Bạn đang đọc Trăng Khuyết – Chương 10
Phổ gõ tay lên mặt tủ kiếng, mắt không rời Nhã Ca. Cô bé đang thay pin điện thoại cho anh với vẻ cẩn thận và chăm chú Chăm chú đến mức không biết có người đang nhìn lén mình.
Cô bé đúng là dễ thương . Thoạt thấy con nhỏ lần đầu, Phổ đã thấy quen quen, đến khi nghe ba mình nhắc đến Nhã Dung, anh mới nhớ ra…
Người đàn bà đẹp nổi tiếng có nhiều đời chồng ấy. Phổ không lạ gì. Cộng đồng người Việt ở Toronto đâu nhiều nhặn gì. Tiếng lành đồn gần tiếng dữ đồn xa là đương nhiên. Điều lạ là con gái bà ta cũng như mẹ. Nghe nói giám đốc Cang rất ưng con nhỏ, dù Thục Trinh vẫn sờ sờ trước mắt. Thế mới biết dù không sống với mẹ từ nhỏ, nhưng con gái vẫn mang gien lẳng lơ của người mang nặng đẻ đau.
Bỗng dưng Phổ nhếch môi hằn học. Anh vẫn chưa quên mối tình thù xưa kia. Hồi đó Thục Trinh yêu anh nhưng lại chịu làm vợ Cang. Cuộc đời luôn có những điều bất ngờ. Phổ như rơi xuống vực sâu không đáy khi nhận được tin người yêu đi lấy chồng.
Anh đau vì bị phản bội, vì sự thua kém của mình so với Cang. Thục Trinh chọn chồng giàu. Nếu đem tài sản ra cân đong đo đếm, gia đình Cang “nặng ký” hơn gia đình Phổ về nhiều mặt. Giòng họ Đặng Đình của Cang nổi tiếng giàu sang nhất nhì đất Bình Dương chớ không thuộc dạng gặp thời mới phất lên như gia đình anh và gia đình ông Thiệp. Cang lại là con trai duy nhất, người thừa kế của cả giòng họ Đặng Đình còn sống tại Việt Nam, trong khi họ hàng của giòng họ định cư ở nước ngoài và đều rất thành danh, giàu có. Thục Trinh chọn Cang là tất nhiên.
– Thưa ông, xong rồi.
Giọng trong trẻo và ngọt ngào của Nhã Ca vang lên khiến Phổ bừng tỉnh.
Anh lấy lại vẻ hoạt bát của mình thật nhanh. Bằng giọng điệu đã chuẩn bị sẵn, anh nhỏ nhẹ :
– Cám ơn Nhã Ca.
Đứng kế bên cô, Tường kêu lên kinh ngạc :
– Thuộc cả tên người bán hàng. Siêu thật !
Nhã Ca cũng ngạc nhiên không kém. Nhân viên siêu thị ai cũng đeo bảng tên, nhưng hôm nay cô để quên bảng tên mình ở nhà, vậy mà anh ta gọi Nhã Ca như thân quen với cô từ đời nào.
Phổ tủm tỉm cười rồi nhấn mạnh :
– Trông Nhã Ca giống mẹ lắm. Nhất là đôi mắt biết cười biết nói.
Líu cả lưỡi, Nhã Ca lắp bắp :
– Ông biết mẹ tôi à ?
Phổ không rời mắt khỏi gương mặt tái xanh của Nhã Ca. Anh buông từng tiếng :
– Tôi biết, nếu mẹ em tên là Nhã Dung.
Nhã Ca rùng mình. Cô trấn tĩnh lại và lạnh lùng :
– Rất tiếc không phải.
Phổ vẫn nói :
– Nhưng trông em rất giống cô Nhã Dung lắm.
Nhã Ca thản nhiên :
– Thế giới hơn sáu tỉ người, nên người này giống người kia là chuyện thường, thưa ông.
Phổ cao giọng :
– Em không thắc mắc về cô Nhã Dung, người tôi cho là rất giống em sao ?
Nhã Ca lễ phép :
– Dạ không ạ. Từ khi ra đứng bán ở đây, tôi vẫn bị khách hàng nói giống người này, người kia quen với họ. Thậm chí tôi còn bị nói giống một diễn viên nổi tiếng của Hàn Quốc nữa, nhưng tôi đâu có tin.
Phổ bật cười. Anh gật gù :
– Khá lắm ! Tôi chào thua nhân viên của giám đốc Cang. Người đẹp, lại khôn khéo, thông minh thế này bảo sao ông Cang không cưng cho được.
Nhã Ca hơi cau mày vì những lời của Phổ. Cô không biết anh ta là ai, nhưng lời nào anh ta nói cũng là gươm là dao sắc nhọn, dễ sợ, và có mục đích hẳn hoi. Nhưng mục đích đó là gì nhỉ ?
Mặt nghiêm lại, Nhã Ca nói :
– Nhân viên nào làm tốt công việc ông Cang cũng quý hết, thưa ông.
Vẫn giọng điệu khiêu khích, Phổ cười cười :
– Nhưng phải có người quý nhiều có người quý ít chứ. Đúng không ?
Nãy giờ im lặng. Tường mới chen vào :
– Ủa, mà giám đốc Cang quý ai đâu mắc mớ tới anh. Sao nãy giờ anh cứ rề rà hỏi tới hỏi lui vậy? Mua bán xong xuôi, tiền thừa cũng đã thối rồi mà.
Nhã Ca khẽ huých vào chân Tường, nhưng cô vẫn tỉnh queo.
– Ngày nào cũng gặp khách khoái cà kê dê ngỗng như anh, chắc tụi tui chết sớm.
Phổ ung dung :
– Không cần mỗi ngày mỗi gặp đâu em gái. Chỉ gặp nhau lần này thôi, em cũng sẽ chết sớm. Có là nhân viên đầu ấp tay gối của giám đốc Cang đi chăng nữa cũng tiêu.
Dứt lời, anh nháy mắt với Nhã Ca rồi bước đi.
Tường nhìn theo :
– Thằng cha này trông quen quen, nhưng cái mặt điếm đàng quá !
Nhã Ca bảo :
– Vừa rồi ông ta nói những lời như hăm dọa chị.
Tường nhún vai :
– Ăn thua gì. Em mới đứng quầy nên hay nhịn, hay lo, chớ chị thâm niên buôn bán quá rồi, nên chả sợ những gã vờ như quen biết để hù dọa người nghèo như chị em mình. Với những gã đó mình phải “kê” tủ đứng vào mồm cho nó quê mà bỏ đi.
Nhìn Nhã Ca, Tường thắc mắt :
– Sao hắn lại hỏi những câu kỳ cục vậy kià ? Dù em đã bảo rằng không phải, nhưng chị thấy dường như hắn tin chắc mẹ em tên Nhã Dung.
Nhã Ca bối rối :
– Em không biết tại sao nữa. Cứ kệ hắn đi.
Tường bỗng ồ lên :
– A ! Chị nhớ rồi. Cách đây mấy bữa, hắn có mặt trong đoàn khách đi với gíam đốc Cang. Chà! Chắc là hắn làm trên tổng công ty. Sao chị ghét những người làm phách như hắn quá.
Tường vừa dứt lời thì Cứ đi tới. Anh nhìn Nhã Ca cười cười :
– Có người hỏi thăm Nhã Ca đó.
Cô thắc thỏm hỏi :
– Ai vậy anh ?
Cứ lấp lửng :
– Một chàng bạch mã hoàng tử mà nhiều cô gái hằng mơ ước. Thử đoán xem.
Tường khịt mũi :
– Trông chàng ta có giống anh không ?
Sửa cái gọng kính trên sống mũi lại, Cứ nói :
– Không. Anh đẹp trai hơn chàng nhiều, có điều anh không giàu, không thế lực như chàng.
Nhã Ca nghĩ ngay tới gã lúc nãy và nói :
– Thật tình em không đoán ra là ai.
Cứ buông từng tiếng với vẻ quan trọng :
– Là con trai tổng giám đốc, người có quyền lực cao nhất trong tổng công ty.
– Sao ông ta lại hỏi thăm em ?
– Có thể anh ta thích em hổng chừng.
Nhã Ca phản ứng :
– Làm gì có chuyện đó. Anh chỉ trêu em.
Tường hất hàm :
– Thật ra, con trai ông Khả hỏi gì về Nhã Ca ? Anh nói toẹt ra cho rồi. Úp mở hoài chán quá.
Cứ gãi ót :
– À, cậu Phổ hỏi em vào làm lâu chưa, do ai tuyển ? Rồi anh có biết gì về gia đình em không ?
Tường tò mò :
– Thế anh trả lời sao ?
– Anh trả lời không biết.
Tường khen :
– Giỏi ! Rồi sao nữa ?
– Hết. Hắn đi te te một nước ra quầy tụi em đó.
Nhã Ca kêu lên :
– Là người mặc áo sơ mi màu đen à ?
– Đúng. Em không quen thật chứ ?
Nhã Ca nhè nhẹ lắc đầu. Hôm trước ông Khả đã đặt một loạt câu hỏi về Ca trước mặt ông Thiệp. Điều đó chứng tỏ ông ấy đã nhận ra cô. Nhã Ca rất giống mẹ, bà ngoại và dì Nhã Bình đều nói như vậy. Chính vì thế nên ông Thiệp không muốn cô xuất hiện trong công ty này, dù chỉ trong cương vị của nhân viên bán hàng. Ông sợ người ta truy ra được rằng đương kim chủ tịch Hội đồng quản trị công ty có một đứa con rơi do thời còn trẻ lăng nhăng, đèo bồng. Ông sợ Nhã Ca làm bẩn thanh danh, uy tín. Ông sợ đợt bầu lại Hội đồng quản trị sẽ bị mất chức vì đạo đức xấu.
Nhã Ca không là gì đối với ông Thiệp cả. Nếu có, có lẽ cô là cái gai trong mắt mà ông đang muốn nhổ bỏ. Thật không gì đau đớn bằng có một nỗi đau không thể tìm người chia sẻ.
Thấy Ca đứng thừ ra, Tường vỗ nhẹ vào tay cô :
– Tay Phổ này có vấn đề, nhưng không gì em phải lo hết.
Giọng Cứ hạ xuống đầy quan trọng :
– Giám đốc Cang rất thân với phó giám đốc nhân sự Quân. Sắp bầu lại hội đồng quản trị, trâu bò tha hồ húc nhau, tội nghiệp ruồi muỗi phải chết oan . Nhưng ông Quân không để em bị ảnh hưởng đâu. Cứ làm việc cho ngon lành vào, chả ai dám động tới em. Thôi hai chị em trông hàng nghen, có khách quý tới kìa. Cẩn thận đó.
Nhìn theo cái hất hàm của Cứ, Nhã Ca thấy Trúc Quỳnh. Chị ta đi với một phụ nữ khá đẹp, lại ăn mặc thật sang trọng Hai người đang dừng chân trước cửa hàng bán vàng bạc trang sức đối diện xéo xéo cửa hàng của Ca.
Tường chống nạnh :
– Lại con mụ này nữa à? Nếu mụ ấy ghé vào quầy mình, em cứ để cho chị. Chà! Bữa nay lại đi chung với bà giám đốc Cang. Tính dựa hơi chắc.
Nhã Ca tò mò nhìn vợ của Cang trong khi miệng Tường “làm việc” không ngừng :
– Nhìn bà Thục Trinh kìa! Cứ y như người mẫu. Ngoài ba mươi rồi chớ trẻ trung gì đâu mà bầy đặt nhuộm tóc.
Ca nghi ngờ :
– Sao chị biết vợ giám đốc ngoài ba mươi? Em thấy bà ấy còn quá trẻ.
Tường bĩu môi :
– Trẻ son, trẻ phấn, trẻ quần, trẻ áo chớ trẻ gì? Ai hổng biết bà với ông Cang cùng một tuổi. Băm rồi mà chả chịu đẻ gì hết, coi chừng vô sinh đó.
Nhã Ca tủm tỉm cười :
– Sao chị độc miệng vậy ?
Tường nhún vai :
– Thì sự thật là vậy mà. Bà ta đâu muốn có con vì sợ hư phọt. Ông Cang đau khổ vì bà vợ này vô cùng. Ai hổng biết.
Nhã Ca lại nhìn về phía Thục Trinh. Cô ta đúng là đẹp, lại biết ăn mặc, trang điểm nên sắc đẹp dường như được nhân lên. Nhưng trong cái đẹp ấy có một chút gì vô cảm khiến người khác khó gần.
Trúc Quỳnh cặp tay Thục Trinh đi tới quầy của Nhã Ca.
Dừng lại ngay trước chỗ Ca đứng, Quỳnh cao giọng :
– Nhân viên cưng của giám đốc Cang đó. Nó khéo chiều, khéo ngọt lắm, Trinh cứ đi biền biệt coi chừng mất chồng có ngày.
Quắc đôi mắt tô trắng bạt thời thượng về phía Nhã Ca, Thục Trinh nhìn cô như ước lượng đánh giá rồi nói :
– Nhìn không đến nỗi tệ, anh Cang có thể tìm vui chút chút được.
Trúc Quỳnh tròn xoe mắt :
– Trinh không ghen à ?
Thục Trinh kiêu ngạo :
– Hơi đâu mà ghen với hạng đó. Em phải dành tâm trí cho những chuyện khác tầm cỡ, chớ ba thứ rác rưởi này… Chậc !
Trúc Quỳnh trầm trồ :
– Em tự tin quá, chị thật nể em luôn.
– Trái tim ông Cang em nắm trong tay, nên chả gì phải lo hết.
Dứt lời, Thục Trinh ném về phía Nhã Ca cái nhìn như dao đầy hăm dọa rồi nắm tay Quỳnh kéo đi.
Trong lúc Nhã Ca còn đang ngậm đắng nuốt cay vì những gì vừa nghe thì Tường đã rít lên qua kẽ răng.
– Đồ hai con… chồn đen! Mụ Trúc Quỳnh định mượn tay Thục Trinh để tống em khỏi đây. Mụ ta thù dai thật.
Nhã Ca nhếch môi, cô cảm thấy mệt mỏi thật sự. Áp lực công việc với cô không nặng bằng áp lực của những mối quan hệ luôn phải che đậy, giấu kín. Có lẽ nên rời khỏi đây thôi.
Giọng Tường đầy tò mò :
– Nghe anh Cứ nói em là người quen của phó giám đốc Quân. Vậy sao bà Trúc Quỳnh lại đối xử với em chả ra gì nhỉ ?
Nhã Ca lạnh lùng :
– Tại vì em không quen bà ta.
– Thì ra là vậy. Chậc! Coi bộ khó cho em rồi.
Nhã Ca trầm giọng :
– Em và anh Quân không như chị nghĩ đâu.
– Em biết chị nghĩ gì à ?
Nhã Ca chưa kịp trả lời thì có khách, Tường đon đả chào mời. Nhã Ca bước vào trong sắp xếp lại những cái điện thoại di động bày làm mẫu trong tủ kính. Cô cố gạt khỏi tâm trí những gì vừa xảy ra từ chuyện Phổ hỏi tên mẹ cô, đến chuyện Trúc Quỳnh cố tình mượn tay Thục Trinh sỉ nhục cô.
Thở dài, Nhã Ca đóng cửa kính lại, ngay lúc ấy cô thấy Quân.
Anh nói nhỏ :
– Hết giờ làm việc qua quán Trung Nguyên, anh đợi bên ấy.
Rồi chả cần biết Nhã Ca đồng ý không, Quân bỏ đi một nước.
Tường cười cười :
– Lại hẹn hò à? Sướng nhỉ!
Nhã Ca làm thinh, nhưng lòng nặng như đeo đá. Cô khó thanh minh ối quan hệ này. Thôi thì thây kệ. Cứ để người ngoài hiểu lầm. Biết đâu vậy mà hay cho Nhã Ca lẫn ông Thiệp và Quân.
Tường lại lên giọng chị :
– Nghe đồn ông Quân thay bồ như thay áo. Trước kia, Quân cũng đã mời vài cô nhân viên nhẹ dạ trong công ty đi cà phê, rồi cũng chả tới đâu, thậm chí đã có đứa phải nghỉ việc. Em nên tránh vết xe đổ thì hơn.
Nhã Ca tiếp tục làm thinh. Cô nhìn đồng hồ, sốt ruột. Thấy thế Tường nói :
– Cứ về trước đi, giờ này ít khách rồi, chị đứng quầy một mình được mà.
Nhã Ca không cần khách sáo :
– Nếu vậy em về trước. Cám ơn chị nhiều.
Tường hóm hỉnh :
– Về… vui vẻ nha.
Nhã Ca mỉm cười dù biết chắc mình sẽ không vui vẻ chút nào.
Vào quán cà phê Trung Nguyên, Nhã Ca không phải tìm đã thấy Quân ngồi gần cửa.
Kéo ghế cho cô xong, anh nói ngay vào đề chớ không rào đón.
– Anh đã tìm được chỗ làm khác cho em. Ngày mai có thể bắt đầu. Chỗ này lương cao hơn, thời gian ngắn hơn, như vậy sẽ đỡ cực cho em.
Nhã Ca chớp mi :
– Cám ơn anh.
Quân phật ý :
– Sao anh ghét nghe câu “cám ơn” từ em quá.
Nhã Ca tự bào chữa :
– Em không biết nói sao cho vừa lòng anh.
Quân nhấn mạnh :
– Anh chỉ muốn em đừng coi anh như người dưng nước lã. Đừng nghĩ những gì anh làm cho em là trách nhiệm mà phải hiểu đó là tình cảm anh trai dành cho em gái. Trước đây, anh vô tâm cho rằng em dù không gần ba, nhưng vẫn có mẹ và bà ngoại lo lắng, nên chả thấy mình có bổn phận gì. Bây giờ anh lại nghĩ khác và ân hận vì sự ích kỷ của bản thân. Nhất định anh sẽ lay chuyển ba để một ngày nào đó, ông phải danh chánh ngôn thuận nhận em là con gái.
Nhã Ca nói ngay :
– Em không muốn đẩy anh vào chỗ khó vì em biết ba, chị Quỳnh và mẹ anh chả đời nào chấp nhận em.
Im lặng vài giây, Ca nói tiếp :
– Bản thân em cũng không muốn.
Quân phản đối :
– Em đâu thể làm một người vô gia đình mãi được.
Nhã Ca nhăn mặt :
– Chuyện đó sau này hãy nói nghe anh.
Quân khẽ gật đầu. Anh thở dài :
– Người thiệt thòi nhất là em.
Ca lảng đi :
– Chưa hết tháng, em nghỉ ngang có kỳ không khi giám đốc Cang, anh Cứ, chị Tường rất tốt với em.
Quân khoát tay :
– Đó chỉ là quan hệ công việc, em không cần phải bận tâm. Anh sẽ nói hộ em.
Nhã Ca hỏi :
– Anh biết ông Phổ không ?
Quân gật đầu :
– Anh biết. Có chuyện gì không ?
Nhã Ca ngắn gọn :
– Ông ta bảo biết mẹ em và khẳng định bà tên Nhã Dung. Phổ nói em rất giống mẹ. Chả lẽ Phổ biết mẹ em ?
Quân nhíu mày :
– Hồi xưa, bác Khả tức là ba Phổ và mẹ em làm chung cơ quan. Chắc chắn ông Khả biết mẹ em. Anh nghĩ cha con ông ta muốn lợi dụng em và cô Nhã Dung để chống lại ba chớ chưa chắc Phổ biết mặt cô Dung.
Nhã Ca gật gù :
– Em cũng nghĩ thế, nên nhất nhất phải không nhận chuyện hắn nói.
Quân mỉm cười :
– Anh mừng vì em biết nghĩ cho ba.
Nhã Ca chớp mi :
– Em chỉ nghĩ tới anh thôi. Chớ ba thì không. Thậm chí em không muốn nghỉ làm ở đây chỉ vì muốn ba phải tức phải lo.
Quân trầm giọng :
– Cám ơn em đã nghĩ lại.
Nhã Ca bắt bẻ :
– Anh ghét “cám ơn” lắm mà !
Quân chép miệng :
– Biết sao đây khi mình bị nhiễm cái mình ghét từ người khác.
Quân dứt lời, cả hai anh em cùng cười.
Nhã Ca ngập ngừng :
– Anh biết gì về chuyện ba và mẹ em hồi đó ?
Quân lắc đầu :
– Anh có biết gì đâu.
Nhã Ca nghiêm nghị :
– Nếu là anh của em, anh phải thành thật với em chớ. Anh đã biết gì về chuyện của ba và mẹ em ngày xưa? Kể cho em nghe với.
Quân trầm ngâm một hồi mới bắt đầu kể :
– Hồi anh học lớp sáu, tức là độ mười một, mười hai tuổi gì đó, trong gia đình đã xẩy ra một chuyện, ba đang làm việc trong một cơ quan lớn với một tương lai thăng tiến đầy hứa hẹn, bỗng đột ngột bị kỷ luật và buộc thôi việc.
Nhã Ca liếm môi :
– Vì lý do gì? Phải vì mẹ em không?
Quân nói :
– Hồi đó anh còn bé nên không hiểu vì sao. Anh chỉ nhớ khi ấy ba và mẹ anh gây nhau rất dữ, bà đưa anh và chị Quỳnh về sống với bà ngoại. Phải một năm sau, lúc ba đã tìm được việc làm khác và qua van xin năn nỉ mẹ anh mới chịu quay về. Lúc ở bên ngoại, anh nghe ngoại chuyện trò với mẹ mới biết ba bị kỷ luật vì một người đàn bà còn rất trẻ và rất đẹp, tên Nhã Dung.
Thấy Nhã Ca bưng ly nước lên uống, Quân biết cô đang xúc động nên ngần ngừ như lựa lời rồi mới nói tiếp :
– Lúc đó ba đã giữ chức phó giám đốc, quyền hạn một cõi. Mẹ anh cho rằng cô Nhã Dung vì ham mê danh vọng nên cố tình quyến rũ ba, lôi ba vào bẫy tình. Cô Dung tin là với tuổi trẻ và sắc đẹp, ba sẽ bỏ mẹ con anh và cưới cô ấy. Nhưng ba đã không làm thế. Vậy là cô Dung tố cáo ông đã hại đời cô ấy. Xem như ba thân bại danh liệt. Cả cơ quan ông lúc đó ai cũng biết hết.
Nhã Ca nhếch môi :
– Chính vì vậy nên ba không nhận em chớ gì? Mà em có tội tình gì cơ chứ?
Quân ngập ngừng :
– Ba anh vẫn còn rất hận mẹ em, ông cho rằng nếu không vì bà, đường công danh sự nghiệp của ông không chỉ như bây giờ.
Nhã Ca đanh giọng :
– Ông ta nói thế mà không xấu hổ sao? Nếu ông ta không muốn, mẹ em đâu thể nào lôi ông ta vào bẫy được. Đàn ông tồi.
Quân cau mày :
– Không được hỗn. Đó là ba em.
Nhã Ca cười khẩy :
– Tôi không có cha.
Hít một hơi dài như để trấn tĩnh, Nhã Ca nói tiếp :
– Tôi không muốn vây vào gia đình anh nữa. Những gì tôi đã nhận nhất định sau này tôi sẽ trả.
Dứt lời, Nhã Ca đứng dậy nhưng Quân đã nhanh nhẹn kéo cô ngồi xuống.
– Sao lại thế? Em muốn anh thành thật. Hừ ! Thành thật để nghe được những lời như vậy từ em à?
Nhã Ca im lặng, nước mắt cô lặng lẽ rơi xuống. Bà ngoại lẫn dì Nhã Bình luôn tránh né mỗi khi Ca hỏi về chuyện của ba mẹ. Cô cứ tưởng giữa hai người là một cuộc tình đầy lãng mạn nhưng kết thúc buồn vì không thể đến với nhau. Ca không thể ngờ mối tình ấy không như vậy. Qua lời của Quân, mẹ Ca khác nào một phù thủy đầy tham vọng, xấu xa. Còn ba mới là nạn nhân đáng tội nghiệp.
Nhã Ca nhếch môi khổ sở. Ông căm hận mẹ đến mức thù hằn, xa lánh cả đứa con vô tội. Trong mắt ông, Ca là một ám ảnh đáng sợ của tội lỗi, ông né tránh, phủ nhận cô là đương nhiên.
“Hùm dữ không nỡ ăn thịt con”. Ba cô là người chớ đâu phải là dã thú, song xem ra người còn hiểm hóc sâu độc hơn dã thú nhiều.
Ba là người tham vọng, chắc chắn ông sẽ gạt hết những chướng ngại vật trên đường công danh của mình. Rút ra bài học xương máu từ chuyện dan díu với mẹ, ông sẽ không để sơ sót nào xảy ra cho bản thân cũng như gia đình ông nữa đâu. Nhã Ca liệu mà giữ mình đi.
Nhìn Quân bằng đôi mắt đỏ, Ca nói :
– Nếu biết sự thật như vậy, em đã không tìm ông ta, dù để đòi tiền.
Quân ngập ngừng :
– Nói đến tiền anh chợt nhớ thêm điều này. Khi cô Nhã Dung sanh em xong, ba có đưa cô một số vàng kha khá để cô lo cho em. Tiếc rằng cô Dung đã lấy số vàng ấy sử dụng vào mục đích khác.
– Anh cho rằng mẹ em mang số vàng ấy đi ra nước ngoài à ?
Quân không trả lời, anh xa xôi :
– Sự thật bao giờ cũng đáng sợ.
Nhã Ca héo hắt cả lòng. Cô có nên tin những gì Quân vừa nói không ?
Giọng anh lại vang lên :
– Anh em mình đừng nhắc tới chuyện cũ nữa. Quá khứ buồn, ta nên quên để hướng tới tương lai. Ngày mai đúng hai giờ trưa, anh sẽ chờ em ở trung tâm thương mại Nhật Nam. Nhớ không được cho anh leo cây đó.
Nhã Ca hỏi :
– Nếu em không đến thì sao?
Quân thản nhiên :
– Thì anh sẽ đi tìm em chớ sao nữa.
Nhìn đồng hồ, anh bảo :
– Về được rồi đó nhỏ.
Nhã Ca gật đầu :
– Vâng.
Lấy dưới chân bàn lên một bịch xốp khá nặng, Quân nói :
– Em cần có thêm chất đạm trong bữa ăn, để lấy sức mà học, mà làm thêm giờ.
– Em không nhận đâu.
– Ơ hay! Anh có tặng đâu mà từ chối. Anh cho vay đó. Bao giờ ra trường, đi làm chính thức anh sẽ đòi. Giờ cứ nhận thoải mái.
Nhã Ca chép miệng :
– Anh chỉ làm em khó nói với bạn bè. Nhất là Thanh Du. Nó luôn tưởng tượng những chuyện không có.
– Mặc kệ nó. Em phải lo cho bản thân trước. Nào, về… về, khuya rồi.
Nhã Ca đứng dậy, Quân xách túi xốp đi theo sau. Nhã Ca thấy mũi cay xè cảm động vì lần đầu tiên trong đời cô nhận ra rằng: Có anh trai chăm sóc đúng là sung sướng.
Không cha, không mẹ, nhưng dầu sao Nhã Ca cũng còn anh trai. Quân chính là người anh duy nhất của cô trên cõi đời này. Cô phải biết giữ gìn, trân trọng những gì anh đã làm ình mới được.