Bạn đang đọc Tình yêu dịu dàng – Chương 15
Hôm sau, đang giờ học thì Quốc đến trường tìm Quỳnh. Ngồi trong lớp, thấy anh ngoài hành lang, Quỳnh lo lắng nghĩ cách tránh mặt. Ở bàn dưới, Sương chìa mảnh giấy lên “Thấy anh Quốc không?”
Quỳnh viết chữ “thấy”, chìa xuống dưới.
Sương lại viết chuyền lên “Ảnh tìm Quỳnh hay tìm mình thế?”
“Mình không biết.”
“Có nên ra không?”
“Mình không muốn gặp, còn Sương thì tùy.”
“Có lẽ nên gặp xem anh ta nói cái gì.”
“Mình không gặp đâu.”
Sương không viết giấy nữa, nhưng cứ ngọ ngoạy quay tới quay lui, trông có vẻ bồn chồn, tò mò.
Khi chuông reo, Quỳnh vẫn ngồi yên trong lớp. Nhưng Sương thì kéo tay Thùy đi thẳng ra gặp Quốc. Vẻ mặt cô lạnh lạnh:
– Anh tìm ai vậy?
Quốc không nhìn Sương, mà nói với Thùy:
– Thùy gọi Quỳnh ra giùm anh, nói với cổ anh có chuyện quan trọng.
Sương cụt hứng tiu nghỉu. Dù biết anh ta có vợ rồi, cô vẫn không kiềm được nỗi bồn chồn khi thấy anh ta. Cô thất vọng bỏ đi lập tức, nhưng Thùy thì vẫn đứng lại:
– Em biết Quỳnh nó không muốn ra, nó thấy anh rồi đấy. Nếu muốn gặp thì nó đã đi ra rồi.
– Thùy nói giùm anh đi. Anh chỉ nói một chút thôi.
Thùy lắc đầu:
– Mà em thấy anh không nên đến đây, anh có vợ rồi tìm kiếm kiểu đó không được đâu. Rủi vợ anh biết thì sao?
Quốc làm thinh. Không muốn nói tới Thúy, mà cũng không biết nói gì để thuyết phục Thùy. Thùy le lưỡi:
– Rủi vợ anh mà đến bất tử, chết nhỏ Quỳnh.
Quốc biết Quỳnh đã nói về Thúy với Sương. Sương biết thì tất nhiên là Thùy biết. Anh không giận Quỳnh, nhưng thấy xấu hổ vì bà vợ Hoạn Thư của mình. Thấy Thùy định bỏ đi, anh vội ngăn lại:
– Giúp anh một lần đi Thùy. Anh cám ơn em lắm. Bình thường Thùy rất tốt với anh, sao bây giờ khó khăn vậy?
Thùy thấy xiêu xiêu và không đợi Quốc nói thêm đến câu thứ hai, cô gót trở vào lớp ngay. Nhưng cô nói đến khô cổ mà Quỳnh vẫn không bị thuyết phục, chỉ nói một câu ngắn gọn:
– Thùy nói giùm mình thế này nghe. Bảo là mình không chọn dao lam hoặc acid được, mình không thích mấy thứ đó.
Thùy nhìn Quỳnh cười tủm tỉm vì câu nói ngộ ngộ đó. Và cô trở ra hành lang, phát lại nguyên xi nội dung cần truyền đại.
Quốc thất vọng đứng im. Anh suy nghĩ một lát rồi nói nhẹ nhàng.
– Nhờ Thùy nói với Quỳnh là anh xin lỗi cô ấy về chuyện hôm qua.
– Chuyện hôm qua nào?
– Cứ nói vậy, cổ sẽ hiểu.
– Dạ.
– Cám ơn Thùy nghe, anh về.
– Dạ.
Đợi Quốc đi rồi, Thùy bèn chạy trở vào lớp. Sao y bản chính lại câu của Quốc. Nói xong rồi, cô le lưỡi ra vẻ phát ớn:
– Đứng nói chuyện với ảnh mà mình sợ muốn chết. Rủi vợ ảnh đến bất tử thì mình được tặng acid một cách oan ức, mình cũng không thích cái đó đâu. Ghê lắm.
Sương cười khanh khách, khoái chí vì có đề tài để đùa cợt. Nhưng Quỳnh thì cười không nổi, cô không hiểu tại sao khi có vợ rồi, Quốc vẫn không chịu quên cô. Anh ta là như thế, cái gì có trong tay thì coi thường, mất rồi mới quý. Anh ta níu kéo như thế cô càng khổ thêm thôi.
Mà thậm chí cô còn sợ có ngày Quốc đón cô ở cổng trường. Viễn ảnh mình lặp lại tai nạn của mẹ, khiến cô bàng hoàng cả người.
Hết giờ học, Quỳnh đón xe buýt về nhà. Chiếc xe Trung Quốc của cô bị mất cách đây một tuần. Cô không dám mua xe khác. Vì phải dành dụm tiền học. Từ lúc mẹ mất, Quỳnh không còn tinh thần để làm việc nữa. Học không cũng đã cố gắng lắm rồi, có thể nỗi cô đơn sợ hãi là một trong vô số lý do để cô tìm đến sự nâng đỡ của Dương.
***
Cô ghé chợ mua ít thức ăn về nhà nấu. Một mình cô loay hoay nấu trong bếp rồi, ngồi ăn một mình. Sống thui thủi trong căn nhà sang trọng này, cô thấy buồn ghê gớm và lại nhớ mẹ và khóc.
Ăn xong, Quỳnh ngồi thu lu trong ghế chờ Dương đến. Nhưng suốt ngày đó anh không ghé qua. Thế là cô trải qua một ngày trong căn nhà mới. Một mình ăn, một mình ngủ, một mình đi thờ thẫn trong nhà hồi tưởng về ký ức với mẹ. Buổi tối nằm co ro, cô lại buồn tủi khóc rấm rức.
***
Trưa hôm sau, khi Quỳnh đang ăn thì Dương đến. Anh nhìn qua bàn ăn, rồi cau mặt:
– Em thường ăn như thế này à?
– Dạ không. Lúc trước mẹ nấu nhiều món lắm, nhưng giờ có một mình, em lười ăn nên ăn cho đơn giản.
Dương lắc đầu:
– Đừng coi thường sức khỏe, nếu đi học về mệt thì đừng nấu. Ngày mai anh sẽ đặt người mang tới cho em.
– Thôi anh, em tự lo ình được mà. Phiền anh lắm.
– Hôm qua, anh đã bảo đừng nói câu đó mà, em quên rồi sao?
Quỳnh im lặng cho hết chén, rồi đẩy qua một bên. Cô đứng dậy, lấy hai ly nước, đặt trước mặt Dương một ly:
– Anh uống đi, em đãng trí quá. Anh ăn gì chưa?
– Định tới rủ em đi ăn.
– Vậy thì đi, em ngồi chơi với anh.
Dương lắc đầu:
– Chuyện đó không quan trọng, chừng nào ăn cũng được.
Anh móc túi lấy chiếc điện thoại cầm tay mới toanh, đặt đến trước mặt Quỳnh.
– Tặng em đấy.
Quỳnh nhìn xuống chiếc máy, rồi nhìn lên:
– Sao anh cho em làm gì? Em đâu có cần gọi cho ai.
– Số này chỉ mình anh biết thôi, để anh và em liên lạc riêng. Ngày mai anh sẽ cho người tới gắn điện thoại nhà.
Quỳnh càng thấy ngại, cố tìm cách từ chối:
– Chi vậy? Em đâu có cần. Thôi anh ạ. Tốn tiền lắm.
Dương cười như không:
– Đừng có để ý chuyện đó. Em cũng cần liên lạc với bạn bè vậy, khi nào buồn cứ gọi bạn đến chơi cho vui.
– Anh cho phép chứ?
– Tất nhiên. Sao lại không? Đây là nhà em mà.
– Anh rộng rãi với em quá, còn em thì không có gì cho anh hết. Em ngại lắm, anh tốt ít ít thôi, em thấy dễ chịu hơn.
Dương chỉ cười, rồi hỏi đột ngột:
– Tại sao em đến với anh?
Quỳnh lúng túng một chút rồi lắc đầu:
– Vì nhiều lý do mà em không thể nói được.
– Thôi được, em không cần nói. Nhưng anh hy vọng em sẽ không bỏ đi như lần trước.
– Trừ khi anh đuổi.
– Sẽ không có chuyện đó đâu. Này, hôm qua em làm gì?
– Em không làm gì cả, chỉ đi tới đi lui một mình thôi – Chợt nhớ ra ý định của mình, cô rụt rè – Em… em muốn làm bàn thờ mẹ em, anh có thấy phiền không.
Dương gật mạnh đầu:
– Tuyệt đối không. Chuyện đó không thể phiền được, anh sẽ tặng em một tủ thờ nghiêm chỉnh, ẹ em vui.
Điều này thì Quỳnh mong muốn hơn hết. Nó quá sự mong đợi của cô và cô nhìn anh với vẻ biết ơn.
– Em sẽ không bao giờ quên ơn anh, dù đến lúc già em vẫn nhớ.
Dương trầm ngâm:
– Em nói ra mười câu, thì cám ơn và biết ơn và biết ơn hết tám câu. Em không thể có tình cảm khác với anh sao Quỳnh?
Quỳnh lặng thinh với vẻ sợ sệt. Cô vô tình cúi gằm mặt tránh né. Dương quay qua nhìn cô, cử chỉ đó làm anh chợt nóng giận bốc lên. Anh gằn giọng:
– Mãi mãi chỉ là sự biết ơn thôi sao?
Thái độ nóng nảy bất chợt đó làm Quỳnh càng sợ sệt, cô lí nhí:
– Em xin lỗi.
– Xin lỗi. Cám ơn. Làm phiền. Mấy từ đó anh nghe đến mức ngán quá rồi.
– Em xin lỗi.
Dương nhìn cô một cái, không nói nữa. Từ nãy giờ, Quỳnh nói chuyện với anh bằng giọng khách sáo, dè dặt. Không có lấy một câu nói thân mật, một ánh mắt tình cảm. Lần trước cũng vậy, không lẽ cô cứ như thế hoài?
Đột nhiên anh đứng dậy bỏ về, để lại Quỳnh với sự ngỡ ngàng lo sợ. Cách ứng xử của anh thất thường quá, khiến cô không biết mình có lỗi gì và phải làm thế nào mới là đúng.
***
Suốt mấy ngày, cô mang tâm trạng phập phồng chờ Dương đến. Không biết hôm nay anh sẽ vui hay buồn. Có cáu kỉnh bất chợt không. Tâm lý đó làm cô sợ với Dương cho nên khi anh tới, cô đón anh bằng nụ cười e dè. Còn Dương thì hình như quên mất sự nóng nảy hôm qua. Anh cười đầm ấm như cái cách vẫn hay có khi tiếp xúc với cô.
– Hôm qua giờ em làm gì?
Quỳnh vừa nhìn mặt anh, vừa trả lời thận trọng:
– Em đọc sách, xem tivi.
– Không đi chơi à?
– Em không muốn đi ra ngoài.
– Vậy em có muốn đi chơi với anh không?
– Thôi anh ạ. Ở nhà thoải mái hơn. Ra ngoài đường ồn quá. Lúc này em không thích chỗ ồn ào.
Dương nhìn cô chăm chú, rồi gật đầu:
– Anh hiểu rồi. Thật ra anh chỉ muốn em đi chơi cho khuây khỏa thôi.
Quỳnh định nói cám ơn, nhưng nhớ ra cô lại thôi. Dương rất dị ứng với mấy câu đó. Cho nên nếu muốn bộc lộ tình cảm, cô phải tìm câu khác.
Mà quả thật, từ trưa giờ, cô trông anh đau đáu, lòng thắc mắc không biết Dương có nhớ lời hứa hôm qua không. Hôm qua anh đã hứa sẽ tặng cho cô một tủ thờ và cô chờ sốt ruột, nhưng không dám bỏ.
Đúng lúc đó thì tiếng gõ cửa. Dương đi ra mở cửa. Quỳnh nghiêng đầu ngó theo. Cô thấy có người thanh niên tìm Dương. Anh nói gì đó mà anh ta đi ngay. Còn anh thì trở vào.
– Em ra nhà sau đi, bao giờ anh gọi hãy lên.
Vẻ mặt Quỳnh chợt hoang mang:
– Người nhà anh đến phải không?
Dương có vẻ ngạc nhiên về ý nghĩ của cô:
– Sao em nghĩ như vậy?
– Em sợ.
– Không sao đâu. Em vô đi.
Quỳnh ngoan ngoãn làm theo yêu cầu đó. Cô đi xuống bếp, ngồi chống cằm trên bàn nghĩ ngợi lung tung. Nếu đó là người nhà của Dương, thì không biết họ sẽ có thái độ ra sao với cô. Quỳnh đang lo ngại bần thần thì tiếng Dương vọng xuống:
– Em lên đây đi Quỳnh.
Thở nhẹ một cái với cảm giác bất ổn, Quỳnh chậm chạp đi lên. Dương đứng thọc tay trong túi quần, nhìn cô mỉm cười:
– Em xem có vừa ý không?
Vừa nói, anh vừa hất mặt về phía trước, Quỳnh quay lại, mắt cô chợt mở lớn, sáng rỡ. Đó là chiếc tủ thờ nạm xà cừ rất nghiêm trang. Cô vui sướng đến bàng hoàng. Bất giác cô nhào đến níu chặt tay Dương:
– Không ngờ mẹ em được thờ trên chiếc tủ trang trọng như vậy, em vui quá. Cám ơn anh, trăm ngàn câu cám ơn anh.
Dương gỡ tay Quỳnh ra choàng tay qua lưng cô:
– Không ngờ em vui đến như vậy. Anh thích nhìn em cười lắm.
Anh cúi xuống nhìn Quỳnh, mắt hơi khép lại, cử chỉ đó làm Quỳnh thấy sợ. Cô cụp mắt nhìn xuống, cứng cả người vì sợ, nhưng không dám phản đối.
– Anh yêu em điên cuồng!
Dương nói như thế và siết mạnh cô vào người. Đôi môi áp lên môi cô có mùi thuốc lá. Quỳnh chợt nhớ đến Quốc. Bất giác cô đẩy anh ra mà không hiểu cụ thể tại sao mình làm như vậy.
Dương nhắm mắt, cắn chặt răng như cố kiềm chế, rồi anh nhìn cô vẻ mặt u ám:
– Em không thể có chút rung động nào với anh sao? Một chút tình cảm cũng không có sao?
Quỳnh lắp bắp:
– Em… em…
Dương chận lại:
– Thôi được. Em không cần giải thích. Anh cũng không lợi dụng sự biết ơn của em để cưỡng bức, cứ coi như anh đã không làm gì đi – Anh đưa tay lên quẹt môi mình, rồi nhếch một nụ cười xa vời – Anh về đây.
Quỳnh đứng nhìn theo. Cô muốn gọi Dương lại, nói một cái gì đó nhưng không hiểu sao cô cứ đứng yên khổ sở. Chẳng lẽ cứ mỗi lần chia tay thì anh có thái độ bực dọc, rồi khi gặp lại thì coi như không có gì. Như thế làm sao vui vẻ cho được.
Mấy ngày sau, Dương không ghé, cũng không gọi điện. Quỳnh mấy lần muốn gọi cho anh, nhưng sợ anh đang nổi giận, nên lại thôi.
Tối nay, có một người đàn ông trung niên đến tìm Quỳnh. Ông ta tự giới thiệu mình là trợ lý của ông Nguyễn, ba Dương. Cử chỉ của ông ta hòa nhã, bặt thiệp chứ không có vẻ gì là trấn áp. Tuy vậy, Quỳnh cũng thấy sợ nhoi nhói. Cô lấy nước mời khách. Ông ta nói rất nhã nhặn:
– Cám ơn.
Ông ta nhìn hơi lâu về phía bàn thờ, có vẻ hơi lạ:
– Cô lập bàn thờ đó à?
– Vâng, đó là mẹ tôi.
– À, vậy ra cô không có nhà cửa gì à?
– Vâng, mẹ tôi mới vừa mất, tôi không có ai thân thích ở đây cả, nên xin anh Dương cho tôi thờ mẹ tôi.
– Ra là vậy.
Ông ta kín đáo quan sát cô rồi hỏi tiếp:
– Cô tên gì nhỉ?
– Dạ, tên Quỳnh.
– Cô làm nghề gì?
– Dạ chẳng làm gì ạ. Tôi đang học năm thứ hai, còn hai năm nữa mới ra trường.
Nghe cô nói, người đàn ông chợt nhíu mày suy nghĩ. Có lẽ ông ta nghĩ cô làm nghề gì khác. Tiếp viên chẳng hạn. Thế nên ông ta ngạc nhiên:
– Cô đến đây lâu chưa?
Hỏi vậy chứ ông ta thừa biết là bao lâu, Quỳnh cảm thấy điều đó, nhưng cô vẫn trả lời:
– Dạ, gần một tháng ạ.
Ông ta gật đầu một cái, rồi nhìn cô:
– Cô Quỳnh có biết tại sao tôi đến đây không?
– Dạ, tôi nghĩ… tôi đã làm gia đình anh Dương phiền lòng.
– Biết vậy rồi thì sao cô còn đến đây?
Quỳnh không trả lời được. Cô cúi gằm mặt nhìn xuống tay mình. Cảm giác tủi nhục làm cô muốn khóc, cổ nghẹn cứng.
Thấy đôi mắt đỏ chớp chớp của cô, ông ta dịu giọng:
– Tôi không muốn xúc phạm cô đâu, cô Quỳnh ạ. Giám đốc bảo tôi đến đây để tìm hiểu cô, khuyên bảo cô, chứ không có ý rầy rà gì cả.
– Dạ.
– Cô hiền lắm, chứ không phải mẫu người muốn làm tiền như giám đốc tưởng. Tôi có cảm tình với cô lắm. Nhưng tôi khuyên cô, cậu Dương tính tình còn ham vui, một người đàng hoàng như cô không nên để trở thành nạn nhân của cậu ấy, tôi thấy uổng lắm.
Quỳnh dạ nhỏ một tiếng, nước mắt đã bắt đầu viền quanh mi.
Người đàn ông đưa tay sửa lại kính, hắng giọng:
– Cô Quỳnh không nên buồn, tôi chỉ muốn giúp cô thôi.
– Cám ơn ông.
– Tôi biết cậu Dương từ lúc cậu ấy còn nhỏ. Tính cậu ta thiếu kiên định, thích thì quen, không thích nữa thì bỏ, đã mấy lần như vậy với các cô rồi, cậu ấy chưa bao giờ có trách nhiệm với bất cứ ai, kể cả bản thân mình.
– Dạ.
– Tôi thấy một người đàng hoàng như cô, nên tránh xa cậu ấy, để an toàn cho cô. Có khi nào cô nghĩ đến lúc bị cậu ấy chán không?
“Tôi không yêu anh ấy, cũng không muốn lợi dụng, nên tôi không sợ viễn cảnh đó”, Quỳnh nghĩ thầm, cô muốn nói, nhưng không hiểu sao uy lực của người đàn ông khống chế cô làm cô không thể mở miệng.
Ông ta nhắc lại:
– Cô có nghĩ đến lúc cậu Dương thích cô khác không, lúc ấy cô sẽ ra sao?
– Tôi… tôi không biết ạ.
– Cô đừng nên chủ quan quá, đã có mấy cô bị như vậy rồi. Vả lại, gia đình giám đốc đã nhắm cho cậu một đám tương xứng, vài tháng nữa cậu ta ra trường, họ sẽ bước tới hỏi cưới. Chuyện này cậu Dương chưa biết. Nhưng tôi nói trước để cô đừng ảo tưởng.
Quỳnh sững sờ ngước lên, cô thấy bất ngờ hơn là đau khổ. Nhưng người đàn ông thì hiểu đó là sự hoảng hốt. Ông ta nhẹ giọng hơn:
– Đã hiểu như vậy rồi thì nên tránh trước cô Quỳnh ạ. Như vậy sau này sẽ không bị thiệt thòi nhiều, tôi thật lòng khuyên cô đấy.
Không hiểu nghĩ thế nào, ông ta chợt nói thêm:
– Trong gia đình, ai cũng khổ tâm về cậu Dương, tính cậu ấy nóng nảy, ngang bướng và hời hợt. Từ nhỏ đến lớn cậu ta quen được nuông chiều, nên không biết giá trị của cuộc sống đâu.
Nghe ông ta nói, Quỳnh chợt liên tưởng tới Quốc. Họ rất giống nhau. Tự nhiên cô thấy có cái gì đó sụp đổ, sao cô có thể quên điều này được chứ.
Ông ta im lặng khá lâu, rồi nói như khuyên:
– Giám đốc tôi không đuổi cô, nhưng tôi khuyên cô nên suy nghĩ kỹ, tôi chỉ có thể giúp cô biết vấn đề, chứ không bắt buộc điều gì cả.
Thế là ông ta về. Quỳnh thẫn thờ suốt buổi tối. Thật ra, ông ta phác họa tính cách Dương không có gì khác hơn những điều cô biết. Nhưng điều làm cô bàng hoàng là chuyện anh sẽ có vợ. Hết Quốc rồi lại đến Dương, sao cô chỉ va vào những chàng công tử ình tình yêu chông chênh. Trong khi cô thì muốn được yên ổn và bền bỉ khi yêu.
Quỳnh ngồi nghĩ đủ thứ chuyện buồn khổ rồi khóc. Mệt mỏi quá cô nằm xuống salon thu mình trong giấc ngủ cô đơn muộn màng.