Bạn đang đọc Trường Trung Học Avalon: Chương 4
Chương 3
Nhưng tôi không gặp lại. Hay ít ra thì không gặp lại ở trong công viên. Mà cũng không phải vào tuần sau đó. Bố và tôi ngày nào cũng chạy – cùng giờ với ngày đi chạy đầu tiên – nhưng tôi không còn trông thấy ai trong hẻm núi đó nữa.
Mà tôi có tìm đấy chứ. Tin tôi đi. Tôi tìm kỹ là đằng khác.
Tôi nghĩ rất nhiều đến họ – ba người mà tôi đã trông thấy. Vì đó là những người đầu tiên ở tầm tuổi tôi mà tôi gặp ở Annapolis này – nếu không tính những đứa làm việc ở cửa hàng rau quả Graul, nơi nhà tôi thường mua túi đựng rác và bánh mì, hoặc những đứa chạy bàn ở quán Red Hot and Blue.
Tôi cứ tự hỏi liệu có phải cái hẻm núi đó là nơi để làm việc bậy bạ ở vùng này hay không?
Nhưng tên con trai đó có làm gì bậy bạ với ai đâu nào.
Có phải đó là nơi để bọn thanh niên đến hút chích không nhỉ?
Nhưng tên con trai kia đâu có vẻ gì như kẻ phê thuốc. Mà anh ta với lại mấy người bạn cũng không giống những kẻ đầu trộm đuôi cướp. Bọn họ đều ăn mặc như bình thường mà, quần lửng kaki và áo phông. Trên người họ tôi cũng không thấy vết xăm hay lỗ khuyên nào.
Có vẻ tôi sẽ chẳng sớm có được câu trả lời cho những thắc mắc đó. Dù sao thì những buổi hai bố con chạy trong công viên Anne Arundel – và cả những lần tôi được nổi trên bể bơi nữa – rồi cũng đến lúc chấm dứt: Lại sắp phải đi học rồi.
Tất nhiên, lúc nào tôi cũng mơ đến cái ngày bắt đầu năm học lớp 11 với tư cách là học sinh mới ở một trường trung học ở cái bang xa tít, nơi mà tôi chẳng quen ai cả.
Um, nói vậy cũng không đúng lắm.
Ngày đầu tiên ở trường Trung học Avalon (THA) không hẳn là ngày đầu tiên đi học. Hôm đó là ngày định hướng cho học sinh. Nói chung là bạn chỉ đến để xếp lớp, nhận tủ đồ, vân vân. Chẳng có trò chào mừng nào cả, tôi đoán là để bọn học sinh nhanh chóng ổn định với việc học hành.
THA nhỏ hơn ngôi trường cũ của tôi nhưng có cơ sở vật chất tốt hơn, giàu có hơn, thế nên cũng chẳng phải tôi phàn nàn gì đâu. Thậm chí ngày học chính thức đầu tiên (không phải cái hôm định hướng đó đâu) người ta còn phát cả quyển chỉ dẫn cho học sinh nữa cơ, trên đó có một tấm ảnh nhỏ và lý lịch của từng học sinh. Trong cái buổi định hướng đó, tôi đã phải làm bộ để chụp ảnh – tôi cùng với hai trăm đứa lớp 9 cười rinh rích khác nữa. Úi dà – rồi sau đó điền vào một tờ mẫu những thông tin thích hợp về bản thân: tên, địa chỉ e- mail (nếu muốn cho người khác biết), sở thích, để họ có thể cho vào trong quyển chỉ dẫn đó. Làm thế là để chúng tôi có thể quen biết lẫn nhau… gần như kiểu tạo dựng hình ảnh với học sinh cả trường ấy mà.
Bố mẹ tôi thì siêu hứng thú với cái ngày đầu tiên tôi đi học thực sự. Hai người dậy sớm, nấu cho tôi một bữa sáng hoành tráng và chuẩn bị cho tôi túi đồ ăn trưa. Bữa sáng thì cũng tạm được – bánh quế, hơi bị cháy một tí tẹo thôi – nhưng mà bữa trưa thì đúng là dở tệ hết chỗ nói: sandwich bơ đậu phộng và mứt, kèm với salad khoai tây mua ở quán Red Hot and Blue. Tôi chán chả buồn nói cho họ biết là salad khoai tây để trong tủ đồ của tôi rồi sẽ nóng lên trước khi tôi kịp ăn cho xem. Là những nhà nghiên cứu về thời trung cổ, bố mẹ tôi chẳng hay để ý đến chuyện ướp lạnh đồ ăn đâu mà.
Tôi cầm lấy cái túi mà họ tự hào đưa cho tôi và chỉ nói: “Cảm ơn bố mẹ.”
Bố mẹ lái xe đưa tôi đến trường vào ngày đầu tiên, vì tôi nói với họ rằng tôi đang bị xáo trộn về mặt tình cảm nên không thể đi xe buýt được. Cả ba người chúng tôi đều biết đó chả phải sự thật, mà là do tôi thực sự muốn tránh cái việc không có người ngồi cạnh, và người ta có thể không muốn ngồi chung ghế với một đứa hoàn toàn xa lạ, vân vân…
Bố mẹ tôi chẳng có vẻ phiền lòng. Họ thả tôi xuống trên đường ra BWI, ga tàu hoả trong vùng, vì họ đã quyết định là sẽ nghỉ một ngày, vào thành phố để đàm đạo với những người khác cũng nghiên cứu thời trung cổ về cuốn sách của họ – mẹ tôi thì viết về cái cô Elaine vùng Astolat, còn bố tôi thì viết về thanh kiếm của bố.
Tôi bảo họ chơi vui với mấy ông bà giáo sư nhé, và họ bảo với tôi là chơi vui với những đứa cùng trường nhé.
Thế là tôi đi vào trường.
Đó là một ngày tiêu biểu cho ngày đầu tiên đi học – ít nhất thì nửa vế đầu là thế. Không ai nói chuyện với tôi, tôi không nói chuyện với ai. Vài thầy cô cứ thấy cái việc tôi là học sinh mới đến từ vùng đất Minnesota tuyệt đẹp đó là ghê gớm lắm, họ bảo tôi kể vài điều về bản thân và bang Minnesota cho cả lớp nghe.
Thì kể.
Chẳng có ai nghe. Mà nếu có nghe, chúng cũng chẳng có vẻ gì quan tâm.
Nhưng không sao, vì nói thật, tôi cũng có quan tâm gì lắm đâu mà.
Giờ ăn trưa luôn là lúc đáng sợ nhất đối với tất cả bọn học sinh mới. Tuy nhiên, tôi thì cũng khá quen rồi, do bao lần bố mẹ nghỉ phép trước đây. Ví dụ như, lần trước đến Đức, tôi đã học được kinh nghiệm là, cầm túi đồ ăn trưa rồi ngồi ăn một mình trong thư viện sẽ khiến tôi bị gán cái danh hiệu kẻ thảm bại vĩ đại cho đến hết năm học.
Thế là, thay vào đó, tôi hít một hơi dài và nhìn quanh tìm kiếm một cái bàn, nơi những đứa con gái cao, trông có vẻ quái quái như tôi đây, đang ngồi. Sau khi tìm thấy vài đứa, tôi tiến đến tự giới thiệu bản thân. Vì về cơ bản mà nói thì đó là điều cần làm. Thấy mình đúng là một đứa hâm không để đâu cho hết, tôi nói với chúng rằng tôi là học sinh mới, và hỏi xem liệu tôi có thể ngồi cùng không. Ơn Chúa, chúng dẹp chỗ cho tôi ngồi. Dù sao, đối với những đứa con gái cao và trông quái đản ở khắp nơi, đó là dấu hiệu của sự đồng ý rồi.
Đúng ra thì họ có thể bảo tôi biến đi chỗ khác chơi. Nhưng không, họ không làm thế. Tôi bắt đầu nghĩ thầm, trường Trung học Avalon này có thể cũng đâu đến nỗi nào.
Ngay sau bữa trưa thì tôi càng tin vào suy nghĩ đó, khi tôi cuối cùng cũng gặp anh ta. Ý tôi là cái anh chàng đứng trong hẻm núi ấy.
Tôi đang cắm mặt xuống tờ lịch học, cố nhớ xem hôm định hướng đó mình đã nhìn thấy Phòng 209 ở chỗ nào, thì anh ta bất thình lình hiện ra sau chỗ rẽ, gần như đâm sầm vào tôi. Tôi nhận ra anh ta ngay lập tức – – không phải chỉ vì anh ta rất cao (chẳng có mấy tên con trai cao hơn tôi), mà còn vì anh ta có một gương mặt rất đặc biệt. Không hẳn là đẹp trai. Nhưng hấp dẫn. Đáng mến. Và trông rắn rỏi nữa.
Điều quái dị nhất là ở chỗ, anh ta cũng có vẻ nhận ra tôi, cho dù anh ta mới chỉ nhìn thấy tôi trong vòng có… năm giây vào cái ngày hôm đó trong công viên.
“Chào,” anh ta nói, mỉm cười không chỉ trên môi mà đôi mắt xanh biếc kia cũng biết cười nữa.
Chỉ nói có mỗi Chào. Thế thôi. Chào.
Nhưng đó là câu Chào khiến trái tim trong ngực tôi như rụng luôn.
Thôi, thế nào cũng được. Có thể đó là do đôi mắt kia chứ không phải cái câu Chào cho lắm. Mà có thể đó chỉ là do tôi thấy một gương mặt quen thuộc trong biển người xa lạ.
Chỉ trừ… tôi cũng thấy cả đứa con gái đang đứng cạnh anh ta – đó là đứa con gái tóc vàng tôi thấy ngồi cùng anh ta trong ôtô lái đi hôm nọ – và tim tôi rụng xuống không phải vì thấy cô ta.
Nhưng có thể đó là vì cô ta đang giật giật tay áo của anh ta và nói: “Nhưng em đã bảo với Lance là bọn mình sẽ gặp anh ấy ở quán DQ sau buổi tập rồi.”
Anh ta đáp lại câu đó bằng cách vòng tay ôm lấy cô ta và nói: “Được chứ, nghe hay đấy.”
Thế rồi hai người họ đi qua tôi, hoà vào bọn học sinh đang lũ lượt đổ về hành lang.
Toàn bộ chuyện này xảy ra có khi chỉ trong vòng hai giây. Thôi thì ba giây.
Nhưng nó khiến tôi cảm giác như có người vừa mới đá một cú vào chính giữa ngực vậy. Thật là… chẳng giống tôi gì cả. Tôi đâu phải như thế. Bạn biết đấy, cái loại Ôi Chúa ơi, anh ấy đã nhìn mình ấy mà, tôi chẳng thể chịu được loại người ấy. Nancy là một đứa lạc quan có tâm hồn lãng mạn. Còn tôi là một đứa đầu óc thực tế.
Chính thế nên thật là vô lý khi vào lớp học tiết sau, tôi lôi ngay cuốn chỉ dẫn học sinh của mình ra và lật giở như điên cho đến lúc tìm thấy anh ta, hoàn toàn chẳng để ý gì đến cái danh sách các bài phải đọc mà giáo viên mới dạy môn Văn học Thế giới đang nói qua.
Anh ta học trên tôi một lớp, là học sinh năm cuối. Tên anh ta là A. William Wagner, nhưng thường được gọi đơn giản là Will.
Tôi thầm nghĩ, nó hợp với anh ta đấy. Anh ta trông giống một người tên Will lắm.
Nói thế chẳng phải tôi biết một người tên Will thì trông thế nào đâu. Nhưng mặc kệ.
Theo như cuốn sách đó nói thì A. William Wagner đúng là một ngôi sao. Anh ta tham gia đội bóng bầu dục của trường cũng như lọt vào Chung kết cuộc thi Tài năng Quốc gia, và là chủ tịch hội học sinh năm cuối. Sở thích của anh ta là đọc sách và lái thuyền buồm.
Nó chả nói gì về tình trạng hẹn hò của Will cả, nhưng giờ thì tôi gặp anh ta được hai lần, mà lần nào cũng thấy đi cùng một đứa con gái tóc vàng xinh tuyệt đỉnh. Và lần thứ hai thì anh ta còn vòng tay ôm cô ta nữa, cô ta lại còn nói về chuyện hẹn gặp ai đó ở quán Dairy Queen sau buổi tập. Cô ta đúng là bạn gái của anh ta rồi.
Những anh chàng như A. William Wagner lúc nào mà chả có bạn gái. Bạn chẳng cần phải là týp người thực tế như tôi đây thì mới biết được điều đó.
Vì không còn việc gì khác để làm – thầy Morton, giáo viên hướng dẫn môn Văn học Thế giới của tôi, đang cố khiến bọn tôi thấy hứng thú với truyền thuyết của người dân Celt[2], cái truyền thuyết mà tôi hẳn cũng sẽ thấy thích thú lắm nếu như không phải bất cứ khi nào có mặt bố mẹ là tôi cũng phải ăn, uống, thở cùng với nó – thế là tôi lục tìm cô bạn gái trong cuốn chỉ dẫn. Tôi tìm thấy ảnh của cô ta – cùng lớp với tôi – tên cô ta là Jennifer Gold, sở thích của cô ta là shopping và, thật là ngạc nhiên, cả A. William Wagner nữa cơ đấy.
Hoạt động ngoại khoá của cô ta là tham gia vào đội cổ vũ.
Thật chả có gì lạ.
Tôi lật qua cuốn chỉ dẫn của học sinh để tìm tên con trai tóc vàng mà ngày hôm đó trong công viên tôi thấy đi cùng với Will và Jennifer, cuối cùng thì cũng ra. Lance Reynolds. Anh ta học cùng lớp với Will, học sinh năm cuối. Trong này ghi là anh ta chơi ở vị trí phòng vệ – kệ xác đó là gì đi nữa – trong đội bóng bầu dục, cũng như có sở thích lái thuyền buồm.
Ngày đầu tiên đi học trôi đi cũng chẳng đến nỗi tệ hại cho lắm. Tôi thậm chí còn kết bạn được với vài đứa. Hoá ra trong số bọn con gái mà tôi ngồi cạnh lúc ăn trưa đó có mấy đứa tham gia đội tuyển chạy việt dã. Một trong số họ – Liz – còn sống cùng phố với tôi cơ. Cô ấy bảo sáng nay lúc ở trên xe buýt cô ấy có thấy tôi.
Khi tan học, ra khỏi trường và trông thấy bố mẹ đang ngồi trong xe, tôi chẳng hề thấy nhẹ cả người hay gì hết. Tôi chỉ chui vào xe và nói “Về thôi, Jeeves[3],” theo kiểu đùa cợt. Trên đường về, bố mẹ hỏi tôi ngày hôm nay tôi đi học thế nào, tôi bảo với họ là cũng tốt. Rồi tôi hỏi họ ngày hôm nay thế nào. Mẹ tôi lại tiếp tục kể lể về một tài liệu mà mẹ tìm thấy thực sự có nói đến Elaine – không phải tôi đâu ạ, cô Elaine của của mẹ cơ – trong truyền thuyết về vua Arthur mà không liên quan gì đến bài thơ nổi tiếng mà Tennyson đã viết về cô ta. Bạn biết đấy, bài thơ hay ho đó ấy mà. Hay ho gì đâu chứ.
Và bố thì nói về thanh gươm cho đến lúc mắt tôi bắt đầu đờ ra.
Nhưng tôi vẫn lắng nghe một cách lịch sự, vì con cái nào mà chả thế.
Thế rồi, khi về đến nhà, tôi đi lên phòng, mặc bộ bikini vào, xuống tầng dưới và leo lên cái phao.
Lát sau, mẹ tôi bước ra ngoài bể bơi và nhìn xuống tôi trong lúc tôi nổi lềnh phềnh.
“Con đang đùa với mẹ đấy hả?” mẹ nói. “Mẹ tưởng chúng ta nói rõ ràng với nhau, bây giờ đã vào năm học rồi còn gì.”
“Thôi mà mẹ,” tôi nói. “Rồi cũng sẽ sớm hết mùa hè, và chúng ta sẽ phải dẹp bể bơi. Con không thể tận hưởng nốt thời gian ngắn ngủi còn lại hay sao?”
Mẹ tôi đành đi vào nhà, lắc lắc đầu.
Tôi lại ngả người trên phao, nhắm mắt lại. Mặt trời vẫn toả nắng nóng, cho dù đã hơn 3 giờ rồi. Tôi có bài tập về nhà – bài tập về nhà, ngay ngày đầu tiên cơ đấy! Tôi đã nghĩ đúng về cái thầy Morton dạy môn Văn học Thế giới đó… ông ta đúng là một người thuyết trình thậm tệ, và lại còn là một kẻ dã man với cái đống bài luận bắt phải nộp – nhưng đợi đến sau khi ăn tối cũng được mà. Lại còn đống e- mail của bọn bạn cũ ở nhà cần phải trả lời nữa. Nancy đang năn nỉ đòi đến thăm tôi. Cô nàng chưa bao giờ đến vùng East Coast chứ đừng nói đến chuyện ở trong một ngôi nhà có bể bơi riêng. Nhưng cô nàng phải đến sơm sớm, không thì trời sẽ lạnh khó mà bơi được.
Tôi đã đặt ra một quy định nổi rất nghiêm ngặt. Tôi nằm ngửa trên phao, ở giữa bể. Nếu cái phao mà trôi ra quá gần hai bên thành bể bơi có dạng giống hạt đậu thì tôi sẽ dùng chân đẩy. Cái ông sở hữu ngôi nhà này đã ốp những tảng đá to quanh thành bể để trông cho nó giống với cái ao tự nhiên hay gì gì đó (chỉ trừ việc chả có mấy cái ao nào lại có chất clo và túi lọc ở dưới cả. Nhưng thây kệ).
Dù sao thì cũng phải cẩn thận khi lấy chân đẩy từ những tảng đá, vì ở tảng rất to kia có một con nhện to đùng – phải cỡ nắm tay tôi – sống trên đó. Có vài lần tôi không để ý xem mình đặt chân vào đâu, thế là tôi suýt nữa thì đạp phải con nhện. Tôi không muốn làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái mong manh trong cái bể bơi, thế nên, cũng như với con rắn kia, tôi cố gắng hết sức không giết con nhện. Và dĩ nhiên, tôi cũng đâu có muốn nó cắn tôi, khiến tôi phải vào phòng cấp cứu chứ.
Vậy nên lúc nào tôi cũng phải mở mắt ra nhìn khi nào cái phao của tôi trôi đến chỗ thành bể để đảm bảo rằng tôi không dẫm phải con nhện khi lấy chân đẩy phao ra.
Buổi chiều hôm đó – vào ngày học chính thức đầu tiên – khi cái phao của tôi va vào bên thành bể, tôi mở mắt ra trước khi đẩy và bị một cơn sốc chưa từng thấy trong đời.
Vì A. William Wagner đang đứng phía trên Tảng Đá Con Nhện đó, cúi xuống nhìn tôi.