Trường Trung Học Avalon

Chương 1


Bạn đang đọc Trường Trung Học Avalon: Chương 1

Chương 1
“Cậu tốt số thật!” 
Tin Nancy, cô bạn thân nhất của tôi, thì cứ việc xem xét sự việc dưới góc độ đó đi. Nancy đúng là một đứa lạc quan.
Không phải tôi là đứa bi quan hay gì đó đâu nhé. Tôi chỉ… thực tế mà thôi, đấy là theo ý Nancy. 
Mà hiển nhiên, tôi cũng là đứa hay gặp may.
“Tốt số á?” tôi hỏi lại vào chiếc điện thoại. “Tốt số cái nỗi gì chứ?”
“Ôi, cậu biết mà,” Nancy nói. “Cậu được bắt đầu lại từ đầu. Ở một ngôi trường hoàn toàn mới. Nơi mà không ai biết cậu hết. Cậu có thể trở thành bất kỳ ai mà mình mong muốn. Cậu có thể thay đổi bản thân hoàn toàn, và sẽ chẳng có ai ở đó mà kêu rằng: ‘Cậu nghĩ cậu đang đùa với ai đây hả Ellie Harrison? Mình nhớ mãi cái lần cậu ăn mì ống hồi lớp 1 đấy nhé.’”
“Mình chẳng nghĩ theo cách đó,” tôi đáp. Bởi vì đúng là tôi chưa từng nghĩ thế thật. “Mà này, chính cậu mới là đứa ăn mì ống đấy chứ.”
“Cậu hiểu ý mình muốn nói gì mà,” Nancy thở dài. “Thôi thì, chúc may mắn. Trong chuyện trường lớp và tất cả mọi điều.”
“Ừ,” tôi nói, qua khoảng cách cả ngàn dặm xa xôi giữa hai đứa, cảm nhận rằng cũng đã đến lúc phải cúp máy rồi. “Bye.”
“Bye,” Nancy đáp. Rồi nói thêm: “Cậu đúng là tốt số.”
Thật tình, cho đến lúc Nancy nói ra điều này, tôi vẫn thấy trong chuyện này chẳng có tí ti tốt số gì hết. Có thể trừ cái việc là ở sân sau ngôi nhà mới của gia đình tôi có một cái bể bơi. Nhà tôi chưa từng có bể bơi riêng. Trước kia, nếu Nancy và tôi có muốn đi bơi, hai đứa phải đạp xe tận năm dặm – mà phần lớn là lên dốc – đến công viên Como.

Phải nói rằng, khi bố mẹ tôi tung ra tin về đợt nghỉ phép, cái thực tế họ nhanh chóng chêm vào: “Và bố mẹ đã thuê một căn nhà có cả bể bơi đấy!” là điều duy nhất làm dịu cơn buồn ói đang bắt đầu dâng lên trong cổ họng tôi. Nếu bạn là con của những vị giáo sư, thì nghỉ phép chắc có lẽ là từ đáng ghét nhất trong kho từ vựng của bạn đấy. Cứ bảy năm một lần, hầu hết các giáo sư được một lần nghỉ phép – thường là một kỳ nghỉ dài cả năm, để họ có thể lấy lại sức, cố viết rồi xuất bản một cuốn sách.
Các vị giáo sư khoái những đợt nghỉ phép. 
Con cái họ thì lại ghét lắm.
Bởi vì bạn có thực sự muốn chuyển chỗ ở, rời xa tất cả bạn bè, kết bạn mới ở một ngôi trường mới chỉ để khi bắt đầu nghĩ rằng: “OK, thế này cũng đâu có đến nỗi nào,” thì một năm sau lại chuyển, quay về nơi ở cũ không?
Không đâu. Không hề, nếu mà bạn là một đứa tâm thần bình thường.
Ít nhất thì lần nghỉ phép này cũng không tệ như lần trước ở Đức. Không phải là đã có chuyện không hay gì ở Đức đâu. Tôi vẫn email qua lại với Anne- Katrin, đứa con gái tôi ngồi cùng bàn hồi học ở cái trường kỳ cục bên đó.
Nhưng mà này. Tôi lại còn phải học cả một thứ tiếng khác hoàn toàn nữa cơ đấy!
Ít nhất thì lần này, nhà tôi vẫn còn ở Mỹ. Ừ thì không còn ở Washington DC nữa, cái nơi không giống với bất kì vùng nào khác trên đất nước này. Nhưng mà mọi người ở đây thì vẫn nói tiếng Anh. Cho đến lúc này đây.
Và lại còn có cả bể bơi chứ.
Hoá ra, có bể bơi riêng cũng dính dáng lắm điều. Ý tôi muốn nói là, hàng sáng bạn phải kiểm tra bộ phận lọc nước, phải chắc chắn rằng nó không bị lá rụng hay bọn chuột chũi chết làm cho tắc lại. Gần như lúc nào trong bể nhà tôi cũng có một, hai con ếch. Nếu tôi mà ra đó sớm thì chúng vẫn còn sống đấy. Thế là tôi phải tiến hành thêm khoản cứu ếch nữa.
Cách duy nhất để bạn có thể cứu được bọn ếch là thò xuống nước, kéo cái túi lọc lên, thế là tôi lại phải sờ vào tất cả những thứ kinh khủng đang nổi lên trên, như gián chết, sa giông chết, hay vài lần cả chuột chết nữa kìa. Một lần còn có cả một con rắn. Nó vẫn còn sống nhăn. Tôi thường tránh xa không chạm vào bất kỳ thứ gì có khả năng truyền nọc độc chết người vào mạch máu mình, thế là tôi hét gọi bố mẹ tôi rằng có một con rắn trong cái túi lọc.

Bố tôi gào lại, bảo rằng: “Thế thì sao? Con muốn bố làm gì đây?” 
“Lôi nó ra,” tôi đáp.
“Không đời nào,” bố tôi nói. “Bố không có chạm vào rắt rít gì đâu đấy.”
Bố mẹ tôi không giống như những ông bố bà mẹ khác. Thứ nhất, những ông bố bà mẹ khác thì rời nhà đi đến chỗ làm. Tôi nghe nói có người còn đi làm bốn lăm tiếng một tuần nữa kìa.
Bố mẹ tôi thì không thế. Họ ở nhà suốt ngày. Chẳng bao giờ đi làm nhé! Lúc nào họ cũng làm việc ở văn phòng tại gia, viết lách hoặc đọc sách. Có lẽ họ rời khỏi cái văn phòng đó chỉ duy nhất để xem chương trình Jeopardy! và rồi gào lên các câu trả lời cho nhau nghe.
Chả ai lại có bố mẹ biết hết những câu trả lời của cái chương trình Jeopardy! hay hét lên nếu biết cả. Tôi biết điều đó chứ, tôi đã từng đến nhà Nancy và tận mắt chứng kiến nhé. Bố mẹ cậu ta xem chương trình Entertainment Tonight sau bữa ăn tối, như những người bình thường khác.
Tôi không trả lời được một câu nào trong Jeopardy! hết. Thế nên tôi hơi bị ghét chương trình đó.
Bố tôi lớn lên ở khu Bronx, nơi chẳng có rắn rết gì. Bố cực kỳ ghét thiên nhiên. Bố hoàn toàn tránh xa Tig, con mèo nhà tôi. Dĩ nhiên điều đó có nghĩa là con Tig thích bố tôi điên lên được.
Và nếu mà có lỡ nhìn thấy một con nhện thì bố hét lên cứ như một đứa con gái ấy. Thế là mẹ tôi, lớn lên ở một khu nông trại lớn ở Montana và chẳng thể nào chịu nổi lũ nhện hay là tiếng hét của bố, sẽ đi đến giết béng con nhện, cho dù tôi có nói với mẹ cả ngàn lần rằng bọn nhện cực kỳ có ích ôi trường.
Tất nhiên, tôi biết mình không nên nói chuyện con rắn trong bộ lọc nước bể bơi với mẹ thì hơn, vì có thể mẹ sẽ đi ra và nện nó nát đầu ngay trước mặt tôi lắm. Cuối cùng, tôi tìm được một cành cây có nhánh chỉa ra, và lôi con rắn ra bằng cách đó. Tôi thả nó vào khu rừng phía sau ngôi nhà chúng tôi thuê. Mặc dù con rắn hoá ra cũng không đáng sợ đến thế khi tôi có gan cứu mạng nó, tôi vẫn hi vọng rằng nó đừng có quay lại nữa.

Nếu nhà bạn có bể bơi thì ngoài việc cọ cạy mấy cái túi lọc ra, sẽ còn những việc khác nữa mà bạn phải làm. Bạn phải cọ đáy bể – kiểu này cũng khá là nhộn đây – và lúc nào cũng phải kiểm tra nồng độ clo và độ pH của nước trong bể. Tôi thích trò kiểm tra nước lắm. Một ngày tôi kiểm tra phải đến mấy lần ấy. Bạn đổ nước vào những cái ống nghiệm bé xíu, rồi nhỏ thêm vào đó vài giọt khỉ gió gì đó, và sau đó nếu nước trong ống nghiệm đổi thành màu không ổn thì bạn phải đổ một ít bột vào trong mấy cái túi lọc. Việc đó khá là giống với việc thực hành môn Hóa, nhưng mà lại hay hơn, vì khi làm xong, thay vì kết quả thu được là một đống lộn xộn mùi kinh khủng giống cái kiểu mà năm ngoái lúc nào tôi cũng nghiệm thu được trong lớp Hóa, thì bạn lại có một bể nước xanh trong vắt đẹp tuyệt vời.
Khi chúng tôi chuyển đến sống ở vùng Annapolis này, tôi đã dành hầu như cả mùa hè để quanh quẩn với cái bể bơi. Tôi thì nói “quanh quẩn”. Còn Geoff, ông anh tôi – anh ấy đi học đại học năm thứ nhất vào tuần thứ hai của tháng Tám rồi – lại nói theo một cách khác. Anh ấy bảo rằng tôi “cư xử như một đứa dở hơi” ấy.
“Ellie,” anh ấy nói không biết bao nhiêu lần đến nỗi tôi không thể đếm nổi nữa, “thôi đi. Em đâu cần phải làm thế này. Nhà ta đã ký hợp đồng với công ty dịch vụ lo rồi còn gì. Tuần nào mà họ chẳng đến. Cứ để cho họ làm là được rồi.”
Nhưng cái gã đến kiểm tra bể bơi đó đâu có thực sự chăm chút gì cho cái bể. Ý tôi là, hắn ta làm thế chỉ để kiếm tiền thôi. Hắn chẳng thấy được vẻ đẹp của nó đâu. Tôi tin là vậy.
Nhưng chắc là tôi biết tại sao Geoff lại nói như thế. Đúng là cái bể hơi bị ngốn nhiều thời gian của tôi thật. Khi nào không cọ cạy thì tôi thả mình nổi trên mặt nước trên một trong mấy cái phao mà tôi đã bảo bố mẹ mua cho khi đỗ lại ở Wawa. Đó là tên của mấy trạm xăng ở Maryland này. Wawa. Hồi còn ở nhà cũ ở Minnesota, chẳng có cái Wawa nào hết. Chỉ có mấy cái giống như kiểu Mobil, Exxon hay gì gì đó.
Thôi kệ, chúng tôi cũng đã bơm chúng luôn lúc đỗ lại ở Wawa – mấy cái phao ấy mà – dùng cái bơm mà vốn dĩ để bơm lốp ôtô, cho dù dùng bơm ôtô để bơm phao thì không nên. Trên cái phao có ghi thế mà.
Nhưng khi Geoff chỉ cho bố thấy, thì bố chỉ nói: “Ai thèm quan tâm chứ?” và cứ thế mà bơm. 
Và chưa có điều tệ hại gì xảy ra cả.
Cả mùa hè, tôi đều cố gắng giữ thói quen ngày nào cũng như ngày nào. Tôi thức dậy, mặc bộ bikini vào. Sau đó vớ lấy một thanh Nutri- Grain và đi ra bể bơi để kiểm tra mấy cái túi lọc, tìm ếch hay gì đó. Thế rồi, khi bể đã sạch sẽ, tôi trèo lên một cái phao, lôi một cuốn sách ra và bắt đầu nổi bập bềnh trên đó.
Cho đến lúc Geoff đi học đại học thì tôi đã giỏi cái trò trôi nổi ấy đến nỗi không làm cho tóc bị ướt nữa cơ. Tôi có thể nằm lì ở đó suốt buổi sáng, không rời ra lúc nào, cho đến lúc bố hoặc mẹ tôi đi ra ngoài và gọi: “Ăn trưa.”
Thế là tôi đi vào nhà, bố mẹ và tôi sẽ ăn sandwich bơ đậu phộng và mứt nếu như hôm đó đến lượt tôi phải nấu nướng, hoặc là đi ăn sườn ở quán Red Hot and Blue nếu đến lượt bố mẹ, do cả hai người bọn họ đều quá bận viết lách nên không ai nấu ăn cả.
Sau đó tôi lại ra bể nằm đến tận lúc bố hoặc mẹ lại ra và gọi: “Ăn tối.” 
Tôi nghĩ, dành mấy tuần còn lại của mùa hè theo cách đó cũng đâu có tệ.

Nhưng mẹ tôi thì lại không nghĩ thế đâu.
Tôi chả hiểu tại sao mẹ cứ phải đi ra xem và quan tâm đến cái chuyện tôi tiêu tốn thời gian vào việc gì. Ý tôi là, ngay từ đầu chính mẹ là người đã để cho bố lôi cả nhà đến đây vì bố đang nghiên cứu để viết một cuốn sách. Hồi còn ở St. Paul, mẹ cũng có thể viết sách riêng của mẹ – cuốn sách có trùng tên với tôi, Elaine vùng Astolat, Cô gái vùng Shalott.
Ô, phải. Có bố mẹ làm giáo sư thì nó là thế mà: Họ đặt tên bạn hoàn toàn ngẫu nhiên theo tên những tác giả – giống như ông anh Geoff tội nghiệp được đặt theo tên của Geoffrey Chaucer – hoặc là theo tên những nhân vật trong các tác phẩm văn học, ví dụ như Cô gái vùng Shalott, cũng có tên khác là Cô gái Elaine, cái người đã tự sát bởi vì Ngài Lancelot lại đi mê Nữ hoàng Guinevere – bạn biết đấy, cái người mà Keira Knightley đã vào vai trong bộ phim Vua Arthur ấy mà – hơn là thích cô ta.
Tôi chả quan tâm bài thơ viết về cô ta hay cỡ nào. Được đặt theo tên cái người đã đi tự sát vì một gã đàn ông thì có gì hay ho chứ. Tôi đã nói điều đó vài lần với bố mẹ tôi rồi, nhưng mà họ vẫn không chịu hiểu.
Mà có phải là họ chỉ không hiểu mỗi cái chuyện đặt tên đó thôi đâu.
“Con không muốn đi đến thương xá chơi à?” mẹ bắt đầu ngày nào cũng hỏi han trước khi tôi kịp chuồn đến chỗ bể bơi. “Con không thích đi xem phim à?”
Nhưng giờ thì Geoff đã đi học rồi còn đâu, tôi làm gì có ai để đi đến thương xá hay đi xem phim cùng – không còn ai khác ngoài bố mẹ tôi. Mà tôi thì không đời nào lại chịu đi với họ nhé. Đến chỗ này, làm cái nọ. Thật chẳng có gì giống với việc đi xem phim cùng với hai người mà họ cứ soi cả bộ phim từng tí một, đến sợi tóc cũng phải chẻ làm tư. Đó là bộ phim Vin Diesel đóng, được chưa nào? Bọn họ mong chờ cái gì không biết nữa?
“Con lại sắp phải đi học rồi còn gì,” tôi sẽ nói với mẹ. “Sao con không thể cứ nổi tiếp cho đến lúc đó?”
“Vì như thế là không bình thường,” tôi mà hỏi thì mẹ tôi sẽ nói như vậy đấy.
Và tôi sẽ đáp lại thế này: “Ô, thế mẹ thì biết thế nào là bình thường đấy,” bởi lẽ, nói thật, bố mẹ tôi ấy à, cả hai bọn họ đều là những người lập dị kỳ quái.
Nhưng rồi mẹ sẽ chẳng thèm giận đâu. Mẹ chỉ lắc đầu và nói: “Mẹ biết một cô bé tuổi teen cư xử như thế nào thì là bình thường chứ. Cả ngày cứ nổi lềnh phềnh trong bể bơi thì không bình thường.”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.