Đọc truyện Trước Ngày Em Đến – Me Before You – Chương 4
“Đây là khu nhà phụ. Trước kia nó vốn là nhà kho, nhưng chúng tôi nhận thấy nó phù hợp với Will hơn nhà chính vì toàn bộ mặt bằng của nó nằm ở tầng trệt. Đây là phòng thừa để Nathan có thể ngủ lại nếu cần. Chúng tôi khá thường xuyên cần có người ở đây từ sáng sớm.”
Bà Traynor bước nhanh xuống hành lang, chỉ hết cánh cửa này sang cánh cửa khác, chẳng buồn ngoái nhìn, đôi giày cao gót của bà gõ lách cách trên sàn đá. Dường như bà kỳ vọng là tôi có thể theo kịp.
“Chìa khóa xe đây. Tôi đã để tên cô trên sổ bảo hiểm. Tôi tin những chi tiết cô cung cấp là đúng. Nathan có thể chỉ cô cách hoạt động của đường dẫn xe lăn lên ô-tô. Tất cả những gì cô phải làm là giúp Will vào đúng vị trí, phần còn lại là việc của chiếc xe. Nhưng mà… dạo này nó cũng chẳng thích đi đâu cho lắm.”
“Ngoài trời hơi lạnh,” tôi nói.
Bà Traynor có vẻ chẳng nghe thấy tôi nói gì.
“Cô có thể pha trà và cà-phê trong bếp để uống. Tôi để cả trong tủ ly. Phòng tắm đi lối này…”
Bà mở cánh cửa, tôi nhìn chăm chăm vào cái máy cẩu bọc nhựa và kim loại trắng chúc cần xuống chỗ tắm. Có một vùng ướt nước ở dưới vòi sen, bên cạnh đó là một chiếc xe lăn xếp gọn. Trong góc có một cái tủ, mặt kính cho thấy nó chứa hàng dãy hộp bọc giấy bạc xếp gọn gàng. Từ chỗ này, tôi không biết chúng là gì, nhưng tất cả tỏa ra mùi khử trùng thoang thoảng.
Bà Traynor đóng cửa lại, hơi quay mặt sang tôi. “Tôi cần phải nhắc lại, điều rất quan trọng là Will luôn có người ở bên cạnh. Người chăm sóc trước đã ra ngoài mấy tiếng để đi sửa xe, và khi cô ta vắng mặt Will đã… tự làm mình bị thương.” Bà nuốt khan, như thể vẫn còn đau lòng trước ký ức đó.
“Tôi sẽ không đi đâu cả.”
“Tất nhiên là cô sẽ cần… nghỉ ngơi giải tỏa. Tôi chỉ muốn làm rõ là cô không được để Will một mình trong những khoảng thời gian dài hơn mười tới mười lăm phút. Nếu có việc bất khả kháng thì phải gọi điện thoại nội bộ, nếu chồng tôi, Steven, ở nhà, hoặc gọi điện thoại di động cho tôi. Nếu cô cần nghỉ bữa nào, tôi phải được thông báo càng sớm càng tốt. Tìm người trông giúp không phải lúc nào cũng dễ.”
“Vâng.”
Bà Traynor mở tủ búp-phê ở sảnh. Bà nói giọng chẳng khác gì người ta đọc thuộc một bài phát biểu đã tập luyện kỹ càng.
Tôi thoáng tự hỏi đã bao nhiêu người chăm sóc từng làm việc ở đây trước tôi.
“Nếu Will bận, sẽ rất có ích nếu cô biết làm một số việc nhà cơ bản. Giặt khăn trải giường, hút bụi, đại loại thế. Dụng cụ lau dọn để phía dưới bồn rửa. Có lẽ nó sẽ không muốn cô ở bên cạnh cả ngày đâu. Cô và nó sẽ phải xác định mức độ hợp tác cho hai người.”
Bà Traynor nhìn quần áo của tôi, như thể lần đầu mới gặp. Tôi mặc một chiếc áo ghi-lê se sua, bố thường bảo cái áo này khiến tôi trông như một con đà điểu. Tôi cố mỉm cười. Có vẻ như phải nỗ lực nhiều lắm.
“Tất nhiên là tôi hy vọng hai người có thể… hòa hợp với nhau. Sẽ rất tốt nếu
Will xem cô là bạn chứ không phải người giúp việc được trả công.” “Đúng thế. Anh ấy… ưm… thích làm gì ạ?”
“Nó xem phim. Thỉnh thoảng lại nghe đài, hoặc nghe nhạc. Nó có một vật dụng kỹ thuật số. Nếu cô để thứ đó gần bàn tay nó, thường thường nó tự điều khiển được. Ngón tay nó có thể nhúc nhích được một chút, tuy nhiên nó khó cầm nắm.”
Tôi thấy mình phấn chấn hẳn lên. Nếu anh ta thích âm nhạc và phim ảnh, chắc chắn chúng tôi có thể tìm thấy chuyện gì đó chung phải không? Đột nhiên trước mắt tôi hiện ra hình ảnh tôi và người đàn ông này cùng nhau cười ngặt nghẽo khi xem một bộ phim hài Hollywood, tôi kéo máy hút bụi vòng vòng còn anh ta thì nghe nhạc. Có lẽ chuyện này sẽ ổn cả thôi. Có lẽ cuối cùng chúng tôi sẽ thành bạn. Trước đây tôi chưa bao giờ có bạn bị tàn tật – tôi chỉ biết một người bị điếc là David, bạn của Treen, nhưng còn phải tranh luận dài dài nếu có ai cho rằng bị điếc là tàn tật.
“Cô có hỏi gì không?” “Không ạ.”
“Thế thì chúng ta đi giới thiệu cô thôi.” Bà liếc đồng hồ. “Chắc lúc này Nathan cũng mặc xong đồ cho Will rồi.”
Chúng tôi ngần ngừ ngoài cửa một lát rồi bà Traynor gõ cửa. “Con có đó không? Mẹ đưa cô Clark tới gặp con đây, Will.”
Chẳng có tiếng trả lời. “Will? Nathan?”
Một giọng nói đặc sệt ngữ âm New Zealand cất lên. “Cậu ấy xong xuôi rồi, bà T.”
Bà đẩy cửa mở. Phòng khách của khu nhà phụ rộng kinh khủng, có một bức tường hoàn toàn bằng kính nhìn ra khung cảnh bao la của vùng nông thôn. Một ngọn lửa củi cháy bập bùng trong góc, một chiếc sofa thấp màu be đối diện với cái ti-vi màn hình phẳng siêu lớn, chỗ ngồi trên ghế được phủ khăn len. Không khí gian phòng thật trang nhã và thanh bình – một không gian đậm chất Scandinavia.
Ở giữa phòng là một chiếc xe lăn màu đen, chỗ ngồi và lưng dựa bọc lông cừu. Một người đàn ông vạm vỡ khỏe mạnh mặc áo bờ-lu không cổ màu trắng đang cúi xuống, đặt chân của một thanh niên vào đúng bàn để chân trên xe lăn. Khi chúng tôi bước vào phòng, anh chàng trên xe lăn ngước nhìn lên từ dưới mái tóc rối tinh rối bù. Ánh mắt anh ta gặp ánh mắt tôi, dừng lại một thoáng, anh ta gừ lên một tiếng kinh hoàng. Rồi miệng anh ta cau lại, và anh ta hét lên một tiếng ghê sợ nữa.
Tôi thấy mẹ anh ta cứng đờ người. “Will, thôi đi!”
Anh ta thậm chí không thèm liếc nhìn bà. Một tiếng kêu thời tiền sử khác lại phát ra từ đâu đó cạnh lồng ngực của anh ta. Đó là một tiếng động rùng rợn, gai người. Tôi cố chống lại cơn rùng mình. Người đàn ông đang cau mặt, đầu anh ta nghiêng nghiêng rụt vào giữa hai vai khi anh ta nhìn tôi chằm chằm bằng khuôn mặt vẹo vọ. Trông anh ta thật khiếp khủng, và có vẻ như đang giận dữ. Tôi nhận thấy ở chỗ tôi cầm túi xách, các khớp tay đã trắng bợt cả ra.
“Will! Làm ơn.” Có một thoáng kích động trong giọng nói của mẹ anh ta. “Làm ơn, đừng làm như thế.”
Ôi trời đất ơi, tôi thầm rên lên. Tôi không chuẩn bị tinh thần cho chuyện này. Tôi nuốt khan khó nhọc. Người đàn ông vẫn nhìn tôi trân trân. Dường như anh ta đang chờ tôi hành động.
“Tôi… tôi là Lou.” Giọng tôi run bần bật, phá tan khoảng yên lặng. Trong một giây tôi băn khoăn không biết có nên đưa tay ra, rồi sực nhớ anh ta không thể bắt tay, nên thay vì vậy tôi khẽ vẫy tay. “Nói tắt của Lousia.”
Thế rồi trước sự kinh ngạc của tôi, gương mặt anh ta giãn ra, đầu thẳng thớm trên hai vai.
Will Traynor vẫn nhìn tôi không dứt, những nụ cười mờ nhạt nhất lướt qua mặt anh ta. “Xin chào cô Clark,” anh ta nói. “Tôi nghe bảo cô là người trông chừng mới nhất của tôi.”
Nathan đã xong việc điều chỉnh bàn để chân. Ông vừa đứng dậy vừa lắc lắc đầu. “Cậu là anh chàng hư hỏng, cậu T. Hư lắm.” Ông cười tươi rói, chìa bàn tay to bản ra, tôi nắm lấy một cách yếu ớt. Ở Nathan toát ra một vẻ điềm tĩnh. “Tôi e là cô vừa thấy cái vẻ đặc sệt chất Christy Brown(1) của Will. Cô sẽ quen với cậu ấy thôi. Cậu ấy chỉ quát tháo thế thôi chứ tâm địa không có gì.”
Bà Traynor đang nắm chặt cây thánh giá ở cổ bằng những ngón tay trắng xanh gầy guộc. Bà kéo nó tới lui trên sợi dây chuyền mỏng tang, một thói quen khi căng thẳng. Gương mặt bà khắc khổ. “Tôi sẽ để mọi người lại bàn bạc công việc với nhau. Nếu cần giúp đỡ gì cô cứ gọi qua điện thoại nội bộ. Nathan sẽ nói qua cho cô về sinh hoạt hằng ngày của Will, và trang thiết bị của nó.”
“Con ở đây mà mẹ. Mẹ không cần phải nói thay con đâu. Não con đâu có liệt. Vẫn chưa.”
“Ừ, được rồi, nếu con định gây chuyện, Will, mẹ nghĩ tốt nhất cô Clark nên nói chuyện trực tiếp với Nathan.” Tôi để ý thấy bà không nhìn vào mắt anh ta khi nói. “Hôm nay tôi sẽ làm việc tại nhà. Thế nên tới giờ ăn trưa tôi sẽ ghé qua, cô Clark.”
“Được ạ,” giọng tôi thoát ra the thé.
Bà Traynor biến mất. Chúng tôi yên lặng lắng nghe tiếng bước chân rõ mồn một của bà xa dần xuống sảnh về phía nhà chính.
Rồi Nathan phá tan khoảng im lặng. “Cậu có phiền không nếu tôi đi chỉ cho cô Clark về thuốc thang của cậu, Will? Cậu muốn xem phim không? Hay nghe nhạc?”
“Radio 4 nhé, Nathan.” “Hẳn rồi.”
Chúng tôi đi xuống bếp, “Bà T nói cô không có nhiều kinh nghiệm với người bị liệt lắm?” “Vâng.”
“Được rồi. Hôm nay tôi sẽ để mọi chuyện đơn giản thôi. Có một tập tài liệu ở đây nói cho cô gần như mọi điều cô cần biết về sinh hoạt của Will, và tất cả các số khẩn cấp của cậu ấy. Tôi khuyên cô nên đọc nó, nếu cô có thời gian rảnh. Tôi nghĩ là cô sẽ có thôi.”
Nathan lấy chiếc chìa khóa ở thắt lưng ra mở một cái tủ đang khóa, trong đó chất đầy hộp và lọ nhựa nhỏ đựng thuốc. “Rồi. Đây chủ yếu là công việc của tôi, nhưng cô cần biết thứ nào ở đâu phòng khi khẩn cấp. Có thời gian biểu trên tường kia để cô biết lịch sinh hoạt hằng ngày của cậu ấy. Nếu có đưa thêm bất cứ thứ gì cho cậu ấy thì cô phải đánh dấu vào đó…” ông chỉ “… nhưng tốt nhất là cô đừng làm gì mà bà T không bảo, ít nhất là trong giai đoạn này.”
“Tôi không biết là tôi sẽ phải để ý chuyện thuốc thang cơ đấy.”
“Không khó khăn gì đâu. Cậu ấy hầu như biết hết mình cần gì. Nhưng có lẽ cậu ấy cần giúp đỡ một chút để lấy thuốc xuống. Chúng tôi thường dùng cái cốc bê-se này đây. Hoặc cô có thể nghiền thuốc bằng bộ chày cối này rồi hòa tan vào một ly nước.”
Tôi cầm một chiếc nhãn lên. Tôi không chắc mình đã bao giờ nhìn thấy nhiều thuốc tới thế ở bên ngoài hiệu thuốc chưa.
“Thế này nhé. Cậu ấy có hai loại thuốc huyết áp, loại này là để hạ huyết áp khi đi ngủ, loại này là để tăng huyết áp khi thức dậy. Nhưng loại này cậu ấy cần khá thường xuyên để kiểm soát cơn co cơ – cô cần phải đưa cho cậu ấy một viên vào giữa buổi sáng, và một viên nữa vào giữa buổi chiều. Cậu ấy không thấy khó nuốt mấy viên đó quá đâu, vì chúng nhỏ mà lại được bọc đường. Những loại này dành cho chứng co thắt bàng quang, còn mấy loại đây là để điều trị trào ngược a-xit. Thỉnh thoảng cậu ấy cần chúng sau khi ăn nếu thấy không dễ chịu. Đây là thuốc kháng histamine cho cậu ấy vào buổi sáng, còn đây là mấy loại thuốc nhỏ mũi, nhưng tôi luôn làm mấy việc đó cuối cùng trước khi ra về, nên cô không phải lo lắng gì đâu. Cậu ấy có thể phải uống paracetamol nếu thấy đau, và cậu ấy cũng phải uống thuốc ngủ, nhưng những loại thuốc này khiến cậu ấy dễ cáu kỉnh hơn vào ban ngày nên chúng tôi cố hạn chế chúng.
“Những thứ này…” ông giơ một chai nữa lên “… là thuốc kháng sinh cậu ấy dùng hai tuần một lần khi thay ống thông tiểu. Nếu không đi đâu thì tôi sẽ làm việc này, nếu đi vắng thì tôi sẽ để lại hướng dẫn cụ thể. Thuốc này khá mạnh. Có hộp đựng găng tay cao su kia, nếu có khi nào đó cô cần rửa cho cậu ấy. Nếu đau thì cậu ấy kêu la, nhưng cậu ấy cũng thấy không tới nỗi nào, vì chúng ta có nệm hơi.”
Khi tôi đứng đó, ông thò tay vào túi lấy ra một chiếc chìa khóa nữa đưa cho tôi. “Đây là khóa dự phòng,” ông nói. “Không được đưa cho bất kỳ ai khác kể cả Will, được chứ? Bảo vệ nó như mạng sống nhé.”
“Quá nhiều thứ để nhớ.” Tôi nuốt khan.
“Mọi điều đã được ghi lại. Tất cả những gì cô cần nhớ hôm nay là các loại thuốc chống co giật của cậu ấy. Những loại kia kìa. Có số điện thoại của tôi đấy, cần gì cô cứ gọi. Khi không ở đây thì tôi nghiên cứu, nên tốt nhất là đừng gọi thường xuyên quá, nhưng chừng nào cô còn chưa tự tin thì cứ gọi thoải mái.”
Tôi nhìn chăm chú vào tập giấy tờ trước mặt tôi. “Phải làm sao nếu… anh ta cần đi tiểu?” Tôi nghĩ tới chiếc cần cẩu. “Tôi không chắc mình có thể, ông biết đấy, nhấc anh ta lên.” Tôi cố diễn vẻ mặt khác hẳn nỗi sợ hãi trong lòng.
Nathan lắc đầu. “Cô không cần phải làm mấy việc đó đâu. Ống thông tiểu sẽ làm. Tới giờ trưa tôi sẽ đến thay nó. Cô ở đây không phải để làm những việc liên quan tới thể chất.”
“Thế công việc của tôi ở đây là gì?”
Nathan nhìn chăm chăm xuống sàn nhà mãi rồi mới ngước nhìn tôi. “Cố làm cậu ấy vui lên một chút chăng? Cậu ấy… cậu ấy hơi cáu bẳn. Dễ hiểu thôi, vì… hoàn cảnh như thế. Nhưng cô sẽ phải chai mặt vào. Trò chọc quậy sáng nay là cách cậu ấy làm cô mất bình tĩnh đấy.”
“Có phải vì thế mà thù lao mới cao tới vậy?”
“Ồ phải. Không có bữa trưa nào là miễn phí đâu nhỉ?” Nathan vỗ lên vai tôi. Tôi thấy người mình nảy lên vì cái vỗ đó. “À, cậu ấy không sao đâu. Cô không phải đi rón ra rón rén bên cạnh cậu ấy.” Ông trù trừ một chút. “Tôi mến cậu ấy.”
Ông nói câu đó như thể ông là người duy nhất mến nổi anh ta.
Tôi theo ông trở lại phòng khách. Xe lăn của Will đã dịch chuyển tới cửa sổ, anh ta quay lưng lại chúng tôi, nhìn chăm chú ra ngoài trời, nghe gì đó trên đài.
“Tôi xong việc rồi Will. Cậu có muốn gì trước khi tôi đi không?” “Không đâu. Cảm ơn Nathan.”
“Thế tôi sẽ để cậu lại với đôi tay giỏi giang của cô Clark nhé. Gặp lại vào giờ ăn trưa, anh bạn.”
Lòng tôi chợt trào lên nỗi hoảng sợ khi quan sát ông giúp việc ân cần khoác áo vào.
“Vui vẻ nhé, hai bạn.” Nathan nháy mắt với tôi, rồi đi mất.
Tôi đứng giữa phòng, tay thọc sâu trong túi áo, không chắc phải làm gì. Will Traynor tiếp tục nhìn trân trân ra ngoài cửa sổ như thể tôi không ở đó.
“Anh muốn tôi pha cho anh một tách trà không?” cuối cùng tôi lên tiếng, khi sự im lặng trở nên không chịu nổi nữa.
“À. Phải rồi. Cô gái pha trà để kiếm sống. Tôi đã tự hỏi mất bao lâu thì cô sẽ muốn phô diễn kỹ năng của mình. Không. Không đâu, cảm ơn.”
“Thế cà-phê nhé?”
“Đồ uống nóng không dành cho tôi, ngay lúc này, cô Clark ạ.” “Anh có thể gọi tôi là Lou.”
“Thế thì ích gì?”
Tôi chớp mắt, miệng tôi mở ra một chốc. Tôi ngậm lại. Bố luôn nói làm thế trông tôi còn ngớ ngẩn hơn vốn dĩ. “À… tôi có thể mang gì cho anh?”
Anh ta quay lại nhìn tôi. Cằm anh ta lởm chởm vì mấy tuần liền không cạo, mắt anh ta thật khó dò. Anh ta quay đi.
“Tôi sẽ…” tôi nhìn quanh phòng. “Thế tôi sẽ xem có thứ gì cần giặt giũ không.”
Tôi đi ra khỏi phòng, tim đập thình thịch. Từ góc an toàn trong bếp, tôi lôi điện thoại ra bấm tin nhắn gửi cho em gái.
Kỳ quái quá. Anh ta ghét chị.
Mấy giây sau tin nhắn trả lời xuất hiện.
Chị mới ở đó có một giờ đồng hồ thôi mà, chị gái yếu đuối! B & M rất lo lắng về tiền bạc. Hãy kiềm chế và nghĩ về thù lao hàng giờ. X.
Tôi đóng nắp điện thoại lại, lòng rối bời. Tôi xới tung giỏ đựng đồ giặt trong phòng tắm, xoay xở nâng được mức đồ giặt trong máy lên được một phần tư ít ỏi, dành mấy phút để kiểm tra hướng dẫn sử dụng máy. Tôi không muốn máy giặt tắc tị giữa chừng, cũng không muốn mình làm gì đó có thể khiến Will hoặc bà Traynor nhìn tôi như thể tôi là con hâm lần nữa. Tôi khởi động máy giặt rồi đứng đó, cố nghĩ xem còn việc gì khác mình được phép làm. Tôi lôi chiếc máy hút bụi từ tủ nhỏ bên tường ra rồi kéo nó tới lui dọc hành lang và trong hai phòng ngủ, vừa làm vừa nghĩ rằng nếu thấy tôi lúc này thể nào bố mẹ cũng sẽ khăng khăng đòi chụp hình kỷ niệm. Phòng ngủ phụ hầu như trống trơn, giống phòng trong khách sạn. Tôi cho là Nathan không hay ngủ lại. Tôi nghĩ tôi chẳng thể trách ông được.
Tôi chần chừ bên ngoài phòng ngủ của Will Traynor, rồi biện hộ rằng nó cũng cần được hút bụi như mọi chỗ khác. Có một cái giá âm tường ở một bên, trên đó là chừng hai mươi khung ảnh.
Khi hút bụi quanh giường, tôi cho phép mình nhìn chúng một cái thật nhanh. Kia là hình một thanh niên đang nhảy bungee từ một mỏm đá, hai cánh tay anh ta dang ra như tượng Chúa. Kia là hình một thanh niên – có lẽ là Will trước đây – đang ở nơi nào trông như rừng nguyên sinh, rồi lại có bức hình của anh ta giữa đám bạn say xỉn. Anh nào anh nấy đều thắt nơ bướm và mặc áo vét-tông dự tiệc, tay người này choàng vai người kia.
Kia là hình anh ta đi trượt tuyết, bên cạnh là một cô gái đeo kính đen có mái tóc dài vàng óng. Tôi dừng lại, để nhìn rõ hơn bức hình anh ta đeo kính bảo hộ trượt tuyết. Trong ảnh đó, anh ta cạo râu nhẵn nhụi, và dù dưới ánh sáng chói lóa, khuôn mặt anh ta vẫn toát lên cái vẻ rạng rỡ xa hoa của những tay lắm tiền nhiều của đi du lịch một năm ba bận. Anh ta có đôi vai rộng lực lưỡng nổi rõ qua cả lần áo khoác trượt tuyết. Tôi cẩn thận đặt bức ảnh lại trên bàn và tiếp tục hút bụi quanh giường. Cuối cùng, tôi tắt máy hút bụi rồi bắt đầu cuộn dây lại. Khi tôi cúi xuống gỡ dây ra khỏi máy, qua khóe mắt tôi để ý thấy có chuyển động, tôi giật nảy mình khẽ ré lên. Will Traynor đang ở trên ngưỡng cửa, quan sát tôi.
“Khu trượt tuyết Courchevel. Hai năm rưỡi về trước.”
Mặt tôi đỏ bừng. “Tôi xin lỗi. Tôi chỉ…”
“Cô chỉ xem ảnh của tôi. Tự nghĩ hẳn phải kỳ quặc lắm khi đang sống như thế bỗng dưng lại thành một thằng què.” “Không đâu.” Tôi càng đỏ mặt dữ hơn.
“Nếu cô thấy mình lại tò mò không chịu nổi thì số ảnh còn lại của tôi nằm trong ngăn kéo cuối cùng đấy,” anh ta nói.
Rồi với chiếc xe lách cách rẽ sang phải, anh ta biến mất.
Buổi sáng hôm ấy chùng chình và quyết định kéo dài thêm dăm năm nữa. Tôi không nhớ lần gần đó nhất từng phút từng giờ kéo dài thê lương tới vậy là khi nào. Tôi cố tìm càng nhiều việc để giết thời gian càng tốt, ít khi vào phòng khách hết mức có thể, biết rằng mình đang nhát như thỏ đế, nhưng chẳng thực sự bận lòng.
Tới mười một giờ, tôi mang cho Will Traynor một cốc bê-se đựng nước và thuốc chống co giật, như Nathan đã yêu cầu. Tôi đặt thuốc vào lưỡi anh ta rồi đưa cái cốc bê-se ra, như Nathan đã chỉ dẫn. Cái ly đó bằng nhựa đục nhờ nhờ, giống cái ly Thomas hay dùng, chỉ khác là không có hình chàng Bob Thợ xây ở bên. Anh ta nỗ lực nuốt vào, rồi ra hiệu rằng tôi nên để anh ta một mình.
Tôi phủi bụi mấy cái giá không cần phủi bụi cho lắm, rồi suy tính lau mấy ô cửa sổ. Xung quanh tôi, khu nhà phụ lặng như tờ, chỉ có tiếng ti-vi rì rầm nho nhỏ trong phòng khách nơi anh ta ngồi. Tôi không thấy đủ tự tin để bật nhạc trong phòng bếp. Tôi có cảm giác anh ta sẽ có những câu cay nghiệt để nói về lựa chọn âm nhạc của tôi.
Tới mười hai giờ ba mươi, Nathan đến, mang theo giá lạnh ngoài trời và một cái nhướng mày. “Mọi chuyện ổn cả chứ?” ông hỏi.
Tôi hiếm khi mừng khi gặp được ai tới vậy trong đời. “Ổn ạ.”
“Tốt. Giờ cô có thể nghỉ nửa tiếng. Tôi và cậu T có một số việc phải làm vào giờ này trong ngày.”
Tôi gần như bổ nhào tới lấy áo khoác. Tôi không định ra ngoài ăn trưa, nhưng lúc này được ra khỏi cái nhà đó khiến tôi sung sướng suýt ngất vì nhẹ nợ. Tôi dựng cổ áo lên, khoác túi lên vai, rồi bước vội xuống ngõ, như thể tôi đang nóng ruột muốn tới chỗ nào không bằng. Thực sự thì tôi chỉ đi lòng vòng trên mấy con đường xung quanh trong suốt nửa tiếng, thở những hơi ấm như làn khói vào tấm khăn quàng quấn chặt.
Đầu này thị trấn không có quán cà-phê, khi mà giờ đây quán Bánh Bơ đã đóng cửa. Tòa lâu đài hoang vắng. Tụ điểm ăn uống gần nhất là một quán rượu, một nơi mà tôi ngờ mình chẳng đủ tiền mua lấy một món uống, nói gì tới một bữa trưa ăn nhanh. Tất cả xe trong bãi đỗ đều to đùng và đắt giá, với biển số còn mới tinh.
Tôi đứng trong bãi đỗ xe của lâu đài, đảm bảo mình đã thoát khỏi tầm nhìn của dinh thự Granta, và bấm số của em gái. “Này.”
“Chị biết em không thể nói chuyện trong giờ làm mà. Không phải chị đang đi ra ngoài đấy chứ?”
“Không. Chỉ là chị cần nghe một giọng nói thân thiện thôi.” “Anh ta có tệ tới thế không đấy?”
“Treen, anh ta ghét chị. Anh ta nhìn chị như thể chị là thứ mèo tha vào nhà ấy. Anh ta thậm chí còn không uống trà. Chị đang biến khỏi mắt anh ta.” “Em không tin nổi mình đang nghe thấy điều này đấy.”
“Điều gì?”
“Cứ nói chuyện với anh ta xem nào, gào lên. Tất nhiên anh ta phải thấy khổ sở rồi. Anh ta chết gí trên cái xe lăn chết toi đó. Và có lẽ chị không giúp gì được. Nói chuyện với anh ta đi. Tìm hiểu anh ta. Trên đời này còn chuyện gì tồi tệ hơn có thể xảy ra nữa?”
“Chị không biết… Chị không biết chị có thể bám trụ nổi không.”
“Em sẽ không nói với mẹ là chị bỏ việc sau nửa ngày đâu. Họ sẽ không cho chị một xu nào cả, Lou. Chị không thể làm thế được. Cả nhà không cho chị làm thế đâu.”
Em gái tôi nói đúng. Tôi nhận ra mình ghét nó.
Một khoảng im lặng ngắn trôi qua. Treen chuyển giọng hòa giải quen thuộc. Giọng nói này có vẻ thật sự lo âu. Điều đó có nghĩa là nó biết quả tình tôi đang có công việc tệ hại nhất trên đời. “Nghe này,” nó nói. “Công việc đó chỉ kéo dài sáu tháng. Làm sáu tháng thôi, có chút gì hữu ích trên CV của chị, rồi chị sẽ tìm được công việc chị thật sự thích. Mà này – hãy nhìn nó theo hướng này đi, ít nhất nó không phải làm ca đêm trong lò giết mổ gà, phải không?”
“Làm đêm trong lò giết mổ gà chẳng khác gì đi chơi hội nếu đem so với…” “Em cúp máy đây Lou. Em sẽ gặp chị sau.”
“Thế chiều nay anh có muốn đi đâu đó không? Chúng ta có thể lái xe tới chỗ nào đấy nếu anh thích.”
Nathan đã đi được gần nửa giờ. Tôi đã kéo dài việc rửa tách trà lâu nhất mà con người có thể làm, và tôi nghĩ nếu ở thêm một giờ nữa trong ngôi nhà câm lặng này thì đầu tôi sẽ nổ tung mất.
Anh ta quay đầu về phía tôi. “Cô đang nghĩ tới chỗ nào?”
“Tôi không biết. Cứ lái xe trong vùng nông thôn thôi được không?” Tôi đang làm cái việc mà thỉnh thoảng tôi vẫn làm là giả vờ mình là Treena. Nó là một người tuyệt đối bình tĩnh và giỏi giang, thế nên chưa bao giờ có ai gây bối rối được cho nó. Giọng tôi, với lỗ tai tôi, nghe rất sành điệu và vui vẻ.
“Nông thôn,” anh ta nói, ra chiều ngẫm nghĩ. “Chúng ta sẽ thấy gì nhỉ. Ít cây? Chút trời?”
“Tôi không biết nữa. Bình thường anh hay làm gì?”
“Tôi chả làm gì cả, cô Clark. Tôi chả làm gì được nữa. Tôi ngồi. Tôi chỉ tồn tại thôi.”
“À,” tôi nói. “Tôi nghe bảo anh có một cái xe có thể sử dụng xe lăn?” “Và cô lo là nó sẽ hỏng mất nếu không được sử dụng hằng ngày?” “Không, nhưng tôi…”
“Cô đang bảo tôi nên ra ngoài đấy à?” “Tôi chỉ nghĩ…”
“Cô nghĩ đi dạo lòng vòng một tí sẽ tốt cho tôi? Hít thở không khí trong lành?”
“Tôi chỉ cố để…”
“Cô Clark ạ, đời tôi sẽ chẳng tiến bộ gì đáng kể khi lái xe quanh mấy con đường làng của Stortfold đâu.” Anh ta quay mặt đi.
Đầu anh ta vùi giữa hai vai và tôi tự hỏi anh ta có thấy thoải mái không. Giờ chưa phải là lúc hỏi anh ta. Chúng tôi ngồi trong im lặng.
“Anh có muốn tôi mang máy tính tới không?”
“Sao nào, cô đang nghĩ tới một nhóm hỗ trợ người bị liệt tử tế mà tôi có thể gia nhập hả? Qu R Us? The Tin Wheel Club?”
Tôi hít vào một hơi thật sâu, cố nói giọng thật tự tin. “Được rồi… ừm… vì chúng ta sẽ dành toàn bộ thời gian này ở cạnh nhau nên có lẽ chúng ta nên biết đôi chút về nhau…”
Thái độ trên gương mặt anh ta khiến tôi nản chí. Anh ta đang nhìn chăm chăm vào bức tường, cằm anh ta giật giật.
“Chỉ là… ở bên cạnh một người chừng ấy thời gian là khá dài. Cả ngày cơ mà,” tôi tiếp tục. “Có lẽ nếu anh nói cho tôi một chút xem anh muốn làm gì, anh thích cái gì, thì tôi có thể… đảm bảo mọi thứ diễn ra đúng như anh muốn, phải không?”
Lần này sự im lặng thật nhức nhối. Tôi nghe giọng mình chầm chậm chìm nghỉm vào sự nín thinh đó, tôi chẳng nghĩ ra mình phải làm gì với đôi tay. Treena và điệu bộ hiểu biết của nó đã bốc hơi rồi.
Cuối cùng, chiếc xe lăn kêu rì rầm và anh ta từ từ quay mặt nhìn tôi.
“Đây là điều tôi biết về cô, cô Clark. Mẹ tôi bảo cô hay nói.” Anh ta nói như thể đó là đại họa. “Chúng ta thỏa thuận được không? Làm sao để cô không hay nói ở cạnh tôi được đây?”
Tôi nuốt khan, cảm thấy mặt mình nóng ran.
“Không sao,” tôi cất tiếng, khi có thể mở miệng trở lại. “Tôi sẽ ở trong bếp.
Cần gì anh cứ gọi tôi.”
“Chị không thể bỏ cuộc ngay như thế.”
Tôi nằm nghiêng trên giường, chân gác lên tường, giống như tôi vẫn làm thời còn tuổi teen. Tôi đã ở trên này từ khi ăn tối xong, một chuyện không bình thường chút nào. Từ khi Thomas được sinh ra, nó và Treena chuyển vào phòng lớn hơn, còn tôi ở trong phòng ở tầng lửng, một căn phòng đủ nhỏ để khiến người ta thấy sợ không gian kín nếu ngồi trong đó lâu hơn nửa giờ đồng hồ liên tục.
Nhưng tôi không muốn ngồi dưới lầu với mẹ và ông ngoại vì mẹ cứ nhìn tôi lo âu rồi nói những câu kiểu như “Rồi sẽ tốt lên thôi, con yêu” hay “Có việc nào tốt đẹp ngay từ ngày đầu đâu” – như thể bà từng có một công việc ra hồn trong hai mươi năm qua. Chuyện đó khiến tôi cảm thấy có lỗi. Tôi thậm chí chẳng làm xong được việc gì.
“Chị đâu có nói chị đang bỏ cuộc.”
Treena lao vào phòng mà không buồn gõ cửa, như nó vẫn làm hằng ngày, dù tôi lúc nào cũng phải gõ cửa phòng nó nhè nhẹ, chẳng may Thomas đang ngủ.
“Mà biết đâu chị đang khỏa thân. Ít nhất em cũng phải đánh tiếng trước chứ.”
“Em còn thấy những cảnh tệ hơn rồi mà. Mẹ nghĩ chị sẽ gửi đơn thôi việc.”
Tôi hạ chân xuống khỏi tường, dựng người ngồi dậy.
“Ôi Chúa ơi, Treen. Nó tệ hơn chị nghĩ. Anh ta quá khốn khổ.” “Anh ta không đi lại được. Tất nhiên phải khốn khổ rồi.”
“Không, nhưng mà vì chuyện đó anh ta trở nên mai mỉa và thô lỗ. Lần nào chị nói gì hay đề nghị gì anh ta cũng nhìn chị như thể chị là con điên, hoặc nói những câu khiến chị thấy mình như đứa lên hai.”
“Có khi chị nói cái gì ngớ ngẩn thật thì sao. Chỉ cần hai người quen tính nhau là được.”
“Thật sự chị không nói gì sai. Chị đã rất cẩn thận. Chị chẳng nói gì ngoài
Anh có muốn lái xe ra ngoài không? hay Anh có muốn uống trà không?.”
“À có thể ban đầu với ai anh ấy cũng như vậy, cho tới khi biết chị có gắn bó ở đó hay không. Em cá là họ đã thay đổi hàng loạt người giúp việc.”
“Anh ta thậm chí không muốn chị ở trong cùng một phòng với anh ta. Chị không nghĩ chị gắn bó được với nó đâu, Katrina. Chị thực lòng không nghĩ thế. Thật tình – nếu ở đó em sẽ hiểu.”
Tới đó Treena không nói gì, chỉ nhìn tôi chăm chăm một lát. Nó đứng dậy và liếc nhìn ra cửa, như thể đang kiểm tra xem có ai ở chiếu nghỉ không.
“Em đang tính quay trở lại trường đại học,” cuối cùng nó lên tiếng. Mất mấy giây não tôi mới tiếp nhận nổi sự thay đổi chiến lược này. “Ôi trời ơi,” tôi thốt lên. “Nhưng…”
“Em sẽ đi vay để trả học phí. Nhưng em có thể cũng được nhận một khoản trợ cấp đặc biệt nào đó, vì em có Thomas, và nhà trường đang đề nghị giảm học phí cho em vì họ…” Nó nhún vai, tỏ vẻ hơi xấu hổ. “Họ nói họ nghĩ em có thể đạt thành tích nổi bật. Có người bị bật khỏi khóa học ngành thương mại, thế nên họ có thể nhận em vào đầu học kỳ tới.”
“Thomas thì sao?”
“Ở ký túc xá có nhà trẻ. Bọn em có thể sống trong một căn hộ bao cấp ở đó vào những ngày trong tuần, và về đây hầu hết các kỳ cuối tuần.” “Ôi.”
Tôi cảm thấy nó đang quan sát tôi. Tôi không biết phải làm gì với mặt mình.
“Em thực sự khao khát sử dụng lại bộ não của mình. Làm hoa đang khiến đầu em phát rồ. Em muốn học. Em muốn mình tiến bộ. Và em phát ốm khi bàn tay luôn chết cóng vì ngâm trong nước.”
Hai chúng tôi cùng nhìn vào đôi bàn tay nó, ửng đỏ dù trong nhà ấm áp như ở vùng nhiệt đới.
“Nhưng…”
“Phải. Em sẽ không thể làm việc, Lou. Em sẽ không thể đưa gì cho mẹ. Có thể em… có thể em còn cần họ giúp đỡ một chút.” Lần này thì trông nó thực sự không thoải mái. Vẻ mặt nó, khi nó liếc nhìn tôi, gần như xin lỗi.
Dưới lầu, mẹ đang cười với chuyện gì đó trên ti-vi. Chúng tôi có thể nghe mẹ đang nói chuyện với ông ngoại. Mẹ thường giải thích diễn biến bộ phim cho ông, dù chúng tôi luôn bảo mẹ là không cần phải làm thế. Lúc này tôi chẳng nói được nên lời. Sức nặng từng từ em gái tôi nói thấm từ từ mà không sao cưỡng lại được. Tôi cảm thấy mình như nạn nhân của Mafia, chống mắt nhìn gông cùm chầm chậm siết lấy mắt cá.
“Em thực sự cần phải làm thế, Lou. Em muốn nhiều hơn cho Thomas, nhiều hơn cho mẹ con em. Cách duy nhất giúp em tới được đâu đó là trở lại giảng đường. Em không có một Patrick. Em không chắc có bao giờ em có được một Patrick hay không, vì từ khi em có Thomas thì chẳng ai bén mảng tới cả. Em cần làm việc tốt nhất bản thân em có thể làm.”
Khi tôi chẳng nói gì, nó nói thêm, “Cho em và Thomas.”
Tôi gật đầu.
“Lou à? Làm ơn nhé?”
Trước đây tôi chưa bao giờ thấy em gái tôi như thế. Điều đó khiến tôi thực sự không thoải mái. Tôi ngẩng đầu lên, trưng một nụ cười. Giọng tôi, khi thoát ra, nghe thậm chí chẳng giống giọng tôi chút nào.
“Ừm, như em nói đó. Vấn đề chỉ là quen tính quen nết anh ta thôi. Cùng lắm cũng khó khăn trong mấy ngày đầu thôi, phải không?”
Chú thích:
(1) Christy Brown (1932-1981): nhà thơ, họa sĩ người Ireland. Ông bị rối loạn thần kinh bẩm sinh dẫn đến bị liệt hai tay và chân phải. Ông sử dụng chân trái để vẽ, đánh máy và viết sách.