Đọc truyện Trước Ngày Em Đến – Me Before You – Chương 6
Vấn đề của việc bị ném mạnh vào một cuộc đời hoàn toàn mới – hay ít nhất cũng là bị xô cật lực vào cuộc đời của người khác mà ở đó bạn phải cùng gí mặt vào ô cửa sổ nhà họ – nằm ở chỗ nó bắt bạn phải nghĩ lại về ý niệm bạn là ai. Hoặc trong mắt kẻ khác bạn là người như thế nào.
Với bố mẹ, tất cả những gì tôi mang lại trong bốn tuần ngắn ngủi là thêm đôi ba chút thú vị. Giờ đây tôi là cầu nối tới một thế giới khác. Đặc biệt là mẹ tôi, ngày nào mẹ cũng hỏi đủ thứ về dinh thự Granta và những thói quen trong gia đình đó theo cái cách mà một nhà động vật học say mê nghiên cứu một sinh vật mới lạ lùng và môi trường sống của nó. Mẹ hay hói “Bữa ăn nào bà Traynor cũng dùng khăn ăn bằng vải lanh à?” hoặc, “Họ làm gì với khoai tây?”
Sáng nào tiễn tôi đi làm mẹ cũng nghiêm khắc chỉ đạo tôi tìm hiểu xem họ dùng giấy vệ sinh của hãng nào, liệu có phải ga nhà họ đều là vải poly-cotton không. Tôi hầu như chẳng nhớ được lần nào, điều đó khiến mẹ vô cùng thất vọng. Mẹ tôi thầm tin rằng người quyền quý sống giống loài lợn – kể từ năm tôi lên sáu, khi tôi kể cho mẹ nghe về một bạn con nhà giàu cùng lớp, mẹ bạn ấy không cho chúng tôi chơi ở gian sảnh “vì chúng tôi sẽ quấy rối bụi bặm.”
Khi tôi về nhà tường thuật lại rằng, phải, tất nhiên là chó được phép ăn trong phòng bếp, hoặc là, không, không phải ngày nào nhà Traynor cũng lau chùi bậc tam cấp như mẹ, mẹ sẽ bĩu môi, liếc sang bố và khẽ gật đầu thỏa mãn, như thể tôi vừa thừa nhận mọi điều bà vốn đã nghi ngờ về tình trạng ăn ở lôi thôi luộm thuộm của giới thượng lưu.
Sự phụ thuộc của bố mẹ vào thu nhập của tôi, hay có lẽ là chuyện họ biết tôi thật sự không ưa công việc này, đồng nghĩa với việc tôi cũng nhận được thêm một chút tôn trọng trong nhà. Thật ra điều này cũng không có ý nghĩa gì nhiều – trong trường hợp của bố tôi, nó có nghĩa là bố thôi gọi tôi là “nàng mập”, còn với mẹ tôi, nó có nghĩa là thường có một tách trà đợi sẵn khi tôi về nhà.
Với Patrick, và với em gái tôi, tôi chẳng khác trước chút nào – vẫn là trung tâm của chọc ngoáy, vẫn là nơi nhận những cái ôm hôn, những giận hờn. Trong tôi cũng không thấy có gì thay đổi. Trông tôi vẫn như cũ, vẫn ăn mặc – theo lời Treen – giống như tôi đã có một trận đấu vật trong cửa hàng từ thiện.
Tôi không hay biết hầu hết mọi người trong dinh thự Granta nghĩ gì về tôi. Will thì khó dò. Với Nathan, tôi nghĩ tôi chỉ là người mới nhất trong chuỗi dài những người chăm sóc được thuê. Ông khá thân tình, nhưng hơi tư lự. Tôi có cảm giác ông không tin tôi sẽ trụ ở đây lâu. Ông Traynor thường lịch sự gật đầu chào mỗi khi chúng tôi đi qua nhau trong sảnh, thỉnh thoảng hỏi tôi giao thông hôm đó thế nào, hoặc tôi đã ổn mọi việc ở đó chưa. Tôi không chắc ông có thể nhận ra tôi không nếu ông được giới thiệu về tôi trong một hoàn cảnh khác.
Còn với bà Traynor – ôi trời ơi – với bà Traynor, tôi rõ ràng là người ngớ ngẩn vô tích sự nhất hành tinh.
Điều đó khơi nguồn từ chuyện khung ảnh. Chẳng có điều gì trong ngôi nhà đó lọt khỏi tầm mắt của bà Traynor, và lẽ ra tôi phải biết trước rằng chuyện vỡ khung ảnh to tát chẳng kém gì một vụ động đất. Bà vặn vẹo tôi xem chính xác thì tôi đã bỏ Will một mình trong bao lâu, điều gì đã khiến tôi làm thế, tôi dọn dẹp đống hỗn độn nhanh chậm thế nào. Thật tình bà không chỉ trích tôi – bà quá quý phái nên không thể dù chỉ cao giọng – nhưng cái cách bà chầm chậm chớp mắt trước những câu trả lời của tôi, tiếng hư-hử khe khẽ của bà khi tôi nói, bảo với tôi mọi điều tôi cần biết. Tôi chẳng ngạc nhiên khi Nathan nói với tôi rằng bà là quan tòa.
Bà nghĩ sẽ là một ý hay nếu lần tới tôi không bỏ mặc Will lâu như vậy, dù tình huống có khó xử tới mức nào, hử? Bà nghĩ có lẽ lần lau dọn tiếp theo, tôi nên đảm bảo rằng mọi thứ không quá gần mép để tránh trường hợp chẳng may chúng rơi xuống sàn, hử? (Dường như bà thích tin rằng đó là một tai nạn thì hơn.) Bà khiến tôi cảm thấy mình giống một con ngốc thượng hạng khi ở cạnh bà. Bà luôn xuất hiện ngay khi tôi đánh rơi thứ gì đó xuống sàn, hoặc đang đánh vật với nút vặn bếp lò, hoặc bà sẽ đứng ngay giữa lối đi nhìn với vẻ hơi bực bội lúc tôi bước vào nhà sau khi đi lấy củi bên ngoài, như thể tôi đã đi lâu hơn rất nhiều so với mức cần thiết.
Lạ lùng là thái độ của bà khiến tôi thấy sợ hơn sự thô lỗ của Will. Đôi lần tôi rất muốn hỏi thẳng bà xem có gì sai quấy không. Tôi muốn nói, Bà đã bảo bà mướn tôi vì thái độ của tôi chứ không phải kỹ năng nghiệp vụ cơ mà. Ồ, thì tôi đây, cứ tươi vui dù ngày nào cũng thật nghiệt ngã. Rất mạnh khỏe, đúng như bà mong muốn. Thế thì vấn đề của bà là gì đây?
Nhưng Camilla Traynor không phải kiểu phụ nữ mà ta có thể nói ra điều đó. Vả chăng, tôi có cảm giác là trong nhà đó chưa từng có ai nói thẳng điều gì với ai.
“Lily, cô giúp việc gần đây của chúng tôi, có thói quen rất thông minh là sử dụng cái chảo đó cho hai loại rau cùng một lúc,” có nghĩa Cô làm ăn lộn xộn quá.
“Con có muốn uống trà không Will,” thực sự có nghĩa Mẹ chẳng biết phải nói gì với con cả.
“Mẹ nghĩ có mấy công việc giấy tờ mẹ cần sắp xếp,” có nghĩa Con thô lỗ quá, mẹ ra khỏi cái phòng này đây. Tất cả những lời ấy luôn thốt ra cùng nét mặt thoáng đau thương, và những ngón tay gầy rộc cứ kéo cây thập ác lên xuống trên sợi dây chuyền. Bà quá kín kẽ, quá dè chừng. Bà khiến tôi thấy mẹ mình chẳng khác gì Amy Winehouse. Tôi mỉm cười lịch sự, vờ như tôi chẳng để ý thấy điều gì, chỉ làm công việc mà tôi được trả công để làm.
Hoặc chí ít, tôi cố tỏ ra như thế.
“Sao cô cứ giấu cà-rốt vào đĩa của tôi thế?”
Tôi liếc nhìn xuống đĩa thức ăn. Tôi đang mải nhìn cô phát thanh viên trên ti- vi và tự nghĩ không biết tóc mình sẽ thế nào nếu nhuộm cùng màu đó.
“Gì ạ? Đâu có.”
“Rõ là có. Cô nấu cà-rốt cho nhừ rồi cố che giấu trong nước xốt. Tôi thấy rồi.”
Tôi đỏ mặt. Anh ta nói đúng. Tôi đang ngồi đút cho Will ăn, trong khi hai chúng tôi cùng lơ đãng xem bản tin trưa. Bữa ăn có bò nướng và khoai tây hầm. Mẹ anh ta bảo tôi bỏ ba loại rau củ vào đĩa, dù anh ta đã nói rõ ràng rằng hôm nay anh ta không muốn ăn rau. Tôi không nghĩ có bữa ăn nào mà tôi được chỉ dẫn chuẩn bị lại hoàn toàn thiếu cân bằng dinh dưỡng tới vậy.
“Sao cô cứ cố nhồi cà-rốt cho tôi?” “Đâu có.”
“Thế không có cà-rốt trong món đó hả?”
Tôi nhìn vào những mẩu nhỏ xíu màu cam. “Ừm… à…” Anh ta nhướng mày chờ đợi.
“Ờ… tôi cho là tôi đã nghĩ rau sẽ rất tốt cho anh, phải không ạ?”
Chuyện này một phần là vì vâng lời bà Traynor, một phần là vì thói quen. Tôi thường xuyên cho Thomas ăn, rau của nó phải xay nhuyễn và giấu dưới từng ụ khoai tây, hoặc che trong những mẩu mì ống. Qua mặt được nó mẩu rau nào là chúng tôi lại thấy như một thắng lợi nho nhỏ.
“Để tôi nói thẳng chuyện này nhé. Cô nghĩ một thìa cà-phê cà-rốt sẽ làm tăng chất lượng cuộc sống của tôi hả?”
Thật ngớ ngẩn khi anh ta đánh giá chuyện này như thế. Nhưng tôi đã học được rằng điều quan trọng là không được tỏ ra ngạc nhiên trước bất kỳ điều gì Will làm hoặc nói. “Tôi hiểu ý anh rồi,” tôi nói bình thản. “Tôi sẽ không làm thế nữa.”
Thế rồi bỗng dưng, Will Traynor cười khanh khách. Cơn cười bật ra khiến anh ta thở hổn hển, như thể đây là chuyện vô cùng bất ngờ.
“Vì Chúa,” anh ta lắc đầu. Tôi nhìn anh ta chằm chằm.
“Cô đã lén cho thứ chết tiệt gì nữa vào thức ăn của tôi vậy? Tiếp theo cô sẽ bảo tôi mở đường hầm để Ngài Tàu hỏa có thể giao gửi ít cải Brussel mềm cho nhà ga đỏ.”
Tôi suy nghĩ điều này trong một phút. “Không,” tôi nói, mặt nghiêm trang. “Tôi chỉ xoay xở với Ngài Dĩa thôi. Ngài Dĩa trông chẳng giống con tàu chút nào.”
Thomas đã bảo với tôi như vậy, rất đinh ninh, mấy tháng trước. “Mẹ tôi đã bảo cô làm thế này à?”
“Không. Nghe này, Will, tôi xin lỗi. Tôi chỉ… không nghĩ.” “Kiểu như thế là bất bình thường.”
“Được rồi, được rồi. Tôi sẽ bỏ món cà-rốt phải gió này ra, nếu nó thực sự khiến anh bực mình tới vậy.”
“Không phải món cà-rốt phải gió làm tôi bực mình. Mà là chuyện cà-rốt giấu trong thức ăn của tôi bởi một cô nàng dở hơi cứ gọi dao dĩa và Quý ngài và Quý bà Dĩa.”
“Chỉ đùa thôi mà. Nghe này, để tôi lấy cà-rốt đi và…”
Anh ta quay đi. “Tôi không muốn ăn gì nữa. Chỉ cần pha cho tôi một tách trà.” Anh ta gọi với theo khi tôi rời khỏi phòng, “Và đừng có cố nhét bầu đất chết giẫm vào trà đấy.”
Nathan bước vào khi tôi vừa rửa xong đĩa. “Tâm trạng cậu ấy đang tốt,” ông nói, khi tôi đưa ông một tách trà.
“Thật sao?” Tôi đang ăn sandwich trong phòng bếp. Ngoài trời lạnh thấu xương thấu phổi, và chẳng hiểu sao gần đây không khí trong nhà có cảm giác không còn căng thẳng như trước.
“Cậu ấy nói cô đang cố đầu độc cậu ấy. Nhưng cậu ấy nói chuyện đó – cô biết đấy – với giọng vui vẻ.”
Thông tin này khiến tôi thấy vui sướng một cách kỳ cục. “À… ừm…” Tôi nói, cố che giấu cảm xúc đó. “Cứ đợi đấy.”
“Cậu ấy còn nói đôi điều nữa. Có nhiều tuần cậu ấy chẳng nói một lời nào, nhưng rõ ràng là mấy ngày gần đây cậu ấy đã chịu nói chút ít.”
Tôi nghĩ tới lúc Will bảo tôi nếu tôi không thôi cái trò huýt sáo dở hơi đi thì anh ta sẽ buộc phải tống cổ tôi đi. “Tôi nghĩ định nghĩa của anh ta và của tôi về hay nói có phần khác nhau.”
“À, chúng tôi đã nói đôi điều về cricket. Và tôi phải nói với cô…” Nathan hạ giọng “… Khoảng một tuần trước bà T hỏi tôi nghĩ cô có làm được việc không. Tôi nói tôi nghĩ cô rất chuyên nghiệp, nhưng tôi biết rằng bà ấy không định hỏi chuyện đó. Thế nên hôm qua bà ấy vào bảo với tôi rằng bà ấy nghe thấy hai cô cậu đang cười.”
Tôi nhớ lại chập chiều hôm qua. “Anh ấy cười tôi,” tôi nói. Will thấy thật ngộ nghĩnh khi tôi không biết sốt pesto là gì. Tôi đã bảo với anh ta bữa tối là “mì ống trộn nước xốt xanh xanh.”
“À, bà ấy không quan tâm đâu. Đã quá lâu rồi cậu ấy chẳng cười trước điều gì.”
Quả thực là thế. Will và tôi dường như đã tìm được cách dễ dàng hơn để ở cạnh nhau. Nó chủ yếu xoay quanh cách anh ta thô lỗ với tôi, và đôi khi tôi cũng thô lỗ lại. Anh ta nói gì đó không êm tai với tôi, tôi bật lại rằng nếu chuyện ấy thực sự quan trọng với anh thì hãy hỏi tôi cho tử tế. Anh ta nhiếc tôi, hoặc gọi tôi là kẻ lắm điều rắc rối, thì tôi sẽ bảo anh ta cứ thử không có kẻ lắm điều rắc rối này coi anh ta chịu được bao lâu. Cách này cần nỗ lực đôi chút, nhưng dường như nó hiệu quả với cả hai chúng tôi. Đôi khi thậm chí dường như anh ta cảm thấy nhẹ nhõm khi có người chuẩn bị cư xử thô lỗ với anh ta, cãi vã hoặc nói anh ta là kẻ tồi tệ. Tôi có cảm giác là mọi người đều rón chân quanh anh ta kể từ sau vụ tai nạn – có lẽ chỉ trừ Nathan, dường như Will đối xử với sự tôn trọng tự nhiên, còn ông thì miễn nhiễm với những lời bình luận châm chích của anh ta. Nathan giống như cỗ xe tăng đội lốt người.
“Cô chỉ cần đảm bảo rằng cô vẫn sẽ là trung tâm trêu chọc của cậu ấy, được chứ?”
Tôi đặt cái tách vào bồn rửa. “Tôi nghĩ chuyện đó không thành vấn đề.”
Một thay đổi lớn nữa, ngoại trừ sự thay đổi không khí trong ngôi nhà, là Will không thường xuyên bảo tôi để anh ta một mình như trước nữa, và có đôi buổi chiều anh ta còn hỏi tôi có muốn ở lại xem phim với anh ta không. Tôi chẳng quá phiền khi đó là phim The Terminator (Kẻ hủy diệt) – dù tôi đã xem trọn các tập phim Kẻ hủy diệt – nhưng khi anh ta chiếu cho tôi bộ phim của Pháp có phụ đề thì tôi liếc nhanh lên bìa đĩa rồi nói tôi nghĩ có lẽ tôi không nên tham gia.
“Tại sao?”
Tôi nhún vai. “Tôi không thích xem phim với phụ đề.”
“Thế thì khác gì nói cô không thích xem phim có diễn viên nam. Đừng có ngớ ngẩn thế. Cô không thích gì ở nó chứ? Chuyện cô vừa phải đọc vừa phải xem à?”
“Chỉ là tôi không thích phim nước ngoài.”
“Mọi phim sau phim Local Bloody Hero (Nhiệt huyết anh hùng) đều là phim nước ngoài cả. Cô nghĩ Hollywood là ngoại ô Birmingham chắc?”
“Buồn cười thật.”
Anh ta không tin nổi khi tôi thừa nhận thực sự tôi chưa bao giờ xem phim có phụ đề. Nhưng bố mẹ tôi thường chiếm quyền sở hữu cái điều khiển ti-vi vào buổi tối, còn Patrick thì thích xem phim nước ngoài cũng chẳng kém gì thích đề nghị chúng tôi tham gia lớp học thêu thùa buổi tối. Rạp chiếu phim ở thị trấn gần nhà chúng tôi nhất chỉ chiếu những bộ phim hành động hoặc phim hài lãng mạn mới nhất, cái rạp đó quá ồn ào với lũ trẻ mặc áo chui đầu la hò ầm ĩ mà đa phần người dân quanh thị trấn ấy hiếm khi để tâm.
“Cô phải xem phim này, Louisa. Nói thật nhé, tôi lệnh cho cô xem phim này.” Will lùi xe lại, hất đầu về chiếc ghế bành. “Kia. Cô ngồi kia. Phim chưa hết thì đừng có mà đi đâu. Chưa bao giờ xem phim nước ngoài. Chúa ơi,” anh ta lầm bầm.
Đó là một bộ phim cũ, kể về một anh gù được thừa kế một ngôi nhà ở miền quê nước Pháp, Will nói nó dựa trên một cuốn sách nổi tiếng, nhưng tôi nói tôi chưa từng nghe về tác phẩm ấy. Hai mươi phút đầu tôi cứ ngọ nguậy không yên, bực mình khi phải đọc phụ đề và tự hỏi Will có nổi giận không nếu tôi bảo là tôi cần đi tiểu.
Thế rồi có điều gì đó xảy ra. Tôi thôi nghĩ về chuyện thật quá khó khi phải vừa xem vừa nghe, quên luôn thời gian biểu dùng thuốc của Will, quên nỗi băn khoăn không biết bà Traynor có nghĩ tôi đang chây lười không, tôi bắt đầu lo lắng cho người đàn ông tội nghiệp và gia đình anh ta, đang bị đám hàng xóm độc ác gài bẫy. Khi Anh Gù chết, tôi khóc lặng lẽ, quệt nước mũi vào ống tay áo.
“Thế nào,” Will nói, xuất hiện bên cạnh tôi. Anh ta ranh mãnh liếc nhìn tôi. “Cô không thích xem phim đó chút nào hả.”
Tôi ngước lên, ngạc nhiên khi nhận ra bên ngoài trời đã tối sầm. “Giờ thì anh hả hê rồi phải không?” Tôi lầm bầm, với tay lấy hộp khăn giấy.
“Một chút. Tôi chỉ kinh ngạc khi cô đã tới độ tuổi trưởng thành là – bao nhiêu nhỉ?”
“Hai sáu.”
“Hai sáu, mà chưa từng xem bộ phim phụ đề nào.” Anh ta nhìn tôi lau mắt. Tôi liếc xuống khăn giấy thì nhận ra mình không còn chút mascara nào nữa.
“Tôi chẳng thấy chuyện đó là bắt buộc,” tôi gầm gừ.
“Được rồi. Thế cô làm gì với bản thân, Louisa Clark, nếu cô không xem phim?”
Tôi vo khăn giấy trong nắm tay. “Anh muốn biết tôi làm gì khi tôi không ở đây hả?”
“Cô là người muốn chúng ta biết về nhau mà. Thế thì nói đi nào, kể tôi nghe về cô.”
Anh ta có cái kiểu nói khiến người khác không bao giờ dám chắc anh ta không hề bỡn cợt họ. Tôi đang chờ anh ta tiếp tục trò bỡn cợt. “Tại sao?” tôi hỏi. “Tại sao tự nhiên anh lại muốn biết vậy?”
“Ôi, vì Chúa. Đó đâu phải bí mật quốc gia gì chứ, cuộc sống xã hội của cô ấy mà, phải không?” Anh ta bắt đầu tỏ ra bực bội.
“Tôi không biết…” tôi nói. “Tôi đi uống ở quán rượu. Thỉnh thoảng xem ti-vi. Tôi đi xem bạn trai chạy. Không thường xuyên lắm.” “Cô xem bạn trai chạy.”
“Phải.”
“Mà bản thân cô không chạy.”
“Không. Tôi không thực sự” – tôi liếc nhìn xuống ngực – “sinh ra để chạy.” Câu đó khiến anh ta mỉm cười.
“Còn gì khác nữa?”
“Còn gì khác ư, ý anh là sao?”
“Sở thích? Du lịch? Những nơi cô thích tới?”
Giọng anh ta đang bắt đầu nghe giống giọng ông thầy dạy nghề cũ của tôi.
Tôi cố nghĩ. “Tôi không thật sự có sở thích. Thỉnh thoảng tôi đọc. Tôi thích quần áo.”
“Xoàng,” anh ta nói cộc lốc.
“Anh hỏi mà. Thật sự tôi không phải người có nhiều sở thích.” Giọng tôi trở nên phòng vệ lạ thường. “Tôi không làm gì nhiều, được chưa? Tôi đi làm rồi về nhà thôi.”
“Cô sống ở đâu?”
“Phía bên kia tòa lâu dài. Đường Renfrew.”
Trông anh ta ngơ ngác không rõ. Tất nhiên là thế rồi. Có quá ít xe cộ qua lại giữa hai đầu lâu đài. “Nó ở cuối con đường hai làn. Gần quán McDonald.”
Anh ta gật đầu, nhưng tôi không chắc anh ta có thật sự biết nơi tôi đang nói tới không.
“Ngày nghỉ thì sao?”
“Tôi từng tới Tây Ban Nha, với Patrick. Bạn trai tôi,” tôi nói thêm. “Khi còn nhỏ, chúng tôi chỉ tới Dorset. Hoặc Tenby. Dì tôi sống ở Tenby.”
“Thế cô muốn gì?” “Tôi muốn gì là sao?”
“Từ cuộc sống của cô ấy mà?”
Tôi chớp mắt. “Như thế hơi sâu quá đấy nhỉ?”
“Chỉ chung chung thôi. Tôi đâu có đòi hỏi cô phân tích bản thân. Tôi chỉ hỏi, cô muốn gì? Kết hôn? Đẻ ra mấy nhóc? Công việc mơ ước? Du lịch thế giới?”
Tôi im lặng hồi lâu.
Tôi nghĩ trước khi nói ra những lời này tôi đã biết câu trả lời của mình sẽ khiến anh ta thất vọng. “Tôi không biết. Tôi chưa bao giờ thực sự nghĩ về điều đó.”
Vào thứ Sáu, chúng tôi đi bệnh viện. Tôi mừng vì tôi không biết về cuộc hẹn của Will trước khi tôi tới làm sáng đó, vì nếu biết tôi sẽ nằm chong mắt suốt đêm lo lắng chuyện phải chở anh ta tới đó. Tôi biết lái xe, đúng. Nhưng tôi nói tôi biết lái xe đúng với cách tôi nói tôi biết nói tiếng Pháp. Phải, tôi đã tham gia kỳ sát hạch thích đáng và vượt qua. Nhưng từ khi có bằng tôi không sử dụng kỹ năng đặc biệt đó quá một lần mỗi năm. Ý nghĩ chất Will và chiếc xe lăn lên chiếc xe đa dụng rồi chở anh ta an toàn tới thị trấn bên cạnh rồi quay về khiến tôi tràn ngập nỗi sợ khủng khiếp.
Nhiều tuần liền, tôi đã hy vọng rằng ngày lao động của tôi có việc gì đó đòi hỏi phải ra ngoài. Nhưng giờ tôi sẵn sàng làm mọi thứ chỉ để được ở trong nhà. Tôi để tấm card bệnh viện của anh ta giữa đống giấy tờ liên quan tới sức khỏe của anh ta – một tập dày cộm chia thành các mục “vận chuyển”, “bảo hiểm”, “sống chung với tật nguyền,” và “lịch hẹn khám”. Tôi cầm tấm card lên và kiểm tra xem nó có ghi ngày hôm nay không. Trong tôi thoáng chút hy vọng rằng Will đã nhầm.
“Mẹ anh có tới không?”
“Không. Bà không tới các cuộc hẹn khám của tôi.”
Tôi không giấu được nỗi ngạc nhiên. Tôi đã nghĩ bà sẽ muốn giám sát mọi mặt công cuộc điều trị anh ta.
“Trước đây bà hay tới,” Will nói. “Giờ thì chúng tôi có một thỏa thuận.” “Nathan có tới không?”
Tôi đang quỳ trước mặt anh ta. Tôi quá căng thẳng tới nỗi đã đánh rơi ít thức ăn trưa xuống lòng anh ta và giờ đang nỗ lực tuyệt vọng lau nó đi, thế nên một mảng quần của anh ta bị ướt nhẹp. Will chẳng nói gì, chỉ bảo tôi làm ơn thôi xin lỗi đi, nhưng điều đó không giúp tôi hết cảm giác căng thẳng bao trùm.
“Để làm gì?”
“Không có gì.” Tôi không muốn anh ta biết tôi đang sợ thế nào. Tôi đã dành phần lớn buổi sáng hôm đó – thời gian tôi thường dành để lau chùi – để đọc đi đọc lại cuốn sách mỏng hướng dẫn sử dụng xe nâng nhưng giờ tôi vẫn cứ sợ chết khiếp khi nghĩ tới lúc tôi phải một mình thực hiện nhiệm vụ nhấc anh ta lên không trung bảy mươi phân.
“Thôi nào, Clark. Có chuyện gì thế?”
“Được rồi. Tôi chỉ… tôi chỉ nghĩ lần đầu này sẽ dễ dàng hơn nếu có ai đó khác biết về dây dợ.”
“Ai đó khác tôi hả,” anh ta nói. “Tôi không có ý đó.”
“Vì không thể kỳ vọng tôi biết chút gì về việc chăm sóc chính tôi hả?”
“Anh biết hoạt động bàn nâng xe lăn hả?” tôi nói không giấu giếm. “Anh có thể nói chính xác cho tôi biết phải làm gì đúng không?”
Anh ta quan sát tôi, cái nhìn của anh ta phẳng lặng. Nếu đang đấu tranh tư tưởng, thì dường như anh ta đã thay đổi ý định. “Được rồi. Đúng thế, ông ấy sẽ tới. Ông ấy sẽ phụ một tay. Vả lại tôi nghĩ nếu có ông ấy ở đây thì cô sẽ giúp mình bớt căng thẳng đi.”
“Tôi đâu có căng thẳng,” tôi phản đối.
“Rõ ràng còn gì.” Anh ta liếc nhìn xuống lòng mình, tôi vẫn đang dùng khăn lau chùi chỗ đó. Tôi đã đánh đổ sốt mì ống, nhưng ướt cả vào người anh ta. “Thế tôi sắp được tha chưa đây?”
“Tôi chưa xong,” tôi cắm máy sấy tóc vào ổ điện và chĩa thẳng ống sấy vào đũng quần anh ta.
Khi khí nóng lan tỏa lên quần, anh ta nhướng mày.
“À, ừm,” tôi nói. “Đó không hẳn là việc tôi nghĩ mình phải làm vào chiều thứ Sáu.”
“Cô rất căng thẳng phải không?”
Tôi biết rõ là anh ta đang quan sát tôi.
“Ôi, tươi tỉnh lên nào Clark. Tôi mới là người bị luồng khí nóng bỏng sấy thẳng vào hạ bộ cơ mà.”
Tôi không đáp. Tôi nghe giọng anh ta qua tiếng rào rào của máy sấy tóc. “Thôi nào, còn chuyện gì tệ hại hơn có thể xảy ra cơ chứ – rốt cuộc tôi đã ngồi xe lăn rồi còn gì?”
Nghe thì ngớ ngẩn, nhưng quả thực tôi không thể không phá lên cười. Đây là biểu hiện rõ ràng nhất Will thực sự đang cố làm tôi cảm thấy dễ chịu hơn.
Nhìn bên ngoài chiếc xe trông giống một chiếc xe chở người bình thường, nhưng khi cửa sau chỗ ghế hành khách mở ra, một đường trượt hạ từ một bên hông xe xuống đất. Trước sự quan sát của Nathan, tôi đẩy chiếc xe đi ngoài trời của Will (anh ta có một chiếc dành riêng để du ngoạn) thẳng vào đường trượt, kiểm tra phanh khóa điện.
Nathan ngồi vào ghế khách còn lại, cài dây an toàn cho anh ta và chốt bảo vệ cho xe lăn. Cố ngăn đôi tay thôi run rẩy, tôi thả phanh tay rồi từ từ lái xe về phía bệnh viện.
Khi đi xa khỏi ngôi nhà, Will có vẻ hơi co người lại. Trời rét căm căm, Nathan và tôi đã bọc anh ta trong khăn choàng và áo khoác dày cộp, nhưng anh ta trở nên im lặng hơn, cằm đơ ra, trông nhỏ bé trước khung cảnh bao la hơn ở xung quanh. Mỗi lần tôi nhìn vào gương chiếu hậu (khá thường xuyên – vì dù Nathan ở đó tôi vẫn lo sợ bằng cách nào đó chiếc xe sẽ tuột khỏi dây chằng), tôi đều thấy anh ta đang nhìn trân trân ra ngoài cửa sổ, vẻ mặt không đoán định nổi. Ngay cả dăm ba lần khi tôi giảm tốc hoặc phanh quá đột ngột, anh ta cũng chỉ hơi cau mặt và chờ đợi cho tôi trấn tĩnh lại.
Khi tới được bệnh viện, tôi đã toát đẫm mồ hôi. Tôi lái xe quanh bãi đỗ của bệnh viện ba lần, quá lo sợ không dám chạy lùi vào chỗ nào chưa phải chỗ rộng nhất trong bãi, cho tới khi nhận thấy hai người đàn ông bắt đầu mất bình tĩnh. Thế rồi cuối cùng, tôi hạ thấp đường trượt và Nathan giúp đẩy xe lăn của Will xuống đường nhựa.
“Tốt lắm,” Nathan nói, vỗ lưng tôi khi ông ra khỏi xe, nhưng tôi thấy khó tin đó là sự thật.
Có những thứ phải tới khi đồng hành với người ngồi xe lăn ta mới để ý thấy. Một trong số đó là hầu hết các vỉa hè đều đầy rác rến, lỗ rỗ bao nhiêu hố hốc chắp vá khủng khiếp, hoặc đơn giản là không bằng phẳng. Đi chầm chậm bên Will trong khi anh ta tự điều khiển xe đẩy dọc đường, tôi để ý thấy từng phiến đá nham nhở đều khiến anh ta bật nảy lên đau đớn, anh ta phải cẩn thận tránh vòng quanh những chỗ có khả năng gây dằn xóc. Nathan vờ như không để ý nhưng tôi thấy ông cũng đang quan sát. Will thì chỉ lộ vẻ đăm đăm và quyết tâm.
Một điều khác nữa là, hầu hết các tài xế đều hết sức vô tâm. Họ đỗ xe sát vỉa hè hoặc quá gần nhau tới nỗi chẳng có lối cho xe lăn qua đường. Tôi quá kinh ngạc, đôi lần thậm chí còn muốn để lại một tờ giấy nhắn thô lỗ trên cần gạt nước, nhưng Nathan và Will dường như đã quen rồi. Nathan chỉ ra một chỗ có thể qua đường, thế rồi chúng tôi mỗi người đi một bên Will, cuối cùng cũng qua được bên kia.
Từ khi rời nhà, Will không nói một lời.
Bản thân bệnh viện là một tòa nhà thấp tầng sáng choang, khu vực tiếp tân sạch bong trông giống một khách sạn hiện đại hơn là bệnh viện, có lẽ đây là biểu hiện của bảo hiểm tư nhân. Tôi đứng lùi phía sau khi Will xưng tên với cô tiếp tân, rồi theo anh ta và Nathan xuống một hành lang dài. Nathan mang một ba-lô to đùng chứa mọi thứ mà có thể Will sẽ cần trong cuộc hẹn ngắn ngủi này, từ cốc bê-se cho tới quần áo dự phòng. Sáng nay ông đã gói ghém đồ đạc trước mặt tôi, trình bày tỉ mỉ từng tình huống có thể xảy ra. “Tôi nghĩ sẽ rất tốt nếu chúng ta không phải làm việc này quá thường xuyên,” ông nói khi thấy vẻ mặt sợ hãi của tôi.
Tôi không theo Will vào cuộc hẹn. Nathan và tôi ngồi trên những chiếc ghế thoải mái bên ngoài phòng bác sĩ tư vấn. Ở đây không hề có mùi bệnh viện, chỉ có hương hoa tươi trong bình bên cửa sổ. Cũng không có cả những bông hoa cũ. Những thứ đồ ngoại lai to đùng mà tôi không biết gọi tên là gì được sắp xếp nghệ thuật thành những khối đơn giản.
“Họ đang làm gì trong đó?” tôi nói sau khi chúng tôi ngồi chờ được nửa tiếng.
Nathan ngước lên khỏi cuốn sách. “Chỉ là cuộc kiểm tra định kỳ sáu tháng thôi.”
“Sao, để xem anh ấy có tiến bộ tí nào không à?”
Nathan đặt sách xuống. “Cậu ấy sẽ không tốt lên chút nào cả. Đó là tổn thương tủy sống.”
“Nhưng ông vẫn trị liệu các thứ cho anh ấy.”
“Đó là để cố giữ cho thể trạng của cậu ấy ổn định – để ngăn cho cậu ấy không bị teo cơ, xương không bị khử khoáng, chân không bị tụ máu, đại loại thế.”
Khi cất tiếng trở lại, giọng ông nhẹ nhàng, như thể ông nghĩ có lẽ ông đã làm tôi thất vọng. “Cậu ấy sẽ không đi được nữa đâu, Louisa. Những chuyện đó chỉ xảy ra trên phim Hollywood. Tất cả những gì chúng ta đang làm là tránh cho cậu ấy đau đớn, và duy trì biến chuyển của cậu ấy dù ở mức độ nào đi nữa.”
“Có phải anh ấy làm những thứ này là vì ông không? Những thứ vật lý trị liệu ấy? Dường như anh ấy không muốn làm bất cứ thứ gì mà tôi đề nghị.”
Nathan nhăn mũi. “Cậu ấy làm việc đó, nhưng tôi nghĩ cậu ấy không tin tưởng. Hồi đầu tôi tới, cậu ấy khá quyết tâm. Cậu ấy đã rất chịu khó chữa trị, nhưng sau một năm không tiến triển gì, tôi nghĩ cậu ấy thấy khó giữ niềm tin chuyện chữa trị có ý nghĩa.”
“Ông có nghĩ anh ấy nên tiếp tục cố gắng không?”
Nathan nhìn chằm chằm xuống sàn nhà. “Nói thật nhé? Cậu ấy bị liệt tứ chi mức độ C5/6. Điều đó có nghĩa không có gì hoạt động từ phần này trở xuống…” ông đặt một bàn tay lên phần trên của ngực mình. “Người ta chưa tìm ra cách chữa trị tổn thương cột sống.”
Tôi nhìn chăm chăm ra ngoài cửa sổ, nghĩ về gương mặt của Will khi chúng tôi lái xe dọc con đường tràn nắng mùa đông, cái khuôn mặt tươi cười rạng rỡ của chàng thanh niên đi trượt tuyết trong kỳ nghỉ. “Nhưng có mọi loại dịch vụ y tế trên đời mà, phải không? Ý tôi là… ở chỗ nào đó như thế này… họ hẳn sẽ chữa trị những thứ bệnh trạng thế này mọi lúc.”
“Đây là một bệnh viện rất tốt,” ông nói bình thản. “Nơi còn sống, còn mọi thứ đó?”
Nathan nhìn tôi, rồi nhìn lại vào sách. “Phải,” ông nói.
Ba giờ kém mười lăm, tôi đi lấy một tách cà-phê, Nathan cũng muốn một tách. Ông nói rằng những cuộc hẹn khám thường kéo dài khá lâu, thế nên ông sẽ giữ chỗ cho tới khi tôi quay lại. Tôi giết thời gian một lát ở khu tiếp tân, lướt qua mấy cuốn tạp chí trên sạp báo, nấn ná bên những thanh sô-cô-la.
Có lẽ đúng như đoán trước, tôi bị lạc khi tìm đường trở lại hành lang cũ và phải hỏi mấy cô y tá xem tôi phải đi hướng nào, thậm chí hai người trong số họ cũng không biết. Khi tôi về lại chỗ đó, cà-phê đã lạnh trên tay, dãy hành lang trống trơn. Khi bước lại gần hơn, tôi thấy cửa phòng bác sĩ tư vấn hé mở. Tôi lưỡng lự bên ngoài, nhưng giờ đây lúc nào tôi cũng nghe thấy tiếng bà Traynor trong lỗ tai, chỉ trích tôi vì đã bỏ mặc anh ta. Tôi lại làm thế rồi.
“Thế thì chúng tôi sẽ gặp lại ngài sau ba tháng nữa, ngài Traynor,” một giọng đang nói. “Tôi vừa điều chỉnh thuốc chống co giật và tôi sẽ đảm bảo có người gọi cho ngài để báo kết quả xét nghiệm. Có lẽ là vào thứ Hai.”
Tôi nghe giọng Will. “Tôi lấy những viên này ở quầy thuốc dưới lầu được không?”
“Được. Đây. Có thể họ sẽ đưa cho ngài thêm một số viên kia nữa.” Một giọng phụ nữ. “Tôi lấy tập hồ sơ đó được chứ?”
Tôi nhận thấy chắc là họ sắp ra. Tôi gõ cửa, và có ai đó gọi mời tôi vào. Hai cặp mắt hướng về phía tôi.
“Xin lỗi,” bác sĩ tư vấn nói, đứng lên khỏi ghế. “Tôi tưởng cô là người chăm sóc y tế.”
“Tôi là… người giúp việc của Will,” tôi nói, đứng nán lại ở cửa. Will được giữ ngả người về phía trước trên ghế để Nathan kéo áo xuống cho anh. “Xin lỗi – tôi tưởng mọi người xong xuôi rồi.”
“Cho chúng tôi thêm một phút nữa thôi, được không, Louisa?” Giọng Will vang khắp căn phòng.
Tôi vừa lầm bầm xin lỗi vừa lui ra ngoài, mặt đỏ bừng. Không phải hình ảnh tấm thân trần trụi của Will khiến tôi kinh ngạc, gầy guộc và chằng chịt sẹo. Không phải cái nhìn hơi giận dữ của bác sĩ tư vấn, hệt như ánh mắt bà Traynor nhìn tôi ngày qua ngày – một cái nhìn khiến tôi thấy mình vẫn là con ngốc chuyên làm hỏng việc như cũ, dù thực tế tôi đã nhận được mức thù lao theo giờ cao hơn.
Không, mà đó là những đường đỏ bầm rạch trên cổ tay Will, những vết sẹo dài nham nhở không lẫn vào đâu được, dù Nathan có kéo ống tay áo của Will nhanh cỡ nào.