Bạn đang đọc Vấp ngã tuổi hai mươi – Chương 13
Chương 13: Đừng thử.
Miếng cơm đầu tiên chưa nuốt trôi khỏi cổ thì giọng nói của Nam đã vọng lại sang sảng, làm tôi ho sặc sụa. Nam chạy vội đi rót ly nước lọc đưa cho tôi:
– Từ từ thôi Đan. Coi ai tới kìa. Hôm nay rồng bỗng tới nhà tôm à nha.
– Bệnh mà không thèm nhắn tin tao một tiếng. Tính ốm mòn thành bộ xương khô mới biết đến mặt mũi tao hả. – Linh vừa mang túi hoa quả vào phòng vừa lên giọng trách cứ, ra vẻ làm một người chị biết quan tâm và lo lắng.
Tôi cười nửa miệng. Bờ môi khô nứt bị kéo căng ra khiến tôi chợt có cảm giác đau điếng như que kim đâm vào da thịt. Tôi nhíu chân mày:
-Em bị trúng gió thôi, có chết đâu mà chị lo.
Tôi đưa mắt nhìn anh Hải ở phía ngoài, đầu tóc chuốt gel bóng mượt, trải chuốt ngược lại đằng sau đang từ trên chiếc tay ga mới toanh bước xuống. Tôi nói nhỏ với Linh:
– Anh Hải chăm chị dữ nhỉ, nhìn xinh và má phính hồng ra trông thấy, đúng là xưa nay vẫn không hổ danh xinh đẹp nhất làng Hạ. Kì này mà có về quê, không chỉ làng Hạ, mà còn bên làng Đông cũng phải ngả nón đón chào hoa hậu tên Diệu Linh chứ chẳng đùa.
– Thật hả, hay lại muốn nịnh đểu tao. – Linh hét toáng, nhẩy cẫng như con nít lên ba vừa được cho kẹo, chạy ra níu kéo tay anh Hải. – Đấy, anh nghe rõ chưa, con Di Đan nó vừa bảo: em xinh ra, không hổ danh là đứa xinh nhất làng như ngày xưa đó.
– Ừ, xinh xinh. – Anh Hải cười với Linh, rồi nhìn tôi. – Bộ Đan ốm thế nào hả em?
– Dạ, cám ơn anh đã hỏi thăm. Em bị cảm nhẹ thôi ý mà. – Tôi đong đưa giọng bảo Nam. – Lấy nước cho hai người giùm Đan đi Nam.
– Khỏi, khỏi. – Linh gạt phắt. – Mà tụi bây như vợ chồng ý nhỉ. Vợ ốm, chồng nấu cơm ăn, hạnh phúc thế còn gì. Nấu nhiều không, tao ăn luôn nè. Hì.
Tôi và Nam mắt tròn, mắt dẹt nhìn nhau, chưa kịp phản ứng gì thì Linh lại cất cao cái giọng lanh lảnh như chim hót:
– Thôi, tao đùa đấy. Tao đến thăm mày chút rồi đi có việc luôn đây. Giữ sức khỏe đấy nhé. Bữa nào rảnh, tao qua. Lâu rồi, hai chị em mình không nói chuyện ý nhỉ. Nhiều chuyện hay lắm, tao kể cho nghe để đầu óc mày nó phóng khoáng lên, ai đời quê mùa mãi. Vả lại, tao cho xem hình mới chụp ngoài biển, không thua kém gì hoa hậu đâu nha.
Tôi rùng mình, lạnh sống lưng với cụm từ:” Hai chị em mình” của Linh, nghe cứ giả tạo thế nào. Lâu nay, lúc nào tôi muốn gặp thì Linh đều kêu bận việc này, việc kia, mở miệng ra là anh Hải của tao thế này này, đóng miệng lại vẫn không quên gọi “tiền ơiiiiii, mi đang ở đâu thế?”. Tự dưng, tôi thoáng giận Linh.
Linh dúi vội vào tay tôi đồng polime năm trăm nghìn mới cứng, rồi chạy ra ngoài leo lên xe. Anh Hải nháy mắt ra hiệu chào tôi và Nam, lên ga, vội vã. Tiếng cười giòn tan của nam thanh nữ tú hòa với gió rồi tan loãng ra. Bóng dáng họ cũng mất hút nhanh chóng theo lối hẻm sâu và chật chội đi vào xóm trọ.
Có lẽ thế giới mà tôi và Linh đã từng chung sống với nhau, giờ đã có làn gió mới dội vào, làm đổi thay mọi thứ. Như trái đất tròn này vẫn quay, như vầng thái dương kia vẫn tỏa nắng, chỉ có cơn gió này là lạ, chỉ có những đám mây mỗi lúc một hình dạng kia là thay đổi. Linh của những ngày đã qua không còn nữa. Nhưng biết đâu, ngày mai Linh sẽ trở lại. Còn hôm nay, Linh thay đổi rõ nét thật rồi.
Tâm trạng tôi như nổi giông tố. Tôi chỉ muốn được hét toáng lên để những nghĩ suy trong đầu vỡ vụn. Tâm trạng tôi trì trệ, nặng nề. Tôi chỉ muốn giống như con thuyền lênh đênh ngoài khơi, bị con lốc xoáy mạnh úp lộn nhào xuống rồi sóng nhấn chìm hay cuốn đi tất cả. Chưa bao giờ, tôi cảm thấy tâm trạng mình trì trệ và bí bách như bấy giờ.
Tôi ước mình biến mất khỏi thế gian. Hoặc là, những chuyện đau khổ kia thiêu trụi thành tàn khói và hòa loãng vào không gian. Giá như, tôi khóc được. Giá như, tôi yếu đuối hơn mình vẫn tưởng. Tôi không muốn sống mạnh mẽ nữa. Tôi chỉ muốn được nằm xuống và nghỉ ngơi. Nhớ lại khoảng thời gian trước cứ phải gồng người lên để đối mặt với cuộc đời, cơ thể tôi lại như chất vôi mềm nhũn ra tựa không xương.
Đồng năm trăm nghìn trong tay tôi dường như hóa đá, lạnh ngắt. Tiền là giấy – thứ giấy độc quyền mà ai cũng thích nâng niu, để phẳng phiu, gói gọn và đem cất kĩ như thứ thực phẩm tươi sống phải đóng gói và bảo quản. Đến ngay cả tình chị em cũng được quy ra tiền sau bao nhiêu ngày mới gặp nhau, chỉ lời qua tiếng lại vài ba câu ngắn lủn củn rồi đi vội vã, chẳng buồn lấy một lần ngoái đầu quay lại mỉm cười. Đồng tiền cuốn người ta đi theo dòng xoáy. Tôi cũng không dám tưởng tưởng, trong cơn xoáy xoay vòng tròn mãnh liệt ấy, thì lực hút của nó xuống tận đáy đại dương sẽ lớn như thế nào và hậu quả sẽ nghiêm trọng ra sao. Tôi thấy sợ, nhưng bản thân tôi thì nào có quyền bắt người khác phải nghe theo ý của mình. Càng sợ hơn, khi tôi bữa no bữa đói, còn người ta ăn sung mặc sướng chỉ cần việc học. Tôi co mình lại. Chưa bao giờ trong suy nghĩ của bản thân tôi thay đổi:” Mình là gái quê”.
Nam lắc đầu, ngao ngán:
– Nam ăn chung với Đan nhé! Nam đói quá rồi.
– Ừ. Nam lấy cơm khác cho Đan luôn, cơm này nguội ngắc.
Tôi cười gượng với Nam thay cho lời xin lỗi. Bữa cơm chiều muộn trôi qua trong khoảng thời gian như ngưng đọng.
Sài Gòn ra rả những cơn mưa dài day dứt mãi. Tôi và Nam ngồi nhìn nhau như những người câm lặng lẽ, chẳng biết nói gì. Tôi quay lưng lại. Tôi ghét nhìn vào ánh mắt của Nam, nó như chứa một sức mạnh vô hình luôn khiến bản thân tôi mất tự chủ. Tôi không nỡ bảo Nam về khi cơn mưa vẫn còn đang nặng hạt. Tôi cũng không muốn Nam ở lại trong phòng của mình khi đã quá mười hai giờ đêm. Cứ mỗi khi nghĩ lại chuyện của những ngày trước đó, tôi phát rùng mình. Cảm giác lạnh chạy dọc sống lưng và hổ thẹn, đầy tội lỗi, làm tôi run lẩy bẩy, mà không thể nào bật khóc thành tiếng được.
Trong đôi mắt của Nam, hình ảnh tôi nằm trọn vẹn nơi đấy, sao nhỏ bé, sao liêu xiêu và mong manh đến lạ kì. Đôi môi Nam mấp máy như muốn nói đôi lời, nhưng hình như cũng không tài nào bật lên thành tiếng. Tôi lại hướng cái nhìn của mình ra phía cửa sổ ngắm cơn mưa, thỉnh thoảng quay lại nhìn Nam và bắt gặp cái nhìn đăm đăm nhưng hết sức nồng nàn.
– Đan ngủ đi. Nam về đây. – Tiếng Nam nhỏ nhẹ nhưng cũng đủ át tiếng mưa ngoài kia để tôi đưa ánh mắt lơ đễnh nhìn lại.
– Bệnh đấy. Ở lại đi.
– Đan không sợ à?
– Đan không.
Nam lại gần tôi, đặt nụ hôn nhẹ trên vầng trán ương bướng còn nóng ran. Tôi cảm nhận rõ hơi thở của Nam lướt dọc xuống tận vành tai, như cơn gió xuân thổi nhẹ, mơn man da thịt mình. Nam hỏi nhỏ:
– Có phải Đan mệt không?
Tôi lắc đầu:
– Nam biết chuyện đó lâu chưa?
– Từ ngày còn học cấp ba.
– Hình như là quá sớm.
– Có lẽ vậy. – Nam so vai. – Ngày đó, nếu trai Hà Thành mà lên lớp mười còn chưa biết sex là gì sẽ bị cho là đồ nhà quê.
Tôi cười nhạt trước câu trả lời đó.
– Nam khóa cửa, tắt điện và nằm bên đây nhé!.
Tôi đặt tay sang phía bên trái chỗ mình ngồi ra hiệu cho Nam rồi từ từ ngả lưng xuống, với tay nhấn công tắc đèn ngủ. Nam vẫn im lặng, nhìn tôi như “đồ nhà quê”, tỏ vẻ ngây ngô, không hiểu gì. Tôi nhéo vào tay Nam, cậu ấy xuýt xoa, kêu đau:
– Nếu không muốn, Nam có thể về. Và thật tệ, đêm nay Đan bỗng thấy mình cần một người ở bên cạnh. Đan thấy rất cô đơn. Đan sợ ở một mình.
Nam nhíu chân mày, đứng dậy. Không như tôi nghĩ, Nam tắt đèn rồi bước ra ngoài, và cánh cửa từ từ khép lại. Hẳn Nam đang rất ghê tởm với lời đề nghị của tôi, khi mà mới vài tiếng trước, tôi đã đuổi cậu ấy ra khỏi nhà với những lời lẽ cay nghiệt nhất có thể. Bỗng thấy sống mũi cay và nước mắt chảy ra, tôi kéo chăn, chùm qua đỉnh đầu và khóc. Tôi chửi mình, nguyền rủa mình vì tất cả những gì đã xảy ra. Căn phòng như rỗng toác và rộng thênh thang trong màn đêm. Ánh đèn ngủ màu xanh lợt bủa vây lấy cái bóng đen của tôi in vật vạ trên vách tường. Tôi biết mình cô đơn và chỉ muốn gào lên trong cơn sợ hãi đó. Lần đầu tiên kể từ ngày xa nhà, tâm trạng tôi hoảng loạn và bất an như thế.
Tiếng sét lớn làm tôi rùng mình, tiếng nấc nơi cổ họng khiến đôi bàn tay gầy nổi những đường gân xanh run lẩy bẩy. Không biết Nam của tôi giờ này thế nào. Chiếc điện thoại cũ nằm im lìm trên bàn học. Tôi chếch choáng như kẻ say, lồm cồm lết người tới. Đắn đo hồi lâu, tôi mới quyết định gửi tin nhắn vừa viết. Đồng hồ đã chỉ hai giờ thiếu. Một ngày mới cận kề trong cơn mưa, thấy lòng mình sao lạnh buốt và cũng ướt át đến quá chừng.
Cánh cửa đẩy ra, cơn gió thốc mạnh vào phòng trọ, như móng vuốt của một con mèo cào xé rách trên da thịt tôi, làm đôi vai tôi nhô lên cao vì rùng mình và đôi môi bặm lại, tím tái. Vài trang giấy trên bàn học bị hất tung xuống mặt đất, kêu sột soạt.
– Có thật là Đan đang rất nhớ tôi không?
Tôi quay người lại phía sau, đôi môi bặm chặt mà vẫn nấc lên, khẽ gật đầu.
– Nam đứng ngoài cửa, không dám về vì Đan bệnh, chẳng may có chuyện gì xảy ra thì …. Nam sợ mình ở lại, Đan sẽ nghĩ Nam là người ….
Tôi đã rất cảm động vì điều đó.
– Không phải như Nam nghĩ đâu. Đóng cửa vào đi, Đan lạnh.
Tôi đi về phía giường. Nam ngồi xuống ngay cạnh tôi. Bàn tay tôi đặt lên tay Nam, lạnh buốt.
– Có thật là Đan cần Nam ở lại không?
Tôi không trả lời, cho dù tôi rất muốn hét lên cho cậu ấy biết rằng:” Có, nhiều lắm, Nam hiểu không?”. Đôi mắt sáng long lanh của Nam vẫn nhìn tôi không lấp liếm, như thể cậu ấy muốn có câu trả lời ngay lập tức. Nam kề sát khuôn mặt mình về phía tôi, hơi thở gấp gáp:
– Nam đã từng rất yêu quý Đan. Đan đừng có nghĩ Nam chỉ là một thằng trẻ con tuổi hai mươi mãi như thế, được chứ?
Tôi vẫn không thể cất lên lời, chỉ biết mỉm cười mà đôi mắt cứ ầng ậc nước. Tôi soi rõ hình ảnh mình qua đôi mắt của Nam: khờ khạo lẫn ngốc nghếch. Đôi mắt tôi cụp lại, mơ màng về những điều xa xăm. Đó không hẳn là nụ hôn đầu tiên của tôi sau đêm say ngày sinh nhật, nhưng chắc chắn là lần đầu tiên tôi cảm nhận rõ dư vị của nó thế nào. Sự vụng về lẫn lúng túng của đôi môi, nhưng rất lâu và ngọt ngào. Những cái vuốt ve từ đôi bàn tay ram ráp của Nam luồn qua khe áo mơn man da thịt đang dần ấm lên trong đêm mưa gió. Làn hơi thở nóng ấm phả ra lướt dọc cơ thể và cả những cái rên xiết đớn đau mà dịu dàng, pha lẫn sự ngọt ngào tràn đầy hạnh phúc.
Liệu đó sẽ là tiếng rên êm ái , hay tiếng nói mệt nhoài khe khẽ như Diệu Linh từng nói? Hay là tiếng kêu thấp hèn trong cơn hoan lạc của một trò chơi ảo giác mà tôi đã từng nghĩ rằng quan hệ tình dục trước hôn nhân là điều vô cùng bẩn thỉu. Tôi không biết?
Tôi cảm nhận được chiếc nệm đang bị lún mỗi lúc một sâu hơn.
Có thể với Nam, điều đó chẳng còn gì là xa lạ. Nhưng với tôi, từ giây phút đấy mới thấm thía cảm giác từ một trinh nữ hóa thành đàn bà như thế nào. Cảm xúc trong tôi xáo trộn bởi vốn dĩ tôi không phải là một cô gái ngoan để có thể tự chủ và giữ gìn bản thân.
Đêm đó đánh dấu một sự biến đổi mạnh mẽ trong tôi. Thoắt cái, tôi như già đi trông thấy rõ.
Vào thời điểm hiện tại, độ tuổi của chúng tôi chịu sự ảnh hưởng khá lớn, đồng nghĩa với việc được tiếp thu về sự phóng khoáng, cởi mở trong mối quan hệ nam nữ từ nền văn hóa phương Tây, khiến cho thế hệ trẻ gần như thoáng và dễ dàng đón nhận những cử chỉ yêu thương, âu yếm và đòi hỏi cả sự bình quyền.
Nhưng mọi chuyện cũng đã đi quá xa, mọi lời giải thích và biện minh của tôi để bào chữa cho hành động sai trái của mình cũng là điều không thể nào chấp nhận. Những gì bố từng nhắc, những gì mẹ từng căn dặn… tôi chưa bao giờ quên cả. Tôi thuộc chúng làu làu như học thuộc một khung ghi nhớ ở cuối mỗi bài giảng của giáo viên. Nhưng cái cách mà tôi đã hành động thì lại đi ngược hoàn toàn với hàng loạt lý thuyết đã đưa ra.
Tôi nhận ra rằng:” Có lần đầu thì tất yếu sẽ có lần hai, lần ba, lần thứ n, cho dù bạn có hứa, có trách móc bản thân như thế nào sau lần đầu tiên đã xảy ra. Nếu không thì đừng thử, vì thử là bước đầu tạo nên một thói quen dù tốt hoặc xấu, một thói quen khi bạn không thể kiểm soát được cảm xúc lẫn ham muốn của chính mình”.