Vị Bắc Xuân Thiên Thụ

Chương 4: Hẻm Người Mù


Bạn đang đọc Vị Bắc Xuân Thiên Thụ – Chương 4: Hẻm Người Mù


Chẳng rõ tên cũ của hẻm Người Mù là gì.

Cách đây vài thập niên trước, ngay chỗ đầu hẻm có một người mù xem bói cực chuẩn sinh sống, lúc bấy giờ, mỗi khi người ta nhắc đến con hẻm này, thì chỉ gọi là hẻm Người Mù.
Đi thẳng, dọc theo những đá phiến xanh, là tới cuối hẻm.

Ở đó có cánh cửa gỗ nâu và chiếc khóa đồng thau.

Một chạc cây táo tàu thật lớn ló ra khỏi bờ tường, nơi đầu cành treo lủng lẳng mấy quả táo khô quắt và những chiếc lá úa màu.

Mặt trời ban trưa ươm vàng xuyên qua song cửa sổ, hắt vào trong phòng.

Chái nhà Tây không lớn, là gian phòng mà chủ nhà dùng tiếp khách, nền gạch xanh, chiếc tủ to đen như mực dựng ở góc tường, tản ra mùi hương của chất gỗ lâu năm.

Bộ bàn ghế cũ kỹ, nhưng lại được tạo từ loại chất liệu rất tốt và vững chắc.

Giường nhỏ được bọc toàn bộ bằng vải dày, dưới giường có một bếp lò bé bằng đất sét, lửa than cháy rực, ở trên là chén thuốc đen ngòm đắng nghét.

Xuân Thiên tỉnh dậy, mơ màng mất một lúc.

Ngực đau kịch liệt, cơ thể như bị đóng đinh vào đá, không động đậy nổi, chỉ có thể cảm nhận được chút xúc cảm ít ỏi ở đầu ngón tay.

Lớp bụi li ti cỡ đầu cây kim chậm chạp chuyển động, như nhiễm cả ánh vàng sáng của mặt trời, lười biếng phiêu lãng trong không khí.

Xà ngang gỗ trên đỉnh đầu đã cũ, một mảng sơn đỏ bong ra.

Nàng vẫn không nhúc nhích, mê man nhìn chằm chằm lúc lâu.

Cuối cùng, đầu ngón tay dè dặt thò ra ngoài, vuốt ve lớp thảm nỉ lót dưới người, mềm mại như nhung, vô cùng ấm áp.

Ở ngoài thoáng truyền tới tràng cười vui vẻ như chuông bạc.


Ngay sau đó có người đẩy cửa, có tiếng bước chân tung tăng chạy vào, lục lọi trong cái tủ ngăn kéo cạnh giường tìm đồ gì đó.

Nén cơn đau ở ngực, Xuân Thiên chậm rãi nghiêng đầu sang coi, thì thấy đó là một cô bé mới bảy tám tuổi, hai búi tóc được buộc bằng hai sợi chỉ đỏ, cặp má hây hây hồng, cái mũi và đôi mắt nhỏ nhắn, trong tay cầm cây kéo, đang xới tung mấy mảnh vải rách, miệng lẩm bẩm: “Mảnh này lớn hơn, trông còn đẹp hơn mảnh của mẹ nữa!”
Nàng muốn cất tiếng, nhưng lại nhận ra cổ họng mình đắng rát, chỉ phát ra được vài tiếng ú ớ khó nhọc.

Cô bé quay đầu nhìn qua giường, rồi lại xoay đi tìm vải.

Nửa buổi sau, nó bất thình lình dừng động tác trên tay, giật mình quay đầu lần nữa, cho tới khi nhìn thẳng vào Xuân Thiên, nghệt mặt hỏi: “Chị ơi, chị tỉnh rồi ạ?”
Xuân Thiên cau mày, cổ họng lên xuống, suy yếu gật đầu.

Cô bé gái nhe răng nở nụ cười tươi roi rói, cả người bổ nhào đến cạnh giường: “Chị ơi, cuối cùng chị cũng tỉnh rồi, thật là tốt quá!”
“Mẹ, mẹ…” Nó cao giọng gọi í a í ới, nhìn Xuân Thiên cười ngọt: “Em đi gọi mẹ đây!”
Xuân Thiên biết, nàng đã sống lại.

Nhưng nàng không biết giờ là giờ nào, đang ở chốn nào, chỉ thấy đầu óc choáng váng, sức cùng lực kiệt.

Nghe có tiếng bước chân ngoài cửa, nhổm người toan đứng dậy chào hỏi chủ nhà.

Một phụ nhân trạc tứ tuần mặc bộ đồ bằng vải thô lau đôi bàn tay, sải bước qua ngưỡng cửa, cuống quýt tiến lên: “Nằm yên đấy, nằm yên đấy!” Thím đè người Xuân Thiên xuống, “Thầy thuốc dặn rồi, mấy tháng này phải nằm yên một chỗ, không được lộn xộn đâu.”
Khắp nơi trên người nàng đều băng bó vải, giỏi lắm cũng chỉ gượng được đầu.

Nàng thở hổn hển, lồng ngực đau như bị cái dùi đục một lỗ, quả tim sắp rơi ra ngoài đến nơi, dòng máu ngai ngái ứ lên cổ, chát như gang: “Nương tử vạn phúc.”
“Con ngoan, không cần khách sáo thế, con cứ nằm yên, đừng động đậy.” Thím trấn an nàng, “Người có chỗ nào khó chịu không? Để thím bảo Tiên Tiên đi mời thầy thuốc đến xem xem.”
Cô bé gái đứng cạnh đáp tiếng giòn giã, cười hì hì chạy ra ngoài.

Xuân Thiên ngửa khuôn mặt nhợt nhạt lên, ho khù khụ liên tục: “Đạ ta ơn cứu mạng của nương tử.”
“Gọi Triệu đại nương là được rồi.” Thím vuốt ngực cho Xuân Thiên xuôi khí, dịu dàng cười nói: “Chủ nhà họ Lý, thím là người làm thuê cho nhà cậu ấy.

Lý nương tử giờ hẵng còn đang nghỉ, đợi khi nào cô ấy thức, thím sẽ báo cho cô ấy tin tốt này.”
“Xin hỏi đại nương, đây là…!giờ nào chỗ nào…!con hoàn toàn…!không nhớ rõ…” Xuân Thiên quan sát cách bày biện trong phòng, đôi mắt chứa đầy nghi hoặc.


“Đây là hẻm Người Mù của phường An Thuận thành Cam Châu.

Hôm nay đã là hai mươi nhăm tháng chín, con ngủ li bì ba hôm, Lý nương tử suốt ngày ngóng con tỉnh, giờ thì tốt quá rồi!”
Xuân Thiên hoảng hốt, có phần lơ đễnh, như nằm trong giấc chiêm bao, nói giọng khàn khàn: “Con không nhớ rõ, sao con lại tới thành Cam Châu ạ?”
Triệu đại nương nói một chập: “Bữa ấy Hoài Viễn về báo tin mừng, bảo thương đội đã trở về, nương tử khấp khởi đi đón đại gia.

Vừa gặp mặt nhau thì trong xe đằng sau có người quýnh quáng la toáng lên, nói con ho ra máu, đại gia quay qua sai người đi mời thầy lang rồi đưa con vào nhà.”
Xuân Thiên im lặng chốc lát, mấp máy bờ môi khô nứt, nói: “Con…!không nhớ…”
“Trời nhìn xuống còn xót xa, con ngoan, con tên gì?” Triệu đại nương rót chén trà cho Xuân Thiên uống trơn họng: “Nghe giọng con hình như là người miền Nam, nhà con ở đâu?”
Xuân Thiên báo tên họ, chỉ nói mình từ trấn Tân Phong quận Trường An đến.

Triệu đại nương nghe nàng ở nơi thủ đô ngoài xa ngàn dặm, lại thấy nàng ho khan không dứt, thím xuýt xoa lia lịa, động viên nàng: “Con ngoan, tạm thời cứ nằm chờ thầy thuốc đến, đừng bận tâm gì nữa.”
Thầy Hồ vội vã đi vào với hòm thuốc trên lưng, bắt mạch kiểm tra vết thương, rồi sau đó thở phào nhẹ nhõm, nói: “Tỉnh là tốt rồi, mấy ngày nay cần chăm kỹ, nếu không ho ra máu thì không quá đáng ngại.”
“Xương gãy đâm vào ngực làm chảy máu, lão phu châm cứu hai canh giờ, thấy cô đột nhiên ngưng thở nên mới tạm dừng.” Thầy kê đơn thuốc, “Người tốt ắt có trời phù hộ, nói không bao giờ sai.”
Mùi thuốc cay nồng, Tiên Tiên dịch cái ghế đẩu ra ngồi trước bếp lò sắc thuốc.

Xuân Thiên tựa người lên gối, mặt mũi bơ phờ, ngẩn ngơ dán mắt vào làn hơi thuốc bốc nghi ngút.

Từ sau khi từ Hồng Nhai Câu lăn xuống rãnh sâu, giữa cơn đau quằn quại nàng có tỉnh vài lần.

Mùi thuốc trong nhà trọ cũ nát hun cả người, có nữ tử ngoại tộc xinh đẹp mỹ lệ đút nước nóng cho nàng.

Người trong xe ngựa giã thuốc đều đều, họ hỏi nàng đến từ nơi nào, nàng nói được dăm câu thì lại thiếp mất, sau đó, nghe có người nói vào bên tai, quay về Trường An đi.

Tức khắc, nàng trở nên tỉnh táo, chống người muốn đứng lên, nỗi đau tưởng chừng như nuốt chửng lý trí, bất giác cũng quên đi sạch.

Thay một bộ quần áo xa lạ mà sạch sẽ, Xuân Thiên thấy sam bào* của mình đã được giặt sạch, gấp gọn đặt trên kỷ án, bèn năn nỉ Tiên Tiên cầm lại đây, lật coi từng cái.

“Chị Xuân Thiên, mẹ em thu dọn hết đồ đạc của chị vào đây rồi.” Tiên Tiên chồm tới cạnh nàng, “Chị tìm gì thế ạ?”

Nàng lật qua lật lại quần áo của mình, đống giấy tờ, phí đi đường, còn cả bản đồ công văn hao hết tâm huyết mấy năm chuẩn bị giờ chẳng biết đã rơi rớt ở đâu, ngay cả chủy thủ quan trọng nhất cũng không thấy nữa.

Nhất thời, tim nàng như bị dao cắt, mờ mịt ngước mi, cảm giác khóc không ra nước mắt.

Ngửi mùi thuốc ngập khắp phòng, có được may mắn sống sót sau tai nạn, nhưng càng nhiều hơn là nỗi mông lung về con đường vô định phía trước.

Đến khi mặt trời ngả về Tây, một phụ nhân trẻ tuổi ốm yếu khoác chiếc áo lông ấm áp, được Triệu đại nương dìu vào.

“Nương tử, bước khéo đấy.”
Xuân Thiên chưa nhìn được dung mạo của Lý nương tử, đập vào mắt đầu tiên là bàn tay gầy gò xanh xao run rẩy, có giọng nữ nhẹ nhàng vang lên: “Cô nương, đừng cử động, cứ nằm đó đi.”
Là một phụ nhân độ ba mươi tuổi, tuy còn trẻ, nhưng nom bề ngoài hệt người bệnh kinh niên, sắc mặt vàng vọt như nến, hai vệt đỏ ửng nổi trên đôi xương gò má cao ngất, cả người sực mùi thuốc.

Phụ nhân từ từ ngồi xuống chỗ mép giường, tỉ mỉ quan sát Xuân Thiên, giọng nói yếu ớt: “Thật là đứa nhỏ đáng thương.”
“Nương tử vạn phúc.” Hốc mắt Xuân Thiên ươn ướt, cúi đầu chào: “Ơn cứu mạng này, Xuân Thiên suốt đời khó quên.”
“Tôi nghe đại gia kể chuyện xảy ra trên đường, thương em tuổi còn nhỏ quá, vậy mà lại gặp phải tai bay vạ gió thế này.” Lý nương tử thuật lại tình hình ngày ấy cho Xuân Thiên nghe.

Ban đầu thương đội bàn bạc, mấy người Lý Vị và Đoàn Cẩn Kha lên đường đi đến Lương Châu, tới Lương Châu sẽ đưa Xuân Thiên tới Đoàn gia để chăm sóc.

Lúc ngang qua hẻm Người Mù, Lý Vị thấp thỏm nhớ nhà nên định bụng về thăm một chốc, vừa quay người thì Xuân Thiên đang hôn mê bỗng ngồi bật dậy, ho ra một ngụm máu đen.

Lý Vị thấy vậy, lập tức ôm Xuân Thiên xuống xe ngựa, mời thầy thuốc tới nhà kiểm tra.

Lý nương tử che khăn ho nhẹ: “Quy tắc khi đi đường rằng gặp gỡ chính là duyên phận, một cái nhấc tay mà thôi, nào có to tát cỡ ân cứu mạng chứ.

Em đừng lo nữa, cứ coi nơi đây như nhà mình, an tâm dưỡng bệnh là được.”
Cô ấy sờ tấm thảm nỉ, quay đầu nói với Triệu đại nương: “Trời lạnh lên rồi, thím trải thêm đệm, bếp lò cũng nên đốt, người bệnh không chịu nổi lạnh đâu.”
Triệu đại nương gật đầu: “Đệm chăn trong tủ thím đều đem hong nắng ngoài sân, khi nào hết ẩm mốc sẽ mang vào trải cho con.”
“Làm phiền nương tử quá ạ.” Xuân Thiên nghẹn ngào, chung quy tuổi nàng còn nhỏ, tha hương mắc nạn được người cứu giúp, chỉ thấy sống mũi cay cay, nước mắt chực trào.

“Đại gia đi gấp, trước khi đi còn dặn trong nhà coi sóc em.” Gương mặt Lý nương tử hiện lên nét cười nhàn nhạt, “Sức khỏe tôi không tốt, một ngày thì hơn nửa buổi đã dành nằm ở trên giường, trừ tới thăm em thì chẳng làm được gì khác nữa.

Thím Triệu ở đây, em hãy coi là đại nương nhà mình mà đối đãi, muốn gì cứ việc mở miệng nói, nếu có chỗ nào chưa chu toàn, nhất định phải bảo với tôi.”
Lý nương tử thấy Xuân Thiên hoảng hốt thất thần, dịu dàng trấn an nàng: “Ra ngoài khó tránh phát sinh vài việc ngoài ý muốn, trước mắt sức khỏe là quan trọng nhất, chớ hoài buồn rầu.”
Cô ấy nhìn Xuân Thiên mặt ủ mày chau, liên tục dỗ dành: “…!Nếu em lo thất lạc người thân bạn bè, hẵng yên chí, chờ đại gia trở về, tôi sẽ bảo chàng đi tìm thân hữu cho em, chàng quen biết khắp tứ phương, muốn tìm người cũng không phải khó khăn gì.”
Gương mặt Xuân Thiên thoáng vẻ chán nản: “Không dám giấu giếm nương tử, em từ Trường An đến, muốn đến Bắc Đình tìm họ hàng.


Vốn dĩ có một người tôi tớ đi theo, đáng tiếc nửa đường lạc mất nhau, giờ đây đã thành lẻ loi một mình, không có thân thích…” Nàng nghẹn đắng, cả buổi trời không thốt lên lời.

“Vậy…” Lý nương tử hỏi, “Nhà em còn thân hữu gì không, có thể gửi tin báo bình an cũng được.”
Xuân Thiên mím môi lắc đầu.

Hóa ra là phận gái nhỏ mồ côi lặn lội đường xa tìm người thân.

Lý nương tử đành xoa dịu, “Thôi, tạm thời em cứ an tâm dưỡng thương, chờ khỏe lên rồi tính sau.”
Hai người chỉ nói dăm câu, Lý nương tử đã thấy nhọc người.

Ccô ấy mắc chứng huyết hư khí nhược, da dẻ khô rát đỏ, tinh thần uể oải.

Triệu đại nương đứng sau lưng Lý nương tử, nhẹ nhàng nói: “Nương tử, thuốc chiều vẫn đun trên bếp, tôi đỡ cô đi uống nhé.”
Đầu mày Lý nương tử nhíu vào, nắm tay Xuân Thiện: “Để cô nương chê cười rồi, sức khỏe tôi là thế đấy, không thể ngồi lâu với em được.

Em đừng khách sáo, trong nhà ít người thanh tịnh, khó tránh khỏi hơi buồn tẻ, tuy Tiên Tiên tuổi còn bé, nhưng được cái lanh lợi hiểu chuyện, mai mốt cứ gọi con bé tới tâm sự pha trò với em.”
Cô ấy lại nói: “Tôi có một đứa con trai, sắp mười một tuổi rồi, đợi sau khi nó tan học, cũng bảo nó đến nói chuyện với em luôn.”
“Không dám làm phiền nương tử.”
Lý nương tử không thể ngồi lâu, nhìn Xuân Thiên uống thuốc xong, an ủi thêm vài câu rồi vịn tay Triệu đại nương quay về phòng.

Tới lúc trong phòng không còn ai, Xuân Thiên nheo chặt hai mắt, hàng mày cau lại đau đớn, nặng nề thở ra một hơi dài.

Vừa uống hết thuốc, đầu óc mỏi mệt, ánh mặt trời hắt vào khuôn mặt trắng bệch của nàng, nàng mơ màng tiếp tục chìm vào giấc ngủ.

Cơn mơ này chẳng biết kéo dài bao lâu, khi bỗng dưng choàng tỉnh, chung quanh đã ngập trong màn đêm tối om om.

Mặt trời lặn rồi.

Ngoài phòng có tiếng chó sủa vang, tiếng cái ròng rọc giếng kêu kẽo kẹt, loáng thoáng còn xen cả tiếng nói cười của đám trẻ.

Xuân Thiên buông tấm thảm nỉ trong tay ra, ngồi giữa gian phòng lạ lẫm vắng lạnh mà tim đập loạn nhịp.

Từ Cam Châu đi theo hướng Tây tới Đình Châu là hai ngàn dặm, đi theo hướng Đông về Trường An là hai ngàn năm trăm dặm, con đường phía trước đây, nên đi nơi nào?
(còn tiếp).


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.