Đọc truyện Trước Ngày Em Đến – Me Before You – Chương 17
Không có cách nào giải quyết được việc này. Chuyện sắp xếp chỗ ngủ thật chẳng đâu vào đâu cả. Cuối tuần nào Treena về là cả nhà Clark lại bắt đầu trò chơi xếp giường ồn ào bất tận về đêm. Sau bữa khuya tối thứ Sáu, bố mẹ sẽ mời Treena sử dụng giường của họ, nó sẽ nhận, sau khi họ cam đoan với nó rằng không, họ không thấy phiền hà chút nào cả, và Thomas sẽ ngon giấc hơn nhiều khi được ngủ trong căn phòng quen thuộc. Điều đó có nghĩa cả nhà ai cũng ngủ ngon, bố mẹ giải thích như thế.
Nhưng mẹ ngủ dưới lầu có nghĩa là bố mẹ cần mang theo chăn, gối của họ, thậm chí cả ga, vì mẹ không thể ngủ yên nếu giường chọng không như ý. Thế nên sau bữa khuya, mẹ và Treena sẽ lột ga giường bố mẹ ra, trải ga mới lên, thêm một mảnh nệm chống thấm đề phòng Thomas đái dầm. Trong khi đó, chăn nệm của bố mẹ sẽ được gấp lại, đưa xuống đặt ở một góc phòng khách, rồi Thomas sẽ chui vào đống chăn ấy, nhảy bùm bùm lên đó, và trải ga lên ghế ăn làm thành cái lều.
Ông ngoại bảo mọi người sử dụng phòng ông, nhưng không ai dám nhận. Phòng ông có mùi như báo Racing Post giấy vàng hòa với mùi thuốc lá Old Holborn, chắc phải mất cả hai ngày cuối tuần mới lau chùi xong. Khi đó tôi sẽ cảm thấy có lỗi – nói cho cùng tất cả là lỗi của tôi – khi biết mình không bao giờ có ý định trở lại gác lửng. Căn phòng bé tí teo ngột ngạt không cửa sổ ấy đã trở thành bóng ma ám ảnh đối với tôi. Ý nghĩ quay lại ngủ ở đó khiến ngực tôi như thắt lại. Tôi đã hai mươi bảy tuổi. Tôi là người kiếm tiền chính trong gia đình. Tôi không thể ngủ trong cái nơi chẳng khác gì chạn bát ấy.
Một dịp cuối tuần, tôi bảo sẽ tới nhà Patrick ngủ, cả nhà ai cũng âm thầm nhẹ nhõm. Nhưng khi tôi đi rồi, Thomas bôi cả hai bàn tay dính bẩn lên khắp tấm rèm cửa mới và lấy bút bi vẽ vời lên tấm chăn lông vịt mới trong phòng tôi, tới lúc đó bố mẹ tôi quyết định là tốt nhất bố mẹ sẽ ngủ ở phòng tôi, còn Treena và Thomas ngủ ở phòng hai mẹ con nó, ở đó mọi thứ cũ kỹ rồi nên thằng bé có chọc phá gì cũng không sao.
Tuy nhiên mẹ tôi thừa nhận, nếu tính tới chuyện phải dọn dẹp giặt giũ chăn gối thì việc tôi ngủ lại ở nhà Pat vào thứ Sáu và thứ Bảy cũng chẳng giúp được gì nhiều.
Lại còn vấn đề Patrick. Giờ đây Patrick là một người bị ám ảnh. Anh ăn, uống, sống, thở như đội thi Xtreme Viking. Căn hộ của anh, vốn thường rất ít đồ và gọn ghẽ, giờ chằng chịt lịch luyện tập và lịch ăn kiêng. Anh có một chiếc xe đạp siêu nhẹ mới đặt giữa sảnh, tôi không được phép chạm vào nó vì không chừng tôi sẽ làm hỏng khả năng đua siêu nhẹ cân bằng tuyệt hảo của nó.
Anh hiếm khi ở nhà, kể cả tối thứ Sáu và thứ Bảy. Với thời gian luyện tập của anh và thời gian làm việc của tôi thì có vẻ như thời gian này chúng tôi ít gặp nhau hơn bao giờ hết. Tôi có thể theo anh xuống đường để xem anh chạy vòng quanh cho tới khi anh hoàn thành số dặm cần thiết, hoặc tôi cứ ở nhà tự xem ti- vi, cuộn mình trên chiếc trường kỷ bằng da rộng thênh thang của anh. Tủ lạnh chẳng có gì ăn ngoài mấy miếng ức gà tây và thứ nước tăng lực kinh tởm dày đặc trứng ếch. Có lần Treena và tôi đã thử một chai, chúng tôi phun ra ngay, bịt miệng la thét om sòm như con nít.
Vấn đề quan trọng nhất là tôi không thích căn hộ của Patrick. Anh mua nó cách đó một năm, khi cuối cùng anh cũng cảm thấy mẹ anh sẽ ổn khi sống một mình. Công việc kinh doanh của anh hoạt động tốt, anh bảo tôi chuyện một trong hai chúng tôi có một bước tiến mới trong vấn đề nhà cửa đất cát là hết sức quan trọng. Tôi tưởng câu đó là lời gợi ý thảo luận xem khi nào chúng tôi sẽ về sống cùng nhau, nhưng chẳng hiểu sao không có cuộc trò chuyện nào cả, mà cả hai chúng tôi đều không phải kiểu người khơi ra những chủ đề gây cảm giác không thoải mái dù chỉ chút ít. Hệ quả là chẳng có cái gì thuộc về tôi trong căn hộ đó, dù chúng tôi đã bên nhau ngần ấy năm. Tôi chưa bao giờ đủ khả năng nói ra với anh, nhưng quả tình tôi thích sống ở nhà mình với tất cả ồn ào huyên náo ấy hơn là sống trong cái không gian vô hồn vô cảm này với chỗ để xe chia phần và khung cảnh cố định buộc phải nhìn ra lâu đài.
Vả lại, ở đây tôi thấy hơi cô đơn.
Nếu tôi có kêu ca thì anh sẽ nói, “Phải tuân thủ lịch tập nghiêm ngặt chứ, em yêu. Nếu giai đoạn này mà anh tập ít hơn hai mươi ba dặm mỗi ngày thì anh sẽ không bao giờ thực hiện đúng kế hoạch được.” Rồi anh sẽ cập nhật cho tôi thông tin mới nhất về tình trạng tổn thương xương ống do áp lực của anh và bảo tôi đưa cho anh bình xịt giảm đau.
Khi không tập luyện, anh triền miên đi gặp gỡ những thành viên khác trong đội để so sánh dụng cụ luyện tập và hoàn thành các kế hoạch chu du. Ngồi giữa họ thật chẳng khác gì ngồi giữa nhóm người nói tiếng Hàn Quốc. Tôi chẳng hiểu họ nói gì mà cũng chẳng có khao khát nhấn mình lụt trong mớ bòng bong đó.
Anh nghĩ bảy tuần nữa tôi sẽ đi cùng đội của anh tới Na Uy. Tôi chưa biết làm sao để nói với Patrick rằng tôi chưa xin nhà Traynor cho nghỉ phép. Làm sao mà tôi xin nghỉ được cơ chứ? Khi đội Xtreme Viking lên đường, hợp đồng của tôi chỉ còn có một tuần thôi. Có thể tôi đang từ chối đối diện với mọi chuyện một cách rất trẻ con, nhưng thật lòng tất cả những gì tôi nhìn thấy trước mắt là Will và chiếc đồng hồ kêu tích tắc. Dường như chẳng có nhiều thứ khác lọt được vào tâm trí tôi.
Điều mỉa mai nhất trong tất cả chuyện này là tôi thậm chí ngủ không yên giấc trong nhà Patrick. Tôi không biết tại sao, nhưng sau đêm ngủ ở nhà Patrick, khi đi làm tôi cảm thấy hai tai ù đặc, còn hai mắt thì thâm tím như bị ai đánh. Tôi đã phết một đống kem che khuyết điểm lên vùng mắt thăm quầng như quét sơn.
“Có chuyện gì thế Clark?” Will hỏi.
Tôi mở mắt. Anh ở ngay bên cạnh, đầu nghiêng nghiêng, quan sát tôi. Tôi có cảm giác anh đã đứng đó được một lát rồi. Tay tôi tự động lướt xuống miệng vì sợ mình đang rỏ dãi.
Bộ phim mà lẽ ra tôi đang xem giờ chỉ còn là những hình ảnh quay chậm. “Không có gì. Xin lỗi. Chỉ tại trong này ấm áp quá.” Tôi ngồi dậy thẳng thớm.
“Đây là lần thứ hai cô ngủ gật trong ba ngày lại đây.” Anh nhìn kỹ mặt tôi. “Trông cô bơ phờ kinh khủng.”
Thế là tôi kể với anh. Tôi kể cho anh về em gái tôi, về những cuộc sắp xếp chỗ ngủ, về chuyện tôi không muốn làm ầm lên vì mỗi lần nhìn khuôn mặt bố tôi thấy nỗi tuyệt vọng lộ rõ vì ông đã không mua nổi một căn nhà để cả gia đình có thể ngủ ngon trong đó.
“Bố cô vẫn chưa tìm được việc gì à?”
“Chưa. Tôi nghĩ vì tuổi tác của bố. Nhưng chúng tôi không nói về điều đó.
Chuyện ấy…” Tôi nhún vai. “Chuyện ấy khiến ai cũng vô cùng khó xử.”
Chúng tôi chờ cho tới khi bộ phim kết thúc, tôi đi lại đầu đĩa, lấy chiếc DVD ra rồi đặt lại vào vỏ đĩa của nó. Tôi cảm thấy không phải sao đó khi kể với Will những khó khăn của mình. Những chuyện ấy dường như nhỏ bé đến đáng xấu hổ bên cạnh những vấn đề của anh.
“Tôi sẽ quen thôi,” tôi nói. “Mọi chuyện sẽ ổn. Thật đấy.”
Cả buổi chiều hôm đó Will tỏ ra rất băn khoăn lo nghĩ. Tôi rửa chén đĩa, rồi đi tới bật máy tính cho anh. Khi tôi mang một ly nước tới, anh quay xe về phía tôi.
“Đơn giản lắm,” anh nói, như thể nãy giờ chúng tôi đang trò chuyện. “Cô có thể ngủ lại đây vào cuối tuần. Còn một phòng trống đấy, cứ dùng có sao đâu.”
Tôi khựng lại, ly bê-se trên tay. “Tôi không thể làm thế.”
“Sao không? Tôi sẽ không trả tiền làm thêm giờ khi cô ở đây đâu.”
Tôi đặt ly nước xuống chỗ đặt ly trên xe. “Nhưng mẹ anh sẽ nghĩ gì chứ?”
“Tôi chẳng biết.”
Khi nhìn thấy vẻ mặt tôi băn khoăn, anh nói thêm, “Không sao đâu. Tôi ngoan lắm.”
“Là sao?”
“Nếu cô lo lắng rằng tôi đang âm thầm lập kế hoạch thiếu đoan chính để quyến rũ cô, cô chỉ cần đẩy tôi ra là được mà.” “Ối trời.”
“Thật đấy. Suy nghĩ đi. Ít nhất đó cũng là một lựa chọn tạm thời. Mọi chuyện có thể thay đổi nhanh hơn cô nghĩ. Biết đâu rồi em gái cô sẽ không muốn cuối tuần nào cũng về nhà nữa. Hoặc có thể cô ấy sẽ gặp được ai đó. Hàng triệu thứ có thể thay đổi.”
Và có thể hai tháng nữa anh sẽ không còn ở đây, tôi thầm nói trong đầu với anh, và lập tức thấy ghét mình vì đã nghĩ tới điều đó.
“Nói tôi nghe chuyện này được không,” anh nói khi sắp rời khỏi phòng. “Sao Ông Chạy không bảo cô sang nhà anh ta?”
“À, có chứ,” tôi nói.
Anh nhìn tôi như thể sắp tiếp tục câu chuyện.
Nhưng rồi chừng như anh thay đổi ý định. “Như tôi đã nói.” Anh nhún vai. “Lời đề nghị luôn ở đó.”
Đây là những thứ Will thích.
1. Xem phim, đặc biệt là phim nước ngoài với phụ đề. Thỉnh thoảng anh cũng chịu xem phim hành động, thậm chí là phim tâm lý, nhưng phim hài lãng mạn thì bỏ qua. Nếu tôi dám thuê phim đó về xem, anh sẽ dành nguyên 120 phút thốt ra những tiếng xì nho nhỏ đầy vẻ chán nản thất vọng, hoặc chỉ ra những điểm sáo mòn trong cốt truyện, cho tới khi tôi thấy phim chẳng hài hước chút nào nữa.
2. Nghe nhạc cổ điển. Anh biết cực kỳ nhiều về mảng này. Anh cũng thích một số dòng nhạc hiện đại, nhưng anh nói nhạc jazz về căn bản là thứ rỗng tuếch khoe mẽ. Một chiều khi xem nội dung MP3 của tôi, anh cười dữ dội tới nổi suýt làm bục một ống thông tiểu.
3. Ngồi trong vườn, khi giờ đây khí trời rất ấm. Đôi khi tôi đứng trong khung cửa sổ quan sát anh, đầu anh ngửa ra, mê mải thưởng thức ánh nắng trên mặt mình. Khi tôi nhận xét anh thật tài ngồi yên hưởng thụ nắng trời – đó là một điều tôi chẳng bao giờ làm được – thì anh chỉ ra rằng với một người không thể cử động chân tay thì thật tình chẳng có gì nhiều để lựa chọn.
4. Bắt tôi đọc sách hoặc tạp chí, rồi nói về chúng. Tri thức là sức mạnh, Clark, anh thường nói thế. Dạo đầu tôi rất ghét chuyện này; tôi cảm thấy mình như thể đang ở trường, bị vấn đáp bài cũ. Nhưng sau một thời gian tôi nhận ra rằng, trong mắt Will, chẳng có câu trả lời nào là sai cả. Anh thực sự thích tôi tranh luận với anh. Anh hỏi tôi về những chuyện trên báo, không đồng tình với tôi về các nhân vật trong sách. Hầu như với chuyện gì anh cũng có chính kiến – những việc chính phủ đang làm, chuyện doanh nghiệp nào đó có mua thêm công ty khác không, chuyện ai đó đáng lẽ phải bị bỏ tù rồi mới đúng. Nếu cho rằng tôi quá lười biếng hoặc đang nói theo ý kiến của bố mẹ tôi hoặc của Patrick, anh sẽ nói thẳng băng, “Không. Nói vậy chưa được.” Anh sẽ tỏ ra vô cùng thất vọng khi nghe tôi nói tôi chẳng biết gì về vấn đề đó; giờ đây tôi đã đoán trước được tâm lý của anh nên thường đọc báo khi đi xe buýt sang nhà anh để cảm thấy sẵn sàng trao đổi với anh. Khi anh nói, “Ý kiến hay lắm, Clark,” tôi sẽ nở nụ cười tươi roi rói. Để rồi sau đó tôi tự đá mình một cái vì lại để cho Will đối xử kẻ cả với mình.
5. Cạo râu. Giờ đây cứ hai ngày một lần, tôi thoa bọt xà phòng lên cằm anh, làm cho anh trở nên chỉn chu. Nếu vào một ngày tâm trạng dễ chịu, anh sẽ ngửa người trên ghế, nhắm mắt lại, nét gì đó gần giống như nỗi vui sướng thể xác nhất mà tôi thấy sẽ tỏa ra trên gương mặt anh. Có thể đó là điều tôi tưởng tượng ra. Có thể tôi thấy điều tôi muốn thấy. Nhưng anh sẽ lặng thinh khi tôi lướt nhẹ lưỡi lam qua cằm anh, cạo nhẵn thín, và khi anh mở mắt ra, nét mặt anh đã dịu lại, giống như vừa thức giấc sau một giấc ngủ vô cùng ngon lành. Dạo này mặt anh hồng hào hơn vì chúng tôi hay ra ngoài chơi; da anh rất dễ bắt nắng. Tôi để dao cạo ở ngăn tủ trên cao trong phòng tắm, dấu sau chai dầu xả lớn.
6. Là một anh bạn. Đặc biệt là với Nathan. Thường thường, trước những việc cần làm lúc chiều tối, họ sẽ ra ngồi ở cuối vườn và Nathan sẽ mở hai lon bia. Đôi khi tôi nghe họ tranh luận về môn bóng bầu dục, hoặc đùa giỡn về một cô gái nào đó họ đã thấy trên ti-vi, khi ấy nghe thật chẳng giống Will chút nào. Nhưng tôi hiểu anh cần điều này; anh cần có một người mà với người ấy, anh được làm một cậu bạn, được làm những thứ mà đám bạn trai thường làm. Đó là một chút “bình thường” trong cuộc sống tách biệt, lạ lùng của anh.
7. Bình luận về tủ quần áo của tôi. Thực ra, câu bình luận ấy thường là một cái nhướng mày khi nhìn thấy quần áo của tôi. Ngoại trừ chiếc quần bó sọc vàng đen. Hai lần tôi mặc cái quần ấy, anh chẳng nói gì, chỉ khẽ gật đầu, như thể đó là một thứ đúng đắn trên đời.
“Hôm nọ cô thấy bố tôi trong thị trấn.”
“À phải.” Tôi đang treo đồ mới giặt lên dây phơi. Cái dây này ẩn ở nơi mà bà Traynor gọi là Vườn Bếp. Tôi nghĩ bà không muốn một thứ tầm thường như quần áo làm ô nhiễm khung cảnh bờ rào hoa cỏ của bà. Mẹ tôi luôn kẹp đồ trắng ra giữa sân như một niềm tự hào. Nó giống như một lời thách thức với hàng xóm láng giềng: Thử đi, thưa các bà! Bố tôi phải làm hết sức mới ngăn được mẹ không đặt cái giá phơi thứ hai ra sân.
“Bố tôi hỏi cô có nói gì về chuyện đó không.”
“Ồ.” Tôi cố giữ vẻ mặt bình thản. Rồi vì anh tỏ ra chờ đợi, tôi nói thêm. “Rõ là không mà.”
“Ông ấy đi với ai à?”
Tôi bỏ chiếc kẹp cuối cùng vào túi đựng kẹp. Tôi cuộn cái túi lại, đặt vào giỏ đựng đồ giặt trống không. Tôi quay sang anh.
“Phải.”
“Một phụ nữ.” “Phải.”
“Tóc đỏ.”
“Phải.”
Will ngẫm nghĩ một phút.
“Tôi xin lỗi nếu anh nghĩ lẽ ra tôi đã phải kể với anh,” tôi nói. “Nhưng đó… đó có vẻ không phải nhiệm vụ của tôi.”
“Và nói về chuyện đó cũng chẳng dễ dàng gì.” “Đúng thế.”
“Nếu nói thế này có thể trấn an cô thì Clark à, đây không phải lần đầu tiên đâu,” anh nói rồi hướng trở lại vào nhà.
Deirdre Bellows gọi tên tôi hai lần tôi mới ngước lên. Tôi đang nguệch ngoạc vào sổ tay mấy địa danh và những thắc mắc, khó khăn và thuận lợi, và tôi hầu như quên bẵng mình đang ở trên xe buýt. Tôi đang cố nghĩ ra cách đưa Will tới nhà hát. Chỉ mất một hai tiếng lái xe, và đó là vở nhạc kịch Oklahoma! Thật khó tưởng tượng ra Will gật gù khi nghe bài hát mở màn “Oh What A Beautiful Girl”, nhưng mọi nhà hát tử tế đều ở London. Mà London thì dường như vẫn nằm ngoài khả năng.
Về cơ bản, giờ tôi có thể đưa Will ra khỏi nhà, nhưng chúng tôi đã đi hết sạch mọi địa điểm trong vòng bán kính một giờ lái xe, và tôi chẳng biết phải làm sao để đưa anh đi xa hơn.
“Thế giới chật hẹp quá nhỉ, Louisa?”
“Ôi. Chào cô Deirdre.” Tôi nhích người trên ghế để tạo chỗ trống cho cô.
Cô Deirdre là bạn thiếu thời của mẹ tôi. Cô có một cửa hàng đồ trang trí nội thất, cô đã ly dị ba lần. Cô có mái tóc đủ dày để làm một bộ tóc giả, gương mặt bầu bĩnh u buồn khiến cô trông như vẫn còn bâng khuâng mơ mộng chàng hiệp sĩ áo trắng sẽ tới cuỗm cô đi.
“Cô chẳng mấy khi đi xe buýt nhưng hôm nay cô mang xe đi sửa. Cháu thế nào? Mẹ cháu có kể với cô mọi điều về công việc của cháu. Nghe thú vị lắm.”
Lớn lên ở một thị trấn nhỏ là như thế đấy. Mọi chi tiết trong cuộc sống của bạn đều trở thành chuyện chung. Chẳng có gì bí mật riêng tư – ai cũng biết lần tôi bị bắt quả tang hút thuốc ở bãi đỗ xe của siêu thị ngoại vi thị trấn năm mười bốn tuổi, chuyện bố tôi lát lại nhà vệ sinh dưới lầu cũng thế. Những chi tiết vụn vặt của cuộc sống hằng ngày rất được các bà các chị như cô Deirdre ưa chuộng.
“Vâng, tốt ạ.” “Lương cao nhỉ.” “Vâng.”
“Cô thấy thật nhẹ lòng cho cháu sau chuyện xảy ra với quán Bánh Bơ. Họ đóng cửa quán cà-phê như vậy đáng tiếc quá. Chúng ta đã mất mọi cửa hiệu có ích trong thị trấn này rồi. Cô nhớ cái thời chúng ta còn có một người bán tạp phẩm, một người nướng bánh, một người bán thịt trên đường lớn. Chúng ta chỉ thiếu mỗi người làm giá để nến thôi!”
“Ừm.” Tôi thấy cô liếc nhìn danh sách của tôi nên vội đóng sổ tay lại. “Vâng. Ít nhất chúng ta cũng có một nơi để mua rèm mà. Cửa hàng thế nào rồi cô?”
“À, ổn… phải… Này, đó là gì vậy? Thứ gì đấy liên quan tới công việc à?” “Cháu chỉ nghĩ xem Will thích làm gì thôi ấy mà.”
“Anh chàng tàn tật ấy hả?”
“Vâng. Ông chủ của cháu.”
“Ông chủ của cháu. Nói vậy nghe cũng hay đấy.” Cô huých tay tôi. “Thế cô em gái thông minh của cháu học hành ở trường đại học thế nào?”
“Nó ổn lắm. Thomas cũng thế.”
“Nó sẽ không sống ở làng quê này nữa đâu, con bé đó ấy mà. Nhưng cô phải nói, Louisa ạ, cô rất ngạc nhiên tại sao cháu không thoát ly trước nó. Mọi người đã luôn nghĩ cháu là cô bé sáng dạ. Tất nhiên không phải bây giờ mọi người không nghĩ thế nữa.”
Tôi trưng lên một nụ cười lịch sự. Tôi chẳng biết mình có thể làm được gì hơn thế.
“Nhưng cũng phải. Ai đó phải làm việc ấy chứ nhỉ? Mà mẹ cháu cũng sướng hơn khi một trong hai đứa cháu vui lòng sống gần nhà.”
Tôi muốn phản bác lại cô, nhưng rồi chợt nhận ra rằng suốt bảy năm qua tôi chẳng làm gì để cho thấy tôi có tham vọng nào đó hoặc khao khát được đi đâu đấy xa hơn cuối ngõ nhà mình. Tôi ngồi lặng lẽ, động cơ cũ xì của chiếc xe buýt gầm gừ rung lắc phía dưới chúng tôi, và đột nhiên cảm thấy sự câu thúc của thời gian, thấy mình đã đánh mất quá nhiều năm tháng vào những hành trình nhỏ đi đi về về cùng một quãng đường. Vòng qua vòng lại quanh lâu đài. Xem Patrick chạy loanh quanh con đường. Cũng những nỗi lo lắng tầm thường đó. Cùng những nhịp điệu hằng ngày.
“A, đây rồi. Tới điểm cô xuống rồi.” Cô Deirdre nặng nề nhấc người dậy bên cạnh tôi, nâng cái túi xách xinh xắn lên vai. “Cô gửi lời thăm mẹ cháu nhé. Bảo với mẹ cháu là mai cô sẽ qua.”
Tôi ngước lên, chớp mắt. “Cháu có một hình xăm,” đột nhiên tôi nói. “Một con ong.”
Cô nán lại, nắm tay vào một thành ghế.
“Trên hông cháu. Một hình xăm thật sự. Vĩnh cửu,” tôi nói thêm.
Deirdre liếc ra cửa xe buýt. Cô tỏ vẻ hơi bối rối, rồi nở một nụ cười mà có lẽ cô nghĩ đó là nụ cười an ủi.
“Ồ, hay lắm, Louisa. Nhớ nhé, nói với mẹ cháu là mai cô sang chơi.”
Hằng ngày, khi Will xem ti-vi, hoặc bận rộn với thứ gì đó khác, tôi sẽ ngồi trước máy tính của anh, cố vắt óc nghĩ ra sự kiện thần diệu nào có thể khiến Will Hạnh Phúc. Nhưng khi thời gian trôi qua, tôi nhận ra rằng danh sách những thứ chúng tôi không thể làm, những nơi chúng tôi không thể tới, đã vượt quá xa so với ý tưởng của tôi về những nơi chúng tôi có thể tới. Khi một việc không thể làm thắng thế việc có thể làm, tôi trở lại các chat-room để xin lời khuyên.
Ha! Ritchie nói. Chào mừng tới thế giới của chúng tôi, Ong.
Từ những cuộc nói chuyện sau đó, tôi biết được rằng ngồi xe lăn mà say rượu thì có rất nhiều nguy cơ, bao gồm tai nạn với ống thông tiểu, ngã xuống vỉa hè, bị những gã say khác dẫn về lầm nhà. Tôi biết được rằng với người không bị liệt thì chẳng có nơi nào có ích hơn nơi nào cả, nhưng với người ngồi xe lăn thì Paris quả là nơi kém tiện ích nhất trên trái đất. Chuyện này thật đáng thất vọng, vì một phần nhỏ bé lạc quan trong tôi vẫn hy vọng rằng chúng tôi có thể tới đó.
Tôi bắt đầu xây dựng một danh sách mới – những thứ không thểvlớàm i người bị liệt tứ chi.
1. Đi tàu điện ngầm (hầu hết ga tàu điện ngầm không có thang máy), như thế là đã loại bỏ hoạt động ở một nửa London, trừ phi ta chịu trả tiền taxi.
2. Đi bơi mà không có người trợ giúp và khi nhiệt độ không đủ ấm để sớm ngăn cơn run thụ động. Ngay cả phòng thay đồ dành cho người khuyết tật cũng khó sử dụng nếu không có cần cẩu bể bơi. Nói như vậy không có nghĩa Will sẽ chịu để mình vào cần cẩu bể bơi.
3. Đi tới rạp chiếu phim, trừ phi đảm bảo có chỗ ở hàng đầu, và trừ phi hôm đó chứng co thắt do kích động của Will ở mức thấp. Hôm đi xem phim Rear Window (Án mạng ở nhà bên), tôi đã mất ít nhất hai mươi phút bò dưới đất nhặt chỗ bắp rang bơ mà cơn co giật đầu gối bất ngờ của Will đã thảy lên không trung.
4. Đi biển, trừ phi xe lăn có lắp “bánh lớn”. Xe của Will không lắp.
5. Đi máy bay khi “hạn mức” dành cho người khuyết tật đã hết.
6. Đi shopping, trừ phi tất cả cửa hàng đều có đường trượt đúng chỗ theo quy định của luật pháp. Nhiều cửa hàng xung quanh lâu đài đã dựa vào tình trạng công trình đã được xếp hạng để tuyên bố họ không thể đáp ứng đường trượt. Thật tình một số cửa hàng nói đúng sự thật.
7. Đi tới một nơi quá nóng hoặc quá lạnh (vấn đề thời tiết).
8. Đi chơi ngẫu hứng (phải sắp xếp giỏ đồ, phải kiểm tra đường sá hai lần trước khi tới).
9. Đi ăn nhà hàng, nếu xấu hổ vì phải ăn đút, hoặc có vấn đề với ống thông tiểu mà phòng vệ sinh của nhà hàng lại nằm ở lầu dưới.
10. Đi chơi xa bằng tàu hỏa (mệt mỏi, quá khó để đưa chiếc xe lăn nặng nề lên tàu nếu không có người giúp.)
11. Cắt tóc phải hôm trời mưa (tóc sẽ bám hết vào bánh xe Will. Lạ lùng là chuyện này khiến cả hai chúng tôi thấy buồn nôn.)
12. Đi sang nhà bạn chơi, trừ phi họ có đường trượt dành cho xe lăn. Hầu như nhà nào cũng có bậc tam cấp. Nhưng hầu như chẳng nhà nào có đường trượt. Nhà chúng tôi là một ngoại lệhhoiiế. mDù sao Will b ảo anh cũng chẳng muốn gặp ai cả.
13. Đi từ lâu đài xuống đồi khi mưa to (phanh xe lăn không phải khi nào cũng an toàn, mà cái xe thì quá nặng, tôi giữ không nổi.)
14. Đi tới nơi có khả năng có nhiều gã say. Will là thỏi nam châm với đám say xỉn. Hễ thấy anh là họ sà lại, thở phì phò hơi bia rượu vào người anh, tròn xoe đôi mắt thương hại. Đôi khi họ còn thật tình cố gắng đẩy xe cho anh.
15. Đi tới nơi dễ có đông người. Khi hè sang thì điều đó có nghĩa việc đi chơi loanh quanh lâu đài trở nên khó khăn hơn, và một nửa số nơi tôi nghĩ chúng tôi có thể tới – hội chợ, hòa nhạc, kịch ngoài trời – bị loại bỏ.
Khi nỗ lực tìm ý tưởng, tôi hỏi những người bị liệt trên mạng xem họ muốn làm việc gì nhất đời, thì hầu như luôn nhận được câu trả lời, “Làm tình.” Họ tự nguyện cung cấp cho tôi rất nhiều chi tiết liên quan tới ý tưởng đó.
Nhưng thực tình đó không phải một sự giúp đỡ hữu ích. Còn tám tuần nữa, mà tôi đã cạn ý tưởng rồi.
Hai ngày sau hôm chúng tôi nói chuyện dưới dây phơi, tôi về nhà thì thấy bố đang đứng ở sảnh. Chuyện này lẽ ra là rất lạ (mấy tuần lại đây ban ngày bố dường như luôn vùi mình trên sofa, được cho là để bầu bạn với ông ngoại), nhưng lúc này bố đang mặc áo sơ-mi phẳng phiu, râu cạo nhẵn nhụi, và cả sảnh ngát mùi Old Spice. Tôi khá chắc ông mua chai nước hoa cạo râu đó từ năm 1974.
“Con về rồi.”
Tôi đóng cửa lại sau lưng. “Con đây.”
Tôi đang cảm thấy mệt mỏi lo âu. Trên cả chuyến xe buýt về nhà, tôi nói chuyện điện thoại với một nhân viên ở đại lý du lịch bàn xem có thể đưa Will đi đâu, nhưng cả hai chúng tôi đều bế tắc. Tôi cần phải đưa anh ấy đi chơi xa nhà. Nhưng dường như chẳng có nơi nào bên ngoài bán kính năm dặm quanh tòa lâu đài mà anh thực sự muốn viếng thăm.
“Tối nay con tự lo cho mình được không?”
“Được ạ. Lát nữa con có thể tới quán rượu với Patrick. Mà sao thế ạ?” Tôi treo áo khoác lên một cái móc trống.
Cột treo đồ thoáng hơn rất nhiều khi Treena và Thomas đã lấy áo khoác đi. “Bố đưa mẹ đi ăn tối.”
Tôi suy đoán thật nhanh trong đầu. “Bố quên sinh nhật mẹ à?”
“Không. Bố mẹ ăn mừng.” Ông hạ thấp giọng, như thể đó là một bí mật. “Bố c”ó việc rồi.
“Không thể nào!” Giờ tôi mới nhận ra cả cơ thể ông như bừng sáng. Ông lại đứng thẳng thớm, gương mặt cười rạng rỡ. Trông ông trẻ hơn cả chục tuổi. “Bố, kỳ diệu quá.”
“Bố biết. Mẹ con như bay lên cung trăng. Mà con biết đấy, mấy tháng nay mẹ con khổ sở vì chuyện Treena đi, rồi chuyện ông ngoại, đủ thứ. Thế nên tối nay bố muốn đưa mẹ đi chơi, đãi mẹ một bữa.”
“Thế công việc gì vậy ạ?”
“Bố sẽ là trưởng ban bảo trì. Trên tòa lâu đài ấy mà.” Tôi chớp mắt. “Nhưng đó là…”
“Ông Traynor. Đúng thế đấy. Ông ấy gọi cho bố nói rằng ông ấy đang tìm người, và anh chàng của con, cậu Will đó, đã bảo với ông ấy là bố đang cần việc. Chiều nay bố qua đnóh tbràìy cho ông ấy những việc bố có thể làm, giờ bố thử việc một tháng. Bắt đầu từ thứ Bảy này.” “Bố sẽ làm việc cho bố Will?”
“Ừ, ông ấy bảo họ phải thử việc một tháng, để hoàn thành các thủ tục hợp lệ, nhưng ông ấy bảo ông ấy chẳng nghĩ có lý do gì mà bố không được nhận vào làm chính thức cả.”
“Thật… thật tuyệt,” tôi nói. Tôi cảm thấy chao đảo lạ kỳ trước thông tin này. “Con không hề biết bố sắp có việc.”
“Bố cũng thế. Nhưng chuyện này thật tuyệt vời. Ông ấy là kẻ rất biết giá trị, Lou ạ. Bố nói với ông ấy về gỗ sồi xanh, và ông ấy chỉ cho bố một phần công việc mà người trước bố đã làm. Con không tin nổi đâu. Ngạc nhiên lắm. Ông ấy bảo ông ấy rất ấn tượng với khả năng của bố.”
Bố đầy sinh khí, sôi nổi hơn nhiều so với mấy tháng qua.
Mẹ đã xuất hiện sau lưng bố. Mẹ thoa son môi, đi đôi giày cao gót xinh xắn. “Có một chiếc xe tải. Bố con có xe tải riêng. Lương cũng tốt lắm, Lou ạ. Thậm chí còn nhiều hơn lương bố con nhận được ở xưởng đồ gỗ gia dụng một chút cơ.”
Mẹ ngước nhìn bố như thể bố là một người hùng chiến trận. Khi mẹ quay sang tôi, gương mặt mẹ nói với tôi rằng tôi cũng nên làm điều tương tự. Gương mặt mẹ có thể chứa hàng triệu thông điệp, và gương mặt lúc này bảo tôi rằng bố cần được tưởng thưởng trong khoảnh khắc này.
“Tuyệt quá bố ạ. Thật sự đấy.” Tôi bước tới ôm bố.
“À, con phải cảm ơn Will đấy nhé. Thật là một anh bạn cừ. Bố vô cùng biết ơn khi cậu ấy nghĩ cho bố.”
Tôi nghe tiếng họ rời khỏi nhà, tiếng mẹ lầm rầm trước gương trong sảnh, tiếng bố liên tục đảm bảo rằng trông mẹ rất đẹp, rằng mẹ lúc nào cũng xinh tươi. Tôi nghe tiếng bố vỗ túi chìa khóa, ví, tiền xu, rồi sau đó là thoáng tiếng cười giòn tan. Rồi cánh cửa sập lại, tôi nghe tiếng xe lái đi và chỉ còn lại tiếng ti-vi xa xa trong phòng ông ngoại. Tôi ngồi trên cầu thang. Rồi tôi rút điện thoại ra ấn số của Will.
Mất một lúc anh mới nghe máy. Tôi tưởng tượng anh tiến lại chiếc điện thoại không dây, dùng ngón cái ấn nút.
“Xin chào.”
“Anh làm phải không?”
Một thoáng im lặng. “Là cô à, Clark?” “Anh xin việc cho bố tôi à?”
Tiếng anh nghe hơi hụt hơi. Tôi lơ đãng tự nghĩ không biết anh có đang ngồi ngay ngắn không.
“Tôi tưởng cô sẽ vui cơ đấy.”
“Tôi rất vui. Chỉ có điều… tôi không biết nữa. Tôi cảm thấy kỳ cục.”
“Cô đừng thấy thế. Bố cô cần việc. Bố tôi cần một người thợ bảo trì công trình có tay nghề cao.”
“Thật ư?” Tôi không thể loại bỏ nỗi hoài nghi khỏi giọng nói của mình.
“Sao cơ?”
“Chuyện này không liên quan gì tới chuyện hôm trước anh hỏi tôi hả? Về ông ấy với người phụ nữ khác?”
Anh im lặng hồi lâu. Tôi như thấy anh ở đó, trong phòng khách khu nhà phụ, nhìn ra những ô cửa sổ kiểu Pháp.
Khi cất tiếng, giọng anh rất thận trọng. “Cô nghĩ tôi đã hăm dọa bố tôi bắt giao việc cho bố cô à?”
Nói như thế nghe thật cường điệu.
Tôi lại ngồi xuống. “Xin lỗi. Tôi không biết. Chỉ là hơi kỳ cục thôi. Vấn đề thời điểm. Còn lại thì mọi thứ rất tốt.”
“Vậy thì hãy vui lên, Clark. Đó là tin tốt lành. Bố cô sẽ làm giỏi. Và điều đó có nghĩa…” Anh ngần ngừ.
“Có nghĩa là gì?”
“… một ngày nào đó cô có thể ra đi, dang rộng đôi cánh của mình, mà không còn phải lo lắng làm sao bố mẹ cô có thể chăm sóc bản thân.”
Câu nói ấy cứ như một cú thọi vào tôi. Tôi cảm thấy phổi mình cạn kiệt không khí.
“Lou?”
“Vâng?”
“Cô im lặng quá.”
“Tôi…” Tôi nuốt khan. “Xin lỗi. Lơ đãng một chút. Ông ngoại vừa gọi. Nhưng vâng. Cảm ơn vì… vì đã nói giúp bố tôi một tiếng.” Tôi phải gác máy. Bởi vì bỗng nhiên cổ họng tôi nghẹn đắng, tôi chẳng biết mình có thể nói gì khác nữa.
Tôi tản bộ tới quán rượu. Không gian ngào ngạt mùi hoa, mọi người mỉm cười với tôi khi lướt qua trên phố. Tôi chẳng thể chào đáp lại lấy một lần. Tôi chỉ biết tôi không thể ở trong nhà một mình với bao ý nghĩ bộn bề. Tôi thấy cả hội Triathlon Terrors đang ngồi trong quán rượu ngoài trời quanh hai cái bàn kéo sát lại nhau trong một góc lâm râm hoa nắng. Có mấy người lịch sự gật đầu chào tôi (không có ai trong số đó là phụ nữ) và Patrick đứng lên, tạo một khoảng trống nhỏ cho tôi ngồi bên anh. Tôi nhận ra tôi thực sự mong có Treena bên cạnh.
Khu vườn của quán rượu đông nghẹt người, với sự hòa trộn kỳ cục đặc trưng của nước Anh của đám sinh viên ồn ào náo nhiệt và đám doanh nhân tan sở đã cởi bỏ áo khoác. Quán rượu này là địa điểm ưa thích của du khách, thế nên ngoài giọng Anh còn rất nhiều thứ tiếng khác – Ý, Pháp, Mỹ. Qua bức tường phía Tây, người ta có thể thấy tòa lâu đài, thế nên như bao mùa hè khác, du khách đang xếp hàng chụp ảnh với hình lâu đài xa xa phía sau lưng.
“Anh không nghĩ em tới. Em uống gì nhé?”
“Đợi lát nữa.” Tôi chỉ muốn ngồi đó, ngả đầu lên vai Patrick. Tôi muốn có cảm giác như trước đây – bình thường, không vướng bận. Tôi không muốn nghĩ về cái chết.
“Hôm nay anh phá kỷ lục thời gian của mình đấy. Mười lăm dặm chỉ mất 79.2 phút.” “Tuyệt quá.”
“Có công mài sắt có ngày nên kim nhỉ, Pat?” một người đế vào. Patrick đấm hai tay vào không trung và hú lên.
“Tuyệt diệu quá. Thật đó.” Tôi cố tỏ ra vui sướng vì anh.
Tôi uống một ly, rồi một ly nữa. Tôi nghe họ nói về tổng số dặm đường đi được, những vụ ngã trầy gối và những lần cơ thể bị giảm nhiệt khi bơi. Tôi quay ra, nhìn những người trong quán rượu, tự hỏi cuộc đời họ ra sao. Mỗi người họ sẽ có bao nhiêu sự kiện trong gia đình riêng – tình yêu và mất mát với con cái, những bí mật đen tối, hạnh phúc vô bờ và thử thách khắc nghiệt. Nếu họ có thể gác nó lại, nếu họ có thể bình thản thưởng thức hoàng hôn vàng nắng trong quán rượu ngoài trời, thì hẳn nhiên tôi cũng nên làm thế.
Tôi kể với Patrick về công việc của bố. Mặt anh có cái vẻ mà tôi nghĩ hơi giống nét mặt tôi khi nghe chuyện này. Tôi phải nhắc lại để anh tin chắc anh đã nghe đúng.
“Thế thì… ấm áp quá. Cả hai bố con đều làm cho anh chàng ấy.”
Tôi muốn kể với anh, tôi thật sự muốn. Tôi muốn giải thích mọi điều mắc kẹt trong cuộc chiến giữ cuộc sống của Will. Tôi muốn kể với anh rằng tôi đang vô cùng sợ hãi vì có cảm giác Will đang cố mua sự tự do cho tôi. Nhưng tôi biết mình chẳng thể nói gì. Nếu nói ra, có thể tôi sẽ làm hỏng hết mọi điều còn lại.
“Ừm… đó không phải chuyện duy nhất. Anh ấy bảo khi cần em có thể ở lại đó, trong phòng trống. Để vượt qua vấn đề giường chọng ở nhà.”
Patrick nhìn tôi chằm chằm. “Em định sống trong nhà anh ta?”
“Có thể. Đó là một lời đề nghị dễ chịu, Pat. Anh biết chuyện ở nhà em rồi đấy. Mà anh thì có bao giờ ở đây đâu. Em thích đến nhà anh, nhưng… à, thật lòng, em không thấy giống như ở nhà.”
Anh vẫn nhìn tôi chằm chằm. “Thì hãy biến nó thành nhà mình.” “Là sao?”
“Chuyển tới. Biến nó thành nhà mình. Chuyển đồ đạc của em vào. Mang quần áo sang. Đến lúc chúng ta sống chung rồi còn gì.”
Mãi về sau, khi nghĩ lại chuyệnmđó, tôi ới nhận ra khi nói những lời ấy trông anh thực sự không vui. Không giống một người đàn ông khi cuối cùng cũng nhận ra anh ta không thể sống thiếu bạn gái bên cạnh, và muốn tạo nên sự hòa hợp đầy vui sướng của hai cuộc đời. Trông anh như kẻ bị chơi khăm.
“Anh thực sự muốn em chuyển tới sống cùng chứ?”
“Phải. Tất nhiên rồi.” Anh xoa tai. “Ý anh là, anh không nói chúng ta cưới xin hay gì cả. Nhưng chúng ta nên sống chung mới phải lẽ, đúng không?”
“Anh lãng mạn quá.”
“Anh nói thật đấy, Lou. Đến lúc rồi. Lẽ ra phải thế từ nhiều năm rồi, nhưng anh nghĩ chỉ tại anh cứ bận bịu việc này việc nọ. Chuyển tới đi. Mọi chuyện sẽ tốt.”
Anh ôm tôi. “Mọi chuyện sẽ thực sự rất tốt.”
Xung quanh chúng tôi đội Triathlon Terrors đang rì rầm trò chuyện. Có tiếng reo khẽ ồ lên khi một nhóm du khách Nhật Bản chụp được bức hình ưng ý. Chim chóc hót ca, mặt trời lặn xuống, thế gian chuyển màu. Tôi muốn hòa mình vào thế gian ấy, không muốn vùi mình trong căn phòng lặng lẽ, lo lắng cho một chàng trai ngồi xe lăn.
“Phải,” tôi nói. “Rồi sẽ tốt cả.”