Bạn đang đọc Trại hoa vàng – Chương 9
Chương 9
Trưa hôm sau, vừa đi học về, tôi đã sục ngay vô bếp bới cơm ăn một mình.
Mẹ tôi mải buôn bán nên bữa nào cũng dọn cơm trưa trờ trưa trật. Có nhiều hôm mãi đến một giờ chiều, nhà tôi mới ngồi vào bàn ăn. Nhưng bữa nay thì tôi không đợi được.
Thấy tôi bưng chén cơm và lấy và để bên ngách cửa, mẹ tôi hỏi:
– Đói bụng lắm hả con?
– Con phải tới nhà tụi bạn ôn tập ngay bây giờ! – Tôi nói, cặp đũa vẫn ngoáy lia lịa.
Mẹ tôi không ngờ thỉnh thoảng tôi cũng tỏ ra siêng học đến thế. Mặt mày mẹ rạng rỡ hẳn lên và dường như cảm thấy ân hận vì trước nay đã không “đánh giá đúng” con mình, mẹ nhìn tôi âu yếm:
– Để mẹ đi pha nước chanh cho con uống nghen!
Dĩ nhiên là tôi không từ chối. Nhỏ Châu tinh quái hơn mẹ tôi nhiều. Nhìn tôi bưng ly nước chanh nốc một hơi cạn sạch, nó nheo mắt:
– Anh nói thật đi! Anh chuẩn bị đi đâu vậy?
Tôi hừ mũi:
– Thì tao đã nói rồi! Tao đi ôn tập!
Nhỏ Châu bĩu môi:
– Em không tin! Ai lại đi ôn tập vào giờ này!
Nhỏ Châu cứ lẵng nhẵng làm tôi phát bực. Thực ra tôi chẳng muốn giấu giếm gì nó. Nhưng ngặt nỗi tôi chưa rõ cuộc gặp gỡ Cẩm Phô lát nữa đây sẽ diễn biến theo chiều hướng nào. Nếu Cẩm Phô chịu làm hòa với tôi thì không sao. Ngược lại, nếu vừa trông thấy mặt tôi, Cẩm Phô đã mắng tôi sa sả như mẹ mắng con thì tôi không biết phải “tường thuật” lại với nhỏ Châu như thế nào. Vì vậy, tôi cứ chối quanh:
– Tao đi ôn tập thật mà!
– Anh ôn tập ở đâu?
Tôi liếm môi:
– Ở nhà Phú ghẻ.
Nhỏ Châu gật gù:
– Vậy lát nữa em ghé nhà anh Phú xem anh có ở đó thật không?
Giọng điệu đe dọa của nhỏ Châu khiến tôi giật thót và tự dưng tôi đâm ra giận ba mẹ tôi kinh khủng. Không hiểu sao họ lại sinh cho tôi một đứa em gái ranh mãnh quá chừng. Nghe nó “hù”, tôi hết ham nói dóc.
– Mày đừng tới nhà Phú ghẻ mất công! – Tôi thở dài – Tao không có ở đó đâu!
Nhỏ Châu cười toe:
– Vậy chứ anh đi đâu?
Tôi tặc lưỡi:
– Bây giờ tao chưa thể nói được! Lát chiều, tao sẽ kể ày nghe!
Nghe tôi hứa hẹn, nhỏ Châu không buồn “làm khổ” tôi nữa. Khi tôi phóc lên chiếc Huy Chương Vàng, nó chỉ gọi với theo:
– Nói phải giữ lời à nghen! Tôi đạp đến chân cầu đúng mười hai giờ hai mươi phút. Liếc đồng hồ trên tay, tôi thở một hơi dài nhẹ nhõm và đủng đỉnh dắt xe vào quán.
Buổi trưa, quán vắng tanh. Những tán lá lim dim mơ ngủ, chốc chốc lại rung lên xào xạc khi có một làn gió từ dưới sông thổi lên. Tôi lựa một chiếc bàn ở góc vườn, kế gốc xoài. Đó là một vị trí kín đáo, khó bị phát hiện, đồng thời ngồi ở đó tôi có thể quan sát được những người vào quán. Hễ Cẩm Phô tới là tôi biết ngay.
Bàn là một khúc gỗ cưa ngang, còn nguyên cả lớp vỏ xù xì, gai nhám. Bốn chiếc ghế mây kê chung quanh theo hình vòng tròn. Sau một hồi ngắm tới ngắm lui, tôi cảm thấy vị trí của bốn chiếc ghế có điều không ổn. Cứ theo cái kiểu “bố trí” này thì dù ngồi vào chiếc ghế nào, Cẩm Phô vẫn cách xa tôi gần cả thước.
Sau khi kêu hai ly chè đậu đỏ bánh lọt, tôi thò tay kéo chiếc ghế bên cạnh lại gần. Để cho tự nhiên, hai chiếc ghế kia tôi cũng kê sát rạt như vậy và đặt chúng ở phía bên kia chiếc bàn gỗ. Thoạt nhìn vào, khó có ai có thể đoán ra hành động mờ ám của tôi. Chắc chắn Cẩm Phô sẽ tưởng những chiếc ghế đã được sắp xếp như vậy từ thời khai thiên lập địa.
Vẫn cảm thấy chưa chắc ăn, tôi liền nhặt nhạnh thêm một mớ lá khô và vứt đầy lên hai chiếc ghế đối diện. Một tiểu thư khuê các như Cẩm Phô chắc sẽ không bao giờ chịu ngồi lên những chiếc ghế vương vãi “rác rến” như vậy. Và nếu đảo mắt nhìn quanh, nó sẽ thấy chỉ có chiếc ghế xếp cạnh tôi là sạch sẽ và hợp vệ sinh nhất. Cẩm Phô sẽ ngồi vào đó – như mẹ tôi vẫn ngồi bên ba tôi – bởi xét cho cùng, nó không thể ngồi trên bàn hay ngồi dưới đất được.
Mải loay hoay bày mưu tính kế xếp ghế kê bàn, tôi quên phắt mất cái chuyện nhìn ra cổng. Vì vậy, Cẩm Phô tới lúc nào tôi chẳng hay.
Đang lui cui phủi bụi trên chiếc ghế “cò mồi”, tôi bỗng giật bắn người khi nghe tiếng Cẩm Phô vang lên bên tai: – Anh đang làm gì vậy?
Tôi ngẩng đầu lên, thấy Cẩm Phô đã đứng sát rạt trước mặt. Đôi mắt nó nhìn tôi chăm chăm như thể đọc thấu hết những ý nghĩ “hắc ám” trong đầu tôi. Quai hàm tôi bỗng chốc cứng đơ:
– Ơ ơ tôi có làm gì đâu.
Tôi ấp úng đáp và nghe mặt mày nóng ran, hệt như một tên trộm đang lom khom chui vách bỗng bị chủ nhà túm lưng quần kéo lại.
Điệu bộ lóng ngóng của tôi có lẽ khiến Cẩm Phô thương hại. Nó không thèm hỏi tới mà lặng lẽ buông mình lên chiếc ghế ngổn ngang xác lá.
Trong một thoáng, tim tôi như thắt lại. Cẩm Phô ngồi lên đống lá khô mà tôi tưởng như nó ngồi lên.trái tim bé bỏng của tôi. Tôi nghe tiếng lá vỡ rào rạo, tưởng xương sường trong lồng ngực mình đang gãy rời từng khúc. Công trình sắp xếp của tôi nãy giờ thế là hỏng bét! Cẩm Phô thà mang tiếng “ở dơ” chứ nhất quyết không chịu ngồi gần tôi, chứng tỏ nó còn thù tôi ghê lắm.
Tôi lấm lét nhìn nó.
– Cẩm Phô ăn chè đi!
Cẩm Phô ngồi quay ra sông nên tôi chỉ nhìn thấy có nửa mặt. Nửa mặt đó nói, giọng đượm vẻ lạnh lùng.
– Anh mời Cẩm Phô ra đây chỉ để ăn chè thôi hả?
Tôi không hiểu câu nói của Cẩm Phô có ý gì, đành cười cầu tài:
– Thì trước là ăn chè, sau là là xin lỗi Cẩm Phô cái chuyện hôm nọ.
– Chuyện hôm nọ là chuyện gì?
Câu hỏi oái oăm của Cẩm Phô khiến tôi cắn chặt môi. Con nhỏ này xưa nay vẫn hiền lành, tử tế với tôi sao hôm nay lại ăn nói móc họng hệt con Liên móm vậy không biết! Hay là trước khi đến đây, nó đã được Liên móm chỉ cách “trị” tôi? Ý nghĩa đó làm tôi chột dạ. Ngắc ngứ một hồi, tôi mới mở miệng lắp bắp:
– Thì chuyện “ông nội ông ngoại” đó.
– Chuyện đó có gì để nói?
Cẩm Phô hờ hững buông từng tiếng, mặt vẫn quay ra sông.
Tôi nhăn nhó:
– Bữa đó tôi đâu có nói động gì đến ông nội của Cẩm Phô.
Cẩm Phô hừ giọng:
– Cẩm Phô nghe anh Phú nói rõ ràng! Tôi đoán quả không lầm. Phú ghẻ đích thực là một tên hại bạn. Trong một phút tôi nghe đầu mình nóng lên:
– Cái thằng ghẻ ngứa đó…
Đang gân cổ, sực nhớ trước mặt mình là Cẩm Phô chứ không phải Phú ghẻ, tôi liền hạ giọng:
– Cẩm Phô đừng nghe lời thằng đó! Nó nói bậy đó!
Rồi sợ Cẩm Phô không tin, tôi đành thở một hơi dài và dở cười dở mếu nhắc lại nguyên văn câu nói của tôi bữa trước.
Nghe xong lời “tường thuật” của tôi, Cẩm Phô không nói gì. Nó chỉ cúi đầu nhìn xuống đất. Tôi ngắm mái tóc óng ả của nó, bụng hồi hộp không thể tả. Tôi cố đoán xem nó đang nghĩ gì về lời tuyên bố “hách xì xằng” của tôi hôm nọ nhưng không tài nào đoán nổi, chỉ thấy khuôn mặt đang cúi thấp của nó dường như đã bớt vẻ lạnh lùng, thay vào đó là nét buồn buồn khiến tôi xốn xang trong dạ.
Mãi một lúc lâu, không dằn nổi, tôi ngập ngừng hỏi:
– Bộ Cẩm Phô giận tôi hả?
– Cẩm Phô có giận gì đâu! Cẩm Phô chỉ bị bất ngờ thôi!
Tôi liếm môi:
– Bất ngờ chuyện gì?
– Cẩm Phô đâu có biết chuyện tặng hoa cho Cẩm Phô đối với anh lại khó khăn như vậy! – Giọng Cẩm Phô đầy hờn mát.
Tôi hốt hoảng:
– Không phải đâu! Tại bữa đó đông người quá!
– Đông người thì sao? – Tôi sợ tụi nó cười.
Cẩm Phô khẽ liếc tôi và bỗng buột miệng bâng quơ:
– Nhưng bữa nay đâu có ai!
Phải mất đến ba mươi giây tôi mới hiểu Cẩm Phô nói câu đó là nhằm ý gì.
– Được rồi! – Tôi xô ghế đứng dậy – Nếu Cẩm Phô muốn, tôi sẽ chạy về nhà hái hoa đem tới cho Cẩm Phô ngay bây giờ!
Nhìn thái độ hùng hổ như sắp nhảy vào lửa của tôi, Cẩm Phô mỉm cười:
– Cẩm Phô chỉ nói đùa thôi! Đến giờ Cẩm Phô phải về rồi!
Cẩm Phô làm tôi chưng hửng:
– Sao Cẩm Phô về sớm vậy?
– Cẩm Phô chỉ xin phép đi được chút xíu thôi.
Tôi nhìn xuống ly chè còn nguyên trên bàn:
– Còn ly chè?
Cẩm Phô đứng lên:
– Bữa nay Cẩm Phô đến đây là để gặp anh chứ đâu phải để ăn chè!
Rồi như sợ tôi buồn, trước khi quay lưng bỏ đi, nó còn nhẹ nhàng hứa hẹn:
– Ăn chè để lúc khác!
Cẩm Phô đột ngột cáo từ khiến tôi không kịp nói thêm một câu, chỉ đực mặt nhìn nó yểu điệu quay gót. Mãi đến khi tà áo của nó sắp biến mất sau cánh cổng rào, tôi mới sực tỉnh và lật đật kêu lớn:
– Lúc khác là lúc nào?
– Lúc nào anh mời Cẩm Phô!
Câu trả lời vọng lại từ sau dãy hàng rào xanh um. Tiếp đó là tiếng bánh xe lăn mỗi lúc một xa dần, chấm dứt cuộc hẹn hò mà không có từ ngữ nào diễn tả chính xác hơn từ: “cụt ngủn”!
Cẩm Phô bỏ đi đã mười lăm phút, tôi vẫn chưa nhúc nhích. Tôi thẫn thờ đưa mắt nhìn mặt sông loáng nắng, lòng không rõ buồn vui. Cuộc gặp gỡ diễn ra chóng vánh ngoài dự liệu. Cẩm Phô thoạt đến thoạt đi như một cơn gió thoảng. Nó bỏ tôi ngồi một mình giữa trưa nắng quạnh hiu.
Suốt đêm hôm qua tôi nằm day trở trên giường, đầu nghĩ ra bao nhiêu là lời hay ý đẹp, vậy mà bữa nay rốt cuộc tôi đã không thốt được câu nào ra hồn. Sự xuất hiện đột ngột của Cẩm Phô đã khiến tôi lính quýnh ngay từ lúc chưa bắt đầu câu chuyện. Và tôi đã để nó quay tôi như quay dế. Đến khi nó nằng nặc đòi về, tôi cũng chẳng biết cách giữ chân. Tôi bỏ tiền túi ra mua chè đãi nó, nó không thèm ăn, tôi cũng đành giương mắt ngó.
Nghĩ đến đây, tôi phát giác “giương mắt ngó” ly chè Cẩm Phô để lại. Chè bà Thường ngon nổi tiếng, tôi đã “giải quyết” xong một ly rồi mà nhìn đến ly thứ hai tôi vẫn cảm thấy thòm thèm.
Nhìn quanh quất không thấy ai, tôi thò tay với lấy ly chè kém ngọt. Tôi múc một muỗng cho vào miệng và lại nghĩ đến Cẩm Phô: “Con nhỏ này ngu quá chừng! Chè ngon vậy mà chê!”.
Ăn giùm chè cho Cẩm Phô xong, tôi chậm rãi dắt xe ra khỏi cổng. Nhưng tôi không dám về nhà ngay. Về nhà lúc này, chắc chắn tôi sẽ đụng đầu nhỏ Châu ngay ở cửa. Ai chứ nó dám bỏ cả ngủ trưa để thức đợi tôi. Nếu biết tôi đi “hò hẹn” với “chị hai” nó và bị “chị hai” nó bỏ rơi trong quán bà Thường như mẹ bỏ rơi con, chắc nó sẽ cười tôi ba ngày ba đêm chưa hết.
Tôi trực chỉ tới nhà Phú ghẻ. Khi đi ngang qua tiệm thuốc tây Hồng Phát, tôi cố không nhìn ngang nhìn ngửa nhưng mặt mày vẫn nóng bừng.
Tôi vừa đẩy xe vào, đã thấy Phú ghẻ ngồi trong nhà ngó ra, miệng cười toe toét. Điệu bộ của nó ý như thể nó đã ngồi chờ tôi đâu từ tuần trước.
– Sao rồi? – Tôi vừa bước qua khỏi cửa, Phú ghẻ đã nháy mắt hỏi.
Tôi ngồi phịch xuống ghế:
– Rót cho tao ly nước!
Phú ghẻ rót nước, mắt vẫn nhìn tôi lom lom. – Mở cho tao cái quạt! – Tôi lại nói.
– Có “bồ” rồi làm “cha” thiên hạ hả?
Mặc dù nói vậy nhưng Phú ghẻ vẫn bước lại góc nhà mở quạt.
Tôi uống một hơi hết ly nước rồi thở ra:
– Mệt quá!
Phú ghẻ khịt mũi:
– Hôn nhiều quá mệt chứ gì?
– Hôn cái đầu mày!
Phú ghẻ nhăn nhở:
– Cái đầu Cẩm Phô chứ!
Phú ghẻ lại giở mửng cũ. Nhưng lần này tôi không buồn nhếch mép trước sự pha trò của nó. Tôi lại thở ra:
– Hỏng bét!
– Hỏng cái khỉ mốc! Mày đừng làm bộ! Tao thấy Cẩm Phô mới chạy xe về rõ ràng!
– Thì vậy!
Phú ghẻ hừ mũi:
– Tụi mày một đứa về trước một đứa về sau cho thiên hạ khỏi để ý chứ gì!
Tôi buồn bã lắc đầu:
– Nó bỏ tao nó về trước!
– Xạo đi! Phú ghẻ tỏ vẻ không tin.
Tôi nhún vai:
– Đứa nào xạo làm con!
Đến đây thì Phú ghẻ biết tôi không đùa. Nó chớp mắt.
– Sao kỳ vậy? Tôi lắc đầu:
– Tao cũng không biết!
Phú ghẻ ngẫm nghĩ một hồi rồi chép miệng:
– Chắc nó còn giận mày.
Tôi tủi thân:
– Tao kêu chè cho nó, nó cũng không thèm ăn!
Phú ghẻ vò đầu:
– Vậy là nguy to rồi! Không thèm đụng đến bất cứ thứ gì của mày chứng tỏ nó thù mày ghê gớm!
– Ừ, – tôi bùi ngùi – Nó bảo nó đến quán bà Thường là để gặp tao chứ không phải để ăn chè!
– Như vậy là nó hận mày ghi xương khắc cốt! – Phú ghẻ tiếp tục bình luận.
Thấy có người quan tâm chia sẻ, tôi càng ai oán kể lể:
– Nó bảo muốn ăn chè thì để lúc khác!
– Lúc khác là lúc nào? – Phú ghẻ ngạc nhiên. Nó hỏi tôi hệt như khi nãy tôi hỏi Cẩm Phô.
– Lúc nào tao mời nó! – Tôi đáp.
– Trời đất! – Phú ghẻ kêu lên – Như vậy là nó “thương” mày chứ đâu phải “thù” mày!
Tới phiên tôi há hốc miệng:
– Thương tao? – Chứ còn gì nữa! Nó nói vậy khác nào nó bảo mày muốn gặp nó lúc nào thì gặp! Hễ mày “mời” là nó tới ngay tức khắc!
Phú ghẻ đúng là thông minh hơn tôi gấp bội. Hèn gì năm nào nó cũng đạt học sinh giỏi. Nó chỉ cần phán một câu, tự nhiên tôi thấy đầu óc sáng láng hẳn ra. Nỗi buồn đeo đẳng tôi từ nãy đến giờ bỗng dưng biến mất không còn một dấu vết. Càng ngẫm nghĩ tôi càng nhận ra tôi quả là “thằng đầu bò”. Con gái không giống như con trai. Con trai giận là giận, thương là thương. Con gái đỏng đảnh và khó hiểu hơn nhiều. Cẩm Phô giống như trái dưa hấu, xanh vỏ đỏ lòng. Nó ngầm “tạo điều kiện” cho tôi mà tôi chẳng hay biết tí ti ông cụ nào. Nếu không nhờ Phú ghẻ, tôi sẽ tưởng Cẩm phô muôn đời chỉ là trái dưa xanh. Ngu ơi là ngu!
Tôi hí hửng bảo Phú ghẻ:
– Vậy mày “mời” nó giùm tao đi!
– Tao?
– Chứ còn ai!
Phú ghẻ hơi nhăn mặt nhưng rồi tính tới tính lui, nó thấy ngoài nó ra không còn ai đủ “tư cách” để làm chuyện đó, bèn chép miệng:
– Chừng nào?
Tôi hăm hở:
– Ngay ngày mai! Phú ghẻ giật mình:
– Mày khùng hả? Mới gặp đây mà!
– Thì mai gặp nữa! – Tôi cười hì hì – Tao nhớ nó quá!
Phú ghẻ chìa cùi chỏ:
– Nhớ cái này nè!
Giao “nhiệm vụ” cho Phú ghẻ xong, tôi hớn hở đạp xe về nhà. Quả như tôi dự đoán, nhỏ Châu ngồi ngay trước hàng hiên, chong mắt ngó ra.
– Mày phụ bán với mẹ hả? – Tôi giả vờ hỏi.
– Em đợi anh!
– Đợi tao chi?
Tôi vừa hỏi vừa dắt xe vào nhà. Nhỏ Châu đứng dậy đi theo:
– Anh đi đâu về đó?
Tôi thản nhiên: – Tao đi gặp chị hai mày!
– Gặp ở đâu? – Giọng nhỏ Châu tò mò.
Tôi nhún vai:
– Chỗ này bí mật lắm! Mày con nít hỏi làm chi!
Nhỏ Châu “xí” một tiếng: – Ở quán chè bà Thường chứ đâu mà bí mật!
Đang đi, tôi bỗng đứng sững lại:
– Sao mày biết? Bộ khi nãy mày len lén theo dõi tao hả?
Nhỏ Châu bĩu môi:p>
– Em thèm vào theo dõi!
– Chứ sao mày biết tao hẹn với Cẩm Phô ở quán bà Thường? – Tôi nhìn nhỏ Châu, giọng nghi ngờ.
Nhỏ Châu hất mặt ra vẻ hiểu biết:
– Cả thị trấn này ai hẹn nhau mà không dẫn vô đó!
Tôi thót bụng: – Ai bảo mày vậy?
– Cần gì ai bảo! Lần nào vô đó ăn chè với mấy đứa bạn, em cũng thấy người ta ngồi từng cặp từng cặp!
Hoá ra là vậy! Nhỏ Châu làm tôi hết hồn. Nếu khi nãy nó len lén theo tôi, chắc nó đã chứng kiến rõ mồn một cái trò lượm lá rải lên ghế của tôi như cái cảnh tôi ngồi xơi một lúc hai ly chè cho vơi cơn ấm ức. Và bây giờ nó sẽ tha hồ chế nhạo và tôi sẽ hết đường đón đỡ. Thật là may! Tôi thở phào nhủ bụng.
– Em nói đúng không? – Nhỏ Châu lắc lắc tay tôi.
Tôi không đáp mà lặng lẽ dựng xe vô góc nhà rồi cầm tay nó kéo tuốt ra sau vườn, thì thầm:
– Mày nói nho nhỏ thôi! Ba mẹ mà nghe thấy là tao với mày nhừ đòn!
– Ba đi rồi! – Nhỏ Châu trấn an tôi.
Tôi liếm môi:
– Ổng quay về mấy hồi!
Nghe tôi hù, Nhỏ Châu khẽ liếc vào trong nhà rồi hạ giọng:
– Anh gặp chị Cẩm Phô chi vậy?
– Mày ngu quá! Yêu nhau thì gặp nhau chứ chi! Ai yêu mà chẳng vậy!
Nhỏ Châu chớp mắt:
– Anh rủ chỉ vô đó hả?
– Nó rủ tao! – Xạo đi!
– Tao xạo mày làm chi! Nó bảo nó nhớ tao quá, nó muốn nhìn thấy mặt tao!
Nhỏ Châu cười hích hích:
– Phịa ơi là phịa! Anh với chỉ học chung trường, ngày nào mà chả thấy mặt!
Tôi hừ giọng:
– Gặp trên trường thì ăn nhằm gì! Phải gặp riêng thì mớicó giá trị!
Nhỏ Châu nói, chẳng hiểu nó không biết thật hay nó giả vờ:
– Gặp chung hay gặp riêng gì cũng vậy thôi! Em chẳng thấy có gì khác! Tôi nổi khùng:
– Mày mà biết cóc khô gì! Khi nào mày lớn bằng tao rồi mày mới thấy khác!
Nhỏ Châu cúi đầu ngẫm nghĩ một hồi rồi lại hỏi:
– Khi nãy chỉ nói gì với anh vậy?
Tôi ưỡn ngực:
– Thì nó nói nó nhớ tao muốn chết!
Tôi vừa nói vừa nhìn lom lom vào mặt nhỏ Châu xem nó có cười mím chi không. Nhưng lần này, nhỏ Châu có vẻ tin tôi thật. Nó không cười, mà tò mò hỏi tiếp:
– Rồi anh nói sao? – Tao hả? Tao cũng nói y như vậy. Tao bảo tao cũng nhớ nó muốn chết.
Nhỏ Châu liếm môi:
– Rồi sao nữa?
– Sao là sao?
– Sau đó anh với chị Cẩm Phô nói với nhau những gì nữa? Tôi nhíu mày:
– Sau đó hả? Sau đó tụi tao không nói gì nữa. Tụi tao ăn chè.
Nhỏ Châu nuốt nước bọt:
– Mỗi người ăn mấy ly?
– Mỗi người ăn một ly! – Tôi tặc lưỡi – Nói đúng ra thì chỉ có mình Cẩm Phô ăn. Tao nhường cho nó luôn ly của tao.
– Làm gì có chuyện đó! – Nhỏ Châu cười khúc khích – Ai chẳng biết anh là chúa giành ăn!
Bị chạm tự ái, tôi nổi nóng:
– Mày ngu quá! Tao chỉ giành ăn với mày thôi! Còn Cẩm Phô thì khác!
Thoạt đầu, nhỏ Châu ngoác miệng định cãi. Nhưng rồi sợ tôi át giọng “khi nào lớn bằng tao mày mới thấy khác”, nó phớt lờ và “phỏng vấn” tiếp:
– Ăn chè xong rồi anh làm gì nữa?
Tôi khịt mũi:
– Thì trả tiền rồi về chớ làm gì!
Câu trả lời của tôi khiến nhỏ Châu ngơ ngác:
– Chỉ vậy thôi?
Vẻ thất vọng của nó khiến tôi chột dạ. Ừ, chẳng lẽ cuộc hẹn hò giữa một cặp “tình nhân” nhớ nhau “muốn chết” mà chỉ gói gọn trong hai ly chè và từ đầu đến cuối mỗi người chỉ nói được có một câu? Tôi hít một hơi đầy lồng ngực và lật đật “bổ sung”: – Không, không phải chỉ có vậy! Trước khi ra về, chị hai mày còn nói với tao một câu vô cùng tình tứ. Nó bảo bất cứ lúc nào tao rủ nó đi ăn chè, nó cũng sẵn sàng đi ngay!
– Tình tứ gì đâu! – Nhỏ Châu trề môi – Như vậy là chỉ thích ăn chè chứ đâu phải thích anh!
Bình luận xong một câu ác nhơn, nhỏ Châu quay mình chạy tọt vô nhà khiến tôi chỉ biết hậm hực trợn mắt nhìn theo.