Toái Ngọc Đầu Châu

Chương 3: Chưa gì đã không nghĩ ra được tóm tắt nữa rồi


Đọc truyện Toái Ngọc Đầu Châu – Chương 3: Chưa gì đã không nghĩ ra được tóm tắt nữa rồi

Toái ngọc đầu châu

Tác giả: Bắc Nam

Chương 3: Chưa gì đã không nghĩ ra được tóm tắt nữa rồi

Thứ hai, ai đi làm thì đi làm, ai đi học thì đi học, Đinh Hán Bạch cãi nhau với chủ nhiệm Trương xong thì xin nghỉ, cụ thể chưa nói là nghỉ mấy ngày, mà chủ nhiệm Trương còn đi công tác ở Phúc Kiến nữa, nên hắn mới không nóng vội gì.

Ngủ một giấc thẳng đến khi mặt trời đã lên cao, bữa sáng và trưa gộp thành một, hắn mới rửa mặt sạch sẽ bước ra khỏi phòng ngủ thì bắt gặp hai cái rương khiến mình phiền lòng kia. Đinh Hán Bạch chầm chậm bước đến phòng cách vách, gào một tiếng long trời lở đất: “Kỷ Trân Châu! Ra đây!”

Cửa đóng, Kỷ Thận Ngữ xuất hiện tại khe cửa, dù núi Thái Sơn có sụp đổ ngay trước mắt thì mặt vẫn không đổi(*): “Làm sao?”

(*Nguyên văn: 泰山崩于前而色不变 – được hiểu là: Núi Thái Sơn sụp đổ ngay trước mắt nhưng mặt không đổi sắc, con nai đột nhiên xuất hiện ở bên cạnh nhưng mắt cũng không chớp. Ý chỉ người gặp chuyện nhưng vẫn bình tĩnh tự nhiên, không bị bên ngoài ảnh hưởng.)

“Cậu nói làm sao ư? Đặt rương nơi đó giống cái gì, cậu tưởng đang bày quán ở phố Xưởng Lưu Ly à?” Đinh Hán Bạch vừa thức dậy, cổ họng hơi khàn, “Ra hạn cho cậu hôm nay dọn xong, nếu không anh sẽ bổ rương đóng ghế dài đấy.”

(*Đường phố xưởng Lưu Ly ra đời từ triều nhà Thanh thế kỷ 17, là một đường phố văn hóa nổi tiếng của Bắc Kinh. Đường phố hiện nay vẫn có khá nhiều cửa hàng và sạp hàng lớn nhỏ bày bán tranh chữ cổ. Đường phố này từ triều nhà Thanh đã bắt đầu kinh doanh tranh chữ và đồ sứ là chính, đồng thời còn có hiệu sách Trung Quốc, nên gọi là đường phố văn hóa, đặc điểm lớn nhất của đường phố này là cơ sở văn hóa khá sâu dày, các cửa hàng ở đây đã có bảy tám mươi năm lịch sử, chủ yếu kinh doanh hàng khắc đá.)

Hắn nói xong thì lấy tay đẩy cửa, không khống chế được lực nên cánh cửa khắc dây mây hoa cỏ lạch cạch một tiếng, hoàn toàn mở ra. Kỷ Thận Ngữ đang đứng giữa phòng giật mình, tức khắc đón hết ánh dương vào người, dường như đến cả từng sợi lông nho nhỏ trên cánh tay cũng trở nên rõ rệt hơn.

“Sư ca à.” Kỷ Thận Ngữ không hề lấy trứng chọi đá, bình tĩnh lấy nhu thắng cương, “Đồ đạc dọn ra rồi thì rương để đâu?”

Đinh Hán Bạch đáp: “Phòng cơ khí có chứa đồ đấy.”

Kỷ Thận Ngữ gật đầu yên tâm, không chém thành củi gỗ là được. Cậu không lên tiếng, im lặng đối mặt với Đinh Hán Bạch hai giây. Cậu biết trong mắt mình không biểu lộ gì, cũng biết trong mắt Đinh Hán Bạch lại là “Ôi dào”.

Đó giờ Đinh Hán Bạch xuề xòa, cảm xúc gì cũng lười ém nhẹm, dáng vẻ không cảm xúc của Kỷ Thận Ngữ khiến hắn nhớ đến cụm từ châm biếm “Diện như quan ngọc”, ngay sau đó lại nhớ đến tay nghề tệ hại của Kỷ Thận Ngữ, ánh nhìn không khỏi khinh miệt hơn.

(*Diện như quan ngọc – Mặt như ngọc trên mũ, dùng để miêu tả một người con trai có khuôn mặt trắng như ngọc. Nghĩa (1) là chỉ công tử bột, mặt trắng, chỉ được cái mã ngoài, nghĩa (2) là chỉ người con trai có gương mặt đẹp.)

Kẻ bất tài thì dù có xinh trai đến nhường nào vẫn là bất tài mà thôi.

Giờ trưa không được đủ người, khi ăn cơm số người ngồi xung quanh bàn tròn ít ỏi, trời nóng nên Đinh Hán Bạch không có bao nhiêu hứng ăn, bưng bát canh đậu xanh ngồi trên sofa chầm chậm uống. “Hán Bạch à, anh định nghỉ mấy ngày nữa đây?” Đinh Nhĩ Hòa ăn xong thì đi qua, cầm chiếc điều khiển tăng âm lượng của tivi lên, “Ngũ sư đệ mới đến sao không ra ăn cơm?”

Đinh Hán Bạch chẳng thèm để ý: “Mặc kệ nó, chắc không đói bụng đâu.”

Âm giọng không lớn của Đinh Nhĩ Hòa bị át dưới nhạc nền của tivi: “Em nghe bố em kể, thực ra nó không chỉ là đồ đệ của Kỷ Phương Hứa, mà còn là con riêng của Kỷ Phương Hứa nữa đó.”

“Chắc không?” Đinh Hán Bạch đặt bát xuống, đã có thể hiểu sơ qua về cách làm của Đinh Duyên Thọ. Chắc chắn Kỷ Phương Hứa đã ủy thác bố hắn, vậy dù Kỷ Thận Ngữ có ngu ngốc đến đâu, nếu bố hắn đã nhận lời thì vẫn phải dốc sức mà nhận thôi.

Đinh Nhĩ Hòa còn nói thêm: “Anh xem, một thằng nhóc như nó, mặt mày như châu như ngọc, tốt số lắm. Không được kế thừa gia sản của bố ruột, nhưng bước vào nhà chúng ta lại có thể chia được một phần canh.”

Đinh Hán Bạch chỉ cười không nói, nhưng ý cười nơi khóe mắt và đuôi mày đã lộ sạch vẻ khinh thường, chút khinh thường đó khiến Đinh Nhĩ Hòa thấy hơi xấu hổ, cũng hơi ngột ngạt, bèn ngồi thêm một lát rồi đứng dậy rời đi ngay.

“Tiền đồ.” Đinh Hán Bạch khẽ khàng nói, “Cậu không cần phải thổi gió bên tai anh, mấy cửa hàng đó ai thích thì lấy, đương kéo dài hơi tàn mà còn đáng để cậu tranh anh đoạt à?”

Đó giờ hắn không nể mặt ai, nhìn thấu sẽ mắng, gai mắt sẽ chửi. Hắn cũng thấy lạ, Ngọc Tiêu Ký sa sút bao lần, sao còn xem như bảo bối sợ người ngoài đến chiếm mất? Có thể biết cầu tiến hơn không?


Đinh Hán Bạch nằm ườn trên sofa thấy buồn ngủ, thế nhưng ngủ đủ rồi nên thực sự là tinh thần còn phấn chấn lắm. Chiều đến là nóng nhất, hắn toan trở về phòng ngủ bật điều hòa, đi từ tiền viện đến tiểu viện thôi mà cũng đẫm mồ hôi, mới vừa rảo bước đến cổng vòm thì dừng chân bên cạnh trúc Phú Quý.

Chỗ ngồi và lan can trên hành lang phòng phía Bắc, bàn đá ghế đá, mặt cỏ vườn hoa… Phàm là những nơi bằng phẳng toàn là sách được phơi ra đó, đúng là không có chỗ đặt chân. Kỷ Thận Ngữ ngồi xổm trước rương quay lưng ra phía ngoài, rồi lại ôm ra hơn mười cuốn chạy xuống bậc thềm, khi thấy Đinh Hán Bạch thì mặt ửng đỏ và nhễ nhại: “Sư ca à, sách hơi ẩm khi đi trên đường, em phơi khô được không?”

Đinh Hán Bạch đáp: “Cậu phơi hết ra rồi còn hỏi gì nữa?”

“Em đợi hoàng hôn buông rồi dọn ngay.” Kỷ Thận Ngữ cũng bày hết hành lang trước phòng phía Nam.

Đinh Hán Bạch bắt đầu thấy bối rối tại chính cái viện mình đã sống suốt hai mươi năm ròng, như mấy cậu chàng choai choai bước vào phố đèn đỏ, cũng như hòa thượng ăn thịt uống rượu bị Phật tổ tóm được. Hắn xài tiền như nước, mà tiền mua vật liệu, mua sách vở đó giờ nhiều không đếm xuể, bởi vậy từ thảm cỏ dưới chân tường, bước từng bước để ngó, càng nhìn lòng càng ngứa ngáy.

(*Ý của câu đầu tiên là: Mấy thằng nhóc chưa hiểu sự đời bước vào phố đèn đỏ lần đầu tiên sẽ thấy hồi hộp và chờ mong, nhưng hòa thượng ăn rượu uống thịt mà bị Phật tổ bắt quả tang thì sẽ thấy sợ sệt, thấp thỏm. Cho nên ý của câu này nghĩa là miêu tả cảm giác vừa hồi hộp, thấp thỏm nhưng cũng đầy mong chờ và thích thú. Tức là ở đây, anh Bạch tò mò xem đống sách của em Ngữ, ôm hai loại tâm trạng trái ngược đó.)

Trừ mấy quyển tiểu thuyết ra thì hầu hết sách của Kỷ Thận Ngữ đều có liên quan đến đồ cổ hoặc văn phòng tứ bảo, rất nhiều sách không tìm thấy ở chợ mà vẫn có ở đây. Đinh Hán Bạch đi đến trước bàn đá, thấy hơi lóa mắt, khó chịu; đổi ý muốn mở lời mượn, nhưng miệng cũng khó thốt nên lời.

(*Văn phòng tứ bảo: Là bốn đồ vật quý trong thư phòng gồm Bút, nghiên, giấy, mực.)

Kỷ Thận Ngữ chưa ăn cơm, chạy hơn mười lần dưới cái nắng gắt không ngơi nghỉ, giờ đây thể lực đã hao hết như sắp bị cảm nắng đến nơi. Cậu ôm mấy cuốn sách cuối cùng chạy đến ném lên bàn đá, dựa vào mép bàn bắt đầu thở phì phò.

Đinh Hán Bạch tức khắc tập trung nhìn vào cuốn “Như núi như biển”, cầm lên nhìn chằm chặp vào bìa sách, đoạn nói: “Cuốn này anh đã tìm hơn nửa năm nay, về phương diện hiện vật nổi trên mặt biển và đổ cổ đào được trên núi đồi thì nó kể lại tường tận nhất.”

Kỷ Thận Ngữ thở đều hơn, từ hôm qua bị mắng nặng lời, rồi đến trưa thì bị quát, đây là lần đầu tiên đối phương nói chuyện một cách hòa nhã với cậu. Cậu hiểu ý ngoài lời nói của Đinh Hán Bạch, đó là muốn đọc ấy mà.

Nhưng không được đọc chùa, cậu giơ sách lên hỏi: “Sách nhiều lắm, em đặt một số cuốn ở thư phòng được không ạ?”

Đinh Hán Bạch mở cờ trong lòng, mặt không đổi sắc mà nhận lấy: “Vậy cứ đặt ít ở đó đi.”

“Cảm ơn sư ca nhé.” Kỷ Thận Ngữ gom mấy quyển không bị ẩm nghiêm trọng lắm và được phơi khá khô để đưa đi, phải nhanh chóng mang đến thư phòng để cất, phòng ngừa Đinh Hán Bạch đổi ý. Hơn nữa, cậu cũng tò mò thư phòng trông thế nào, và đã muốn vào ngó từ lâu.

Thư phòng rộng hơn cả phòng ngủ nữa, tủ cao tủ thấp, chồng giấy Tuyên Thành cao cỡ nửa người xếp trên bàn học, thảm dày mềm mại, trong không khí đượm mùi mực. Kỷ Thận Ngữ đặt sách xuống, tò mò ngắm nhìn một bức tranh trên bàn, còn chưa kịp thấy rõ tranh thì đã bị lóa mắt bởi thẻ đánh dấu sách vàng rực ở mép bàn trước tiên.

Một lá vàng ròng, chỗ dày như giấy, chỗ mỏng như cánh ve, một đám mây rực rỡ, sinh động và tinh mỹ hơn nhiều so với tưởng tượng.

Kỷ Thận Ngữ không thèm thưởng thức, ôm cục tức chạy ra viện, chạy thẳng đến trước mặt Đinh Hán Bạch giật lại sách. Đinh Hán Bạch vừa mới đọc xong mục lục, nói với vẻ không vui: “Phát điên gì vậy?”

Kỷ Thận Ngữ sôi máu cả lên: “Thẻ đánh dấu bằng vàng ngay trên bàn học đó, anh đi mà nhìn!”

Đinh Hán Bạch giả ngu: “Thế là anh nhớ lầm rồi, không kẹp trong sách.”

“Trả khuyên tai Phỉ Thúy lại cho em!” Kỷ Thận Ngữ nóng lòng kéo áo của Đinh Hán Bạch, rặt một vẻ muốn đi về phòng ngủ, “Đó là đồ sư phụ tặng cho em, em không làm rơi thẻ đánh dấu sách, anh đừng có nghĩ đến chuyện ủm đồ của em.”

Đinh Hán Bạch giật mạnh ra: “Ủm đồ? Ai hiếm lạ mấy thứ đó?”

Hắn vào nhà lấy khuyên tai ra, vốn cũng không muốn đâu, nhưng xét thấy tài nghệ vô cùng khéo léo nên muốn suy ngẫm về cách làm thêm hai ngày. “Này này này, cầm đi!” Lúc vừa dúi khuyên vào tay Kỷ Thận Ngữ, dường như phần móc đã đâm vào lòng bàn tay Kỷ Thận Ngữ nhưng hắn không rảnh để bận tâm, hắn còn nhung nhớ đến cuốn sách kia kìa.

Kỷ Thận Ngữ căn bản không sợ Đinh Hán Bạch xíu nào, tiếp đó chạy vụt đi mất, còn cầm cả cuốn “Như núi như biển” đó đi luôn.

Hai cánh cửa phòng ngủ đồng thời đóng lại, chỉ cách một bức tường mà thôi, lại như cách cả một khe núi. Kỷ Thận Ngữ đặt sách bên cửa sổ để phơi nắng tiếp, bụng réo ọt ọt mãi, rồi trông thấy một hộp bánh đào trên bàn.


Hộp bánh đào đó là Khương Thải Vi cho cậu, cậu cảm thấy trong cái nhà này, Khương Thải Vi đối xử với cậu tốt khôn kể.

Kỷ Thận Ngữ không nỡ ăn quá nhiều, bèn nhai nhỏ nuốt chậm một cái bánh, nhưng bụng vẫn đói meo, thế nên lại lục một túi mã não đỏ để dời sự chú ý. Cậu chọn một viên màu trắng đỏ, xuống bút phác họa, cổ tay không ngừng không nghỉ, đường nét liền mạch và lưu loát, vẽ xong thì bắt đầu khắc.

Tập trung tinh thần khắc đến tận tối, đặt dao xuống rồi xoa nhẹ lên phần bụng ngón đã lằn vết. Cậu không thể đánh bóng được, trừ phi Đinh Hán Bạch cho phép cậu vào phòng cơ khí, nhưng vậy thì cậu phải cho mượn sách. Giữa hai người như một chiếc bản lề móc khóa vậy, lề này đón lề kia, không có tình nghĩa sư huynh đệ, cũng không có cảm tình giữa những người cùng nghề, chỉ có… hiềm khích.

(*Ý của câu này là, mối liên hệ giữa hai người gần như là không giao nhau, chỉ vì có liên kết giữa người cùng nghề và sư huynh đệ nên mới giao tiếp với nhau, chứ không thì chỉ còn lại mỗi hiềm khích mà thôi.)

Kỷ Thận Ngữ đi thu sách trong viện, lúc này Khương Thải Vi tan làm về, theo sau còn có Khương Đình Ân vừa tan học. Khương Thải Vi hỗ trợ, Khương Đình Ân cũng giúp theo, mất mấy phút là gom hết.

“Cảm ơn dì út ạ.” Kỷ Thận Ngữ nói câu cảm ơn, thấy Khương Đình Ân đứng bên cửa sổ đọc cuốn “Như núi như biển”, “Nếu anh thích thì mượn mà đọc.”

Khương Đình Ân hí hửng lắm: “Sư đệ à, năm nay em bao nhiêu?”

“Tuổi mụ là mười bảy, sinh nhật vào mùa xuân.”

“Vậy em nhỏ hơn anh nửa tuổi rồi.” Khương Đình Ân đeo cặp sách, “Em không đi học nữa à?”

Lúc Kỷ Thận Ngữ ở Dương Châu đã là lớp 11, qua hè sẽ lên 12, nhưng chưa nghỉ hè xong thì đã nghỉ học để đến nơi đây. Đối với Đinh Duyên Thọ thì cậu chỉ là một vật đính kèm, cho nên tuyệt không nói ra yêu cầu khác, ví dụ như đi học.

Thực ra, trên đường đi cậu đã chuẩn bị tinh thần đến hỗ trợ ở Ngọc Tiêu Ký, lúc nào cũng đợi lời sai sử của Đinh Duyên Thọ.

Cất sách vào xong, Khương Thải Vi vào phòng kiểm tra một lượt, nhìn xem có thiếu gì hay không. Kỷ Thận Ngữ cầm mã não đỏ trên bàn lên, đoạn nói: “Dì út ơi, cảm ơn mấy ngày nay dì đã bận trước bận sau săn sóc cho cháu, cái này tặng dì ạ.”

“Để anh xem nào!” Khương Đình Ân giật lấy, “Cô út ơi, đây là khắc cô đó!”

Ngọc màu đỏ trắng, một thiếu nữ duyên dáng và yêu kiều, khắp người màu đỏ sẫm, chỉ duy chiếc váy dài là màu trắng thuần không tỳ vết. Khương Thải Vi lần đầu tiên nhận được một món quà như vậy, đang cầm mà thấy ngắm cũng không đủ: “Đẹp quá chừng, chiếc váy như được gió thổi vậy, dì thích lắm.”

Kỷ Thận Ngữ đáp với vẻ tiếc nuối: “Nhưng vẫn chưa đánh bóng.”

Khương Đình Ân bảo: “Dễ ợt, anh tìm anh cả mở phòng cơ khí ra, tối đánh là xong.” Cậu chàng nói xong thì nhìn Kỷ Thận Ngữ, vóc dáng cao to một khi đã nghiêm túc rất đáng sợ, “Sư đệ này, ngày đó em khắc trúc Phú Quý, hướng cành hướng lá lộn xộn hết cả, tại sao chiếc váy dài này lại có thể thanh thoát, bồng bềnh như thế?”

Kỷ Thận Ngữ đáp qua loa: “Lần này phát huy tốt hơn ngày thường nhiều, nếu không e là dì út sẽ chẳng thích.”

Cơm tối đã nấu xong xuôi, Khương Thải Vi giục hai đứa ra ngoài, Khương Đình Ân không có cơ hội để hỏi, khi ra hành lang lại gặp phải Đinh Hán Bạch, Đinh Hán Bạch vừa liếc đã thấy cuốn sách trong tay Khương Đình Ân.

Rồi lại liếc sang Kỷ Thận Ngữ, thầm mắng: Đồ nhóc Nam Man.

Tối đến người tề tựu, vị trí của Kỷ Thận Ngữ là ở bên tay trái Đinh Hán Bạch, cậu muốn gắp thức ăn thì bị Đinh Hán Bạch thúc khuỷu tay, bưng bát ăn canh thì bị đẩy đến nỗi đổ ra ngoài một ít.

“Anh muốn làm gì vậy?” Kỷ Thận Ngữ gằn giọng, “Phí lương thực anh vui lắm à?”

Đinh Hán Bạch khi ngồi cũng cao hơn cậu nửa đầu, bờ vai rộng gạt cậu ra: “Cái nhà này là thế đó, bản lĩnh lớn thì ngông nghênh, ăn uống tùy ý, không bản lĩnh thì chịu ấm ức, bị khinh khi.”


Kỷ Thận ngữ phản bác: “Chẳng nhìn ra anh có bản lĩnh gì sất, ngày nào cũng nằm ườn ở nhà.”

Đinh Hán Bạch gắp viên cuối cùng vào bát: “Mắng sếp mà vẫn chưa bị sa thải, cái này gọi là bản lĩnh đó.” Lại gắp thêm một viên thịt bọc bằng lá cải trắng, nửa chín dính dầu, bỏ vào bát đối phương, nói oang oang: “Trân Châu à, ăn nhiều hơn đi, có ăn phát phì lên thì sư ca cũng không chê cười cậu đâu.”

Kỷ Thận Ngữ nghiến răng ken két: “Cảm ơn sư ca.”

Sắp sửa ăn xong, Đinh Duyên Thọ bận bịu suốt cả ngày trời đặt bát đũa xuống, bỗng nói: “Thận Ngữ này, Phương Hứa vẫn luôn cho con đi học, ta cũng muốn như vậy, tiếp tục học lên 12 đi, tốt nghiệp xong hẵng nói sau.”

Kỷ Thận Ngữ như thấy niềm vui từ trên trời rơi xuống, nhếch miệng gật đầu: “Con sẽ đi học ạ, cảm ơn sư phụ!”

Đinh Hán Bạch thoáng nhìn sang nụ cười quá đỗi rạng ngời, suýt nữa đã mê mẩn. Hắn nghĩ chắc thành tích học hành của Kỷ Thận Ngữ cũng bình thường thôi, bất tài vẫn hoàn bất tài, ở phương diện nào cũng vậy cả.

Chờ người đi hết, phòng khách chỉ còn lại mỗi ba người nhà Đinh Hán Bạch. Khương Sấu Liễu cầm nho khô làm đồ ăn vặt sau cơm, Đinh Duyên Thọ thì xem dự báo thời tiết. “Bố ơi.” Đinh Hán Bạch bỗng nhớ đến cái gì đó, “Nghe nói Kỷ Thận Ngữ là con riêng của thầy Kỷ ạ?”

Đinh Duyên Thọ không giấu diếm: “Ừ, ngay trong ngày xong việc an táng là đã bị vợ của Phương Hứa đuổi đến đây.”

Chẳng hiểu sao Đinh Hán Bạch lại tò mò, cười khì: “Không chia gia sản gì đó luôn?”

“Chia rồi, ba rương hành lý đó thôi.” Đinh Duyên Thọ đáp, “Phương Hứa đã không ra tay làm việc từ lâu, mấy năm nay vẫn si mê đồ cổ, sau khi đổ bệnh thì Thận Ngữ bưng phân bưng nước tiểu hầu hạ, những thứ trong nhà đã bị vợ ông ấy thu gom gần hết, đợi đến khi người đi rồi, vợ ông ấy chắn cửa bắt Thận Ngữ phải dọn đi, sợ nó lấy thêm thứ gì. Thận Ngữ gom sách lại, còn ngọc toàn là nó tích trữ suốt mấy năm nay thôi.”

Đinh Hán Bạch bổ sung thêm: “Còn cả khuyên tai Bạch Kim khảm Phỉ Thúy nữa.”

Đinh Duyên Thọ chưa nhìn thấy, bèn đáp: “Giả thôi, nếu là thật thì sẽ không để nó đưa đi đâu.”

“Không thể nào, là Phỉ Thúy tự nhiên mà!” Đinh Hán Bạch đứng phắt dậy, cho dù Kỷ Thận Ngữ có lừa hắn thì hắn cũng chẳng phải người mù, hơn nữa, giả mà còn quý trọng vậy ư? Hắn vội vã quay về tiểu viện, đụng phải Khương Đình Ân.

“Anh cả, em đang tìm anh đó.” Khương Đình Ân túm tay lắc lắc, “Em muốn vào phòng cơ khí để đánh bóng.”

Đinh Hán Bạch dẫn đối phương vào phòng cơ khí ở phía Nam, liếc qua phòng ngủ của Kỷ Thận Ngữ, ánh sáng che cửa, không chút động tĩnh. “Khắc đồ gì à?” Hắn mở cửa bước vào, đứng dưới ánh đèn sáng rực nhất phòng cơ khí ra hiệu bảo Khương Đình Ân bày ra, “Để anh xem.”

Khương Đình Ân xòe tay ra, biết quan hệ giữa Đinh Hán Bạch và Kỷ Thận Ngữ không được tốt, bèn chọn từ mập mờ: “Khắc cô út ạ.”

Đinh Hán Bạch cầm lên: “Cậu khắc à?”

“Vâng, em khắc đó…” Con ngươi Khương Đình Ân chuyển động, không quá muốn thừa nhận, “Ăn một ly kem, khoan khoái đến nỗi xuống dao như thần, em cũng không ngờ.”

Đinh Hán Bạch hỏi: “Bây giờ cậu có như thần nữa không.”

Hắn không đợi Khương Đình Ân trả lời, nắm chặt mã não đỏ rồi ngồi xuống trước máy đánh bóng, không để cậu ta kịp phản bác đã nói: “Anh đánh cho, đỡ linh quang cậu không mở lại làm hỏng.”

Khương Đình Ân không phục, song ngẫm lại thì dù sao cũng là đưa cho Khương Thải Vi cả, mà cũng chẳng thuộc về cậu, vậy cứ kệ đi. Nhưng cậu vẫn không chắc nên hỏi: “Anh ơi, viên này thực sự khắc tốt lắm ạ?”

Đinh Hán Bạch nhìn thấy thứ tốt còn chẳng trưng tí sắc mặt đẹp đẽ nào: “Mã não đỏ tốt, vẽ rất sống động, đường dao lưu loát và khéo léo, không một chút tỳ vết nào thì chưa tới, nhưng trình độ thì tốt hơn hẳn so với Khả Dũ và Nhĩ Hòa.”

Khương Đình Ân phát cáu trong lòng, không ngờ Kỷ Thận Ngữ lại giấu bản lĩnh thật sự, kết quả là trình độ của cậu chàng vẫn xếp thứ nhất đếm ngược từ dưới lên. Cậu ta rầu lắm: “Anh à, em về đây, anh đánh bóng xong thì đưa thẳng cho cô út luôn nhé.”

Đinh Hán Bạch đóng cửa khởi động máy, đánh cả đêm mới xong xuôi, viên mã não đỏ đã được đánh sáng mới xem là triệt để hoàn thành. Hắn thưởng thức, mã não đỏ dưới ánh đèn phát ra độ sáng bình thường không hề có, kỹ xảo thuần thục gác qua một bên không nhắc đến, sở dĩ nó tốt là tốt về sự phân bố đường nét.

Một viên kim cương chẳng hề có gì hay, cắt gọt xong mới trở thành kim cương rực rỡ, đá quý cũng vậy, khắc đẹp là điều quan trọng nhất, soi kỹ mà không có tỳ vết gì thì trình độ tay nghề thuộc nhất đẳng, đẳng cấp cao nhất là hoàn thành sản phẩm với sự mỹ hóa viên ngọc ở mức lớn nhất, sửa một dao thôi cũng không được, chệch một ly thôi cũng đã là quá tay.

Rõ ràng là với bản lĩnh này của Khương Đình Ân, dù có khai thông hai mạch Nhâm Đốc cũng chẳng làm được đâu.

(*Trong tiểu thuyết võ hiệp, khai thông/đả thông hai mạch Nhâm Đốc thì khí huyết sẽ tự lưu thông, dẫn đến võ công có thể tăng vượt bậc.)

Đã khuya rồi, Đinh Hán Bạch định mai sẽ đưa cho Khương Thải Vi, khi về phòng ngủ thì đi qua phòng cách vách, phát hiện cánh cửa đóng đã mở ra. Hắn ho khan phát ra tiếng, chân dài sải từng bước, vừa khéo bắt gặp Kỷ Thận Ngữ đang thoa tay.


Tóc Kỷ Thận Ngữ ẩm nước, vừa mới tắm táp xong, nhưng tóc có thể không lau chứ tay thì phải thoa cái đã. Cậu không ngờ Đinh Hán Bạch qua đột ngột vậy, bèn giơ tay nên rớt đồ: “Có việc gì ạ?”

Đinh Hán Bạch khịt mũi: “Thoa gì thế?”

Mười ngón tay Kỷ Thận Ngữ chà vào nhau: “Thoa kem ạ…”

Đinh Hán Bạch đến gần thì thấy rõ kem dưỡng tay và tẩy da chết, sau đó bắt lấy tay Kỷ Thận Ngữ, trơn nhẵn khôn cùng, tỏa mùi thơm, mang sự ấm áp, hoa tay trên mười ngón hơi mờ, lộ màu hồng nhạt, đến cả một vết chai cũng không có.

Nghề này của họ phải cầm dao, phải dùng lực, không để lại vết chai còn khó hơn lên trời ấy chứ!

Đinh Hán Bạch hỏi với vẻ khó lòng tin nổi: “Mịa, cậu… Rốt cuộc thì đệch mợ cậu học nghề chưa đó?!”

Kỷ Thận Ngữ giãy ra, hết sức xấu hổ, thế nhưng không giải thích được cho người này, ban nãy chỉ cầm tay một chút thôi là cậu đã cảm nhận được, trên tay Đinh Hán Bạch là các vết chai dày, đều là dấu vết của việc dày công chịu khó.

“Vừa chai sần đã dùng tẩy da chết, ngày nào tắm xong cũng thoa kem à?” Đinh Hán Bạch lớn tiếng hỏi, nhặt kem dưỡng tay lên ngửi rồi lại ném, “Cẩn thận có ngày tẩy tróc da đấy!”

Kỷ Thận Ngữ siết chặt tay không lên tiếng, đầu ngón tay hơi đau, nghề này của bọn họ sao có thể không bị chai tay được, tẩy da thẳng thừng vậy đương nhiên sẽ đau, thi thoảng thậm chí còn tróc một lớp da, lộ thịt đỏ.

“Em… Em không thể có vết chai được.” Cậu lúng túng, “Thôi, em không nói với anh được.”

Đinh Hán Bạch không nghĩ nhiều, cũng không hỏi gì nữa, bèn thăm dò chuyện khác: “Chiếc khuyên tai Phỉ Thúy kia của cậu là thật hay giả?”

Rõ ràng Kỷ Thận Ngữ đã sửng sốt, mắt nhìn về phía hắn, hơi ngẩn ra. Đinh Hán Bạch cảm thấy đèn phòng này quá tốt, phản chiếu rõ hàng lông mày như nhung và đôi mắt lúng liếng. Hắn ngồi xuống bên giường, giở trò vô lại: “Đưa đây anh nhìn lại xem, nếu không anh sẽ không đi.”

Kỷ Thận Ngữ không nhúc nhích: “Phỉ Thúy giả.”

Đinh Hán Bạch nóng máu đến nỗi nện vào giường, thế mà hắn còn nhìn lầm!

“Vốn dĩ có một đôi hàng thật, bị sư mẫu em lấy đi rồi.” Kỷ Thận Ngữ bỗng nói, “Sư phụ muốn làm cho em một đôi khác, em xin ông, bảo ông hãy làm một đôi Phỉ Thúy giả.”

“Tại sao?”

“Giả thì không đáng bao nhiêu tiền, sư mẫu sẽ không muốn nữa, em cũng không để bụng chuyện thật hay giả, thứ sư phụ tặng cho em, em sẽ trân trọng nó.”

“Nếu đã trân trọng, tại sao lại cho anh một chiếc dễ dàng vậy?”

Kỷ Thận Ngữ vốn đã tức âm ỉ, bèn nhớ đến chuyện Đinh Hán Bạch lừa cậu, “Em chỉ tạm thời cho anh mà thôi, sau này có thứ tốt khác thì sẽ chuộc lại.” Cậu xoay mặt nhìn Đinh Hán Bạch, “Anh nhìn ra là Phỉ Thúy giả à?”

Trên mặt Đinh Hán Bạch không giấu được nữa, bèn lảng sang chuyện khác: “Thầy Kỷ là bố cậu hả?”

Quả nhiên Kỷ Thận Ngữ im lặng mãi lâu: “Em chỉ mới gọi một lần, vẫn luôn muốn sau này sẽ gọi lại lần nữa, kéo dài kéo mãi lại đến lúc ông mất.”

Cậu gào khóc gọi ông, Kỷ Phương Hứa mỉm cười đi mất.

Trái tim Đinh Hán Bạch bất chợt đau nhói, nghiêng đầu nhìn Kỷ Thận Ngữ, bắt gặp đuôi tóc nhỏ một giọt nước, rơi lên mặt, như chảy từ khóe mắt.

Hắn đứng dậy đi ra ngoài: “Đi ngủ sớm chút nhé.”

Kỷ Thận Ngữ rúc vào chăn, hoảng hốt trong bóng đêm. Một lát sau, cửa sổ khẽ mở ra từ bên ngoài, một chiếc thẻ đánh dấu sách bằng vàng bay vèo vào, vừa khéo đáp xuống gối cậu. Cậu giật mình nhìn bóng dáng ngoài cửa sổ, không biết Đinh Hán Bạch có ý gì nữa.

“Sách nhiều như vậy nên cho em chiếc thẻ đánh dấu này đấy.” Đinh Hán Bạch lạnh lùng bảo, “Tay thoa rồi, tóc cũng lau luôn đi.”

Bóng người rời đi mất, Kỷ Thận Ngữ giãn mày ngủ thiếp đi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.