Toái Ngọc Đầu Châu

Chương 2: Phỉ Thúy đổi Vàng


Đọc truyện Toái Ngọc Đầu Châu – Chương 2: Phỉ Thúy đổi Vàng

Toái ngọc đầu châu

Tác giả: Bắc Nam

Chương 2: Phỉ Thúy đổi Vàng

Nhà bỗng thêm một người, đây không phải một chuyện nhỏ.

Nhưng dù có thế nào đi chăng nữa thì người cũng đã đưa về rồi, cũng chẳng thể lại đuổi về được.

Vị trí hướng về phía cửa phòng khách chính là một đôi ghế bành, nửa trái là sofa tivi, nửa phải là một chiếc bàn tròn lớn để ăn cơm. Đinh Hán Bạch đọc tên cho người ta xong thì ngả người vào sofa, bắt chéo chân xem tivi.

Hắn như một thủ lĩnh vậy, nếu thái độ đã rõ mồn một thế thì ba anh em khác sẽ dựa theo mà làm. Đinh Nhĩ Hòa tìm đại một cái cớ để lủi về viện Đông, Đinh Khả Dũ đứng sau sofa xem tivi, Khương Đình Ân còn nhỏ cựa quậy không yên, chốc thì nhảy tót ra ngoài chơi, chốc thì nhảy vào.

Không ai quan tâm đến Kỷ Thận Ngữ cả.

Kỷ Thận Ngữ giẫm trên tấm thảm dày mãi mà vẫn sờ sợ, sau lưng không ngừng túa mồ hôi. Lần đầu tiên cậu đến phương Bắc, tưởng là mùa hè ở phương Bắc rất mát mẻ, nào ngờ cũng nóng như vậy cả.

Đứng đực ra đó một mình, chẳng dám động đậy một tẹo nào, cảm giác mình là một vị khách không mời mà đến, vì vậy mồ hôi càng chảy ra nhiều hơn.

Đó giờ Đinh Duyên Thọ và Khương Sấu Liễu mặn nồng với nhau, xa cách một tuần không gặp nên có lời kể không dứt, mà đến cả Kỷ Thận Ngữ còn chẳng hó hé gì, yên ắng quá đỗi nên hai người họ đã quên khuấy cậu luôn.

Mãi đến tận khi Khương Đình Ân chạy từ ngoài vào, í ới gọi: “Dượng ơi! Mấy cái rương hành lý đó đều là dượng đưa về cả ạ?!”

Kỷ Thận Ngữ phản ứng nhanh hơn mọi người. Cậu ngoái đầu nhìn Khương Đình Ân một cái, sau đó lại quay sang nhìn Đinh Duyên Thọ. Đinh Duyên Thọ giơ bàn tay về phía cậu rồi đáp: “Của Thận Ngữ cả đấy, các con trẻ tuổi sung sức thì giúp em nó chuyển đồ đi.”

Khương Sấu Liễu chần chờ: “Chuyển đến…”

Mí mắt phải của Đinh Hán Bạch giần giật hai cái, nghe Đinh Duyên Thọ bảo: “Chuyển đến viện của Hán Bạch, ở trong phòng cách vách phòng chính.”

Tiếng cười hả hê vang lên, Đinh Hán Bạch nện một cú vào hông Đinh Khả Dũ. Hắn còn muốn kháng nghị hai câu, nhưng chỉ mỗi viện của hắn là còn trống hai gian phòng. Đứng dậy bước qua sofa, bước từng bước đến gần thảm sàn nhà, hắn bước đến trước mặt Kỷ Thận Ngữ, nói với vẻ cam chịu và ghét bỏ: “Đi thôi nào, Ngũ sư đệ.”

Kỷ Thận Ngữ vác cái thân ướt đẫm mồ hôi đi ra khỏi phòng với Đinh Hán Bạch, vì căng thẳng nên thở nặng nề hơn. Mấy cái rương hành lý lớn của cậu đã được khóa kỹ càng đặt ngay giữa cửa chính, điều này càng khiến những người khác mất hứng.

Đinh Khả Dũ chống nạnh: “Con gái con đứa xuất giá cũng chẳng nhiều đồ đến vậy đâu.”

Đinh Hán Bạch dùng mũi giày đá đá, Kỷ Thận Ngữ vội thốt lên: “Đừng đá nữa!”

Cả ba anh em hơi sững người, đồng thời xét nét Kỷ Thận Ngữ một cái. Đinh Hán Bạch đút túi quần, ung dung đứng thẳng: “Bảo anh đừng đá nữa? Anh thấy chẳng phải động tay động chân gì nữa đâu, tự cậu chuyển đồ đi.”

Kỷ Thận Ngữ giải thích cho thái độ quát tháo ban nãy: “Mấy thứ bên trong không thể đá vào được, em nhất thời sốt ruột thôi, sư ca đừng so đo với em nhé.”

Người ta nói vung tay không đánh người đang cười, nhưng giờ phút này Kỷ Thận Ngữ đang nhíu mày tỏ vẻ ngượng nghịu, khiến Đinh Hán Bạch không phát cáu được chút nào. Ra oai phủ đầu đến đây thôi, hắn ngoắc tay bảo Đinh Khả Dũ và Khương Đình Ân chuyển một phần, hắn và Kỷ Thận Ngữ hợp lực chuyển một phần, chuyển tầm hai chuyến là đã chuyển hết rương hành lý vào tiểu viện.


Đinh Hán Bạch sống một mình trong tiểu viện um tùm cây xanh, trên bức tường xám sau khi xây lại có một chiếc cổng vòm, phía Bắc ba phòng, hai phòng ngủ một thư phòng, phía Nam hai phòng, thông với phòng đặt vật liệu và máy móc. Tuy nhiều phòng, nhưng cũng không tính là rộng, ba cái rương hành lý lớn chất đầy trước cửa.

Khương Đình Ân lau mồ hôi: “Rương hành lý lớn vầy chuyển vào thì đặt thế nào được?”

Kỷ Thận Ngữ ngó vào phòng: “Để dựa vào tường được không ạ?”

“Không được.” Đinh Hán Bạch phủi bụi trên ống quần, “Cậu sống ở đây, không có nghĩa nơi đây là địa bàn của cậu, ba cái rương hành lý nhét vào khó coi chết đi được, mở rương hành lý ra rồi thứ gì giữ được thì giữ, vứt được thì vứt, đừng có nghĩ đến chuyện bày cái đống phế phẩm này choán hết chỗ.”

Chẳng biết Kỷ Thận Ngữ đang nóng hay tức mà mặt đỏ gay: “Em không có đồ nào là phế phẩm cả, đều dùng được hết.”

Đinh Hán Bạch cũng là một kẻ được nuông chiều đến lớn, phiền nhất là việc người khác cân hồng đính bạch(*) với hắn: “Thằng nhóc Nam Man nhà cậu tranh cãi với ai đó?” Dứt lời xong thì không giúp nữa, vuốt mặt đi mất. Khương Đình Ân và Đinh Khả Dũ là hai tay sai, bám gót đến cổng tiểu viện.

(*Cân hồng đính bạch: Là một câu nói Đông Bắc, ý chỉ gió chiều nào theo chiều nấy, khi người ta đắc thế thì muốn lấy lòng xu nịnh, khi người ta thất thế thì chỉ trích, đạp đổ.)

Đinh Hán Bạch cố tình nói: “Gọi thằng hai lại đây, anh em chúng ta đi ăn cơm trưa ở Truy Phượng Lâu.”

Đinh Khả Dũ hớn hở nói: “Anh ơi, em thèm canh râu mực lâu lắm rồi!”

“Ăn râu mực gì.” Đinh Hán Bạch ngoái đầu nhìn về phía cửa phòng, “Hôm nay ăn cơm chiên Dương Châu!”

Hơi nóng giữa trưa bốc lên, Kỷ Thận Ngữ đứng trông ba cái rương hành lý trên bậc thềm, cậu vào phòng được không nhỉ? Nhưng vẫn chưa được sự cho phép của Đinh Hán Bạch cơ mà, lỡ như dịch cái ghế huých cái chén, Đinh Hán Bạch về bắt chẹt thì làm sao?

Từ khi ân sư bệnh tình nguy kịch là cậu đã hầu hạ người rồi, trước đó bận tang sự suốt nên gần như chưa ăn uống ngủ nghỉ được gì, đôi ba chuyện đau lòng nối gót mà tới, trơ mắt bám theo Đinh Duyên Thọ bôn ba về đây, ở trong một thành phố hoàn toàn xa lạ không một chốn an thân, không một lúc thảnh thơi, giờ phút này đứng đực dưới cái nắng không dám đi đâu, định hỏi lại sợ rước thêm phiền, mệt nhọc và sốt ruột suýt chút nữa đã ngất xỉu tại bậc thềm.

Khi Khương Thải Vi đến thì thấy Kỷ Thận Ngữ đang đứng một cách sợ sệt, hai má đỏ bừng, tóc ướt rượt mồ hôi.

Cô bước nhanh qua lau mồ hôi cho Kỷ Thận Ngữ rồi bảo: “Dì là dì út của Hán Bạch, anh rể đi xa mấy ngày, vừa nãy đã đến cửa hàng rồi, chị của dì đi mua vật dụng sinh hoạt và chăn mới cho cháu đó, sao cháu lại đứng mãi ở đây thế?”

Sự xuất hiện của Khương Thải Vi chẳng khác nào đưa than sưởi ấm trong ngày tuyết rơi, Kỷ Thận Ngữ bật cười đầy cảm kích: “Dì út à, cháu tên là Kỷ Thận Ngữ.”

“Dì biết rồi, tên hay lắm, thầy Kỷ đặt cho cháu à?” Khương Thải Vi đẩy Kỷ Thận Ngữ vào nhà, “Mấy ông anh kia chẳng hòa nhã với cháu ư? Cháu đừng để bụng nhé, yêu cầu nhận đồ đệ của anh rể dì cao, bao nhiêu con cái của bạn cũ muốn bái sư mà anh ấy chẳng nhận lời. Đừng nói là Hán Bạch, ngay cả những đứa khác có thích làm trò ra sao thì cũng đều là những người xuất chúng cả. Cho nên cháu được nhận là đồ đệ luôn, còn được dẫn về từ Dương Châu xa xôi đến thế, bọn nó khó chịu là phải.”

Kỷ Thận Ngữ vội nói: “Cháu sẽ không để sư phụ Đinh bẽ mặt đâu ạ, tay nghề cháu cũng ổn mà.”

Cậu muốn nói mình cũng chẳng kém cạnh gì, nhưng rốt cuộc vẫn biết ngại.

Khương Thải Vi cười khì: “Ăn cơm trước đi đã, ăn xong tắm rửa rồi ngủ một giấc, tối nay mát trời hẵng dọn.”

Kỷ Thận Ngữ dùng rương hành lý chỉ chứa mấy bộ quần áo, số đồ không nhiều nhặn gì lắm, nhưng cắt may cẩn thận, khiến người ta chỉ có thể nghĩ đến hai chữ — Nghèo túng. Cậu tắm táp xong ngồi đầu giường ngẩn người, đợi tóc khô mới dám nằm xuống, sợ làm ướt gối sẽ bị Đinh Hán Bạch bắt được nhược điểm.

Trên tủ đầu giường đặt một cuốn “Chiến tranh và hòa bình”, cậu cầm lên đọc một lát, đến khi mệt rã rời muốn ngủ thì đặt sách lại chỗ cũ, vờ như mình chưa từng động vào. Ngủ cũng không dám ngủ một cách thoải mái, nằm thẳng ngay mép giường, không xoay người không duỗi chân… Còn an tường hơn cả khi Kỷ Phương Hứa từ thế.

Cậu không sợ Đinh Hán Bạch, cậu chỉ biết ăn nhờ ở đậu phải có giáo dưỡng như thế nào mà thôi.

Đinh Hán Bạch đã quên sạch Kỷ Thận Ngữ, dẫn hai thằng em đi ăn cơm xong thì đi xem phim, xem phim xong thì đi hóng gió, lái xe la cà mãi đến tận khi mặt trời lặn mới về.


Khi hắn bước vào viện mới nhớ ra đã thêm một người ở nữa, bước chân nằng nặng dừng sau trúc Phú Quý, nhìn vào ba rương hành lý lớn hãy còn đang chất ngoài cửa. Sải bước qua, nhẹ nhàng nhảy vào phòng ngủ, bắt đầu dò xét từng cái bàn cái ghế như một vị lãnh đạo thanh tra.

Kỷ Thận Ngữ hoảng đến nỗi ngồi phắt dậy từ trên giường, trong tay hãy còn cầm cuốn “Chiến tranh và hòa bình”. Cậu quá mệt, vừa nằm đã ngủ thẳng đến hoàng hôn mới tỉnh giấc, cậu lại háo hức đọc sách, mở sách ra toan đọc chương tiếp theo, kết quả là đọc hết chương này đến chương khác, quên mất thì giờ.

Đinh Hán Bạch bước đến đuôi giường: “Không làm rơi mất thẻ đánh dấu sách của anh đó chứ?”

Kỷ Thận Ngữ cúi đầu tìm tòi, nhưng chẳng trang nào có thẻ, cậu vội ngó xuống giường và sàn nhà, hoảng hốt đáp: “Em không thấy thẻ đánh dấu sách đâu cả, nó là kiểu gì ạ?”

“Lá vàng(*) chạm rỗng, một đám mây.” Đinh Hán Bạch cường điệu, “Bằng vàng đấy.”

(*Nếu bạn nào từng đi mua trang sức ở các tiệm vàng thường sẽ thấy một tấm lá vàng mỏng, dẹt, được bọc nhựa.)

Kỷ Thận Ngữ xoay người vén ga giường lên, nhưng dưới đáy giường cũng không thấy, cuốn sách trở nên phỏng tay, song cậu không luống cuống quá lâu, đặt sách xuống rồi chạy ra ngoài. Cậu lấy chìa khóa mở rương hành lý, gỡ các lớp đồ và báo cũ ra, để lộ đá quý lẻ tẻ ở bên trong.

Đinh Hán Bạch hơi giật mình, đứng xa nên không thấy rõ được, bèn hỏi: “Cậu làm gì đó?”

Mắt Kỷ Thận Ngữ sáng quắc: “Em đền cho anh.”

Cậu cúi đầu lật đống ngọc chưa được chạm trổ ra, lục lọi một lát rồi lại lấy một hộp gỗ nhỏ từ trong rương, nắp hộp vẫn đóng, vươn tay vào, nắm lại tay như không cho người khác nhìn.

Đinh Hán Bạch đã hiểu thái độ trước đó của Kỷ Thận Ngữ, thì ra trong rương toàn là thứ tốt, thảo nào trân trọng đến thế.

Kỷ Thận Ngữ bước đến trước mặt hắn, nắm tay mở ngửa ra, trong lòng bàn tay là một chiếc khuyên tai. Bạch Kim khảm Phỉ Thúy, cả đồ lẫn tay nghề cũng chẳng thể soi mói. Hắn cầm lên xem, biết tỏng còn hỏi: “Cho anh à?”

“Dạ, đây là chiếc khuyên tai sư phụ đưa em dùng khi lấy vợ.” Kỷ Thận Ngữ không nghĩ xa đến chuyện lập gia đình như vậy. Đinh Duyên Thọ đã từng nói với cậu, rằng sau này cậu đã là đồ đệ, và cũng là con nuôi. Nếu cậu muốn thành gia lập thất ở đây thì không thể mới ngày đầu đã nợ Đinh Hán Bạch, tích tụ mâu thuẫn với người nhà.

Thẻ đánh dấu sách bằng vàng cậu chưa từng thấy bao giờ, thế nhưng nhìn cách bày biện trong phòng thì chắc chắn là rất quý giá, cậu đành phải lấy bảo bối mình nâng niu nhất để bồi thường. Đinh Hán Bạch cầm chiếc khuyên tai cảm thấy có phần đâm lao đành phải theo lao. Hắn thấy cuốn sách này không hay, thẻ đánh dấu thì đang yên vị trong thư phòng, thuận miệng đùa cợt tí thôi, ai ngờ thằng nhóc này lại tưởng thật.

“Đàn ông đàn ang như anh thì cần một chiếc khuyên tai làm gì?”

“Thì anh lấy vợ rồi dùng.”

“Lấy vợ mà chỉ cho một chiếc thôi à? Sao không đưa chiếc còn lại cho anh luôn?”

Kỷ Thận Ngữ nắm chặt tay lại, “Một tấm thẻ đánh dấu sách đổi một đôi khuyên tai Bạch Kim khảm Phỉ Thúy, người phương Bắc các anh biết “cơ hội” thật đấy.”

Đinh Hán Bạch tưởng là mình nghe nhầm: “Người phương Bắc bọn anh “cơ hội” là sao cơ?”

Kỷ Thận Ngữ hỏi vặn lại: “Vậy thằng nhóc Nam Man là sao?”

“…”


Tối đó Đinh Hán Bạch mất ngủ, trách cái miệng mình cả nể và uất ức quá. Nếu là lúc thường, chắc chắn hắn sẽ chặn họng đối phương đến khi họ giận điên lên, nhưng Kỷ Thận Ngữ rất khác, Kỷ Thận Ngữ không hề có ý gây sự, vặn lại mà như đang nói lý ấy.

Mà quan trọng nhất là há miệng mắc quai(*), hắn xoay người nhìn chằm chằm vào ngọn đèn đầu giường, chiếc khuyên tai móc trên tua bên rìa chao đèn, màu xanh Phỉ Thúy bọc trong màu vàng nhạt khuếch đại sự tinh tế của tay nghề lần nữa.

(*Há miệng mắc quai ý chỉ đã ăn của người ta rồi thì không thể nói xấu gì về người ta được nữa.)

Kỷ Phương Hứa đúng là thương đồ đệ này thật, sư phụ mà, nếu sư chiếm tỉ lệ lớn hơn, vậy thì nghiêm khắc hơn, nếu phụ chiếm tỉ lệ lớn hơn, vậy thì thân thiết hơn. Thế nhưng Kỷ Phương Hứa vừa mất, Kỷ Thận Ngữ đã bái sư phụ khác rồi cao chạy xa bay, căn bản không đáng với tình yêu thương và sự coi trọng của Kỷ Phương Hứa.

Đinh Hán Bạch đã từng được chiêm ngưỡng tác phẩm của Kỷ Phương Hứa, cách chừng ấy tuổi lại nhớ về đối phương, bèn vén chăn lên để che lời than thở: “Thầy Kỷ à, đồ nhi của người bất hiếu quá, con chỉnh đốn nó giúp người cho.”

Không đợi hắn kịp nghĩ ra âm mưu gì để chỉnh đốn người ta thì Đinh Duyên Thọ đã lập vài quy củ cho anh em bọn hắn rồi, điều thứ nhất chính là “Không được ma cũ mắt nạt ma mới.” Khương Thải Vi cũng ở đó, thấy không khí trầm xuống thì nói: “Anh rể à, chúng nó xêm tuổi nhau, sẽ chơi với nhau nhanh thôi.”

Đinh Duyên Thọ đeo kính, ánh mắt không chần chờ tí nào, nhìn thẳng vào Đinh Hán Bạch ngay: “Bố luôn bận bên cửa hàng, không để mắt được đến các con, dì út của các con là gián điệp của bố, cái gì bố cũng biết hết.”

Khương Thải Vi sụp đổ: “Nào có ai vừa mới đầu đã nói toẹt gián điệp ra luôn cơ chứ?”

Kỷ Thận Ngữ đứng yên không động đậy tí nào, cậu biết hôm nay Đinh Duyên Thọ mở họp là để lập ra cái quy định bảo vệ cho cậu, nhưng càng vậy cậu càng bất an hơn. Những người khác vốn đã khá là xét nét cậu rồi, bây giờ có khi lại càng không thích cậu hơn.

Đinh Hán Bạch khó chịu nhất, nghẹn mãi mới thốt ra: “Bố, bố đừng có nói ma mới bắt nạt ma cũ gì đó, cái nghề này chỉ bắt nạt một loại người, đó là kẻ tay nghề yếu kém mà thôi.”

Đinh Khả Dũ phụ họa theo: “Bác cả à, mấy đứa bọn cháu là do bác đã quan sát mấy năm mới nhận, vậy tại sao bác đi chơi một chuyến bảy ngày ở Dương Châu mà đã nhận thêm một đồ đệ nữa rồi.”

Đinh Hán Bạch vừa muốn bật cười vừa muốn nổi giận: “Đi chơi bảy ngày con khỉ, bố anh đi chịu tang!”

Kỷ Thận Ngữ thản nhiên nhìn bốn sư ca. Đinh Khả Dũ nói xong thì bị Đinh Hán Bạch mắng, Đinh Nhĩ Hòa lại rất bình tĩnh vuốt cằm im lặng, xem như đồng ý, còn Khương Đình Ân nhỏ tuổi thì thẳng tính, lập tức gật đầu ngay.

Cậu đã hiểu được đại khái, mọi người ghen tị cậu bái Đinh Duyên Thọ làm sư phụ quá dễ dàng, mấy cửa hàng của Ngọc Tiêu Ký, ai nấy cũng đều có thể ăn cổ phần theo, một kẻ ngoại lai như cậu đến chiếm một phần, tất nhiên sẽ nhận sự bất mãn.

Chỉ duy Đinh Hán Bạch thì khác. Hình như điều Đinh Hán Bạch để ý chỉ là bản lĩnh của cậu, nếu cậu là một kẻ bất tài thì có khi ngày nào người này cũng sẽ trợn mắt xem thường cậu không chừng.

Đinh Hán Bạch ngồi bên cạnh Đinh Duyên Thọ, vươn tay nắm đầu vai ông: “Bố à, thế này đi, để Ngũ sư đệ bộc lộ tài năng, con cũng muốn chiêm ngưỡng xem đồ đệ giỏi của thầy Kỷ có trình độ gì.”

Hắn dứt lời xong thì quét mắt đến Kỷ Thận Ngữ: “Trân Châu này, cậu đồng ý không?”

Kỷ Thận Ngữ cắn răng nanh: “Đồng ý ạ.” Nhận lời xong vẫn chưa từ bỏ ý định, “Sư phụ, con có thể đổi cái tên khác không?”

Đinh Duyên Thọ cảm thấy bàn tay to nơi đầu vai đang tăng lực, nghĩ thầm nếu làm trái với ý của con trai ruột thì dám chắc đến khi cúng bái cũng chẳng được bình yên, huống hồ cân nhắc một phen, cảm thấy Trân Châu cũng không tệ, bèn cười nói: “Trân Châu ấy, nhu, nhuận, có phúc, ta thấy rất hay.”

Mãi đến tận khi đến phòng cơ khí để chọn vật liệu, Kỷ Thận Ngữ vẫn cúi gằm mặt chưa từng ngẩng lên lấy một lần. Đinh Hán Bạch dẫn đường mở khóa, đá một cú văng cửa, ánh nắng đổ xuống khiến vật liệu trong mấy rương mấy tủ sáng bừng lên.

Khương Đình Ân không dằn lòng nổi: “Anh ơi, em cũng muốn…”

Đinh Hán Bạch cắt phăng: “Cậu muốn cái quần.”

Hai mắt Kỷ Thận Ngữ nhìn đăm đăm, song chưa được mãn nhãn thì đã bị chắn lại, cơ thể cao lớn của Đinh Hán Bạch chắn trước mặt, bàn tay to cầm một vốc mã não: “Chọn một cái đi.”

Ánh sáng trong tiểu viện càng rực rỡ hơn, năm viên đá mã não nằm trên bàn, đợi Kỷ Thận Ngữ đến chọn. Kỷ Thận Ngữ chạy về phòng lấy dao và bút ra, rồi lại chạy về dưới cái nhìn của mọi người, hơi thở hãy còn chưa đều thì đã quan sát kỹ năm viên mã não đỏ có màu sắc khác nhau kia.

Đỏ gấm, đỏ lụa, đỏ hoa hồng, đỏ chu sa…

(*Mã não đỏ là một trong những loại đá quý được ưa chuộng từ thưở sớm mai của nền văn minh nhân loại, khi có mặt trong những ghi chép của nền văn minh Hy Lạp cổ đại. Mã não đỏ thời đó được chọn làm những vật dụng của vua chúa, những món đồ cúng bái trong những nghi lễ đặc biệt. Mã não đỏ có nhiều công dụng trong y học, người Ai Cập cổ dùng miếng đá lớn đặt lên trán để hạ sốt, giảm cảm; hay ngậm một viên đá trong miệng để kích thích tiết nước bọt, cải thiện hệ tiêu hóa, giảm trạng thái đầy bụng.)


Kỷ Thận Ngữ vươn tay tóm lấy, cầm viên mã não màu đỏ gấm, đồng thời giương mắt lên nhìn Đinh Hán Bạch, bắt gặp đối phương nhìn với vẻ “Ôi dào”. Giống như cậu không phải một con người, mà là một thứ phế thải, là một kẻ rác rưởi.

Kỷ Thận Ngữ trực tiếp đặt bút, bắt đầu vẽ hình trên viên mã não đỏ. Cậu vẽ chậu trúc Phú Quý bên cạnh cổng vòm, đường nét đáy chậu thanh thoát, càng lên cao càng mềm nét hơn, cành trúc lá trúc ngổn ngang đan xen, không thể hiện được hướng gió.

Đinh Hán Bạch cũng chẳng muốn nhìn nữa, ngồi xổm xuống ngắt hoa Đinh Hương trong vườn hoa. Đinh Hương cùng họ với hắn, là loài hoa hắn thích nhất. Ngắt loài hoa thích nhất thành cành tàn lá héo, khi đứng dậy thì vừa lúc Kỷ Thận Ngữ đổi sang dao.

Bước ung dung đến bên trái phía sau nhìn chòng chọc, chỉ cần hai phút thôi là đã không chịu được nữa, hắn nắm lấy cổ tay Kỷ Thận Ngữ: “Cổ tay run lẩy bẩy thế làm gì? Cậu lắc xúc xắc hay đang phát bài Tú-lơ-khơ đấy?”

Kỷ Thận Ngữ đáp: “Em quen vậy rồi.”

“Quen vậy rồi? Quen mà đến cả năm viên mã não đỏ có phải thật hay giả cũng không phân biệt được, quen mà vẽ không có sức vẽ bừa hết cả lên, còn đệch mợ quen cả run tay cầm dao nữa?!” Đinh Hán Bạch bất chợt cao giọng, “Lãng phí thời gian, không biết ngượng!”

Cuộc thi để đánh giá đã dừng hẳn, mấy người khác hả hê thì thầm, chẳng gì ngoài cười cợt, Đinh Hán Bạch nổi đóa lên, mắng Kỷ Thận Ngữ sa sả, cứ như không mắng nặng lời chút thì không thể an ủi được Kỷ Phương Hứa trên trời có linh thiêng.

Kỷ Thận Ngữ nghe tai này ra tai kia, nghe xong thì về phòng đóng cửa lại, ngồi trên giường lại bắt đầu đọc “Chiến tranh và hòa bình”.

Lòng cậu đã tỏ tường, những người khác đố kị cậu đột nhiên bái sư, và càng kiêng kị cậu chiếm riêng sản nghiệp trong nhà hơn cả, dù gì tổ tông của Ngọc Tiêu Ký toàn là dựa vào tay nghề để ăn cổ phần cơ mà. Vậy nên cậu giấu giếm chút sắc sảo, chắc là có thể xoa dịu gia đình lớn này trong thời gian ngắn nhỉ.

Về phần Đinh Hán Bạch một lòng để ý đến tay nghề thì…

Thôi, cứ kệ anh ta.

Kỷ Thận Ngữ cầm sách lên, cậu vẫn không thấy thẻ đánh dấu đâu, nhưng xót cho cái khuyên tai Phỉ Thúy đến nỗi đêm ngủ không ngon giấc.

Editor: Từ chương này mình sẽ đổi “dì nhỏ” sang “dì út” do bạn mình có nhắc nhở nè.

*Chú thích:

1. Phỉ Thúy (Hay còn được gọi là Ngọc Phỉ Thúy) là cách gọi chung của các loại Ngọc Jade (Ngọc Cẩm Thạch, Ngọc Miến Điện hay Ngọc Bích), có đặc điểm chung là: Màu sắc hiện lên là màu xanh biếc (Thúy) hoặc màu đỏ (Phỉ). Do địa chất tác động nên chủ yếu hình thành từ Jadeite, Omphacite và Natri Crom Pyroxen tạo thành đẳng cấp Ngọc Đa Tinh Thể. Nó cũng là loại ngọc được nhắc tới nhiều trong nhiều bộ phim dã sử, được xem như là những báu vật mà chỉ bậc vua chúa hay các gia đình đại quyền quý mới có cơ hội sở hữu.

– Đọc nhiều truyện hơn tại website ngontinhplus.com –

– Đọc nhiều truyện hơn tại website ngontinhplus.com –

2. Mã não đỏ:

– Đọc nhiều truyện hơn tại website ngontinhplus.com –

– Đọc nhiều truyện hơn tại website ngontinhplus.com –

3. Bạch Kim: Cái này chắc mọi người cũng biết rồi vì hàng vàng Tây nào cũng có cả. Và Bạch Kim khác với vàng trắng nha.

– Đọc nhiều truyện hơn tại website ngontinhplus.com –

4. Lá vàng:

– Đọc nhiều truyện hơn tại website ngontinhplus.com –

5. Một kiểu lá vàng chạm rỗng:

– Đọc nhiều truyện hơn tại website ngontinhplus.com –


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.