Đọc truyện Tổ Ấm Nơi Tận Cùng Thế Giới – Chương 22
JONATHAN
Tôi thấy có gì đó không ổn. Tôi cảm thấy mình như đang tách biệt dần với vạn vật xung quanh, và tôi lo rằng đó có thể là một dấu hiệu sớm của bệnh tật. Ban đầu, bạn cảm thấy lơ lửng như thể những giờ phút không làm nên một ngày và sự hiện diện của bạn – trong một chiếc máy bay hay trên đường phố – không ảnh hưởng gì đến ngoại cảnh như thường lệ. Rồi đến những vết thâm tím và những cơn sốt, một cơn ho cứ dai dẳng không dứt. Có lẽ đây là cách để cái chết thông báo về sự xuất hiện của nó, no sẽ khiến bạn không còn ý thức được những gì bạn đang làm.
Máy bay cất cánh, xuyên qua những đám mây trắng để vươn tới một bầu trời trong xanh như những ý niệm nghiêm túc nhất về phần thưởng từ thiên đường. Tôi ngồi trầm tư, bay qua mặt đất trong trạng thái bất đồng, gần như bị ru ngủ – gần giống như lúc đi xem phim. Tôi thấy mình, một người đàn ông hai mươi bảy tuổi, bị ràng buộc vào một sự hỗn loạn được đoán trước, đang rót rượu Scotch vào một cái cốc nhựa trong, trên đường đến thăm bố mẹ anh ta trong một căn nhà mà anh ta chưa bao giờ thấy.
Ở Arizona, lần đầu tiên, bố tôi nói với tôi về cái chết. Một vị bác sĩ khác đã chứng thực căn bệnh của ông – bệnh khí thũng – nhưng khẳng định rằng nếu cẩn thận đề phòng thì ông vẫn có thể sống thêm ba mươi năm nữa. Tuy nhiên, cũng đã đến lúc nói về một số việc.
Điều bố tôi nói là: “Con trai, khi chuyện đó xảy ra, hãy chôn bố ở bất cứ nơi nào con muốn.” Ông và tôi đang ngồi ở bàn ăn, nơi chúng tôi vẫn đang chơi trò Yahtzee trong khi mẹ tôi nấu bữa tối.
“Thực sự thì việc đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến bố,” ông nói thêm. “Lúc đó bố đã chết rồi mà.”
“Con không biết đâu,” tôi nói. “Con không nghĩ rằng mình lại muốn quyết định một điều gì đó như thế.”
“Vậy thì con nên quyết định đi,” ông nói. “Đó là nơi mà con phải đến viếng trong suốt năm mươi năm nữa đấy. Hay là nghìn năm nữa, nếu họ tìm ra cách thay thế những bộ phận trong cơ thể con bằng chất dẻo.”
Từ trong bếp, mẹ tôi có thể nghe rõ tiếng chúng tôi trò chuyện. Nó nằm vuông góc với phòng khách kiêm phòng ăn.
“Giờ chả còn ai mơ đến sự bất tử đó nữa,” bà nói. “Cũng như đường một ray và những kì nghỉ trên Sao Hỏa ấy.”
Bà bê một đĩa bánh bột ngô kèm nước xốt đến bên bàn. Từ khi bà và bố tôi chuyển về Arizona, bà đã không còn làm điệu với mái tóc nữa. Bà buộc ngược tóc lên theo kiểu đuôi ngựa, làn da rám nắng. Bố tôi, có nguy cơ bị ung thư da, lại trắng nhợt như mặt trăng. Họ trông như một người khai hoang và cô dâu Da đỏ của ông ta.
“Chuyện đó thực sự không to tát đến thế đâu,” bố tôi nói. “Bố xin lỗi vì đã khơi nó ra.”
Tôi liếc nhìn mẹ tôi, bà chẳng còn quan tâm đến câu chuyện nữa và đã quay lại với món ớt xanh nhồi của mình.
“Này, Jonathan,” bố tôi nói. “Nếu bây giờ bố mẹ đột ngột qua đời, nếu bố mẹ ôm lấy tim mình và gục mặt xuống món bánh bột ngô này, thì con sẽ làm gì?”
“Con không biết nữa. Con nghĩ con sẽ đưa bố mẹ về Cleveland.”
“Đó chính là điều bố không muốn con làm,” ông nói. “Con sẽ không bao giờ quay lại Cleveland. Thế thì chôn bố mẹ ở đó để làm gì?”
“Nhà mình đã sống ở đó bao năm trời,” tôi nói. “Ý con là, nó vẫn giống như quê hương của chúng ta.”
“Bố mẹ đã mất ba mươi năm mới rời được Cleveland,” ông nói. “Cái rạp chiếu phim đó gần như đã vắt kiệt sức của bố, và thời tiết ở đó cũng suýt chút nữa giết chết cả bố lẫn mẹ. Nếu con đưa bố mẹ quay lại đó, bố hứa là sẽ hiện về để ám ảnh con. Bố sẽ đánh thức con dậy thật sớm vào mỗi sáng thứ Bảy trong suốt cuộc đời con và bảo con giúp bố xén tỉa hàng rào.”
“Vậy, nếu là ở đây thì sao ạ?” Tôi nói. “Bố thích ở đây, đúng không?”
“Ở đây bố có thể hít thở không khí, và mẹ con đang học làm cocktail margaritas màu xanh dương. Với bố mẹ Phoenix có ý nghĩa như thế đấy.”
Tôi không thể hình dung ra cảnh ông được chôn ở Arizona. Nó sẽ giống như một trò đùa với ông, khi mộ ông nằm ở sa mạc miền Tây, với những con sói hú phía trên đầu.
“Con không biết mình có thể nói tiếp về vấn đề này không,” tôi nói. “Con không biết phải nói gì.”
“Thôi được,” bố tôi nói. “Lần này con muốn bị thua đậm đến mức nào trong trò Yahtzee?”
“Con nghĩ con nên đi nằm một chút. Được không ạ?”
“Dĩ nhiên là được. Con ốm à?”
“Không,” tôi nói. “Con chỉ muốn chợp mắt một lúc thôi.”
Tôi đứng dậy và đến bên chiếc sofa mới được mua ở Arizona. Nó là bản sao của chiếc sofa ở Cleveland, với tay ghế bằng gỗ thích gồ lên và vải trải niệm kiểu thuộc địa hồ cứng. Chiếc ghế mới này, có thể được mở ra thành một cái giường, đã được mua để dành riêng cho tôi khi tôi đến thăm họ, vì căn hộ chung cư của bố mẹ tôi chỉ có một phòng ngủ, như tất cả những căn hộ khác trong tổ hợp này. Đó là một khu dành cho những quả phụ và những người đàn ông góa vợ
“Sao con không mở chiếc sofa ra và ngủ một giấc?” Bố tôi nói.
“Không cần đâu ạ. Con cứ để yên nó như thế mà nằm cũng được,” tôi nói. Tôi nằm xuống, và kê một cái gối dựa bên dưới đầu. Vải bọc của chiếc sofa có hình những cây hương bồ, những con thuyền màu gỉ sắt, và những con vịt trời màu nâu cứ bay lơ lửng theo từng nhóm ba con. Một cái cây Giáng sinh nhỏ đang lập lòe trên đầu mép bàn, trên đó treo đầy những vật trang trí mà tôi nhớ là do chính tay tôi chọn trong một cửa hàng một giá hồi tôi còn nhỏ. Sau nhiều năm trưng những cái cây “lộng lẫy” – với những quả bóng màu đỏ và màu bạc, cùng những que kẹo hình ba toong và những chiếc đèn trắng nhỏ xíu – bố mẹ tôi đã quay lại với cái cây được trang trí lộn xộn, lòe loẹt của một hộ gia đình có trẻ con, nhưng với hình dáng nhỏ hơn.
“Bố thấy vui vì con đã về đây ít hôm,” bố tôi nói. “Trông con hơi xanh xao đấy, nếu con muốn nghe bố nói thật.”
“Vào mùa này ở New York ai cũng xanh xao cả,” tôi nói. “Có lẽ con sẽ chuyển đến Arizona.”
“Sao con lại muốn chuyển đến đây?” Bố tôi nói, lắc lắc cái chén đựng viên xúc xắc của trò Yahtzee. “Ở đây chẳng có gì để cho thanh niên làm cả.”
“Thế bố làm gì ở đây?”
“Chẳng làm gì. Thực sự thì với ai cũng thế thôi. Chẳng có gì để làm.” Ông đổ xúc xắc ra. “Small straight,[54]” ông nói. “Con muốn uống thêm ly nữa không?”
“Con không nghĩ vậy.”
[54] Small straight: thuật ngữ trong trò Yahtzee, thường được dùng khi bạn đổ 5 viên xúc xắc ra và được một chuỗi 4 số liền nhau theo thứ tự.
Khi ông đến bên quầy bar to bằng cái tủ để rót thêm một ly nữa, tôi có thể nghe thấy hơi thở nặng nhọc của ông. Cái quầy bar hẹp này ngăn giữa phòng khách và phòng ăn nhỏ, đang bày từng hàng chai lọ ngăn nắp trên một cái giá bằng kính. Một cái khăn tay màu be, chưa bao giờ được dùng, được gấp đặt cạnh cái bồn rửa mini bằng chrome.
Bố mẹ tôi đã mang theo ý thức ngăn nắp từ Cleveland đến sa mạc. Ở đây, về đêm cát vàng thường bay vào qua cửa sổ, đám cỏ lăn thi thoảng cào vào cánh cửa, những lọ gia vị trên giá được sắp xếp theo thứ tự ABC một cách nghiêm ngặt. Mỗi chậu cây cảnh đều tỏa ra một sức sống xanh tươi mơn mởn, và sáng nào mẹ tôi cũng kiểm tra chúng một lượt, để bứt những chiếc lá héo và cho vào một cái túi bóng.
“Thấy bố uống thêm nên con cũng thèm quá,” tôi nói. Tôi nghe thấy tiếng ùng ục đặc trưng của rượu bourbon khi nó chảy ra từ vòi của cái chai một lít Anh.
“Phim Hi vọng và vinh quang đang được chiếu ở trung tâm thương mại đấy,” bố tôi nói.
“Ngày mai bố con mình có thể đi xem vào suất chiếu buổi chiều,” tôi nói. “Lúc đó nắng không còn chói nữa.”
“Được.” Ông mang ly rượu đến cho tôi.
“Con thực sự không muốn quyết định, bố biết đấy, về việc lo liệu tang lễ cho bố mẹ,” tôi nói.
“Đừng lo lắng quá nhiều về việc đó. Đến lúc bố mẹ chết thì có thể con cũng đã ổn định cuộc sống ở đâu đó rồi. Hãy chôn bố mẹ ở nơi nào mà con tiện đi lại ấy.”
“Thế nhỡ con chưa ổn định thì sao?”
“Con sẽ ổn định. Tin bố đi, chỉ là sớm hay muộn thôi.”
“Con nghĩ con nên vào bếp xem mẹ có cần giúp gì không,” tôi nói.
“Ừ.”
“Chỉ vì con chưa biết con sẽ định cư ở đâu,” tôi nói. “Con có thể lựa chọn bất cứ nơi nào. Con có thể tới tận Sri Lanka.”
“Chà, hay đấy. Con nên đi nhiều khi còn trẻ.” Bố tôi lại gieo xúc xắc, và nguyền rủa sự thiếu may mắn của ông.
“Con không còn trẻ như thế đâu,” tôi nói.
“Ha. Đó là điều mà con nghĩ thôi.”
Trong bếp, mẹ tôi đang làm ráo rau diếp lá dài với vẻ mệt mỏi. Trông bà như đang quấn tã cho đứa con thứ mười vậy. Tôi đứng cạnh bà ở bồn rửa. Người bà tỏa ra một mùi khô giòn, như những chiếc lá khô.
“Mẹ,” tôi nói.
“Con xem thứ mà người ta gọi là rau diếp ở đây này,” bà nói. “Mẹ đã đến ba cửa hàng khác nhau để tìm mua nó, vậy mà trông nó vẫn giống như bị ai đó dùng gậy đập nát suốt quãng đường đến Phoenix vậy.”
Bà phàn nàn bằng cái giọng hơi nhí nhảnh. Gần đây, trong những chuyến về thăm nhà, lúc trước là ở Cleveland, còn bây giờ là Phoenix, tôi thấy bà lúc thì hay mỉa mai, lúc lại thân mật, hồ hởi, chan hòa.
“Tệ thật,” tôi nói.
Chúng tôi đứng yên lặng khi bố tôi nhổm dậy khỏi ghế và đi lên phòng ngủ trên gác. Khi ông đã đi khuất, mẹ tôi nói: “Nào. Mọi chuyện sao rồi? Bobby thế nào?”
“Ổn cả mẹ ạ. Cậu ấy vẫn khỏe. Mọi chuyện đều khá suôn sẻ.”
“Tốt,” bà nói và gật đầu đầy nhiệt tình, như thể câu trả lời đó là đầy đủ và thích đáng.
“Mẹ ơi?” Tôi nói.
“Ừm?”
“Thực ra thì, con vẫn… ôi, con không biết nữa. Đôi khi con thấy rất cô đơn khi ở New York.”
“Ừm, mẹ hiểu,” bà nói. “Khó mà tránh khỏi cảm giác cô đơn. Ở đâu cũng thế thôi.”
Bà bắt đầu thái một quả dưa chuột thành những lát mỏng và lấp lánh kì lạ. Dường như lưỡi dao đã truyền ánh sáng tới từng lát rau quả.
“Mẹ có biết gần đây con đang băn khoăn điều gì không?” Tôi nói. “Con đang thắc mắc là sao bố mẹ không có nhiều bạn bè hơn. Ý con là, khi con còn nhỏ, con cảm thấy cả nhà mình như bị bỏ lại trên một hành tinh khác vậy. Giống như cái gia đình trên một chương trình truyền hình cũ vậy.”
“Mẹ không nhớ là lại có một chương trình truyền hình như thế,” bà nói. “Nếu con có con, một ngôi nhà và điều hành một công việc kinh doanh, con sẽ biết được mình có còn đủ năng lượng để chạy quanh hàng xóm gặp gỡ mọi người không. Và rồi mười tám năm sau, những đứa con của con sẽ gói ghém đồ đạc và rời đi.”
“Vâng, đúng vậy,” tôi nói. “Dĩ nhiên là chúng sẽ đi. Mẹ còn mong gì hơn chứ?”
Bà cười. “Chúng làm thế nếu con nuôi dạy chúng đúng cách,” bà vui vẻ nói. “Con yêu, không ai muốn con phải quay lại căn phòng cũ của con sau khi con đã tốt nghiệp đâu.”
Chúng tôi không phải một gia đình hay đối đầu nhau. Chúng tôi không cố gắng tranh cãi. Thay vào đó, khi cuộc sống của chúng tôi thay đổi, chúng tôi cố gắng tạo nên những cách ứng xử bình thường mới mỗi khi ở bên nhau.
“Gần đây con vẫn đang băn khoăn liệu đây có phải, mẹ biết đấy, là nó không,” tôi nói. “Một căn hộ, một công việc ổn định và vài người để yêu. Con còn có thể muốn gì hơn nữa?”
“Nghe có vẻ ổn đấy chứ,” bà nói.
Tôi hỏi: “Mẹ, lúc nào thì mẹ biết là mẹ muốn lấy bố thế?”
Bà im lặng trong đúng một phút. Bà đã thái xong quả dưa chuột và bắt đầu chuyển sang quả cà chua.
Cuối cùng bà nói: “Ừm, mẹ vẫn không biết liệu mẹ có muốn lấy bố con hay không. Mẹ vẫn đang cố gắng cân nhắc.”
“Thôi mà, mẹ nghiêm túc đi nào.”
“Được rồi. Xem nào. Lúc đó mẹ mới mười bảy, con biết đấy, và bố con hai mươi sáu. Ông ấy đã cầu hôn mẹ vào lần hẹn hò thứ tư. Mẹ còn nhớ hôm đó là sau Ngày Quốc tế Lao động một tuần, mẹ đang đi đôi giày màu trắng, và mẹ cảm thấy vừa khó chịu vừa hơi ngớ ngẩn. Bố mẹ đang ngồi trong xe của bố con, và mẹ giả vờ suy nghĩ trong khi thực chất thì mẹ chỉ đang lo lắng về việc đã đi đôi giày chết tiệt đó, rồi ông ấy ngó sang mẹ và nói với mẹ: “Chúng mình lấy nhau nhé.” Chỉ thế thôi.”
“Vậy mẹ nói gì?”
Bà với lấy quả cà chua thứ hai. “Mẹ chẳng nói gì. Mẹ chỉ giật mình. Và xấu hổ, vì đã lo lắng về đôi giày vào một thời điểm như thế. Mẹ nhớ là mẹ đã nghĩ rằng: “Mình là kẻ nhỏ mọn nhất trên đời này.” Mẹ đã bảo ông ấy mẹ cần thời gian để suy nghĩ. Và mẹ thấy mình chẳng nghĩ ra được lý do gì để không nên lấy ông ấy. Vì thế bố mẹ đã lấy nhau.”
“Mẹ có yêu bố không?” Tôi hỏi.
Bà mím môi, như thể câu hỏi đó là không thích hợp và có vẻ hơi chọc ngoáy. “Lúc đó mẹ còn quá trẻ,” bà nói. “Nhưng chắc chắn là mẹ yêu ông ấy. Mẹ phát điên lên vì ông ấy. Chưa từng có ai khiến mẹ cười như ông ấy đã làm, con có nhớ ông ngoại con luôn nghiêm túc như thế nào không? Và hồi đó bố con có mái tóc dày dặn màu hạt dẻ không ai đẹp bằng.”
“Mẹ biết rằng bố là người mà mẹ muốn lấy trong số tất cả những người khác trên thế giới này à?” Tôi hỏi. “Mẹ không hề lo rằng mẹ có thể gây nên một số sai lầm hơn nữa sao, như là đánh mất cuộc sống thực tại của mẹ và, con không biết phải nói thế nào, hoàn toàn thay đổi đến nỗi không thể quay lại như xưa nữa?”
Bà xua câu hỏi đó đi như thể nó là một con ruồi lờ đờ nhưng cứ mãi luẩn quẩn quanh bà. Những ngón tay bà lấp lánh ruột cà chua. “Hồi đó mẹ không thắc mắc những câu hỏi lớn như thế,” bà nói. “Con có thấy nặng nề khi phải suy nghĩ, phân vân và dự định quá nhiều không?”
Tôi nghe thấy tiếng giật nước ở nhà vệ sinh trên gác. Tôi biết bố tôi sắp trở xuống, chuẩn bị chơi một ván Yahtzee nữa.
“Thực sự thì tình hình bố thế nào ạ?” Tôi hỏi mẹ tôi.
“Ôi, thất thường,” bà nói.
“Trông bố khá ổn từ khi con đến đây.”
“Đó là vì có con ở đây đấy. Nhưng bác sĩ Reuben nói bệnh khí thũng rất buồn cười. Nó có thể đột nhiên khá lên. Như thế đó.”
“Vậy mẹ nghĩ là bố đang khá lên?” Tôi hỏi.
“Không. Nhưng có thể đấy. Ông ấy có thể đột nhiên khá lên bất cứ lúc nào.”
“Còn mẹ thì sao?”
“Mẹ à? Mẹ khỏe như ngựa ấy,” bà nói. “Mẹ còn cảm thấy hơi xấu hổ bởi mình quá khỏe mạnh đấy.”
“Con ám chỉ việc khác cơ. Mẹ đã nói mẹ muốn kiếm một công việc ở đây mà. Mẹ đang nhắc đến một trường bất động sản.”
“Mẹ nên làm thế. Mẹ cứ có ý định đến đó và xem nó là gì. Nhưng nếu thế thì bố con sẽ cô đơn suốt cả ngày. Thật trớ trêu. Ông ấy luôn tháo vát hồi bố mẹ còn sống ở Ohio. Ông ấy lúc nào cũng ở cái rạp chiếu phim đó, đến mức mẹ cho rằng ông ấy thích ở một mình. Nhưng bây giờ khi chuyển đến đây, ông ấy cứ cuống cả lên nếu mẹ đi mua hàng quá lâu.”
“Mẹ có nghĩ bố đang bị lão suy không?” Tôi hỏi.
“Không. Chỉ vì ông ấy tốt bụng và hay lo thôi. Trước đây bố con chưa bao giờ sống nội tâm như thế. Vậy mà bây giờ, ừm, lúc nào ông ấy cũng muốn làm một điều gì đó. Mẹ giống như người tổ chức những trò tiêu khiển trong một chuyến du lịch trên biển cho một người nào đó vậy.”
Bà cười với tôi, đảo mắt một cách hài hước, nhưng giờ sự châm biếm toát ra một cách nhẹ nhàng.
“Hai người chứ,” tôi nói. “Bố và mẹ.”
“Chỉ là ví von thôi mà,” bà nói.
Hôm sau, bố tôi và tôi đi xem phim Hi vọng và vinh quang ở rạp Phoenix Số Tám. Mẹ tôi, người tuyên bố rằng đã xem quá đủ phim trong tuần đó, ở nhà để làm việc trên cái mà bà gọi là mảnh vườn. Đó chỉ là một khoảnh đất nhỏ trồng cỏ ướt đẫm nước và những bông hoa cuống dày, khỏe mạnh. Khi chúng tôi ra khỏi nhà, bà đang đi ra ngoài nắng, mặc chiếc quần soóc Bermuda kẻ sọc, đội một cái mũ rơm nhạt và đeo đôi găng tay làm vườn bé như đôi tay của chuột Minnie.
Khi chúng tôi ra khỏi cửa, bố tôi nói: “Những ông chủ trại thượng lưu cuối cùng đi đây.” Bà trao cho ông ánh nhìn đã xuất hiện từ khi họ chuyển đến sa mạc: ánh nhìn trìu mến giản dị, nhẫn nại của một y tá giỏi.
Chúng tôi lái chiếc xe hiệu Oldsmobile cũ của bố tôi đến rạp chiếu phim, một chiếc Cutlass lớn màu xanh sẫm, lừ lừ và nặng nề như một chiếc tàu ngầm. Ông đặt tay trên vô lăng lúc ba giờ chín phút. Ông đeo một cặp kính râm loại mắt kẹp bên ngoài cặp kính bình thường. Phía trên đầu chúng tôi, bầu trời mang một màu xanh oi ả, nóng nực. Những ngọn núi mờ ảo phía xa xa ở rìa những khu nhà và những trung tâm mua sắm. Khi chúng tôi quẹo tay lái để tránh một con tatu đã chết, bố tôi lắc đầu và nói: “Ai mà ngờ cuối đời mình lại phải sống trong sa mạc cơ chứ?”
Tôi nhún vai: “Có ai ngờ được cuối đời mình sẽ sống ở đâu đâu bố.”
“Nó quá sâu sắc với bố,” ông nói và rẽ vào bãi đỗ xe của trung tâm thương mại, đi dọc theo một dãy cao bồi trên lưng ngựa bằng neon với những đôi chân đu đưa.
Chúng tôi là hai trong số khoảng nửa táng ở rạp chiếu phim, đó là một suất chiếu vào buổi chiều của ngày thường. Trong sự vắng vẻ này, tôi lại nhớ đến rạp chiếu phim cũ của bố tôi. Dù chỉ là một căn phòng có kích thước trung bình, với tất cả các mặt được che rèm màu nghệ, nhưng nó cũng có vẻ u sầu thưa thớt như thế, và tỏa ra thứ mùi tương tự: mùi ẩm mốc và bỏng ngô lâu ngày. Một phụ nữ lớn tuổi ngồi trước chúng tôi hai hàng ghế ngoảnh lại nhìn chúng tôi vì tiếng thở nặng nề của bố tôi. Bắt gặp ánh mắt ông, bà ngoảnh đi và khẽ chỉnh lại một bên khuyên tai.
Tôi tin rằng tôi biết bà đang nghĩ gì: Người đó không còn sống trên đời này lâu nữa. Có lẽ bà là một góa phụ, một khách quen của suất chiếu buổi chiều. Tôi muốn vỗ vỗ vào bờ vai mập mạp của bà và kể cho bà nghe câu chuyện về cuộc đời của bố tôi. Tôi muốn bà biết rằng ông không chỉ là một ông già mặc chiếc áo thể thao polyester, thở hổn hển trong một rạp chiếu phim nhỏ bé, hẻo lánh và tẻ ngắt.
Phim Hi vọng và vinh quang quả là đáng xem, và sau đó bố tôi và tôi ghé qua trung tâm thương mại. Đó là một trung tâm thương mại lớn, với một ốc đảo trung tâm nơi những cây dừa đang đắm mình trong ánh nắng chiều. Chúng sà những chiếc lá xuống một con suối đang róc rách chảy qua. Những cụ già ngồi trên ghế băng, và một người đàn ông tươi tỉnh trong bộ đồ vải bông chéo màu trắng đang biểu diễn một cái đàn hộp. “Arizona là vùng đất của những người sống mà như đã chết,” bố tôi bảo tôi. Ông thúc tôi đi vào bên trong trung tâm và vào cửa hàng Montgomery Ward, để xem ở đó hiện đang bán thứ gì.
Chúng tôi ngắm nghía những giàn âm thanh, những chiếc ti vi mini, và những khung cửa sổ bằng nhôm. Chúng tôi xem xét những cái máy xén cỏ chạy bằng điện đứng sắp thành hàng trên cánh đồng cỏ nhân tạo. “Cái máy này tốt đấy,” ông nói, thử tay phanh của một cái máy màu đỏ tươi.
“Con muốn có một cái loại Turf Titan hơn,” tôi nói, ám chỉ cái máy xén cỏ to đùng màu đỏ thẫm cỡ bằng một cái máy kéo nhỏ. “Bố trông này, bố có thể cưỡi lên nó đấy.”
“Trông nó chả hợp chút nào với một thanh niên,” ông nói. “Cái máy này có giá trị chỉ bằng một phần ba này.”
Chúng tôi sắm vai khách mua hàng giống đến nỗi một nhân viên bán hàng còn trẻ với kiểu tóc che cái đầu hói bước đến và bắt đầu miêu tả những đặc tính của một loại đắt hơn cái mà bố tôi đã chọn. Khi nhân viên bán hàng thuyết minh xong, có một phụ nữ mảnh mai đi qua, mang theo hai đứa trẻ sinh đôi trong một cái địu giống như ba lô. Cô không xinh, mái tóc nâu xỉn bù xù và cằm nhỏ nhọn hoắt. Mắt cô – toàn bộ thân hình cô – trông hết sức mệt mỏi, như thể dù có nghỉ ngơi đến mấy thì cũng không hồi phục lại được. Tuy nhiên, cô có một sự tự tin vững vàng trong từng bước đi, làm tăng thêm sức nặng lên dãy hàng sáng choang, nơi cô đang bước vào để tìm kiếm dụng cụ làm vườn thích hợp. Hai đứa trẻ song sinh của cô cứ mải ngơ ngác nhìn chằm chằm vào khoảng không trống trải ngay trước mắt chúng. Khi cô đi dọc theo dãy hàng, tôi nghĩ đến cuộc sống quá yên ả mà ắt hẳn cô phải có, bất chấp tất cả những công việc nội trợ mệt nhọc. Một năm nữa, hai đứa con của cô sẽ biết đi và biết nói. Một năm nữa, cô sẽ biết chính xác bao nhiêu thời gian đã trôi qua.