Trại hoa vàng

Chương 8


Bạn đang đọc Trại hoa vàng – Chương 8

Chương 8
Tôi thẩn thờ suốt mấy ngày liền. Bức thư (đúng là mẩu giấy) của Cẩm Phô khiến tay chân tôi xụi lơ, cất lên không muốn nổi. Những dự định đẹp đẽ của tôi thế là bỗng chốc tiêu ma hết. Tình yêu chưa kịp trổ hoa, hận thù đã vội vàng kết trái, kiếp này chắc tôi hết mong sờ được ngón chân út của Tiên Dung.
Tôi thẫn thờ không chỉ vì buồn mà còn vì cay đắng nữa. Oan cho tôi đúng là oan thấu trời xanh. Trước nỗi oan của tôi, sự khuất tất của Thị Kính ngày xưa chỉ đáng xếp hạng nhì. Ba mẹ Cẩm Phô đi ngang tôi còn không dám ngó, huống chi ba mẹ của ba mẹ nó. Ông nội Cẩm Phô cao hay thấp, béo hay gầy, còn sống hay đã “đi bán muối” tôi còn không biết, tôi “cà khịa” ổng làm chi. Vả lại đang “yêu” Cẩm Phô, tôi ngu gì đi “chửi” ông nội nó! Đầu đuôi câu chuyện chắc cũng tại Phú ghẻ. Nghĩ tới thằng bạn ghẻ ngứa này, ngực tôi muốn sôi lên. Chắc chắn là trong khi giở thói “mách lẻo”, nó ăn nói thiếu trước hụt sau đó, Cẩm Phô mới nghe gà ra vịt mà giận tôi như thế.
Sáng hôm sau, vừa thấy mặt nó, tôi hầm hầm:
– Phú ghẻ!
– Dạ, có em.
Thấy nó rụt cổ pha trò, tôi muốn lộn tiết:
– Bữa nay tao không giỡn với mày!
Phú ghẻ giở giọng cù nhầy:
– Nhưng tao thì tao khoái giỡn!
– Kệ mày! – Tôi nghiến răng trèo trẹo – Bây giờ mày hãy nói cho tao biết mày đã nói với Cẩm Phô những gì!
– Tao nói tao yêu nó.
– Yêu cái đầu mày! – Tôi gầm gừ.
Phú ghẻ lắc đầu:
– Không, tao yêu cái đầu của Cẩm Phô kìa!
Trước nay, bao giờ thằng ghẻ ngứa này pha trò, tôi cũng không nhịn được cười. Lần này cũng vậy, dù cố nén, cuối cùng tôi phải phì cười.
Phú ghẻ nghiêng đầu ngó tôi và chép miệng:
– Khi mày cười trông mày đẹp trai hơn khi mày giận!
– Nhưng lúc này tao không cười nổi! – Tôi thở dài móc “bức thư tình” trong túi ra đưa cho Phú ghẻ – Mày coi đây nè! Phú ghẻ đọc bức thư, nhíu mày:
– Sao lạ vậy cà?
– Lạ cái khỉ mốc! – Tôi hậm hực – Mày ton hót những gì với nó vậy?

Phú ghẻ chớp mắt:
– Tao có ton hót gì đâu! Tao chỉ nói lại những gì mày nói!
– Nhưng bữa đó tao đâu có “động chạm” gì đến ông nội nó! – Tôi nói, giọng tức tối.
– Thì tao cũng đâu có nói gì! – Phú ghẻ gãi đầu – Chắc tại Cẩm Phô nghe lộn đó thôi!
Tôi nhủ bụng: Lộn kiểu gì mà lộn ác nhơn vậy không biết! Rồi nghĩ đến tình cảnh của mình hiện tại, bất giác tôi buông một tiếng thở dài não nuột. Thấy vậy, Phú ghẻ động lòng:
– Để tao gặp Cẩm Phô tao thanh minh!
– Khỏi! – Tôi cộc lốc.
– Sao lại khỏi? Phải nói cho nó biết chứ!
– Tự tao sẽ làm việc đó!
Tôi gằn từng tiếng như dao chém đá. Phú ghẻ há hốc mồm:
– Mày?p>
Mặc cho Phú ghẻ giương mắt ếch, tôi làm thinh không thèm đáp. Thực ra tôi chẳng phải “anh hùng” gì. Sở dĩ tôi quyết định nói chuyện trực tiếp với Cẩm Phô chẳng qua tôi sợ cái thói bộp chộp, nói năng không đến đầu đến đũa của Phú ghẻ làm hỏng chuyện. Nó làm hại tôi một lần rồi, tôi nhất định không để nó hại tôi lần thứ hai.
Phú ghẻ vẫn nhìn tôi lom lom:
– Mày định gặp nó ở đâu?
– Ở nhà mày chứ ở đâu!
– Ấy chết, không được đâu! – Phú ghẻ giãy nảy – Hai đứa mày “hẹn hò” ở nhà tao, ông già nó qua đốt nhà tao liền!
Tôi tỉnh khô:
– Đốt nhà mày chứ đâu phải đốt nhà tao! Mày bép xép thì mày ráng chịu chứ!
Mặt Phú ghẻ méo xẹo:
– Thôi mà, Chuẩn!
Tôi khăng khăng:

– Không “thôi” gì hết!
Trước quyết tâm sắt đá của tôi, Phú ghẻ biết phản đối cũng chẳng ăn thua gì. Nó tìm cách khác:
– Nhà tao nhỏ xíu à!
Tôi nhún vai:
– Lớn nhỏ ăn nhằm gì!
– Lại nóng nữa!
– Nóng thì mở quạt.
Phú ghẻ khịt mũi:
– Mấy đứa em tao nó đái khai rình!
Lần này, Phú ghẻ đưa ra lý do quá xá nặng ký. Tôi hết dám thờ ơ. Phú ghẻ khác tôi. Tôi chỉ có một đứa em gái. Trong khi nó có cả một bầy em lúc nhúc. Hai đứa út sinh đôi, chưa tới hai tuổi, chuyên môn tè bậy khắp nhà. Trò chuyện với Cẩm Phô trong bầu không khí thoang thoảng đó chắc chắn câu chuyện sẽ mất hết vẻ trữ tình. Người ta không thể vừa nói về nỗi thổn thức của trái tim vừa đưa tay bịt mũi.
Thấy tôi ngồi im không chịu nói câu “khai rình thì ăn nhằm gì”, Phú ghẻ mừng lắm. Nó vỗ vai tôi:
– Mày đừng lo! Tao sẽ chỉ ày một điểm hẹn cực kỳ thơ mộng!
– Dóc đi!
– Tao thèm vào nói dóc! Mày biết quán chè bà Thường không? Vừa nghe Phú ghẻ nhắc đến quán chè bà Thường, tôi bỗng buột miệng “à” một tiếng và nghe lòng nhẹ nhõm hẳn đi.
Quán chè ba Thường nằm dưới chân cầu, sát bên bờ sông phía nam thị trấn. Những chiếc ghế mây kê rải rác trong vườn, dưới những tán cây xanh um tỏa bóng, cộng với làn gió mát từ dưới mặt sông thổi lên, tất cả dường như giúp cho chè bà Thường ngon lên gấp bội. Giữa khung cảnh hữu tình đó mà “trao đổi” với Cẩm Phô về đề tài “ông nội ông ngoại” thì thật hết ý. Gió sông sẽ nhanh chóng làm dịu đi cơn giận trong lòng nó. Chè ngon sẽ khiến nó mải ăn và không còn thì giờ rảnh để “lên án” tôi. Tôi sẽ mặc sức thanh minh, tha hồ giải thích, nói gì mà nó chẳng gật!
Dòm mặt tôi, Phú ghẻ biết ngay tôi đang nghĩ gì. Nó cười toe:
– Vậy là mày đồng ý rồi hén? – Ừ! Tôi ngập ngừng – Nhưng đó mới chỉ là chuyện địa điểm.
– Thì tụi mình đang bàn về địa điểm mà!
Tôi nhăn mặt:
– Nhưng quan trọng là làm sao rủ được Cẩm Phô tới đó.

– Trời đất! – Phú ghẻ kêu lên – Đó là chuyện của mày chứ đâu phải chuyện của tao! Mày đòi trực tiếp gặp nó mà!
Tôi xuống nước:
– Thì là trực tiếp! Nhưng vẫn phải “thông qua” mày! Mày nhắn với nó giùm tao một tiếng!
Được tôi tâng bốc, Phú ghẻ sướng rơn. Nhưng nó vẫn làm bộ:
– Chà, gay đấy!
Tôi liền hạ mình sát đất:
– Nếu mày không ra tay chắc tao chết!
Phú ghẻ phổng mũi:
– Thôi được rồi! Tao sẽ nhắn!
Bộ tịch của Phú ghẻ trông ngứa mắt không chịu được. Chính nó là đứa đầu tiên “ghép đôi” tôi với Cẩm Phô. Từ đầu tới cuối, nó toàn “bàn vô”. Nó còn hứa sẽ hỗ trợ tôi đến cùng. Vậy mà bây giờ tôi nhờ nó, nó lại làm bộ õng ẹo. Mà cái chuyện “ông nội ông ngoại” rối rắm này do nó gây ra chứ ai! Nhìn nó nhơn nhơn, tôi rủa thầm: “Đồ ghẻ ngứa”. Phú ghẻ không biết tôi đang chửi nó. Nó cười hề hề, động viên tôi:
– Mày yên chí đi! Ngày mai thế nào tao cũng có tin vui ày! Trong khi chờ “tin vui”, lòng tôi chẳng vui tí ti nào. Tôi cứ sợ Cẩm Phô sẽ từ chối lời hẹn hò của tôi. Nó sẽ bảo tôi là đồ mặt dày, đồ mặt mốc, mới chửi ông nội người ta bây giờ lại cả gan rủ người ta đi chơi. Nếu vậy, chắc tôi không còn mặt mũi nào mời nó giữ chức “chị hai nhỏ Châu”. Tôi cũng không dám cỡi chiếc Huy Chương Vàng lượn ngang tiệm thuốc tây Hồng Phát. Tôi sẽ lầm lũi đến trường, lầm lũi về nhà và suốt ngày đánh bạn cùng hoa cỏ trong vườn, chẳng cất bước đi đâu.
Qua ngày hôm sau, đang “lầm lũi đến trường”, chợt thấy Phú ghẻ chặn phía trước, tôi liền hối hả rượt theo, miệng rối rít:
– Phú ghẻ! Phú ghẻ!
Phú ghẻ quay lại và khi nhận ra tôi nó chậm rãi lắc đầu.
Thế là hỏng! Nó bảo hôm nay nó sẽ báo tin vui cho tôi, nhưng chẳng ai báo tin vui bằng cách lắc đầu. Tôi hỏi và nghe trái tim chùng xuống:
– Cẩm Phô nói sao?
– Nó không nói gì hết!
“Tin vui” của Phú ghẻ khiến tôi cắn chặt môi. Nhưng tôi chưa kịp thổn thức thì nó đã thản nhiên bổ sung:
– Tao chưa gặp Cẩm Phô! – Dẹp mày đi! Đồ ghẻ ngứa! – Tôi phát khùng, không thèm chửi thầm như mọi lần nữa.
Phú ghẻ nhăn răng cười:
– Suốt buổi chiều hôm qua, tao chẳng thấy nó đâu. Tối, thấy nó đứng trong nhà nhìn ra nhưng tao chẳng dám vào!
Tôi tặc lưỡi:
– Mày sợ “thần giữ cửa” hả?
– Hai bên hai đống thù lù ai mà không sợ! Nhưng mày đừng sốt ruột, bây giờ đến tối thế nào tao cũng gặp nó!

Phú ghẻ trấn an tôi. Nhưng rồi suốt năm ngày liên tiếp, ngày nào nó cũng báo “tin vui” cho tôi bằng một cái lắc đầu. Ngày thứ năm, kèm theo cái lắc đầu quen thuộc là lời than vãn:
– Lúc bình thường, đi ra đi vô cứ đụng đầu nó hoài, đến khi cần kíp lại cóc thấy nó đâu!
Dường như lời than thống thiết của Phú ghẻ thấu đến tai Cẩm Phô hay sao mà nó mới than buổi sáng, buổi chiều Cẩm Phô đã chường mặt ra cho nó gặp liền.
Và tối đó Phú ghẻ tức tốc ghé nhà tôi, không đợi đến lúc lên trường.
– Đi đâu vậy mày? – Thấy nó lù lù dẫn xác tới vào lúc đêm hôm, tôi ngạc nhiên.
Phú ghẻ liếc quanh một vòng rồi khẽ bấm tay tôi. Hai đứa len lén chuồn ra sau vườn.
Vẻ mặt dáo dác của Phú ghẻ khiên tôi sinh nghi. Vừa ra tới hè, tôi đã hỏi liền:
– Mày gặp Cẩ Phô rồi hả?
– Ừ.
– Mày nhắn giùm những gì tao nhờ chưa?
– Rồi.
Tôi hồi hộp:
– Cẩm Phô nói sao?
– Nó “ừ”.
– “Ừ” là sao?
– Cái thằng đần này! “Ừ” tức là nó đồng ý gặp mày trong quán chè bà Thường chứ sao!
Tôi liếm môi:
– Nó có nói gặp nhau vào lúc nào không?
– Trưa mai. Đúng mười hai giờ rưỡi.
– Trời đất! – Tôi kêu lên – Bộ hết giờ hẹn rồi hay sao mà nó hẹn vào cái giờ nắng chang chang vậy nè!
– Mày ngu quá! Chính giờ đó mới là giờ “an toàn” nhất, tụi mày khỏi phải sợ gặp ai quen! Cẩm Phô là con gái, nó ý tứ chứ đâu có thô lỗ sỗ sàng như mấy “thằng đầu bò” kia!
– Ừ, tao ngốc thật!
Đêm đó, tôi nằm thao thức đến gần sáng, cố tưởng tượng mình sẽ nói gì và làm gì vào mười hai giờ rưỡi trưa mai.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.