Đọc truyện Tổ Ấm Nơi Tận Cùng Thế Giới – Chương 23
Cô rẽ vào và biến mất vào gian bán bàn ghế ngoài trời. Nhân viên bán hàng đang giới thiệu về những đặc tính an toàn của cái máy. Anh ta dùng bàn tay để chỉ ra ba điểm nhạy khiến cái máy không thể chộp lấy tay hoặc chân của bạn rồi nhả ra một tia máu hay những mẩu xương. Bàn tay anh ta trắng trẻo và thon gầy, ngón cái quá cong đến nỗi nó có vẻ làm anh ta bị đau.
Bố tôi và tôi lắng nghe chăm chú, hứa sẽ suy nghĩ về nó. Bố tôi, gật đầu khi nhận tấm danh thiếp của nhân viên bán hàng, trông vô cùng nhợt nhạt dưới ánh đèn huỳnh quang của cửa hàng Montgomery Ward. Ánh đèn trắng có cường độ mạnh xuyên qua mái tóc mỏng chiếu vào tận lớp da đầu bên dưới của ông. Ngay khi nhân viên bán hàng kết thúc việc giới thiệu sản phẩm, tôi vội đưa bố ra khỏi cửa hàng và mua đồ uống cho ông trong bóng tối tĩnh lặng của một tiệm thịt nướng. Một tấm biển dựng trong chậu hoa tulip nhựa viết rằng ở đây hiện đang phục vụ: “Bữa tối sớm đặc biệt”. Chúng tôi là những khách hàng duy nhất ngồi ở quầy bar vào giờ đó.
“Cậu nhỏ đó thật hăng hái,” bố tôi nói trên ly bourbon. “Thêm một trăm đô la nữa là con sẽ có một cái máy xén cỏ to hơn. Con có thể có một cái máy xén cỏ theo ý muốn với chưa đến một trăm đô la.”
“Dù sao thì con cũng chẳng có bãi cỏ nào cả,” tôi bảo ông.
“Vậy thì, khi nào con có, con nên biết cách chọn mua một cái máy xén cỏ.”
“Nếu mà con có một bãi cỏ, thì bố và con có thể đi mua máy xén cỏ một cách nghiêm túc hơn.”
“Lúc đó có thể bố không còn nữa,” ông nói. “Ngay bây giờ bố cũng có thể giúp con có được kiến thức về chúng.”
“Bố này,” tôi nói. “Con thực sự không biết liệu con có phải là mẫu người thích cỏ cây không. Con chẳng có cái cây nào cả. Thậm chí con còn không có ô tô.”
“Chiếc Olds kia mới đi được gần bốn vạn dặm,” ông nói. “Chắc là nó vẫn còn tốt khi con có nó một ngày nào đó.”
“Ý con không phải là con muốn có một cái ô tô. Con không định nói rằng con cảm thấy thiếu thốn. Chẳng có ai ở New York có ô tô cả. Con có thể bắt taxi khi cần đi đâu đó.”
“Và ở đó con thấy hạnh phúc chứ?” Ông hỏi.
“Vâng. Ý con là, con nghĩ thế. Hẳn rồi.”
“Đó là tất cả những gì mà bố quan tâm. Con có thể biến chiếc Olds thành một cái chậu nước cho chim tắm nếu con thích. Bố chỉ muốn con được hạnh phúc thôi.”
Tôi hít một hơi, và lúc đó, lần đầu tiên trong nhiều tháng qua, tôi thấy cực kì – gần như thái quá – khỏe mạnh. Tôi đã chờ đợi, gần như suốt cuộc đời, để nghe ông bày tỏ những khao khát của ông một cách chi tiết và dễ chấp nhận hơn cái ước muốn quan trọng duy nhất: tôi hoàn toàn được hạnh phúc, từng phút từng giây.
“Bố ơi, con xin phép,” tôi nói. “Con cần đi vệ sinh.”
“Bố sẽ ngồi đây chờ,” ông nói.
Phòng vệ sinh nằm ngay ở khu ngoài của nhà hàng, đằng sau khu vực thu ngân. Tôi nhận ra rằng thay vì đi vào phòng vệ sinh, tôi có thể bước ra khỏi cửa trước mà bố tôi không hề hay biết, và tôi đã làm thế, không do dự và không vì lý do gì ngoài một thực tế đơn giản, đó là một điều khả thi. Qua cánh cửa kính mờ, tôi bước ra sảnh chính ngập tràn thứ ánh sáng nhân tạo của trung tâm thương mại. Tôi đứng lại một lúc, nheo nheo mắt trước ánh sáng đột ngột ập đến, khi cánh cửa từ từ khép lại phía sau lưng. Khi nó đóng lại, một cảm giác tự do phóng túng xuất hiện trong tôi, một cảm giác chóng mặt, choáng váng. Tôi len lỏi giữa những người đi mua sắm để đi đến lối ra vào của trung tâm và băng qua những cánh cửa thủy lực để bước vào thứ ánh sáng ban ngày đích thực. Bãi đỗ xe đông nghịt những ông chồng, bà vợ vừa đi làm về – ánh nắng chiều rực rỡ dát vàng lên kính chắn gió và ăng ten radio của những chiếc ô tô. Đó là ánh nắng mùa thu nhưng không kèm theo cái se se lạnh đặc trưng của mùa. Tôi bước đi, mà chẳng tập trung suy nghĩ về một điều gì, theo hướng khu vực phía tây của bãi đỗ xe, lại gần hàng cây Joshua còi cọc ngăn cách trung tâm thương mại với đường cao tốc. Bên kia đường cao tốc là những căn nhà lưu động nằm tản mát, và xa hơn nữa là sa mạc, một dải đất bằng phẳng thênh thanh rải rác những cây xương rồng. Ở rìa sa mạc là những ngọn núi đỏ nhấp nhô. Tôi nghĩ rằng mình sẽ băng qua đường cao tốc để đi vào sa mạc. Tôi chẳng hề suy xét gì đến những động cơ hay hậu quả của việc đó. Lần đầu tiên tôi nhận thấy rằng người ta có thể bỏ đi chỉ vì một phút giây ngẫu hứng. Người ta có thể quyết định bỏ lại cái chết của người cha, sự cô đơn trớ trêu của người mẹ và cái tương lai mơ hồ của chính mình. Người ta có thể tìm một công việc và thuê một căn phòng dưới cái tên mới trong một thành phố xa lạ, đi trên những đại lộ của nó mà không cảm thấy sợ hãi hay bối rối. Tôi đứng đó một lúc, ngắm nhìn sa mạc khi những chiếc xe cứ vun vút phóng qua.
Chính vì bố tôi mà tôi đã quay trở lại. Hay, đúng hơn là, chính vì tôi đã nghĩ đến cái tâm trạng lo âu thắc thỏm đang lớn dần lên trong ông khi ông không thấy tôi trở về. Tôi không quan tâm lắm đến việc ông đi tìm tôi khắp phòng vệ sinh nam, kiểm tra xem tôi có ở cửa hàng Ward hay Sears không, và cuối cùng gọi điện cho cảnh sát. Tôi không quan tâm đến những hành động ông sẽ làm. Điều khiến tôi không thể chịu đựng được là hình ảnh của ông ngay lúc đó, cô đơn với đồ uống của mình ở tiệm thịt nướng, chỉ mới bắt đầu nhận ra có gì đó không ổn. Tôi rảo bước ngang qua bãi đỗ xe, và phải đứng lại một phút trước nhà hàng, lấy hơi.
Khi tôi trở về bàn, ông hỏi: “Con có sao không? Bố đang định đi vào đó tìm con đấy.”
“Con không sao đâu,” tôi nói. “Con chỉ hơi khó tiêu thôi bố ạ.”
“Trông con không được khỏe lắm,” ông nói. “Có lẽ bố con mình nên về nhà đi.”
“Không. Con hoàn toàn bình thường mà. Con nghĩ chắc là do con không quen uống rượu vào buổi chiều thôi.”
Chị phục vụ, một phụ nữ trạc tuổi tôi, với làn da xấu được đánh phấn kĩ càng, cười phá lên khi nhân viên pha chế rượu nói gì đó. Cả hai đều đang hút thuốc. Nhân viên pha chế rượu là một người đàn ông trung niên với vẻ thân thiện, tưng tửng của một con chó sục. Bóng phản chiếu của ông ta lơ lửng trong chiếc gương mờ đằng sau quầy bar, tối đen như một thi thể bị kẹt trong băng. Phía trên những cái chai lấp lánh, một đàn ngựa Clydesdale bằng nhựa nho nhỏ đang kéo một xe chở bia mini theo một vòng tròn.
Đêm đó, sau bữa tối, khi bố tôi lấy ra bộ trò chơi sắp chữ, tôi hỏi rằng liệu ông có muốn đi dạo thay vì chơi trò đó không. “Chẳng có nơi nào để đến cả,” ông nói. “Hàng dặm quanh đây chỉ toàn là những căn hộ chung cư giống hệt như nhau thôi.”
“Đi đi, Ned,” mẹ tôi nói. “Reuben nói rằng tập thể dục một chút sẽ có lợi cho anh đấy.”
“Không lâu đâu bố,” tôi nói thêm. “Chỉ mười phút thôi.”
Ông đứng dậy, trút ra một hơi thở khô khốc, mỏng manh.
“Được rồi,” ông nói. “Nhưng đừng có nghĩ rằng làm thế là con sẽ thoát được trò sắp chữ này đấy.”
“Con đi vào phòng tắm cái đã,” tôi nói. “Con sẽ quay lại ngay.”
“Thằng bé này ở trong phòng tắm còn nhiều hơn là ở bên ngoài,” bố tôi nói với mẹ tôi.
“Con đã hai mươi bảy tuổi rồi đấy,” tôi nói. “Con đã lớn tuổi hơn bố hồi bố gặp mẹ rồi đấy.”
Trong phòng tắm, căn phòng với giấy dán tường có hoa văn hình những nụ hồng màu cam ngộ nghĩnh, tôi vã nước lạnh lên mặt. Tôi đứng đó một lúc, dưới tiếng ù ù khe khẽ của bảng điện huỳnh quang. Tôi không nhìn vào hình phản chiếu của mình trong gương. Thay vào đó, tôi nhìn vào những tờ giấy dán tường, vào những nụ hồng sắp xếp theo hàng một cách trật tự, mỗi nụ lơ lửng trên một chiếc lá màu ô liu.
Ở tuổi mười chín, tôi đã đeo một chuỗi ngọc trai trên cổ, và xăm hình rồng lên vai phải. Tôi đã bỏ học ở NYU được một học kì mà không nói với bố mẹ tôi, và dùng một phần tiền học phí để đăng ký học pha chế rượu. Tôi đã nghĩ mình có thể làm một điều như thế. Và giờ thì tôi ở đây, đứng trong căn phòng tắm ở Phoenix, không biết phải làm gì với bố mình, ngay lúc ông còn sống cũng như sau khi ông mất. Tôi chưa bao giờ ngờ rằng mình sẽ rơi vào một tình huống thông thường như thế này. Tôi ở trong phòng tắm lâu hết mức có thể. Tôi giật nước bồn cầu hai lần như một cách để giải thích lý do tôi ở trong đó quá lâu.
Khi tôi trở ra, bố tôi hỏi: “Con chắc là con không sao chứ?”
“Con không sao,” tôi nói. “Bố con mình đi dạo thôi.”
Bên ngoài là màn đêm Arizona trong lành, bầu trời chi chít những vì sao. Khi chúng tôi ra phố, bố tôi nói: “Con muốn đi hướng nào? Cả hai phía đều chẳng có gì cả.”
“Vậy thì đi hướng bên trái đi ạ.”
Chúng tôi rẽ trái. Ở hai bên đường, những ô cửa sổ lấp lánh trong những ngôi nhà màu giấy da ấm cúng. Chúng tôi bắt đầu khe khẽ hát bài Give my regards to Broadway và tôi hòa theo. Sau khi đi được vài dãy nhà, tôi hỏi: “Nếu bố con mình đi tắt qua lối đi giữa hai tòa nhà này, bố con mình sẽ ra ngoài sa mạc đúng không ạ?”
“Ngoài đó có rắn đấy,” bố tôi nói. “Bọ cạp nữa.”
Ý nghĩ về việc Ned Glover, người chủ rạp chiếu phim ở Ohio trước đây, sống chung một nơi với lũ rắn và bọ cạp thật là không tưorng đến nỗi tôi cười phá lên. Có lẽ bố tôi nghĩ rằng tôi cười vì sự thận trọng của ông. “Hừm, bố hi vọng con đi đôi giày đủ dày,” vừa nói ông vừa đi thẳng qua lối đi giữa hai tòa nhà về phía vùng đất rộng mở.
Tôi vẫn nán lại, lo lắng về những con rắn. Bố tôi đi được khoảng hai mươi bước, ngoảnh lại và vẫy tôi, rồi bước tiếp. Khi ông đi qua bóng tối của những tòa nhà để bước vào sa mạc lấp lánh ánh sao, tóc ông bị gió thổi tung lên. Trông ông như đang hiện ra từ một cái đường hầm vậy. Tôi lững thững đi theo ông, vừa đi vừa để ý đến mặt đất.
“Ở đây có rắn thật không ạ?” Tôi hỏi.
“Thật. Rắn chuông hẳn hoi. Bà Cohen cách nhà mình hai căn từng thấy một con rắn bị chết đuối trong bể bơi sục của bà ấy đấy.”
Chúng tôi cùng nhau đi vào sa mạc. Mặt đất vô cùng bằng phẳng, đây đó nhô lên từng bụi ngọc giá thẫm đen tua tủa. Phía trước chúng tôi là dãy núi bằng, rạng rỡ vươn mình lên bầu trời. Nơi chân núi, vài ánh đèn le lói hiện ra trong bóng tối dày đặc, đó là những chiếc đèn lồng của các nhà tu khổ hạnh, những hồn ma của tộc người Navajo hay những người ngoài hành tinh đang dựng trại?
“Đêm nay đẹp thật,” ông nói.
“Đẹp quá. Bố này?”
“Gì hả con?”
“Chẳng có gì ạ,” tôi nói.
Tôi sợ rằng chúng tôi chẳng còn thời gian nữa. Dù tôi luôn âm thầm cho rằng rồi bố tôi sẽ qua đời trước tôi, nhưng tôi vẫn nghĩ điều đó sẽ diễn ra ở một tương lai xa xôi, khi tôi đã trở nên khôn ngoan, vững vàng và sẵn sàng hơn. Đột nhiên – có vẻ thực sự bất ngờ – phổi ông yếu dần với một tốc độ không lường trước được và máu tôi có thể bị bệnh tật xâm nhập, chuẩn bị biểu lộ những triệu chứng đầu tiên. Tôi muốn hỏi ông vài điều, nhưng dường như tôi không thể cất nên lời trong căn hộ chung cư, trong chiếc Oldsmobile hay ở trung tâm thương mại. Tôi đã hi vọng mình sẽ có nhiều quyết tâm hơn ngay tại đây, bên dưới những vì sao này.
“Mèo ăn mất lưỡi của con rồi hay sao mà lại ấp úng thế?” Ông hỏi.
“Chắc vậy ạ.”
Tôi vẫn đang cố tạo ra một phiên bản thay thế cho chính tôi, một người kiêu hãnh và không nao núng, người có thể nhìn thẳng vào bố mẹ và nói cho ông hay những bí mật cuối cùng của anh ta. Tôi muốn ông biết rõ tôi, hiểu thấu tôi. Tôi vẫn đang chờ cho đến khi mình ổn định và hoàn thiện, để cho ông thấy rằng tôi hoàn toàn hạnh phúc, một thứ hạnh phúc mà ông có thể hiểu được.
Bố tôi nói: “Bố đang nghĩ về cái máy xén cỏ đó.”
“Bố nghĩ gì về nó?”
“Nó quả là một món hời. Có lẽ ngày mai chúng ta nên quay lại đó để mua nó, và bố có thể cất nó ở đây cho đến khi con cần đến nó.”
“Bố có dùng nó trong thời gian chờ đợi không?”
“Bố á?” Ông nói. “Bố có gì mà xén chứ, cái vườn sỏi đá đó à? Bố mẹ có cái ga ra hai chỗ khá rộng, có rất nhiều khoảng trống.”
“Ý bố là nếu con có một bãi cỏ, thì con sẽ đến đây và lấy cái máy xén khi đó đã mười hay hai mươi tuổi à?”
“Càng ngày người ta sẽ càng làm ra những sản phẩm tệ hơn,” ông nói. “Con có biết mẹ con sẽ trả bao nhiêu tiền để lấy lại cái máy hút bụi Hoover kiểu đứng cũ của bà ấy không? Con không thể mua được những thứ đó dù trả bao nhiêu tiền chăng nữa, bây giờ máy hút bụi đều được làm bằng nhựa dẻo cả.”
“Bố chẳng nghiêm túc về chuyện này gì cả,” tôi nói.
“Dĩ nhiên là bố nghiêm túc đấy. Dù sao thì con cũng sẽ được thừa hưởng mọi thứ trong ngôi nhà đó, sao con không thừa kế một cái máy xén cỏ thật bền ở tương lai khi mà những thứ duy nhất con có thể mua lúc đó đều được làm từ cao su?”
“Con không muốn một cái máy xén cỏ,” tôi nói. “Thật đấy. Cảm ơn lời đề nghị của bố.”
“Có lẽ bố vẫn sẽ mua nó dù thế nào đi nữa,” ông nói. “Rồi nó sẽ ở đó, và nếu con không muốn, con có thể đem nó cho Đội quân Cứu tế hay bất cứ thứ gì khác.”
“Bố, con không muốn máy xén cỏ đâu,” tôi nói.
“Ừm, hãy đợi xem.”
“Con không muốn một cái máy khoan điện, một cái lò vi sóng, hay một chiếc xe Mercury mui kín. Con không muốn những tấm vé xe theo mùa đến vùng đất dành riêng cho người Da đỏ. Con không muốn một cái máy xới đất, một bộ cần câu và dây câu, hay một cái phích để giữ cà phê nóng suốt cả ngày.”
“Thôi, thôi,” ông nói. “Không cần quá khích thế đâu.”
“Điều mà con thực sự muốn,” tôi nói, “là biết được chuyện gì đã xảy ra với con. Sao con không thể sống một cuộc sống đàng hoàng?”
Mặt ông nhăn nhó. Đó là vẻ mặt quen thuộc của ông, là sự dồn nén của những cơ mặt bên dưới làn da – nó xảy ra khi ông gặp phải điều gì đó trái ý hay khó hiểu. Khuôn mặt ông thực sự có vẻ nhàu nhĩ và co rúm lại khi những nét trên mặt ông đều dồn về điểm trung tâm. Trông ông giống như đang gắng sức nhìn qua một cái lỗ khóa từ một khoảng cách chừng vài bước.
“Rồi con sẽ phát hiện ra vài điều gì đó,” ông nói, “Con vẫn còn trẻ, cần phải có thời gian.”
“Chuyện gì đã xảy ra vậy? Bố đã ở đó mà, chắc là bố phải biết chứ. Con cứ nghĩ rằng chắc hẳn phải có điều gì đó mà con không nhớ. Con có một công việc tử tế, con có tình nhân và bạn bè. Thế mà sao con lại có cảm giác quá cô độc và lặng lẽ như thế? Sao con lại cảm thấy mình như một kẻ thất bại vậy? Bố có làm gì con không thế? Con sẽ không oán trách gì bố đâu. Con chỉ cần biết thôi.”
Ông ngừng lại để hít một ngụm không khí. Mặt ông vẫn co rúm lại.
“Bố yêu con mà,” ông nói. “Bố đã làm việc chăm chỉ, bố không biết nữa. Có lẽ bố đã phạm sai lầm. Bố mẹ đã chăm sóc con tốt nhất có thể.”
“Vâng, con biết,” tôi nói, “Con biết. Vậy sao con lạ trở thành một kẻ bẩn thỉu như thế này?”
“Con không phải một kẻ bẩn thỉu,” ông nói. “Ý bố là, nếu con có vấn đề gì đó…”
“Bố chỉ cần trả lời câu hỏi của con thôi.”
“Bố không thể,” ông nói. Mắt ông trở nên đờ đẫn, và miệng ông hé mở. Ông đang nhớ lại điều gì vậy? Dĩ nhiên là đã có chuyện gì đó – một cơn giận khi tôi không ngừng khóc, vài điều bần tiện nảy sinh từ lòng đố kỵ. Vài hành động nhỏ nhen hay sự lơ là, một thoáng biến mất của tình yêu trong ông mà cuối cùng cũng không giải thích được điều gì.
Chúng tôi đứng một lúc trong im lặng, một điều thật hiếm hoi. Thông thường, bố con tôi tránh sự im lặng. Chúng tôi đều là những người hay chuyện, và biết cách giữ cho không khí quanh mình luôn sôi nổi bởi các cuộc trò chuyện, các trò chơi hay những khúc hát. Mảnh trăng lưỡi liềm trông như một con diều hâu đang lướt qua những vì sao. Một cái lon 7-Up rỗng lấp lánh trong ánh trăng như một vật gì đó đáng giá.
“Bố này,” tôi nói.
Ông không đáp. Chỉ đến lúc đó tôi mới nhận ra rằng ông đang gắng sức để thở.
“Bố ơi?” Tôi nói. “Bố có sao không?”
Mặt ông sạm đi, mắt ông lớn lạ thường khi ông tập trung hít thở. Vẻ mặt ông trông kinh ngạc như vẻ mặt của một con cá bị kéo lên khỏi mặt nước, nhức nhối và khó thở trước một thế giới đầy ánh sáng.
“Bố? Bố có nói được không?”
Ông lắc đầu. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là bỏ chạy. Tôi vẫn có thể bỏ đi, tôi có thể phủ nhận mọi chuyện. Sẽ không ai nghi ngờ gì tôi.
“Bố ơi,” tôi bất lực nói. “Ôi, bố ơi, con nên làm gì đây?”
Ông ra hiệu cho tôi lại gần hơn. Tôi ôm lấy vai ông, hít lấy mùi nước hoa cologne và mùi râu tóc của ông, nó vẫn không thay đổi so với hồi tôi còn bé. Phổi ông kêu rin rít như một quả bóng bay bị chà xát dữ dội.
Một cách cẩn thận, như thể ông được làm bằng sứ, tôi giúp ông ngồi xuống. Tôi ngồi cạnh ông, ôm ông, trên mặt đất mịn màng.
Chính là nó, tôi nghĩ. Đây là cái chết của bố tôi. Tôi không biết làm thế nào để giúp ông, không biết phải làm gì, phải chôn ông ở đâu. Tôi vuốt ve mái tóc lòa xòa của ông, vốn dĩ từng dày và tươi tốt đủ để làm nền cho một cuộc hôn nhân.
Tôi mở miệng định nói, và tôi nhận ra rằng tôi chẳng biết nói gì với ông. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là lời an ủi dành cho người sắp chết, mà bất kì người lạ nào cũng có thể nói ra. Tuy nhiên, tôi vẫn nói những lời đó. Nếu không ông sẽ chết trong im lặng.
“Không sao đâu,” tôi nói. “Mọi chuyện sẽ ổn thôi bố ạ.”
Ông không thể nói. Mặt ông sạm lại và nở rộng ra vì nỗ lực để thở.
Tôi nói: “Bố đừng lo về mẹ con con. Mẹ con con sẽ ổn thôi. Rồi mọi chuyện sẽ ổn cả thôi.”
Tôi không biết liệu ông ấy có nghe thấy tôi nói không. Có vẻ ông đã đi quá xa vào trong bản thân ông, ý thức ông đã rút lui khỏi não và tập trung toàn bộ sức lực vào hành động bất lực của hai lá phổi. Tôi cứ vuốt tóc ông và xoa vai ông. Tôi cứ bảo ông rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn.
Và, một lúc sau, ông dần dần hồi lại. Không khí lại bắt đầu tràn vào phổi ông và khuôn mặt ông, từng phút một, dần mất đi vẻ hoang dại, nghẹt thở. Chúng tôi ngồi cạnh nhau trên nền đất khi phổi ông, đã trở nên mỏng mảnh như vải thưa, có vẻ đang cố gắng thêm lần nữa để hấp thụ oxy.
Cuối cùng, ông đã nói được: “Chắc là phổi bố đã mở rộng quá mức. Bố đã hơi quá xúc động.”
“Bố nên ở lại đây,” tôi nói. “Con sẽ đi tìm người giúp.”
Ông lắc đầu. “Bố sẽ ổn thôi,” ông nói. “Chúng ta phải đi về thật chậm. Được chứ?”
“Vâng. Tất nhiên rồi… Bố ơi, con xin lỗi.”
“Vì điều gì?”