Bạn đang đọc Vị Bắc Xuân Thiên Thụ – Chương 5: Tết Hàn Y
(*Tết Hàn Y: vào ngày mồng 1 tháng 10 âm lịch, đây là ngày mà khí hậu ngày càng lạnh, đồng thời cũng là tiết nhật tế tổ truyền thống của Trung Quốc, người ta đốt áo giấy cho tổ tiên, dâng lên tổ tiên y phục chống lạnh.
Tiết này bắt đầu từ đời Chu, có lịch sử tương đối lâu dài – theo Huỳnh Chương Hưng)
Lúc Xuân Thiên phát hiện trong phòng có người, thì chẳng biết đứa nhỏ này đã ngồi cạnh bàn bao lâu.
Cậu nhóc ấy mặt mũi xinh xắn, mặc tấm áo giao lĩnh màu xanh thẫm mới tinh, hai tay nắm hai đầu gối, dáng ngồi ngay ngắn thẳng thớm, đôi mắt trắng đen rõ ràng dán xuống nền gạch đen, trông hết sức ngoan ngoãn hiểu chuyện.
Xuân Thiên mới tỉnh lại từ giấc mộng, nỗi ưu tư trong lòng như dòng nước tuôn ra, bỗng dưng trông thấy cậu, cũng không biết nên mở miệng thế nào.
Khuôn mặt Trường Lưu có đôi nét tương tự Lý nương tử.
Đẹp nhất là cặp mắt kia, con ngươi tựa làn suối trong vắt, đột nhiên ném hòn đá nhỏ xuống, còn có thể bắt gặp những gợn sóng lăn tăn bị bọt nước đẩy đi.
Xuân Thiên nhìn cậu hồi lâu, Trường Lưu hơi xấu hổ, giũ áo choàng đứng dậy, cúi đầu đi tới gần: “Chị tỉnh rồi.”
Cậu nhóc đứng cọ cọ vào cạnh giường, tay nắm chặt cái hà bao nhỏ bên hông, hàng lông mi cong vút run nhẹ: “Triệu đại nương nấu cơm trong bếp, Tiên Tiên đang nhóm lửa, mẹ sợ chị một mình ở trong phòng buồn nên bảo Trường Lưu vào nói chuyện với chị.”
Đám nhỏ độ mười một mười hai tuổi thường phá phách khó bảo làm người ta không vừa ý, nhưng đứa nhỏ này thì lại khác hoàn toàn, tính tình dễ chịu, biết vâng lời, đúng là người gặp người thích.
Nàng nhẹ nhàng “ừ” một tiếng: “Hóa ra em tên là Trường Lưu à, tên rất hay.”
Trường Lưu vùi đầu, đáp: “Mẹ đặt cho em đấy.” Cậu ngước lên, thoáng nhìn sắc mặt Xuân Thiên, lấy từ trong tay áo ra một thứ quả có múi màu vàng óng thơm ngào ngạt đưa cho Xuân Thiên: “Chị để cạnh gối đầu, nó có tác dụng xua đi mùi thuốc, giúp ngưng thần dưỡng khí.”
“Đây là quả quýt à?” Xuân Thiên cầm quả trong tay, dí sát vào mũi hít sâu một hơi: “Thơm quá!”
“Không ăn được đâu, đây là quả đắng, chúng em gọi nó là Tước Bất Trạm*, vị cực đắng, đến chim cũng không chịu ăn, nhưng mùi thì rất thơm, sau khi phơi nắng có thể làm dược liệu.” Mũi chân Trường Lưu di di dưới đất, ngập ngừng nói: “Em hay đi hái với Gia Ngôn rồi hun trên bếp cho mẹ dùng, mẹ em thích mùi này lắm.”
Chao ôi, ngoan thế cơ mà.
Ở Tiết phủ, Xuân Thiên có đứa em trai tuổi xấp xỉ Trường Lưu, tính nết thì bướng bỉnh như Hỗn Thế Ma Vương, người trong nhà ai ai cũng đau đầu.
Trường Lưu nói không nhiều, Xuân Thiên ôm cả bụng sầu lo cũng lười nói.
Hai người lặng ngồi ngẩn ngơ hết nửa canh giờ, cho tới khi Tiên Tiên bưng thuốc tiến vào, toét miệng cười hì hì: “Anh Trường Lưu, nương tử đang tìm anh kìa!”
Cậu nhóc kính cẩn chắp tay chào: “Trường Lưu đi dùng bữa với mẹ, ngày mai tan học sẽ lại đến nói chuyện với chị.”
Đứa nhỏ này là của báu mệnh căn của Lý nương tử.
Lý nương tử người suy nhược nhiều bệnh, Trường Lưu nằm trong bụng mẹ bị ảnh hưởng, khi ra đời kéo theo chút chứng hư, từ nhỏ tới lớn phải uống thuốc liên tục.
Lý nương tử xót con, không thích cậu va chạm lung tung, nên khó tránh khỏi việc che chở kỹ hơn bình thường, khóa trường mệnh rồi bùa hộ mệnh xin được ở chùa miếu hằng năm cũng chả biết đã gom được bao nhiêu.
Trời trở lạnh, quả táo tàu khô cuối cùng trên cành bị gió thổi rớt, chạc cây trụi lủi cuộn mình trong kẽ hở của bức tường xám.
Buổi ban mai, mái hiên lợp ngói phủ một lớp sương giá, bầu trời cứ âm u, như cục bông gòn dày sụ đè xuống giường.
Giữa khuya hôm sau, gió thổi ào ào kéo căng màn trời, thỏa thích đổ một trận mưa buốt.
Dưới giường bếp lò đốt nóng bừng, trên giường trải tấm thảm dày, chỉ là mưa cứ tạt vào ô cửa sổ cũ kỹ kêu kèn kẹt.
Nương thân trong cám cảnh gió thảm mưa sầu đây, cũng thấy lòng thoáng nỗi rối bời hoảng hốt.
Lần đầu tiên nàng chứng kiến một mùa đông thế này, mùa đông ở Trường An đượm cái chất thi vị mềm mại.
Người nào cũng chuộng thơm nên trong phòng luôn đốt lư hương, lò sưởi tay bọc trong tay áo đều có nhét viên thơm với đủ kiểu đủ loại, khiến ngày đông hanh hao nhuốm cả hương thơm nồng nàn.
Xuân Thiên cố gắng nhấc người dậy, nhìn mưa buốt ngoài phòng, gương mặt nàng gầy xọp thiếu sức sống, chẳng chút cảm xúc.
Nàng khẽ nhăn đôi mày dài, nhẹ nhàng thở hắt ra một hơi.
Lý nương tử rất sợ lạnh, tường lửa* của chủ nhà đã cháy vào ngày cuối thu tháng chín, trượng phu của Triệu đại nương từ điền trang đi vào thành buôn bán hàng mây tre, tiện thể chở giúp cho Lý gia một xe than gỗ chống chọi qua mùa đông giá rét.
(*Tường lửa: Thiết bị dùng để tăng nhiệt độ cho ngôi nhà thông qua bếp lò)
Tết Hàn Y mồng một tháng mười, Triệu đại nương theo chồng về quê đốt hàn y.
Trường học của Trường Lưu cho nghỉ, trong nhà còn lại mẹ con hai người, cộng thêm Xuân Thiên dưỡng thương ở chái nhà Tây nữa là ba.
Triệu đại nương vừa đi chưa lâu, đã có một phụ nhân dáng người thướt tha ôm giỏ trúc bước vào cửa.
Lục Minh Nguyên mặc đồ trắng toát, trang điểm theo kiểu của góa phụ, chị có hàng mày mảnh và bờ môi sắc anh đào, eo thon lả lướt, toát lên nét thanh tao đặc trưng của nữ tử Giang Nam.
Con chó vàng cạnh bếp than ngước đầu, sủa hai tiếng ra ngoài.
Lý nương tử dựa vào ghế xếp* uống thuốc, chống người lên đón khách: “Sao tới sớm thế, Gia Ngôn đâu?”
“Con chào cô ạ.” Trường Lưu đang viết chữ trong phòng, thấy người lớn đến nhà, lễ phép dừng bút chắp tay chào.
“Ôi, tâm can của tôi!” Lục Minh Nguyệt rất thương Trường Lưu, chị âu yếm vuốt ve đầu cậu, lấy một gói bánh từ trong giỏ trúc ra ân cần đưa cho Trường Lưu, “Thôi đừng nhắc, thằng nhóc Gia Ngôn kia vẫn còn làm ổ trong chăn ngủ tít mù đấy!”
Lý nương tử định đi xuống pha trà thì bị Lục Minh Nguyệt ngăn lại: “Ngồi yên đấy, cứ kệ chị, chị muốn ăn gì thì tự lấy là được.”
“Không sao, phiền chị quá, sáng sớm đã tới đây.” Lý nương tử nhẹ giọng nói: “Để chị chê cười rồi, bao lần chị đến mà chả lần nào tiếp đãi đàng hoàng được.”
Lục Minh Nguyệt cẩn thận quan sát mặt Lý nương tử: “Dạo này trông khởi sắc hơn hẳn, đêm ngủ thế nào, ăn uống thế nào?”
“Vẫn thế mà, uống thuốc mỗi ngày, thầy thuốc cũng hay lại.” Lý nương tử lắc đầu, “Đã ngần ấy năm, chống cự cho qua ngày vậy.”
“Chỉ là chút chứng bệnh lặt vặt thôi mà.” Lục Minh Nguyệt vỗ vỗ tay cô ấy, “Đừng sầu não nữa, cứ dưỡng cho thật tốt là ổn rồi.”
“Sức khỏe của em mà em còn không hiểu được à, bệnh lớn bệnh nhỏ gì đều biết rõ, mọi người cứ khuyên giải an ủi em, những chỉ sợ là có muốn cũng không dùng được.” Cô ấy nói xong thì nước mắt trào ra, không muốn để Trường Lưu thấy mình như vậy, bèn lấy khăn che mắt lại, không nói chuyện nữa.
Lục Minh Nguyệt sốt ruột nhìn cô ấy, vội nói: “Là chị không đúng, đang yên đang lành lại nói mấy câu làm cô đau lòng.” Chị trấn an Lý nương tử, “Nghĩ nhiều chuyện thế làm gì, tự hành hạ bản thân hoài.
Suy nghĩ tích cực lên, về những cái tốt ấy, nhà này trong ngoài đều có người trông nom, cô chỉ cần ăn ngon ngủ ngon, cái khác không cần để ý.
Cô cứ nghĩ tới Trường Lưu đây này, vâng lời ngoan ngoãn, học hành đến nơi đến chốn, mai sau chắc chắn sẽ đăng khoa trúng cử, cô còn phải nhìn thằng bé cưới vợ sinh con, con cháu đầy nhà!”
Lý nương tử ấp úng lau nước mắt: “Chị dỗ người ta thành quen rồi nhỉ.”
Lục Minh Nguyệt cười nói: “Chúng ta cứ chờ xem, xem lời chị nói có thành sự thật hay không.” Chị thân thiết kéo Lý nương tử lên ghế xếp ngồi: “Tháng trước rảnh rỗi, ở nhà làm mấy đôi giày hàng mã, cô coi cái nào ổn thì chọn.”
“Lại phiền hà chị rồi.” Lý nương tử ôm lấy cái giỏ trúc của Lục Minh Nguyệt, bên trong đựng toàn quần áo tiền giấy đủ màu, nào mũ nào thắt lưng, nào áo quần ngũ sắc, nào nhà cửa rồi xe ngựa, tất cả đều hoàn mỹ.
“Trong thành Cam Châu này không ai là khéo tay bằng chị.” Lý nương tử tán thưởng, “Rõ ràng là giấy, mà trông còn thật hơn cả đồ thật.”
“Chắp vá lại là dùng được ấy mà.” Lục Minh Nguyệt mỉm cười, cúi đầu uống trà: “Tay nghề của mẹ chị, chị giỏi lắm cũng chỉ học được bảy tám phần.”
Lục Minh Nguyệt chuyển đề tài: “Tết Lý Vị có về không?”
“Chàng ấy nói sẽ về.” Lý nương tử châm trà, “Chú hai của Gia Ngôn cũng đi cùng, có nói khi nào về không?”
“Không về càng tốt…” Lục Minh Nguyệt cau mày, thấp giọng lẩm bẩm, “Người gì mà chẳng ưa nổi điểm nào!”
“Chú ấy luôn đối xử với Gia Ngôn như con ruột.” Lý nương tử nói, “Một mình chị nuôi đứa nhỏ, khó tránh vất vả cực nhọc, có chú nó giúp đỡ thì nhẹ nhàng hơn đôi chút.”
Lục Minh Nguyệt hừ lạnh: “Gia Ngôn học kém, tự dưng lại có thêm người chú không biết chui ra từ xó xỉnh nào, ở nhà ầm ĩ gà bay chó sủa, mỗi ngày nhìn thấy nó là chị hãi hùng.”
Hai người nói chuyện một lúc lâu, ngoài phòng trời u ám như muốn mưa tiếp, Lục Minh Nguyệt tạm biệt Lý nương tử đi về nhà.
Con chó nằm dưới chân Lý nương tử, Lý nương tử hơi váng đầu, cầm mảnh khăn vải chậm rãi chà lau linh vị, đó là của cha mẹ cô ấy, thần bài của Lý phụ và Kim thị.
Trường Lưu gọi “mẹ” mấy tiếng mới kéo được tâm trí của cô ấy trở về.
“Mẹ, mẹ sao thế ạ?”
Cô ấy cười, lắc đầu: “Cha vắng nhà, năm nay con đốt hàn y nhé?”
Mưa lần lữa chưa đổ, chập tối tuyết rơi mịt mùng, hạt tuyết rơi trên mái ngói căn phòng, quét qua song cửa sổ, bám vào đầu vai ống tay áo của người đi đường.
Tuyết càng ngày càng dày, trời đất hóa một mảng trắng xóa.
Đây là thời điểm đốt hàn y.
Giấy, quần áo, tiền âm phủ dồn đống dưới mái hiên, Trường Lưu thắp đuốc, ngọn lửa dần lan khắp những tờ giấy màu, khói nhẹ lượn lờ lập tức tan biến giữa trời tuyết.
Trước người lẫn sau lưng Xuân Thiên đều được quấn bằng vải thuốc, không biết có bao nhiêu chỗ đau.
Thương thế này quả thực là khó trị, trước ngực thì gãy xương, sau lưng bị dao đâm, nằm ngửa không được, nằm nghiêng cũng chẳng xong, xoay người thay thuốc cũng là vấn đề hóc búa.
Nàng cử động bất tiện mà không chịu uống thêm nhiều thuốc, thời tiết ngày nào cũng lạnh, một ngày thì hết nửa buổi là nằm mê man.
May mà trời rét, miệng vết thương khôi phục chậm, chưa đến nỗi lở loét mưng mủ.
Mỗi lần thay thuốc là Triệu đại nương đều thở dài thườn thượt, nom da dẻ non nớt thế này, cũng chả biết có để lại nhiều sẹo không.
“Tiệm của Khang nương tử ở chợ Tây có cao Ngọc Tiết, nghe nói bôi lên là có thể xóa sẹo, chợ ngày mai bảo Triệu đại nương đi mua một hộp về.” Lý nương tử ngồi bên giường an ủi Xuân Thiên, “Đừng lo, sẽ tốt lên thôi.”
Xuân Thiên vừa thay thuốc xong, người đau nhức, mồ hôi lạnh đầy đầu, đôi môi xám trắng không chút huyết sắc, gượng cười bảo: “Không sao, em không thích bôi mấy cái đó, hồi nhỏ ham chơi ngã chảy máu, cha mẹ cũng không để ý, giờ ở đầu gối vẫn còn mấy vết sẹo cơ.”
“Tội nghiệp…!em còn nhỏ mà đã phải chịu khổ thế này rồi…” Lý nương tử che miệng ho khù khụ, “Lại không quen biết ai, làm sao bây giờ đây.”
Xuân Thiên nhịn đau, cầm tay Lý nương tử, cười nói: “Gặp nương tử như gặp được người thân, cũng không thấy buồn nữa.”
Bỗng, có cô nương thanh tú bưng chậu nước vào, một đôi mắt phượng, hai lúm đồng tiền, trông tầm mười lăm mười sáu tuổi, lớn hơn Xuân Thiên chút xíu, giọng nói giòn giã như tuyết lê: “Nước đến đây!”
Cô nương tên Phương Thục Nhi, ông nội cũng là người dẫn đường cho đội ngựa thồ, thường hành tẩu trên con đường Lũng Hải, có quen biết với mấy người Lý Vị.
Sau khi thương đội tới Cam Châu, đám Hách Liên Quảng và Đoàn Cẩn Kha đi về phía Đông đến Trường An, Hoài Viễn ở nhà rảnh rang nên rất hay chạy sang Lý gia.
Lý Vị đi vắng, sức khỏe Lý nương tử không được tốt, việc chân tay nặng nhọc trong nhà đều gửi gắm cho các anh em trong đội hộ vệ và hàng xóm láng giềng.
Thục Nhi và Hoài Viễn là thanh mai trúc mã, hôm đó hẹn nhau tới thăm Lý nương tử, Hoài Viễn ngồi trong sân miệt mài chẻ cùi, Thục Nhi xắn tay áo giúp Triệu đại nương thay thuốc cho Xuân Thiên.
“Ổn hơn không?” Thục Nhi dấp nước cái khăn lau thái dương cho Xuân Thiên, đối xử với nàng như em gái ruột: “Trên bếp còn thuốc sắc, lát nữa uống tiếp.”
Má Xuân Thiên rịn đầy mồ hôi: “Uống xong thì không còn đau, giờ đã đỡ hơn nhiều rồi.”
Thục Nhi bao lấy bàn tay lạnh buốt của Xuân Thiên: “Em mau khỏe lên đi, chị dẫn em ra ngoài chơi, chắc em chưa thấy cảnh vật ở thành Cam Châu bọn chị, tuyệt đối không hề kém Trường An đâu!”
Thục Nhi là trưởng nữ trong gia đình, từ nhỏ đã quen chăm nom em trai em gái, con người hào phóng nhiệt tình, rất thích tính tình thùy mị của Xuân Thiên, cộng thêm tuổi tác hai người gần bằng nhau, vừa gặp đã thân.
Hoài Viễn bước nhanh vào, bảo: “Muốn đi đâu chơi, anh đưa các em đi!” Cậu mỉm cười, đứng bên cạnh Thục Nhi khom lưng nhìn Xuân Thiên: “Xuân Thiên, em còn nhớ anh không?”
Xuân Thiên thấy cậu cười nhẹ nhàng nhìn mình chằm chằm, cố gắng nhớ lại, cuối cùng lắc đầu.
Hoài Viễn cào tóc, tràn trề hăng hái kể về tình cảnh lúc mới gặp nàng ở Hồng Nhai Câu, người xung quanh nghe xong đều tặc lưỡi liên tục: “Vạn hạnh, lăn xuống rãnh khô rồi được cứu lên, đúng là người hiền có trời phù hộ…”
Hồi tưởng ngày hôm đó mà Xuân Thiên khiếp vía, lúc ngã từ lưng ngựa rồi lăn xuống dưới, nàng đã ngất đi trong cơn đau đớn, nào còn nhớ mình lại rơi tiếp vào rãnh khô ngàn thước mà không bị đá vụn đập trúng, thực sự vạn hạnh.
Hoài Viễn cười nói: “Cũng đúng, hôm đó lúc anh thấy em thì em đã hôn mê, sau đó không thấy tỉnh lại…”
Hai người ngồi ở Lý gia cả buổi, thấy Lý nương tử hơi mệt, tự giác đứng dậy cáo từ.
Vì chứng khí hư, ban ngày tinh thần Lý nương tử dễ uể oải biếng nhác, người ngoài không tiện quấy rầy.
“Em gái ngoan, hai ngày nữa chị sẽ đến thăm em.” Thục Nhi nhướng mày nắm tay Xuân Thiên: “Em phải mau khỏe lại đấy!”
(còn tiếp)
*Chú thích
– Đọc nhiều truyện hơn tại website ngontinhplus.com -.