Vị Vương Công Cuối Cùng

Chương 71: Biệt ly (3)


Đọc truyện Vị Vương Công Cuối Cùng – Chương 71: Biệt ly (3)

Thiệu Kỳ rón rén ra khỏi phòng làm việc của Shuji, đang định cài lại khóa, sau gáy chợt bị một vật lạnh lẽo cứng ngắc chống lên, anh giơ tay, nuốt nước miếng: “Có gì từ từ nói.”

Shuji đẩy anh, ấn đầu anh lên tường: “Muốn trộm cái gì?”

“Tiền.”

“Cậu ở đây ba tháng rồi, còn chưa quen thuộc địa hình à? Trộm tiền không tới phòng kế toán, tới phòng làm việc của kiến trúc sư làm gì? Rốt cuộc là có ý đồ gì, nói nghe xem.”

Anh vừa cầm súng bức ép Thiệu Kỳ, vừa quay người anh lại, phát hiện ra trên mặt người này chẳng có vẻ gì là sợ hãi, bình tĩnh trấn định vô cùng: “Thì muốn trộm tiền thôi, cứ đưa tôi lên cảnh sát đi.”

Đã có đồng nghiệp người Nhật của anh chạy tới, Shuji thu khẩu súng lục nhỏ màu đen lĩnh được từ chỗ Kobayashi Motoya về ngực áo, nhìn Thiệu Kỳ nói: “Chuyện không dễ dàng như cậu nghĩ đâu, tới nơi này rồi thì chính là khách của tôi, trò chuyện chút đi.”

Sau hôm đó, cha mẹ Đổng lo lắng báo công an, nói con trai mình đã mất tích mấy ngày, bặt vô âm tín.

Nhà họ Đổng có quan hệ khá rộng trong thành, quân cảnh lập tức điều động lực lượng đi điều tra, lúc Nam Nhất bị gọi đến hỏi, cô mới biết rằng thì ra Thiệu Kỳ quả nhiên chỉ nói hành tung cho mình, những người khác bao gồm cả cha mẹ anh đều không hay biết chút nào. Trong lòng Nam Nhất vừa cảm động vừa sốt ruột, cô lo lắng cho an nguy của Thiệu Kỳ, sợ anh gặp bất trắc, lại không quyết định được có nên kể lại lời anh nói với quân cảnh không, vừa trả lời vừa vắt óc suy nghĩ, bỗng nhớ ra Thiệu Kỳ trà trộn vào công trường Nhật Bản là dùng thân phận giả tên họ giả, mình mà nói cho quân cảnh biết, họ có thể tìm được thật thì may, nếu không tìm được Thiệu Kỳ, trái lại còn đánh rắn động cỏ, làm kinh động tới người Nhật, hậu quả chẳng biết sẽ ra sao.

Nam Nhất lắc đầu với quân cảnh: “Không. Đã lâu rồi không gặp Thiệu Kỳ.”

Lúc này, nhà họ Đổng đã loạn như cào cào. Bà Đổng bệnh không dậy nổi khỏi giường, nằm trên sập không phải uống thuốc thì là khóc. Ông Đổng đã mấy ngày không đi làm. Nam Nhất cùng cha mẹ tới thăm, râu tóc ông Đổng đã dài ra rất nhiều, nói với ông Lưu thằng ranh Thiệu Kỳ này ba tháng nay cứ lén la lén lút, không ai biết nó đang làm gì, song cứ cách mấy ngày lại về nhà ăn bữa cơm báo danh, nhưng lần này thì khác, đã hơn mười ngày rồi không thấy nó về, sống không thấy người chết không thấy xác. Ông Đổng hận đến tay run rẩy: “Tôi ước gì nó chết quách ở ngoài luôn đi, bớt phiền lụy tới mẹ nó! …”


Bà Đổng ở trong phòng nghe vậy vừa ho sù sụ vừa kêu lên: “Ông đừng có nói con tôi như vậy. Nó không phiền lụy gì tới tôi hết, là ông! Ông không có bản lĩnh! Nếu ông có bản lĩnh thì tìm con trai về cho tôi!”

Nam Nhất cúi đầu, bỗng nghĩ đến hồi đầu năm cô gặp rắc rối, bị bắt vào nhà lao, cha mẹ cô có phải cũng lo lắng tội nghiệp thế này không. Trong lòng cô thở dài một hơi, ngước mắt thấy trên tủ đàn dương cầm trong phòng khách nhà họ Đổng có bày một hàng ảnh chụp từ nhỏ tới lớn của Thiệu Kỳ. Khi còn bé anh tạo dáng rất nhiều rất đặc sắc: cưỡi ngựa gỗ, đội mũ không quân, mặc trường bào, mặc trang phục hí kịch, dần dần lớn lên, hiển lộ dáng vẻ thiếu niên thanh tú sáng láng. Mặt mũi người này cũng đẹp thật, đuôi mắt hơi uốn, xếch lên, nhìn lúc nào cũng như đang cười. Tấm hình trưởng thành nhất của anh chải tóc rẽ ngôi, mặc tây trang, nghiêng người ngồi trên ghế, khóe miệng khẽ nhếch, cằm giương lên, vừa có chút bướng bỉnh lại vừa có chút kiêu ngạo. Đó là dáng vẻ tinh thần Nam Nhất quen thuộc nhất của anh. Lúc theo cha mẹ ra cửa, Nam Nhất thừa dịp ông Đổng không chú ý, dùng hai tay bị thương chưa khỏi hẳn nên vẫn chưa linh hoạt được của mình lén lút lấy cả tấm hình này cả khung bỏ vào túi mình.

Trên đường về nhà, Nam Nhất nặng trĩu tâm sự, không nói câu nào, bỗng nghe mẹ thở dài một hơi.

Nam Nhất nhìn bà Lưu: “Sao vậy mẹ?”

“Mẹ đang thương cho bác Đổng gái của con.”

“… Thiệu Kỳ vẫn hay thần bí như thế, có lẽ không tới mấy ngày nữa lại về thôi. Mất mà được lại, bác Đổng có khi còn vui hơn ấy chứ.” Nam Nhất cũng chẳng phải người biết an ủi.

“Con trẻ luôn là như vậy, chỉ biết vui đùa cho bản thân, trong lòng không có cha mẹ, nuôi đúng là nuôi uổng. Thế nào là bất hiếu? Không cho cha mẹ cơm ăn áo mặc thì là bất hiếu ư? Như nó mới là bất hiếu!”

Nam Nhất nghe vậy, ngừng bước, bà Lưu đi về phía trước mấy bước, quay đầu lại nhìn: “Con sao thế?”

“Mẹ, mẹ đừng nói Thiệu Kỳ như vậy, mẹ chẳng biết gì về cậu ấy hết.”

Ông bà Lưu nghe cô nói, đều sửng sốt: “Chuyện gì mà cha mẹ không biết? Con biết cái gì?”


Nam Nhất lắc đầu: “Con ấy à, con cũng chẳng biết gì. Nhưng con và cha mẹ đều biết, Thiệu Kỳ rất nhiệt tình chính trực, cậu ấy rời cha mẹ bỏ công việc đi làm chuyện gì đó thì nhất định đó là chuyện quan trọng ý nghĩa. Một người ở lại bên cha mẹ, ngoan ngoãn hầu hạ chăm sóc đương nhiên là hiếu thuận. Nhưng nếu cậu ấy vì dân vì nước mà làm gì thì điều cậu ấy làm được là đại hiếu! Mẹ, nếu lời mẹ vừa nói là nhắm vào con, nói con hư, con không ngoan, vậy thì mẹ đúng, một mình con hoàn toàn chấp nhận. Nhưng Thiệu Kỳ không phải như vậy. Đừng nói về cậu ấy như thế.”

Lời Nam Nhất nói khiến vợ chồng họ Lưu đều phải ngạc nhiên.

Cô cúi đầu, vẻ mặt nghiêm túc đi phăm phăm về phía trước.

Bà Lưu bỗng có dự cảm không lành, lạnh lùng nói phía sau cô: “Đừng có nói mấy chuyện vô dụng này với mẹ. Con đó, muốn mẹ sống lâu thêm được mấy năm thì bớt khiến mẹ lo lắng đi, nghe chưa?”

Nam Nhất nghẹn một hơi, vốn không muốn đáp lời bà Lưu, chợt nghĩ đến dáng vẻ của bác Đổng gái, lại thấy thương mẹ mình, cúi đầu “vâng” một tiếng.

Hôm sau, cô vụng trộm chạy ra khỏi nhà, đến nơi lần trước gặp Đàm Phương, đợi hơn một canh giờ, người này mới đi từ một đầu khác của con hẻm tới. Cái đầu mới cạo của hắn nhú lên gốc tóc xanh xanh, hai hàng lông mày rậm rạp nhìn đặc biệt dữ tợn. Hắn mặc một bộ quần áo đũi màu đen, chân đi đôi giày vải mõm tròn, hai tay đút trong túi áo, nhìn Nam Nhất một cái rồi quay mặt đi như thể bị tán lá hòe đang độ chuyển vàng trên cao hấp dẫn: “Tìm tôi làm chi?”

“Muốn nhờ anh…nhờ anh giúp tìm người.”

Hắn nhìn nàng: “Người nào?”

“Một người bạn. Vẫn luôn làm việc trong công trường người Nhật, bỗng đột nhiên không thấy tăm hơi đâu nữa. Cha mẹ cậu ấy đang nóng ruột muốn chết. Quân cảnh cũng không tra được gì. Em muốn nhờ anh giúp tìm cậu ấy.” Cô nói xong lấy ảnh của Thiệu Kỳ ra, đưa cho Đàm Phương xem.


“Nam?”

“Vâng.”

“… Có quan hệ thế nào với em?”

“Bạn.” Nam Nhất nói, “… Nhưng không phải kiểu bạn như với anh.”

Hắn nghe rõ rồi, không truy hỏi thêm nữa, nhét bức ảnh vào túi áo mình: “Tôi có tin sẽ tới tìm em.”

“Vâng.”

“… Chết rồi thì sao?”

“Không đâu.” Nam Nhất không chút biểu cảm nào.

“Nếu chết rồi thì phải làm sao?”

“Không thể nào!”

“…” Đàm Phương rảo bước bỏ đi.


Nam Nhất quay người, nước mắt lăn xuống. Cô thầm nhủ trong lòng, Đàm Phương, bất kể thế nào anh cũng phải tìm được Thiệu Kỳ, em đã nói dối cậu ấy một câu, em phải nói thật cho Thiệu Kỳ biết, lúc cậu ấy không có ở đây, em đã đi tìm cậu ấy, tìm hai lần.

Đó là chuyện xảy ra sau buổi tối hôm đó.

Người kể chuyện tại đây hơi có chút phân tâm.

Chúng ta hãy quay trở lại đêm đó, trong căn phòng bí mật ở tầng trên của nhà hàng Nga, nàng chậm rãi từ dưới sàn ngồi dậy, mặc lại nội y và áo ngoài. Sợi dây đỏ buộc trên cổ nàng hơi lỏng, chàng ngồi dậy, cầm lấy hai đầu dây giúp nàng thắt chặt lại. Buộc xong, chàng không rời đi ngay, từ đằng sau hôn lên tóc lên cổ nàng. Nàng cúi đầu: “Vương gia, em phải đi rồi.”

Một hồi lâu sau tay chàng mới buông ra.

Nàng đứng lên, sửa sang lại tóc, mở cửa ra ngoài, men theo cầu thang xuống dưới tầng, thấy ngoài sảnh nhà hàng là đám vũ công nữ đang uống rượu nghỉ ngơi sau buổi làm việc. Một người trong đó mặt trang điểm rất kỳ quái, một nửa bên mặt trắng nhợt vẻ nghiêm túc, nửa bên còn lại đỏ đậm cười quyến rũ. Cô gái này ngồi trên bậc thang, tay trái cầm ly rượu tay phải kẹp điếu thuốc, cô ấy ngẩng đầu thấy Minh Nguyệt đang muốn đi xuống, nhích sang bên cạnh nhường đường, dời vị trí cho nàng đi qua. Minh Nguyệt nhìn thấy mặt cô ấy thì sững lại.

Đám vũ công nữ thấy nàng kinh ngạc đều bật cười, cô gái hóa trang kia chỉ vào khuôn mặt mỗi nửa một kiểu của mình nói ra hai từ: devstvennitsa, shlyukha.

Phục vụ quầy rượu biết bập bõm tiếng Trung lại gần tán gẫu với họ, thuận tiện phiên dịch hai từ này cho cô gái Trung Quốc đi xuống từ tầng trên nghe: trinh nữ và dâm phụ.

Cả đêm hôm ấy, nàng không thấy Shuji.

Đến xế chiều hôm sau, tài xế và đồng nghiệp người Nhật của anh vội vàng qua báo tin: Azuma-san gặp tai nạn ngoài ý muốn trên công trường, lá phổi bị cốt thép đâm thủng, hiện đang phẫu thuật trong bệnh viện.



Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.