Võ Lâm Phong Thần Bảng

Chương 2: Độc Môn Của Lạc Hồn Cốc


Bạn đang đọc Võ Lâm Phong Thần Bảng – Chương 2: Độc Môn Của Lạc Hồn Cốc

Trao túi rượu cho Khổng Văn kỷ, Quan Sơn Nguyệt nói:
– Giữa sa mạc thâm u rất khó mà tìm được rượu quí, tự nhiên không thể nào dám sánh với «Thu Phong Ngọc Lộ» của Lạc Hồn Cốc, huynh đài thử coi có dùng tạm được hay không?
Khổng Văn Kỷ cười ha hả:
– Được rồi, như thế thì quá được rồi … thật không ngờ niên kỷ các hạ như thế mà tửu phẩm không kém Độc Cô Minh … à, à mùi rượi này thơm quá có lẽ nó phải được cất bằng nước suối từ đỉnh Thiên Sơn đây …
Quan Sơn Nguyệt cũng cười:
– Người của Lạc Hồn Cốc tự nhiên phải là bậc cao minh chắc «Dạ Quang Bôi» luôn có trong mình các hạ đấy chứ?
Lấy trong tay áo ra một cái chén ngọc nho nhỏ Khổng Văn Kỷ rót đầy chén rượu đưa lên:
– Tự nhiên là đệ có chuẩn bị sẵn sàng chứ, nào mời huynh đài …
Ngồi xếp bằng trên mặt cát, Quan Sơn Nguyệt cười ha hả:
– Làm sao có thể được cùng nhau cho rượu bày dưới ánh trăng, chúng ta có thể gác bỏ thế sự để say với chị Hằng một bữa … Nghe đâu năm xưa do Lạc Hồn Cốc ban rượu trước, vậy bây giờ xin y theo cung cách cũ cho nó có trước có sau.
Khổng Văn Kỷ mỉm cười đẩy nhẹ chén rượu lên không … Y như có người bợ tay bên dưới, chén rượu từ từ xê dịch về hướng Quan Sơn Nguyệt rồi dừng hẳn lại … Khổng Văn Kỷ lên tiếng:
– Xin thỉnh huynh đài.
Cùng một lượt với câu mời, họ Khổng vẫy nhẹ tay … Chén rượu đang lơ lửng giữa không trung chợt lật ngang và một vòi rượu phun ra như một vòi rồng …
Vẫn ngồi yên một chỗ, Quan Sơn Nguyệt lật ngửa bàn tay phẩy nhẹ trở lên.
Y như được lọc qua một búp sen, vòi rượu đang đà hướng về Quan Sơn Nguyệt vụt bay trở lại bắn ra tua tủa giống như một đám mưa.
Chỉ qua một cuộc trao đổi thật nhẹ nhàng như thế, cũng đủ làm cho quần hùng tán thưởng hoan hô, họ không biết năm xưa lúc Độc Cô Minh giao đấu với Khổng Văn Thông như thế nào, nhưng bằng vào hiện tại, Khổng Văn Kỷ và Quan Sơn Nguyệt đã chứng tỏ cho thấy đây không phải là loại tiểu xảo mà đôi bên đã thi triển một nội lực kinh người.
Khổng Văn Kỷ đang cười ha hả vụt trầm sắc mặt, đôi mắt hắn long lên xồng xộc và miệng vụt hé ra hít mạnh … Vùng «mưa rượu» đang lờ đờ trên không bỗng gom lại trút thẳng vào mồm họ Khổng, không một giọt nào rơi rớt ra ngoài!
Trở lại tư thái tươi cười, Khổng Văn Kỷ «ngoắt» chén ngọc trở về nghiêng túi da rót ra đầy chén khác đưa ngang mặt:
– Quả không hổ là cao đệ của Minh Đà Lệnh Chủ, chiêu thứ nhất tại hạ xin nhận là thua, song cuộc hội ngày nay không phải dễ dàng có được, chẳng hay huynh đài có vui lòng cho phép kính chén thứ hai?
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
– Khổng nhị tiên sinh quá khách sáo rồi đó, tại hạ đang chờ tiên sinh ở chén thứ hai đây!
Lữ Vô Úy hỏi nhỏ vị cao thủ Thiếu Lâm:
– Tại làm sao Khổng Văn Kỷ lại nhận là thua?
Thống Thiền đại sư mỉm cười:
– Lữ huynh không thấy rõ sao? Chén rượu trút thành một vòi, chứng tỏ nội lực tập trung một điểm, Quan Sơn Nguyệt phản kích biến vòi rượu thành một đám mưa, chứng tỏ nội lực tập trung bị đối phương phản kích, mà khi nội lực đối phương phân tán, thì mình chỉ còn đủ sức để gom lại thu hồi, như thế không nhận là thua thì còn gì nữa?
Lữ Vô Úy gật đầu tặc lưỡi:
– Tên tiểu tử tuổi nhỏ mà công lực thâm hậu như thế xem chừng hai mươi năm chờ đợi của chúng ta đã bị hoài công, cuộc hội đêm nay không có chút hy vọng gì đâu …
Thống Thiền đại sư nghiêm giọng:
– Lữ huynh không nên quá bi quan như thế, cuộc diện chưa phải đi đến mức tuyệt vọng như thế ấy đâu. Theo chỗ bần tăng thấy thì hình như họ Khổng vẫn chưa thi triển hết những ngón ngầm, có chuyện lạ xảy ra bây giờ đấy.
Lữ Vô Úy lặng thinh nhìn sững vào đấu trường, câu nói của nhà sư Thiếu Lâm vừa rồi làm cho ông ta chú ý …
Tia mắt của quần hào cũng bắt đầu nghiêng về phía Khổng Văn kỷ, những tia mắt ký thác về cuộc hội đêm nay.
Trong trận đấu … rượu, song phương im lặng, hình như họ đang vận dụng trí thức của mình để quyết định cho vấn đề thắng bại trong một cuộc đấu không thấy dạng sắc máu nhưng đầy dẫy cam go …
Đang trong tư thế trầm tư Khổng Văn Kỷ vụt mở bừng mắt và nói thật chậm:
– Tại hạ vừa mới nghĩ ra hai câu bất thành thi, do tức cảnh sinh tình, ngửa mong huynh đài chỉ giáo thêm cho?
Quan Sơn Nguyệt ngẩng mặt lên nhìn hắn:
– Thi của Khổng nhị tiên sinh thì nhất định phải là tuyệt tác, tại hạ rửa tai mà nghe vậy.
Khổng Văn Kỷ hai tay nâng chén rượu và cất giọng ngâm:
– Vô hạn hoàng sa thiên tải hận, bá chuyển tinh, hà kỷ độ thu …
Ngâm dứt hai câu thơ, họ Khổng bung hai tay chén rượu bay thẳng đến trước mặt Quan Sơn Nguyệt …
Quan Sơn Nguyệt cau mày:
“«Vô hạn hoàng sa thiên tải hận, bá chuyển tinh hà kỷ độ thu», cát vàng mịt mịt ngàn năm hận, trăng sao mấy độ chuyển thu qua …
Câu thơ với bối cảnh rõ ràng, thì ẩn ý của nó còn có gì thêm nữa?”.
Vầng trán thông minh của gã thanh niên hằn lên nhiều vết và chén rượu tuy chậm nhưng cũng đã đến ngay trước mặt rồi, gã đành phải đưa tay đón lấy:

– Tại hạ thật tình chưa hiểu được hết ý của Khổng nhị tiên sinh?
Khổng Văn Kỷ thản nhiên:
– Huynh đài cứ cạn chén rồi tự nhiên sẽ biết.
Quan Sơn Nguyệt làm một bài tính thật nhanh:
“Rượu là của mình, hắn rót ngay trước mặt, chén tuy của hắn nhưng hắn cũng đã uống rồi, cho dù có muốn, hắn cũng khó lòng giở trò gì được … Chỉ có điều hơi lạ là rượu đã tống sang, tại sao bàn tay của họ khổng cứ xòe ra và đưa về phía trước? Hắn định múa rối đây chăng?”.
Bàn tay vừa đụng vào chén rượu, Quan Sơn Nguyệt chợt «à» một tiếng mỉm cười:
– «Nam Minh Ly Hỏa Thần Công» thảo nào … Chân khí của Khổng nhị tiên sinh quả đã đến độ thuần thanh!
Chén rượu trên tay của Quan Sơn Nguyệt cứ hừng hừng như đang bắt trên lò lửa và hơi rượu bốc lên càng phút càng tăng … Cuối cùng, Quan Sơn Nguyệt lật tay trút chén rượu xuống đất, chén rượu khô queo không còn một giọt!
Cách một khoảng xa mà có thể vận dụng nhiệt khí để làm cho bốc hơi cạn rượu, lời khen của Quan Sơn nguyệt là một lời khen thành thật và quần hùng vây quanh đã nhón gót xuýt xoa, nhiếu tiếng vỗ tay tán thưởng thần công của họ Khổng. Ai cũng nghĩ rằng gã thanh niên cuồng ngạo đã bị một vố ngỡ ngàng …
Nhưng, Quan Sơn Nguyệt vẫn điềm nhiên:
– Thần công của Khổng nhị tiên sinh quả đã hơn người. Chỉ riêng hai câu thơ, tại hạ vẫn chưa nhận ra điều lạ?
Khổng Văn Kỷ cười nhạt:
– Nếu huynh đài có thể uống cạn chén rượu … không đó thì kể như là thấu trọn hai câu thơ non nớt của tại hạ ngay.
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười ngẩng mặt nhìn lên không và chợt nói:
– A, trời trong sáng không có lấy một áng mây, thế mà sao lại có mưa rào …
Bị câu nói không đầu không đuôi của Quan Sơn Nguyệt thu hút, quần hào ngẩng mặt lên nhìn …
Thật là lạ lùng, ngay khoảng không chính giữa đỉnh đầu của Quan Sơn Nguyệt bỗng nhiên có một bựng mù mù y như một đám sương, đám sương ấy lần lần gom lại và cuối cùng tạo thành một vòi nước nhỏ từ trên trút xuống …
Một người dùng nhiệt lực từ một khoảng cách có thể làm cho rượu bốc thành hơi cạn chén đã là một chuyện dị thường; bây giờ, lại có người vận dụng «Lãnh khí» khiến cho hơi rượu vừa bốc lên tụ lại ngưng đọng thành mưa rơi xuống, mà lại gom thành giọt thì quả là chuyện ngoài sức tường tượng …
Tán thưởng Khổng Văn Kỷ bao nhiêu, bây giờ quần hào quay qua hoan nghinh gã thanh niên nhiệt liệt …
Quan Sơn Nguyệt hé miệng đón hết vừng «mưa rượu» và bật cười ha hả:
– Nhờ đức tiên sư, tại hạ cố thực hiện hai câu thơ của cổ nhân «Thiên kim táng tận hoàn phục lai. Đản nguyện trường túy bất nguyện tỉnh» … Chẳng hay Khổng nhị tiên sinh quan lãm như thế nào?
Khổng Văn Kỷ cũng cười lớn:
– Làm thơ là Lý Bạch, mà giải nổi thâm ý của câu thơ thần diệu ấy lại là các hạ, nhưng, mong rằng các hạ đừng nên «trường túy» mà phải hết sức tỉnh táo để nghe cho kỹ mùi vị của chén rượu vừa rồi …
Quan Sơn Nguyệt cau mày:
– Trong chén rượu ấy …
Khổng Văn Kỷ khoát tay:
– Không, rượu vốn của huynh đài mang tới tại hạ chỉ thoa thêm vào cái chén ấy chút ít chất liệu để cho nó thêm duyên thế thôi mà!
Quan Sơn Nguyệt gặn lại:
– Chất liệu gì?
Khổng Văn Kỷ nở nụ cười hiểm ác:
– Hai câu thơ tức cảnh của tại hạ khi nãy ấy mà …
Đứng thẳng dậy ném cái chén đang cầm trong tay, Quan Sơn Nguyệt lập lại câu thơ nho nhỏ:
– Vô hạn hoàng sa thiên tải vận, bá chuyển tinh hà kỷ độ thu …
Vầng trán thông minh của gã thanh niên vụt lấm tấm mồ hôi …
Khổng Văn Kỷ cười ha hả:
– Tại hạ nghĩ rằng kẻ truyền nhân của Minh Đà Lệnh Chủ không chuyện chi không biết, nào dè chút xíu thế mà lại hàm hồ, đã thế, tại hạ xin nói thẳng:
trong cái chén ấy tại hạ chỉ trét phớt thật mỏng «Hoàng Hà Thiên Tinh Sa», chỉ phớt một lớp mong mỏng thôi, cũng đủ để anh hùng sa mạc mang lấy «Thiên cổ hận» …
Quan Sơn Nguyệt tái mặt, đưa tay lên miệng làm còi rít lên mấy tiếng, con Lạc Đà từ xa chạy lại … Với tay lấy bọc vải trên lưng Lạc Đà, và sau khi đem hết những tín vật trong túi bỏ hết xuống mặt cát, Quan Sơn nguyệt nhảy lên lưng con thú nhìn quanh bốn phía, gượng cười:
– Tín vật của các vị, tại hạ đã để lại đầy đủ tất cả, xin các vị vui lòng thân tự lựa lấy của mình …
Quần hào ngơ ngác nhìn nhau, cuộc diện diễn biến thật quá bất ngờ, tự họ, họ cũng không biết phản ứng ra sao cho phải lẽ …
Chờ cho bóng của Quan Sơn Nguyệt khuất lặn vào bóng tối xa, Khổng Văn Kỷ mới tiến lên nhặt lấy tín vật của mình, nhìn khắp mặt quần hào hé nụ cười đanh ác:
– Nhờ phúc đức của chư bằng hữu, đệ đã thắng được thằng oắt con quỉ quái ấy, vậy xin chư huynh đệ hãy đến nhận lại tín vật của bang phái mình đi!
Lặng im một lúc khá lâu, trong cao thủ mới bắt đầu có người nhích bước. Họ tiến ra nhặt lấy tín vật với thái độ cực kỳ miễn cưỡng.

Chung Nam Chưởng môn Lữ Vô Úy thở ra:
– Thật không dè cuộc hội đêm nay lại có thể chung kết như thế này!
Thống Thiền đại sư mỉm miệng lắc đầu, ông ta chỉ ra hiệu cho môn hạ ra nhặt tín vật mà lòng nghe buồn bã.
Người có vẻ tươi hơn hết có lẽ là Kim Sa Bảo chủ Cốc Lượng, người mà thiên hạ tưởng đâu đã bỏ về chứ không ngờ vẫn láng cháng trong bóng tối … Ông ta, nói với họ Khổng bằng lời trang trọng:
– Khổng nhị tiên sinh, thay mặt cho quần hùng để thu lại tín vật, nhất là riêng đối với lão phu thì sự cảm kích không sao lường được, chỉ có điều … có điều để cho hắn đi như thế thì e rằng chúng ta vấp phải chuyện thả cọp về rừng …
Khổng Văn Kỷ cười ha hả:
– Cốc huynh cứ yên chí lớn, không thể quá sáu tiếng đồng hồ, tại vùng sa mạc này sẽ có một chiếc thây đổ xuống rã ra thành nước, và quyển sổ di trú của nhân vật võ lâm nơi địa phủ sẽ có tên Quan Sơn Nguyệt điền vào. Đệ bảo đảm một trăm phần trăm là như thế.
Cốc Lượng trố mắt:
– «Hoàng Hà Thiên Tinh Sa» là vật chi mà lợi hại như thế?
Khổng Văn Kỷ cất giọng cười đắc ý:
– Nó là thứ độc dược trên đời có một, nó là một loại giống như dây mây đặc biệt sản xuất ở tận đỉnh Hoàng Hà, gốc của nó có những củ tròn tròn dính quanh theo rễ, dùng chất nước bên trong chế thành một thứ độc dược không mùi không sắc … À quên, nó là một thứ thuốc trị phong thấp, tê thấp cực kỳ công hiệu …
Cốc lượng càng kinh ngạc hơn nữa:
– Như thế thì tại sao hắn lại …
Khổng Văn Kỷ mỉm cười nham hiểm:
– Một giọt là thuốc tiên, mười giọt thuốc độc, riêng dung lượng thoa nơi chén ấy đủ sức giết một lượt mười người. Loại thuốc này ngấm lẹ lắm chỉ trong nháy mắt đã luồn vào trong máu và tự nhiên không làm sao trị được.
Cốc Lượng gật gù và vụt nhớ ra gặng lại:
– Nhưng chính Khổng Nhị Tiên Sinh cũng đã uống nơi chén ấy …
Khổng Văn Kỷ hất mắt dương dương tự đắc:
– «Hoàng Hà Thiên Tinh Sa» là chất rất khó hoà tan nếu không có hơi nóng, đệ uống là rượu lạnh thì làm sao trúng độc cho được!
Cốc Lượng vỗ tay:
– À … thì ra vụ cách không vận nhiệt khí là nhằm vào việc đó …
Khổng Văn Kỷ cười lớn:
– Hắn tuy tuổi nhỏ nhưng thằng oắt con ấy dễ dầu gì mà lừa được, nếu không có một thủ đoạn thật cao … tại hạ biết «Ly Hỏa Thần Công» chỉ để làm huê dạng để mà hoà tan chất thuốc, và khi hắn dùng «Lãnh Khí qui nguyên» thì thuốc đã tan vào rượu cả rồi.
Cốc Lượng xuýt xoa:
– Thật là thần cơ diệu toán … Các phái thu hồi được tín vật ngày hôm nay phải kể là công đức lớn lao của Khổng nhị tiên sinh!
Khổng Văn Kỷ xua tay:
– Ồ, đó là Cốc Bảo chủ quá khen cho, tại hạ chẳng qua thấy thời cơ thuận tiện đem chút tài mọn thế chư vị đỡ nhọc công thế thôi. Vả lại, Lạc Hồn Cốc xưa nay vốn là nơi hoang dã, hy vọng nhân dịp này được cùng với chư vị cao minh kết chút thâm tình. Khi nào có dịp, chúng tôi sẽ cung thỉnh chư vị quá bước đến đấy một phen, chắc quí vị niệm tình không từ chối!
Cốc Lượng cười hè hè:
– Khổng nhị tiên sinh thật quá khiêm nhường, suốt hai mươi năm nay võ lâm chúng ta giống như bị mắc một cục xương nghẹn ngang cuống họng, hôm nay nhờ Khổng nhị tiên sinh cho thuốc tiêu tan thì bằng hữu võ lâm phải nhớ ơn ấy phải cùng với quí Cốc liên lạc để kết tình giao hảo … nhất định trong vòng ít ngày tới đây tại hạ sẽ thân hành đến bái viếng Cốc chủ với Khổng nhị tiên sinh!
Trong lúc Cốc Lượng ba hoa tâng bốc thì có một số trong quần hào cũng xúm lại phụ họa theo.
Hình như sợ câu chuyện kéo dài đâm lợt lạt Khổng Văn Kỷ vội vã vòng tay:
– Chuyện lớn đã xong rồi, tại hạ xin phép chư vị cho lui trước để về phục lệnh gia huynh!
Cốc Lượng cúi rạp mình:
– Không dám, xin Khổng nhị tiên sinh hãy cứ tự tiện vậy.
Bọn phụ họa nãy giờ hùa lên vái chào khúm núm, họ Khổng gật gật đầu khoát tay kiêu hãnh bước đi. Quần hào cũng bắt đầu phân tán, bóng người nơi sa mạc thưa dần, thấy Thống Thiền đại sư đứng sững một chỗ dáng sắc trầm tư, Lữ Vô Úy khẽ hỏi:
– Hình như Đại sư có điều chi cảm khái?
Thống Thiền đại sư thở dài:
– Bần tăng không biết đây có phải bắt đầu cho giai đoạn thái bình, hay triệu chứng của võ lâm biến loạn?
Lữ Vô Úy ngạc nhiên:
– Đại sư nói câu ấy với ý chi?
Thống Thiền đại sư đáp bằng một giọng trầm trầm:

– Thật ra thì cũng không có gì làm căn cứ, cũng mong rằng điều mà bần tăng linh cảm ấy sẽ không thành sự thật …
Trầm ngâm khoảnh khắc, Lữ Vô Úy khẽ gục gật đầu:
– Lời của Chưởng môn khiến cho lão phu cũng đồng dự cảm, có lẽ cuộc hội ngày nay manh nha mộng bá chủ võ lâm của Lạc Hồn Cốc, cho nên dù gã họ Khổng đã thu lại cho chúng ta tín vật, nhưng đối với gã lão phu chẳng có cảm tình.
Thống Thiền đại sư lại khẽ thở dài chào vị Chưởng môn phái Chung Nam rồi vẫy tay cho môn đệ quay về …
Cuộc hội tưởng chừng như kinh thiên động địa kết thúc trong màu trời ảm đạm. Mọi người đã thành công nhưng đều cảm nghe như tiêng tiếc, gã thanh niên như một vì sao sáng đến đột ngột rồi đi một cách thình lình, tất cả đều vội vàng nhưng vẫn để lại trên vùng sa mạc vừng hào quang sáng chói … Hắn đã đi rồi, ngày mai của hắn không ai biết sẽ ra sao, dấu vết của hắn trên mặt đất cũng bị gió vô tình cuốn mất, nhưng những cái tên:
Minh Đà Lệnh Chủ, Độc Cô Minh, Quan Sơn Nguyệt … lại thành ký ức bất dịch trong tâm khảm của thiên hạ võ lâm …
—- oo —- Gió phần phật cuốn lên từng bựng cát, cả sa mạc mù mù chìm trong hình ảnh mông lung …
«Keng! Keng!» Tiếng chuông lạc đà buông rơi trong gió hú. Nó là tiếng duy nhất như nhắc nhở sự hiện hữu vì bóng dáng con người đã trở thành lạc lõng mênh mông …
Bằng một dáng sắc cực kỳ uể oải, Quan Sơn Nguyệt mọp trên lưng con Lạc Đà suốt hai ngày. Suốt hai ngày đêm chịu đựng cho gan ruột cồn cào như lửa đốt.
Sự phát tác của «Hoàng Hà Thiên Tinh Sa» không một ai có thể sống qua bốn tiếng đồng hồ, nhưng bằng vào thể lực đặc biệt bẩm sinh trui luyện, hắn đã sống suốt hai ngày hai đêm và còn đang chịu đựng thêm lên nữa.
Hắn không kêu thành tiếng, nhưng đau thương thốn tận tâm tư:
“Ân sư ơi, con đã phụ lời ký thác của người rồi … chịu bại dưới âm mưu hết sức tiểu nhân, con đã hủy hoại thanh danh của sư phụ, làm sao dưới cửu tuyền con dám nhìn thấy mặt thầy …”.
Hắn muốn thét lên thật lớn để vơi đi niềm phẫn uất, nhưng cổ họng như đã bị cháy khô, hắn muốn vung tay cho chấn động cả vùng sa mạc, nhưng khí lực đã không còn nữa … Nội lực gần như tiêu tan tất cả, nhưng tai hắn vẫn còn thính lắm, nghe gió chợt vang lên tiếng động, kinh nghiệm cho hắn biết đó là tiếng ngựa, đuổi theo từ phía sau lưng …
“Ai! phải chăng bọn họ đuổi theo để kết liễu sinh mạng của mình?”.
Không! Hắn chỉ có thể vùi thây trong sa mạc, chứ không thể lọt vào tay họ.
Minh Đà Lệnh Chủ đời thứ hai không thể không thể dễ dàng chết dưới tay bọn vô danh tiểu tốt …
Hắn muốn thúc Lạc Đà, hắn muốn vỗ lên lưng con Lạc Đà, nhưng hắn không còn đủ sức làm việc ấy, hắn cũng không nói được bằng lời, hắn chỉ tha thiết tự trong tim:
“Người bạn già ơi ngươi hãy ráng thêm chút nữa … Minh Đà Lệnh Chủ tuy không thể chết vào tay kẻ địch, nhưng ta cũng chỉ là Lệnh chủ sau cùng …”.
Bạch Đà, con vật có tâm linh hình như nó nghe thấu tiếng lòng, nó khịt khịt liên tiếp trong lỗ mũi và sải nhanh bốn vó … Cát bụi cuốn lên từng cuộn bỏ lại đằng sau …
Nghe thấy một điều an ủi lớn lao, Quan Sơn Nguyệt thở hắt một hơi dài:
“Bạn già, vẫn còn có được ngươi. Minh Đà quả nhiên bất lão nhưng, nhưng ta cũng đã phụ luôn ngươi, ta không còn bồi bạn cùng ngươi nữa được …”.
Niềm vui heo hắt không được bao lâu, Quan Sơn Nguyệt chợt nghe hoảng hốt:
tiếng ngựa đằng sau mỗi lúc một gần, trong khi con Lạc Đà đã phi hết sức mau …
Không, nó còn thể phi mau hơn nữa, hình như nó cảm biết được rằng kẻ cỡi trên lưng nó vị, vị chủ nhân của nó đã không còn đủ sức duy trì, chỉ còn nhanh thêm một chút nữa thôi, chủ nó sẽ ngã nhào xuống đất. Vì thế, nó chỉ chạy với sức còn gượng được …
«Vút … Vút …» Tiếng roi từ phía sau rít vào không khí, và Quan Sơn Nguyệt chợt nghe tai ù mắt nặng, bị cánh tay người xốc bổng lên …
Trong cái mông lung nửa tỉnh nữa mê, Quan Sơn Nguyệt chỉ thoáng thấy một khuôn mặt trắng hồng và hai bím tóc đen mướt chảy dài trên gò ngực vun cao, rồi hắn thiếp luôn không còn biết gì nữa …
Không biết bao lâu, Quan Sơn Nguyệt giật mình tỉnh dậy, hắn thấy mình nằm trên bãi cỏ xanh um bên một lạch nước trong veo …
Những kẻ sinh trưởng trên sa mạc, hầu hết đều mong mỏi được yên nghỉ trên bờ cỏ dựa dòng suối mát, cho nên việc đầu tiên khi tỉnh dậy, Quan Sơn Nguyệt có cảm tưởng rằng mình đã chết rồi …
Hắn lẩm bẩm như lúc còn rong ruổi trên sa mạc, chỉ khác một điều là bây giờ tiếng nói phát ra một cách dễ dàng:
– Người ta bảo chết là đau đớn lắm, nhưng tại sao mình lại thấy có phần thoải mái …
Một giọng cười thật nhẹ nhàng phát lên từ trên đỉnh đầu hắn:
– Thật là nằm mơ thấy quỉ, chết rồi thì làm sao còn biết được.
Quan Sơn Nguyệt giật mình ngẩng lên, hắn thấy một cô gái khoảng mười bảy mười tám tuổi, mặc theo sắc dân Du Mục, đôi mắt nàng đen ngời như hai hột nhãn trên khuôn mặt tròn tròn và hai biếm tóc đen tuyền chảy dài trên ngực đúng là hình bóng mà hắn thoáng thấy trước khi thiếp đi trên sa mạc. Hắn e dè hỏi nhỏ:
– Cô nương … Tôi đang còn sống hay đã chết …
Hắn hỏi chưa dứt tiếng, cô gái đã mở tròn đôi mắt chu miệng vùng vằng:
– Chết rồi, bây giờ đang thấy quỉ đó, quỉ là tôi đây nè!
Quan Sơn Nguyệt sửng sốt. “Đúng là cô gái giận dỗi nói lẫy, đúng là mình vẫn còn sống …” Hắn thở ra nhè nhẹ:
– Xin cô nương đừng giận, vì mình mang trọng thương tôi nghĩ rằng phải chết, cho nên mới hồ đồ như thế …
Cô gái vẫn còn hơi giận:
– Đã biết mình mang trọng thương thì tại sao nghe chúng tôi đuổi theo lại cứ chạy hoài? Tôi có phải là ăn cướp đâu? Dè vậy tôi chẳng thèm cứu …
Quan Sơn Nguyệt gượng cười, không biết trả lời làm sao cho phải.
Cô gái đang định nói nữa chợt có một người đàn ông tuổi hơi quá trung niên từ sau bước tới trầm giọng:
– Thanh nhi, vị khách nhân này tuy đã uống «Thanh Độc Tán» nhưng chất độc vẫn chưa tan, không nên để y nói chuyện nhiều.
Vừa thoáng thấy bóng ông ta thì đã nghe huyệt linh đài tê điếng, nhưng trước khi mê man, hắn còn nghe thấp thoáng mấy câu đối đáp:
– Cha nè, hắn trúng độc gì thế? «Thanh Độc Tán» không giải được à?
– Đừng có hỏi nhiều làm rối trí cha, nó là một thứ độc dược đang khiêu chiến với cha đấy, hãy mang hắn về núi rồi cha nỗ lực xem sao …
—- oo —- Dưới trủng Lục Chiêu Sơn, Lạc Hồn Cốc chủ gởi thiệp mời đại hội.
Do việc Khổng Văn Kỷ đầu độc được Quan Sơn Nguyệt thu hồi tín vật về cho các phái khiến cho hầu hết đại môn phái đều không thể từ chối lời mời, nhất là cuộc hội đó nhằm vào việc khánh thọ lục tuần cho Cốc chủ Khổng Văn Thông.
Lục Chiêu Sơn, nơi mà từ trước đến nay ít người biết tới, bỗng nhiên có hơi hám nổi thành vai trò lãnh đạo võ lâm, thiên hạ từ các nơi đổ xô về dự lễ lục tuần, Lẽ tự nhiên trong đó cũng có người bị buộc lòng phải tới.

Cũng không phải mới lần này, mà suốt ba năm nay, sau ngày các phái được thu hồi tín vật, ngày ngày đều có bọn dua bợ kéo nhau đến chầu hầu. Mà kẻ suốt sắng hơn hết phải kể là Kim Sa Bảo chủ Cốc Lượng. Người này vì có một vài tranh chấp cùng môn hạ, bất mãn với các đại môn phái, nên muốn nhờ vào thế lực của Lạc Hồn Cốc.
Các đại môn phái vì không muốn mang tiếng là vong ân đối với việc thu hồi tín vật, cho nên bất đắc dĩ cũng phải thân tự đi chúc thọ, do đó, Lạc Hồn Cốc bỗng trở nên náo nhiệt lạ thường.
Những năm gần đây, trong võ lâm không có xảy ra việc gì trọng đại, Cho nên khang thọ lục tuần nơi Lục Chiêu Sơn được xem là một thịnh hội tưng bừng.
Thọ nhật vào ngày mười bảy tháng chín, mười sáu là ngày tiên tịch, tân khách các nơi tề tựu đầy đủ.
Một khuôn trại mới dựng lên bàn ghế giăng giăng mười phần đã có hết tám phần lè nhè giọng rượu.
Kim Sa Bảo chủ Cốc Lượng hất bộ mặt đỏ gay đứng dậy cất giọng ồ ồ:
– Chư vị bằng hữu nè, ba năm trước đây nơi sa mạc, Khổng nhị tiên sinh chỉ bằng vào một chén rượu đã chế phục được Minh Đà Lệnh Chủ thay cho chúng ta thu hồi tín vật trở về, ân nghĩa đó, bằng hữu võ lâm ai lại chẳng ghi vào trong xương tủy …
Hắn vừa mới nói tới đó, thì đã có người lộ vẻ không bằng lòng và hắn cũng tự thấy mình bợ đích quá kỹ cho nên vội gài câu chuyện:
– Thật ra đó cũng không phải là chuyện kinh thiên động địa gì cho lắm, song chỉ bằng vào sức của chúng ta thì cũng e khó mà đánh bại được tên oắt con Quan Sơn Nguyệt ấy.
Quả thật hắn đã khôn ngoan, vì câu nói bổ túc của hắn là một sự thật hiển nhiên không ai có thể phủ nhận, cho nên những người bất mãn cũng đành phải nuốt cơn tức tối làm thinh.
Ngưng giây lát chờ xem phản ứng, không thấy ai nói gì, Cốc Lượng đắc ý nói luôn:
– Ngày mai thọ nhật của Khổng Chủ, tại hạ có chuẩn bị chút lễ, gọi là thay mặt đồng đạo võ lâm, tỏ lòng quí kính đối Khổng Cốc chủ vậy …
Nói vừa dứt câu, không đợi ai có ý kiến, Cốc Lượng đưa tay vẫy vẫy, lập tức bên ngoài có hai tên đại hán khiên vào một tấm hoành phi sơn son rực rỡ, với năm chữ thếp vàng lồ lộ:
«Thiên Hạ Đệ Nhất Gia»! Cốc Lượng cầm bức hoành phi nói lớn:
– Câu viết trên đây có lẽ chủ nhân Lạc Hồn Cốc nhận mà không thẹn, vậy xin mời chủ nhân ông vui lòng vì bằng hữu võ lâm mà tiếp nhận cho!
Ngồi song song với Tâm Thiền đại sư, Lữ Vô Úy không dằn được đứng lớn:
– Sao lại có chuyện dễ dàng như thế? Nên bảo đây là lễ chúc thọ của toàn thể võ lâm, thì ra toàn thể võ lâm đã nhận Khổng Cốc chủ đã là «Thiên Hạ Đệ Nhất Gia» sao? Danh hiệu ấy đâu có phải ai muốn cũng được dễ dàng như thế?
Là sư huynh của Thống Thiền, Tâm Thiền đại sư niên kỷ đã khá cao mà võ công vào hàng trượng thượng, Thiếu Lâm cử làm đại biểu chứng tỏ đã chọn người thận trọng, cho nên khi thấy Chưởng môn phái Chung Nam bắt đầu nổi nóng ông ta vội kéo vạt áo họ Lữ:
– Xin Lữ Chưởng môn hãy dành hơi sức. Bọn Cốc Lượng là lũ a dua nhưng hắn đã lựa đúng thời cơ để hành sự, vì ba năm trước đây chúng ta không thể phủ nhận việc thu hồi tín vật cho các phái là bằng vào một tay của Khổng Văn Kỷ …
Lữ Vô Úy vẫn tỏ vẻ không bằng lòng:
– Nhưng nếu thu hồi bằng phương thức đó, thì tại hạ, chẳng thà để nó lại trong tay của Minh Đà Lệnh Chủ còn hơn …
Tâm Thiền đại sư lắc đầu:
– Cái thắng của Khổng Văn Kỷ tuy không quang minh, nhưng bằng vào «cách không thấu nhiệt» làm hòa tan độc dược như thế, thì phải nhận rằng võ công của hắn cũng đã đến chỗ tuyệt luân đấy chứ.
Lữ Vô Úy quay phắt lại nhìn trừng trừng vào mặt Tâm Thiền:
– Là một môn phái từng lãnh đạo võ lâm, đại sư cũng cho rằng Lạc Hồn Cốc xứng là «Thiên hạ đệ nhất gia» sao?
Tâm Thiền đại sư khẽ thở ra:
– Người xuất gia tự nhiên đối với việc tranh danh đoạt lợi xem rất là lợt lạt, nhưng theo chỗ thấy và đáng ngại của bần tăng là Lạc Hồn Cốc được cái hư danh đó vẫn thấy là chưa đủ …
Lữ Vô Úy cau mặt:
– Chúng còn muốn như thế nào nữa? Chẳng lẽ còn muốn chúng ta quì xuống mà dâng à?
Tâm Thiền đại sư lại thở dài:
– Nếu quì xuống mà có thể bảo toàn an ninh cho toàn thể thì có lẽ bần tăng cũng chẳng tiếc gì …
Lữ Vô Úy tức tối đỏ mặt, ông ta cảm thấy vị hòa thượng này nhu nhược quá mức rồi, nhưng ngay khi đó thì tiếng vỗ tay đã làm khỏa lấp vì Khổng Văn Thông đã bước vào giữa tiệc chuẩn bị tiếp nhận hoành phi …
Chờ cho tiếng hoan hô của những kẻ a dua dịu bớt Khổng Văn Thông trang trọng mỉm cười:
– Cốc huynh và bằng hữu có lòng thương mà đề tặng, nhưng tại hạ nghĩ rằng chuyện thu hồi tín vật ba năm về trước chẳng qua là chút công mọn đối với đồng đạo võ lâm chứ anh em chúng tôi nào dám nhận lấy thịnh danh …
Cốc Lượng lật đật rống tiếng:
– Hầu hết bằng hữu võ lâm đều nhận rằng không còn ai cao minh hơn Khổng Cốc chủ nữa, xin Khổng Cốc chủ nhận cho để anh em được vui lòng!
Khổng Văn Thông điềm đạm mỉm cười:
– Nói thì tuy nói vậy, sự thật đệ không dám tự nhận mình là cao minh, cũng như những vị có mặt nơi đây có người không bằng lòng tự nhận mình là bất cao minh vậy mà … không tin Cốc huynh cứ nhìn vào các bàn tiệc thì tất sẽ hiểu!
Cốc Lượng quay lại nhìn quanh bốn phía, quả nhiên có nhiều người lộ vẻ không bằng lòng. Trong chín môn phái lớn, trừ Thiếu Lâm sắc thái ôn hòa, còn hầu hết các Chưởng môn nhân và các đại biểu đều nhếch môi khinh khỉnh … Vừa nhột nhạt vừa tức tối, Cốc Lượng cao giọng hầm hầm:
– Kẻ nào không tán thành là kẻ đó vong ân bội nghĩa!
Lữ Vô Úy nóng bừng mặt đứng lên:
– Họ Cốc ngươi là giống gì mà dám lớn lối trước quần hùng như thế?
Cốc Lượng bắt đầu nổi gân cổ nhưng Khổng Văn Thông đã đưa tay cản lại:
– Vì ngày sinh nhật mọn của đệ mà chư vị không quản đường xa lặn lội dến đây, đệ vô cùng cảm kích, xin chớ vì một việc nhỏ như thế làm mất niềm hòa khí …
Trước đệ xin kính chư vị một chén rượu nhạt để gọi là thịnh tình …
Vừa nói, vị chủ nhân Lạc Hồn Cốc vừa vỗ tay:
– Bay đâu!
Từ phía ngoài rạp, bốn tên gia nhân lực lưỡng dùng dòn lớn khiêng vào một ché rượu màu hồng. Ché rượu cao xấp xỉ đầu người, vòng tròn của nó hai người ôm không giáp. Ché rượu để xuống xong, lại do hai tên khác họp lực khiêng nắp ra, mùi rượu xông lên phưng phức …


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.