Bạn đang đọc Trăng Khuyết – Chương 9
Ông Thiệp cao giọng nói với những người cùng đi với mình.
– Trong hệ thống siêu thị thuộc tổng công ty Đông Đô trải dài khắp nước, siêu thị này có doanh thu cao nhất. Điều đó chứng tỏ giám đốc Cang quản lý rất tốt, khả năng làm việc của cậu ấy bằng mấy người.
Ông Khả ngắt ngang lời ông :
– Ông không cần quảng cáo, chúng tôi cũng biết tài của giám đốc Cang rồi. Nhưng để hội nhập với khu vực cũng như toàn cầu, chúng ta cần những người có kinh ngiệm ở nước ngoài, chớ giỏi mà cứ ếch ngồi đáy giếng cũng chả ăn thua.
Cang nóng mặt vì những lời nói bóng gió của ông Khả. Ông ta muốn lăng xê con trai đây mà, nhưng hạ người khác để nâng con mình là điều không nên.
Giọng ông Thiệp nhẹ tênh :
– Đi một ngày đàng học một sàng khôn là đương nhiên, nhưng đâu phải ai cũng đủ bản lĩnh để vận dụng kinh nghiệm ở nước ngoài vào trong thực tế của nước mình. Đó là chưa kể những kẻ chỉ có cái mác hàng ngoại chớ chất lượng thì như đồ phế thải.
Thấy không khí có vẻ căng thẳng, một người trong nhóm liền lảng sang chuyện khác.
– Nghe nói hệ thống phòng cháy vừa được trang bị lại rất hiện đại. Chúng ta đi xem thử.
Ông Thiệp gật gù :
– Đề nghị hay !
Cứ mau mắn :
– Xin mời các ông đi lối này ạ.
Mọi người chậm rãi bước theo Cứ. Vừa rẽ sang những quầy hàng bên trái, Cang chợt thấy Nhã Ca. Cô đi ngược về phía anh trong bộ đồng phục để dành cho nhân viên. Với mái tóc dài đen nhánh buông xõa và gương mặt thanh thoát, Nhã Ca đẹp một cách thoát tục khiến tất cả những người đàn ông đang bước tới gần như sững sờ.
Nãy giờ lặng thinh đi cạnh ông Khả, Phổ không thể lặng im. Anh ta buột miệng :
– Cô bé xinh quá !
Rồi như nhận ra sự bộp chộp của mình, Phổ chuyển ngay sang Cang :
– Công nhận nhân viên của ông Cang cô nào cũng như người mẫu. Ông tuyển người siêu thật.
Cang nhã nhặn :
– Đó là bộ mặt của siêu thị mà.
Không cùng hẹn, nhưng mọi người đều đứng lại trước gian hàng bán linh kiện điện thoại của Nhã Ca và cùng ngắm cô một cách thích thú.
Cô bé và một nhân viên nữ khác gật đầu chào phái đoàn. Thấy ông Thiệp, mặt Nhã Ca tái xanh khiến Cứ phải trấn an :
– Hai em không gì phải sợ, đây là các vị trong Hội đồng quản trị công ty. Các vị đi tham quan siêu thị của chúng ta chớ không phải đi thanh tra, giám sát gì đâu.
Cang liếc vội ông Thiệp và thấy ông sa sầm mặt như không bằng lòng điều gì đó. Phải chăng ông cũng như Trúc Quỳnh, rất ghét Nhã Ca ?
Ngay lúc đó, giọng ông Khả vang lên :
– Này ông Thiệp. Ông có thấy cháu gái đây giống một người nào đó trong ký ức của ông không ?
Mặt lạnh như tiền, Ông Thiệp đáp :
– Tôi chả thấy gì cả ở hiện tại lẫn trong ký ức.
Ông Khả nheo mắt ngắm Nhã Ca như ngắm một món hàng :
– Ấy vậy mà tôi lại thấy đấy. Giống quá là giống. Giống đến mức mới nhìn thoáng tôi đã giật mình rồi tự trách mình thần hồn nát thần tính.
Ông Thiệp cười nhạt nhưng trong bụng rủa thầm Quân. Cái thằng con ngang ngạnh không biết nhìn xa trông rộng ấy vẫn cãi lời ông để bây giờ sắp xảy ra chuyện rồi đây.
Bước tới đứng trước chiếc tủ kính thấp để trưng bày hàng, ông Khả ngọt ngào hỏi Ca :
– Cháu tên gì vậy ?
Nhã Ca lễ phép :
– Dạ cháu là Nhã Ca.
Ông Khả ồ lên thích thú :
– Nhã Ca có nghĩa là một bài ca êm dịu đúng không? Tên hay, lại có ý nghĩa nữa. Thế mẹ cháu là Nhã… gì ?
Nhã Ca chưa kịp trả lời, ông Thiệp đã giục Cứ :
– Nào, chúng đi tiếp chứ.
Rồi ông bước trước khiến mọi người đành bước theo. Tự nhiên Cang linh cảm giữa ông Khả, ông Thiệp và cô bé Nhã Ca có một mối liên hệ nào đó mà ông Thiệp thì cố lẩn tránh, dang xa trong khi ông Khả cố níu kéo gài buộc. Nhưng mối liên hệ giữa họ là gì, Cang không thể đoán được.
Mặc cho Cứ hào hứng, giới thiệu các thiết bị chữa cháy vừa được mua mới toàn bộ, ông Thiệp lẫn ông Khả đều không mấy quan tâm. Họ như chìm vào những toan tính, riêng tư nào đó mà Cang dễ dàng nhận ra qua ánh mắt đăm chiêu, tư lự của từng người.
Trong tổng công ty Đông Đô này, ai chả biết ông Khả và ông Thiệp đối đầu với nhau. Cả hai ông đều cáo già và thủ đoạn như nhau. Ông Thiệp muốn tạo thế ình nên luôn ủng hộ Cang trong công việc. Là một người khôn ngoan, ông không cân nhắc con trai mình, nhưng Quân vẫn có một chức vụ quan trọng trong công ty. Anh luôn được lòng các cổ đông lớn. Nhờ tài ngoại giao khéo léo và có lẽ nhờ cả uy tín của ba mình. Cho dù Cang biết Quân và ông Thiệp không hợp tình ý nhau. Cha con xung khắc trong gia đình nhưng vào công ty ý cha đưa ra, con răm rắp tuân theo và lắm khi Quân còn tâng bốc ông bố lên tận mây.
Giọng ông Khả vang lên cắt ngang suy nghĩ của Cang :
– Cậu Cang điều hành, quản lý khá lắm nhưng tương lai chúng ta sẽ mở một siêu thị phục vụ toàn khách du lịch nước ngoài. Tôi e ý tưởng của cậu sẽ bắt nhịp không kịp.
– Chúng ta sẽ đưa Cang đi đào tạo ở nước ngoài, anh lo gì cơ chứ.
Phổ gật gù kẻ cả :
– Ý tưởng hay! Nhưng thời gian không cho phép đâu, thưa bác.
Một vị trong Hội đồng quản trị lên tiếng :
– Chúng ta sẽ bàn vấn đề này sau.
Phổ nhếch mép nhìn Cang đầy khiêu khích, nhưng anh phớt lờ không chú ý. Anh thừa biết Phổ đang khích tướng anh, nhưng Cang chả dại gì rơi vào bẫy ấy. Anh đang cần củng cố uy tín của mình mà.
Cuối cùng cuộc thăm viếng đột xuất của các VIP trong tổng công ty cũng đến hồi kết thúc, Cang trở về phòng làm việc.
Đặt lưng xuống ghế, việc anh làm đầu tiên là đốt thuốc rồi suy nghĩ.
Rít được nửa điếu thuốc, Cang nhấn số di động của Quân, nhưng cậu ta đã tắt máy. Bố khỉ ! Chắc hắn đang hú hí với em nào đó. Nếu thế thì tội cho Nhã Ca.
Mà tại sao anh lại tội cho Nhã Ca khi anh biết khá nhiều những bạn gái chỉ một thời rồi thôi của Quân.
Chả lẽ vì Nhã Ca không giống những cô nàng đỏng đảnh này à ?
Nhún vai, Cang cố gạt bỏ hình ảnh Ca ra khỏi tâm trí mình ngay lúc đó điện thoại reo.
Anh nhấc máy lên và nghe giọng Thục Trinh thật ngọt :
– Em về rồi, đang chờ anh ở nhà. Về nhanh nhé !
Cang buột miệng nhanh đến mức chính anh cũng không ngờ.
– Anh chưa về được.
– Sao cơ ? Đã hết giờ làm việc mà vẫn chưa về với vợ được ? Em có nghe lầm không vậy ?
Cang cao giọng :
– Không lầm đâu. Anh bận lắm.
Thục Trinh ré lên :
– Anh luôn coi công việc nặng hơn vợ, nhưng lúc nào cũng rộng mồm trách tôi. Thế thì đi luôn đi, đừng về nhà nữa. Tôi cóc cần anh.
Cang buông ống nghe xuống trước khi Thục Trinh gác máy. Anh không hờn giận cô đã bỏ anh đi cả nửa tháng ròng, rõ ràng tình cảm anh dành cho Trinh đã hết, với vợ, anh không còn chút xúc cảm nào. Cang bàng hoàng nhận ra điều bất hạnh đó. Liệu cuộc hôn nhân này còn kéo dài được bao lâu nữa ? Anh thừ người ra trên ghế nhìn cái kim giây trên đồng hồ nhích từng nấc một.
Cái trò làm chủ một gia đình hạnh phúc mà Quân mách nhỏ với anh xem vậy mà khó đấy. Thở dài, Cang đứng dậy, anh ra khỏi siêu thị và bước vào quán cà phê gần đó. Đã chín giờ tối, quán đông người, chật vật lắm. Cang mới tìm ình một chỗ trong góc. Không gian ở đây ấm áp và yên tĩnh với giai điệu một bài nhạc không lời như ru thật phù hợp cho những cặp tình nhân cần một chỗ riêng. Cang thấy mình già và lạc lõng giữa những người yêu nhau còn khá trẻ này.
Thời yêu đương mê đắm mắt trong mắt, tay trong tay, xa nhau một giờ đã thấy nhớ vĩnh viễn qua đi rồi. Cang sẽ không bao giờ tìm lại được cảm giác đó với Thục Trinh và với bất cứ người đàn bà nào.
Nhếch môi Cang xua cái ý nghĩ có phần bi quan ấy ra khỏi tim. Bưng ly cà phê đen lên anh nhấp một miếng và nhìn thấy Quân.
Anh chàng không vào quán một mình mà vào với Nhã Ca. Thế đấy, lại thêm một đôi tình nhân nữa, bỗng dưng Cang thấy vui vui. Thay vì cho Quân và Nhã Ca biết mình đang trong quán, Cang xoay người lại tránh, anh không muốn hai người mất tự nhiên vì anh.
Nói thì nói vậy chớ Cang vẫn tò mò nhìn trộm họ và ngạc nhiên khi cả hai có vẻ căng thẳng như đang tranh luận vấn đề gì đó.
Quân ôn tồn trong khi thái độ của Nhã Ca khá gay gắt. Cô khóc và bỏ đi trong khi Quân ngồi gục đầu như người có lỗi.
Chẳng lẽ Quân vừa nói lời chia tay với cô bé ? Tự dưng Cang bất bình quá, anh tới chỗ Quân ngồi và vỗ mạnh lên vai cậu ta, khiến Quân giật mình ngước lên.
Cang cộc lốc :
– Sao Nhã Ca khóc vậy ?
Quân quắc mắt :
– Chuyện riêng của tao, mày đừng chen vào.
Cang vẫn không thôi :
– Mày bỏ rơi con bé à ?
Quân im lặng. Anh khoát tay :
– Làm gì có chuyện đó, mày khéo tưởng tượng quá.
Nhìn đồng hồ cho có lệ, Quân cụt ngủn :
– Tao về trước.
Cang nhún vai quay lại bàn của mình. Anh nâng ly lên. Cà phê đen với một chút đắng, một chút ngọt giống như tình yêu, lẫn trong hạnh phúc thường là nỗi đau. Tội nghiệp con bé Nhã Ca. Với Quân là cuộc tình thứ mấy chục, nhưng với con nhỏ chắc là mối tình đầu. Một mối tình không đẹp như cô bé tưởng.
Trở về siêu thị, anh lấy xe rồi ngần ngừ không biết đi đâu. Cuối cùng Cang quyết định về nhà má Mười. Bà luôn mở rộng cửa đón anh. Chỉ nghĩ thế, Cang đã thấy bình tâm. Anh tăng ga, đầu cứ nghĩ mãi lung tung về Thục Trinh, rồi về Nhã Ca và Quân.
Con bé ấy hẳn đang rất cô đơn và đau khổ. Nó có giống Cang hiện giờ không ?
Một bóng nhỏ gò lưng đạp xe trên đường khuya làm Cang chú ý và nhận ra đó là Nhã Ca. Dưới ánh sáng vàng cam của dàn đèn cao áp trông cô tội tội làm sao, Cang định vượt lên song song với Ca nhưng lại ngại. Cô bé đang buồn lại nhọc nhằn với chiếc xe đạp cọc cạch, anh nỡ nào chạy chiếc Future này bên cạnh hoặc sau vài câu xã giao lại phóng nhanh về nhà và bỏ mặc cô một mình trên đường khuya vắng, thôi thì cứ chầm chậm chạy sau lưng Ca vậy.
Được một đoạn, Cang thấy Ca tấp xe vào lề, anh mất đà đành thắng xe kế bên.
Đang ngồi thụp xuống loay hoay với cái sên bị tuột, Nhã Ca giật mình khi có tiếng xe ngừng lại rồi tiếng người hỏi :
– Hư xe hả Nhã Ca ?
Ngẩng lên, Ca càng hoảng hơn khi nhận ra Cang, cô ấp úng :
– Dạ… nhưng tôi tự sửa được.
Cang trầm trồ :
– Chà ! Em giỏi dữ vậy sao ? Tôi muốn xem tài nghệ của em.
Nhã Ca thản nhiên :
– Cũng thường thôi. Thưa giám đốc.
Dứt lời, cô rút dưới yên xe ra một cái khăn,
(Mất hai trang, blank pages)
– Nếu được làm Bụt, tôi sẽ hỏi em : “Vì sao em khóc ?”
Nhã Ca gượng cười, Cang lại tiếp tục :
– Phải vì anh chàng con yêu đã không còn yêu con nữa không ?
Nhã Ca lắc đầu :
– Đương nhiên là không. Ông suy diễn sai rồi thưa… Bụt.
Cang hỏi :
– Vậy vì sao con khóc trong quán cà phê ?
Nhã Ca tấp xe vào lề làm Cang cũng vội thắng kít lại, cô ấp úng :
– Vì sao giám đốc biết ?
– Giám đốc chả biết gì hết. Chỉ có Bụt biết thôi ? Phải gia đình Quân và bản thân cậu ấy làm em buồn không Ca ?
– Làm gì có chuyện đó ! Sao giám đốc lại tưởng tượng ra như vậy nhỉ ?
Cang nhìn vào mắt Nhã Ca :
– Tôi nhìn thấy chớ không tưởng tượng. Lúc gặp ông Thiệp trong siêu thị, mặt em cứ tái xanh. Không phải tôi tò mò, thích chõ mũi vào chuyện người khác, nhưng rõ ràng Nhã Ca đang gặp khó khăn từ phía gia đình Quân. Khó khăn đó là gì, tôi có thể giúp nếu em nói ra.
Nhã Ca vẫn nhỏ nhẹ lễ phép :
– Cám ơn anh. Không có gì đâu ạ.
– Thật chứ ? Tôi không muốn bất cứ ai ăn hiếp nhân viên của mình dù người đó là bạn bè.
– Được giám đốc quan tâm thật cảm động.
Cang ngọt nhạt :
– Tôi kinh khủng lắm mà.
Nhã Ca gật đầu :
– Vâng. Thật kinh khủng. Nhưng em đã quen rồi, nếu nghỉ làm, không gặp giám đốc, chắc buồn lắm.
– Vậy thì đừng nghỉ.
Nhã Ca ngập ngừng :
– Tháng sau em phải đi học cả sáng lẫn chiều, chắc không làm nổi. Chỉ mong anh hiểu là em rất tiếc khi phải nghỉ việc.
Cang buột miệng :
– Tôi cũng vậy, nhưng vẫn chưa tới tháng sau mà, biết đâu sẽ có sự thay đổi nào đó.
Nhã Ca buồn thiu :
– Sẽ không có sự thay đổi nào đâu.
Rồi cô lảng sang chuyện khác :
– Giờ này anh vẫn chưa về chắc chị ở nhà đang trông lắm.
Cang xa xôi :
– Có lẽ thế. Nhưng tôi quen về trễ rồi. Đã là thói quen thì khó sửa chữa, của cả tôi lẫn cô ấy. Chúng tôi đã thoả thuận không được làm phiền nhau. Cô ấy có những công việc của mình, lắm khi về còn trễ hơn tôi.
– Vậy hai người rất ít khi được bên nhau ?
– Gần đúng như vậy.
Nhã Ca buột miệng :
– Thế thì làm vợ giám đốc đâu có sướng.
Cang lắc đầu :
– Đâu phải làm giám đốc nào cũng tệ như tôi. Mà sao mình đứng ngoài vỉa hè trò chuyện như vậy. Chúng ta tìm một quán ăn nhé. Tôi đang đói đây.
Nhã Ca từ chối :
– Dạ xin giám đốc để dịp khác. Em không thể về nhà tối hơn nữa đâu ạ.
Cang chép miệng :
– Tiếc nhỉ ! Thế là tôi lại một mình.
Nhã Ca tò mò nhìn Cang. Sao ông ta lại buột miệng một câu nói lời thở than vậy nhỉ ?
“Lại một mình”, có nghĩa là ông ta rất hay một mình. Có tội không chớ?
Nhã Ca ngập ngừng :
– Giám đốc không đi uống rượu chớ ?
Cang ậm ự :
– Chắc là có đấy. Rượu vào người ta thấy ấm lòng hơn.
– Rồi sẽ ói lung tung, ngã ngiêng ngã ngửa ngoài đường.
– Sao em biết ? Chà ! Tay Quân nói xấu bạn phải không ? Tệ thiệt !
Nhã Ca ái ngại :
– Em nghĩ dù một mình anh cũng nên về nhà nghỉ ngơi. Anh làm việc ngày hơn tám chín tiếng, không giữ gìn sức khỏe sẽ bệnh đó.
Cang bật cười :
– Lần đầu tiên trong đời giám đốc tôi được nhân viên nhắc nhở như vậy. Em làm tôi nhớ tới mẹ mình. Bà lúc nào cũng càm ràm cử rử, dù bây giờ bà ở tận bên Úc, nhưng vẫn thường xuyên điện thoại về rầy la.
Nhã Ca nói nhỏ :
– Có mẹ để rầy rà là hạnh phúc rồi.
Cang nhướng mày :
– Còn em thì sao ? Có bị mẹ rầy thường không ?
Ca lắc đầu :
– Em chưa bị mẹ rầy lần nào.
Cang không tin.
– Giỏi dữ vậy sao ? Thật khó tin.
Nhã Ca đều giọng :
– Tại vì em không có mẹ, chớ không phải vì em giỏi.
Cang hỏi gặng :
– Không có mẹ nghĩa là thế nào ?
– Nghĩa là… không có mẹ ạ.
Cang lặng lẽ nhìn Nhã Ca. Con bé có vẻ gì thật chua chát khi giải thích kiểu như thế. Đây là một hoàn cảnh khiến Quân động lòng trắc ẩn ư?
Cang cao giọng :
– Tôi bắt đầu tò mò về em rồi Nhã Ca. Nếu không có mẹ, em đang sống với ai ? Một ông bố gà trống nuôi con à ?
Nhã Ca chưa kịp trả lời, Cang đã nói tiếp :
– Nếu thế, Quân khó bảo toàn tính mạng khi làm con gái rượu của ông rơi lệ rồi.
Nhã Ca lắc đầu :
– Chuyện không như giám đốc nghĩ đâu.
– Vậy nó như thế nào ?
Nhã Ca lảng đi :
– Xin phép giám đốc em về. Đã khuya lắm rồi.
Cang chợt xìu xuống :
– Ừ nhỉ ! Tôi thật vô ý. Đã khuya rồi mà lại chận đường em. Thôi, em về nhé. Dù tôi rất muốn chung đường, nhưng tới đây cũng đành chia tay. Chúc ngủ ngon !
Dứt lời, anh phóng xe đi trước vẻ ngỡ ngàng của Nhã Ca.
“Tay” giám đốc này hơi bị khó hiểu. Hiện giờ Nhã Ca đang có tâm trạng nên không muốn quan tâm thêm người khác. Cô mệt mỏi với áp lực tâm lý đang đè nặng trái tim. Nhã Ca mong mau hết tháng để rời khỏi chỗ này. Lúc nãy anh Quân đã hết sức khó khăn khi mở lời như vậy với Ca.
Anh Quân bảo sẽ tìm cho cô một chỗ làm khác. Cô đã giận dỗi bảo không cần trong nước mắt và giận dỗi bỏ đi.
Thật ra, anh Quân đâu có lỗi gì. Nhã Ca cũng thế. Vậy mà… Người đàn ông đó chưa bao giờ và không bao giờ là ba của cô. Ca sẽ cứ làm việc ở đó thử xem ông ta tức cỡ nào.
Dấn mạnh pedal, Nhã Ca đạp xe đi. Trước mặt cô là con ngõ dẫn vào nhà trọ. Con ngõ không tối tăm nhờ những ngọn đèn đường vàng mù mờ. Màu vàng ấy không hứa hẹn điều tốt lành, nhưng dù sao nó cũng xua đi bóng tối.