Trước Ngày Em Đến - Me Before You

Chương 16


Đọc truyện Trước Ngày Em Đến – Me Before You – Chương 16

“Này, tình hình là sao đây Clark? Cô lên kế hoạch làm trò thú vị gì cho tối nay rồi?”
Chúng tôi đang ở trong vườn. Nathan đang trị liệu cho Will, nhẹ nhàng kéo đầu gối của anh lên xuống ngực, trong khi Will nằm trên một tấm chăn, mặt anh hướng lên trời, hai tay dang ra như đang tắm nắng. Tôi ngồi trên bãi cỏ bên cạnh họ, ăn sandwich. Giờ đây buổi trưa tôi chẳng đi đâu nữa.
“Có chuyện gì à?”
“Tò mò thôi. Tôi hứng thú muốn biết khi không ở đây thì cô tiêu thời gian thế nào.”
“À tối nay sẽ ghé xem biểu diễn kungfu một lát, rồi trực thăng sẽ lái tôi tới Monte Carlo để ăn tối. Sau đó trên đường về nhà tôi sẽ ghé qua Cannes làm một ly cocktail. Nếu chừng… ừm… hai giờ sáng, anh nhìn lên trời, tôi sẽ vẫy tay chào khi bay qua,” tôi nói. Tôi tách hai miếng vỏ bánh ra để kiểm tra nhân. “Có lẽ tôi sẽ đọc cho xong cuốn sách.”
Will liếc lên nhìn Nathan. “Mười bảng,” anh nói, cười tươi rói. Nathan thò tay vào túi. “Lần nào cũng thế,” ông nói.
Tôi nhìn họ chăm chăm. “Lần nào cũng thế cái gì?” tôi nói khi Nathan dúi tờ tiền vào tay Will.
“Cậu ấy nói cô sẽ đọc sách. Tôi thì bảo cô sẽ xem tivi. Cậu ấy luôn thắng.”
Chiếc sandwich cứng đờ trên môi tôi. “Luôn? Hai người đánh cược xem cuộc sống của tôi tẻ nhạt tới mức nào đấy hả?”
“Chúng tôi sẽ không dùng từ đó đâu,” Will nói. Thoáng có lỗi trong mắt anh nói với tôi điều ngược lại.
Tôi ngồi thẳng dậy. “Để tôi nói rõ ra nhé. Hai người đánh cược bằng tiền tươi xem vào tối thứ Sáu tôi sẽ ở nhà đọc sách hay xem ti-vi hả?”
“Không,” Will nói. “Chúng tôi còn đoán xem cô có đứng nhìn Ông Chạy tập luyện dưới đường không.”
Nathan thả chân Will ra. Ông kéo tay Will thẳng lên rồi bắt đầu massage từ cổ tay trở lên.
“Nếu tôi nói tôi sẽ làm một việc hoàn toàn khác thì sao?” “Có bao giờ như thế đâu,” Nathan nói.
“Thật ra tiền này phải là của tôi.” Tôi rút tờ tiền ra khỏi tay Will. “Vì tối nay anh sai rồi.”
“Cô đã bảo cô sẽ đọc sách mà!” anh phản đối.
“Tối nay tôi sẽ đi xem tranh. Thế nhé. Luật hậu quả ngoài ý muốn đấy, hoặc hai người thích gọi sao cũng được.”
Tôi đứng dậy, đút tờ tiền vào túi, nhét phần còn lại của bữa trưa vào cái túi giấy màu nâu của nó. Tôi mỉm cười khi đi khỏi chỗ họ, nhưng thật kỳ lạ, vì một lý do nào đó tôi chưa thể hiểu ra ngay, mắt tôi chợt đẫm nước.
Sáng đó tôi đã dành một tiếng mần mò bên tờ lịch. Có những ngày tôi cứ ngồi trên giường nhìn nó chăm chăm, chiếc bút lông trên tay, cố nghĩ xem mình có thể đưa Will tới đâu. Tôi chưa dám tin tôi có thể đưa Will đi đâu đó xa xa, và dù có Nathan giúp đỡ đi nữa thì ý nghĩ đi chơi qua đêm cũng khiến tôi thấy nản lòng.
Tôi xem báo địa phương, liếc nhìn những trận bóng đá và hội chợ trong làng, nhưng sau thất bại hôm đi xem đua ngựa, giờ tôi cứ sợ xe của Will lại bị mắc kẹt trong cỏ. Tôi lo chốn đông người sẽ khiến anh có cảm giác bị phơi bày. Tôi phải bỏ qua mọi trò liên quan tới ngựa, với một vùng như quê chúng tôi thì điều đó đồng nghĩa với việc loại bỏ một lượng lớn bất ngờ những hoạt động ngoài trời. Tôi biết anh sẽ không muốn xem Patrick chạy, còn xem cricket hoặc bóng bầu dục thì anh sẽ bị lạnh. Có những ngày tôi cảm thấy suy sụp vì chẳng nghĩ được ý tưởng gì mới.
Có lẽ Will và Nathan đúng. Có lẽ tôi thật tẻ nhạt. Có lẽ tôi là người kém khả năng nhất thế giới trong nỗ lực nghĩ ra những thứ có thể thắp lại tình yêu cuộc sống trong Will.
Sách, hoặc ti-vi…
Đặt như thế, thật khó tin chúng có gì khác nhau.
Khi Nathan đi rồi, Will tìm tôi trong bếp. Tôi đang ngồi bên chiếc bàn nhỏ, gọt khoai tây để chuẩn bị bữa tối cho anh, tôi không ngước lên khi anh dừng xe lăn bên khung cửa. Anh nhìn tôi lâu tới nỗi hai tai tôi đỏ ửng lên vì bị quan sát.
“Anh biết không,” cuối cùng tôi lên tiếng, “tôi cũng có thể tàn nhẫn lại với anh đấy. Tôi có thể chỉ ra rằng anh cũng chẳng làm gì cả.”
“Biết đâu Nathan sẽ đánh cược thật cao xem tôi có đi nhảy không thì sao,” Will nói.
“Tôi biết đó chỉ là trò đùa,” tôi tiếp tục, bỏ một đoạn vỏ khoai tây dài ngoằng xuống. “Nhưng anh khiến tôi cảm thấy mình thật tầm thường. Nếu anh định đánh cược về cuộc sống buồn tẻ của tôi, sao anh phải cho tôi biết chứ? Anh và Nathan không thể xem nó là một trò đùa riêng tư thôi sao?”
Anh im lặng một lát. Khi cuối cùng tôi cũng nhìn lên, anh nhìn kỹ gương mặt tôi. “Xin lỗi,” anh nói.
“Trông anh chẳng có vẻ có lỗi gì cả.”
“À… ừ… có lẽ tôi đã muốn cô nghe thấy chuyện đó. Tôi muốn cô nghĩ tới những việc cô sẽ làm.”
“Sao cơ, tôi đang để đời mình trôi đi…?” “Phải, chính thế.”
“Chúa ơi, Will. Tôi mong anh đừng bao giờ nói tôi phải làm gì nữa. Tôi thích xem ti-vi thì sao nào? Tôi không thích làm gì hơn ngoài đọc sách thì sao?” Giọng tôi vút lên. “Tôi thấy mệt mỏi khi về tới nhà thì sao? Tôi không muốn lấp đầy ngày tháng bằng những hoạt động điên rồ thì sao?”

“Nhưng biết đâu một ngày nào đó cô sẽ ước mình đã sống như thế,” anh nói lặng lẽ. “Cô có biết nếu là cô tôi sẽ làm gì không?”
Tôi đặt dao gọt xuống. “Tôi cho là anh sắp nói với tôi.”
“Phải. Và tôi hoàn toàn không ngượng khi nói ra đâu. Tôi sẽ đi học bổ túc ban đêm. Tôi sẽ học để trở thành thợ may hoặc người thiết kế thời trang hoặc bất cứ việc gì liên quan tới thứ mà cô thực sự yêu thích.” Anh ra dấu về phía chiếc váy ngắn của tôi, chiếc váy kiểu Pucci mang phong cách thời trang thập niên sáu mươi, được may từ tấm vải một thời là đôi rèm cửa của ông ngoại tôi.
Lần đầu tiên nhìn thấy nó, bố tôi đã chỉ vào tôi và la lên, “Này, Lou, tỉnh lại đi nhé!” Mất năm phút bố mới thôi cười được.
“Tôi sẽ tìm xem tôi có thể làm thứ gì đó không quá đắt đỏ – tham gia lớp thể dục thẩm mỹ, bơi lội, đi tình nguyện, đại loại thế. Tôi sẽ tự dạy mình nghe nhạc, dắt chó nhà người khác đi dạo, hoặc…”
“Được rồi, được rồi, tôi hiểu ý anh rồi,” tôi bực dọc đáp. “Nhưng tôi không phải là anh, Will.”
“May cho cô.”
Chúng tôi ngồi im lặng một lúc. Will đưa xe vào, nâng xe lên để chúng tôi đối diện nhau qua bàn.
“Được rồi,” tôi nói. “Thế trước đây xong việc thì anh làm gì? Chắc việc đó giá trị lắm nhỉ?”
“Thật ra xong việc thì cũng chẳng còn mấy thời gian, nhưng ngày nào tôi cũng cố làm một việc gì đó. Tôi trèo núi ở một trung tâm trong nhà, chơi bóng quần, đi nghe nhạc, thử thưởng thức nhà hàng mới…”
“Có tiền thì làm những việc ấy khó gì,” tôi phản đối.
“Tôi cũng chạy nữa. Phải, thật đấy,” anh nói, khi tôi nhướng mày.
“Tôi cố học ngôn ngữ mới của những nơi tôi nghĩ một ngày kia mình sẽ tới. Tôi gặp gỡ bạn bè – hay đúng hơn là những người tôi đã nghĩ là bạn bè tôi…” Anh chùng lại một lát. “Tôi lên kế hoạch cho những chuyến đi. Tôi tìm kiếm những nơi tôi chưa từng tới, những thứ khiến tôi e sợ hoặc đẩy tôi tới giới hạn của mình. Có lần tôi đã bơi ở eo biển Manche. Tôi đi nhảy dù. Tôi đi bộ lên núi rồi lại trượt tuyết xuống. Phải…” anh nói, khi tôi định ngắt lời, “… tôi biết nhiều hoạt động trong số này cần tiền, nhưng cũng nhiều hoạt động đâu cần tiền. Vả lại, cô nghĩ tôi kiếm tiền bằng cách nào?”
“Lừa tiền người thủ đô à?”
“Tôi nghĩ xem điều gì khiến mình hạnh phúc, tôi nghĩ xem tôi muốn làm gì, tôi tự học tập để làm một công việc có thể đưa lại hai điều đó.”
“Anh nói nghe dễ quá.”
“Dễ thật mà,” anh nói. “Vấn đề là mình cũng phải làm cực kỳ vất vả. Mà con người thường chẳng thích phải làm việc cực nhọc.”
Tôi đã gọt xong khoai tây. Tôi bỏ vỏ vào thùng rác, đặt chảo lên lò sẵn sàng để lát nữa nấu. Tôi quay lại, chống tay đẩy người ngồi lên bàn đối diện anh, hai chân đung đưa.
“Anh đã có một cuộc sống rất hoành tráng phải không?”
“Phải, đúng thế.” Anh xích lại gần hơn một chút, nâng xe lên để chúng tôi mắt đối mắt. “Đó là lý do vì sao cô bực mình với tôi, Clark. Bởi vì tôi nhìn thấy tất cả tài năng này, tất cả…” Anh nhún vai. “Năng lượng, sự tươi sáng, và…”
“Đừng nói tiềm năng.”
“… tiềm năng. Đúng thế. Tiềm năng. Thế nên trong chừng mực cuộc đời mình, tôi không thể tưởng tượng làm sao cô có thể hài lòng với cuộc sống chật hẹp này. Cuộc sống này chỉ xoay quanh bán kính năm dặm, ở đó chẳng có ai có thể khiến cô ngạc nhiên, thúc đẩy cô, cho cô thấy những thứ để đến đêm đầu cô quay mòng mòng không sao ngủ được.”
“Anh đang tìm cách nói tôi nên làm một việc gì có ý nghĩa hơn nhiều so với ngồi gọt khoai tây cho anh.”
“Tôi đang nói với cô là cả thế giới còn ở ngoài kia. Nhưng tôi rất biết ơn nếu cô vẫn gọt khoai tây cho tôi trước.” Anh mỉm cười với tôi, và tôi không thể không mỉm cười lại.
“Anh có nghĩ…” tôi cất tiếng, rồi bỏ dở chừng. “Nói đi.”
“Anh không nghĩ anh thực sự phải vất vả hơn rất nhiều để… hòa hợp sao? Vì anh đã làm mọi việc đó?”
“Cô đang hỏi tôi rằng tôi có ước mình chưa từng làm những việc ấy?”
“Tôi chỉ tự hỏi nếu thế thì mọi chuyện có dễ dàng hơn với anh không. Nếu anh đã sống một cuộc đời nhỏ hẹp hơn. Sống như cuộc sống ở đây, ý tôi là thế.”
“Tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ hối tiếc về những gì tôi đã làm. Vì nếu ta mắc kẹt trong một thứ như thế này, thì hầu hết mọi ngày, tất cả những gì ta có là những miền đất trong ký ức mà ta có thể đi tới.” Anh mỉm cười. “Thế nên nếu cô hỏi tôi rằng tôi có muốn nhớ về cảnh tòa lâu đài nhìn từ cửa hàng tạp hóa kia không, hay về dãy cửa hàng xinh xắn dưới con đường quanh co, thì xin thưa là không. Cuộc đời của tôi rất ổn, cảm ơn.”
Tôi trượt xuống khỏi bàn. Tôi không chắc vì sao, nhưng một lần nữa tôi lại cảm thấy mình bị dồn vào chân tường. Tôi với cái thớt trong rổ.
“Lou à, tôi xin lỗi. Chuyện đánh cược bằng tiền.”
“Ừ.” Tôi quay đi, bắt đầu rửa cái thớt dưới bồn. “Đừng nghĩ nói thế thì anh sẽ lấy lại được mười bảng.”

Hai ngày sau Will vào bệnh viện để điều trị nhiễm trùng. Phương pháp phòng ngừa, người ta nói vậy, dù ai cũng thấy rõ là anh đang rất đau. Một số người liệt tứ chi không có cảm giác gì, nhưng với Will thì dù không cảm nhận được nhiệt độ, phía dưới ngực anh vẫn biết đau và biết xúc động. Tôi vào thăm anh hai lần, mở nhạc và đưa món ngon cho anh ăn, đề nghị được ngồi lại bên anh, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng Will thực sự không muốn có thêm sự quan tâm ở đó nữa. Anh bảo tôi về nhà nghỉ ngơi mấy ngày.
Nếu là một năm về trước, tôi hẳn sẽ lãng phí những ngày nghỉ ấy, tôi sẽ lê la qua mấy cửa hàng, có thể chạy qua ăn trưa với Patrick. Có lẽ tôi sẽ xem chương trình tivi ban ngày, và dành chút nỗ lực xếp lại quần áo. Chắc tôi sẽ ngủ nướng nữa.
Nhưng lúc này, tôi cảm thấy bất an và mất phương hướng một cách kỳ lạ. Tôi nhớ cảm giác có một lý do để dậy sớm, một mục đích trong ngày. Mất nửa buổi sáng tôi mới nghĩ ra rằng phải sử dụng thời gian này một cách có ích. Tôi đi tới thư viện và bắt đầu nghiên cứu. Tôi đọc mọi website về người bị liệt tứ chi mà tôi có thể tìm kiếm, cố nghĩ ra những việc chúng tôi có thể làm khi Will khá hơn. Tôi viết ra các danh sách, viết thêm vào từng mục những đồ đạc thiết bị có thể cần xem xét cho mỗi sự việc.
Tôi phát hiện ra các chat room của người bị tổn thương tủy sống, và nhận ra có hàng ngàn người, cả đàn ông lẫn đàn bà, bị giống như Will – sống ẩn dật ở London, Sydney, Vancouver, hoặc ngay dưới phố này – có người được bạn bè, gia đình giúp đỡ, có người cô đơn đến đau lòng.
Tôi là người chăm sóc duy nhất tham gia vào những website này. Có những người bạn gái hỏi xem họ phải làm sao để giúp người yêu có lại sự tự tin để đi ra ngoài, có những người chồng tìm tư vấn về dụng cụ y tế mới nhất. Có những mục quảng cáo về xe lăn có thể đi trên cát hoặc đường gồ ghề, về cần cẩu thông minh hoặc nệm tắm có thể bơm phồng.
Các cuộc thảo luận cung cấp nhiều mật mã. Tôi hiểu ra rằng SCI là chấn thương cột sống, AB là người khỏe mạnh, UTI là bị nhiễm trùng. Tôi nhận biết chấn thương tủy sống mức C4/5 nghiêm trọng hơn nhiều so với mức C11/12, ở mức C11/12 thì hầu hết bệnh nhân vẫn sử dụng được hai tay hoặc bán thân. Có những câu chuyện về tình yêu và mất mát, vợ chồng con cái phải nỗ lực hòa hợp với cuộc sống của người tàn phế. Có những người vợ cảm thấy có lỗi khi trước đây họ cứ cầu trời cho chồng không đánh được họ nữa – để rồi nhận ra giờ đây người chồng ấy sẽ chẳng bao giờ còn làm được thế. Có những người chồng muốn rời bỏ người vợ tàn tật nhưng lại sợ phản ứng của gia đình bè bạn. Có nỗi mệt mỏi rã rời và sự tuyệt vọng, có vô số lời bỡn cợt chua chát – những câu đùa về chuyện vỡ túi đựng nước tiểu, sự nhiệt tình ngu dốt của người khác, hoặc tai nạn bất ngờ do say rượu. Rơi khỏi xe lăn là chuyện xảy ra như cơm bữa. Có nhiều lời dọa tự vẫn – có người muốn làm ngay, có người khích lệ mình cho bản thân thêm một chút thời gian để học cách nhìn cuộc đời mình theo một cách khác. Tôi đọc từng lời đe dọa đó, cảm thấy như thể mình đang âm thầm thấu hiểu cách não bộ của Will vận hành.
Tới giờ ăn trưa, tôi rời khỏi thư viện và đi bộ một đoạn quanh thị trấn cho thảnh thơi đầu óc. Tôi đãi mình sandwich tôm, rồi ngồi lên bức tường quan sát thiên nga bơi lội trong hồ nước dưới lâu đài. Trời ấm nên tôi bỏ áo khoác, nghênh mặt về phía mặt trời. Cảm giác thật thanh thản lạ thường khi quan sát phần còn lại của thế giới vẫn mải mê bận rộn với việc riêng. Sau khi dành cả buổi sáng ngồi trong một thế giới đóng khung, được đi ra ngoài ăn trưa mới tự do làm sao.
Khi ăn xong, tôi trở lại thư viện, khởi động lại máy tính. Tôi hít một hơi thật sâu rồi gõ một tin nhắn.
Chào – Tôi là bạn/người chăm sóc của một anh chàng 35 tuổi liệt tứ chi mức C5/6. Anh ấy rất thành công và năng động trong cuộc sống trước đây nên rất khó thích ứng với cuộc sống mới này. Thật ra, tôi biết anh ấy không muốn sống, và tôi đang nghĩ mọi cách để làm anh ấy thay đổi ý định. Xin mọi người làm ơn chỉ cho tôi cách làm việc này. Có ý kiến gì về những thứ biết đâu anh ấy sẽ thích, hoặc những cách giúp tôi làm anh ấy nghĩ khác đi không ạ? Vô cùng biết ơn trước mọi lời khuyên nhận được.
Tôi gọi mình là Ong Chăm Chỉ. Rồi tôi dựa lưng ra ghế, nhai móng tay cái một chút, cuối cùng nhấn “Gửi”.
Buổi sáng của hai ngày sau, khi ngồi xuống máy, tôi nhận được mười bốn tin nhắn trả lời. Tôi đăng nhập vào chat room, chớp mắt khi nhìn thấy một loạt cái tên, câu trả lời đến từ mọi người trên khắp thế giới, bất kể ngày đêm. Tin nhắn đầu tiên viết:
Ong Chăm Chỉ thân mến,
Chào mừng vào room của chúng tôi. Tôi chắc người bạn của bạn sẽ rất thoải mái khi có một người chăm sóc anh ấy.
Tôi không dám chắc về điều đó đâu, tôi nghĩ.
Hầu bết chúng tôi trên đây đều có giai đoạn vô cùng tuyệt vọng trong cuộc sống. Có lẽ anh bạn ấy đang gặp phải giai đoạn này. Đừng để anh ấy đẩy bạn ra xa. Hãy tích cực lên. Nhắc nhở anh ấy rằng cả hai quyết định xuất hiện và biến mất trên thế gian này đều không thuộc về anh ấy, mà thuộc về Chúa. Ngài quyết định thay đổi cuộc sống của anh ấy, bằng ý chí của riêng Ngài, và có lẽ có một bài học trong đó là Ngài…
Tôi đọc tin nhắn tiếp theo.
Ong thân mến,
Chuyện này chẳng có cách gì đâu, bị liệt tứ chi tuyệt vọng lắm. Nếu anh bạn ấy ham mê thể thao thì anh ấy sẽ càng thấy khó khăn hơn. Có một số thứ đã giúp được tôi. Nhiều người bên cạnh, ngay cả khi tôi chẳng thích thú gì điều này. Thức ăn ngon. Bác sĩ giỏi. Thuốc tốt, cả thuốc chống trầm cảm nếu cần. Bạn không nói bạn sống ở đâu, nhưng nếu bạn có thể bảo anh ấy nói chuyện với mọi người trong cộng đồng SCI thì chắc có ích đấy. Dạo đầu tôi chẳng thích thú gì đâu (tôi nghĩ phần nào đó trong tôi không muốn thừa nhận mình thực sự bị liệt tứ chi) nhưng khi biết mình không cô độc trên đời thì quả thực có ý nghĩa lắm.
À, nhớ ĐỪNG cho anh ấy xem những phim như phim The Diving Bell And The Butterfly (Tiếng chuông lặng và cánh bướm). Thuốc giảm đau nguy hại!
Cho chúng tôi biết mọi chuyện tiến triển ra sao nhé. Chúc mọi điều tốt đẹp. Richie
Tôi tìm phim The Diving Bell And The Butterfly. “Câu chuyện kể về một người đàn ông bị liệt sau khi đột quỵ, và nỗ lực của ông để giao tiếp với thế giới bên ngoài,” lời giới thiệu phim đề. Tôi viết tên bộ phim vào sổ, không chắc liệu tôi làm thế để đảm bảo Will không xem nó, hay để tôi nhớ mà xem.
Hai tin nhắn tiếp theo là từ một người theo đạo Cơ đốc Phục lâm An Thất Nhật, và từ một người đàn ông đề xuất những cách thức làm Will vui lên mà chắc chắn không nằm trong hợp đồng lao động của tôi. Tôi đỏ mặt, vội vã lướt xuống, sợ có ai ở sau lưng liếc vào màn hình của tôi. Rồi tôi nán lại tin nhắn tiếp theo.
Chào Ong Chăm Chỉ,
Tại sao bạn nghĩ anh bạn/ông chủ/ gì gì đó của bạn cần phải thay đổi ý định? Nếu tôi có thể tìm được một cách chết bảo toàn được phẩm giá, nếu tôi không biết cái chết sẽ khiến cả nhà tôi suy sụp, tôi sẽ chọn nó. Tôi đã mắc kẹt trong xe lăn tám năm nay rồi, cả cuộc đời tôi quẩn quanh mãi trong bẽ bàng tuyệt vọng. Bạn có hiểu thấu nỗi niềm của anh ấy? Bạn có biết người ta cảm thấy thế nào khi đến giải tỏa cái ruột già của mình cũng không làm được nếu chẳng có ai giúp không? Khi biết rằng vĩnh viễn từ đây người ta phải nằm bẹp giường/không thể ăn, mặc, giao tiếp với thế giới bên ngoài mà không có ai giúp đỡ? Khi biết không bao giờ được làm tình nữa? Khi phải đối mặt với những cơn đau tiềm ẩn, bệnh hoạn, và thậm chí là máy trợ thở? Bạn có vẻ là người đáng mến, và tôi tin bạn có ý đồ tốt. Nhưng tuần tới bạn không nên chăm sóc anh ấy. Hãy để việc ấy cho một người thường làm anh ấy khó chịu, hoặc thậm chí một người không ưa gì anh ấy. Chuyện đó, như bao chuyện khác, nằm ngoài kiểm soát của anh ấy. Nhóm người SCI chúng tôi biết rất ít thứ nằm trong tầm kiểm soát của mình – người ta bón cho ăn, mặc quần áo cho, tắm rửa, chuẩn bị thuốc thang nữa. Sống với ý thức đó cơ cực lắm.
Thế nên tôi nghĩ bạn đang đặt câu hỏi sai rồi. AB là ai mà được quyền quyết định xem cuộc sống của chúng tôi nên thế nào chứ? Nếu đây là cuộc đời không dành cho bạn của bạn, chẳng phải nên đặt câu hỏi thế này ư: Làm sao để giúp anh ấy kết thúc chuyện này?
Thân ái,
Gforce, Missouri, US
Tôi nhìn tin nhắn đó trân trân, ngón tay tôi thõng trên bàn phím một thoáng. Rồi tôi lướt xuống dưới. Mấy tin nhắn tiếp theo đến từ những người bị liệt khác, chỉ trích Gforce vì lời lẽ yếm thế của anh ta, phản pháo rằng họ đã tìm được con đường để đi tiếp, rằng cuộc đời của họ đáng sống. Cuộc tranh luận tiếp diễn một hồi chừng như chẳng liên quan gì tới chuyện của Will.
Thế rồi topic tự nó kéo mình trở lại câu hỏi của tôi. Có mấy người gợi ý về thuốc chống suy nhược, massage, những cuộc phục hồi thần diệu, câu chuyện về những cuộc đời được trao gửi giá trị mới. Có ít người gợi ý những việc cụ thể: thưởng rượu, âm nhạc, nghệ thuật, đặc biệt là bàn phím lắp đặt.
“Một người yêu,” Grace 31 ở Birmingham viết. “Nếu anh ấy có người yêu, anh ấy sẽ đi tiếp được. Không có người yêu, tôi hẳn đã tuyệt vọng gấp ngàn lần.”

Dòng chữ ấy cứ vang vọng trong đầu tôi rất lâu sau khi tôi rời khỏi thư viện.
Thứ Năm, Will ra viện. Tôi đón anh bằng chiếc xe hơi đa dụng, đưa anh về nhà. Anh nhợt nhạt và kiệt sức, bơ phờ nhìn ra cửa kính trong suốt chuyến đi.
“Không ngủ được ở những chỗ đó,” anh giải thích khi tôi hỏi xem anh có ổn không. “Lúc nào giường bên cũng có người rên rỉ.”
Tôi bảo anh sẽ có hai ngày cuối tuần để hồi phục, nhưng sau đó tôi có một loạt buổi đi chơi đã lên kế hoạch. Tôi nói tôi đang nghe theo lời khuyên của anh mà thử những thứ mới, và anh sẽ phải đi cùng tôi. Đó là sự thay đổi tinh vi về vị trí người trung tâm, nhưng tôi biết đó là cách duy nhất tôi có thể bắt anh đi cùng mình.
Thật tình, tôi đã lập ra một bản danh sách chi tiết cho hai tuần tới. Từng sự kiện được đánh dấu cẩn thận bằng mực đen trên tờ lịch của tôi, vạch ra những thứ nên đề phòng bằng mực đỏ, và ghi lại phụ kiện cần mang theo bằng mực xanh. Mỗi lần nhìn vào phía sau cánh cửa tôi lại thấy lòng dâng lên thoáng phấn khích, vừa vì thấy mình thật tài tổ chức, vừa vì ý nghĩ biết đâu một trong những sự kiện đó sẽ thực sự là thứ thay đổi cái nhìn của Will với thế giới.
Như bố tôi luôn nói, em gái tôi là bộ não của cả nhà.
Chuyến đi tới khu triển lãm tranh kéo dài chưa tới hai mươi phút. Mà đó là bao gồm cả chạy xe ba vòng quanh tòa nhà để tìm chỗ đỗ thích hợp. Chúng tôi vào khu triển lãm, và tôi vừa đóng cửa lại sau lưng anh thì anh đã bảo tác phẩm ở đây tệ hại quá. Tôi hỏi tại sao thì anh đáp nếu tôi chẳng nhận ra điều đó thì anh có giải thích cũng vô ích. Chúng tôi phải bỏ qua rạp chiếu phim sau khi nhân viên ở đó cho biết với vẻ có lỗi rằng thang máy bị hỏng. Những kế hoạch khác ví như nỗ lực đi bơi bất thành, cần nhiều thời gian hơn và phải sắp xếp trước – gọi tới bể bơi trước, đề nghị Nathan làm thêm giờ, rồi khi chúng tôi tới đó, Will lặng lẽ uống sô-cô-la nóng trong bình chân không ở bãi đỗ xe vắng tanh rồi kiên quyết từ chối vào trong.
Tối thứ Tư tiếp theo, chúng tôi đi nghe một ca sĩ anh từng nghe ở New York. Buổi hôm đó rất trôi chảy. Khi nghe nhạc, nét mặt anh luôn biểu lộ sự tập trung cao độ. Hầu như khi nào Will cũng để một phần hồn ở đẩu đâu, như thể anh đang phải chống chọi với cơn đau, với ký ức, với những ý nghĩ tăm tối. Nhưng với âm nhạc thì khác hẳn.
Sang thứ Năm, tôi đưa anh đi nếm rượu, một phần của sự kiện quảng bá do một chủ vườn nho tổ chức tại một cửa hàng rượu đặc biệt. Tôi phải hứa với Nathan là không để anh say. Tôi nâng từng ly lên cho Will ngửi, và chưa uống anh đã biết hết tên loại rượu. Tôi cố không khịt mũi khi Will nhổ rượu vào ly bê-se (chuyện đó buồn cười chết đi được), còn anh thì trợn mắt nhìn tôi và bảo tôi đúng là đồ trẻ con. Ông chủ quán thoạt đầu thấy bối rối lạ lùng khi có một anh chàng ngồi trên xe lăn trong cửa hàng của mình, sau đó thì tỏ ra rất ấn tượng. Khi chiều sang, ông ngồi xuống và bắt đầu mở những chai khác, thảo luận về vùng miền và các loại nho với Will, trong khi tôi lang thang, nhìn xuống những miếng nhãn dán, và nói thật ra là thấy hơi chán.
“Lại đây Clark. Nghe giảng giải này,” anh nói, gật đầu ra hiệu cho tôi ngồi xuống bên anh.
“Không được đâu. Mẹ tôi bảo nhổ như thế là thô lỗ.”
Hai người đàn ông nhìn nhau như thể tôi là kẻ điên. Thế nhưng anh không nhổ rượu liên tục nữa. Tôi quan sát anh. Anh nói nhiều một cách kỳ lạ suốt phần còn lại buổi chiều – hay cười, thậm chí hiếu chiến hơn thường lệ. Thế rồi, trên đường về nhà, chúng tôi lái xe qua một thị trấn mà chúng tôi ít tới, rồi khi chúng tôi ngồi bất động vì kẹt xe, tôi liếc sang thì thấy Cửa hàng xăm.
“Tôi luôn thích có một hình xăm,” tôi nói.
Lẽ ra tôi phải biết là không được nói những thứ như thế trước mặt Will. Anh không tán gẫu hay chuyện trò đôi chút về chuyện đó. Anh lập tức muốn biết vì sao tôi chưa từng xăm.
“Ôi… Tôi không biết. Vì nghĩ tới chuyện mọi người sẽ nói gì, tôi nghĩ thế.” “Sao chứ? Họ sẽ nói gì nào?”
“Bố tôi ghét hình xăm.” “Thế cô mấy tuổi rồi?”
“Patrick cũng ghét hình xăm.”
“Và anh ấy chưa từng làm việc gì cô không thích nhỉ.”
“Có thể khi xăm tôi sẽ bị chứng sợ không gian hẹp. Có thể khi nào hết sợ tôi sẽ thay đổi ý định.”
“Rồi sau đó cô sẽ xóa vết xăm bằng tia laser, phải chứ?” Tôi nhìn anh qua gương chiếu hậu. Mắt anh vui lấp lánh. “Thôi nào,” anh nói. “Cô định xăm gì?”
Tôi nhận ra mình đang mỉm cười. “Tôi không biết nữa. Không phải rắn.
Không phải tên ai đó.”
“Tôi không nghĩ sẽ là hình một trái tim với chữ mẹ bên trong đâu.” “Anh hứa không cười chứ?”
“Cô biết tôi không thể làm thế mà. Ôi Chúa ơi, cô không định xăm một câu tục ngữ bằng tiếng Phạn hay đại loại thế đấy chứ? Cái gì không khuất phục được tôi sẽ khiến tôi mạnh lên.”
“Không. Tôi sẽ xăm một chú ong. Một chú ong nghệ nhỏ sọc vàng sọc đen.
Tôi thích nó.”
Anh gật đầu, như thể muốn một hình xăm như thế là cực kỳ có lý. “Thế cô muốn xăm vào đâu? Hay tôi không được phép hỏi đây?”
Tôi nhún vai. “Chẳng biết. Ở vai chăng? Môi dưới?” “Dừng xe lại,” anh nói.
“Sao, anh có ổn không?”
“Cứ dừng lại đi. Có một chỗ trống kia kìa. Nhìn xem, phía bên trái đó.” Tôi tấp xe vào vỉa hè và liếc nhìn lại anh.
“Nào, đi đi,” anh nói. “Hôm nay chúng ta không cần gì khác nữa.” “Đi đâu?”
“Tới cửa hàng xăm.”
Tôi phá lên cười. “À. Phải.” “Sao không?”
“Anh đã nuốt rượu chứ không nhổ.” “Cô chưa trả lời câu hỏi của tôi.”
Tôi quay người trên ghế. Anh đang rất nghiêm túc. “Tôi không thể cứ thế đi xăm được. Chỉ vậy thôi.” “Sao không?”
“Vì…”
“Vì bạn trai cô nói không. Vì cô vẫn là gái ngoan, mới mười bảy tuổi. Vì xăm thì kinh khủng lắm. Thôi nào Clark. Sống một chút đi. Cái gì ngăn cản cô vậy?”

Tôi nhìn xuống khoảng đất trước cửa hàng xăm ven đường. Trên ô cửa sổ hơi cáu bẩn có hình trái tim lớn gắn đèn nê-ông, ngoài ra còn có khung ảnh của Angelina Jolie và Mickey Rourke.
Giọng Will cắt ngang dòng suy tính của tôi. “Được rồi. Nếu cô xăm, tôi cũng xăm.”
Tôi quay lại nhìn anh. “Anh định xăm hả?”
“Nếu điều đó thuyết phục được cô, dù chỉ một lần, vượt qua giới hạn nhỏ hẹp của mình.”
Tôi tắt máy. Chúng tôi ngồi đó, lắng nghe động cơ lịm dần, tiếng rì rì của những chiếc xe lướt qua chúng tôi trên đường.
“Vết xăm gần như là vĩnh cửu.” “Không phải gần như đâu.”
“Patrick sẽ ghét lắm.” “Cô cứ nói mãi thế nhỉ.”
“Và có thể chúng ta sẽ bị nhiễm trùng vì mũi kim bẩn. Và chết một cái chết từ từ, rùng rợn, đau đớn.” Tôi quay sang Will. “Có khi giờ họ không thể xăm được. Không thể làm ngay lúc này.”
“Có thể là không. Nhưng chúng ta cứ đi vào kiểm tra xem sao chứ?”
Hai giờ sau đó, chúng tôi rời khỏi cửa hàng xăm, tôi như nhẹ mất ba chục ký và đang phải chịu đựng vết thương trên hông, nơi mực đang dần khô. Kích thước của nó tương đối nhỏ, tay nghệ sĩ xăm hình nói, nên tôi có thể xăm rồi tô màu luôn một lần, thế nên tôi chọn nó. Xong xuôi. Đã xăm. Hay như về sau Patrick có nói, vết sẹo cuộc đời. Dưới chiếc áo đầm trắng là một chú ong nghệ nhỏ mũm mĩm, được chọn ra từ trong một tập bìa còng nhựa màu chứa hình ảnh mà tay nghệ sĩ xăm đưa cho chúng tôi khi chúng tôi bước vào. Tôi cứ lật tới lật lui để lén nhìn nó cho tới khi Will bảo tôi thôi lật, nếu không tôi sẽ làm hỏng mọi thứ.
Thật lạ lùng là Will cảm thấy rất thư giãn và thoải mái khi ở đó. Họ chẳng nhìn ngó gì anh. Họ bảo họ đã từng xăm cho mấy người bị liệt tứ chi, thế nên họ đối xử với anh hết sức thoải mái. Họ ngạc nhiên khi Will nói anh cảm nhận được mũi kim. Sáu tuần trước đó họ đã tô mực cho một người bị liệt yêu cầu vẽ kiểu tranh như thật lên những bộ phận điện tử lắp ráp trên suốt một bên chân của anh ta.
Người xăm có xăm hình tia chớp trên tai đã đưa Will tới phòng tiếp theo, và với sự giúp đỡ của người xăm cho tôi, anh ta đặt Will nằm trên một chiếc bàn đặc biệt, thế nên tất cả những gì tôi có thể thấy qua cánh cửa để mở là cẳng chân của anh. Tôi nghe thấy tiếng hai người đàn ông rì rầm trò chuyện cười đùa qua tiếng sột soạt của kim xăm, mùi chất khử trùng vảng vất trong cánh mũi tôi.
Khi mũi kim đầu tiên đâm vào da tôi, tôi cắn môi, quyết không để Will nghe tôi la. Tôi để tâm trí nghĩ xem anh đang làm gì trong cánh cửa mé bên, cố nghe lỏm cuộc trò chuyện của anh, tự hỏi anh đang xăm cái gì. Khi cuối cùng anh cũng xuất hiện trở lại, sau khi hình xăm của tôi đã hoàn thành, anh không chịu cho tôi xem. Tôi ngờ nó là thứ gì đó liên quan tới Alicia.
“Anh ảnh hưởng xấu tới tôi lắm đấy nhé, Will Traynor,” tôi nói, mở cửa xe rồi hạ thấp đường trượt. Tôi không thể không cười rạng rỡ.
“Cho tôi xem nào.”
Tôi liếc xuống đường rồi kéo miếng gạc xuống khỏi hông.
“Tuyệt quá. Tôi thích con ong nhỏ của cô. Thật đấy.”
“Tôi sẽ phải mặc quần cạp cao trước mặt bố mẹ tôi suốt phần đời còn lại.” Tôi giúp anh chỉnh xe lên đường trượt rồi nâng nó lên. “Nhắc anh nhé, nếu mẹ anh có nghe nói anh cũng có một…”
“Tôi sẽ nói với bà rằng cô gái ở lâu đài đã dụ tôi lầm lạc.” “Được rồi, Traynor, cho tôi xem hình xăm của anh.”
Anh nhìn tôi nghiêm trang, hơi mỉm cười. “Về đến nhà là cô phải thay gạc mới cho tôi đấy.”
“Được rồi. Cứ như tôi chưa bao giờ làm việc đó không bằng. Thôi nào. Anh chưa cho tôi xem là tôi không lái xe đâu.”
“Thì kéo áo tôi lên. Bên phải ấy. Bên phải của cô.”
Tôi vươn người qua hàng ghế trước, kéo áo anh lên, giở tấm gạc bên dưới ra. Ở đó, nổi bật trên làn da tái xanh của anh là một hình chữ nhật tô mực đen mực trắng, nhỏ tới nỗi tôi phải nhìn hai lần mới nhận ra nó viết gì:
Đẹp nhất trước: 19 tháng Ba 2007
Tôi nhìn nó trân trân. Tôi phì cười, nhưng rồi mắt tôi đẫm lệ. “Đó là…” “Ngày tôi bị tai nạn. Đúng thế.” Anh ngước mắt lên trời. “Ôi vì Chúa, đừng mau nước mắt thế Clark. Chỉ cho vui thôi mà.”
“Cho vui. Cách này chẳng hấp dẫn tẹo nào.”
“Nathan sẽ thích nó. Ôi, thôi nào, đừng như thế. Có phải tôi đang phá hủy cơ thể hoàn hảo của mình đâu nào phải không?”
Tôi kéo áo Will xuống rồi quay lên, khởi động xe. Tôi chẳng biết phải nói gì. Tôi không biết chuyện này có nghĩa là gì. Có phải điều này có nghĩa anh đã bắt đầu chấp nhận tình trạng của mình? Hay chỉ là một cách khác để thể hiện nỗi ghê sợ của anh với cơ thể của chính mình?
“Này Clark, giúp tôi một chút,” anh nói, ngay khi tôi định lái xe đi. “Tìm trong ba-lô cho tôi. Trong ngăn có khóa ấy.”
Tôi liếc nhìn vào gương chiếu hậu rồi lại bật thắng tay lên. Tôi vươn người qua hàng ghế trước, thò tay vào chiếc ba-lô, lục lọi theo hướng dẫn của anh.
“Anh cần thuốc giảm đau à?” Tôi cách mặt anh dăm phân. Từ hôm ở bệnh viện về, chưa hôm nào anh hồng hào như hôm nay. “Tôi có mấy viên trong…” .
“Không. Cứ tìm đi.”
Tôi lôi một mảnh giấy ra rồi ngồi ngay ngắn lại. Đó là một tờ mười bảng gấp gọn.
“Tìm đúng rồi đó. Tờ mười bảng khẩn cấp.” “Để làm gì?”
“Nó là của cô.” “Vì điều gì?”
“Vì hình xăm đó.” Anh cười tươi với tôi. “Cho tới ngay trước khi cô ngồi vào chiếc ghế đó, tôi không hề nghĩ cô sẽ xăm thật.”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.