Đọc truyện Tình sử Angélique – Chương 56
Lúc tỉnh dậy, Angiêlic thấy mình nằm trong cửa hàng bán thịt ở quảng trường Grevơ.
“Ôi! Người mình sao đau thế này!” Nàng nghĩ thầm khi ngồi dậy.
Nàng mù rồi ư? Tại sao tối đen thế này? Một người đàn bà tay cầm nến đang cúi xuống nàng và nói:
– Bà đã khá rồi. bà bạn ạ. Lúc nãy tôi sợ bà chết mất. Bác sĩ đã đến khám và trích máu cho bà. Nhưng tôi nghĩ rằng, tôi nói thật với bà nhé, chắc bà đau đẻ.
– Ồ không đâu, – Angiêlic nói và đặt bàn tay lên bụng. Phải ba tuần nữa tôi mới trở dạ. Sao tối thế này?
– Chớ lo, trời tối rồi mà. Nhà thờ đang kéo chuông cầu nguyện buổi tối.
– Thế đám thiêu thế nào?
– Xong cả rồi. – Bà vợ ông hàng thịt thấp giọng – Nhưng việc kéo dài lắm. Mãi đến hai giờ chiều mới thiêu cháy xong hoàn toàn. Và người ta rắc tro ra bốn phương, đám đông đã đánh nhau thật sự. Người nào cũng muốn có một ít tro. Họ thậm chí xâu xé làm quần áo ông đao phủ rách bươm.
Im lặng một lát, bà hỏi:
– Bà quen người phù thủy ư?
– Không, – Angiêlic gắng gượng trả lời – Tôi không hiểu mình bị làm sao. Lần đầu tiên tôi dự một cảnh tượng như thế này.
– Vâng, nó làm bà bị choáng. Chúng tôi bán hàng ở đây đã quen nhìn những cảnh đó quá rồi, nên không thấy xúc động gì nữa.
Angiêlic muốn cảm ơn những con người tốt bụng đó. Nhưng nàng chỉ còn ít tiền lẻ trong người. Nàng đành hứa sẽ trở lại và hoàn trả lại họ tiền mời bác sĩ.
Lúc chập tối, trời càng lạnh hơn. Ở góc cuối của quảng trường, gió thổi cháy bùng đám tro hồng lên thành một đám đỏ rực: đó là tàn dư cuối cùng của giàn thiêu.
Đang lang thang bước đi, Angiêlic thấy một người ra khỏi bóng tối giàn thiêu, người đó là linh mục.
Ông ta lại gần. Nàng ghê sợ lùi lại, vì ông ta mang theo trong mình những nếp gấp chiếc áo chùng thâm, mùi gỗ cháy và thịt cháy khét lẹt không sao chịu nổi.
– Tôi biết thế nào bà cũng đến. – Ông linh mục nói – Tôi đang đợi bà. Tôi muốn nói với bà rằng ông nhà đã qua đời như một người công giáo. Ông đã sẵn sàng và không chống đối. Ông buồn tiếc phải giã từ cõi đời này nhưng ông không sợ cái chết. Ông nhiều lần nói với tôi rằng ông đón chờ từng giây phút đến đối diện với Chúa.
– Ôi! – Angiêlic bỗng tức giận kêu lên – Người đàn ông nào cũng như thế cả. Anh ấy không thèm quan tâm gì đến chuyện anh ấy bỏ mặc mình tôi ở lại, cực khổ và tuyệt vọng trên cõi đời này!
– Không đâu, bà chị ạ! Ông ấy đã nói đi nói lại với tôi nhiều lần: “Nói hộ cho tôi rằng tôi y cô ấy. Cô ấy đã làm cho cuộc đời tôi được hạnh phúc. Than ôi! Tôi sẽ chỉ là một đoạn đi qua trong cuộc đời của cô ấy, nhưng tôi tin rằng cô ấy sẽ vạch được đường đi cho chính mình.” Ông ấy còn nói thêm rằng ông ấy muốn đặt tên cho đứa con sắp sinh là Canto nếu là trai và Clêmăngxơ nếu là gái.
Canto Mácnông, thi sĩ hát rong xứ Lănggơđốc; Clêmăngxơ Idorơ, nàng thơ của hội thi thơ Hoa nở ở Tuludơ…
Tất cả cái đó sao mà xa xôi đến thế! Tất cả sao mà hư ảo đến thế, so với những giờ phút thê thảm Angiêlic đang sống bây giờ! Giờ đây nàng đang cố lê bước về khu Tămplơ, những bước đi sao mà khó khăn thế! Trong một chốc lát, nàng cố ý kích động nỗi oán giận chồng, cái đó giữ cho nàng khỏi suy sụp. Cố nhiên rồi, anh ấy có quan tâm gì đến chuyện nàng đau khổ khóc than? Nghĩ ngợi về một phụ nữ thì có đáng giá gì? Miễn là, ở bên kia thế giới, cuối cùng anh ấy đã tìm thấy câu trả lời cho những vấn đề, từng làm day dứt đầu óc nhà khoa học của anh ấy!…
Bỗng, những hàng nước mắt chảy đầm đìa trên mặt Angiêlic, và nàng phải dựa vào tường cho khỏi ngã:
– Ôi! Anh Giôphrây, anh yêu! Nàng lẩm nhẩm một mình. Cầu xin cho anh được hạnh phúc đến muôn đời.
Nỗi đau trong người nàng dữ dội hơn trước, không sao chịu nổi. Nàng có cảm giác toàn thân mình sắp vỡ ra nhiều mảnh. Bỗng nàng hiểu ra rằng mình trở dạ.
Nàng còn cách xa khu Tămplơ. Đi lang thang, nàng đã lạc đường. Nàng thấy mình vẫn ở gần cầu Đức bà. Một chiếc xe ngựa lộc cộc chạy trên cầu, Angiêlic vội gọi người đánh xe:
– Tôi ốm, bác có thể chở giúp tôi đến nhà thương Otenđiơ được không?
– Tôi đang đi về đường ấy. – Người kia đáp. – Mời bà lên xe.
**
– Cô định đặt tên cho thằng bé là gì?
– Canto.
– Canto ư? Đó không phải là một cái tên công giáo.
– Không hề gì. – Angiêlic đáp – Bà đưa cháu cho tôi.
Nàng đón đứa bé còn ướt đẫm và đỏ hỏn từ tay bà đỡ.
Ngày hôm đó vẫn chưa hết: chưa nghe chiếc đồng hồ ở Tòa án điểm mười hai giờ đêm, và đứa con của người khốn khổ của định mệnh đã ra đời.
Trái tim Angiêlic tan vỡ. Thân thể nàng đau như bị tra tấn, ruột nàng quặn thắt. Angiêlic đã không còn nữa, lúc Bá tước Perắc, chồng nàng tắt thở. Và cùng với bé Canto, một Angiêlic mới đã ra đời, một phụ nữ trong đó hầu như không còn chút dấu vết nào của sự dịu dàng và ngây thơ kỳ lạ của Angiêlic trước kia. Tính chất hoang dã và cứng rắn thấm sâu trong người cô bé sống vô kỷ luật ở Môngtơlu bây giờ lại bộc lộ rõ ràng, tựa một dòng suối nước đục ngầu tràn qua những khe nứt rạn do nỗi thống khổ và sự khiếp sợ gây ra trong tâm hồn nàng.
Nàng dùng một tay đẩy người láng giềng nằm cùng giường ra xa hơn. Người này là một phụ nữ mảnh khảnh sốt cao đang mê man nói lảm nhảm. Một người phụ nữ láng giềng khác, bị nàng đẩy ra cạnh giường, lên tiếng phản đối: người này bị băng huyết nhẹ từ sáng chưa dứt. Mùi máu lờ lợ thấm vào đệm nhồi rơm làm người ta buồn nôn. Angiêlic kéo một cái chăn nữa đắp lên mình, cũng bị một người khác nằm cùng giường phàn nàn.
“Hai người đàn bà này nằm ở đây là để chờ chết. – Bà mẹ trẻ Angiêlic nghĩ thầm – Vậy hai mẹ con mình có quyền giữ cho ấm để sống sót mà ra khỏi đây chứ!”
Trong gian phòng tối và hôi hám, nàng mở to đôi mắt hoang dại, nhìn ánh sáng vàng vọt của cây đèn thắp bằng mỡ bò chiếu qua tấm rèm rách vào giường mình.
“Ch kỳ quặc thật! – Nàng nghĩ – Anh ấy chết, thế mà ta lại xuống âm phủ!”
Trong cái hang khiến người ta buồn nôn này, mùi phân rác và mùi máu bốc lên dày đặc như một màn sương mù, nàng nghe thấy toàn những tiếng thổn thức, rên rỉ, thở than, như trong một cơn ác mộng. Những tiếng trẻ con khóc the thé không bao giờ dứt.
Trong phòng lạnh cóng chân tay, vì mặc dù có những lò than để sưởi đặt ở chỗ các hành lang giao nhau, gió lùa thổi tạt không khí ấm đi mất. Ở đây Angiêlic mới hiểu được rằng mối lo sợ của dân nghèo đối với nhà thương là có căn cứ và những kinh nghiệm bản thân phong phú: nhà thương chẳng phải là phòng đợi dẫn tới cái chết đến rước mình đi đó sao?
Trời sắp sáng. Đã nghe thấy tiếng chuông nhà thờ vang lên báo giờ làm lễ Mixa buổi sớm.
Một bàn tay vén tấm rèm che giường nàng, ba người hộ lý đàn ông nhìn ba người phụ nữ trẻ nằm trên giường, rồi nắm lấy người nằm trong cùng bị băng huyết, và đặt lên cáng. Angiêlic thấy là người phụ nữ tội nghiệp này đã chết. Người ta đặt cả xác đứa con mới sinh lên cùng cáng với mẹ nó.
Angiêlic lại nhìn kỹ đứa con nhỏ nàng đang ôm chặt. Tại sao nó không khóc? Hay nó cũng đã chết rồi? Không, nó đang ngủ, hai bàn tay nắm chặt và với vẻ mặt bình yên, trông thật ngộ ở một đứa bé mới sinh. Đứa bé có vẻ không chút hay biết gì rằng mình là con đẻ của đau buồn và sự thất thế. Gương mặt nó như một nụ hoa hồng, và đầu nó có một mớ tóc tơ xinh đẹp. Nhưng Angiêlic vẫn lay nó mãi, chỉ sợ nó chết rồi hay đang sắp chết. Lúc đó, đứa bé mới hé đôi mi ra cho thấy hai con mắt xanh lờ đờ, rồi lại nhắm chặt, rồi ngủ thiếp đi.
Angiêlic chỉ ở lại nhà thương Otenđiơ bốn ngày thôi. Dữ tợn và cương quyết, nàng đòi những tấm chăn ấm nhất cho mình, và cấm người nữ hộ sinh chạm vào người nàng hay con nàng với những bàn tay bẩn thỉu. Khi hộ lý mang mâm thức ăn đến, nàng thường lấy cho mình hai bát chứ không phải một. Một buổi sáng, nàng giật tung cái áo choàng ngực sạch sẽ mà một bà phước đang tập sự chưa kịp chạy đi mách cấp trên thì nàng đã nhanh tay xé luôn thành những băng dài để quấn cho đứa bé và buộc bụng cho mình.
Đáp lại mọi lời chê trách, nàng im lặng một cách dữ tợn và trân trân nhìn những người nói chuyện với mình bằng đôi mắt khinh bỉ và tàn nhẫn. Một chị Bôhêmiêng dọn dẹp trong phòng xì xào với mấy bà hộ lý: “Cái nhà chị mắt xanh lè kia đúng là nhà bói toán tiên tri đấy.”
Angiêlic chỉ trả lời có một lần, khi một người trong ban quản trị nhà thương đích thân đến quở trách, tay che mặt bằng chiếc mùi xoa rắc nước hoa:
– Con gái ạ, ta được báo là con phản đối vì có một người ốm đau khác cùng nằm ở một cái giường dành cho bệnh nhân làm phúc. Thậm chí con đã đẩy hai người phụ nữ xuống đất, họ yếu quá nên không chống cự được. Con không biết xấu hổ hay sao? Bệnh viện Otenđiơ này là nhà thương làm phúc có nhiệm vụ nhận mọi bệnh nhân được đưa đến đây, nên không có đủ giường nằm.
– Nếu như vậy, các ông cứ đem khâm liệm luôn những bệnh nhân họ đem đến đây, có phải hơn không? – Angiêlic ngang ngạnh đáp.
Đôi mắt của vị quản trị tròn xoe kinh ngạc sau chiếc mùi xoa. Trong suốt mười lăm năm trông coi nhà thương này, chưa bao giờ ông nghe thấy trong đám người nằm trên những cái giường bệnh khốn khổ này một câu trả lời thẳng thừng và văn chương chải chuốt như thế. Ông ưỡn ngực đầy vẻ oai nghiêm nói:
– Chị phụ nữ kia, qua câu trả lời của chị, tôi thấy được rằng chị đã đủ sức để trở về nhà rồi. Chị có thể rời cái nơi mà chị không cho là người ta đối xử tử tế với mình.
– Như thế thì còn gì bằng? – Angiêlic đáp mỉa mai – Nhưng trước khi làm thế, tôi yêu cầu: tất cả quần áo mà tôi đã phải cởi bỏ khi tới đây và bị chất đống chung với quần áo rách rưới của những người mắc bệnh đậu mùa, bệnh hoa liễu và dịch hạch, tất cả quần áo đó phải được đem giặt bằng nước sạch trước mặt tôi. Nếu không tôi sẽ mặc quần áo lót ra khỏi nhà thương này và đi rao khắp quảng trường Đức bà rằng các khoản quyên góp của các nhà giàu và tiền trợ cấp của Nhà nước cho bệnh viện làm phúc này đã chui vào túi của mấy ông quản trị cả rồi.
– Nếu chị làm thế, tôi sẽ cho bắt giam chị vào với bọn điên. – Viên quản trị cúi xuống nói với vẻ dữ tợn.
Nàng run lên, nhưng không nhượng bộ. Nàng chợt nhớ tới danh hiệu thầy bó tiên tri mà cô gái Bôhêmiêng gán cho mình. Nàng liền nói:
– Tôi phải báo trước để ông biết: ông lại nhúng tay vào tội ác đê tiện mới này, toàn thể gia đình ông sẽ chết hết trong năm tới.
Nàng vừa duỗi dài trên cái đệm rơm nhơ nhớp vừa nghĩ thầm: “Mình đe dọa thế hắn cũng chẳng sợ gì. Bọn đàn ông ngu đần ấy mà…”
Không khí các phố xá Pari, mà trước kia nàng thấy hôi thối, nay lại có vẻ trong lành tuyệt vời khi cuối cùng nàng lại thấy mình được tự do, còn sống và mặc quần áo sạch ở bên ngoài tòa nhà thương gớm ghiếc.
Nàng bước đi, khá vui vẻ, ẵm đứa con trong tay. Chi có một điều làm nàng lo lắng: nàng rất ít sữa. Bé Canto đã khóc suốt đêm trước, bú mãi không no.
– Ở khu Tămplơ có những đàn dê – Nàng nghĩ thầm – Mình sẽ nuôi con bằng sữa dê.
Thế bé Phlôrimông ra sao? Chắc chắn bà Coócđô không bỏ rơi nó, bà ấy là người tốt bụng. Nhưng nàng vẫn nhớ đứa con đầu như thể đã xa rời nó hàng năm rồi.
Khi bước tới gần nhà bà góa Coócđô, nàng nghe thấy tiếng một đứa trẻ khóc. Tim nàng đập thình thịch, và nàng có linh cảm đó là bé Phlôrimông. Một chú bé bước lảo đảo trên tuyết, bị một đám nhóc con đuổi theo sau, vừa ném tuyết vào người cậu vừa la:
– Thằng phù thủy! Ê, thằng phù thủy ranh! Cho xem cặp sừng của mày nào!
Angiêlic thét lên một tiếng, nhảy bổ tới, nắm lấy đứa bé, ôm chặt nó vào lòng, lao vào bếp nơi bà Coócđô đang bóc vỏ hành trước bếp:
– Sao bà nỡ để bọn du côn hành hạ cháu bé thế này?
Bà cụ lấy mu bàn tay lau đôi mắt ướt:
– Ôi, con gái của tôi, con chớ la hét nhiều thế! con đi vắng, tôi chăm sóc cháu bé rất cẩn thận, mặc dù tôi không chắc còn gặp lại con nữa. Nhưng dù sao tôi không thể ôm nó suốt ngày trong lòng được. Tôi cho cháu ra ngoài để cháu hít thở không khí trong lành. Con muốn tôi phải làm gì khi lũ trẻ gọi nó là “phù thủy”? Đúng là bố nó đã bị thiêu ở quảng trường Grevơ phải không? Cháu nó phải quen với điều ấy. Thằng con tôi cũng chẳng lớn hơn cháu bao nhiêu khi mà bọn trẻ con bắt đầu ném đá vào nó và gọi “ Thằng Thừng quấn cổ. Ôi, thằng cháu này mới kháu chứ! – Bà lão kêu lên và bỏ con dao xuống để lại gần nàng, ngắm bé Canto đầy vẻ thán phục.
Angiêlic bước vào căn buồng nhỏ của mình, và lại cảm thấy thoải mái. Nàng đặt hai đứa con lên giường và vội đốt lò sưởi.
Nàng tháo bớt tã lót cho bé Canto và ẵm nó lại gần lò sưởi. Đứa bé duỗi thẳng tay chân nhỏ xíu. Trời! Không biết nhờ phép kỳ diệu nào mà nàng sinh được một đứa bé bụ bẫm thế này, trong những giờ phút gian nan đau khổ biết chừng nào!
Nàng chỉ được sống bình yên trong khu thành Tămplơ. Nàng còn lại một ít tiền, và hy vọng chờ Raymông quay về. Nhưng một buổi chiều, nàng được viên quản tư pháp của khu Tămplơ gọi lên, ông này phụ trách trật tự an ninh riêng của khu vực có đặc quyền này.
– Con gái ạ. – Ông ta nói thẳng không hề gượng nhẹ – Thay mặt ngài Đại tu viện trưởng, ta có nhiệm vụ thông báo cho con biết là con phải rời khỏi khu cấm thành này. Con biết đấy, ngài Đại tu viện trưởng chỉ bảo hộ cho những người dân lương thiện có thành tích tốt, không làm hại chút nào tới danh tiếng cao quý của khu cấm thành. Con phải đi thôi.
Angiêlic mấp máy môi, định hỏi xem họ chê trách nàng về tội lỗi gì. Rồi nàng lại nghĩ hay là mình nên đến quỳ sụp dưới chân Công tước Văngđôm, là Đại tu viện trưởng để xin ngài gia ân cho. Nhưng nàng chợt nhớ lời Đức Vua: “Ta không bao giờ muốn nghe nói đến tên bà nữa.”
Vậy là họ đã biết rõ nàng là ai! Có lẽ bọn họ vẫn còn sợ hãi nàng… Nàng hiểu rằng cầu xin những linh mục dòng Tên này nâng đỡ nàng là vô ích. Các vị đó đã giúp nàng một cách trung thực chừng nào còn hy vọng bảo vệ được nàng. Nhưng nay số phận nàng đã được quyết định, thì tất cả những ai liên quan đến công việc đau khổ này, như linh mục Raymông, sẽ bị các vị trong dòng đạo cho lui về hậu trường.
– Được rồi. – Angiêlic nghiến răng nói – Tôi sẽ rời khu thành này trước lúc nửa đêm nay.
Trở về buồng mình, nàng gói ghém mọi đồ lề vào cái hòm da, mặc cho hai con thật ấm và xếp chúng với đồ đạc lên một cái xe cút kít. Bà góa Coócđô ra ngoài chợ vắng, Angiêlic để lại một túi tiền nhỏ trên bàn:
“Khi nào mình khá giả một chút, mình sẽ quay trở lại và sẽ hào phóng hơn”. – Nàng tự nhủ.
Đẩy chiếc xe cút kít qua các phố, lấm bê bết bùn và tuyết tan, nàng không lúc nào rời mắt khỏi khuôn mặt của hai đứa trẻ nằm sát bên nhau trong chiếc chăn. Số phận của hai sinh mạng yếu ớt nặng trĩu trên đôi cánh tay nàng.
Bên trên các mái nhà, bầu trời trong vắt không một gợn mây. Đêm nay sẽ không có sương giá đóng băng, tiết trời mấy ngày vừa qua đã ấm lên. Và những người dân nghèo thấy nhen lên trong lòng chút ít hy vọng, khi ngồi bên lò sưởi không có củi đốt.
***
Chị hầu gái Bacbơ kêu to khi nhận ra Phlôrimông. Đứa bé giơ tay ra theo ngay và hôn chị rối rít.
– Lạy Chúa, chú bé đẹp như thiên thần của tôi đây! – Chị đầy tớ lắp bắp.
Đôi môi chị run run, mắt ướt đẫm. Chị nhìn Angiêlic chằm chằm, như nhìn thấy một bóng ma từ mồ đi lên. Phải chăng chị đang so sánh người phụ nữ gầy gò, khuôn mặt khó đăm đăm, ăn mặc nghèo nàn hơn cả chị, với bà phu nhân đến đập cửa nhà này chỉ cách đây vài tháng?
Một tiếng kêu bị nén lại từ trên đầu cầu thang khiến Angiêlic quay lại. Ooctăngxơ, tay cầm nến, đứng đờ người vì khủng khiếp. Đằng sau, biện lý Phalô hiện ra: ông ta há miệng kinh sợ khi trông thấy cô em vợ.
Rốt cuộc, sau những phút im lặng kéo dài, Ooctăngxơ mới giơ nổi một cánh tay thẳng đờ và run run ra:
– Đi ngay! – bà ta nói, giọng không có chút âm sắc nào – Mái nhà tôi chứa chấp một gia đình bị nguyền rủa, tính đến nay đã quá lâu rồi!
– Câm mồm, con mụ điên! – Angiêlic đáp và nhún vai.
Nàng đến chân cầu thang và ngước mắt lên nhìn chị ruột:
– Tôi đi đây. Nhưng tôi yêu cầu chị cho hai cháu nhỏ vô tội này vào nhà, các cháu chẳng thể làm hại chị điều gì.
– Đi ngay! – Ooctăngxơ nhắc lại.
Angiêlic quay lại phía chị hầu gái, đang ôm hai anh em Phlôrimông và Canto trong tay:
– Cô trao hai đứa bé cho cháu, Bacbơ ạ, cháu thân yêu. Này đây là tất cả số tiền cô còn lại, để cháu mua sữa cho chúng nó. Em Canto không cần vú em, em thích sữa dê…
– Đi ngay! Đi ngay! Đi ngay!- Ooctăngxơ thét lên mỗi lúc một to.
Và bà ta bắt đầu giậm chân.
Angiêlilc bước ra phía cửa. Nàng quay lại nhìn lần cuối, cái nhìn không phải cho hai con mình mà cho chị ruột.
Cây nến trong tay Ooctăngxơ cháy leo lét, rọi lên khuôn mặt cau có và giận dữ của Angiêlic những bóng tối hãi hùng.
“Ấy vậy mà – Angiêlic nghĩ thầm – Trước kia cả hai chị em đã từng nằm chờ xem bóng ma “phu nhân Môngtơlu” vươn đôi cánh tay ra đi lang thang qua các phòng ngủ nhà ta… Và cả hai đều sợ run lên trong cái giường rộng, và nép sát vào nhau…”
Nàng khép cánh cửa, bước ra ngoài. Trong giây l nàng dừng lại nhìn người thư ký trèo lên cái thang gập để thắp ngọn đèn treo lớn trước cửa văn phòng ngài biện lý Phalô Xăngxê.
Rồi, quay gót, nàng lao mình vào Pari trong đêm tối.