mâu của hắn chạm vào mâu, cũng của hắn luôn, ngọn trên do công lực của hắn giáng xuống, ngọn dưới do công lực của Quan Sơn Nguyệt hất lên, hai kình lực chạm mạnh, Kỳ Hạo không tài nào kềm vững hai vũ khí bất thường đó. Hai đoạn mâu bay đi, hổ khẩu tay của hắn tê buốt.
Hóa giải xong thế công của địch, Quan Sơn Nguyệt dùng «Thiên cân trụy» đáp xuống lưng lạc đà, bật cười ha hả, buông giọng ngạo nghễ khích Kỳ Hạo:
– Bình sanh ta chưa từng thấy một người tự dùng vũ khí của chính mình kích lại mình, hóa giải một vũ khí khác của mình! Đấu pháp đó nghĩ cũng ngoạn mục đó. Nếu ta sớm biết như vậy thì ta có cần xuất trận làm gì, cứ để một mình ngươi tự giao đấu với ngươi, xem cho vui!
Đã đánh hụt địch, lại mất vũ khí, ngoài ra còn bị ê ẩm cả hai tay, dù ai ở trong trường hợp Kỳ Hạo cũng phải thẹn, phải tức, phải hận mà lồng lên hét la vang dội. Nhưng Kỳ Hạo giữ bình tĩnh như thường.
Nhìn hổ khẩu tay rướm máu, máu từ từ rịn thành giọt rơi xuống, hắn lạnh lùng thốt:
– Đừng dùng xảo ngôn mà che dấu một sự thất thế, cái bại sẽ đến với ngươi trong phút giây đây thôi. Họ Quan kia! Hôm nay ngươi không hy vọng gì thoát khỏi tay ta đâu.
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
– Ngươi muốn kết thúc cuộc đấu gấp? Dù ngươi không muốn, chính ta đây cần phải hạ sát ngươi ngay, tuy nhiên, giao đấu tay không thì chẳng có thú vị gì, mà cho ngươi nhặt cái thứ vũ khí vô dụng kia thì hai tay ngươi thọ thương cũng trở thành vô dụng nốt, như vậy làm gì ngươi chiếm được tiện nghi mà hăm dọa ta?
Kỳ Hạo bĩu môi:
– Thế ngươi muốn chúng ta phải giao đấu như thế nào? Về phần ta, nhất định là ta không nhặt hai đoạn mâu đó rồi, mà ta cũng quyết dứt khoát hôm nay trường hợp của Phi Đà Lịnh và Minh Đà Lịnh. Vậy ngươi đưa ra một đề nghị đi.
Quan Sơn Nguyệt hỏi:
– Giả như ta nhặt chiếc Độc Cước Kim Thân, thế ngươi có dùng tay không mà đối phó chăng?
Kỳ Hạo đáp:
– Trước hết ta cho ngươi biết là chẳng bao giờ ta xuống lưng lạc đà, thì không thể có việc nhặt hai đoạn mâu đó dùng làm vũ khí. Ta đã nói với ngươi cuộc đấu hôm nay phải kết thúc minh bạch với sự mất một bên, còn một bên, và chỉ khi nào ta bị ngươi đánh rơi xuống lưng lạc đà thì ta mới bằng lòng thủ tiêu Phi Đà Lịnh. Còn như ta có giao đấu với ngươi bằng tay không hay bằng một vũ khí nào thì ngươi cứ nhìn nơi lưng ta đây, sẽ rõ.
Nơi đó có chuôi kiếm ló khỏi đầu vai.
Đúng lúc Quan Sơn Nguyệt nhìn sang thì Kỳ Hạo cũng vừa hoành tay chụp chuôi kiếm rút ra khỏi vỏ.
Thanh kiếm sáng lạ lùng, những tia chớp do sự phản chiếu của dương quang làm hoa mắt của số người đứng về phía thuận.
Hắn dùng đến kiếm, hiển nhiên là hắn định bức Quan Sơn Nguyệt phải dùng kiếm đối phó.
Suy nghĩ một chút, chàng thúc lạc đà tiến về phía chiếc Kim Thân rơi, cúi mình xuống nhặt nó cầm tay, đoạn quay lạc đà trở lại đối diện với Kỳ Hạo, thốt:
– Được rồi, ngươi muốn kết thúc trường hợp của chúng ta thì cứ xuất thủ.
Kỳ Hạo không tưởng là Quan Sơn Nguyệt có thể hành động như vậy, trố mắt nhìn chàng một chút, đoạn hỏi:
– Da mặt của ngươi dày đến độ chẳng biết thẹn à?
Quan Sơn Nguyệt thản nhiên điểm một nụ cười:
– Hôm nay là hai đà lịnh tranh chấp với nhau, Minh Đà chống với Phi Đà, mà Minh Đà Lịnh thành danh trên chốn giang hồ toàn bằng chiếc Kim Thân, thì trong bất cứ trường hợp nào cần bảo trì danh dự Minh Đà, ta cũng phải dùng đến Kim Thân. Điều đó rất hợp đạo lý, có chi khiến ta phải hổ thẹn?
Kỳ Hạo sững sờ. Hắn không tưởng Quan Sơn Nguyệt còn dùng đến Kim Thân nữa nên hắn dùng kiếm. Bây giờ Quan Sơn Nguyệt nêu một lý do chính đáng, với lý do đó chàng nhặt Kim Thân mà dùng, chẳng hề sợ ai chỉ trích. Như vậy là hắn chưa đánh đã thấy thất thế rồi, bởi kiếm là vật nhẹ, Kim Thân là vật nặng, kiếm làm sao chống đỡ nổi Kim Thân?
Kiếm hữu dụng là khi nào địch kém thế hoặc địch cũng dùng kiếm, chứ địch là kẻ đồng tài, trên tài, thì hắn mong gì thủ thắng khi địch có ưu thế với một vũ khí nặng cân hơn?
Phía sau Kỳ Hạo, Tạ Linh Vận cười lạnh gọi hắn:
– Kỳ Hạo! Trở vào đây. Nếu Minh Đà Lịnh thành danh nhờ thủ đoạn đó thì ngươi chưa phải là địch thủ của đối phương, ngươi không thể tiếp tục cuộc tranh chấp.
Giọng nói đã mỉa mai, chua chát, lời nói lại bén nhọn, ai nghe cũng phải khó chịu vô cùng, huống hồ kẻ đương cuộc là Kỳ Hạo.
Nhưng hắn làm sao cãi lịnh Tạ Linh Vận được? Hắn lấy chiếc Minh Đà Lịnh trong mình ra, chiếc Minh Đà Lịnh mà Quan Sơn Nguyệt đã trao cho hắn trước kia để ước hội ngày giao đấu, hắn nhổ ra một bãi nước bọt trên mặt chiếc lịnh bài đoạn ghim nó vào mũi kiếm, hắn đưa kiếm tới bảo Quan Sơn Nguyệt:
– Hoàn lại ngươi đó. Cái vật làm cho Minh Đà Lịnh Chủ quang vinh trên giang hồ thì Lịnh Chủ của nó cất giữ mà làm bảo vật!
Thu chiếc lịnh bài rồi, Quan Sơn Nguyệt vô cùng phẫn nộ trước thái độ miệt thị của Kỳ Hạo. Cử chỉ của Kỳ Hạo lăng nhục chàng rõ rệt, người ngoài trong thấy cũng phải tức uất thay chàng.
Nhưng trong trường hợp này, chàng giữ bình tĩnh hơn là cứ mỗi việc bất bình là một phát tác. Bởi sau Kỳ Hạo còn có những người khác sẽ ra trận thực hiện chiến pháp xa luân, để cuối cùng Tạ Linh Vận xuất hiện lấy khỏe đánh mệt.
Chàng có ngu dại gì phí phạm sức khỏe, lại giận dữ cho mất tinh thần.
Thản nhiên, chàng lau mặt chiếc lịnh bài vào vạt áo cho sạch nước bọt của Kỳ Hạo rồi cất nó vào mình. Đoạn chàng nhẹ buông tiếng thở dài, thốt:
– Tạ Linh Vận! Dù cho ngươi dùng trăm mưu ngàn kế, nhất định là ta không mó đến thanh kiếm Bạch Hồng, bởi nó là vật dành cho ngươi, chỉ khi nào ngươi xuất trận thì nó mới ra khỏi vỏ.
Tạ Linh Vận thoáng giật mình. Nếu Quan Sơn Nguyệt giữ đúng lời nói thì cái mưu đồ của y cầm như bị hủy diệt ngay từ trong trứng. Tuy nhiên y chưa tin là chàng thừa bản lĩnh đối phó với một chuỗi người do y sắp xếp mà chẳng cần sử dụng đến thanh kiếm đó. Y đưa mắt qua một bên ngầm ra hiệu.
Một người vận y phục đen, mặt bao kín, bước ra cục trường, sau đó cất giọng khàn khàn gọi Quan Sơn Nguyệt:
– Tiểu tử họ Quan! Nếu ta khiêu chiến với ngươi thì ngươi sẽ đối phó với ta bằng phương pháp nào?
Quan Sơn Nguyệt nhìn qua con người đó, lạnh lùng đáp:
– Ta cự tuyệt! Không khi nào ta chấp nhận giao thủ với ngươi.
Người đó là Bắc Mang Quỷ Sứ, lại bật cười khàn khàn:
– Không ngờ Hoàng Hạc Tán Nhân lại thu nạp một tên vô dụng!
Hắn khích tướng, song Quan Sơn Nguyệt không nao núng. Chàng cười lạnh đáp:
– Ngươi cho rằng ta khiếp sợ không dám nhận lời giao đấu với ngươi?
Bắc Man Quỷ Sứ «hừ» một tiếng:
– Thế cái thái độ của ngươi còn có một giải thích khác hơn à?
Quan Sơn Nguyệt bật cười ha hả:
– Ngươi bất quá chỉ là một gã đứng đầu Quỷ Bảng, địa vị của ngươi còn thấp kém dưới xa Thiên Tề Ma Quân, Kỳ Hạo đã không làm gì ta nổi, liệu ngươi có tài năng gì mà ta phải khiếp sợ? Ta nghĩ trước khi nói câu như vậy, ngươi nên biết thẹn và nếu biết thẹn thì câm miệng là hơn!
Bắc Mang Quỷ Sứ nổi giận:
– Nhưng ngươi cự tuyệt vì lý do gì?
Quan Sơn Nguyệt cười lạnh:
– Ta nói ngươi đứng đầu Bảng là nói tâng ngươi đó thôi, bất quá Kỳ Hạo cho ngươi điều khiển một ban nào đó trong Bảng, không hơn không kém. Ngươi đừng tưởng qua sự chọn lựa của Kỳ Hạo, lại cho mình là siêu việt, tài năng hoặc ngang hoặc trên Kỳ Hạo. Rồi ngươi hợm mình mà đòi giao đấu với người đã thắng lãnh tụ của ngươi! Ngươi hỏi lý do? Cái lý do rất đơn giản. Lý do đó là vấn đề thân phận. Ta là người thừa kế gia sư, trong Long Hoa Hội gia sư ta có thân phận gì là ta có thân phận đó. Ngươi không xứng đáng đối trận với ta.
Bắc Mang Quỷ Sứ càng sôi giận, hét to:
– Long Hoa Hội là cái quái gì? Long Hoa Hội đã giải tán rồi, ngươi còn dựa vào nó mà xưng thân phận à?
Quan Sơn Nguyệt cười nhẹ:
– Cũng có lý. Nhưng ta đường đường chánh chánh như thế này lại đi động thủ với kẻ chẳng dám để lộ mặt mày với người đời hay sao? Ngươi cũng biết chứ, chỉ có những tên đê tiện mới giấu mặt thật, ta đâu có thể giao đấu với kẻ đê tiện?
Bắc Mang Quỷ Sứ sôi giận cực độ. Hắn hét lên một tiếng, nhảy vọt tới, đồng thời vươn cả hai ta xòe đủ mười ngón tay trắng nhợt chụp vào mặt Quan Sơn Nguyệt.
Quan Sơn Nguyệt bĩu môi khinh thường.
Chàng không cần làm một cử động nào cả, nhưng Minh Đà là linh thú, tự nó đối phó với địch thay chàng.
Nó không xuất thủ mà lại xuất cước, nó không đá địch nhân, chỉ nhảy qua một bên tránh cái chụp của Bắc Mang Quỷ Sứ.
Chụp hụt địch, khi nào Bắc Mang Quỷ Sứ bỏ cuộc? Hắn xoay mình nhào theo luôn.
Nhưng một bóng người xám xám đã lướt tới chận đường hắn. Bóng đó là Khổ Hải Từ Hàng. Lão ung dung thốt:
– Quan công tử không muốn giao đấu với ngươi, thì ngươi hãy trở về chỗ cũ.
Bắc Mang Quỷ Sứ nổi giận:
– Lão trọc có cút đi nơi khác hay không thì bảo? Cho ngươi biết, nơi đây không ai cần sự có mặt của ngươi.
Khổ Hải Từ Hàng chính sắc:
– Nếu ngươi phóng túng hung hăng, bần tăng sẽ can thiệp, đó là lẽ tự nhiên, ngươi cần động thủ, bần tăng sẵn sàng hầu tiếp ngươi.
Bắc Mang Quỷ Sứ chợt đổi giọng:
– Việc của ta với Quan tiểu tử, lão trọc cứ để song phương giải quyết với nhau, đừng can thiệp làm gì. Ngươi không được chen vào, ta nói rõ cho ngươi biết như vậy đó.
Khổ Hải Từ Hàng trầm gương mặt:
– Tại sao?
Bỗng Bắc Mang Quỷ Sứ đưa tay giật chiếc khăn đen bao mặt. Chiếc khăn rơi xuống cuốn theo suối tóc dài đen mượt, suối tóc bao quanh một khuôn mặt trắng nhợt. Hiển nhiên người đó là một nữ nhân! Nữ nhân cao giọng bảo Khổ Hải Từ Hàng:
– Tại sao? Ngươi cứ hỏi tiểu tử họ Quan kia thì rõ!
Khổ Hải Từ Hàng giật mình:
– Ngươi! Ngươi chẳng phải là Bắc Mang Quỷ Sứ.
Tây Môn Vô Diệm cười lạnh:
– Bắc Mang không tuân lịnh dụ, ta đã xuất thủ trừng trị rồi, ta chỉ định nàng thay thế, thiết tưởng phàm các sự vụ về Quỷ Bảng ta có quyền định đoạt chứ.
Khổ Hải Từ Hàng cau mày:
– Đành là thế, song ít nhất ngươi cũng thông tri qua đại hội.
Tây Môn Vô Diệm bĩu môi:
– Nếu quy luật của Long Hoa Hội còn hiệu lực thì việc làm của ta là bất hợp pháp. Song theo diễn tiến sự tình thì ta nghĩ sự thông tri đòi hỏi đó chẳng còn cần thiết nữa.
Khổ Hải Từ Hàng thực sự sửng sốt trước sự xuất hiện của nữ nhân.
Quan Sơn Nguyệt từ trên lưng lạc đà, nhảy xuống đến gần Khổ Hải Từ Hàng thốt:
– Đại sư nên tránh qua một bên đi. Nàng ấy nói đúng, việc này chỉ có mỗi một mình tại hạ có tư cách giải quyết mà thôi, chẳng ai thay thế được.
Khổ Hải Từ Hàng do dự.
Quan Sơn Nguyệt tiếp luôn:
– Nàng ấy tên là Khổng Linh Linh, phụ thân của nàng chết nơi tay tại hạ …
Khổ Hải Từ Hàng lại giật mình lượt nữa:
– Nếu vậy thì … bần tăng không tiện can thiệp rồi …
Lão lui về phía hậu.
Khổng Linh Linh nhìn trừng trừng Quan Sơn Nguyệt:
– Bây giờ thì ngươi không còn cự tuyệt động thủ với ta?
Quan Sơn Nguyệt trầm giọng:
– Tuy phụ thân ngươi chết đi là hợp đạo lý, tuy cái chết đó chẳng do ta hoàn toàn chịu trách nhiệm, song phụ thù là điều quan trọng nhất của con người, ta chấp nhận dành cho ngươi một cơ hội bày tỏ hiếu tâm đối với đấng sanh thành.
Khổng Linh Linh «hừ» một tiếng:
– Giả như ta bắt buộc ngươi phải dùng thanh kiếm Bạch Hồng giao đấu với ta thì ngươi nghĩ sao?
Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm suy nghĩ. Một lúc sau, chàng hướng qua Tạ Linh Vận thốt:
– Ngươi có thủ đoạn lắm đó Tu La Tôn Giả! Cái biện pháp của ngươi chung quy rồi cũng buộc ta phải thi triển những đường kiếm Bạch Hồng.
Tạ Linh Vận đắc ý phi thường, bật cười vang.
Kỳ Hạo xách kiếm từ từ tiến tới cục trường, chừng như hắn định trao thanh kiếm của hắn cho Khổng Linh Linh.
Nhưng Khổng Linh Linh hoành tay lên đầu vai, nắm chuôi kiếm của nàng đeo nơi lưng rút ra khỏi vỏ. Thanh kiếm của nàng giống thanh kiếm của Kỳ Hạo như hai giọt nước.
Quan Sơn Nguyệt quát:
– Ngươi còn trở lại đây làm gì?
Kỳ Hạo điểm một nụ cười hiểm độc:
– Nàng là vợ của ta, tình chồng vợ đương nhiên phải đậm đà, thì việc của vợ phải là việc của chồng và ngược lại. Huống chi, là con rể ta cũng phải có một phần hàng trong cái việc báo thù nhạc trượng. Ngươi từng tự hào là trọng đạo nghĩa, lại đi hỏi ta một câu ngớ ngẩn như thế được sao?
Thì ra hắn trở lại cục trường chẳng phải để trao kiếm cho Khổng Linh Linh mà chính là để tham gia cuộc chiến, tiếp trợ vợ hắn.
Quan Sơn Nguyệt dù bất mãn song cũng phải nhìn nhận hắn có đạo lý.
Chàng giữ tâm bình tĩnh, cười lạnh thốt:
– Cũng được. Ta chấp cả vợ chồng các ngươi. Cả hai cứ vào đi!
Chàng lùi lại cạnh con lạc đà, đặt chiếc Kim Thân lên yên nó, sau đó nắm chuôi kiếm rút ra khỏi vỏ.
Thanh kiếm ngân lên một tiếng dài. Kiếm quang chớp sáng, kiếm khí tỏa rợn người. Đúng là một thanh kiếm báu, chưa vung lên đã khiếp đảm cho mọi người rồi.
Tại cục trường, ai ai cũng buông tiếng thở dài ngán cái khí sắc của một thanh kiếm thần.
Tại cục chiến, Kỳ Hạo và Khổng Linh Linh không tránh khỏi chột dạ.
Đôi kiếm của hai vợ chồng vốn là báu kiếm sắc lạnh phi thường, song trước thanh Bạch Hồng Kiếm thì hào quang của hai thanh kiếm đó tan biến mất, chẳng khác nào ánh sao sáng phải mờ đi khi vầng trăng tròn xuất hiện không trung.
Có một thanh kiếm báu là nắm được một ưu thế rồi, tuy nhiên muốn phát uy ưu thế đó cần phải có một kiếm thuật tinh vi.
Kỳ Hạo và Khổng Linh Linh tin tưởng nơi tài nghệ của họ nên chưa đến đổi thất vọng, cả hai cùng thủ thế, tay giữ kiếm quyết, chân đứng theo bộ vị thất tinh.
Cái tư thế đó đúng theo kiếm pháp Tu La.
Quan Sơn Nguyệt không khỏi giật mình. Chàng nghĩ bọn này cũng biết kiếm pháp Tu La, như vậy chúng cũng lợi hại lắm đấy. Do đó, chàng cũng chẳng dám khinh thường, ngưng trọng thần sắc giới bị chặt chẽ.
Chàng phải phục Tạ Linh Vận có cơ trí hơn người, chẳng những y nghĩ ra được phương pháp bức chàng phải sử dụng đến kiếm, chẳng những thế y còn có cách bắt buộc chàng phải thi triển luôn kiếm pháp Đại La. Bởi chống với kiếm pháp Tu La, chàng chẳng còn cách nào khác hơn là đem kiếm pháp Đại La mà ứng dụng.
Thi triển «Đại La Kiếm Pháp», chàng dù thắng được vợ chồng Kỳ Hạo cũng chẳng thành vấn đề. Vấn đề là ở chỗ Tạ Linh Vận sẽ nhìn vào những chiêu thức của chàng, rồi nghiên cứu cách hóa giải. Đến lúc chàng chánh thức giao đấu với y thì tuyệt học của chàng mất hẳn hiệu dụng mong muốn rồi. Chính với dụng ý đó Tạ Linh Vận mới đem «Tu La Kiếm Pháp» truyền thụ cho Khổng Linh Linh.
Song phương ngưng thần chờ đợi. Bởi chưa bên nào chịu xuất thủ trước và dĩ nhiên chẳng bao giờ Quan Sơn Nguyệt chịu tấn công đầu tiên, dù có phải chờ vợ chồng Kỳ Hạo xuất thủ chờ đến bao lâu cũng phải chờ.
Bỗng từ phía hậu có tiếng quát to:
– Hãy khoan! Song phương chờ một chút!
Phía hậu là hậu phương của Quan Sơn Nguyệt, và người quát lên chính là Liễu Y Ảo. Nàng lướt tới cạnh Quan Sơn Nguyệt, tay nàng cầm một thanh trường kiếm. Nàng thốt:
– Lấy hai đấu một thì bất công, dùng đông toan áp đảo ít là một điều kỵ trên giang hồ. Để có sự công bình, ta tình nguyện chia bớt một địch thủ với Quan công tử.
Sự can thiệp đột ngột của Liễu Y Ảo làm cho Tạ Linh Vận giật mình. Thần sắc của y biến đổi ngay. Lấy lại bình tĩnh sau phút giây sửng sốt, y kêu lên:
– Sư muội làm cái gì thế?
Liễu Y Ảo cười nhẹ:
– Tham gia nhiệt náo chứ còn làm cái gì nữa?
Nàng nhìn thoáng qua Quan Sơn Nguyệt đoạn tiếp luôn:
– Với lại ta có chủ ý là giúp Quan công tử dành trọn vẹn kiếm pháp Đại La chờ ngươi. Chỉ khi nào ngươi xuất hiện tại cục chiến thì kiếm pháp đó mới được thi triển.
Tạ Linh Vận mỉa mai:
– Người ta là chồng là vợ với nhau, người ta liên thủ là hợp lý, còn sư muội tham gia cuộc chiến với danh nghĩa gì chứ?
Liễu Y Ảo thoáng đỏ mặt nhưng gượng cứng đáp liều:
– Họ là vợ chồng, họ liên thủ là hợp lý, chứ ta đây tham gia cuộc chiến không hợp lý sao? Cho ngươi biết, ta là vị hôn thê của Quan công tử, chính là đại sư tỷ đã hứa tác thành cho ta với Quan công tử đó.
Quan Sơn Nguyệt hấp tấp gọi nàng:
– Liễu Tiên Tử! Thiếu chi cách đáp lời hắn, sao Tiên tử lại đùa như thế?
Đáng lẽ Quan Sơn Nguyệt nín lặng là hơn, cứ vờ như sự thể đã được quyết định như vậy rồi, cho qua cái trường hợp này. Nhưng chàng lại thanh minh giữa thập mục sở thị, sự thanh minh đó làm cho Liễu Y Ảo cứng trân mình thành trơ trẽn cực độ.
Nàng biến sắc, giọng rung rung:
– Sao gọi rằng đùa? Không lẽ đại sư tỷ chưa nói chi với công tử?
Quan Sơn Nguyệt tình thật toan phủ nhận, song Khổ Hải Từ Hàng đã bước tới khẽ nắm tay chàng thấp giọng thốt:
– Hương Đình Tiên Tử có cho bần tăng biết, quả đúng như Liễu Tiên Tử nói đó, Hương Đình muốn tác hợp cả hai thành đôi bạn với nhau và nhờ bần tăng lãnh phận sự của ông tơ. Hương Đình Tiên Tử cũng có nói là Quan thế huynh đã chấp nhận rồi. Thì giờ đây nếu Quan thế huynh phủ nhận, chẳng hóa ra gây bẽ bàng cho Liễu Tiên Tử mà Hương Đình biết được cũng phiền lòng không ít, không kể là bên kia Tạ Linh Vận sẽ khai thác trường hợp để ngạo tiếu chúng ta.
Quan Sơn Nguyệt suýt nhảy dựng lên vì bực tức.
Khổ Hải Từ Hàng lại tiếp:
– Muốn nói gì, Quan thế huynh hãy ẩn nhẫn, sau này còn có dịp nói, nào phải hết dịp đâu? Thế huynh đừng vì một việc nhỏ mà làm cho kỳ vọng của hằng trăm người sau lưng thế huynh kia phải tan biến. Đại cuộc là trọng, tiểu tiết là khinh, hẳn thế huynh thừa hiểu.
Quan Sơn Nguyệt lặng người như chết. Làm sao chàng thừa nhận công khai?
Mà nín lặng là đương nhiên mặc nhận rồi.
Khổ Hải Từ Hàng đưa ánh mắt ra hiệu với chàng trước, đoạn tuyên bố sau:
– Liễu Tiên Tử nói đúng, chính Hương Đình Tiên Tử và Hoàng Hạc Tán Nhân đã cộng đồng quyết nghị cuộc hôn nhân đó. Cả hai lại ủy thác bần tăng làm công việc mai dong, đồng thời tuyên bố cho mọi người được biết. Đáng lẽ bần tăng đã thông tri cho toàn thể nhân số trong hội Long Hoa từ lâu, song mấy hôm nay biến cố dồn dập bần tăng không có một dịp thuận tiện nào.
Tạ Linh Vận lắc đầu:
– Hoang đường! Ngươi dựng đứng một chuyện hoang đường ta không tin nổi.
Khổ Hải Từ Hàng mỉm cười:
– Tôn giá chẳng thấy Liễu Tiên Tử và Quan thế huynh xứng đôi vừa lứa lắm sao? Trai là trai tài, gái là gái sắc, lứa đôi còn có lứa đôi nào hơn? Một cuộc hôn nhân giữa hai người là hợp lý sao lại gọi là hoang đường? Huống chi hôn nhân nào phải một trò đùa, có ai dám xem thường một sự kiện như vậy để có thể tùy cái hứng mà tuyên bố lên, khi hết hứng lại bỏ qua? Thế thì tôn giá đừng tưởng là sự hoang đường.
Lão tăng dừng lại một chút, đoạn tiếp:
– Có lẽ tôn giá định nói rằng Quan thế huynh là người ngoài hội nên chẳng thể kết duyên với người trong hội? Điều đó đúng là tôn giá lầm! Bởi Quan thế huynh là môn đệ của Hoàng Hạc Tán Nhân, sớm muộn gì cũng thừa kế cái thân phận của Hoàng Hạc trong hội. Ngoài ra, Quan thế huynh gần đây đã được một bậc dị nhân truyền thụ võ công, mà bậc dị nhân đó không phải xa lạ gì đối với người sáng lập Long Hoa Hội. Như vậy Quan thế huynh nghiễm nhiên trở thành bạn đồng môn rồi! Chúng ta không còn xem người là ngoại nhân được nữa.
Liễu Y Ảo đắc ý phi thường. Càng đắc ý nàng càng đỏ mặt, tuy nhiên niềm cao hứng làm cho nàng bất chấp dè dặt, cao giọng gọi Tạ Linh Vận:
– Ngươi còn lời chi để nói nữa chăng?
Tạ Linh Vận không biểu hiện một cảm nghĩ nào tiếp theo đó.
Nhưng Kỳ Hạo chớp ánh mắt ngụy dị, ánh mắt đó chỉ có mỗi một mình Tạ Linh Vận hiểu được ý nghĩa mà thôi. Bởi hiểu, y sợ sanh biến, vội hét lên:
– Kỳ Hạo! Cố gắng hết sức mình làm tròn nhiệm vụ! Đã có ta chịu mọi trách nhiệm.
Trách nhiệm gì? Chịu như thế nào? Giả như Kỳ Hạo hoặc vợ hắn là Khổng Linh Linh chết nơi tay Liễu Y Ảo thì y có chết thay để cho họ sống chăng? Cái lối chịu trách nhiệm đó không ai làm được chứ?
Người ngoài hẳn nghĩ thế, song sự tình có uẩn khúc như thế nào chỉ có Tạ Linh Vận và Kỳ Hạo biết được mà thôi.
Nghe câu nói hứa hẹn một sự bảo đảm vững chắc của Tạ Linh Vận, Kỳ Hạo lên tinh thần ngay, vẻ hung hãn hiện nơi gương mặt, khoát thanh kiếm một vòng cao giọng thốt:
– Hai đấu hai cũng chẳng có gì đáng thắc mắc, chúng ta bất đầu gấp đi!
Khổ Hải Từ Hàng lùi lại phía sau.
Khổng Linh Linh mất cái vẻ hung hăng lúc đầu, mường tượng nàng e dè sao đó.
Kỳ Hạo quét ánh mắt sang nàng giọng căm căm, hét:
– Đừng ngây người ra đó, đã có ta ngươi còn sợ gì nữa?
Khổng Linh Linh giật mình trở về thực cảnh, ngưng trọng tinh thần, lăm lăm thanh kiếm chực chờ xuất thủ.
Quan Sơn Nguyệt nhận thấy thái độ của đôi vợ chồng này hết sức kỳ quái, họ tuyên bố là vì báo thù cho Khổng Văn Thông nên khiêu chiến với chàng, song chừng như dụng ý của họ không hoàn toàn vì danh nghĩa đó. Chàng không cần suy nghĩ lâu cũng thức ngộ ra, sở dĩ họ khiêu chiến là vì họ tiếp nhận chỉ thị của Tạ Linh Vận, khiêu chiến để chàng dùng «Đại La Kiếm Pháp» phản công. Tạ Linh Vận đứng bên ngoài theo dõi, nghiên cứu, nhiên hậu thực hiện một mưu đồ.
Song phương ở trong cái thế cung thẳng giây tên lắp sẵn, ngón tay buông là giây bật tên bắn vút đi liền, tình hình cực kỳ khẩn trương.
Nhìn bàn tay nổi gân của Liễu Y Ảo cầm kiếm cũng đủ biết nàng hết sức chú ý đến đối phương.
Không gian trầm đọng nặng nề, tử khí bao trùm cục trường.
Bỗng Kỳ Hạo và Khổng Linh Linh cùng hét to lên một tiếng, cùng tấn công một lượt.
Chiêu thứ nhất trong «Tu La Kiếm Pháp» có cái tên là «Vân Thảm Vụ Sầu», hai thanh kiếm cùng phát xuất một lượt theo thế liên thủ tạo nên một oai lực khủng khiếp.
Kiếm khí tỏa ra thành một vầng sương mờ xanh xám, kiếm phong rít vi vu, cả màu sắc lẫn thinh âm cấu tạo cho cục trường cái vẻ ảm đạm thê lương, tưởng chừng như cõi ngục u tối dưới đất sâu những âm hồn hiện về oán than rên rỉ.
Liễu Y Ảo tuy được liệt vào hàng Tiên tử trong Long Hoa Hội, song trước chiêu kiếm tân kỳ của địch nàng chẳng dám khinh thường, vung kiếm nơi tay tạo nên một vầng ngân quang bao bọc quanh mình kín đáo. Đồng thời nhận định phương hướng của Khổng Linh Linh, nàng thấy Khổng Linh Linh yếu kém hơn Kỳ Hạo rõ rệt, nàng bèn nhường Kỳ Hạo cho Quan Sơn Nguyệt, nàng chuyên tâm phản công Khổng Linh Linh.
Cái đó không do lánh nặng tìm nhẹ mà là lối phản ứng đương nhiên. Bởi nàng thừa hiểu sau khi Quan Sơn Nguyệt được Ôn Kiều huấn luyện thêm chàng tinh tiến lạ lùng, hiện tại về kiếm thuật chàng hơn hẳn nàng ít nhất cũng vài bậc, thì chàng phải đương đầu với kẻ mạnh bên đối phương, có vậy nàng mới yên tâm công kích đối thủ đồng hạng với nàng.
Khác với nàng, Quan Sơn Nguyệt vẫn giữ thái độ trầm ổn phi thường, mường tượng chàng không xem Kỳ Hạo ra cái quái gì cả, thanh kiếm Bạch Hồng nơi tay chàng nhẹ nhàng bay ra phong trụ kiếm của Kỳ Hạo, hai thanh chạm nhau một tiếng xoảng vang lên nháng lửa, tia lửa bắn tung tóe.
Kỳ Hạo rợn người, không dám hung hăng, thu thanh kiếm lùi lại.
Chiêu thức của Quan Sơn Nguyệt đúng là chiêu sơ khởi của «Đại La Kiếm Pháp» có cái tên gọi là «Càn Khôn Thi Định».
Kiếm pháp Đại La tuy thuộc về võ học tà môn, song nó rất giống võ học chánh phái. Chiêu kiếm do chàng vừa phát xuất bằng vào sự lấy tịnh chế động, lấy giản đơn chế phức tạp, dù nó rất đơn thuần nhưng cũng đủ phá kiếm khí của Kỳ Hạo tỏa rộng khắp cục trường, mường tượng một vùng đen tối âm u bị một tia sáng rực rỡ chiếu vào, bóng tối liền tan biến.
Gia dĩ, Bạch Hồng Kiếm lại sắc bén hơn thanh kiếm cổ màu xanh kia, hai thanh chạm nhau, thanh cổ kiếm màu xanh của Kỳ Hạo mẻ đi một mảnh nhỏ độ bằng móng tay.
Chiêu thứ nhất song phương trao đổi nhau, kết quả như thế đó.
Người xem chung quanh có những phản ứng dị đồng trong tâm tư của họ.
Bọn người ủng hộ Quan Sơn Nguyệt thì không dấu vẻ hài lòng, trừ một Lý Trại Hồng thì nàng lại khẻ buông tiếng thở dài. Còn bọn người do Tạ Linh Vận dẫn đến đây thì tỏ ra ưu tư, nhưng Tạ Linh Vận và Tây Môn Vô Diệm lại điểm một nụ cười.
Liễu Y Ảo đang ngưng thần chú ý điều khiển cuộc đấu với Khổng Linh Linh.
Dù sao thì kiếm thuật của nàng cũng hơn hẳn sở đắc của địch cho nên nàng luôn luôn tạo khó khăn cho địch.
Lúc đó, thấy Quan Sơn Nguyệt tạo thành tích rồi, nàng cũng lộ vẻ ưu uất, không dằn lòng được nàng thấp giọng hỏi Quan Sơn Nguyệt:
– Có đúng là thanh kiếm Bạch Hồng thật đó chăng?
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
– Phải! Tại hạ tin rằng Ôn Kiều lão tiền bối không khi nào lừa dối tại hạ.
Liễu Y Ảo nhếch nụ cười khổ:
– Ta chỉ sợ bên trong có những tình tiết éo le sao đó. Thanh kiếm không thể có sự thần hiệu như ta đã hiểu về thanh Bạch Hồng thật.
Quan Sơn Nguyệt bình tĩnh đáp:
– Oai lực của thanh kiếm tùy người sử dụng phát huy, tại hạ chỉ phát huy đến trình độ đó thôi, nếu cần tại hạ cũng có thể phát huy một uy lực cao hơn, như vậy sự thần hiệu của nó vô cùng, cô nương làm sao hiểu nổi!
Bên kia Tạ Linh Vận nhẹ điểm một nụ cười, lên tiếng thôi thúc Kỳ Hạo:
– Thiên Tề! Phát xuất luôn cả hai chiêu thứ năm và thứ sáu đi, cho hắn giở hết ba chiêu nữa ra mà đối địch.
Trong ánh mắt của Kỳ Hạo niềm oán độc hiện ra, hắn hú vọng một tiếng nhỏ mà dài, rồi vung thanh kiếm mẻ công tới.
Khổng Linh Linh cũng phát động thế công phối hợp với thế đánh của Kỳ Hạo.
Lần này Kỳ Hạo phát xuất hai chiêu «Ma Hỏa Luyện Thiên» và «Liệt Viêm Đằng Tiêu» trong «Tu La Kiếm Pháp».
Hai chiêu thức cùng mang tên Hỏa dĩ nhiên thế đánh phát huy toàn là lửa, lửa màu xanh lục, một thứ lửa ma làm rợn người hơn là thiêu đốt.
Liễu Y Ảo lập tức phản công, kiếm thì nàng phổ cập tinh túy thu hoạch qua bao nhiêu năm luyện tập, còn thân mình thì phát xuất chân khí Băng Y, chân khí đó vừa bảo vệ toàn thân mà cũng vừa chuyền vào thanh kiếm tỏa ra ngoài để chống lại vầng lửa xanh của Kỳ Hạo.
«Tu La Kiếm Pháp» là một môn cực kỳ lợi hại trong các loại kiếm pháp Ma, nhưng Khổng Linh Linh còn kém nàng quá xa nên không phát huy nổi ma lực của kiếm pháp đúng mức.
Dù vậy, hỏa lực từ thanh kiếm của Khổng Linh Linh phát ra cũng có nhiệt độ cao xuyên thấu vầng lãnh khí của Liễu Y Ảo, xâm nhập vào cơ thể nàng làm cho nàng xuất hạn ướt mình.
Ứng phó chiêu thứ nhất Quan Sơn Nguyệt rất ung dung, song lần này thì chàng thay đổi thái độ, hét lên một tiếng, vung thanh kiếm Bạch Hồng tạo thành một đóa kiếm hoa rất lớn, kiếm khí từ mũi phóng ra, dài hơn thước, gây tiếng động vu vu rợn người.
Đạo kiếm khí bắn vào vầng kiếm quang của Kỳ Hạo.
Với thủ pháp nhanh như chớp, chàng phát xuất chiêu thứ hai trong kiếm pháp Đại La, chiêu «Húc Nhật Đông Thăng».
Chiêu của Kỳ Hạo thuộc dương, chiêu của chàng cũng thuộc dương, lấy dương chế dương, song cái dương của chàng cường mãnh hơn, thoáng mắt đã quét sạch lớp mây mờ như khói nóng của Kỳ Hạo.
Tiếp theo đó chàng sử dụng luôn chiêu thứ ba tên «Bạch Hồng Quán Nhật», chiêu thức phát huy tiếng động ầm ầm như sấm gầm lồng lộn giữa không gian.
Kết quả đầu tiên là thanh kiếm của Kỳ Hạo bị gãy, oai lực của chiêu kiếm còn thừa, lấn sang mặt trận giữa Khổng Linh Linh và Liễu Y Ảo, chặt gãy luôn thanh kiếm của Khổng Linh Linh.
Chẳng những thế, kiếm phong lan rộng quét ào ào vào mình Kỳ Hạo và Khổng Linh Linh, đâm thủng áo của họ khoét thành những lỗ to, đồng thời điểm vào nhiều huyệt đạo nơi mình vợ chồng Kỳ Hạo.
Quanh cục trường mọi người đều im lặng, hồi hộp theo dõi trận đấu.
Bây giờ một bên thắng, một bên bại, hậu thuẫn của bên thắng reo lên oang oang, cánh bại thì tiu nghỉu.
Quan Sơn Nguyệt thu hồi công lực đã phổ vào thân kiếm, nhìn sang vợ chồng Kỳ Hạo, cả hai hết sức phờ phạc tiêu điều qua cuộc thảm bại, trong đáng thương hại vô cùng. Quan Sơn Nguyệt nghiêm giọng nói:
– Đáng lý ta nên giết luôn bọn các ngươi, song ta chẳng thể tàn nhẫn như vậy được.
Kỳ Hạo không nói gì, quay mình dợm bước đi.
Khổng Linh Linh trừng mắt quát:
– Tại sao? Tại sao ngươi không giết bọn ta?
Quan Sơn Nguyệt suy nghĩ một chút:
– Cái lý do trước hết là ta không tàn độc. Còn tại sao khác hơn thì ta cũng chưa biết rõ. Tuy nhiên cái bại hôm nay cũng có thể báo phục sau này nếu các ngươi muốn. Vì ta nghĩ ngươi quyết báo thù cho phụ thân ngươi, điều đó rất chánh đáng, cho nên ta có thể giết các ngươi nhưng ta lại không giết, bởi ta dành cho các ngươi cơ hội báo thù cho chính các ngươi. Ta cần cảnh cáo cho ngươi rõ là cơ hội đó sẽ không có được một lần thứ hai đâu nhé! Ta chỉ dành cho ngươi một lần duy nhất thôi.
Khổng Linh Linh nghiến răng, tiếng kêu ken két. Nàng nghiến quá mạnh, nứu răng rướm máu, máu rỉ ra hai bên mép miệng. Nàng nhổ một búng nước bọt có máu pha lộn, đoạn cao giọng thốt:
– Trong tương lai ngươi đừng hối hận vì cử chỉ đại phương của ngươi hôm nay đấy. Một ngày nào ta gặp lại ngươi, nhất định là ta chẳng lấy việc hôm nay làm một cái ơn đâu! Ta sẽ giết ngươi như thường.
Quan Sơn Nguyệt cười nhạt:
– Thì ngươi cứ tùy tiện, gặp ta rồi ngươi cứ hành động theo sở nguyện.
Muốn hành động sớm thì tìm gặp ta sớm, luôn luôn ta sẵn sàng nghinh tiếp ngươi.
Chàng dừng lại một chút, đoạn tiếp luôn:
– Đối với những người chưa đáng tội chết, ta dành cho một khoảng đất lui chân, nếu kẻ đó chẳng biết ăn năn thì lần sau ta bắt buộc phải hạ thủ đoạn để trừ một họa hoạn cho đời. Còn riêng với ngươi, ta không giết ngươi là vì một nguyên nhân nữa. Cái nguyên nhân đó là như thế này, là trong những ngày ta ở tại Côn Lôn Sơn ngươi đã chiếu cố giúp đỡ ta nhiều việc, tuy lúc đó ta hoàn toàn mất tri giác, song sau này ta nghe thuật lại, tự nhiên ta phải nương tay với ngươi.
Khổng Linh Linh biến sắc mặt. Nhưng nàng nín lặng, quay mình bước đi theo Kỳ Hạo.
Liễu Y Ảo đưa tay áo lau mồ hôi mặt, chẳng rõ nghĩ sao nàng lại điểm một nụ cười rồi thốt:
– Tôi cứ tưởng tham gia cuộc chiến là để tiếp trợ công tử, không ngờ lại gây phiền lụy đến công tử, cuối cùng lại được giúp đỡ ngược lại!
Quan Sơn Nguyệt cười, lắc đầu đáp:
– Không đâu, chính Tiên tử giúp tại hạ nhiều lắm đấy.
Liễu Y Ảo không tin, tiếp:
– Rõ ràng công tử có cần chi tôi tiếp trợ đâu.
Quan Sơn Nguyệt thành thực:
– Tại hạ không nói ngoa đâu Tiên tử. Kiếm pháp Đại La tuy ảo diệu, song đây là lần thứ nhất tại hạ sử dụng đến, đương nhiên là phải lúng túng. Nếu chẳng có Tiên tử quan sát, phòng ngừa bất trắc cho tại hạ yên tâm đối địch thì chắc chắn là không thu thập kết quả nhanh chóng như thế đâu.
Liễu Y Ảo trầm ngâm một chút:
– Tôi cứ tưởng là có thanh kiếm Bạch Hồng với kiếm pháp Đại La công tử sẽ nắm vững cái cơ tất thắng. Nếu biết vậy, tôi đã để cho nhị sư tỷ xuất trận rồi.
Quan Sơn Nguyệt lại lắc đầu:
– Việc đã qua rồi Tiên tử, bỏ đi. Còn như việc sắp tới đây, nghĩa là tại hạ sắp sử dụng đến chiêu thứ tư, thì tuyệt đối các vị không nên xuất trận. Bởi cái oai lực của chiêu thức rất hùng mạnh, tại hạ sợ mình kềm chế không nổi lại để xâm phạm đến các vị luôn và như vậy là đáng hận lắm đó.
Liễu Y Ảo xong phận sự rồi, bắt buộc phải lùi lại với niềm luyến tiếc, tuy chẳng phải là xa hẳn Quan Sơn Nguyệt.
Trong khi đó, Tạ Linh Vận từ từ bước tới với niềm tự tin rõ rệt.