Tình sử Angélique

Chương 62


Đọc truyện Tình sử Angélique – Chương 62

Lúc tảng sáng, nàng đến gần khu Đại học, cạnh phố Bécnađanh. Bầu trời bắt đầu sáng dần lên những mảng hồng trên mái các nhà trường còn tối thẫm. Nàng đã thấy ánh sáng nến do các chàng sinh viên dậy sớm thắp lên, chiếu qua những cửa sổ phòng xép sát mái nhà. Nàng đi qua bên cạnh những sinh viên miệng ngáp, mắt lờ đờ, vừa bước ra khỏi một nhà chứa nào đó.
Chuông nhà thờ bắt đầu ngân vang.
Angiêlic mệt đờ người. Nàng đi chân đất vì đã mất cả đôi giày cũ. Khuôn mặt nàng ngơ ngác, không hồn.
Khi tới bến Tuốcnen, mùi thơm cỏ khô mới phơi ập vào nàng: đó là lứa cỏ đầu tiên của mùa xuân. Những xà lan đầy ắp cỏ khô thơm phức thả neo thành dãy dài bên sông. Giữa Pari lúc rạng đông, đoàn thuyền này tỏa hương thơm nồng ấm của hàng trăm nghìn bông hoa đã phơi khô, báo hiệu những ngày xuân tuyệt diệu đang đến.
Nàng nhẹ gót xuống bờ sông. Cách đây vài bước những người lái thuyền ngồi sưởi bên đống lửa, họ không trông thấy nàng. Nàng lội xuống nước và đu người lên một xà lan. Nàng luồn vào dưới đống cỏ khô, hết sức khoan khoái. Dưới mui vải bạt, hương thơm càng sực nức, không khí ở đây ẩm và nóng, như một ngày hè sắp giông bão. Cỏ khô này từ đâu tới? Chắc từ một vùng quê yên tĩnh, phì nhiêu, giàu có, ánh mặt trời nắng ấm chan hòa. Cỏ khô mang tới cho nàng sự tĩnh mịch của những chân trời rộng mở lộng gió và bầu trời trong sáng.
Angiêlic nằm duỗi dài chân tay. Mắt nàng nhắm lại, người nàng bị tràn ngập, chìm sâu trong cỏ. Nàng trôi bồng bềnh trên một đám mây mỏng manh của hương thơm rất đượm, và nàng không còn cảm thấy trong người đau nhức nữa. Quê hương Môngtơlu bao bọc lấy nàng và nâng nàng lên. Không khí đã lấy lại hương thơm hoa cỏ, có vị sương buổi sớm. Gió mát vuốt ve. Nàng trôi từ từ, hướng về ánh mặt trời. Nàng đang rời khỏi đêm đen với bao nỗi kinh hoàng. Tia mặt trời vuốt ve nàng. Đã lâu lắm rồi nàng không được vuốt ve như vậy.
Nàng đã thành cái mồi của tên Calăngbrơđen hoang dã. Nàng làm bạn với một con sói mà thỉnh thoảng, trong một lúc ái ân ngắn ngủi, có thể làm nàng thốt lên một tiếng kêu rạo rực, một tiếng rên của con vật bị chiếm đoạt, nhưng thân thể nàng đã quên đi sự dịu dàng của những cái vuốt ve, quên mất sự lướt những bông hoa trên làn da nhạy cảm… những cơn run rẩy lan rộng dần, làm tấm thân đã hiến trao chìm đắm trong êm dịu…
Nàng bồng bềnh trôi về Môngtơlu, và thấy lại hương thơm trong những quả dâu chín trong đám cỏ. Trên hai má nóng bừng và đôi môi khô của nàng nước suối rưới vào vuốt ve mát rượi. Nàng hé miệng, thở dài: “Nữa đi!”
Trong giấc ngủ, những giọt nước mắt lăn xuống má và tóc nàng. Đó không phải là những giọt nước mắt đau buồn mà êm dịu quá.
Nàng duỗi dài chân tay, đón nhận những cái vuốt ve tìm lại được.. và nàng để cho mình bị lôi cuốn đi, được ru ngủ trong những tiếng rì rào của đồng ruộng và núi rừng đang thì thầm ở bên tai:
– Đừng khóc… đừng khóc, em yêu dấu… Có gì đâu… Hết đau khổ rồi… Đừng khóc, em bé bỏng tội nghiệp.
Angiêlic mở mắt ra. Trong ánh sáng mờ mờ dưới cái mui vải bạt, nàng thấy một hình người nằm dài cạnh mình trên cỏ khô. Hai con mắt tươi cười nhìn nàng.
Nàng lắp bắp:
– Anh là ai?
Người lạ mặt đặt một ngón tay lên môi:
– Tôi là gió. Gió từ một xó xỉnh ở miền quê Beri. Khi nông dân phát cỏ, họ phát nhầm luôn cả tôi nữa… Nhìn xem, đúng thật đấy, tôi gầy bẹt đi như thế này…
Anh ta quỳ hai đầu gối xuống, và lộn hai túi ra:
– Không có đồng tiền nào! Không một xu! Nhẵn túi! Bị phát nhầm với cỏ. Họ bốc cả tôi lẫn cỏ xuống một cái xà lan, và cứ thế tôi đã tới Pari này. Chuyện xảy ra với cơn gió đồng quê này cũng ngộ!
– Nhưng – Angiêlic nói. – Nàng đưa lưỡi lên môi và c sắp đặt ý nghĩ cho có đầu đuôi.
Chàng trai mặc bộ quần áo đen thủng lỗ chỗ. Cái khăn vải quàng cổ cũng rách, và thắt lưng áo chẽn càng để lộ rõ thân hình gầy nhom. Nhưng anh ta có khuôn mặt tinh nhanh, khá điển trai mặc dù nước da xanh xao vì đói mệt. Đôi môi dài và mỏng của anh ta dường như được tạo ra để trò chuyện huyên thuyên và cười vui vì bất cứ chuyện gì, hoặc vì chẳng có chuyện gì. Nét mặt luôn luôn thay đổi, khi nhăn nhó, khi cười, khi nhại. Trong khuôn mặt lập dị này, mớ tóc vàng hung xõa xuống trán tạo ra một nét chất phác nông dân, nhưng lại bị vẻ láu lỉnh của đôi mắt xóa đi.
– Nhưng. – Angiêlic lại nói và định ngồi dậy.
Anh ta vội đẩy nàng nằm xuống:
– Đừng động đậy… Suỵt!
– Hắn là một gã sinh viên điên rồ. – Nàng nghĩ thầm. Hắn vươn người lên, và đưa tay vuốt má nàng, thì thầm:

– Đừng khóc nữa.
– Tôi có khóc đâu. – Angiêlic nói, nhưng thấy mặt mình đẫm nước mắt.
– Tôi cũng thích ngủ trên cỏ khô. – Gã kia nói tiếp – Khi tuồn vào xà lan, tôi thấy cô ở đó rồi. Cô đã khóc trong khi ngủ, nên tôi vuốt ve an ủi cô, và cô nói: “Nữa đi!”
– Thật ư?
– Đúng thế. Tôi đã lau nước mắt cho cô, và thấy cô rất xinh đẹp. Mũi cô thanh tú, trắng nõn nà như màu sắc thứ vỏ ốc, vỏ trai trên bãi biển. Môi cô giống như những cánh hoa. Cổ tròn và mượt mà quá…
Angiêlic nghe nửa tỉnh nửa mơ. Phải, đã lâu lắm rồi chưa có ai nói những lời như thế với nàng. Lời nói này hình như đang đến với nàng từ nơi xa, xa lắm. Và nàng hầu như sợ người này đang giễu cợt nàng. Sao anh ấy có thể nói là nàng xinh đẹp, trong khi nàng cảm thấy mình bị giày xéo, đã hoen ố, mãi mãi nhơ nhuốc, kể từ cái đêm hãi hùng nàng bắt đầu hiểu mình sẽ không còn có thể ngẩng đầu nhìn mặt những ai từng chứng kiến quá khứ của mình.
Anh ta tiếp tục thì thầm:
– Nàng có đôi vai tròn trĩnh, ngọc ngà, bộ ngực nàng đáng yêu và tuyệt vời, không gì sánh được, nó tròn nở, đáng được bàn tay đàn ông đỡ lấy nâng niu, với những nụ màu hồng tuyệt mỹ, giống như những nụ hoa hàm tiếu lúc xuân về. Hai đùi nàng mượt mà và thanh mảnh. Bụng nàng màu xatanh trắng mịn, thật sung sướng khi đặt má lên.
– Vậy ư, tôi muốn biết làm sao anh phán xét được tất cả.- Angiêlic bực mình nói.
– Khi cô đang ngủ, tôi ngắm cô.
Angiêlic bật ngồi dậy trên đám cỏ khô:
– Quân hỗn xược! Đồ học trò mất dạy! Nòi giống ma quỷ!
– Suỵt! Đừng thét to thế! Cô muốn họ quăng chúng ta ra ngoài?… Tại sao cô cáu giận thế, phu nhân xinh đẹp?… Khi người ta thấy đồ nữ trang quý giữa đường, người ta ngắm nghía nó thì không đúng hay sao? Người ta muốn biết đó có phải là vàng ròng không, nó có thật đẹp như lúc mới nhìn thấy không, tóm lại là nó có vừa ý mình không, hay cứ để mặc nó nằm đấy thì hơn?
Anh sinh viên cắn môi dưới, vẻ bối rối:
– Cô là ai? – Anh ta nói dịu dàng – Hai chân cô rớm máu, chắc cô đã chạy bộ nhiều. Cái gì làm cô hoảng sợ thế?
Nàng không đáp.
Anh ta rút một sợi cỏ khô, bắt đầu nhấm nhấm. Đôi mắt xanh xao trở nên mơ màng. Chả mấy chốc, nàng có cảm giác anh ta không nghĩ đến nàng nữa, đầu óc đang bay bổng tận đâu đâu. Không nhúc nhích và vẻ xa cách, khuôn mặt vàng vọt của anh ta trông không còn trẻ như lúc trước. Ở khóe mắt anh ta, nàng nhận thấy có những nếp nhăn mà sự nghèo khổ hoặc trác táng đã hằn lên khuôn mặt đàn ông đang độ trẻ trung.
– Anh là ai? – Nàng thì thầm.
Khuôn mặt anh ta trở nên sinh động:
– Tôi đã nói rồi: tôi là gió. Còn cô?
– Tôi là ngọn heo may.
Anh ta cười phá lên và nắm hai vai nàng:
– Gió và heo may gặp nhau thì họ làm gì? – Anh ta thì thầm.

Anh ta tì nhẹ vào người nàng. Nàng lại cảm thấy mình nằm trên đám cỏ khô, và cúi sát bên trên mặt nàng là cái miệng dài, nhạy cảm của anh ta. Có một nếp gấp nhỏ ở khóe môi làm nàng sợ, không hiểu vì sao. Một nếp nhăn mỉa mai, hơi độc ác, nhưng ánh mắt nhìn nàng thì âu yếm, vui vẻ.
Anh ta giữ nguyên tư thế của mình, cho đến khi nàng bị lôi cuốn trước sự thúc giục đó và là kẻ đầu tiên nhích đến gần anh ta. Lúc ấy anh ta cúi xuống hôn nàng.
Cái hôn kéo dài rất lâu, hai cặp môi từ từ rời nhau rồi lại tìm nhau đến mười lần. Đối với những giác quan của Angiêlic đã bao lần bị vùi dập thô bạo, đây là một sự tái sinh. Những lạc thú xa xưa sống lại, khác biết bao những khoái cảm thô lậu mà anh lực điền cũ ban phát cho nàng mặc dù hết sức cuồng nhiệt!
“Mới đây thôi, mình mệt nhọc biết bao, – nàng nghĩ – Thế mà bây giờ hết cả rồi. Thân thể ta hình như không còn buồn bã và hoen ố nữa. Vậy là, dù sao chưa phải ta đã chết hẳn”.
Nàng hơi cựa mình trên đống cỏ, sung sướng lại cảm thấy trong tim sự thức tỉnh một niềm khao khát tế nhị, chẳng mấy chốc đã biến thành sự thèm muốn hồi hộp.
Chàng trai đã ngồi lên, dựa vào một khuỷu tay, và hơi mỉm cười nhìn nàng.
Nàng không nôn nóng mà để tâm trí vào luồng hơi nóng ấm lan khắp người mình.
– Ngộ thật, – anh ta thì thầm – Cô có những nét thanh lịch của những phu nhân mà người ta không ngờ tới ở cái váy rách nát của cô.
– Thật? Anh quen thuộc với những phu nhân cao sang lắm nhỉ?
– Đôi khi.
Anh ta lấy một bông hoa gãi gãi vào mũi mình và giải thích:
– Khi dạ dày rỗng quá, tôi đến làm thuê cho ngài Gioocgiơ, chủ nhà tắm Xanh-Nicôla. Ở đấy có những vị khách là các phu nhân sang trọng đến để đưa thêm chút dầu giấm vào những câu chuyện yêu đương đài các của họ. Không có ai ở Pari biết nhiều chuyện thú vị như tôi. Và tôi đã làm các quý bà xinh đẹp ấy cười rúc rích… Cô có muốn tôi kể cho nghe câu chuyện về cái búa và cái đe không?
– Ồ không, – Angiêlic vội đáp – Xin chớ có kể.
Anh ta có vẻ cảm động:
– Cô em yêu quý! Ngộ thật! Tôi đã gặp những phu nhân cao sang mà xử sự y như những con điếm, nhưng tôi chưa hề gặp gái du đãng mà lại giống một phu nhân sang trọng. Cô là người đầu tiên… Cô xinh đẹp biết bao, đẹp như trong mộng…
Nàng muốn anh ta lại vuốt ve mình, nhưng anh ta có vẻ lại đang nghĩ chuyện khác:
– Bây giờ tôi nhớ ra rồi, – anh ta nói đột ngột, – Tôi đã có lần gặp cô ở Cầu Mới rồi. Cô thuộc về bọn của Calăngbrơđen, tay anh chị khét tiếng, phải không?
– Phải, đúng đấy. Tôi thuộc bọn
Anh ta lùi lại, vẻ khiếp sợ trông rất buồn cười:
– Trời ơi! Trời! Tôi gặp chuyện rắc rối làm sao, chỉ vì cái tật tán tỉnh bất trị của tôi! Dễ thường cô chính là bà Chúa Thiên thần mà lão ấy giữ bo bo đấy?
– Phải, nhưng mà…
– Chà, hãy xem cái bọn đàn bà này! Anh ta kêu lên – Lẽ ra mi phải cho ta biết ngay từ đầu chứ, đồ khốn! Dễ thường mi muốn cho ta bị cắt tiết? Trời! Gã Calăngbrơđen! May mắn cho ta làm sao! Thôi không sao! Tình nhân xinh đẹp đến đâu cũng chẳng quý bằng cuộc sống của mình. Vĩnh biệt, em yêu quý!

Hắn ta cầm lấy chiếc mũ hình chóp cũ nát, loại mũ mà đám thầy giáo tiểu học hay đội, đặt lên mái tóc đẹp của mình, rồi tuột ra ngoài tấm mui vải bạt.
– Cô thật đáng yêu, bà Chúa Thiên thần. – Hắn mỉm cười thì thầm – Tôi sẽ nhớ cô cho đến ngày chúng nó treo cổ tôi… và cả sau ngày đó nữa… Vĩnh biệt!
Nàng nghe thấy hắn nhảy phịch ra ngoài xà lan, rồi trông thấy hắn chạy trên bờ sông dưới ánh nắng mặt trời. Với đồ đen, với chiếc mũ nhọn, đôi cẳng gầy trơ xương, tà áo sờn rách phấp phới trước gió, anh ta trông giống một con chim kỳ lạ.
Những người lái thuyền ném đá đuổi theo hắn. Hắn quay bộ mặt xanh xao lại nhìn rồi cười phá lên. Đoạn hắn đột nhiên mất hút, như một giấc mơ.
Lúc tỉnh dậy, Angiêlic thấy mình nằm trong cửa hàng bán thịt ở quảng trường Grevơ.
“Ôi! Người mình sao đau thế này!” Nàng nghĩ thầm khi ngồi dậy.
Nàng mù rồi ư? Tại sao tối đen thế này? Một người đàn bà tay cầm nến đang cúi xuống nàng và nói:
– Bà đã khá rồi. bà bạn ạ. Lúc nãy tôi sợ bà chết mất. Bác sĩ đã đến khám và trích máu cho bà. Nhưng tôi nghĩ rằng, tôi nói thật với bà nhé, chắc bà đau đẻ.
– Ồ không đâu, – Angiêlic nói và đặt bàn tay lên bụng. Phải ba tuần nữa tôi mới trở dạ. Sao tối thế này?
– Chớ lo, trời tối rồi mà. Nhà thờ đang kéo chuông cầu nguyện buổi tối.
– Thế đám thiêu thế nào?
– Xong cả rồi. – Bà vợ ông hàng thịt thấp giọng – Nhưng việc kéo dài lắm. Mãi đến hai giờ chiều mới thiêu cháy xong hoàn toàn. Và người ta rắc tro ra bốn phương, đám đông đã đánh nhau thật sự. Người nào cũng muốn có một ít tro. Họ thậm chí xâu xé làm quần áo ông đao phủ rách bươm.
Im lặng một lát, bà hỏi:
– Bà quen người phù thủy ư?
– Không, – Angiêlic gắng gượng trả lời – Tôi không hiểu mình bị làm sao. Lần đầu tiên tôi dự một cảnh tượng như thế này.
– Vâng, nó làm bà bị choáng. Chúng tôi bán hàng ở đây đã quen nhìn những cảnh đó quá rồi, nên không thấy xúc động gì nữa.
Angiêlic muốn cảm ơn những con người tốt bụng đó. Nhưng nàng chỉ còn ít tiền lẻ trong người. Nàng đành hứa sẽ trở lại và hoàn trả lại họ tiền mời bác sĩ.
Lúc chập tối, trời càng lạnh hơn. Ở góc cuối của quảng trường, gió thổi cháy bùng đám tro hồng lên thành một đám đỏ rực: đó là tàn dư cuối cùng của giàn thiêu.
Đang lang thang bước đi, Angiêlic thấy một người ra khỏi bóng tối giàn thiêu, người đó là linh mục.
Ông ta lại gần. Nàng ghê sợ lùi lại, vì ông ta mang theo trong mình những nếp gấp chiếc áo chùng thâm, mùi gỗ cháy và thịt cháy khét lẹt không sao chịu nổi.
– Tôi biết thế nào bà cũng đến. – Ông linh mục nói – Tôi đang đợi bà. Tôi muốn nói với bà rằng ông nhà đã qua đời như một người công giáo. Ông đã sẵn sàng và không chống đối. Ông buồn tiếc phải giã từ cõi đời này nhưng ông không sợ cái chết. Ông nhiều lần nói với tôi rằng ông đón chờ từng giây phút đến đối diện với Chúa.
– Ôi! – Angiêlic bỗng tức giận kêu lên – Người đàn ông nào cũng như thế cả. Anh ấy không thèm quan tâm gì đến chuyện anh ấy bỏ mặc mình tôi ở lại, cực khổ và tuyệt vọng trên cõi đời này!
– Không đâu, bà chị ạ! Ông ấy đã nói đi nói lại với tôi nhiều lần: “Nói hộ cho tôi rằng tôi y cô ấy. Cô ấy đã làm cho cuộc đời tôi được hạnh phúc. Than ôi! Tôi sẽ chỉ là một đoạn đi qua trong cuộc đời của cô ấy, nhưng tôi tin rằng cô ấy sẽ vạch được đường đi cho chính mình.” Ông ấy còn nói thêm rằng ông ấy muốn đặt tên cho đứa con sắp sinh là Canto nếu là trai và Clêmăngxơ nếu là gái.
Canto Mácnông, thi sĩ hát rong xứ Lănggơđốc; Clêmăngxơ Idorơ, nàng thơ của hội thi thơ Hoa nở ở Tuludơ…
Tất cả cái đó sao mà xa xôi đến thế! Tất cả sao mà hư ảo đến thế, so với những giờ phút thê thảm Angiêlic đang sống bây giờ! Giờ đây nàng đang cố lê bước về khu Tămplơ, những bước đi sao mà khó khăn thế! Trong một chốc lát, nàng cố ý kích động nỗi oán giận chồng, cái đó giữ cho nàng khỏi suy sụp. Cố nhiên rồi, anh ấy có quan tâm gì đến chuyện nàng đau khổ khóc than? Nghĩ ngợi về một phụ nữ thì có đáng giá gì? Miễn là, ở bên kia thế giới, cuối cùng anh ấy đã tìm thấy câu trả lời cho những vấn đề, từng làm day dứt đầu óc nhà khoa học của anh ấy!…
Bỗng, những hàng nước mắt chảy đầm đìa trên mặt Angiêlic, và nàng phải dựa vào tường cho khỏi ngã:
– Ôi! Anh Giôphrây, anh yêu! Nàng lẩm nhẩm một mình. Cầu xin cho anh được hạnh phúc đến muôn đời.

Nỗi đau trong người nàng dữ dội hơn trước, không sao chịu nổi. Nàng có cảm giác toàn thân mình sắp vỡ ra nhiều mảnh. Bỗng nàng hiểu ra rằng mình trở dạ.
Nàng còn cách xa khu Tămplơ. Đi lang thang, nàng đã lạc đường. Nàng thấy mình vẫn ở gần cầu Đức bà. Một chiếc xe ngựa lộc cộc chạy trên cầu, Angiêlic vội gọi người đánh xe:
– Tôi ốm, bác có thể chở giúp tôi đến nhà thương Otenđiơ được không?
– Tôi đang đi về đường ấy. – Người kia đáp. – Mời bà lên xe.
**
– Cô định đặt tên cho thằng bé là gì?
– Canto.
– Canto ư? Đó không phải là một cái tên công giáo.
– Không hề gì. – Angiêlic đáp – Bà đưa cháu cho tôi.
Nàng đón đứa bé còn ướt đẫm và đỏ hỏn từ tay bà đỡ.
Ngày hôm đó vẫn chưa hết: chưa nghe chiếc đồng hồ ở Tòa án điểm mười hai giờ đêm, và đứa con của người khốn khổ của định mệnh đã ra đời.
Trái tim Angiêlic tan vỡ. Thân thể nàng đau như bị tra tấn, ruột nàng quặn thắt. Angiêlic đã không còn nữa, lúc Bá tước Perắc, chồng nàng tắt thở. Và cùng với bé Canto, một Angiêlic mới đã ra đời, một phụ nữ trong đó hầu như không còn chút dấu vết nào của sự dịu dàng và ngây thơ kỳ lạ của Angiêlic trước kia. Tính chất hoang dã và cứng rắn thấm sâu trong người cô bé sống vô kỷ luật ở Môngtơlu bây giờ lại bộc lộ rõ ràng, tựa một dòng suối nước đục ngầu tràn qua những khe nứt rạn do nỗi thống khổ và sự khiếp sợ gây ra trong tâm hồn nàng.
Nàng dùng một tay đẩy người láng giềng nằm cùng giường ra xa hơn. Người này là một phụ nữ mảnh khảnh sốt cao đang mê man nói lảm nhảm. Một người phụ nữ láng giềng khác, bị nàng đẩy ra cạnh giường, lên tiếng phản đối: người này bị băng huyết nhẹ từ sáng chưa dứt. Mùi máu lờ lợ thấm vào đệm nhồi rơm làm người ta buồn nôn. Angiêlic kéo một cái chăn nữa đắp lên mình, cũng bị một người khác nằm cùng giường phàn nàn.
“Hai người đàn bà này nằm ở đây là để chờ chết. – Bà mẹ trẻ Angiêlic nghĩ thầm – Vậy hai mẹ con mình có quyền giữ cho ấm để sống sót mà ra khỏi đây chứ!”
Trong gian phòng tối và hôi hám, nàng mở to đôi mắt hoang dại, nhìn ánh sáng vàng vọt của cây đèn thắp bằng mỡ bò chiếu qua tấm rèm rách vào giường mình.
“Ch kỳ quặc thật! – Nàng nghĩ – Anh ấy chết, thế mà ta lại xuống âm phủ!”
Trong cái hang khiến người ta buồn nôn này, mùi phân rác và mùi máu bốc lên dày đặc như một màn sương mù, nàng nghe thấy toàn những tiếng thổn thức, rên rỉ, thở than, như trong một cơn ác mộng. Những tiếng trẻ con khóc the thé không bao giờ dứt.
Trong phòng lạnh cóng chân tay, vì mặc dù có những lò than để sưởi đặt ở chỗ các hành lang giao nhau, gió lùa thổi tạt không khí ấm đi mất. Ở đây Angiêlic mới hiểu được rằng mối lo sợ của dân nghèo đối với nhà thương là có căn cứ và những kinh nghiệm bản thân phong phú: nhà thương chẳng phải là phòng đợi dẫn tới cái chết đến rước mình đi đó sao?
Trời sắp sáng. Đã nghe thấy tiếng chuông nhà thờ vang lên báo giờ làm lễ Mixa buổi sớm.
Một bàn tay vén tấm rèm che giường nàng, ba người hộ lý đàn ông nhìn ba người phụ nữ trẻ nằm trên giường, rồi nắm lấy người nằm trong cùng bị băng huyết, và đặt lên cáng. Angiêlic thấy là người phụ nữ tội nghiệp này đã chết. Người ta đặt cả xác đứa con mới sinh lên cùng cáng với mẹ nó.
Angiêlic lại nhìn kỹ đứa con nhỏ nàng đang ôm chặt. Tại sao nó không khóc? Hay nó cũng đã chết rồi? Không, nó đang ngủ, hai bàn tay nắm chặt và với vẻ mặt bình yên, trông thật ngộ ở một đứa bé mới sinh. Đứa bé có vẻ không chút hay biết gì rằng mình là con đẻ của đau buồn và sự thất thế. Gương mặt nó như một nụ hoa hồng, và đầu nó có một mớ tóc tơ xinh đẹp. Nhưng Angiêlic vẫn lay nó mãi, chỉ sợ nó chết rồi hay đang sắp chết. Lúc đó, đứa bé mới hé đôi mi ra cho thấy hai con mắt xanh lờ đờ, rồi lại nhắm chặt, rồi ngủ thiếp đi.
Angiêlic chỉ ở lại nhà thương Otenđiơ bốn ngày thôi. Dữ tợn và cương quyết, nàng đòi những tấm chăn ấm nhất cho mình, và cấm người nữ hộ sinh chạm vào người nàng hay con nàng với những bàn tay bẩn thỉu. Khi hộ lý mang mâm thức ăn đến, nàng thường lấy cho mình hai bát chứ không phải một. Một buổi sáng, nàng giật tung cái áo choàng ngực sạch sẽ mà một bà phước đang tập sự chưa kịp chạy đi mách cấp trên thì nàng đã nhanh tay xé luôn thành những băng dài để quấn cho đứa bé và buộc bụng cho mình.
Đáp lại mọi lời chê trách, nàng im lặng một cách dữ tợn và trân trân nhìn những người nói chuyện với mình bằng đôi mắt khinh bỉ và tàn nhẫn. Một chị Bôhêmiêng dọn dẹp trong phòng xì xào với mấy bà hộ lý: “Cái nhà chị mắt xanh lè kia đúng là nhà bói toán tiên tri đấy.”
Angiêlic chỉ trả lời có một lần, khi một người trong ban quản trị nhà thương đích thân đến quở trách, tay che mặt bằng chiếc mùi xoa rắc nước hoa:
– Con gái ạ, ta được báo là con phản đối vì có một người ốm đau khác cùng nằm ở một cái giường dành cho bệnh nhân làm phúc. Thậm chí con đã đẩy hai người phụ nữ xuống đất, họ yếu quá nên không chống cự được. Con không biết xấu hổ hay sao? Bệnh viện Otenđiơ này là nhà thương làm phúc có nhiệm vụ nhận mọi bệnh nhân được đưa đến đây, nên không có đủ giường nằm.
– Nếu như vậy, các ông cứ đem khâm liệm luôn những bệnh nhân họ đem đến đây, có phải hơn không? – Angiêlic ngang ngạnh đáp.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.