Bạn đang đọc Võ Lâm Phong Thần Bảng – Chương 21: Quần Tiên Đại Hội
Trương Vân Trúc ngồi bên cạnh một chiếc bàn gần đó, hình vóc có phần gầy hơn ngày nào, song tinh thần vững lên thấy rõ.
Xưa kia, làn da của lão luôn vàng, một màu vàng bệnh hoạn, nay thì màu vàng đó nhuộm hồng, và có thể trong một ngày gần đây, màu vàng biến mất, nhường chỗ cho màu hồng.
Màu hồng lẫn sát màu vàng, điều đó chứng tỏ Trương Vân Trúc đang phấn khởi tâm tư trên con đường mới khám phá, con đường lên tiên …
Bởi, vào đây rồi, là lên cảnh tiên chứ còn gì nữa?
Lão là người của tiên cảnh, trong khi Quan Sơn Nguyệt chỉ là một khách nhân bất ngờ …
Chàng nhìn lão, lão nhìn chàng. Cả hai cùng nhìn nhau độ một phút.
Sau cùng, chàng gọi:
– Trương lão bá! Lão bá cũng ở đây nữa sao?
Trương Vân Trúc không đáp ngay câu hỏi của Quan Sơn Nguyệt chỉ mỉm cười, gật gù:
– Ngươi! Đúng là ngươi! Thoạt đầu, ta ngờ ngợ, không tin lắm là ngươi!
Quan Sơn Nguyệt trố mắt:
– Lão bá nói sao? Chúng ta chia tay nhau, chưa được tròn năm, chẳng lẽ trong thời gian ngắn ngủi đó, tiểu điệt có thay đổi nhiều?
Trương Vân Trúc lại cười:
– Thay đổi thì có, nhưng nhiều lắm thì không. Bất quá, ta không tin là ngươi còn sống được sau lần đó!
Lão tặc lưỡi, thở dài, tiếp:
– Thì ra, cái bà ấy, ở Côn Lôn Sơn, đã cướp được quyền của tạo hóa, làm nổi cái việc cải tử hườn sanh …
Quan Sơn Nguyệt giật mình. Song, chàng giữ vẻ thản nhiên, thốt:
– Tuyết Lão Thái Thái là một thần y đương thời vậy! Lão bá nói phải. Nếu tiểu điệt không gặp bà, thì có lẽ giờ đây mồ hoang của tiểu điệt đã phủ đầy cỏ loạn!
Trương Vân Trúc buông tiếng «ừ» mơ hồ, không biểu hiện một cảm nghĩ nào rõ rệt về Tuyết Lão thái thái cứu sống Quan Sơn Nguyệt. Lâu lắm, lão mới hỏi:
– Còn Thanh nhi? Sao nó không theo ngươi?
Quan Sơn Nguyệt giật mình lượt nữa.
Từ ngày Trương Thanh ly khai đến nay, chàng bị chi phối hoàn toàn bởi những điều khám phá mới mẻ, như Long Hoa Hội. Phong Thần Bảng, Tiểu Tây Thiên cuối cùng là Thiên Ngoại Thiên. Tâm tư chàng dành trọn cho sự nghiên cứu về những thứ mới mẻ đó, chàng quên hẳn thiếu nữ đáng yêu có rất nhiều cảm tình với chàng, từng thí ân huệ với chàng …
Chàng thấy thẹn là mình không còn tư cách đối với nàng. Nàng ra đi, đáng lý chàng phải để phần nào thời gian, tìm nàng trái lại, chàng bỏ luôn việc đó, rồi đi theo một cuộc tra cứu, đưa chàng xa dần, xa dần nàng …
Bây giờ, phụ thân nàng hỏi, chàng còn biết đáp làm sao? Đến cái việc hiện tại nàng ở đâu, chàng cũng chẳng rõ, thì làm sao chàng biết an nguy như thế nào?
Chàng sững sờ một lúc, đoạn đáp:
– Sau khi rời Côn Lôn Sơn, Thanh muội cùng tiểu điệt tạm phân ly nhau mỗi người chuyên lo một việc, giờ đây tiểu điệt chẳng rõ Thanh muội ở tai địa phương nào. Cả hai mất liên lạc từ lâu.
Ai nghe như thế cũng phải lo ngại, bởi dù sao thì Trương Thanh cũng chỉ là một thiếu nữ, mà giang hồ là chốn hiểm nguy, muôn vạn cạm bẫy chực chờ, ở mỗi đoạn đường đều có tranh chấp với cái giá sinh mạng của con người, Trương Thanh chưa có kinh nghiệm mảy may, lạc lõng giữa lòng người đầy man trá, là một điều đáng sợ. Nhưng, Trương Vân Trúc chẳng tỏ lộ thắc mắc, lão bình tịnh hỏi:
– Nếu ta không lầm, thì nó yêu ngươi mê mệt, yêu đến độ quên sanh mạng nó, để lo liệu cho ngươi, yêu đến mức quên đi bậc sanh thành, đủ bậc sanh thành ra nó đang ở cái tuổi gần trời xa đất. Thế tại sao nó ly khai được ngươi?
Câu hỏi của lão chừng như có chạm tự ái của Quan Sơn Nguyệt phần nào.
Chàng thoáng lộ bất bình, sự bất bình có lẫn lộn niềm phẫn hận.
Chàng cao giọng thốt:
– Lão bá hỡi, tại sao Trương Thanh hiền muội ly khai tiểu điệt? Nàng ly khai tiểu điệt, chính vì lão bá đó!
Trương Vân Trúc cười nhạt, lắc đầu:
– Làm gì có việc đó, Quan Sơn Nguyệt? Năm trước đây, nó phủ nhận tình phụ tử, nó bỏ rơi cha già, chạy theo tiếng gọi của con tim, nó bất chấp sự bảo vệ của cha, để dấn thân vào vòng nguy hiểm, bằng lòng hy sinh cho người bạn trai lý tưởng của nó mà! Thì, có lý nào nó vì một lão già bị nó bỏ rơi, lại bỏ rơi chàng trai lý tưởng của nó, vì lão già ấy?
Sự bất hòa giữa cha con họ Trương, Quan Sơn Nguyệt biết rất tường tận, bởi biết cái nguyên nhân đó, nên thấy Trương Vân Trúc tỏ thái độ lạnh lùng khi đề cập đến người con duy nhất của lão, chàng hết sức bất mãn.
Dù muốn dù không, chàng nhận ra phải chống đối, để làm cái việc biện hộ cho những kẻ vắng mặt mà chàng cho là có phần nào lẽ phải. Chàng chỉ nhận cái lẽ phải đó phần nào thôi, bởi chàng nghĩ làm con mà đối xử quyết liệt quá độ với đấng sinh thành, thì kể ra cũng quá đáng. Chàng nghiêm giọng, thốt:
– Tiểu điệt nhìn nhận là Thanh muội có phạm tội vì bội ý chí của lão bá, điều đó chẳng qua trong một lúc khẩn cấp, lâm vào cái thế chẳng đặng đừng, nên nàng bắt buộc phải chọn sở đoản bỏ sở trường, chứ thật ra thì luôn luôn nàng hoài niệm lão bá trong thời gian ly khai lão bá. Thiết tưởng lão bá nên rộng lượng xét suy cho nàng.
Trương Vân Trúc lại cười nhạt:
– Vấn đề đâu phải là cái việc nên hay không nên rộng lượng xét suy như ngươi nêu ra? Bởi lão phu chẳng còn tha thiết đến bất cứ việc gì trên đời này, kể cả tình cảm đối với những người thân thiết. Đừng bao giờ nói với lão phu những tiếng cốt nhục thâm tình, bởi lão phu thận ra, tất cả đều giả dối, tất cả đều được trang sức bởi những văn từ đẹp đó, nhưng trong cái văn từ hấp dẫn đó, có biết bao tính toán lợi dụng, biết bao thủ đoạn. Huống chi, bất cứ thiếu nữ nào lớn lên trong cái tuổi dậy thì, khi lòng xuân dấy động, lại chẳng hướng ngoại? Và trung tâm vũ trụ đối với những thiếu nữ đó, là một hình bóng lý tưởng, hình bóng đó có giá trị hơn hẳn cái hình bóng của con người đã tạo ra chúng, chúng có thể quên đi tất cả, quên cha mẹ, quên thân tộc, quên quê hương, quên luôn lễ giáo để tôn thờ hình bóng đó như một kẻ cuồng tính của một giáo phái … Lão phu hiểu lắm, khi con gái lão phu bắt đầu mơ mộng, là ân tình sanh dưỡng của lão phu đối với nó cũng bắt đầu cáo chung, và lúc đó tìm được bóng hình lý tưởng, thì chính là ân tình thiêng liêng đó được mai táng cẩn thận dưới lớp ba lớp đất lạnh lùng …
Lão không buông một tiếng thở dài, lão lại gật gù tiếp luôn:
– Lão phu chẳng hề thương tâm trước sự phủ nhận của con gái, và hiện tại thì có thể bảo lão phu với nó, chỉ là hai kẻ xa lạ trên đường đời, lão có đưa tay dìu nó qua vài dặm khó, rồi từ đó nó cứ bước đều theo chiều hướng của con tim, lão phu lại tiếp tục lối đi của mình, đi cho trọn chu kỳ của một kiếp đời!
Quan Sơn Nguyệt rất thẹn. Trương Vân Trúc phê bình con gái, luận thế thác nhân rinh từ khuôn khổ gia đình, rộng ra thế nhân, có bao quát chàng phần nào.
Chàng tự hỏi, sự lạnh nhạt của cha con họ, do đâu? Chàng dự phần, bằng cách quyết dụ Trương Thanh chăng?
Dù sao, chàng cũng phải nhận là Trương Vân Trúc có đạo lý, tuy cái đạo lý có đặt trên một nền tảng nhỏ hẹp. Nhỏ hẹp, là cái đạo lý đó phải nghiêm khắc, lão có quyền suy luận nghiêm khắc đối với con gái lão.
Dù sao, chàng cũng cảm thấy mình cũng có dự phần trong việc chia ly của cha con họ. Bởi, trong gia đình họ, trước đây khá xa, có một hôm, bóng hình thứ ba xuất hiện … Chính sự xuất hiện của bóng hình thứ ba đó, là nguyên nhân của sự phân tán ngày nay. Người thứ ba, nếu chẳng phải chàng, thì còn ai nữa?
Chàng trầm ngâm một lúc lâu, mới thốt:
– Lão bá nên nhớ đến ân tình ngày trước của Trương bá mẫu, nhớ để cảm thông việc làm ngày nay của Thanh muội …
Trương Vân Trúc chớp mắt:
– Ngươi cũng có biết đoạn đời dĩ vãng của lão phu?
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
– Phải, lão bá! Tuyết Lão Thái Thái đã thừa nhận Thanh muội là cháu ngoại rồi, đồng thời truyền thụ cho nàng tất cả bí học của họ Tuyết.
Nhưng, điều tiết lộ của chàng không gây một phản ảnh nào nơi Trương Vân Trúc cả. Lão điềm nhiên tiếp:
– Ngoài y thuật ra, Tuyết gia chẳng có chi khác hơn đời …
Bỗng, lão hỏi:
– Vừa rồi, ngươi nói rằng, Thanh nhi vì lão phu nên ly khai ngươi? Sự tình như thế nào?
Quan Sơn Nguyệt cười lạnh:
– Lão bá có thể tự hỏi mình, cần chi phải hỏi tiểu điệt? Trong mấy tháng gần đây, lão bá đã có hành vi như thế nào?
Trương Vân Trúc lắc đầu:
– Lão phu có làm chi đâu?
Tin hay không tin? Có đúng là trong thời gian gần đây, Trương Vân Trúc không hề hoạt động trên giang hồ?
Dù muốn tin, chàng cũng khó tin. Cho nên, chàng phải hỏi tiếp:
– Trong mấy lúc sau này, lão bá có đến các môn các phái trên giang hồ chăng?
Trương Vân Trúc gật đầu:
– Có chứ! Lão phu có viếng qua các phái, nhưng chẳng phải tất cả, lão phu chỉ tìm đến những môn phái hữu danh nhất trong võ lâm mà thôi.
Lão xác nhận điều đó!
Quan Sơn Nguyệt biến sắc mặt:
– Có thật như vậy à?
Trương Vân Trúc cau mày:
– Sao là giả, sao là thật? Ngươi không thể nói rõ ràng hơn cho ta nghe à?
Quan Sơn Nguyệt cố dằn bất mãn thốt:
– Cứ theo lời truyền thuyết, thì lão bá tìm đến các môn các phái đó, đoạt lấy bí kiếp vũ công của người ta …
Trương Vân Trúc điềm nhiên điểm một nụ cười:
– Ngươi nói thật khó nghe quá chừng. Sự thật thì đâu đến đổi quá nghiêm trọng như ngươi đã hiểu qua lời truyền thuyết mà ngươi có dịp nghe đó?
Quan Sơn Nguyệt rất bực, vừa bực vừa tức uất, chàng hơi xẵng hơn trước:
– Lão bá biết không, những môn phái bị cướp đoạt vật báu đều xuất phát cao thủ, trinh thám khắp bốn phương trời, quyết tìm cho được lão bá …
Trương Vân Trúc vẫn cười:
– Giả như ngươi muốn hiểu tận tường sự việc, ngươi cứ đến viếng từng môn phái một, xem sự tình như thế nào? Ngươi sẽ thấy là tại mỗi nơi, không còn ai xao xuyến nữa, trái lại, ai ai cũng hài lòng với sự thu hoạch trong chuyến xuất ngoại theo dấu chân ta! Có thể là một vài nơi tri ân ta, và đang nhắc nhở đến ta đấy! Như vậy, ta làm lợi cho họ, chứ có gây thiệt hại cho họ đâu?
Quan Sơn Nguyệt giận lắm, song cố dằn lòng, tiếp:
– Chẳng những lão bá đoạt bí kíp vũ công của người, mà lão bá còn làm hại đến một số người nữa, như Thống Thiền đại sư trong phái Thiếu Lâm giờ đây như tàn phế, như Thiên Cơ đạo trưởng phái Vũ Đương, vì nhiểm độc mà chết và còn nhiều người khác, cũng bị lão bá hãm hại một cách tàn nhẫn như thế đó, lão bá lại tự hào làm điều đó lợi cho họ, thì thật là tiểu điệt chẳng hiểu nổi rồi!
Trương Vân Trúc không nao núng, đáp:
– Phải có một nguyên nhân chi đó, nên một số người lâm vào cảnh như ngươi vừa nói, người ta thoạt đầu nghi ngờ ta, nên có sự nhận xét bất lợi cho ta, trong lúc tình cờ, ngươi nghe được những lời phê phán lệch lạc đó, rồi đổ lỗi cho ta. May mà ta gặp ngươi để nghe ngươi buộc tội oan như thế, ta có dịp biện hộ cho mình. Nếu ngươi không tin sự biện hộ của ta, thì cứ đến một vài nơi hỏi lại họ.
Hỏi cho biết rồi, ngươi sẽ có cảm tưởng chính xác về ta. Cho ngươi biết, hiện nay tại Thiếu Lâm phái và Vũ Đương phái có sự thay đổi Chưởng môn, và người mới tuân theo di mạng của người cũ, không còn hận ta như ngày nào nữa.
Quan Sơn Nguyệt sững sờ.
Thế là nghĩa làm sao? Cướp đoạt bí kíp vũ công của người ta, gây tổn hại cho người ta, mà lại cho là làm lợi cho người ta! Có trời mới hiểu nỗi uẩn khúc của sự tình!
Lâu lắm, Quan Sơn Nguyệt hỏi tiếp:
– Về trường hợp hai phái Thiếu Lâm và Vũ Đương, tạm thời tiểu điệt chấp nhận như vậy đi, còn những gì đã xảy ra trong Vô Cực Kiếm Phái tại Âm Sơn, lão bá giải thích như thế nào?
Trương Vân Trúc chớp mắt:
– Vô Cực Kiếm Phái? Tại Âm Sơn? Ngươi nói gì, ta không hiểu! Bình sanh, ta chưa hề nghe ai nói đến kiếm phái đó!
Lần này, Quan Sơn Nguyệt không dằn nổi cơn phẫn hận, cao giọng thốt:
– Lão bá đến đó, cưỡng hiếp Âm Lệ Hoa, con gái của Chưởng môn Âm Tố Quân, bây giờ nàng ấy điên điên dại dại, ngày ngày cứ kêu gọi lão bá, mong lão bá trở về sum họp với nàng …
Và, lần này thì Trương Vân Trúc không còn bình thản được nữa, lão biến sắc, cũng cao giọng như chàng:
– Nói nhảm! Ngươi cho ta là hạng gì?
Quan Sơn Nguyệt xì hơi được, mạnh dạn «xì» luôn:
– Âm Tố Quân hận lão bá cực điểm đó, giả như gặp lão bá ở đâu, bà ta dám liều sống chết với lão bá lắm! Chẳng lẽ bà căm hận như vậy, lại chẳng có nguyên do? Chẳng lẽ việc đó cũng giả luôn?
Trương Vân Trúc trầm giọng:
– Ta bình sanh chưa hề biết mặt Âm Tố Quân, chứ đừng nói là có gặp gỡ bà ấy. Hẳn là mẹ con bà ta lầm người! Cứ trông ai mà tưởng là ta! Làm gì bà ta biết được ta mà dám đề án một cách quả quyết như vậy chứ? Vô lý quá chừng!
Quan Sơn Nguyệt lạnh lùng:
– Cứ theo lời tường thuật của Âm Tố Quân, thì người đó đúng là lão bá!
Trương Vân Trúc bình tĩnh trở lại, suy nghĩ một lúc lâu, đoạn thốt:
– Sự việc đó, có nhiều điểm khả nghi, ta phải nghiên cứu kỹ nhất định thế nào ta cũng minh bạch uẩn khúc của nó … Thật ta không ngờ lại có việc rắc rối như vậy! Đúng là biết người, biết mặt nào ai biết được lòng.
Quan Sơn Nguyệt lại sững sờ! Lão liên tưởng đến ai, mà nói lên câu đó?
Một lúc lâu, chàng hỏi:
– Thực sự, sự tình như thế nào, lão bá có thể cho tiểu điệt biết chăng?
Trương Vân Trúc khoát tay:
– Đừng hỏi gì gấp. Sớm muộn gì, ta cũng phải truy nguyên việc đó rồi ngươi cũng sẽ hiểu.
Lão mơ màng một chút, đoạn tiếp:
– Chắc là Thanh nhi, vì việc đó nên nó …
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
– Phải! Thanh muội làm sao chịu nổi tủi nhục khi nghe những lời truyền thuyết đó? Cho nên, nàng quyết tìm cho được lão bá.
Trương Vân Trúc «hừ» một tiếng:
– Làm gì có việc nó quá lo nghĩ về ta như vậy? Nó có khi nào thông cảm tâm tình của cha nó đâu? Ngươi đoán sai đó!
Nhưng rồi lão cũng hỏi:
– Tại sao ngươi để cho nó ra đi một mình như thế? Giả như có điều gì bất trắc xảy đến cho nó thì sao?
Quan Sơn Nguyệt đáp gấp:
– Thanh muội ra đi, có Bành tiền bối Phi Thiên Dạ Xoa đi theo, chiếu liệu dọc đường. Hiện tại, Bành tiền bối đang có mặt kia, lão bá và tiểu điệt đến đó hỏi qua, cho biết sự tình như thế nào.
Trương Vân Trúc lắc đầu:
– Không nên vội. Trước mắt đây, có rất nhiều việc quan trọng cần giải quyết, tạm thời chúng ta bỏ qua việc đó đi, khi nào sự tình tại đây xong rồi, chúng ta sẽ trở lại việc đó cũng không muộn.
Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm một chút lại hỏi:
– Lão bá đến đây, có việc chi? Chẳng lẽ lão bá cũng là người trong Hội Long Hoa?
Trương Vân Trúc cười nhẹ:
– Cũng có thể như ngươi nói đó! Đến giờ phút này, ta chưa chánh thức là người trong hội, song trong chốc lát nữa đây … Mà thôi, chúng ta cũng bỏ luôn việc đó đi, nói làm gì khi chưa đúng lúc! Ngươi đã đến nơi rồi, ít nhất ngươi cũng có biết qua một vài quy điều đó, có khoản cấm mọi người nhại miệng lắm lời. Giả như ngươi có thắc mắc, thì ngươi cứ an tịch chờ xem, cuối cùng ngươi cũng tự tìm giải đáp được, chẳng cần phải hỏi ai. Có hỏi, cũng chẳng ai nói cho ngươi hiểu đâu, trái lại hỏi nhiều lại phạm quy điều, thêm rắc rối.
Quan Sơn Nguyệt nhìn lão nửa tin nửa ngờ.
Lão đã là người trong hội, hay chưa chánh thức gia nhập? Lão từ khước, chẳng chịu nói rõ ràng, thì chàng đành phải chờ hiểu, như lão vừa nói.
Chàng ngồi xuống chiếc đôn bằng đá đảo mắt quan sát một vòng.
Không lâu lắm, có tiếng thang la vang lên, thanh la vang lớn chấn động màng tai.
Những người hiện diện đang bàn luận từng nhóm năm, nhóm ba lúc đó bỗng ngưng bặt tiếng nói, tiếng cười, giữ sự bình tịnh hoàn toàn.
Ai đứng sẵn, cũng xuôi tay, chỉnh nghiêm thần sắc. Ai đang ngồi, cũng đứng lên gấp, rồi xuôi tay, rồi chỉnh nghiêm gương mặt.
Vẻ khác thường hiện rõ ở mỗi người.
Trương Vân Trúc cũng như mọi người, đứng lên sửa dáng nghiêm trang, đồng thời đưa mắt ra hiệu với Quan Sơn Nguyệt.
Lập tức, chàng đứng lên.
Lúc đó, nơi đài cao, các đồng nam đồng nữ đã giàn hầu thành hàng ngũ đúng theo nghi thức, tên nào cũng mặc y phục gấm năm màu, trông sặc sỡ lạ.
Một đồng tử cất tiếng:
– Long Hoa Hội sắp khai mạc! Xin mời toàn thể quý vị y theo thứ tự trong bảng, lập thành đội ngũ, để bắt đầu cuộc điểm danh, kiểm nhân số.
Bên dưới đài, mọi người dao động một lúc. Sau cùng, họ đã lập thành ba nhóm.
Quan Sơn Nguyệt nhận ra, trong số những người có tên trên Bảng Tiên, có Hồ Hải Dị Tẩu Bốc Thượng Xuân.
Bảng Tiên rất ít người so với Bảng Ma, nhưng trong bảng này Quan Sơn Nguyệt có nhiều người quen, những người đó là chị em họ Lạc và lão Liễu Sơ Dương.
Phi Thiên Dạ Xoa đứng trong hàng ngũ Quỷ Bảng.
Dĩ nhiên, trong bảng này, có Khôi Y Thị Giả Tiêu Nhất Bình, song chỉ có mỗi một mình y, còn những du hồn kia thì vắng mặt.
Chừng như chỉ có vị thủ lãnh Thập Đại Du Hồn được đứng trong hàng ngũ thôi.
Đồng nữ lại tuyên bố:
– Các vị đầu bảng, hãy bước ra, kiểm điểm nhân số của bảng mình.
Chưa ai nhút nhích, Khổ Hải Từ Hàng từ ngoài cửa, chạy vào, cao giọng thốt:
– Trừ hai vị Lịnh chủ, và hai ngôi khuyết tịch chờ điền vào, Tiên Bảng chẳng thiếu một ai.
Nữ Đồng hỏi:
– Những người chờ điền khuyết, có đến đây hay không?
Khổ Hải Từ Hàng đáp:
– Có! Ngoài ra còn ba người mới, chờ được liệt tên.
Nữ đồng khoát một vòng tay.
Vòng khói che khuất bên trên đài, bỗng tan biến, một chữ «Tiên» hiện ra, chữ đó cũng do khói kết tụ hình, lơ lửng giữa không gian chẳng hề tan biến. Chữ đó, màu xanh nhạt, màu sắc bao hàm cái ý thanh đạm, của những người thích thanh phước hơn hồng phước.
Bây giờ, đến lượt người trong Ma Bảng xuất đầu.
Và, Kỳ Hạo cất tiếng:
– Ma Bảng đủ nhân số!
Nữ đồng lại khoát một vòng tay.
Như lần trước, một vầng khói tan, một chữ «Ma» hiện ra, cũng do khói kết tụ hình, nhưng lại màu hồng.
Kỳ Hạo lại tiếp:
– Người đầu bảng trong Ma Bảng yêu cầu giải tỏa đường dây đã cột nơi cánh tay, để dễ bề xoay trở, hầu điều động nhân số trong bảng cung nghinh tiên giá!
Nữ đồng ngẩng mặt lên không, như chờ đợi một lịnh được từ cung trời ban xuống. Một phút sau, nó nhìn xuống Kỳ Hạo, bên dưới đài, thốt:
– Điều thỉnh cầu được chấp thuận!
Kỳ Hạo thở phào gương mặt nở tươi như ngày nào còn bừng bừng tự đắc.
Hắn nghiêng mình, cung kính tỏ sự tri ân:
– Đa tạ tiên nữ từ bi!
Khi hắn đứng thẳng người trở lại, thì đường dây đỏ quấn quanh cánh tay đã tháo tung ra, song hắn chưa có thể vươn thẳng cánh tay liền, bởi cánh tay đó bị co lâu ngày, quen gân mà chừng như máu cũng ngưng vận chuyển qua cánh chõ, thành ra cánh tay như bị tê liệt.
Vừa lúc đó, từ bên ngoài, một nữ nhân mặt y phục đen, lướt vào, nhẹ nhàng như có vầng mây lót chân nàng đưa vào hội trường. Nữ nhân cũng che kín bằng một lượt sa đen, nếu chẳng có mớ tóc mượt bỏ xõa, phất phất theo đà tiến, thì chẳng ai nhận ra đó là một nữ nhân. Nữ nhân nghiêng mình, cung kính báo cáo:
– Kể cả tân lẫn cựu, nhân số của Quỷ Bảng gồm chín mươi hai người, toàn thể đều có mặt, chờ lịnh trên sai khiến.
Nữ đồng cau mày:
– Tại sao chỉ có chín mươi hai người, không đủ số một trăm.
Nữ nhân bao mặt đáp:
– Nhân tài rất hiếm, không phải mỗi lúc một tìm ra!
Nữ đồng lại ngẩng mặt lên không, chờ lịnh. Một phút sau, nó thốt:
– Tạm thời, chấp nhận cho dự hội, sau này sẽ bàn đến việc bổ sung đủ nhân số.
Nữ nhân bao mặt nghiêng mình:
– Đa tạ Tiên tử từ bi!
Như hai lần trước, nữ đồng phất tay, khói mờ ở một phía đài tan biến, một chữ «Quỷ» to lớn hiện ra, cũng bằng một thứ khói kết tinh thành hình.
Quan Sơn Nguyệt hết sức hoang mang. Dù chàng nghĩ là những người sáng lập cái Hội Long Hoa này, có ý tạo dựng một việc rất hoang đường, song xem ra thì cũng có phần nào huyền ảo mường tượng cảnh tiên, và nữ đồng kia, tuy còn ít tuổi, mà đã tỏ lộ một bản lĩnh tân kỳ, cái thái độ lại chững chạc như bậc cao niên.
Thì ra, cung cách ở đây được nghiên cứu rất chu đáo, và mọi người đều nhiễm phong độ của giới thần tiên đồng như đồng hóa hoàn toàn.
Vẫy tay, sanh khói, điều đó cũng chẳng lạ gì, bởi bất quá chỉ cầm một vật sanh khói nơi tay, tay phát ra là khói vút đi.
Nhưng, cái tuyệt diệu là chỗ ngưng tụ khói thành hình, không tan biến, lại thành chữ, nếu nữ đồng không luyện được môn khí công đó đến mức diệu huyền, thì làm gì tạo được cái kết quả phi thường đó?
Đã ngưng tụ được khói, lại vẽ thành chữ, rồi biến chữ có màu, có sắc, ai không tưởng nữ đồng có tiên thuật?
Và nếu có tiên thuật, nó lại phục dịch một số người tại đây, số người đó hẳn phải là tiên rồi.
Một bằng cớ khác, là cứ mỗi lúc thỉnh ý cái vị tiên, thì nó lại ngẩng mặt nhìn lên trời cao. Trên đó, là thế giới của tiên, lịnh trên đó bang xuống hẳn là lịnh tiên!
Quan Sơn Nguyệt dù không tin tưởng sự huyền bí của Hội Long Hoa này, cũng phải lấy làm lạ …
Chàng thừa hiểu, màu chất của màu khói kia, là do bản chất của các loại khí trong người phát sanh. Khí từ huyết mạch bốc ra, do tâm can mà thành, do đó có màu hồng. Và «U Minh Khí», thuộc âm, phát ra từ các lỗ chân lông tứ chi, nên hiện qua màu đen.
Nữ đồng, tuổi chưa tròn hai mươi, lại phát huy được các khí dễ dàng, tùy ý, hẳn đã phải tập luyện ngay từ lúc vừa mở mắt chào đời, và tư chất của nó phải đặc biệt lắm. Một người thường học võ, trải hằng mấy mươi năm cũng chưa hẳn đạt được cái kết quả của nó ngày nay!
Khi ba bảng Tiên, Ma, Quỷ đã vào hàng ngũ xong rồi, nhân số kiểm điểm xong rồi, nữ đồng lại cất giọng lên không, cao giọng trình:
– Mọi nghi thức đã được cử hành chu đáo, kính thỉnh Hội Chủ giáng lâm, chủ trì đại lễ.
Từ trên cao, có tiếng nhạc phát ra, nho nhỏ, vắng xuống hội trường.
Quan Sơn Nguyệt khẩn trương vô cùng. Bởi, theo lời những người trong hội mà chàng được nghe, thì ân sư chàng là Độc Cô Minh, là một trong các vị Hội Chủ Long Hoa Hội. Các vị Hội Chủ sắp đến đài, là chàng sẽ gặp lại ân sư chàng.
Trên cao, mây giăng mắc, đột nhiên lớp mây đỏ, bày một lỗ hổng, từ lỗ hổng, có bốn người, lần lượt đáp xuống đài. Họ đáp xuống, gió lồng lên, thổi phồng y phục của họ, tạo cho họ cái dáng phiêu phưởng, chính cái dáng đó làm cho họ giống thần tiên, dù chưa ai biết thần tiên có dáng như thế nào.
Trên đời này, ai tự hào mình có gặp thần tiên?
Trước cảnh tượng đó, nếu lấy con mắt phàm phu tục tử mà nhìn thì phải cho là thần tiên từ cung trời giáng hạ trần gian.
Nhưng, con nhà võ đâu lạ gì với những cái trò như vậy? Nhất là con nhà võ đã đạt đến mức thành tựu học tập khá cao, như Quan Sơn Nguyệt?
Chàng hiểu ngay, họ luyện thuật khinh công đến độ siêu thần nhập hóa, họ có thể đề khí giữ mình lơ lửng giữa không trung một thời gian lâu, và họ bay nhẹ nhàng như những con chim, khi đáp xuống lại chẳng gây một tiếng động nhỏ.
Bốn người đó từ từ đáp xuống, như bốn chiếc lá khô lìa cành, lá rơi không gặp gió, lá từ từ xuống thẳng, chẳng chao mình, chẳng lệch hướng.
Quan Sơn Nguyệt đã chú ý ngay từ lúc họ chui qua lỗ trống của vầng khói kết tụ làm mây. Trong bốn người đó chàng hy vọng nhận diện một, và một đó, hiển nhiên là Độc Cô Minh, ân sư của chàng.
Bởi, cứ theo lời nhiều người trong Hội đã nói với chàng, thì Độc Cô Minh là một trong bốn Hội Chủ Long Hoa Hội. Như vậy, hẳn phải có ân sư chàng trong số đó.
Không!
Khi chàng trông thấy rõ cả bốn người, thì chàng không nhận diện ân sư chàng trong số đó. Tự nhiên, chàng thất vọng nặng nề.
Bốn người đó, tác trung niên, hai người mặc áo xanh, gương mặt rất tròn, mường tượng mảnh trăng rằm, có râu dài, bởi tuổi chưa cao nên râu còn đen nhánh … Trong hai người còn lại, một mặc áo đỏ, hàm râu ngắn và quăn thuộc loại râu rồng, còn người cuối thì mặt áo đen, thân vóc ốm không râu.
Như vậy, là không có Độc Cô Minh rồi!
Người trong ba bảng, đứng thành nhóm riêng biệt bên dưới đài, thì thầm bàn tán, chừng như họ cũng có ý nghĩ như Quan Sơn Nguyệt, họ cũng lạ lùng như chàng.
Thấy hội trường hơi xôn xao, và khung cảnh có phần nào ồn ào, nữ đồng cao giọng chỉnh:
– Hội Chủ giá lâm, tất cả phải giữ im lặng hoàn toàn!
Mọi người đều im thin thít.
Bên trên đài, hai hàng đồng tử cả nam lẫn nữ đều cúi đầu, cung cung kính kính.
Nữ đồng phát ngôn nghiêng mình thốt:
– Linh Nô xin cung nghinh pháp giá Hội Chủ!
Người mặc áo xanh vòng tay, mỉm cười:
– Không dám! Linh Cô nhọc chi thế! Cái lễ, cốt thành chứ chẳng cần cung cách thái quá!
Nữ đồng, tên Linh Cô, điểm nụ cười tươi, đứng thẳng người lên, rồi bước sang một bên.
Bây giờ, bên dưới đài, mọi người đều nghiêng mình cao giọng chào:
– Tham kiến Hội Chủ giá lâm.
Người áo xanh vội vàng đáp lễ:
– Đa tạ các vị! Mới ngày nào đó, rồi thắm thoát mà đã hai mươi độ xuân tới, xuân đi! Trong thời gian tạm biệt, chắc các vị vẫn được bình an chứ?
Bên dưới đài, mọi người rập nhau thốt:
– Nhờ hồng phúc của Hội Chủ, bọn thuộc hạ đều vô sự suốt mấy năm qua!
Người áo xanh đảo mắt nhìn quanh một vòng, tiếp:
– Cứ mỗi lần có họp mặt nhau, là y như con số người hiện diện đổi thay!
Người cũ đã ra đi, cũng may có những người mới thay vào! Nhân sanh tán tụ sao mà nhanh chóng thế?
Người đó thở dài, để nhớ đến người xưa, rồi cười tươi chúc mừng những khuôn mặt mới. Y tán luôn những người mới có khí thái kiêu hùng, ai ai cũng hiện lộ hoa anh, ai ai cũng có cái vẻ hào hiệp.
Bên dưới đài, quần thần, quỷ, ma đồng loạt thốt:
– Đa tạ Hội Chủ khen ngợi!
Người áo xanh lại cười mấy tiếng, rồi tiếp:
– Đại hội hôm nay, có một vài chuyển biến, ngoài chỗ dự liệu của mọi người, mà lão phu không tiện thông tri trước cho toàn thể đại biểu hội hiểu. Ngoài ra, Hoàng Hạc Tán Nhân vì bận việc phải vắng mặt nên lão phu tạm thay thế, xử lý sự vụ.
Quan Sơn Nguyệt không kịp suy nghĩ, vụt hỏi:
– Ân sư của tại hạ bận việc gì phải vắng mặt? Người đi đâu?
Toàn thể đại hội đều giật mình.
Người áo xanh cũng kinh ngạc. Lão ta nhìn xuống Quan Sơn Nguyệt, tựa hồ muốn hỏi lai lịch chàng. Nhưng, Linh Cô đã bước tới, thì thầm bên tai lão. Người áo xanh điểm nhẹ nụ cười, thốt:
– Lịnh sư sẽ đến đây trong chốc lát, các hạ nên kiên nhẫn chờ, rồi cũng sẽ gặp người. Xin đừng hỏi gì hơn, gây trở ngại cho sự việc của đại hội.
Quan Sơn Nguyệt nín lặng.
Người áo xanh vẫy tay ra khắp mọi người tiếp:
– Xin tất cả vào ngôi vị, đồng dự tiệc như những kỳ đại hội trước, đợi khi nào các vị Tiên, Ma, Quỷ từ Thiên Ngoại Thiên đến, chúng ta sẽ chỉnh đốn các bảng.
Theo cái vẫy tay của lão, tiếng nhạc vang lên, mọi người đều vào tiệc. Ai muốn ngồi bàn nào, cứ ngồi, không còn phân biệt theo từng bảng nữa. Bây giờ, thì họ được quyền cười, nói lớn cũng chẳng sao, và dĩ nhiên phải ồn ào, bởi có tiệc vui nào lại khai diễn trong lặng lẽ?
Bên dưới, ăn uống vui vầy, bên trên đài, hai hàng đồng nam đồng nữ vẫn cứ đứng im như cũ. Còn bốn vị Hội chủ thì xuống đài, hiệp chung với quần Thần, quần Ma, quần Quỷ.
Cảnh ồn ào càng thêm náo nhiệt với những thị đồng chạy đầu này, vọt sang đầu kia, thêm quả thêm rượu.
Trước đó, khung cảnh trang nghiêm bao nhiêu, thì giờ đây, hỗn loạn bấy nhiêu.
Lạc Tiểu Hồng gọi Quan Sơn Nguyệt:
– Đại ca! Tôi đến gặp mẹ nhé!
Vừa nói, nàng vừa vọt đi, không đợi xem Quan Sơn Nguyệt có ưng thuận hay không.
Quan Sơn Nguyệt toan bước theo nàng, nhưng một bóng người xuất hiện trước mặt, chận chàng lại.
Người đó, chính là người áo xanh, một trong bốn vị Hội Chủ. Lão khoát tay:
– Đi đâu làm chi, thế huynh! Chúng ta đàm đạo nhau đi!
Chính Quan Sơn Nguyệt cũng có ý tìm lão để hỏi tin tức về ân sư, bây giờ lão tự đến với chàng, thì còn gì hơn? Chàng vòng tay chào liền:
– Xin mời tiền bối ngồi! Tại hạ đang muốn bái kiến tiền bối đây!
Người áo xanh mỉm cười, ngồi xuống chiếc đôn đối diện với chàng.
Linh Cô mang rượu và thức nhắm cho lão, đoạn thốt:
– Linh Nô hầu rượu Hội Chủ.
Người áo xanh đưa tay vuốt nhẹ nơi má nó, rồi mỉm cười:
– Tiểu liễu đầu lại muốn giám thị lão phu nữa phải không? Ngươi yên trí, lão phu không hề nói chi phạm quy luật đâu!
Linh Cô chớp chớp mắt cười nhẹ:
– Nói nhiều, thì thể nào cũng có thất ngôn, mà lão gia thì lại thích nói khi rượu vào khá. Cho nên, Y Ảo tiên tử bảo Linh Nô hầu rượu lão gia, thỉnh thoảng đề tỉnh lão gia.
Người áo xanh giật mình:
– Sao lạ thế? Nào có liên quan gì đến Y Ảo tiên tử, mà bà ta lo ngại?
Linh cô chớp mắt:
– Sao lại chẳng liên quan, lão gia? Quan công tử là người do tiên cô thỉnh đến đây mà, nếu chẳng phải vậy thì công tử đâu có mặt tại hội trường?
Người áo xanh cười hì hì:
– Thì ra là thế!
Lão hướng sang Quan Sơn Nguyệt, tiếp:
– Lão đệ may mắn lắm đó nhé! Bình sanh, tiên tử chẳng hề dễ dãi với ai vậy mà bà ta lại có cảm tình với lão đệ, thật là …
Linh cô «hừ» một tiếng:
– Thấy chưa! Lão gia chưa uống rượu, mà còn nói như vậy, nếu đã uống rượu vào rồi, thì phong túng đến bực nào nữa chứ?
Người áo xanh lè lưỡi:
– Lỗi quá! Lỗi quá! Lão phu quên mất!
Quan Sơn Nguyệt ngồi nghe, chẳng hiểu họ nói gì với nhau, thái độ của họ làm cho chàng hết sức lấy làm lạ. Chàng không được bình tĩnh lắm, bởi lúc đó chàng bị phân tâm rõ rệt.
Tai vừa theo dõi câu chuyện của người áo xanh và Linh Cô, mắt chàng hướng về Trương Vân Trúc, lúc đó lão Trương đang ngồi chung với một người vận áo xanh, cả hai đâu đầu vào nhau, chừng như họ đang tranh nhau luận với nhau về một vấn đề chi đó. Chẳng những thế, một người áo đỏ cũng có mặt, dự thính.
Người áo xanh đối diện với chàng, nắm áo chàng, giật giật, nhắc:
– Uống, lão đệ! Mình làm mấy chén, cho khoái đi, lưu ý đến những trò quỷ chung quanh làm gì? Họ nói gì, làm gì mặc họ. Rắn chuột đâu đầu dụm mỏ với nhau, có gì đáng quan tâm?
Lão thốt với giọng khá cao, cốt ý cho những người bên cạnh nghe lọt.
Nhưng, người áo đỏ chỉ mỉm cười, chứ chẳng sừng sộ.
Người áo đỏ không giận, song người áo xanh, có cái tên là Kích Trúc Sanh, lại phẫn nộ. Lão gọi người áo xanh bên này:
– Nhất Âu huynh! Yêu cầu nói năng có lễ độ một chút!
Người áo xanh, có cái hiệu Nhất Âu, bật cười ha hả:
– Kích Trúc Sanh! Ngươi đừng tưởng là ta xem trọng ngươi nên mời ngươi thay mặt Hội Chủ! Trong con mắt của ta, ngươi bất quá chỉ là một con chó chết thúi, không hơn không kém! Nếu chẳng do cái lão Hoàng Hạc gởi gấm, thì ta đã chọn Hải Dị Nhi rồi, làm gì ta nghĩ đến ngươi chứ?
Kích Trúc Sanh sôi giận cực điểm, lập tức đứng lên, định sanh sự.
Nhất Âu lại cười vang:
– Ngồi xuống! Ngồi xuống đi. Bây giờ, chưa đến lúc đánh đấm với nhau, có nóng nảy cũng vô ích. Ngươi chỉ đợi một chút thôi mà, cơ hội động thủ sẽ đến trong chốc lát đây thôi. Nhưng ta chỉ sợ ngươi vừa vào cuộc là ngươi rơi đài ngay, bởi những người tranh bảng sẽ tìm ngươi trước nhất, và ngươi sẽ bị hạ dễ dàng.
Để chừng đó, ta xem ngươi sẽ chui vào đâu, dấu cái mặt lừa của ngươi!
Hai tiếng «mặt lừa» lão nhấn mạnh, cốt để cho nhiều người nghe lọt, càng có nhiều người nghe, lão càng thích.
Dĩ nhiên, những người ngồi ở các bàn gần đó đều nghe, và ai ai cũng cười, có người cười mỉm, có người cười thành tiếng, có người lại cười vang.
Kích Trúc Sanh vốn có gương mặt dài, mường tượng mặt lừa, ai ai cũng liên tưởng đến một khuôn mặt lừa, khi thấy khuôn mặt lão, song có ai phê phán, châm biếm làm gì? Bây giờ, lão Nhất Âu nêu lên, thì thật là đúng sự liên tưởng của họ, họ không nói được, nếu nghe ai nói ra, họ phải cười. Cái gì dồn ứ lâu ngày, được Nhất Âu khơi thông, tự nhiên cái đó phải tuôn tràn. Ai cẩn thận, thì cho nó rỉ ra rí rí, ai cao hứng quá thì tuôn ồ ra ngay.
Kích Trúc Sanh đang giận, hai tiếng đó như những gáo dầu đổ vào lửa, rồi những tiếng cười kia là những thùng dầu đổ thêm, lão chẳng còn chịu nổi nữa.
Lão đưa cao nắm tay đấm xuống mặt bàn, nắm tay ấn vào mặt đá, lún vào thấy rõ. Đồng thời, lão hét:
– Ngươi …
Nhưng, người áo đỏ nắm áo lão, kéo lại, thốt:
– Việc nhỏ, không dằn, việc lớn phải hỏng. Tiểu bất nhẫn, tất loạn đại mưu.
Ngồi đây, chúng ta không được yên tịnh, thì tìm bàn khác mà ngồi, tai không nghe lời nghịch, thì tâm làm gì uất tức?
Thôi xong, người áo đỏ kéo lão áo xanh đi.
Trương Vân Trúc cũng bị kéo đi theo họ, để tiếp tục câu chuyện dang dở.
Lão áo xanh, có cái hiệu Nhất Âu, bật cười ha hả, tỏ vẻ đắc ý vô cùng.
Linh Cô cũng cười, thốt:
– Lão gia không sợ người ta liên kết với nhau, ám hại à!
Lão nhân áo xanh ngẩng cao mặt:
– Sợ gì bọn ấy! Chính ta đang muốn so tài với họ đây mà, họ muốn động thủ lại càng hay chứ sao!
Linh Cô khoát một vòng tay, biểu lộ sự lo ngại:
– Lão gia không ngán họ muôi thù?
Lão nhân áo xanh thoáng giật mình.
Suy nghĩ một chút, lão thở dài, từ từ tiếp:
– Ngươi đề tỉnh ta! Đúng vậy, trêu vào họ, ta sẽ phải bị phiền phức mãi mãi.
Nhưng … tiên …
Linh Cô nghiêm sắc mặt:
– Lão gia thận trọng một chút!
Người áo xanh giật mình, sững sờ một chút, đoạn thở dài:
– Không nói, là không nói, không nói là hơn, phải vậy chứ hở tiểu quỷ!
Ngươi bảo là đến hầu rượu lão phu, mà lại chẳng rót, thức ăn lại chẳng trao! Thế ngươi định để cho bọn ta hớp gió Tây mà đàm đạo à?
Linh Cô mỉm cười:
– Lão gia ơi! Lão gia là vị khôi thủ trong bảng Tiên, mà tiên thì vẫn uống gió, ăn đá được như thường, lão gia cần chi những món khác, những món của phàm nhân?
Người áo xanh «hừ» một tiếng:
– Bỏ vài tiếng Tiên, bỏ luôn hai tiếng khôi thủ đi!
Lão lại «hừ hừ» liên tiếp mấy lượt, rồi gằn giọng:
– Cái lão Hoàng Hạc thật là thông minh, lão ta đem gánh nặng trao cho kẻ khác!
Lão lại than:
– Ta khổ quá, khổ hơn con ngựa, con chó, con trâu, đưa lưng chịu cho ai muốn làm chi thì làm, cái gánh nặng này, ta cùng lão hòa thượng kia, đảm đang làm sao trọn chứ?
Linh Cô vội xoa dịu, rót đầy chén rượu, cười hì hì, bảo:
– Uống đi, lão gia! Uống đi thôi! Nói mãi những lời vu vơ ấy, chi cho nhọc?
Thay vì nói, cứ uống, như vậy cái miệng phải khỏe hơn!
Người áo xanh cầm chén rượu, mời Quan Sơn Nguyệt:
– Cô bé nói phải đấy, lão đệ! Chúng ta cứ uống cho say, việc gì lớn đến đâu, chúng ta say rồi thì việc đó cũng chẳng quan trọng gì nữa. Chúng ta nên say, say mãi, say dài dài, càng say càng giảm thiểu trách nhiệm …
Quan Sơn Nguyệt cũng cầm chén lên:
– Xin lão tiền bối cho tại hạ biết phải xưng hô như thế nào?
Uống cạn chén rượu, người áo xanh vỗ tay «bạch bạch» lên đầu, cười hì hì:
– Ta hồ đồ quá! Nói tới nói lui nói mãi mà quên mất tự giới thiệu! Ta là Nhàn Du Giang Thượng Nhất Sa Âu, cái tên, hay cái hiệu cũng thế, nghe ra dài làm sao, cho nên ta rút gọn lại, chỉ còn bốn chữ Nhàn Du Nhất Âu. Đã rút gọn vậy rồi, nhiều người còn rút gọn hơn tí nữa, cuối cùng, chỉ còn hai tiếng Nhất Âu cộc lốc.
Quan Sơn Nguyệt nâng cao chén rượu tỏ vẻ tôn kính:
– Nhất Âu tiền bối …
Nhất Âu bật cười ha hả:
– Đến nơi đây rồi, không ai là tiền bối, không ai là hậu sanh cả, ngươi cứ gọi ta là Nhất Âu, gọi như thế cũng đủ lắm đó!
Quan Sơn Nguyệt điểm một nụ cười khiêm tốn:
– Tuy vậy chứ tại hạ đâu dám vô lễ, tiền bối đồng hàng với gia sư, tại hạ tôn kính gia sư, tất phải tôn kính tiền bối …
Linh Cô cười nhẹ, chen vào:
– Lão gia thích sự thẳng thắn, không chịu nổi mọi ràng buộc, người bảo sao, công tử cứ nghe và làm y như vậy, người sẽ rất hài lòng. Lão gia không muốn nghe ai gọi là tiền bối, vì sao công tử cũng biết chứ? Vì hàng tiền bối là những người sắp chết đến nơi, chẳng còn hưởng thọ được gì nhiều nữa, hiện tại còn đi đứng nằm ngồi, ăn và uống đó, song bất quá chỉ để chờ ngày thiên hạ đập xuống lỗ sâu trong lòng đất lạnh. Lão gia sợ ngộp ở trong đất lắm đó!
Nhất Âu bật cười vang:
– Tiểu quỷ lại châm chích mỉa mai ta đó, phải không? Mỗi một lời nói của ngươi có cái hiệu lực chọc nhột ta, nhột đến khó chịu!
Linh Cô điểm một nụ cười bí hiểm:
– Lão gia nói thế chứ cái chỗ nhột thật sự của lão gia, trên đời này có ai chạm tới được? Bởi, có ai biết chỗ nhột đó nằm tại bộ phận nào trong người lão gia đâu! Huống chi, rất có thể nó nằm ở ngoài cơ thể, và như vậy thì họa chăng chỉ có trời mới biết mà chạm vào!
Nhất Âu thẹn đỏ mặt, gắt:
– Tiểu quỷ đáng ghét quá chừng! Ta phải đánh ngươi mới được!
Lão đưa tay cao, như sắp sửa giáng mạnh xuống vai nàng, nhưng bàn tay đó chỉ rơi nhẹ nơi đầu vai, rồi vuốt xuống lưng phơn phớt vậy thôi.
Linh Cô cười hắc hắc, cười suýt ngã lộn dưới đất, cười suýt nhào vào lòng Nhất Âu.
Trẻ đã cười, gì cũng cười theo, một già một trẻ cười điên đảo, trông chẳng còn tôn ti chi cả.
Lúc đó, nơi các bàn chung quanh, gần cũng như xa, mọi người đều cười cười nói nói to tiếng lên rồi, rượu vào thì nguồn lòng mở rộng, họ vui nhộn, bao nhiêu năm dài mới gặp nhau một lần, bảo sao họ không vui? Giả như có thể, họ sẽ hàn huyên liên tiếp cả mấy hôm liền, cũng chẳng hết chuyện để kể cho nhau nghe, nói gì họ chỉ được vui trong một thời gian quá ngắn?
Ai nói, cứ nói, có chuyện cứ nói, vui thì cười trước, buồn thì sầu trước, chẳng ai nghe ai, chẳng ai cười với ai, sầu với ai. Nhưng, họ cười, họ nói với nhau, tuyệt nhiên chẳng ai dám lưu ý đến Nhất Âu và Quan Sơn Nguyệt.
Thân phận của Nhất Âu rất cao trong Long Hoa Hội, họ đâu dám cười chen?
Đến liếc mắt nhìn sang lão ta, họ vẫn không dám, nói chi là góp lời?
Quan Sơn Nguyệt bây giờ mới hỏi Linh Cô:
– Cô nương là …
Linh Cô cúi đầu, thấp giọng:
– Tôi ấy à? Tôi là một thị nữ, một kẻ tùy sai của tiên tử, chẳng có thân phận chi cả.
Nhất Âu cười hắc hắc:
– Tiểu quỷ khiêm nhường chi lắm thế? Thì cứ bảo ngươi là khắc tinh của toàn thể mọi người trong Tiên Bảng, thế có thành thật hơn không? Trên đời đâu có cái thứ thị nữ gì mà ai ai cũng ngán?
Linh Cô ngẩng mặt lên, nghênh nghênh, như muốn động thủ lắm, từ trên không trung, có tiếng chuông ngân dài, tiếng ngân thì dài nhưng hồi chuông gấp rút.
Tiệc rượu bị tiếng chuông đó ngăn chặn, mọi người ngừng uống ngừng ăn, ngừng cười nói, mọi người cùng ngẩng mặt nhìn lên cao.
Nhất Âu kinh nhạc, hỏi:
– Bây giờ là lúc nào, mà có tiếng chuông tiên ngân lên như vậy?
Linh Cô khẩn cấp ra mặt:
– Lão gia bước ra xem thử!
Nhất Âu đứng lên, phất đôi ống tay áo, lướt đi ngay. Lão không đi ngang, đi dọc, lão lên cao, đôi tay áo mở rộng ra như đôi cánh chim âu, quạt quạt, lão từ dưới đất, hướng đôi tay áo bay lên không trung.
Nối tiếp lão, Kích Trúc Sanh và người áo đỏ cũng lên theo.
Cuối cùng, là lão nhân gầy ốm.
Cả bốn người đều có một đặc điểm, thân pháp của họ linh hoạt vô cùng, mỗi người một vẻ, vẻ nào cũng đẹp cả. Quan Sơn Nguyệt buột miệng khen:
– Hay quá! Thân pháp Lăng Vân đó, quả thật tuyệt diệu! Trong vũ lâm ngày nay, phỏng có mấy người luyện được tuyệt kỹ đó?
Linh Cô khẩn trương ra mặt, mắt luôn luôn hướng lên không.
Bốn lão nhân lên cao rồi, tiếng chuông dứt ngay. Không gian trở nên trầm tĩnh, một sự trầm tĩnh quá nặng nề, ai ai cũng cảm thấy khó chịu.
Quan Sơn Nguyệt nhìn Linh Cô một lúc, hỏi:
– Tại sao tiểu muội không lên theo với họ?
Linh Cô đáp:
– Trong ngày hội này, Thiên Ngoại Thiên là nơi cấm địa, chỉ có bốn vị Hội Chủ được lên đó thôi! Lên đó, là lên chốn cấm địa đấy!
Bỗng nàng hỏi:
– Hay là công tử đưa tôi lên đó?
Quan Sơn Nguyệt giật mình:
– Tiểu muội còn không đủ tư cách lên đó, tại hạ lên sao được?
Linh cô lắc đầu:
– Chẳng quan hệ, bởi công tử chưa phải là người gia nhập chính thức, dù có lên đó cũng chẳng vi phạm quy luật của hội. Huống chi, có Y Ảo tiên tử che chở cho? Công tử cứ lên, tôi giả vờ đuổi theo công tử phía sau, như vậy là cả hai cùng lên.
Quan Sơn Nguyệt cũng muốn lên đó, xem qua cho biết tình hình, nghe Linh cô bày kế như vậy, trầm ngâm một lúc, rồi lộ vẻ lo lắng:
– Cao quá, biết tại hạ đủ sức lên tới hay không?
Linh Cô đáp gấp:
– Chắc chắc là đủ sức. Bất quá, chiều cao hơn hai mươi trượng thôi, lên đến đó, là có chỗ đứng ngay, nhất định không rơi xuống đâu mà sợ. Giả như công tử không lên nổi, tôi ở dưới tiếp trợ, đẩy lên cho!
Khi nào Quan Sơn Nguyệt lại bằng lòng để cho nàng tiếp trợ?
Chàng vọt đi liền, trong khi bên dưới có người kêu lên kinh hãi.