Bạn đang đọc Vấp ngã tuổi hai mươi – Chương 14
Chương 14: Con trai nghĩ gì về con gái trong vấn đề nhạy cảm
– Alo, có chuyện gì nữa thế? …Ừ, ăn gì cũng được. …. Khổ nhỉ, mày nấu gì thì tao ăn nấy, có vậy mà cũng phải hỏi. …. Hả, sao cơ? …Ừ, đang trong lớp, game gì mà game. Thế nha, thầy sắp vô lớp rồi.
Hiếu tắt máy, thái độ tỏ rõ sự bực bội rồi ném mạnh điện thoại vào ngăn bàn. Hiếu quay người về phía tôi tiếp tục cuộc nói chuyện sau khi nghe cú điện thoại mày-tao đầy chát chúa.
– Giờ phòng Hiếu nấu ăn à? Đan cũng tính thế, sinh viên mùa bão giá mà. Khổ quá đi mất thôi. Tháng rồi, Đan nghỉ làm nữa, chi tiêu chắt bóp từng tí một.
– Vợ tôi nấu ăn đấy. – Hiếu dốc ngược chai nước suối, nuốt nước ừng ực.
– Là sao? Ý Hiếu là …- Tôi tròn mắt, gặng hỏi.
– Hiếu sống chung với con nhỏ lớp bên bữa có nói chuyện cho Đan nghe đấy. Mới được nửa tháng mà ngán ngẩm. – Hiếu thở dài.
– Sao Hiếu bảo không yêu mà chỉ …. – Tôi ấp úng vài giây. – Nhưng sao lại xưng hô mày – tao?
– Xưng hô thế cho nhanh. – Hiếu rung đùi, cười hì hì.- Mà ôi trời ơi, tối ngày nó không thấy Hiếu ở nhà là nó tưởng mình vùi đầu ngoài quán game không à. Là bồ bịch mà cứ muốn làm bà nội người ta ý, quản thúc giờ giấc có khi còn hơn cả bà già Hiếu ở ngoài quê. Tối ngày cằn nhằn, kiểm tra điện thoại, tin nhắn rồi xét lét từng tí một. Hiếu cảm giác như người bị ngồi trong nhà đá vì mất tự do quá nhiều trong cái khái niệm tình yêu sinh viên và quản lý người yêu không khác gì bà bảo mẫu.
– Thì bạn ý thương Hiếu, quan tâm Hiếu thế còn muốn gì nữa. Nhất Hiếu rồi. – Tôi dài giọng.
– Thương gì? Quan tâm cái gì chứ?
– Thế không thương, không quan tâm mà góp gạo thổi cơm chung thế à? Giả bộ nữa.
Hiếu nghiêng đầu hẳn sang một bên, nhìn tôi dò xét mấy giây. Hiếu lại im lặng, quay mặt lên bục giảng, vẻ mặt nghiêm nghị như gã đàn ông thực thụ. Rồi đùng một cái, Hiếu quay ngoắt sang bên, nhìn tôi đăm đăm:
– Đan này, ngủ với nhau thì cứ phải yêu nhau à?
– Đan không biết?- Tôi lúng túng.
Tôi hơi hoảng khi Hiếu hỏi mình như thế, buông câu trả lời lơ đễnh rồi quay đi. Thú thật, tôi cũng không biết nữa. Tôi và Nam không như thế và cũng không giống chuyện của Hiếu mà. Cậu ấy quay sang nhìn tôi, cười:
– Ừ. Đan không biết là phải. Đan ngây thơ, trong sáng và đáng yêu mà. Đan đã biết gì đâu mà trả lời Hiếu. Hiếu hỏi toàn những câu dở hơi.
Tôi như kẻ giả tạo, bọc một vỏ mặt lạ trát bằng cả tấn xi măng vững chắc, cố mấp máy đôi ba câu trả lời:
– Cậu nói thế mà tội nghiệp người ta. Người ta thương cậu thật lòng đấy. Đừng trẻ con vậy chứ.
– Con nhỏ đó chỉ cần trách nhiệm sau khi chuyện đó xảy ra thôi.
– Thế cậu nghĩ mình không cần có trách nhiệm gì à? Cậu làm tớ thất vọng thật đấy.
Tôi nhớ sau ngày sinh nhật, tôi đã không khóc lóc hay van xin người đàn ông đầu tiên đừng bỏ đi, hãy thương hại hay cần phải có một trách nhiệm sau chuyện đó với mình. Vậy mà bây giờ, tôi gần như đưa ra yêu cầu cậu bạn thân trong lớp phải có trách nhiệm, phải quan tâm, lo lắng và hỏi han cô gái ngu ngốc giống hệt như tôi kia.
Thật ra tôi đã cảm thấy rất nhục nhã và vô cùng xấu hổ khi xưa nay vẫn luôn tự ình là gái – ngoan. Bởi quan niệm của tôi về gái ngoan hay gái hư rất đơn giản, giống như chuyện được và mất khi đánh một canh bài. Thấy một cô gái bước chân vào nhà nghỉ, tôi cho là gái hư, mà tôi quên mất một khả năng như là cô ấy vào chỉ để vạch mặt hay bắt quả tang người bạn trai của mình đang hẹn hò với người đàn bà khác. Thấy một cô gái mặt mày sáng sủa, ăn nói dịu dàng, mặc đồng phục tươm tất và ngồi nghiêm chỉnh trong giờ học, tôi cho là gái ngoan, mà tôi nào ngờ rằng, cô ta có thể đánh mờ mắt người khác bằng việc ngủ ngồi sau những buổi dạo chơi thâu đêm suốt sáng ở ngoài quán bar.
Thực ra, tôi đã rất sợ Nam bỏ đi, vì nếu như sau này chúng tôi có nỡ chia tay, tôi biết nói gì đây với người chồng mới? Thậm chí sau chuyện đó, liệu mối quan hệ giữa hai chúng tôi còn tồn tại một sự trong sáng nào, hay chỉ còn là ham muốn thể xác và ngày một lún sâu vào vũng bùn bẩn thỉu của dục vọng.
Và thực ra, tôi cũng đã vô cùng hoang mang và lo lắng, nếu như mình mang thai, mình phải nạo phá… Tôi sẽ rất đau…
– Trời ơi … – Hiếu đảo mắt mấy vòng trước những suy nghĩ miên man của tôi. – Này, Đan nghĩ cái thân của đứa con gái chơi bời như nó mà đến lượt Hiếu đụng vào lần đầu tiên ý hả.
– Hóa ra là Hiếu quan trọng chuyện đó.
– Không hẳn. Thế theo Đan nghĩ, vì sao thằng đàn ông nào cũng muốn bạn gái mình phải còn trinh trắng và mình là người đầu tiên được ngắm nhìn hay hà hít cái mùi hương đặc trưng đó.
– Thời đại đấy qua rồi. Chúng ta đang sống trong thế giới bình đẳng. Hiếu đừng ích kỉ như thế.
– Không phải. Không phải cánh đàn ông cổ hủ hay ích kỉ gì đâu. Mà là họ rất sợ mình không đủ khả năng đem lại hạnh phúc cho người đàn bà đã từng có quá khứ. Một người đàn ông giỏi là người biết làm cho người phụ nữ của mình cười, hạnh phúc và ngập niềm vui. Còn người phụ nữ giỏi phải là người biết quên đi người đàn ông đã làm ình cười, được hạnh phúc cho dù là ngắn ngủi trong giây lát. Lần đầu tiên của phụ nữ cũng vậy, họ đau đớn tột cùng… Bởi lẽ thế, chẳng người phụ nữ nào có thể quên được người đàn ông đầu tiên, cho dù anh ta có tồi tệ, bẩn thỉu hay nghèo nàn…
– Dù sao thì cậu cũng không nên đối xử không tốt với cô gái kia. Cô ta không thể dành lần đầu tiên của mình cho cậu, cũng như cách cậu đã dành lần thứ n gửi tặng lại cho cô ta. Có thể cô ta yêu cậu thật lòng, chỉ tiếc là… hai người gặp nhau quá trễ.
Tôi gấp sách vở lại mang lên bàn trên ngồi. Có lẽ đây là lần nói chuyện thật thà và thẳng thắn nhất từ trước đến nay giữa hai chúng tôi với tư cách là bạn thân. Tôi và Hiếu không đồng quan điểm, cuộc nói chuyện trở nên căng thẳng và không thể cười trừ một cái làm lành như mọi khi. Tôi càng không thể tập trung với lời thầy giáo trên bục giảng. Mọi thứ xung quanh như tiếng ong vo ve, rên rỉ, thảm thiết kêu gào. Hình ảnh trần trụi của đêm kia, giây phút ái ân tới tột đỉnh, lời nói trách móc cay nghiệt hay những hành động chẳng phải dành cho tình yêu vừa ban nãy, …, mọi thứ rối ren trong đầu tôi như một ma trận. Tôi đang đi lạc trong chính ma trận do mình tạo ra, và lạc lối ngay cả khi thầy yêu cầu tôi lên bảng để giải một bài toán ma trận nghệch ngoạc bằng đủ thứ phấn màu ở trên bảng. Tôi nhận viên phấn từ bàn tay của thầy, viết rồi xóa, thậm chí chính bản thân còn không biết mình đang giải bài tập hay đang viết những nghĩ suy trong đầu lên bảng bằng những kí hiệu toán học mà chỉ một mình tôi mới có thể giải mã.
– Ngồi học không tập trung. Nếu mệt thì tôi cho nghỉ, về chỗ đi.
Sau cả mười phút đứng như trồng cây chuối trên bục giảng, thầy thở dài nhìn tôi rồi lắc đầu. Và lần đầu tiên, tôi được nhận điểm một của môn học thuộc ban Tự nhiên. Tôi bặm môi, nhìn thầy.
– Không làm được thì một điểm. Về chỗ đi, tuần sau lên sửa bài gỡ điểm.
Tôi về chỗ ngồi. Bàn sau trống trơn, Hiếu đã bỏ về từ khi nào tôi cũng chẳng hay nữa. Cậu ấy để lại cho tôi một mảnh giấy, nét chữ nắn nót và kẹp gọn vào cuốn sách:
“ Hiếu quên mất cả hai đứa mình đều là người từ quê lên thành phố học. Hiếu quên mất Đan là một cô gái ngoan, nghị lực và biết giữ mình. Và Hiếu đã sai rồi, Hiếu không nên nghĩ Đan là thằng con trai thân thiết để có thể nói thẳng những lời nói vô duyên như thế. Hiếu phải nhớ, Đan là một cô gái ngoan, thân thiện và tình cảm, để biết giữ lời ăn tiếng nói. Cho Hiếu xin lỗi chuyện lúc nãy nhé!”.
Tôi đã rất cố gắng để trấn an mình bằng cách hít thật sâu, vậy mà tiếng sụt sịt vẫn phát ra khiến đứa bạn ngồi bên cạnh huých nhẹ vào tay tôi và đưa ảnh khăn giấy:” Thằng Hiếu làm gì khiến đằng ấy buồn hả”. Tôi lắc đầu:” Làm gì có. Bụi bay vào mắt thôi”.