Đọc truyện Tình sử Angélique – Chương 68
– Suỵt! Bà Chúa thiên thần ơi! Chúa Thiên thần ơi! Coi chừng đấy! Đừng đi quá nữa!
Nghe giọng nói của mụ Ba Lan, Angiêlic dừng bước. Nàng đã tới gần tháp Nexlơ. Nàng liền quay đầu lại và nhìn thấy mụ ta trong bóng tối một cổng vòm, đang giơ tay vẫy nàng. Angiêlic lững thững quay lại. Mụ Ba Lan thở dài:
– Chao ôi! cho cô! Một cuộc vây ráp dữ dội làm sao!
– Sao chị ngăn không cho tôi về tháp Nexlơ?
– Sao à? Rôđôgôn-Ai Cập và quân của nó đang ở đó.
Mặt Angiêlic trắng bệch. Mụ Ba Lan nói tiếp:
– Nếu cô thấy cảnh chúng nó hốt bọn này ra như thế nào, không kịp lấy quần áo nữa! Thế mà tôi cũng kịp quơ được cái tráp nhỏ của cô và con khỉ nữa, tôi để cả ở phố Thung lũng Ái tình trong nhà bạn của Xinh-trai ấy, nó thường vẫn đưa gái đến đấy.
Angiêlic hỏi:
– Các con tôi ra sao?
Mụ liến thoắng nói tiếp:
– Còn Calăngbrơđen chẳng ai biết hắn có sao không. Có lẽ bị giam, hoặc bị treo cổ rồi cũng nên… Có người bảo trông thấy hắn nhảy xuống sông Xen. Cũng có thể hắn đã tìm cách ra khỏi thành phố.
Angiêlic nghiến răng, rít lên:
– Tôi quan tâm gì đến Calăngbrơđen!
Chộp lấy vai mụ kia, nàng ấn móng tay sâu vào thịt mụ:
– Lũ trẻ ở đâu?
Đôi mắt đen to của mụ Ba Lan ngơ ngác nhìn Angiêlic, rồi mụ cụp mi xuống:
– Tôi cam đoan, tôi có muốn thế đâu… Nhưng bọn chúng mạnh hơn ta.
Giọng không còn âm sắc,
– Lũ nhỏ đâu?
– Thằng Giăng-Thối-rữa cuỗm đi rồi… với tất cả bọn trẻ ở đấy.
– Nó mang đến ngoại ô Xanh-Đơni à?
– Phải… nghĩa là nó đem Phlôrimông đi, Canto thì không. Nó bảo thằng bé mập quá, không cho bọn chúng thuê để đi ăn mày được.
– Thế nó làm gì thằng bé?
– Nó… nó đã bán đi… Phải, lấy ba mươi xu, cho những tên Bôhêmiêng. Bọn này đang tìm một đứa nhỏ để dạy trò nhào lộn.
– Những tên Bôhêmiêng ấy ở đâu?
Mụ Ba Lan tìm cách chuồn ra khỏi bàn tay Angiêlic, và phản đối:
– Nào tôi biết được. Thôi, mèo ơi, hãy thu móng vuốt lại, cô làm tớ đau đấy… Biết nói gì với cô bây giờ?… Chúng nó là dân lang thang mà, và chúng nó đã bỏ đi. Trận đánh nhau đêm qua làm chúng ớn lắm rồi. Chúng nó đang rời khỏi Pari.
– Chúng đi đường nào?
– Gần hai tiếng đồng hồ trước đây, thấy chúng đi về phía cửa Xanh-Ăngtoan. Tôi vừa đi theo hút chúng nó rồi, vì linh tính bảo rằng tôi có thể gặp được cô, cô là một người mẹ và các bà mẹ có thể đi xuyên qua tường vách…
Angiêlic cảm thấy đau xé lòng. Nàng nghĩ mình đến phát điên mất.
Phlôrimông đang ở đằng kia, trong tay một đứa bỉ ổi, tên Giăng-Thối-rữa, đang kêu khóc gọi mẹ!… Canto thì bị đem đi, không biết ở đâu, biệt tăm Nàng nói:
– Tôi phải đi tìm Canto, có thể bọn Bôhêmiêng chưa đi xa đâu.
– Cô điên rồi! Tội nghiệp Bà Chúa Thiên thần!…
Nhưng Angiêlic đã bước đi. Mụ Ba Lan đi theo. Mụ nói giọng nhẫn nhục:
– Ừ, cứ thử đi xem sao. Tôi có chút tiền đây. Có thể chúng nó bằng lòng bán lại thằng bé cho bọn mình.
Ban ngày trời đỡ mưa. Không khí đỡ ẩm ướt và đượm hương vị mùa thu. Đường lát đá ướt loang loáng.
Hai người đàn bà đi dọc theo bờ sông Xen và rời khỏi Pari, qua bến Binh công xưởng. Phía chân trời, trên đồng quê, bầu trời thấp lóe ánh sáng đỏ sẫm qua một kẽ mây. Một cơn gió lạnh nổi lên. Người dân ngoại ô cho họ biết là có trông thấy bọn Bôhêmiêng gần cầu Sarăngtông.
Hai người đi rảo bước. Chốc chốc mụ Ba Lan nhún vai và chửi tục, nhưng không cưỡng lại, vẫn đi theo Angiêlic với vẻ cam chịu.
Tới gần cầu Sarăngtông, họ nhìn thấy những ánh lửa trại trong một cánh đồng, trên một cái hố gần đường. Mụ Ba Lan dừng lại thì thào:
– Bọn họ đấy! Ta gặp may rồi.
Hai người đến gần nơi cắm trại. Một cây sồi to làm nơi trú ẩn cho đám người này. Những tấm vải bạt căng từ cành này vắt qua cành khác là mái che duy nhất cho họ trong buổi chiều mưa đó. Đàn bà trẻ con ngồi bên đống lửa. Họ đang quay một con cừu xiên qua một thanh sắt xù xì. Vài con ngựa gầy gặm cỏ gần đấy.
Angiêlic và mụ ta thận trọng tiến đến, mụ thầm thì:
– Nhớ đừng làm họ nổi giận nhé. Cô không thể nghĩ họ ác đến c nào đâu. Họ có thể xiên mình cũng dễ như xiên con cừu, rồi bắt qua việc khác như không, cứ để tôi nói chuyện với họ. Tôi cũng biết ít tiếng của họ.
Một gã trai cao kều, đầu đội mũ lông thú, rời đống lửa và tiến về phía họ. Hai người phụ nữ giơ ngón tay làm dấu, thứ dấu hiệu vẫn quen dùng trong giới du đãng để nhận ra nhau. Gã kia đáp lại vẻ khinh khỉnh. Sau đó, mụ Ba Lan bắt đầu nói rõ mục đích của họ. Angiêlic không hiểu một tiếng nào trong câu chuyện họ nói với nhau. Nàng cố đoán ý nghĩa của gã Bôhêmiêng qua nét mặt, nhưng lúc này trời đã tối mịt, không sao nhìn thấy mặt gã. Cuối cùng mụ Ba Lan rút túi tiền ra, gã trai cầm lấy xóc xóc trong tay ước lượng nặng nhẹ, rồi gã đưa trả lại, và đi về phía lửa sáng.
– Nó quay về nói chuyện với các đàn anh trong bộ tộc nó đấy.
Họ đứng chờ. Người tê cóng vì gió thổi từ phía đồng bằng lại. Gã trai quay lại, vẫn bước đi lướt nhẹ. Gã nói mấy câu với mụ Ba Lan, Angiêlic nín thở hỏi:
– Nói gì thế?
– Nó bảo họ không muốn trả lại thằng bé. Họ nói thằng bé xinh xắn dễ thương. Họ quý nó. Họ nói họ hài lòng về nó.
Angiêlic kêu to:
– Nhưng mà không được… Tôi cần con tôi!
Nàng định xông vào nơi đóng trại, nhưng mụ Ba Lan vội giữ lại. Tên Bôhêmiêng đã rút gươm ra.
Mấy tên khác xúm lại. Mụ Ba Lan kéo nàng ra ngoài đường:
– Cô điên à? Muốn chết hay sao?
Angiêlic không ngớt lẩm bẩm:
“Không thể thế được. Mình phải làm cái gì chứ. Bọn chúng không có quyền đem Canto đi…”
– Chớ dại dột. Đời là thế mà. Sớm muộn rồi thằng bé cũng đi thôi… Sớm một chút, muộn một chút, có gì khác đâu. Mấy đứa trẻ của tôi thì sao. Tôi cũng chẳng biết chúng nó ở đâu bây giờ nữa. Rồi có lẽ vẫn cứ sống được thôi.
Angiêlic lắc đầu, không buồn nghe tiếng nói ấy nữa. Mưa bắt đầu rơi mau hạt. Họ phải làm gì đi chứ!… Angiêlic tuyên bố:
– Tôi có ý này. Chúng ta quay về thành phố đi.
Mụ kia hưởng ứng:
– Ừ phải, ta về Pari.
Họ lại bước tiếp, giẫm bừa vào các vũng nước, chân Angiêlic còn rớm máu trong đôi giày mòn vẹt. Gió quạt chiếc áo ướt sũng của nàng dính hết vào chân. Nàng cảm thấy mình lả đi. Đã hai mươi bốn giờ nay, nàng chưa được ăn gì.
Nàng dừng lại lấy hơi, nói thều thào:
– Mình không đi tiếp được nữa. Vậy mà chúng mình cần phải nhanh lên, thật nhanh mới được.
– Này, tôi thấy đằng sau ta có ánh đèn, chắc có những người đi ngựa về Pari. Mình nói họ cho ngồi nhờ đằng sau đi.
Mụ Ba Lan táo bạo ra đứng chắn ngang đường khi đám người cưỡi ngựa đến ngang tầm, mụ cất tiếng gọi với giọng khàn khàn:
– Ơ này! Các quý ngài ơi! Quý ngài hãy đoái thương hai cô gái cơ nhỡ tội nghiệp này, chúng tôi sẽ mang ơn quý ngài nhiều…
– Mấy người cưỡi ngựa ghì cương lại. Chỉ trông thấy những áo choàng, cổ bẻ ngược lên, và những chiếc mũ ướt sũng. Họ trao đổi với nhau vài câu bằng tiếng nước ngoài. Rồi một bàn tay với xuống chạm vào Angiêlic và một giọng nói trẻ trung cất lên bằng tiếng Pháp:
– Trèo lên đây, cô nàng xinh đẹp.
Bàn tay nắm chặt vào người nàng và nhấc nàng lên ngồi thoải mái sau lưng người kị sĩ. Các con ngựa lại phi nước kiệu.
Không quay mình lại, người kị sĩ nói với Angiêlic:
– Giữ chặt nhé, cô gái. Ngựa của tôi phi không êm đâu mà yên thì chật. Cô có thể ngã đấy.
Nàng nghe lời và vòng tay qua người chàng trai, hai bàn tay lạnh giá bám vào bộ ngực ấm áp của anh. Hơi ấm làm nàng tỉnh lại. Nàng gục đầu vào tấm lưng rộng của người lạ mặt, được hưởng một lúc nghỉ ngơi. Giờ đây nàng đã bình tĩnh hơn, vì biết rằng mình phải làm gì, họ thuộc nhóm tín đồ Tin lành đang trên đường trở về tu viện Sarăngtông.
Họ phi ngựa vào Pari qua cửa Xanh-Ăngtoan.
Lần này chàng trai quay hẳn người lại để cố nhìn tận mặt nàng. Anh hỏi:
– Người đẹp ơi, phải đưa cô đến nơi nào đây?
Nàng cựa mình để xua tan cơn tê nóng đang lan dần khắp người:
– Thưa ông, tôi không muốn làm mất thì giờ của ông, nhưng xin làm ơn cho tôi đến nhà ngục Satơlê.
Mụ Ba Lan kêu lên:
– Angiêlic, cô sắp làm điều dại dột đấy. Hãy cẩn thận!
– Cứ để mặc tôi… và cho tôi túi tiền của chị đi, có thể tôi cần đến.
Mụ Ba Lan nhún vai
– À, được thôi, với lại…
Người ngồi cùng ngựa với Angiêlic giơ mũ lên từ biệt những người kia, rồi thúc ngựa phóng qua những phố xá rộng rãi và gần như vắng tanh ở cửa ô Xanh-Giécmanh. Vài phút sau anh ta đã dừng lại trước nhà tù Satơlê, nơi mà Angiêlic mới rời khỏi vài giờ trước đó. Nàng nhảy xuống. Những bó đuốc lớn cắm dưới vòm chính ở cổng pháo đài chiếu sáng cả khu bãi. Dười làn ánh sáng đỏ quạch đó, Angiêlic nhìn thấy rõ hơn người bạn tốt bụng của mình. Đó là một chàng trai trạc hai mươi, hai mươi nhăm tuổi, trang phục giản dị như một thị dân.
Nàng nói:
– Tôi rất ân hận vì tôi mà ông phải chia tay với các bạn ông.
– Không sao. Mấy anh chàng ấy không phải cùng một nhóm với tôi. Họ là người nước ngoài, Tôi là người Pháp sinh sống ở La Rôsen. Cha tôi là chủ tàu, người cho tôi đến Pari để học kinh nghiệm buôn bán ở kinh thành. Tôi đi cùng với những người ngoại quốc ấy vì đã gặp họ cùng dự lễ an táng ở nhà thờ Tin lành Sarăngtông.
– Cám ơn ông.
Nàng chìa tay ra. Anh ta cầm lấy tay nàng và nàng nhìn thấy bộ mặt trẻ nghiêm trang đôn hậu cúi xuống mỉm cười với mình:
– Rất vui lòng được giúp đỡ cô, cô em thân mến.
Nàng nhìn theo anh ta phóng ngựa đi giữa đám người chen chúc xô đẩy nhau. Anh ta không quay lại, nhưng cuộc gặp gỡ đó đã tăng thêm phần can đảm cho người thiếu phụ.
Nàng kiên quyết đi qua cổng vòm, và bước vào đứng trước trạm gác. Một tên lính chặn nàng lại:
– Tôi muốn nói chuyện với ông đại úy tuần tra.
Gãông nhìn nàng vẻ đồng lõa.
– Được cứ đi, cô bé xinh đẹp.
Gian phòng lớn xanh um khói thuốc lá. Angiêlic bước vào bất giác vuốt lại chiếc váy ướt. Lúc đó nàng mới biết rằng cơn gió đã giật bay đi chiếc mũ của mình và nhớ đến bộ tóc đã bị xén cụt trên đầu, thấy xấu hổ, nàng vội cởi chiếc khăn quàng cổ, choàng lên đầu và buộc nút hai đầu khăn xuống dưới cằm.
Rồi nàng tiến về phía cuối phòng. Lửa trong lò hắt ra in bóng viên đại úy cao to, đen xì, dữ tợn. Hắn đang diễn thuyết gì đó, một tay cầm chiếc tẩu cán dài, tay kia cầm một cốc rượu nho.
Một tên lính, thích thú vì sự phá ngang này:
– Kìa, một ả điếm đến thăm chúng ta.
Viên đại úy tiến ra, và đỏ tía mặt khi nhận ra Angiêlic. Không cho hắn kịp định thần lại, nàng nói lớn:
– Thưa ông đại úy, và các quý ông trong đội tuần tra, các ông hãy nghe tôi nói. Tôi xin các ông hãy giúp đỡ tôi. Có một bọn đã bắt cóc mất con tôi và sắp mang nó ra khỏi Pari. Hiện giờ chúng còn đang cắm trại ở gần cầu Sarăngtông. Tôi van các ông, hãy đi với tôi, vài người thôi, và bắt chúng nó trả lại con tôi. Chúng sẽ phải nghe lời, một khi có lệnh của đội tuần tra…
Đáp lời nàng là một sự im lặng kinh ngạc, rồi một tên lính phá lên cười:
– Quỷ làm mù mắt tôi đi chứ! Tôi chưa từng thấy một con đĩ nào táo tợn hơn thế này! Ha ha! Một cái váy mà đòi huy động cả một đội tuần tra! Ha ha! Buồn cười quá thể. Này mụ hầu tước kia, mụ tự cho mình là ai vậy?
– Mụ nằm mơ đấy, tưởng đâu là Hoàng hậu nước Pháp.
Tiếng cười lan ra khắp phòng. Quay về phía nào Angiêlic cũng chỉ thấy những cái miệng hoác ra và những đôi vai rung lên không nénười. Chỉ riêng viên đại úy không cười, và bộ mặt đỏ sẫm của hắn trông càng dữ tợn. Angiêlic nghĩ thầm:
“Hắn sẽ quẳng mình vào nhà giam, mình nguy mất”
Nàng nhìn quanh hốt hoảng, vừa khóc vừa nói:
– Nó chỉ là một đứa con nít mới tám tháng. Nó xinh xắn như một thiên thần. Nó cũng hệt như những đứa nhỏ của các ông đang ngủ trong nôi lúc này, bên mẹ chúng… Thế mà con tôi, bọn chúng sẽ mang đi xa, xa tắp… Nó sẽ không bao giờ gặp lại mẹ. Nó sẽ…
Nàng khóc nức nở, không nói được nữa. Tiếng cười lắng dần trên những khuôn mặt hí hởn của bọn lính và tuần canh. Rồi chúng đưa mắt nhìn nhau lúng túng.
Một tên lính già, mặt chi chít vết sẹo nói:
– Quỷ thật, sao cái con điếm này yêu quý con nó đến thế… Có khối con mụ vứt con ra đường…
Viên đại úy gầm lên:
– Câm đi!
Hắn sừng sững trước mặt người thiếu phụ. Bằng một giọng bình tĩnh đáng sợ, hắn nói:
– Vậy, không những mày là một con điếm không có lấy mảnh áo che thân, lại mang án phạt roi, mày còn dám đến đây nói thánh tướng, làm điệu bộ này nọ, và đòi đội tuần tra đi, coi như một chuyện hoàn toàn tự nhiên. Thế bà hầu tước, bà có cái gì để trao đổi nào?
Nàng nhìn hắn thành khẩn:
– Có tấm thân tôi đây.
Tên khổng lồ lim dim và hơi giật mình đi tới. Hắn quyết định
– Lại đây.
Và hắn đẩy nàng sang phòng bên cạnh. Hắn làu nhàu:
– Đúng thật mày định nói gì?
Angiêlic nghẹn ngào nhưng không nao núng:
– Tôi muốn nói rằng tôi sẽ làm bất cứ điều gì ông muốn.
Một nỗi sợ hãi điên cuồng bóp nghẹt tim nàng: tính mạng của Phlôrimông và Canto đang phụ thuộc lòng ham muốn của tên thú vật này.
Yêu tinh trở nên đăm chiêu, và Angiêlic run lên. Cuối cùng hắn đưa tay ra, nắm lấy eo lưng nàng và thô bạo kéo nàng về phía mình.
Hắn nói vẻ kiêu hãnh:
– Cái mà ta muốn… cái mà ta muốn… Hắn ngập ngừng. Cuối cùng hắn nói:
– Ta muốn cả một đêm… Mày hiểu không? Không phải một lúc ngắn ngủi như tao hẹn trước đây, mà là cả một đêm đấy.
Hắn thả nàng ra và lại cầm chiếc tẩu, nhìn nàng hằn học:
– Như thế cho mày hết làm điệu, cô nàng nết na! Thế nào? Giao hẹn thế nhé?
Nàng gật đầu và không thốt lên lời.
Viên đại úy gào to:
– Trung sĩ!
Một tên thuộc h tới.
– Năm người và cả ngựa. Và rảo cẳng lên!
***
Tốp lính dừng lại vừa tầm trông thấy trại của bọn Bôhêmiêng. Viên đại úy ra lệnh:
– Hai đứa ra đằng kia, sau cánh rừng nhỏ, đề phòng tụi nó chuồn ra cánh đồng. Con bé kia đứng ở đây.
Với trực giác của loài thú quen với đêm tối, bọn Bôhêmiêng đã ngó ngay về phía đường cái, và tụ lại thành nhiều nhóm, viên đại úy và bọn lính tiến lên, còn hai tên khác đã được phân công đi vòng theo hướng khác.
Angiêlic đứng lại trong bóng tối. Nàng nghe viên đại úy tuần tra vừa chửi tục luôn mồm vừa giảng cho tên trùm bộ lạc rằng tất cả mọi người, đàn ông, đàn bà, trẻ con phải ra xếp hàng trước mặt hắn. Họ phải điểm danh. Đó là một thủ tục bắt buộc, do những vụ lộn xộn đêm qua tại hội chợ Xanh-Giécmanh. Sau đó mọi người sẽ được vô sự.
Yên tâm, bọn du đãng tuân lệnh.
Viên đại úy nói oang oang:
– Con bé kia, lại đây!
Angiêlic chạy ù đến, viên sĩ quan nói tiếp:
– Con của người đàn bà này ở trong đám chúng bay. Đưa trả nó không thì ta sẽ cho đàn ngựa xéo nát bọn bay.
Vừa lúc đó Angiêlic trông thấy Canto. Bé đang thiu thiu ngủ trong lòng một mụ Bôhêmiêng. Gầm lên như một con hổ cái, Angiêlic xông tới mụ, giằng lấy đứa bé, làm nó khóc ré lên. Mụ kia kêu the thé, nhưng tên trùm cục cằn bắt mụ im mồm. Nhìn thấy toán lính cưỡi ngựa, gươm giáo tua tủa chĩa về phía họ, sáng lấp lánh trước ánh lửa trại, lão đã hiểu rằng chống cự là vô ích.
Tuy nhiên, lão vẫn tỏ vẻ khinh mạn và kể rằng bọn chúng đã mua thằng bé với giá ba mươi xu. Angiêlic quăng luôn số tiền ra trả.
Hai tay nàng thắm thiết ôm chặt lấy tấm thân bụ bẫm, mịn màng của đứa nhỏ.
Angiêlic ôm con ngồi trên yên phụ đằng sau một tên lính, và con ngựa đi nước kiệu như ru bé Canto ngủ, ngón tay cái bé ngậm trong mồm. Nàng bế con áp sát ngực mình, một tay giữ con, một tay nắm lấy thắt lưng người lính.
Khi về tới Pari, đồng hồ ở Satơlê điểm mười giờ, Angiêlic nhảy xuống đất và chạy tới bên viên đại úy nói với hắn:
– Ông hãy cho phép tôi mang cháu bé đến gửi một nơi yên ổn. Tôi thề với ông đêm mai tôi sẽ quay trở lại.
Trông hắn thật dữ tợn:
– À, này, đừng có mà gạt tao. Mày sẽ được xuống âm ty đấy!
– Tôi thề mà.
Và cuống lên không biết làm cách nào cho hắn tin, nàng bắt chéo hai ngón tay lại và nhổ tóe xuống đất như kiểu dân du đãng vẫn làm khi thề bồi.
Viên đại úy nói:
– Thôi được! Tao sẽ chờ… nhưng không được để ta chờ lâu. Giờ thì, hãy đến hôn tao trước một cái nào.
Nhưng nàng đã nhảy lùi lại và chạy vút đi.
Phố Thung lũng Nghèo ở ngay sau lưng nhà ngục Satơlê, cách đây có vài bước. Không đi chậm lại, nàng đến quán “Gà quay vàng thẳng vào bếp.
Bacbơ ngồi đó, vẫn dáng điệu mệt mỏi, đang vặt lông một con gà già. Angiêlic đặt đứa bé vào lòng chị ta. Nàng thở hổn hển:
– Canto đây, em hãy trông nom nó cho tôi, hãy che chở nó. Hứa với tôi là em không bỏ rơi nó, dù có xảy ra chuyện gì đi nữa.
– Cháu xin thề với bà như vậy.
– Nếu Buốcgutx chủ của em có phát khùng lên…
– Thì, thưa bà, cháu sẽ nói dối ông ta. Cháu bảo rằng đó là con của cháu.
– Tốt lắm… Giờ thì, Bacbơ ơi… Em hãy đi lấy tràng hạt của em.
– Thưa bà, vâng ạ.
– Và hãy cầu xin Đức mẹ Maria cho tôi…
– Vâng, thưa bà.
– Bacbơ này, em có chút rượu mạnh nào không?
Angiêlic nắm lấy chai rượu, tu một hơi dài. Nàng tưởng mình sắp ngã vật xuống nền đá, và phải vịn vào bàn. Nhưng một lúc sau mắt nàng đã nhìn rõ hơn, nàng cảm thấy một luồng hơi ấm dễ chịu lan khắp cơ thể. Bacbơ nhìn nàng chòng chọc, mắt trố ra:
– Thưa bà, tóc bà đâu rồi?
Angiêlic nói giật giọng:
– Làm sao tôi biết được. Tôi còn có nhiều chuyện cần làm hơn là đi tìm bộ tóc.
Nàng bước ra cửa align=”justify”>- Bà đi đâu bây giờ?
– Tôi đi tìm Phlôrimông.